Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Cho tớ xin lỗi …

  Hạnh Thảo (gửi cho HAT blog)

... Thanh 'Ghít'

Hồi ấy nhà ai cũng nghèo. Tivi, tủ lạnh là những thứ xa xỉ hiếm hoi. Thế mà nhà mình có cả 2. Chẳng là mình có 1 ông bác rể tiếp quản Sài Gòn hồi 30-4, năm đó bố mình đi công tác được bác cho 1 cái TV đen trắng và 1 cái tủ lạnh 50l, cả 2 cái đều có tuổi đời chắc bằng tuổi bác mình.
Cái TV thì luôn luôn phải chữa theo kiểu Azit Nexin, ý là mỗi khi màn hình nó chớp loằng ngoằng dây điện thì phải đấm bụp cho nó 1 phát, mà phải đấm mạnh thì nó mới trở lại bình thường.
Cái tủ lạnh thì chạy được một ít lâu. Chủ yếu là để làm mấy cục đá. Lúc đầu lấy đá ra 2 chị em mình thấy khói bốc lên từ cốc đá còn thổi lấy thổi để - cho nó chóng nguội theo thói quen (tham ăn mà). Nhưng cái tủ thì đã đến tuổi về hưu, điện lúc đó thì lúc yếu, lúc mạnh cứ nhảy tanh tách như cào cào… thế là đến ngày cái tủ lạnh bị đột quị trong niềm tiếc nuối của cả nhà.
Không biết ai đồn, các bạn biết được nhà mình có cái tủ lạnh. Một hôm đi học về Thanh ‘Ghít’ thẽ thọt bảo:
- Mày cho tao 1 cục đá.
Chết mình rồi, tủ lạnh hỏng rồi còn đâu, mà sao mình cứ ú ớ chẳng giải thích được gì cả.
Thấy có vẻ như mình không đồng ý, Thanh Ghít thương lượng:
- Hay là mày cho tao vào xem cái tủ lạnh nhà mày 1 tí thôi.
Mình bối rối đỏ cả mặt quay đi. Chắc Thanh nghĩ mình keo kiệt lắm!
Tớ xin lỗi Thanh, không phải tớ kiệt xỉ đâu, bây giờ thì bạn hiểu rồi đấy.
Hôm nào Thanh vào Sài Gòn, tớ mời bạn đến nhà tớ chơi, tớ sẽ tặng bạn …2 cục đá luôn, nhé!


... Thắng 'Thống'

Không biết tại sao các phụ huynh đều cho là mình ngoan hiền, có bác hàng xóm còn lấy mình làm gương cho mấy em nhỏ hơn. Nhưng thực ra mình không phải vậy, nếu ngoan hiền thì đã không bị gẫy tay, mà những 2 lần .
Lớp 5, mình bị gẫy tay lần thứ 2 vì tội đi xe đạp khung ngang mà không chịu đi theo kiểu “chân chó”. Chân thì ngắn, vắt lên khung ngang xong ứ xuống được, thế là ngã gẫy tay.
Mình phải nằm viện mấy ngày để bó bột. Hôm ở trong viện Thắng ‘Thống’ tới thăm, hình như lúc đó mẹ Thắng cũng bị bệnh nằn trong bệnh viện. Thắng nhìn mình thương cảm:
- Thảo ơi, Thảo bị gẫy tay à?
Mình bối rối thật sự, cảm giác lúc đó thế nào nhỉ - xúc động vì bạn hỏi thăm; xấu hổ vì con gái mà bị gẫy tay xấu xí quá; bối rối vì thường ngày mày tao gây nhau chí chóe mà bây giờ bạn dịu dàng thế…. Không biết nói gì, tự nhiên mình bật ra, vô thức:
- Ừ, tao gẫy tay đấy, mày tức à!!!
Ôi vô duyên làm sao, mình gẫy tay mà bạn lại phải tức… chẳng liên quan gì…. Nhìn bạn quay đi mình đã muốn chạy theo xin lỗi bạn ngay lúc ấy, nhưng vì trẻ con, lại hay xấu hổ nên mình cứ đứng chôn chân tại chỗ, lòng mang nặng cảm giác day dứt…
Cho mình xin lỗi bạn. Và mình cũng cảm ơn bạn thật nhiều. Chỉ có mỗi bạn tốt bụng hỏi thăm mình thôi, còn bọn nó khi thấy mình ngã cứ đứng vỗ tay cười; khi thấy mình đeo cái tay bó bột, cứ trêu mình là đeo khẩu AK .
Và có dịp gặp lại, nếu mình có nói cái gì không hay ho cho lắm thì Thắng phải hiểu là mình đang bối rối / xấu hổ và bạn nhớ “phiên dịch” lại là mình đang cảm ơn Thắng nhé.

(Thảo béo)

Xem thêm bài của Thảo:
- Cô Bản

Thầy Thao

Hạnh Thảo (gửi cho HAT blog)

Thầy Thao dạy môn Sinh. Thầy dạy lớp mình năm lớp 6. Thầy đậm người, không béo bằng thầy Tuất, nhưng thế cũng là béo tốt so với mọi người thời bấy giờ. Vợ thầy là cô Dậu, cũng dạy trong trường. Cô không dạy lớp mình ngày nào, và cũng nhạt nhòa trong các hoạt động của trường, nhưng mình nhớ tên cô vì mùa đông cô luôn có một cái khăn vuông gấp chéo vào rồi đội lên đầu, trông quả thật rất giống 1 bà mẹ gà mái trong các mẩu truyện tranh.
Quay lại chuyện thầy Thao. Cái dáng của thầy khi viết bảng hơi khác với các thầy cô khác. Thường thì các thầy cô hay đứng nghiêng sang một bên cho lịch sự (chắc thế) và cũng là để cho học sinh kịp nhìn thấy những gì mình đang viết. Còn thầy thì không, cứ là 90o vuông góc với bảng thôi, mà mông thầy thì lại tròn….
Một hôm, giữa mùa đông rét như cắt thịt, thầy đang cắm cúi viết bảng bỗng “bụp” một phát, chỉ kịp nhìn thấy thầy nhảy dựng lên giữa bục giảng, miệng la oai oái, tay đầy phấn xoa lấy xoa để vào cái mông tròn căng. Bạn nào ác quá, lấy cọng dây thun chơi ngay một quả đạn đồng hình chữ U vào mông thầy… mùa đông chạm mạnh còn đau, đạn giấy quấn lại mà bắn đã đủ chết, thế mà đây là đạn đồng…. lúc đấy trẻ con, tụi mình cứ khinh khích cười, nhưng nghĩ cũng thương thầy thật…. Mà hình như thủ phạm không phải lớp mình, là bạn lớp khác shoot từ ngoài cửa sổ lớp thì phải …
Thầy giảng bài không ấn tượng lắm, trừ một lần. Hôm ấy học bài về sự trao đổi chất. Thầy bảo:
- Sự sống là phải có trao đổi chất, nếu ngừng trao đổi chất là sự sống chấm dứt, tức là chết. Hay ví dụ như ra ngoài chỗ ngã tư đường tàu kia mà có tai nạn chết người chẳng hạn, thì các em có thể rủ nhau “chúng mày ơi ra kia xem có người chết kìa”; hoặc các em cũng có thể nói “chúng mày ơi ra xem ở ngoài kia có người ngừng trao đổi chất!!!”
Ôi mẹ ơi, con đi “ngừng trao đổi chất” đây!
Hôm ấy về nhà mình không phải học bài cũng thuộc!

(Thảo béo)
------------------------------------------

HAT

Đọc mẩu chuyện này của Thảo béo mà không nhịn được cười. Phục sát đất bạn Thảo về trí nhớ những vụ việc kiểu này. Còn Phúc kèn nữa chứ, hơn 30 năm trôi qua rồi mà bạn vẫn đọc họ tên cả lớp vanh vách, từng đứa nhà ở đâu, lại cả những đứa vào cùng 4A, nhưng đã chuyển đi hồi lớp 5 lớp 6. Tớ chịu!

Hồi lớp 1 tớ học cô Dậu vợ thầy Thao đấy. Lớp 2 là cô Yến, lớp 3 là cô ... cô ... cô ... ai học cùng nhắc vở giùm chút đi.

Thầy Tuất

Hạnh Thảo (gửi cho HAT blog)

Thầy Tuất dạy chúng mình năm lớp 4. Thầy là bộ đội, thương binh, nhưng nhìn ở ngoài thì không ai biết. Thầy rất là béo, béo đến mức mình biệt danh Thảo ‘béo’ còn phải công nhận thầy béo quá. Khi lớn hiểu  biết rồi mới biết béo cũng là 1 bệnh, mới biết thương thầy. Còn hồi ấy mỗi lúc thầy cúi xuống, nhìn từ đằng sau, mình cứ trộm nghĩ nếu gắn cho thầy 1 cái đuôi thì đích thị là một con voi (em xin lỗi thầy ạ, nhưng mà giống lắm í). Thầy còn có 1 cái răng vàng (hay đồng nhỉ) ở khóe miệng. Hồi ấy mình nghĩ sao thầy giầu thế, và cũng đã có lần ước ao giá mà mình có 1 cái răng như thế  (ước về mặt vật chất thôi, không phải về mặt thẩm mỹ à nha…)

Thầy Tuất rất vui tính, thầy là người đặt biệt danh cho Giao ‘bầu’ và Mích ‘21’. Mình nhớ thầy còn lấy bút vẽ lên bìa vở (chắc là vở nháp) của Giao 1 con dao bầu rất giống. Thầy vui tính vậy thôi, nhưng mà cũng nóng tính lắm. Thầy mà quát lên thì cứ mà rụng hết cả tim ra ngoài. Thầy có cách phạt rất khác thường. Bạn nào nói chuyện riêng trong lúc thầy đang viết bảng, thầy ném ngay mẩu phấn viết đã gần hết xuống bạn ấy, rồi bắt 2 bạn đang nói chuyện ấy tìm bằng được mẩu phấn khênh lên cho thầy, mà 2 bạn phải khênh  bằng 2 tay. Ôi trời, 8 ngón tay chạm vào cái mẩu phấn sắp tan ra thành bụi ấy, rồi rón rén đi từ cuối lớp đi lên, rơi giữa đường là phải làm lại… đứa nào cũng sợ.

Hồi ấy chúng mình học buổi sáng, lớp mình ở tầng 1 ngay sát cầu thang, cái lớp đằng sau lưng các bạn trong ảnh ấy. Trường mới, lớp mới, đứa nào cũng thích, nhất là thích được leo cầu thang, thích như trẻ con được đi thang cuốn trong các trung tâm thương mại bây giờ ấy. Thầy Tuất sợ chúng mình lên trên lầu làm ảnh hưởng đến giờ học các anh chị lớp trên nên mới ra qui định là ai cứ bước lên cầu thang 1 bậc thì tổ của người đó bị trừ 1 điểm thi đua vào cuối tuần. Càng cấm, càng thèm. Ngoài trường ra thì có ở đâu có bậc thang để trèo nữa đâu!

Nhà ở gần trường nên ngoài giờ học, nhóm Đồi Độc Lập hay kéo nhau ra trường chơi. Một buổi chiều chúng mình đang chơi đuổi bắt thì Hà ‘cối’ bảo:
- Tao cho chúng mày lên cầu thang đấy, tao không mách đâu. Chúng mày nhìn này, tao cũng trèo.
Nói rồi nó nhảy tưng tưng lên mấy bậc cầu thang. Mình với Hiền ‘sì’ sướng quá, tung tăng chạy lên chạy xuống, chưa bao giờ thỏa mãn như thế.

Cuối tuần, giờ sinh hoạt lớp, Hà ‘cối’ đứng lên mách tội 2 đứa chúng mình, nó bảo nó đếm được mình với Hiền ‘sì’ đi lên đi xuống tất cả là mấy trăm bậc (con số mình quên rồi). Hiền ‘sì’ tức quá tố lại, nó cười đắc thắng rồi bảo nó lên có mấy chục bậc à, vậy là tổ nó bị trừ có mấy chục điểm, còn tổ mình với Hiền ‘sì’ bị âm mấy trăm điểm. Đau quá! Đau quá! Ghét thằng Hà ‘cối’ không thể tả được!

(Thảo béo)
-----------------------------------------

HAT nói leo chút

Nghe Thảo kể nhớ lại thì đúng là hồi ấy làm gì có chỗ nào có cầu thang mà trèo đâu. Toàn phải lén leo lên tầng 2 vào buổi chiều, xé vở gấp máy bay phi xuống.
Mỗi lần tớ được theo bố mẹ ra chơi ở khu Văn phòng Gang thép là tranh thủ chạy lên chạy xuống hàng chục lần cho đủ hết 4 tầng cầu thang. Lâu lâu không được leo trèo cuồng chân thì ra Đồi Độc Lập trèo tạm mấy chục bậc đường lên Hội Trường trên đỉnh đồi. Hình như trên đó giờ là trường tiểu học.
Tớ cũng có một kỷ niệm rất đau với thằng Hà cối này đây, kể trong bài "Những điểm 2".

Bài liên quan:
- Trường Độc Lập
- Cô Thành dạy Sinh
- Thầy Tuấn
- Những điểm 2

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Trần Đăng Tuấn: Hôm nay lên Suối Giàng

Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt. Vậy có thời gian thì phải đi để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất.Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến Trọc, rủ đi cùng. Tiến Trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng (thằng cha này số sướng)ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù . Thì thôi vậy !
Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê. Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết : Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ  lục vấn mãi : Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ?. Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác người Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo : Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó . Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa , ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.
Hỏi : 80 đứa chỉ ăn  cái nồi cơm này đủ à ?. Bác H Mông nói : Nồi to lắm đấy, 13 -14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi : Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau…. Bây giờ mới nhìn ra chỗ tôi tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa . Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi : Sao ít rau thế? – Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy . Thế có thịt cá ăn bao giờ không ?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.
Một nồi cơm ( hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải ( gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa – nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng ?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11…vv..và ..vv..
Bọn mình nói : Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không?. Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, hỏi: Đủ mua thịt chưa?. Bác người Mông : Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà.. Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi, ở mé núi bên kia.
Lúc đi xuống, cậu lái xe, vốn ít nói, văng ra : Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế  nào được !
Sống thì chắc được thôi , nhưng mình nghĩ học khó vào lắm . Hồi đi học , lúc nào mình cũng muốn ăn , dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều . Khi  bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân , cả ngày thấy đói . Ăn tập thể , xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng  cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái tán, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa . Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong  người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây..Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.
Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở. Có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa “ Nhóm bản Lóp”, “ Nhóm bản…”.. Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất .
Sang bên khu nội trú (cũng dân nuôi) của trường trung học thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh, vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo. Bếp chung luôn với khu giường tầng, cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn, thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó ( lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ. Hỏi : Thế có món gì nữa không hả cô ?. Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem, thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây, cũng tiêu chuẩn 5 ngàn /tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp 1. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn. Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 ngàn tiền thức ăn ( trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân chúng nó mỗi đứa mỗi ngày có được 2.000 đ tiền thực phẩm ( bên cấp 1 chỉ 1 ngàn/ngày, như ông nấu cơm nói cho chúng tôi biết) . Quy củ hơn bên cấp I, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt . Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ ( cái này mình biết rồi , hôm ở gần Mèo Vạc mình cũng nhìn trẻ con trường nội trú ăn cơm, thấy chúng nó ăn cái món gì cứ trắng trắng, mình cầm bát lên nhìn kỹ, thì ra là đậu phụ màu trắng có lẫn thịt mỡ bèo nhèo, cũng màu trắng, cái bát nhôm méo cũng trăng trắng nữa, hóa ra một món màu sắc như vậy. Hôm đó các thày cô giáo nói thật là có khách đến thăm nên mới thêm món đó, chứ theo lịch thì chưa đến ngày có món ăn mặn).
100 ngàn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy .
Mỗi anh em gởi Cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn  cho học sinh .
Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó , mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo . Mỹ Linh ( Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh nói rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén. Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ  lắm chứ .
Đi xuống, gặp cô người Mông trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá. Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa “ Cho tao mang về nuôi nhé”, thì trả lời “ Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà !”. Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé ( mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt gạt ra, phải dúi vào tay mới chịu lấy.
Trên đường trở ra, mới tính kỹ :  Mỗi khu nội trú ( một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai)  ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho bọn cấp hai, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ ngày, hay là 9 triệu đồng/ tháng. Mỗi năm sẽ cần 108  triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi : 18 triệu/ tháng, hay 216 triệu/ năm .
Nếu cứ như thế 10 năm, để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ (chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng , vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu. Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm !. Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi. Nhưng để có 125 đứa trẻ (à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng…thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không ?. 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ ( VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội)  – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.
Mình biết nước ta nghèo ( nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không ?.
Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến Trọc và Thánh Cô để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này . Bước đầu là 1 bữa có thịt/ ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt/ngày, hay dự án 18 triệu/tháng. Lạy giời , đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu !
Hay là bàn với Tiến Trọc và Thánh Cô lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao?. Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web…Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.
 Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số,chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với  mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.
Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra: Từ lúc rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi  gì đó ấm áp lẩn khuất, mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được. Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu ?. Cô giáo trả lời : Dạ, không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn… Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền  nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi .
Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến Trọc – đấy , chính cái dòng: “Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ”…mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về, chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.
22 .9.2011
T.D.T

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Lần đầu đi máy bay

Bố mẹ mình quyết định đi Buôn Mê Thuột thăm bà cô mình bị ốm nặng, rồi tiện đường sang Gia Lai dự đám cưới đứa em họ bên nội, gọi bố mình là bác ruột.

Các cụ định đi tàu vào Nha Trang, ở đó mình cũng có bà cô ruột khác, rồi đi ô tô lên cao nguyên. Nhưng bà cô ấy đằng nào cũng đi cả gia đình lên Buôn Mê Thuột lẫn Gia Lai, tức là mọi người đều sẽ gặp nhau ở Tây nguyên, nên mình thuyết phục bố mẹ đi máy bay thẳng đến BMT: nhanh, đỡ mệt, mà lại mua được vé giá khá bèo - 1 triệu 200 ngàn một vé HAN-BMT một chiều, chỉ đắt hơn vé tàu chút xíu. Bố mẹ ưng liền, nhưng chỉ lăn tăn chưa đi máy bay bao giờ, không biết đi ra sao. Mình phải hứa sẽ đưa các cụ ra tận máy bay (nói vậy thôi chứ đến cửa an ninh là stop).

Tiếp theo là các bài thuyết trình từ A đến Z các điều cần biết khi đi máy bay, từ việc xếp hành lý, không mang theo các đồ vật bị cấm (kể cả kem đánh răng hi hi), cách check-in, qua cửa an ninh, những giấy tờ gì gì, ... cho đến trên máy bay gấp mở bàn ăn ra sao, túi nôn để ở đâu, ... sử dụng toilet thế nào. Nói vậy bởi nhớ lại hồi mình học tiếng Nga ở Thanh xuân chuẩn bị đi du học, người ta toàn dạy Ngoại ngữ với Đạo đức, mà chẳng ai chỉ bảo phải cầm dao cầm dĩa thế nào, hay xử sự thế nào trên máy bay. Thế cho nên mới có chuyện mấy bạn học sinh nhà ta, hôm qua còn đi cày, hôm nay lên máy bay đâu biết đóng mở cái cửa toilet thế nào, rồi người khác xông vào thấy anh chàng đang ngồi, mặt đỏ bừng bừng. Rồi hai cô cùng chui vào toilet một lúc, làm mấy anh Tây mắt tròn mắt dẹt tưởng lesbies.  Rồi có anh đứng cả tiếng trong toilet vì không biết làm sao cho nước chảy ra để rửa tay. Tất nhiên đó là chuyện 25 năm trước, giờ dân ta cũng đã văn minh hơn nhiều rồi.

Thế là trưa qua gọi taxi đưa bố mẹ ra Nội Bài. Mẹ mình còn hay bị say xe, từ nhà đến sân bay đã xanh mặt. Đã thế lại phải đi bộ lẽo đẽo theo mình từ tầng 2 xuông tầng 1, vì điểm check-in của chặng HAN-BMT bị chuyển xuống tầng 1, sau đó lộn lại tầng 2 để vào phòng chờ. Ở chỗ kiểm tra an ninh thấy bố mẹ đứng mãi không đi, rồi thấy lục tung túi xách tìm gì đó, rồi thấy chạy ra đưa mình cái kéo gập loại để cắt móng tay dính ở chùm chìa khóa. Lúc bố mẹ bắt đầu lên máy bay mình mới về. Cũng hơi lo lắng vì đêm qua bão số 4 đổ bộ vào Miền Trung, chiều qua mấy chuyến bay Huế, Đà nẵng, Buôn Mê Thuột phải hủy. Đáng lẽ mình phải quyết đoán bỏ béng mấy cái vé đi, mua vé khác bay hôm sau cho lành. May quá máy bay cất cánh đúng giờ.

Canh chừng máy bay đã đến BMT, mình gọi điện thấy tò tí te. Gọi mấy lần không được. Lo thực sự. Rồi 2 tiếng sau mẹ gọi mới biết ở BMT mưa to quá, máy bay không hạ cánh được, phải bay vào Sài Gòn, ngồi phòng chuyển tiếp. Thương hai cụ đoạn trường long đong. Đành phải dặn cứ bình tĩnh, luôn đi theo đoàn. Nếu đói thì một người đứng với đoàn, một người ra phòng chờ mua đồ ăn. Điện thoại di động phải luôn túc trực, tránh lạc, vì Tân Sơn Nhất to và đông người thế. Rồi đến 18h thì cả đoàn được đưa về khách sạn nghỉ đêm. Có thể thở phào nhẹ nhõm. Thậm chí nếu là mình gặp cảnh này, mình còn thấy khoái là khác: tự dưng được đi chơi Sài Gòn một tối miễn phí, sẽ a lô mấy đứa bạn quen ra quán bia, hoặc nếu sớm sủa thì phi ra phòng trà Tiếng Tơ Đồng hoặc M&Tôi nghe nhạc cho đã. Nhưng các cụ già 70 tuổi không dám, và cũng không thích lang thang ra đường nơi thành phố lạ hoắc, thêm nữa về đêm trời mưa to.

Sáng nay nghe bố mình bảo người ta dẫn đi ăn, rồi chở ra sân bay. Khoảng 4 tiếng sau thì báo đã về đến nhà bà cô ở BMT. Lại thấy mẹ khoe bay máy bay khỏe re, không bị say như đi ô tô. Hôm nay ở BMT trời quang, còn ở Hà Nội cũng nắng đẹp rực rỡ.
Trút được gánh nặng trong lòng.

Bài thực hành hóa duy nhất

Minh Phúc (gửi cho HAT blog)


Bây giờ học sinh khi học các môn đều có thí nghiệm rất nhiều. Chứ thời mình đi học mình nhớ chỉ có vài lần cô giáo mang đồ dùng dạy học lên lớp. Một lần có cái mô hình động cơ đốt trong bốn kì cho môn lý thì phải còn về môn hóa thì có bài thực hành “Điều chế ôxy từ thuốc tím” là duy nhất.
Để chuẩn bị cho bài đó thì đứa nào cũng phải có ống nghiệm kèm theo giá thí nghiệm tự chế, đèn cồn (mà ai không có cồn thì là dầu thì phải) cũng tự chế nốt và thuốc tím (mà không hiểu làm cách nào mà hầu như đứa nào cũng có đủ).
Đến ngày hôm đó đứa nào cũng hớn hở mang đồ đến. Vào giờ ra chơi cả lớp liền đóng kín hết tất cả cửa sổ vào rồi tắt điện đốt đèn cồn lên. Không khí thật tưng bừng náo nhiệt. Không hiểu ai nghĩ ra mà có một bàn gần cuối lớp (có lẽ là bàn của Thanh Ghit – có ai nhớ rõ không?) liền đổ cồn vào cái lỗ để lọ mực trên bàn và đốt. Cả lớp reo hò ầm ĩ. Được một lúc thì cồn cháy hết, lửa liền bén vào gỗ của bàn, cả lớp xanh mắt tìm cách dập, may mà cũng dập được. Nhưng cái bàn thì bị cháy đen một khoảng. Cả lớp đang tận hưởng niềm vui dưới ánh đèn cồn, đèn dầu  lung linh với khói tỏa mù mịt thì cô Hòa dạy địa mở cửa bước vào (trước giờ hóa là giờ địa) trước sự bất ngờ của cả lớp (mải chơi có ai nghe thấy trống vào lớp đâu cơ chứ) và….
Các bạn có nhớ không?
Cửa lập tức được mở ra
Đèn đồng loạt được tắt ngay tức thì
Một bài ca “không theo yêu cầu thính giả” kéo dài hết giờ luôn
Không ai ngờ cô Hòa xinh và thường ngày hiền là thế lại “ca” được hết giờ mà “thính giả” chỉ còn biết cúi đầu “lắng nghe”, nhưng có đứa nào cho vào tai vì vẫn còn dư âm của ánh đèn lung linh.
Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với mình, thỉnh thoảng mình lại kể cho mọi người nghe.
Bạn nào nhớ thêm chi tiết nào bổ xung thêm với nhé.

(Phúc kèn)
-------------------------------------------

HAT
Hôm nay Trà Quán của tớ được mùa bội thu. Cảm ơn mọi người ghé thăm và mang quà đến tặng chủ Quán nha.
Về cái vụ thí nghiệm hóa. Tớ có ông cậu làm ở Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội cho mấy cái ống nghiệm, nâng niu như thứ đồ chơi vô cùng quý giá. Đến hôm làm thí nghiệm đốt thuốc tím để chế ô-xy, tớ làm cả cái giá đun đèn cồn cực kỳ công phu nhá, với bao nhiêu điểm xoay, vặn để dễ dàng điều chỉnh góc nghiêng và độ cao của ống nghiệm, cực pro nhá. Thí nghiệm xong rồi tớ nhanh nhảu thảy tất chỗ ống nghiệm vào chậu nước (cho thầy cô rửa tay í mà), rồi bê ra ao sau trường rửa. Lúc đó mới biết món đồ chơi yêu quý nâng niu của tớ đã vỡ tan tành (nóng gặp lạnh đột ngột mà). Báo hại tớ còn bị đứt tay vì thủy tinh vỡ. Mới thấy học Lý lý thuyết thì OK mà lúc thực hành thì dốt kinh.
Nhắc đến cô Hòa tớ công nhận cô ấy xinh thật, nữ tính chứ không xinh kiểu ẻo lả như cô Lan đồng, hay xinh kiểu mạnh mẽ như cô Liên (bài viết liên quan các cô ở đây này). Suốt 3-4 năm bọn mình học cấp II hình như cô Hòa lúc nào cũng vác bầu.

Bài liên quan:
- Thầy Tuấn

Thầy Tuấn

Hạnh Thảo (gửi cho HAT blog)

Thầy Tuấn dạy Văn, thầy có cái cổ dài ơi là dài mà gầy ơi là gầy. Mỗi khi thầy giảng bài cái cục “quả táo” ở cổ thầy nó cứ chạy lên chạy xuống theo nhịp lời nói, mình cứ nhìn theo nó, chóng cả mặt, quên cả nghe thầy đang giảng cái gì. Lúc thầy cao hứng thì khổ thân các bạn ngồi ở dãy bàn đầu, có mà đội nón hay mặc áo mưa cũng không ăn thua gì…J
Một lần thầy bắt các bạn lên bảng đặt câu. Thành ‘con’ bị gọi. Gọi Thành xong, thầy ung dung đi vòng quanh lớp. Thành nhỏ con nhưng dáng đi lên bảng thật hùng dũng – chắc nghĩ được trong đầu rồi đây, khác hẳn vẻ rụt rè không tự tin thường ngày. Hai câu chóng vánh hiện ra dưới nét chữ xiêu vẹo của Thành (bảng không có dòng kẻ như trong vở):

       -  Tuấn hát hay. Tuấn học giỏi.

Không có gì đặc biệt – câu cũng thường thôi, mà cái bạn Tuấn ấy cũng thường thôi, học giỏi thì có nhưng mà hát hay thì …chưa chắc ạ… Mình đang lan man nghĩ thì một tiếng quát giật bắn người từ dưới lớp:
        -  A! thằng này láo! Thằng này láo! Đi xuống phòng Hiệu trưởng ngay!
Cả lớp ngơ ngác, rồi nhanh chóng hiểu ra – thầy cũng tên là Tuấn. Hức hức… không dám cười to, vừa buồn cười vừa sợ.

Thành ‘con’ cũng đành ra khỏi lớp, thầy lững thững đi sau, để lại khoảng trống sau lưng là cả lớp im phăng phắc, rồi khi thầy khuất sau cánh cửa lớp là 1 trận cười vỡ òa ra không kìm hãm được.
Mấy phút sau, Thành lao như tên bắn về chỗ ngồi im. Nghe báo cáo nhanh thì nó chạy trước rồi trốn vào gầm cầu thang (lớp mình là lớp cuối cùng trên tầng 2, phòng Hiệu trưởng ở tầng 1, dưới chân lớp mình), chờ thầy xuống tầng, đi về phía phòng Hiệu trưởng là nó vọt ngược lên cầu thang chạy về lớp.

Cả lớp lại ngồi im. Đau tim quá!
Khoảng 10 phút sau, thầy về lớp. Đến lượt thầy ngơ ngác nhìn khắp lớp, không chỗ nào trống cả. Mặt đứa nào cũng nghiêm túc như đứa nào. Thế là thế nào nhỉ? Cái thằng láo toét vừa viết tên mình lên bảng là thằng nào nhỉ? Thôi bó tay, dạy tiếp vậy…

Cả lớp thở phào….
-----------------------------------------
HAT
Thành con giờ là sĩ quan quân đội, công tác ở Thành đội Thái Nguyên.
Thầy Tuấn chắc về hưu lâu rồi, có ai biết tin về thầy không? Mình nhớ thầy có con là thằng Quế trạc tuổi bọn mình, một thằng nghịch phá hơn quỷ sứ, chơi đáo thần sầu. Các thầy cô cứ nhắc đến nó là thở dài: “con nhà giáo …”. Giờ nó làm gì nhỉ?
P/s: có bạn nói thầy Tuấn mất rồi. :(

Bài liên quan:
- Trường Độc Lập (Gang thép Thái Nguyên)
- Cô Thành dạy Sinh
- Bài thực hành hoá duy nhất

Cô Thành dạy Sinh

Hạnh Thảo (gửi cho HAT blog)

Hôm qua tớ ko ngủ được. Tớ nhớ lớp mình quá.
Mà blog cậu ghét tớ hay sao ấy, tớ vừa comment lại bị kick out, mất hết cả...
Đây cậu đăng cái này vào nhé, tớ vừa viết xong... chắc bị trừ lương thật quá, tớ chẳng làm được việc gì... thôi sếp thông cảm cho em, em sẽ cống hiến cho sếp gấp 3 vào lúc khác nhé :-).

Cô Thành dạy Sinh

Lớp 7, học về động vật, cô Thành bắt cả lớp nộp ảnh các con vật để lấy điểm 15’. Chắc cô một công đôi việc muốn bổ sung kho tàng giáo cụ trực quan của mình đây.
Cô nói rõ ràng: Phải là ảnh chứ không được nộp hình vẽ.

Mình về lục tất cả tập báo “Thiếu niên Tiền phong” – không có (toàn thấy hình bóng nhựa với bút thép, giấy xấu ỉn nhòe nhoẹt), lục tất cả tập họa báo xanh đỏ - không có (toàn hình sói với thỏ trong hãy đợi đấy, nhưng mà là hình vẽ, lại vẽ kiểu cartoon, không ăn giải rồi).
Con bé hì hục trèo lên giá sách của  bố, sau một hồi lục lọi thì cũng thấy cái mình cần trong một quyển gì dầy dầy, bìa cứng, giấy rất đẹp (mà sau này mình mới biết đó là quyển từ điển tiếng Nga của bố). Biết là sẽ bị ăn mắng đây, nhưng cô thì phải sợ hơn bố rồi, thế là con bé hì hục cắt: mấy con chim, con cá, con chuột… con gì nữa ấy… Mỗi hình chỉ bé bằng đầu ngón tay cái thôi, lại đen trắng nữa, nhưng mình phấn khích vô cùng, chắc mẩm lần này được điểm cao.

Đến lớp, thấy bạn Hồ Tuấn nộp cho cô một bức vẽ các loài chim, bức vẽ to bằng 2 cái thiệp sinh nhật bây giờ, hình như bạn mua ở chợ Dốc Hanh có 5 xu hay 1 hào thì phải. Mình lo thầm “ quả này chết rồi Tuấn ơi, cô không cho nộp hình vẽ”.
Không hiểu cô quên mất điều kiện ra đề của mình hay cô ưu ái cái bạn “con ngoan trò giỏi” ấy mà đến lúc chấm điểm cô giơ bức “chim” của bạn Tuấn ra làm mẫu trước lớp: “các bạn thấy không, nộp hình phải như thế này này: to, rõ ràng….” Mình ngỡ ngàng – to thì đúng là to rồi, kích cỡ của giấy A5 thì phải hơn ngón tay cái chứ; rõ ràng thì cũng rõ ràng thật, màu sắc xanh đỏ lòe loẹt thế cơ mà, của mình hình toàn đen trắng…. hic hic…. Rồi cô tuyên bố cho bạn Tuấn 10 điểm, mình được 7 điểm thôi…. Ôi tức chết đi được, cả quyển từ điển tan nát của bố so với 1 hào ở chợ Dốc Hanh, đổi lấy điểm 7, thà cho mình làm bài kiểm tra còn hơn, mình luôn thuộc bài, nếu làm kiểm tra 15’ không đời nào mình dưới 8. Ôi… mình thù quá…. thật là… unfair….

(Hạnh Thảo)


HAT:
Cảm ơn Thảo rất nhiều. Những mẩu chuyện nho nhỏ vui vui thế này khiến tớ sống lại những ngày tháng đi học ấy, thấy mình như trẻ lại 30 tuổi.
Về cái bức vẽ ấy mà, tớ kì cụi làm mấy ngày đấy, vẽ hay đề-can từ mấy hình trong sách rồi mượn bút màu tô, chứ hồi đó lấy đâu ra báo hay tạp chí màu mà cắt ảnh hay hình vẽ. Còn mua ư? Hồi đó 5 xu một cái kem to tổ bố, mà cả tháng may ra tớ mới được ăn kem một lần, tớ ngu gì đổi mấy cái kem lấy điểm 10, trong khi nếu làm bài kiểm tra thật thì kiếm 10 khó gì!
Tớ giữ nguyên lời hứa tôn trọng tác quyền nên không sửa chữ nào nhé, nhưng cái cách dùng từ “chim chóc” của cậu dễ gây hiểu lầm lắm đấy.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Trường Độc Lập (Gang thép Thái Nguyên)



Lớp 7A, Trường Độc Lập (Gang thép Thái Nguyên) – 03.1981
A. Hàng trước (từ trái qua phải): Đỗ Tâm, Giao, Liệu, Vân, Hải, Mai, Liễu, Đào, Hoa, Xuân, Quyên
B. Hàng giữa: Mích, Lệ, Tạ Tâm, Thảo, Yến, Nga, Thu, Hiền, Duyên, Ngọc, cô Tứ chủ nhiệm, bé con cô giáo, Hồ Tuấn, Long (đứng)
C. Hàng sau: Bằng, Dũng, Thắng, Thành, Thanh, Hoàng, Thái, , Tuyên, Lê Tuấn, Bình, Phúc, Loan, Nguyên, Hương.
D. Trên tầng 2: Ngà (lúc đó học lớp 7B).

Mình học cấp I và II ở Trường Phổ thông Độc Lập, khu Gang thép Thái Nguyên. Từ lớp 1 đến lớp 3, trường Độc Lập lúc đó là mấy dãy nhà lụp xụp lắm, mình nhớ lớp 1 mình học còn quây bằng liếp tranh ngăn một phần nhà kho. Bọn con gái mấy phen thấy chuột chạy ra chạy vô kho, sợ xanh mắt. Nhưng đến hè 1977, Khu Gang thép đầu tư xây cho ngôi trường mới khang trang. Năm lớp 4 bọn mình bắt đầu được học trong những lớp học mới còn nồng mùi vôi ve, bàn ghế cũng mới tinh luôn. Trường mình lúc đó có hai tầng hẳn hoi, có lẽ đẹp nhất trong các trường ở Thái Nguyên.

Cũng từ lớp 4, Trường bắt đầu thí điểm mô hình lớp chọn, tức là mỗi khối chọn từ các lớp ra khoảng 40 đứa khá nhất, gộp thành lớp A. Vậy là mình vào lớp 4A (Thầy Tuất chủ nhiệm), rồi lần lượt lên lớp 5A (Cô Tĩnh), 6A (Cô Tứ), 7A (Cô Tứ). Thầy Tuất to cao như hộ pháp, rất tốt bụng song nóng tính. Đứa nào nghịch ngợm bị thầy quát thì chỉ biết co rúm lại vì sợ. Những buổi thứ 2 tập hợp chào cờ ở sân trường, thầy hay đi chỉnh đốn hàng ngũ, quát oang oang, bọn học trò sợ lắm, răm rắp tuân lệnh thầy. Cô Tĩnh cao và gầy, lúc nào cũng thẳng như chiếc thước kẻ trên tay cô. Cả lớp rất quý cô, nhưng cũng sợ cô lắm, nhất là cô hay quy tội “đạo đức giả”. Hơ hơ mình cứ tưởng chỉ người lớn mới mắc thứ bệnh này (đạo đức giả) thôi chứ. Vẫn nhớ lần cả lớp đến viếng tang cụ thân sinh cô Tĩnh, đi bộ mấy cây số vào tận Cam Giá, bên bờ Sông Cầu. Vẫn nhớ vườn nhà cô có mấy cây cà-phê, đó là lần đầu tiên mình thấy quả cà-phê.

Cô Tứ làm chủ nhiệm lớp 2 năm liền, nhưng không có ấn tượng gì đặc biệt, có lẽ vì cô hiền lành, luôn nhỏ nhẹ. Nhà cô ngay sát trường, đông con, lúc nào cô cũng bận rộn. Thỉnh thoảng cô lại gọi mình và vài đứa trong lớp đến giúp cô cộng điểm. Thầy Hải hiệu trưởng thì lúc nào cũng nghiêm nghị, chải chuốt. Có lần thầy sắm đâu ra đôi giày tây bóng lộn đẹp kinh, khi thầy vào lớp mình dạy môn Đạo đức, cái đế giày chẳng biết làm bằng gì mà cứ crôôôp … crôôôp … crôôôp vang vang trong lớp học im phăng phắc (giờ thầy Hiệu trưởng mà, đứa nào dám nói chuyện!). Ở dưới bọn học trò phải bịt miệng để khỏi phá ra cười. Sau thì Thầy ngồi một chỗ giảng bài, cho đến hết giờ mới crôôôp … crôôôp … crôôôp  … đi ra.

Lớp A tập trung những đứa học khá nhất khối, thường ngoan, chăm học, vui và đoàn kết, rất thích. Có điều trong lớp ít con trai quá. Tụi tóc ngắn tuổi đó thích chơi bi, chơi đáo, chơi khăng, đá bóng … hơn thích học, nên bị tụi tóc dài vượt mặt cũng không có gì lạ. Kể ra trong số con trai, mình cũng thuộc loại quậy, nhưng là quậy ngầm thôi, lại học tốt, nên cứ bị tóm cổ làm lớp trưởng. Là lớp trưởng nhiều khi cũng oai như cóc, mỗi tội hay bị soi, cả thầy cô lẫn tụi bạn.

Ví dụ như hồi lớp 5, đang giờ sinh hoạt lớp, nhỏ Vân loe tự dưng tố cáo mình hay nói chuyện riêng trong giờ học. Mà của đáng tội mình hay nói chuyện riêng thật, có điều lựa lúc nói thì thào rất nhỏ với thằng Long bay bạn hẩu ngồi bàn bên, cô giáo đâu biết đâu. Tức nổ mắt mà đành ngậm ngùi nhận khuyết điểm trước bàn dân thiên hạ và hạnh kiểm loại B tháng đó.

Lại nữa, hồi lớp 6 thì phải, nhỏ Bảo Hoa vốn dốt văn, có lần nó nổi hứng thế nào làm bài văn được những 6 điểm, khi cô trả bài nó sướng quá hét thất thanh làm cả lớp giật mình. Thế mà ngay sau đó nó quay ra ghen tỵ vì mình được 8 (trước đó mình cũng chưa bao giờ được 8 điểm môn văn, chỉ 6-7 là cùng). Cô Liên bực quá phải đem bài của mình ra đọc trước cả lớp và mổ xẻ phân tích để minh oan.

Rồi mỗi khi lớp có tội gì cô giáo chủ nhiệm lại trách mình trước tiên. Ngay cả vụ cô Tứ chấm mình điểm 2 toán vì cho bạn quay cóp, cô cũng xử nặng tay chắc chỉ vì mình làm lớp trưởng.

Kể khổ tý vậy thôi, chứ hồi đấy làm lớp trưởng lớp A toàn học sinh ngoan còn sướng chán so với lớp khác. Hồi lớp 5, Cô Tĩnh xin Trường cho lớp mình một mảnh vườn nhỏ để tăng gia. Cả lớp say sưa trồng rau: su hào và rau cải thì phải. Mỗi tổ chăm một luống. Thay nhau tưới nước, nhổ cỏ. Đến gần Tết cắt rau mang ra chợ Dốc Hanh bán, thế là cả lớp có tiền mua bánh kẹo liên hoan tẹt ga. Sướng nhất là cả vụ này mình chẳng phải mó tay vào việc gì.

Trong lớp cũng có vài cuộc tranh đua ngầm nho nhỏ về việc học. Điển hình là giữa nhóm Đồi Độc Lập (Vân loe, Thảo béo, Hiền , Hải hon, Liễu thợ, Giao bầu, Mai chí) với nhóm Đồi O (Kiều Nga, Thanh ghít và mình, cộng thêm Phúc kèn và Tuyên đại ở xóm Thương nghiệp bên cạnh). Khó nói nhóm nào hơn, nhưng hình như sau này tất cả đều vào Đại học.

Trong số 13 thằng lớp 7A thì to con nhất là thằng Tuyên đại (hi hi không biết đại là to lớn hay là tên phụ huynh theo cách đặt nick hồi đó). Nhỏ con nhất là thằng Long bay (chắc gió thổi nhẹ nó cũng bay). Mà gần hết lớp 7 nó bay thật, bay vào Sài Gòn định cư. Cả lớp bỏ một buổi học đi bộ ra ga Lưu Xá tiễn nó, lúc tàu chạy thằng Long mếu máo, nước mắt nhòe nhoẹt, lúc đó ai lo xấu hổ với tụi con gái làm gì. Nói nhiều nhất và rất lanh lợi là thằng Hoàng , lúc nào cũng cười toe toét khoe cái răng khểnh. Còn thằng Tuyên thì có thể cả ngày không nói câu nào. Nhưng có lẽ quán quân nói nhiều nhất lớp là Vân loe. Hát hay thì phải kể Thu nghị (quản ca của lớp mà). Múa - Thảo béo và Hiền hay múa bài Hai Chị Em rất đẹp, nhưng hình như hai nhỏ chỉ biết múa mỗi bài đó. Một thằng khác rất cao to trong lớp là thằng Hà chầy. Cái nick ấn tượng này là do hồi cấp I nó vừa cao vừa gầy lại học cùng lớp với thằng Hà cối vừa thấp vừa béo. Nghịch ngợm nhất có lẽ là thằng Thành con và thằng Long bay. Đá bóng hay có thằng Thanh ghít, thằng Thắng thống. Chơi bi hay chơi khăng mình đều không lại được mấy tay sát thủ như Dũng chó, Lê Tuấn, Bằng đăng.

Tụi tóc dài hồi ấy hay chơi nhảy dây. Mình thường phải trố mắt thán phục khi thấy có những đứa nhảy được cả bàn đầu (tức là khi sợi dây thun nâng cao ngang đầu). Mà phải dùng chân luồn luồn, kẹp kẹp sợi thun sao đó cho đúng cách mới được. Tóm lại là những động tác kỹ thuật phức tạp quá, mấy cô vô địch thế giới thể dục dụng cụ trông thấy cũng phải khóc thét. Còn một trò nữa chúng hay chơi là trò âm (hay là u gì đó?!). Ngộ nhất là khi thấy nhỏ Nguyên, vừa cao vừa gầy mà hơi dài khiếp, tiến sang đất địch, định cứu tù binh, lại bị mấy nhỏ hộ pháp như Phúc kèn hay Tâm già tóm chặt, nó cứ vừa âm âm âm vừa vùng vẫy cố thoát thân trong vô vọng, cho đến khi xịt hết hơi đành chịu bị bắt làm tù binh nốt.

Một trò quậy không thể thiếu ở tuổi teen là gán ghép các đôi. Lớp mình có Hoàng bị ghép với Liệu mố (hai đứa đều vui tính, nhất là thằng Hoàng, bị chế mà cứ cười khành khạch). Các cặp khác bị gán ghép thường hay đỏ mặt. Nào là Hà chầy bị ghép với Liễu thợ, rồi Bình lác bị ghép với Thu nghị. Chẳng biết Bình lác có kết nhỏ Thu không (nghe mấy thằng kháo nó còn viết cả thơ tặng Thu), chứ nhỏ Thu  mỗi lần bị trêu thì giãy nảy như đỉa phải vôi, mặt đỏ dừ tưởng khóc đến nơi. Đám quỷ sứ lớp mình cũng gán ghép mình với một nhỏ trong lớp. Không biết thằng nào (nghi thằng Hoàng quá!) còn dám lấy đinh vạch tên mình với nhỏ kia lên tường lớp. Lạ một điều là gần chục năm sau, khi từ bên Nga về VN, mình đến thăm trường cũ, vẫn thấy hai cái tên trên tường. Không lẽ chừng ấy năm người ta không quét vôi lấy một lần?

Thấm thoắt mà đã ba chục năm trôi qua. Lớp 7A hồi đó giờ ở những đâu, làm những gì? Cô Tứ nghe nói đã vào Vũng Tàu từ nhiều năm trước, giờ hẳn đã nghỉ hưu. Vân loe giờ ở bên Pháp. Thảo béo, Long bay ở Sài Gòn. Liễu thợ, Giao bầu và mình ở Hà Nội. Phần lớn tụi bạn 7A vẫn ở Thái Nguyên. Năm ngoái lên Thái nguyên dự hội trường cấp III Gang Thép, mình có gặp Dũng chó, Thắng thống, Lệ, Thu nghị. Còn những đứa khác 30 năm rồi chưa gặp. Sẽ phải tổ chức một buổi gặp mặt lớp 7A trong thời gian tới. Đó là trách nhiệm của mình, của lớp trưởng ./.

P/S: 27.09.2011 23h00

Cái dấu ./. kết thúc bài viết thế là lại phải lùi lại một đoạn dài nữa, vì một lý do rất ... kinh khủng.
Số là cho đến hôm nay mình vẫn cứ đinh ninh là lớp trưởng, đến lúc Thảo béo nói cậu không phải lớp trưởng, mà là Thanh kít. Đó là nói lớp 7, còn mấy năm 4, 5, 6 thì Thảo không chắc lắm.

Tá hỏa tam tinh vì mắc tội đại nghịch (soán ngôi), mình vội vàng nhắn tin, gọi điện cho hơn 10 người trong danh sách lớp với câu hỏi "cậu có nhớ hồi lớp 4, 5, 6, 7A ai là lớp trưởng không?". Kết quả là hầu như không ai nói chắc chắn là ai. Các câu trả lời đều là hình như ..., thì phải ..., chắc là ....
Có tên nói Hồ Tuấn, có tên nói Thanh ghít, có tên nói Thanh xuyền, có tên bảo Phúc kèn, có tên nói Thanh kid, lại có tên gọi Thanh vanh, có tên bảo Hồ Tuấn năm 7A là lớp phó học tập chứ ... loạn xì ngầu.

Hồi đó đâu có ghi chép biên bản lưu trữ, nên chỉ dựa vào trí nhớ, mà trí nhớ thì nói như một nhỏ trong lớp trả lời câu hỏi trên của mình: "ông hỏi khó tôi quá, 30 năm rồi tôi k nhớ đc". Nhưng tổng hợp các ý kiến thì có lẽ thế này:
Hồ Tuấn làm lớp trưởng lớp 4A, 5A và (có thể) một học kỳ lớp 6A.
Thanh làm lớp trưởng lớp 7A và (có lẽ) một học kỳ lớp 6A.
Điều này hợp lý vì hồi lớp 6-7 mình làm liên đội trưởng, nên chắc không kiêm lớp trưởng.
Việc làm lớp phó học tập mình phân vân không nhận quàng được, vì nhớ là Phúc kèn có làm chức ấy, chỉ không nhớ thời gian nào. Trí nhớ tệ quá, thế mà vừa được một người bạn khen nhớ siêu đã phổng mũi hic hic hic.

Thằng Thanh làm lớp trưởng là xứng đáng lắm, vì nó học giỏi, lại mau mồm mau miệng. Nó cũng ở nhóm Đồi O, nhưng thực ra nhà nó cuối dốc, gần Đoàn 10, Phố Hương hơn. Mà mình không biết tại sao thằng bạn láu táu mồm năm miệng mười này lại lắm nick thế: này nhé Thanh đen (vì da nó ngăm ngăm), Thanh ghít (vì ví với ông Ghít con lai Tây đen ở Gang thép hồi đó), Thanh kít (hay kid) chắc cũng là phiên bản của ghít, Thanh xuyền (tên phụ huynh í mà), rồi nhỏ Lệ lại vừa mới gọi là Thanh vanh (chịu không biết nguồn gốc). Nó học rất giỏi các môn tự nhiên, lên cấp 3 càng siêu. Hồi lớp 10 nó có đi thi HSG Lý hay Hóa trên tỉnh thì phải. Và có lẽ nếu không vướng ông anh trai hồi ấy đang du học ở Nga, thì nó cũng đủ điểm đi Nga (hồi ấy đứa nào có anh/chị ruột đang đi du học nước ngoài rồi thì phải cộng thêm 3 điểm nữa mới được đi - bất công dã man!).

Bây giờ tìm lại bạn bè cũ, mò ra được hơn chục đứa vẫn ở Thái Nguyên, có một nhóm 5-6 đứa vẫn giao lưu với nhau thường xuyên. Nhưng từ hồi ấy, 30 năm rồi, chưa bao giờ họp lớp. Mà quái lạ là chẳng đứa nào biết số phone của Thanh ghít, dù nó vẫn ở Thái Nguyên bao năm nay.

Thôi tạm thời mình cứ lanh chanh giữ chức lớp trưởng, khi nào xong vụ họp lớp sẽ trả lại cái tù và cho nó, hi hi. Nói vậy vì liên tưởng đến chuyện cấp III. Mình học 1 học kỳ năm lớp 8 ở Trường cấp III Gang thép rồi mới chuyển về Chuyên ngữ Sư phạm Hà Nội. Một học kỳ ấy mình làm lớp trưởng lớp 8E. Sau đó Thanh ghít thay mình làm lớp trưởng đến hết năm học thì chuyển lớp khác. Thằng Sơn hải lên chức lớp trưởng, bây giờ vẫn là thủ lĩnh (dù nó ở Hà Nội), cách năm lại tổ chức họp lớp ở Thái Nguyên, mỗi năm mấy bận kêu gào nhóm 8E ở Hà Nội đi off. Chúng nó vẫn nhớ mình, mỗi lần off là đều ới. Ham chơi như mình chắc chắn không bỏ sót vụ nào, mà lại chỉ việc vui chơi hưởng thụ không phải lo lắng tổ chức tổ chiếc gì mới sướng chứ! Mới đúng chất mình chứ!


Cùng một chủ đề:

- Lao động quét vôi
- Móc đơn, móc vuông, móc nhọn

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Thảm sát Trường sa 1988

Mình đã xem đi xem lại hàng chục lần đoạn video này,
mà không lần nào cầm được nước mắt.
Đây không thể gọi là "hải chiến", mà phải gọi là "thảm sát".
Mình cho hai con Việt và Nam xem,
để chúng hiểu như thế là TỘI ÁC
Một TỘI ÁC mà chúng ta phải ghi nhớ.
Có lẽ không cần bình luận gì thêm.


 


P/S 14.09.2011
Hôm nay nhờ Quechoa blog mà đọc được bài của Nguyễn Đình Đồng (http://vn.360plus.yahoo.com/nguyendinhdong) Nói gì về Trường Sa chiều nay? (xem nguyên bản ở đây)

Có đoạn này xúc động quá:

"Và cuối cùng sẽ cùng nhau xem lại clip ngắn về vụ thảm sát 1988, trong đó những loạt đại liên do lính Trung Quốc bắn thẳng vào những người lính công binh Việt Nam, bắn điên cuồng cho đến khi những người cuối cùng chìm xuống với đảo, nằm lại đảo, vĩnh viễn không trở về.

Đó chính là những viên đá đầu tiên, bằng chính cuộc đời mình, các Liệt sỹ ấy đã là những viên đá tảng đầu tiên chìm xuống làm cái nền đầu tiên, để chúng ta mỗi người Việt Nam yêu nước góp thêm vào những viên đá nhỏ.

Hàng triệu viên đá nhỏ sẽ thành thành lũy giữa biển Đông, giữ biển đảo, giữ Nước.
Chín mươi triệu viên đá sẽ đủ để không những đè dập cái lưỡi bò kia, còn đủ nặng để không kẻ bán nước nào vác đi bán được."


(Trích từ dong BLOG)

Bố tôi

Bố tôi năm nay 69 tuổi. Gần chục năm nay ông nghỉ hưu, chỉ quanh quẩn ra vào dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc lũ cháu nội cháu ngoại, tưới cây, tỉa hoa, nuôi chim và đi ... sinh hoạt đảng.

Bố tôi là người hiền lành nhất mà tôi biết trên đời. Không bao giờ tôi thấy ông cáu giận, tức tối. Lần duy nhất tôi bị bố đánh đòn là khi tôi 5 tuổi. Bữa đó hai bố con đi đâu đó, gần về đến nhà thì có báo động (máy bay Mỹ ném bom). Bố giục tôi đi mau về nhà xuống hầm trú ẩn, nhưng tôi nhanh chân chui tọt ngay vào cái địa đạo gần đó. Bố đi trước không biết, về nhà rồi không thấy con mới tá hỏa, kệ máy bay Mỹ quần trên đầu, chạy đi tìm tôi. Còn tôi khi vào địa đạo lại gặp ngay mấy thằng bé trong xóm cũng trú ở dó, mới rủ nhau moi đất sét nặn "pháo đền", mải chơi còi báo yên lâu rồi không biết. Mãi sau lò dò về, gặp bố hớt hải đi tìm, bị ông cho mấy roi quắn đít. Sau tôi hiểu ông đánh đòn không phải vì tội tôi la cà, mà như để giải tỏa nỗi sợ hãi không biết thằng con sống chết ra sao trong lúc bom ném tơi bời.

Rất lâu về sau, khi bố tôi đã về hưu, có ông thầy tướng số nói với tôi: "cậu có ông bố có quý tướng, nhưng hiền lành quá nên chẳng nên công danh gì". Tôi không tin chuyện tướng số nhưng riêng vụ này ngẫm thấy đúng. Bố tôi không bon chen vụ lợi, chẳng biết nịnh nọt chạy chọt, không bao giờ làm hại ai, thậm chí không làm phật lòng ai. Cả đời ông chỉ biết chăm lo làm công chức quèn, hơn 40 năm đi làm, lên được chức cao nhất là tổ trưởng tổ thống kê (gồm 5-6 người) ở phòng kế toán thống kê khu gang thép Thái nguyên. Cho đến lúc về hưu, gia tài của ông chỉ có một chiếc xe đạp và mấy cuốn sách (trong đó có quyển "Ruồi trâu" và "Thép đã tôi thế đấy" mà tôi đọc thuộc từ khi còn nhỏ). Ba anh em chúng tôi đều yêu quý và kính trọng ông.

Mọi thứ chi tiêu trong gia đình 5 miệng ăn đều do một tay mẹ tôi bươn chải lo toan. Hồi đó là thời bao cấp khó khăn, mẹ trồng rau mang ra chợ bán, rồi thỉnh thoảng về thăm quê ngoại ở ngoại thành Hà Nội cũng tranh thủ xách ít chè thái về bán kiếm thêm tiền nuôi con. Thế mà ở cơ quan người ta cũng xì xào chuyện mẹ đi buôn, rồi chi bộ lôi bố ra phê bình. Về nhà ông nói với vợ, mẹ tôi nổi xung: "Chẳng đoàn chẳng đảng thì thôi, theo đảng mà con tôi chết đói theo làm gì". Bố tôi chỉ biết cười buồn. Thế rồi mẹ tôi bị cho nghỉ hưu non. Bà khóc đỏ mắt một ngày, rồi lao ra chợ, bán rau, bán khoai lang, làm đèn ông sao bán dịp Trung thu, làm sữa chua, bán trứng vịt lộn ... Thế mà rủng rỉnh tiền nuôi tụi tôi ăn học, lại còn sắm được cái TV đen trắng từ năm 1985. Sau này bà còn dành dụm được tiền mua căn nhà ở Hà Nội mà ông bà ở bây giờ. Đối với mẹ, anh em chúng tôi không chỉ yêu mà còn vô cùng kính phục.

Bây giờ bố tôi nghỉ hưu, nhưng ông vẫn sinh hoạt đảng đều đặn, tham gia chút công tác xã hội ở phường. Tôi biết ông vẫn một lòng tin đảng. Sinh nhật cháu nội ông (cu Việt con tôi) tổ chức hàng năm lại vào đúng ngày ông sinh hoạt đảng định kỳ, lần nào ông bận đi họp. Thế là nhà tôi phải tổ chức sinh nhật Việt lệch ngày đi để ông được tham dự cùng cả đại gia đình.

Thỉnh thoảng, tôi với ông vẫn tranh luận về chuyện xã hội, chuyện chính trị. Ông thừa nhận những tiêu cực trong cuộc sống, nhưng không chấp nhận lý giải nguyên do mà tôi đưa ra: rằng đảng phải chịu trách nhiệm về thực trạng đất nước hiện nay. Sau sợ bố buồn, tôi cũng ít nói chuyện này với ông, lại bảo thằng em trai vốn tính nóng như lửa về nhà đừng tranh luận những chuyện tiêu cực ngoài đời, vì nó với bố cứ động đến chủ đề ấy là bực bội cáu kỉnh, chứ không nhẹ nhàng như tôi.

Rồi một hôm, tự nhiên ông hỏi tôi một cách nghiêm trang về cái Công hàm mà ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Tôi vào mạng lôi về đọc nguyên văn cho ông nghe, rồi còn nói thêm là trên mạng, trên báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài phân tích ý nghĩa, giá trị của Công hàm đó trong tình hình hiện nay. Nghe xong, bố tôi thở phào nhẹ nhõm. Ông nhẹ lòng vì vẫn có cách lý giải rằng ông Phạm Văn Đồng, ông Hồ Chí Minh không bán nước. Vì ông vẫn còn có thể tiếp tục tin vào đảng.

Tôi cũng kể ông nghe về những cuộc biểu tình tuần hành phản đối TQ gây hấn thời gian qua, rằng tôi hèn nên không dám đi biểu tình, dù biết rõ đó là quyền hiến định của mỗi công dân, rằng tôi khâm phục và kính trọng những nhân sĩ trí thức và cả những người dân bình thường đã dám thể hiện lòng yêu nước của họ. Thấy bố có vẻ lo buồn, tôi quyết định từ giờ không nói chuyện với ông về chủ đề này nữa. Tôi muốn để lại cho ông chút niềm tin cuối cùng vào những lý tưởng mà ông vẫn tin suốt gần 50 năm nay.

Tôi vẫn nhớ nội dung một truyện ngắn đã đọc lâu lắm rồi nên quên cả tên truyện lẫn tên tác giả. Chuyện về một người mẹ liệt sĩ lặn lội từ Bắc vào Miền Nam, nơi chiến trường xưa để tìm mộ con trai cụ. Cuối cùng, do linh cảm thế nào mà cụ cũng tìm ra bộ hài cốt chôn vội trong tấm võng dù nơi góc chiến hào, nhận ra con mình nhờ vào chiếc đồng hồ chôn theo. Chỉ có anh lính đi cùng cụ, đồng đội của người đã khuất, mới biết chắc 100% rằng đêm trước trận đánh đẫm máu ấy, con trai cụ đã đưa cái đồng hồ ấy cho một đồng đội khác mượn, chính là anh lính trinh sát nằm dưới mộ kia. Sau trận ấy, con trai cụ mất tích. Đồng đội không tìm thấy xác anh. Người lính còn sống không dám kể với cụ già rằng có người quen sau này nói với anh, đã có lần nhìn thấy anh lính mất tích kia trong trại chiêu hồi của kẻ thù. Anh muốn để cụ sống thanh thản phần đời còn lại với hình ảnh đẹp đẽ về đứa con mà cụ đã mang nặng đẻ đau.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Nông thôn Việt Nam giàu thật

Hôm thứ Sáu vừa rồi (mùng 9 tháng 9) đi làm về, thấy dọc con đường Lê Đức Thọ treo đầy băng-rôn đỏ rực, trên tất cả các cột điện hai bên đường. Nhà mình ở trên con đường này, gần SVĐ QG Mỹ Đình, nên đã quen với với những băng-rôn kiểu như "Sea Games - vì hòa bình và hữu nghị", "Nhiệt liệt chào mừng Indoor Games" ... Nhưng quả thật cái băng-rôn lần này làm mình hơi bất ngờ: "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đường Lê Đức Thọ - Mỹ Đình - Hà Nội 09.09.2011 (ảnh: HAT)
 Ừ thì toàn dân, tức là liên quan đến TẤT CẢ mọi người Việt Nam, song tại sao lại cứ phải treo khẩu hiệu này ở đây, ở Mỹ Đình? Từ gần chục năm nay, Mỹ Đình chẳng còn ruộng nữa. Mỹ Đình trở thành đô thị sầm uất, thành trung tâm mới của Thủ đô, với Khu liên hợp thể thao quốc gia, với hàng loạt khu đô thị cao tầng, với tòa nhà KeangNam 70 tầng .... Nông thôn cái nỗi gì, dù rằng Mỹ Đình vẫn thuộc huyện Từ Liêm, chứ chưa gọi là quận là phường?

Thử vào mạng tìm hiểu xem lý do của việc treo băng-rôn. Ngày thành lập Hội Nông dân VN là 14 tháng 10 năm 1930, vậy là còn hơn tháng nữa kỷ niệm 80 năm lẻ 1. Lại sực nhớ ra là đầu đường Lê Đức Thọ, gần trường ĐH Thương mại có cái trụ sở của Hội Nông dân. Song chẳng lẽ đấy là lý do treo khẩu hiệu kêu gọi dân thành thị về xây dựng nông thôn mới. Cứ thử tưởng tượng cảnh ở chốn làng quê một hôm bỗng thấy treo đầy băng-rôn "Nào ta cùng ... buýt" !!!

Hay là các bác Hội ND VN có ý tưởng mượn hình ảnh con đường rộng, thẳng tắp, một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội, những tòa nhà chung cư khang trang, ô tô đẹp đỗ đầy sân ... để quảng bá hình ảnh nông thôn mới VN. Nếu ước mơ đó mà thành hiện thực thì những người đang bán mặt cho đất bán lưng cho trời ở quê hẳn mừng hết biết. Nước Việt ta sẽ có mấy mươi triệu người là triệu phú đô-la Mỹ. Bởi đất ở mặt đường Lê Đức Thọ 300-400 triệu đồng / m2, ở trong mấy xóm Nhân Mỹ, Phú Mỹ bên cạnh mèng cũng 50-70 triệu / m2.

Đu dây qua sông Poko
(nguồn: nguyenquocdong.vnweblogs.com
theo Trùng Dương - thanhnien online)
Mơ thì cứ mơ, nhưng mình lại nghĩ sao các bác í không để dành khoản tiền treo mấy trăm mấy ngàn cái băng-rôn vô nghĩa ấy (còn treo ở những đâu đâu nữa chứ chắc chẳng riêng ở khu mình) và bao khoản phung phí có khi còn vô nghĩa hơn thế, để góp vào giúp bà con ở nông thôn ta làm mấy cây cầu tử tế mà đi, khỏi phải đu dây qua sông thế này.
Hay giúp nâng cấp hệ thống trạm y tế ở nông thôn nhằm chữa bệnh tốt hơn cho người dân quê. Nói vậy vì mình có bà thím cách đây hơn chục năm bị lên cơn đau tim, nếu y sĩ ở trạm y tế xã (ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) có trình độ hơn, nếu ở trạm y tế có đủ thuốc trợ tim thì có lẽ bà thím không chết trẻ với đứa con trong bụng. Hoặc tiền ấy có thể dùng để lập ra những Trung Tâm như Trung tâm hỗ trợ tri thức & phát triển cộng đồng của anh Nguyễn Quang Thạch (tusachdongho.blogspot.com), đem sách về nông thôn nhằm giúp bà con ta nâng cao tri thức.

Buồn thay, người đu dây qua sông cứ đu, ở giữa thủ đô nơi phố phường tấp nập băng-rôn xây dựng nông thôn mới cứ treo. Phải thấy nông thôn Việt Nam ta nghèo thật! Mà nước Việt Nam ta giàu thật!

Bài liên quan: Xin đừng đốt tiền dân!

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Nói không với "nói không với..."


Mấy bữa nay trên mạng xôn xao bình luận vụ bác PTT Nguyễn Thiện Nhân kể chuyện ngày xưa bác í cũng học đèn dầu cạnh chuồng trâu. Mình thấy giả sử bác NTN có "chém gió" tý thì có gì là xấu đâu, chưa kể biết đâu bác í nói thật, ví dụ như bác í ngồi học trong bếp, mà bếp lại gần chuồng trâu, suy ra cũng là học cạnh chuồng trâu chứ sao! Bà con ta cứ khắt khe quá với bác í, rồi đàm tiếu về ấn tượng "chuồng trâu" mà tội nghiệp.

Mình thì ấn tượng với bác NTN nhờ 2 việc bác í làm được từ thời còn đương chức Bộ trưởng bộ học.

Thứ nhất là dưới thời bác NTN các trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa. Trường nhiều đến nỗi phải cạnh tranh nhau để thu hút người học, có cả những cách cạnh tranh chẳng lành mạnh cho lắm. Chắc bác NTN muốn xây dựng hệ thống GD&ĐT như ở phương Tây: mở rộng đầu vào và xiết chặt đầu ra. Có điều bác ấy mở hết cỡ cái van vào mà quên không vặn nhỏ cái van ra (hay là không thể vặn được, vì nó gỉ rồi), nên kết cục là ào ào ngập lụt, nơi nơi tràn ngập cơn lũ những cử nhân, thạc sỹ mà trình độ .... chán chẳng buồn chết. Mình có cậu em họ, 2 năm trước thi ĐH được 7-8 điểm gì đó, mà cũng vào học cao đẳng, nhăm nhe sang năm nữa chuyển tiếp ĐH. Mình chẳng hiểu nó cố học ĐH làm gì cho khổ, làm như thể tấm bằng ĐH là mỏ tiền cứ đào lên ăn cả đời không hết. Nếu là mình, mình sẽ xin bố mẹ tiền học lấy nghề cắt tóc, hay sửa xe máy .... Tiền uổng phí vào mấy năm ĐH dư sức mua bộ đồ nghề thật ngon và thuê mặt bằng. Thế là chỉ một năm học nghề là mình đã có thể bắt đầu kiếm tiền.

Ai cũng biết là ở ta, thi đại học khó biết chừng nào. Nhưng mà hễ vào được ĐH rồi thì 99,99% là có tấm bằng, dù có học lơ tơ mơ cũng xong. Bên Tây thì trái lại, ai muốn học ĐH cứ việc vô tư (nộp tiền), nhưng nếu dốt, không thi đủ tín chỉ thì học cả đời cũng chẳng có bằng. Các trường bên Âu-Mỹ họ phải bảo đảm chất lượng đầu ra để giữ gìn thương hiệu, bởi đó là lẽ sống còn. Tất nhiên cũng có vài ngoại lệ kiểu như La Salle. Chẳng nói đâu xa, mình quen một cậu cũng mới nhận chứng chỉ MBA quản trị kinh doanh của một cái trường vô danh tiểu tốt nào đó bên Mỹ (xin phép không tiết lộ tên). Tìm hiểu trên mạng thì thấy toàn bộ cơ ngơi của trường là cái văn phòng mấy chục m2, mấy nhân viên quản lý, vài trăm học viên online.

Nhưng thôi cái việc cải cách giáo dục ở ta nó là việc khó là việc to, dân đen trình còi như mình chẳng dám lạm bàn.

Với mình, ấn tượng lớn nhất mà bác NTN để lại là cụm từ "nói không với ...". Với mấy chữ thần kỳ đó người ta có thể sáng tác ra vô vàn khẩu hiệu: từ cái nhỏ như "nói không với thuốc lá", "nói không với đái bậy", đến cái lớn như "nói không với bệnh thành tích", "nói không vói tham nhũng" ... . Mình chẳng chê bai gì mấy cái khẩu hiệu, nhưng nếu không thực hiện, không có chế tài nghiêm minh để áp đặt thực hiện các quy định, thì khẩu hiệu dù có hay ho đến mấy, mãi mãi vẫn chỉ là khẩu hiệu suông.

Mấy năm trước đi họp phụ huynh cho con, mình thấy ban giám hiệu nhà trường cũng lây bệnh "nói không với ...". Nào là nói không với bệnh thành tích, nào là nói không với khói thuốc trong trường học, nào là nói không với văng tục chửi bậy ... Cần quái gì mấy cái khẩu hiệu suông. Muốn không có khói thuốc ở trường học, ở các cơ quan công sở hay chỗ công cộng nói chung, cứ treo cái biển "Cấm hút thuốc - vi phạm phạt xxx ngàn đồng"  và xử phạt thật nghiêm là ok (quy định này thực ra cũng có rồi, nhưng có vẻ thực hiện chưa nghiêm). Mình qua Singapore chả thấy ai hô hào "nói không với xả rác", thế mà phố xá bên đó cứ sạch như lau như li. Luật bên họ nghiêm, nghèo như mình không dám xả rác vì sợ bị phạt tiền đã đành, mấy ông giàu có thừa tiền cũng không dám xả bừa, vì ngoài tiền phạt có thể bị nọc ra đánh đòn.

Có người bạn kể là cách đây ít lâu đi dự một cuộc họp tổng kết, trong báo cáo tổng kết của lãnh đạo có nêu thành tích "sôi nổi hưởng ứng phong trào nói không với bệnh thành tích" ???!!!. Có lẽ bệnh thành tích còn lâu mới hết, không muốn nói là chẳng bao giờ hết, nếu cứ "nói không với" nó kiểu này. Muốn hết bệnh thành tích có lẽ cách tốt nhất là phải đưa ra những tiêu chí thiết thực để đánh giá thành tích, và phải coi việc làm tốt công việc của mình là nghĩa vụ của mỗi người, gắn liền với thu nhập thỏa đáng và với sự công nhận của xã hội.
Và phải thôi hô khẩu hiệu suông!


P/s: 12.09.2011.

Hôm nay thử sợt cụm từ "nói không với", sau 0,12 s google cho 127 triệu kết quả. Kinh hoàng. Lướt sơ qua thấy: nói không với ma túy, nói không với ôm đất bỏ hoang, nói không với bạo lực học đường, nói không với bạo lực gia đình, nói không với virus trên smartphone, nói không với mụn, kiều nữ A nói không với đại gia B ... tóm lại là nhiều không kể xiết.
Và tìm thấy bài viết rất hay đăng từ hơn một năm trước trên blog Quê choa của Bọ Lập, bài "Nói không với xấu hổ".

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Ngày khai trường


Mấy hôm trước cô giáo chủ nhiệm lớp Việt gọi điện nhờ mình thay mặt phụ huynh của lớp đến dự Lễ khai giảng năm học mới vào sáng 1.9, tức là hôm nay. Nhà ở gần trường, lại không phải làm việc theo giờ hành chính, nên mình nhận lời. Thế là hôm sau Việt mang giấy mời về.

Phải nói rằng hầu như năm nào mình cũng phải đi dự Lễ khai giảng ở trường con học (trường Đ.T.Đ.), vì hầu như năm nào cũng (nhiệt tình) tham gia ban đại diện phụ huynh HS. Riêng năm ngoái, lớp 10S của Việt là đầu cấp 3, các HS đều mới vào, Ban đại diện toàn người mới, mình không tham gia, đỡ mệt.

Năm nay xin cho Việt sang lớp khác, vì cái lớp S kia tệ quá, tiền học tăng cường tiếng Anh thì đắt, mà HS học ít, nghịch ngợm quấy phá là nhiều. Toàn con nhà "có điều kiện", học tăng cường tiếng Anh để chuẩn bị đi du học bằng tiền bố mẹ, nên chúng lười học vô cùng, trong giờ học mà cứ chạy lăng xăng trong lớp, nói chuyện riêng ầm ĩ. Việt kể là nhiều hôm cô giáo nói không được, dừng giảng bài luôn. Nhà trường thì nể nang, và cũng vì năm ngoái không tuyển đủ HS theo kế hoạch, nên chẳng dám đuổi học. Thế là năm nay lớp 10S tan, phụ huynh nhiều HS như Việt đều xin cho con chuyển lớp, thậm chí chuyển trường. Âu cũng là bài học cho việc gây dựng và giữ gìn thương hiệu của nhà trường.

Lớp 11D1 năm nay có nhiều bạn học cùng Việt từ cấp 2, thế là nhóm này đồng thanh thưa cô đề cử bố Việt làm trưởng ban đại diện. Chưa họp phụ huynh nên chưa biết Ban đại diện sẽ bầu thế nào, nhưng gặp mình ở sân trường, mấy bạn ấy đã xin mình tổ chức dã ngoại cho lớp 9A3 ngày nào. Hồi đó, hai năm trước, Ban PH lớp đã định tổ chức dã ngoại cho các con nghỉ xả hơi và chia tay trước kỳ thi chuyển cấp. Song cuối cùng bị hủy, vì nhiều PH lo con sẽ không tập trung vào việc ôn thi. Thi xong mỗi bạn một nơi, chẳng còn dịp nào đi chơi, đến giờ các bạn vẫn hậm hực vì chuyến dã ngoại hụt.

Sáng nay đến dự lễ khai giảng. Nhà trường tổ chức thật hoành tráng, chu đáo, cờ hoa khẩu hiệu rực rỡ. Rất đông khách mời cấp Trung ương (có ông nào đó Thứ trưởng Bộ GDĐT), cấp Thành phố, quận huyện, đại diện PHHS các lớp. Bàn lễ tân đặt ở cổng trường, khách mời đi qua là được phát một cái túi giấy. Mình mở ra xem, thì ra có cuốn brochure về trường. Cái này OK. Nhưng mình không hiểu họ in cả bài diễn văn phát biểu của ông Hiệu trưởng phát cho khách làm gì. Tệ nhất là trong mỗi túi có một cái phong bì. Chao ôi, lại phong bì, cái văn hóa phong bì nó đã thành văn hóa dân tộc mất rồi, không sao bỏ được. Cứ tưởng trường tư thục thì thoáng hơn, vậy mà cũng bày đặt phong bì phong beo.

Đối với bọn mình ngày xưa, ngày khai trường thực sự là ngày vui, vì đó là ngày bắt đầu năm học mới, sau kỳ nghỉ hè dài được gặp lại bạn bè thầy cô, tíu tít. Còn bây giờ khai giảng không còn ý nghĩa đó nữa, bởi thực tế là các con đã đi học gần 2 tháng nay rồi. Vậy khai giảng chỉ còn là thủ tục thôi (ít ra là đối với các trường tư).

Đã thế hôm nay trời nắng nóng chảy mỡ, tuy sân trường đã có bạt che, nhưng vẫn hầm hập. Thầy trò, khách mời mồ hôi nhễ nhại. Mấy cuốn brochure kia lại có ích ra phết, dùng thay quạt nan. May sao chương trình cũng ngắn gọn, suôn sẻ. Mấy tiết mục văn nghệ của thầy và trò khá chất lượng. Vài bài diễn văn chán ngắt, may là không dài.

Quay lại chuyện phong bì để kết thúc. Mình cho con học trường này, không hẳn vì nó nổi tiếng, có thương hiệu. Mà cái chính vì nó gần nhà, không mất thời gian đưa đón con. Và lý do quan trọng nữa, nó là trường TƯ THỤC. Có nghĩa là hợp với mong muốn các con không phải "tự nguyện bắt buộc" học thêm chính thầy cô mình (như mọi người vẫn kể về trường công lập). Nhà trường thu học phí cao, chắc lương thầy cô không ít, áp lực thu nhập giảm đi, họ sẽ chuyên tâm dạy dỗ ở trường hơn. Mình cực lực phản đối chuyện phụ huynh HS cứ ngày lễ ngày Tết là rầm rập đi lễ các thầy cô, điều đã được coi là nghiễm nhiên ở các trường công lập. Nghe mấy người bạn có con học trường công lập kể chuyện mà thất kinh. Phong bì bay như bươm bướm. Nhiều thầy cô còn công khai nhận phong bì trước mặt học trò, chưa kể có khi còn nhận phong bì từ chính học trò, thật mất tư cách. Với trường tư, chuyện này ít hơn. Quà tặng thầy cô dịp lễ tết do Ban đại diện phụ huynh HS lo, các bậc cha mẹ không phải lọ mọ tìm đến nhà thầy cô nữa. Những lớp mà mình làm trưởng ban đại diện đều dẹp vụ phong bì, ngày lễ chỉ mua chút quà nhỏ tặng thầy cô để thể hiện sự quan tâm, thân thiện, chứ không phải mục đích tăng thu nhập./.