Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Bảo hành kiểu Samsung

Tháng trước họp lớp, cả bọn cười bò ra vì vụ Liễu thợ gọi cho Tuấn lại nhầm vào ai đó, chỉ vì chưa quen dùng con điện thoại "sờ một cái nó cứ chạy lung tung", í là điện thoại cảm ứng. Bây giờ smartphone đang là mốt. Cũng đúng thôi, vì nó thật tiện lợi, ngoài việc alo và nhắn tin, nó còn có nhiều ứng dụng tuyệt vời khác. Cũng chính vì hay phải vào mạng nhận thư, đọc tin, mọi lúc mọi nơi, mà bốn tháng trước mình chọn mua một chiếc Samsung Galaxy S1. Với cấu hình tương đương I-phone, giá Samsung rẻ hơn khá nhiều, hợp với túi tiền của mình. Dùng thấy thích, mình còn giới thiệu cho mấy người bạn cũng đang nhăm nhe lên đời con dế.

Ấy vậy mà niềm vui ngắn chẳng tày gang. Từ mấy tuần nay, con dế của mình giở chứng. Đầu tiên nó liên tục báo lỗi và tự động dừng những ứng dụng đang chạy, rồi hai tuần trước, nó treo luôn.

Vào mạng tìm địa chỉ Trung tâm bảo hành điện thoại Samsung tại Hà Nội. Ở Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng, không xa nhà mình lắm. Nhìn cái Trung tâm bảo hành sạch sẽ, hoành tráng, hiện đại, cũng thấy yên tâm. Cậu kỹ thuật viên xem máy, thử đi thử lại một hồi, chẩn đoán: lỗi phần mềm. Cần phải cài đặt lại hệ điều hành. Mọi dữ liệu lưu trong máy sẽ mất hết. Dựng tóc gáy! Ôi bao nhiêu dữ liệu, ghi chép, số điện thoại, địa chỉ ... mới cập nhật trong thời gian qua sẽ một đi không trở lại. Mình nhớ có sync danh bạ một lần cách đây 2 tháng, nhưng chắc chắn sẽ không thể phục hồi được nhiều dữ liệu quan trọng. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ ngó ngoáy, cậu KTV thông báo: - Không phải lỗi phần mềm. Máy bị lỗi main, phải thay linh kiện anh ạ. Anh làm thủ tục bàn giao máy, tuần sau xong bọn em sẽ liên lạc với anh. Mình hỏi: - Vậy bao lâu thì xong? - Khoảng 4-5 ngày, vì hiện tại ở kho hết linh kiện, phải đặt từ Sài Gòn ra

Đã bắt đầu thấy không khoái.

Ba ngày sau, mình gọi đến trung tâm, hỏi xem tình hình thế nào. Họ bảo hiện Samsung có chương trình đổi máy cũ lấy máy mới. Galaxy S1 đổi sang S2, trả thêm mấy triệu. Mình không có nhu cầu nâng cấp dế, cũng chẳng dư dả tiền mà đổi kiểu này. Hỏi: - Thế nếu đổi S1 (hỏng) sang S1 (mới) được không? Phải trả thêm bao nhiêu? - Bọn em phải hỏi công ty. Câu trả lời đến vào hôm sau: - Không được.

Không được thì không được. Mình chẳng thiết gì đổi qua đổi lại cho tốn tiền. Yêu cầu họ sửa máy nhanh, để chuẩn bị đi công tác. Sau 5 ngày chẳng thấy ai gọi, lại điện thoại đến trung tâm bảo hành. Họ nói đang chờ linh kiện, chắc 2 ngày nữa sẽ liên hệ với mình. Sau 3 ngày vẫn bặt vô âm tín, mình lại phải gọi, vẫn chưa xong. Bực cái kiểu mai dài hơn thuổng, mình gọi thẳng cho Trung Tâm hỗ trợ khách hàng của Samsung Việt Nam, hỏi tại sao có mỗi việc thay linh kiện mà lâu đến vậy? Một em nói giọng Nam ngọt như mía lùi, hứa sẽ thúc giục Trung tâm bảo hành. Ngay chiều hôm đó, TTBH gọi mình đến nhận máy. Có thế chứ! Hoan hô Samsung!

Anh bạn KTV đưa máy, mình bật nguồn, thì ra pin hết từ đời nảo đời nào. Lại phải chờ xạc pin 15 phút, rồi mới khởi động máy. Thấy bình thường, mình lại đang vội, nên nói tôi mang về nhà kiểm tra sau. Hớn hở về, xạc đầy pin, mở máy, cài đặt vài thứ linh tinh như hình nền, âm thanh ..., đang tính cách phục hồi danh bạ đã mất, thì con dế lại treo đơ. Sáng hôm sau lại mang máy đến TTBH. Kỹ thuật viên lại xem, chẩn đoán: - Lỗi phần mềm. Máy anh nguyên bản cài Android 2.2, hôm trước em cài cho anh bản 2.3, chắc bị lỗi, cài lại là được. - OK! Bạn cài lại giúp mình nhé.
Xong xuôi, mang máy về, lại cài đặt cấu hình, tải về vài ứng dụng: mail, bộ gõ tiếng Việt, game cờ tướng. Và phát hiện ra những dữ liệu lưu trong thẻ nhớ (external SD), chủ yếu là ảnh chụp, cũng bị xóa sạch sành sanh.

Dùng được 2 ngày, tưởng đã ngon, con dế lại tèo.

Lần này điên tiết, mình điện luôn cho TTHTKH của Samsung. Vẫn giọng con gái Nam ngọt ngào kêu mình mang máy đến TTBH sửa. Thượng đế như mình làm gì có lựa chọn. Lại lọ mọ đến Grand Plaza. Cái trung tâm thương mại vắng như chùa Bà Đanh, bãi đỗ xe ngoài sân rộng thênh thang, nhưng tụi bảo vệ bao giờ cũng xua xuống hầm gửi xe, để còn thu phí.

TTBH hẹn sau 2-3 ngày sửa xong sẽ liên hệ với mình. Sau 2 ngày, sợ không kịp sửa xong máy để còn đi Tây Bắc, mình gọi thử. - Anh chờ thêm vài hôm. Bọn em đang đợi linh kiện để thay!

Bó tay.com! Mình sẽ chờ đến hết tuần này xem họ có gọi cho mình không, hay lại lờ lớ lơ như mấy lần hẹn trước. Đã nói thẳng với TTHTKH là mình chờ 1 tháng - 2 tháng - 3 tháng cũng được, nhưng đừng có bảo mình chờ 5 ngày thành 7, 7 ngày thành 10. Và chẳng biết bao giờ thì kết thúc, 10 sẽ thành bao nhiêu!

Không biết dịch vụ bảo hành của các hãng khác thế nào. Nhưng mình đã quá chán anh bạn Samsung này!
Sẽ không ngó ngàng đến chiếc Samsung Tab nữa. Dù mình vẫn thèm một chiếc Tab từ lâu. Và cũng không ngó đến smartTV của anh bạn Samsung này nữa, dù nhà mình cũng đang cần một chiếc. Và cũng không dám quảng cáo Galaxy cho mấy người bạn đang mê mẩn điện thoại "sờ một cái là chạy lung tung" nữa. 

Ờ thì ra khách hàng - thượng đế vẫn có thêm một lựa chọn - đó là tránh cho xa mấy bác làm ăn kiểu này.

P/s: Vừa post bài buổi sáng, đến trưa TTBH gọi, mời đến nhận dế. Hơi khó chịu là lúc mình đến, KTV nói anh chờ một chút để em cài lại hệ điều hành phiên bản tiếng Việt, trong máy hiện là bản tiếng Anh. Mình quen dùng giao diện tiếng Anh nên chẳng cần bản tiếng Việt, nhưng vẫn chờ anh ta cài lại cho chỉn chu. Thêm nữa, pin gần như kiệt. Tại sao sau khi sửa, họ không xạc pin cho khách nhỉ, ít ra là 50%? Và mình có ý nghĩ rằng lần trước TTBH chẳng thay linh kiện nào hết, chẳng qua bị thúc giục quá, họ sửa quáng quàng cho xong, nên chỉ vài ngày sau con dế lại chứng nào tật nấy. Tuy chưa biết tới đây rồi dế có ngon lành không, nhưng cũng hoan hô Samsung lần này đã đúng hẹn. Nếu họ sốt sắng đúng hẹn vì đọc được bài viết này thì lại hoan hô Samsung thêm một lần nữa, bởi họ đã phản ứng rất nhanh với góp ý của khách hàng, một điều hay mà các công ty Việt nam cần phải học hỏi nhiều.

Rổ đây rồi!

(Thu Ngà - gửi HAT blog)


Rổ đây rồi! Đi kiếm rau lợn thôi Tuấn ơi!

(Bài này là nhờ Phúc đã động viên tớ viết)

Trong một lần nhắn tin cho tớ,Tuấn liệt kê các loại rau cậu ấy kiếm được về nhà nuôi lợn để thuyết phục tớ là Tuấn cũng có một tuổi thơ vất vả: “Rau vừng, bèo tấm, bèo Nhật bản, rong đuôi chó, rau lang (hái trộm)”… Cái cụm từ trong ngoặc đơn này đọc nghe thê thảm sao ý, tớ đành rủ cậu ấy đi một chuyến kiếm rau lợn vậy.Thú vui này chắc không phải ai cũng có… nhất là các bạn Đồi Độc Lập chắc sẽ thèm lắm cái sự vất vả của những đứa con đầu lòng như bọn tớ. Đã rất nhiều lần tớ nằm mơ thấy những thảm rau lợn non mơn mởn, rau vảy ốc, rau dừa mọc xanh ngút ngát sau cơn mưa, tớ đưa tay phải hái hái… tay trái dứt mê mải… đầy rổ… tỉnh dậy cứ tiếc mãi… ôi những giấc mơ tuổi thơ luôn xanh màu lá.

Tớ là một cô bé nhút nhát, cái gì cũng thấy sợ, đến nỗi mẹ tớ bực quá phải nhắc nhở sao con cái gì cũng sợ thế, cứ ngại khó ngại khổ sau này lớn lên lấy gì mà sống đươc! Cuộc sống không chiều lòng người tẹo nào: tớ đã phải cố gắng lắm rồi nhưng vẫn không hết sợ… Tớ sợ sâu, sợ cóc, sợ rắn, sợ tối tăm, sợ bùn lầy ẩm thấp, sợ vắng vẻ, sợ người lạ… Nhiều thứ sợ kinh khủng. Nhưng cuộc sống của một đứa nhóc hay sợ sệt ấy vẫn còn ối thứ hấp dẫn đáo để và có lẽ vì sợ quá nên nhiều khi lại làm tớ có ấn tượng lâu ghê cơ.
Ngày nhỏ nhà tớ có một dàn nho trồng trước sân nhà, quả của nó chỉ để cho bọn trẻ con ăn chơi, thi thoảng dùng để nấu canh chua thôi, cái chính là để bóng mát cho khoảng sân phía dưới. Lá nho xanh mát mắt, cũng đẹp, nhưng lũ sâu nho thì kinh chết đi được, con nào con nấy to bằng ngón tay người lớn luôn và béo núc ních ấy. Ai đã xem phim hoạt hình Mỹ “A Bug’s Life” kể về một con kiến, thì sẽ dễ hình dung ra con sâu béo có như trong phim ấy. Bọn này ở lá thì xanh ở cành thì nâu, và có một đường loang lổ bạc phếch giống hệt một cành cây nên rất khó bị phát hiện. Bọn bọ nẹt trên lá tre lại là nỗi kinh hoàng kèm theo đau đớn, ai không may động vào đám lông xanh biếc đẹp mắt ấy chắc chắn sẽ chịu đựng nỗi đau buốt thấu xương luôn. Bọn sâu róm ổi với màu sặc sỡ, lông xù xì gớm guốc ấy cũng là nỗi kinh hoàng cho bọn trẻ con, nếu không may trèo cây mà bị nó rơi vào cổ áo thì thôi rồi… Với màu sắc và thân hình như vậy nên chim chóc cũng ớn nó, đến mùa xuân nó cứ việc nảy nở đầy cây mà ăn lá non… Lạ nữa là có loại sâu keo trên cây chanh cây bưởi, loại sâu này xấu xí thôi nhưng khi giết nó lấy que chọc vào đầu nó, lập tức một mùi thơm ngọt cực kì tỏa ra. Tớ chưa thấy có hãng nước hoa nào sản xuất được mùi thơm đặc biệt như thế cả.

Tuy sợ nhiều thứ như vậy nhưng tớ vẫn là đứa con gái đảm đang của mẹ, giúp mẹ được ối việc đấy nhé. Đi kiếm rau lợn hàng ngày tớ cũng đảm nhiệm giống Tuấn, tớ có thể cạnh tranh với Tuấn về việc kể tên các loại rau lợn có mặt trên đất Gang Thép hồi ấy. Rau vừng, rau dừa, rau vảy ốc, rau rong đuôi chó, bèo tấm bèo tây, bèo cái, rau lang, rau dấp, thân cây chuối, khoai nước… Ngon nhất là nấu cám bằng rau lang non, rau vảy ốc, bèo tấm, khoai nước, nồi cám nấu lên sánh mượt như cháo ấy. Rau vừng có mùi thơm nhưng nóng lắm, rau dừa thì nhiều nhựa nên nồi cám cứ đen kịt lại. Nấu hai loại này bọn lợn ăn sẽ bị táo bón ngay, chỉ khi nào bọn nó lạnh bụng ăn rau này rất hiệu quả. Khi hết rau hay trời mưa gió, không đi kiếm rau được, đành phải ngả cây chuối già ra nấu cám cho lợn vậy. Chẳng có chất gì ngoài tí xơ, chỉ để cho bọn lợn khỏi đói thôi. Khi mưa xuống, bọn mình còn lọ mọ đi hái mộc nhĩ ở những cây gỗ mục. Tìm tòi để bắt ốc sên cho vào nồi cám, vỗ béo cho lũ lợn. Nồi cám hôm nào có dăm con ốc sên to bằng nắm tay thì thơm phức phải biết, cứ như món đặc sản trên bàn tiệc Châu Âu ấy chứ.

Tớ còn được mẹ tớ chọn là người chuyên thả lợn vào chuồng, vì nết chăm ăn và ngoan ngoãn nhu mì nữa chứ. Lợn tớ thả vào chuồng chỉ ăn và ngủ, ít kêu… Chứ thằng cu em tớ, có lần tớ vắng nhà nó được thả lợn vào chuồng thì con lợn ấy ngày phi ra khỏi chuồng vài lần, chuồng cao 1,2m mà nó cứ phi qua von vót như động viên vượt rào. Báo hại cả nhà đi tìm lợn suốt. Bọn tớ còn đặt tên cho lũ lợn nhà tớ nuôi nữa. Con Lưng gẫy là con lợn ỉ đen còi cọc mà bụng to tướng quét đất lệt xệt, nó đi ra máng để ăn cũng kéo lê cái bụng kêu xoèn xoẹt, ăn xong lại càng kêu xoẹt xoẹt để về chỗ nằm. Có con kêu tên là Bôm Bốp, không phải tớ thích tên tây đâu mà vì nó có nết ăn ngoan cực kì luôn, cứ đổ cám ra máng là nó xục cái mõm xuống ngoạm 1 mồm to đầy cám hất lên nhai chộp chộp chộp chộp cứ giòn tan như tiếng vỗ tay, hết miếng này đến miếng khác cho đến nhẵn chậu cám. Con tên Bướng là con lợn lai ngỗ ngược ghê, cám không ngon là nó không ăn đâu, xục cái mõm dài xuống máng thám thính, ngon thì nó ăn không là nó ủi lấy ủi để cám trong máng, rồi hất đổ cả máng đi một cách phũ phàng, chịu nhịn đói. Còn con Khoang lại là một con lợn ngoan mà tớ nhớ mãi, nó có những khoang đen trên lưng như con bê con, nết ăn ngoan ngoãn lại còn đi vệ sinh đúng chỗ, chẳng mấy khi hất đổ máng ăn của nó cả. Rồi con Híp, con Nhọn nữa, mỗi con một một tính một nết. Nhưng đều có chung một đặc điểm là được chiều chuộng ghê đi, vì mẹ tớ lo chúng nó bị ốm còn hơn cả lo chúng tớ ốm!!! Hì hì hì có lẽ vì chúng nó không biết nói thôi mà… Mà các cậu ạ, hình như bọn lợn ỉ ngoan và khôn hơn bọn lợn lai nuôi kiểu công nghiệp, nhưng bọn lợn lai được cái chóng lớn và nuôi thì kinh tế hơn thì phải. Mùa rét Thái Nguyên cũng nhớ đời luôn, gió bấc rít u ú ngoài vườn, quẳng cho lợn cái bao tải,ít rơm khô,hoặc lá chuối khô cho nó nằm, bọn lợn ỉ sẽ nằm im trong tải,chui xuống dưới rơm chỉ thò cái mũi ướt ra thở khìn khịt đợi đến giờ ăn, đi vệ sinh đúng chỗ nên rơm khô ráo ấm áp,chứ bọn lợn lai thì láo lếu lắm nào phá chuồng xé tải, rồi đái ị lung tung vào chỗ nằm nên bẩn thỉu rồi lại nằm vào chỗ lạnh kêu gào dữ dội vì lạnh và đói, đã thế chân dài nên rất hay phi ra khỏi chuồng …

Khi bọn nó bắt đầu nằng nặng, bố mẹ tớ gọi người đến cân bọn nó lên rồi trở đi luôn nhiều lần tớ phải trốn đi vì không muốn nghe bọn nó kêu thảm thiết … Rồi lại quay vòng khác. Mẹ tớ lại mua một em ỉn con bé tí bằng cái phích nằm ngơ ngác trong cái bao tải, rồi lại cho tớ thả vào chuồng … Nhờ vía tớ nó lại hiền lành và ngoan ngoãn không phi ra khỏi chuồng như ngựa vía … Mong nó lớn thật nhanh và không bị ốm tí gì (nói nhỏ nhé tớ có lần nuôi lợn góp với mẹ tớ được cả nửa chỉ vàng để dành lấy chồng đấy, đừng kể rộng rãi nhé tớ sợ mọi người lại cười cho đấy).

Ôi đầy rổ rau rồi đấy! Về thôi bạn ơi!

---------------------------
(HAT) Ngà voi gọi ời ời đi hái rau lợn cả tuần nay, mà tớ cứ làm biếng, lấy cớ bận việc cuối năm, rồi bận chuẩn bị cho vụ đi Tây Bắc. Thực ra chẳng phải bận gì lắm, chẳng qua tớ chợt hiểu trong chuyện kiếm rau lợn này Ngà voi hơn tớ mấy level. Hồi xưa ngày nào tớ cũng phải đi kiếm một rổ to rau lợn. Nhấn mạnh là "phải đi", bởi tuy tớ vẫn kiếm rau rất chăm chỉ, luôn "hoàn thành nhiệm vụ", nhưng tớ chẳng có chút hứng thú gì với việc này. Và tớ không còn nhớ rau vừng thì có mùi thơm, rau dừa nấu lên cám đen kịt ... như Ngà vẫn nhớ. Tớ cũng chẳng bao giờ đặt tên cho mấy chú lợn nhà tớ. Thậm chí nhiều lúc còn khó chịu vì việc nuôi chúng nó chiếm mất ối thời gian, những giờ quý báu mà tớ có thể đi đá bóng, chơi khăng với tụi bạn, hay đọc truyện ... Nhưng cũng phải thừa nhận là nhờ có mấy chú ỉn mà mỗi lần bố mẹ bán đi, anh em tớ lại có cơ hội có một manh áo hay cái quần mới. Thế cho nên hôm nay tớ không làm biếng nữa, đi kiếm rau lợn với Ngà voi đây. Chờ tớ với!

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Nhớ ngày 22.12.1979

(Minh Phúc gửi HAT blog)

Vào tháng 12 hàng năm thì trường nào cũng phát động thi đua "Học tập và noi theo tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ" nhưng được trực tiếp đến thăm các anh bộ đội thì chắc ít nơi làm được. Thế mà chúng tôi đã từng đến thăm bộ đội ngày 22.12 và đó là một kỉ niệm thời HS mà tôi còn nhớ mãi.
Hồi đó sau chiến tranh biên giới vào hè năm 1979 có một đơn vị pháo về làm trận địa trên đồi C5 gần trường Độc Lập của chúng tôi. Hè đó khi tới trường chúng tôi lần đầu được nhìn các chú bộ đội gần đến thế khi các chú phaỉ mượn tạm các phòng học để ở.
Vào ngày 22.12 thì chúng tôi chính thức làm lễ kết nghĩa với đơn vị đó (và tình nghĩa đó vẫn còn cho đến ngày nay dù đơn vị đó đã chuyển về ở cùng đơn vị "mẹ" cách trường khoảng 4km.
Để chuẩn bị cho ngày đó chúng tôi đã được tập đội hình đội ngũ và chuẩn bị tư trang cẩn thận gồm: mũ cứng bộ đội, súng (bằng bẹ chuối hoặc nếu bạn nào cẩn thận thì làm súng gỗ cho oai) và một vòng lá nguỵ trang
Và sáng 22.12.1979 chúng tôi tập trung ở trường từ sáng sớm (không biết tôi nhớ có sai không chứ tập trung từ khi trời còn tối kia). Sau màn điểm danh, kiểm tra quân tư trang chúng tôi hành quân hàng một (vì phaỉ đi men theo bờ ruộng) sang trận địa pháo.
Sang đơn vị pháo đó chúng tôi được tham dự một chương trình ... khá " hoành tráng". có các màn diễn văn, văn nghệ của học sinh, bộ đội và giáo viên, tất nhiên không thể thiếu bài "Hành khúc ngày và đêm" của Phan Huỳnh Điểu với
"... Pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mĩ
Bục giảng dưới hầm sâu em vẫn là dũng sĩ..."
đúng chủ đề quá đi rồi, mà giọng cô giáo trẻ mới về trường thì ... mê ly luôn.
Sau đó chúng tôi được đi tham quan trận địa pháo, các chú bộ đội cũng báo động ... như thật luôn cho chúng tôi xem. Quanh trận địa lúc đó các chú đã trồng được cả rau cả hoa ... Chương trình kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Mà trẻ con thì chỉ khoái phần hát múa và đi thăm trận địa thôi, còn các bài "diễn văn", lễ kí kết ... nghe làm gì? Và ... kết quả , các bạn có biết không?
Lúc xuống dưới chân đồi, các lớp được lệnh tập trung. HS lúc đầu không hiểu tại sao về rồi mà còn phải tập trung. Nhưng...
Kiểm tra quân số:  Báo cáo: Đủ (đi đâu được chứ, cả quả đồi có mỗi một đường xuống)
Quân trang:.... Trời, chết tôi rồi...
Ai thiếu ... mũ ... đứng lên (không sao chỉ có vài đứa thôi mà)
Ai thiếu ... súng... đứng lên ... rào rào
A thiếu ... vòng nguỵ trang ... thôi thì ... đứng lên ... hết luôn (à, vẫn còn đâu một vài đứa được ... ngồi)
Bấy giờ thì... thầy Tuất (ông thầy nổi tiếng ... nói to và nghiêm khắc) mới ... cho một bài ... dài chẳng biết bao nhiêu nhưng cũng đủ cho một HS như tôi đủ ... tối tăm mặt mũi.
Giờ đứng trên cương vị người thày tôi mới thấy thực sự thương các thầy cô hôm ấy... Con dại cái mang mà!

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Anh bạn Triều Tiên

Hồi còn là sinh viên ở Moscow, mình học cùng khóa với một nhóm 5 sinh viên Triều Tiên. Trước và sau họ rất lâu không có sinh viên Triều Tiên nào học ở trường mình.

Đối với con mắt người châu Âu thì người Việt nam, người Trung Quốc, hay Triều Tiên, Mông Cổ … đều giông giống như nhau.

Nhưng mấy sinh viên Triều Tiên này rất đặc biệt. Thứ nhất, họ sống khép kín, ít giao lưu với sinh viên các nước. Dù là ở trường, ở ký túc xá, ở nhà ăn tập thể … họ thường đi với nhau một nhóm riêng. Thứ hai, không biết ở nhà họ ăn mặc thế nào, chứ cứ hễ ra khỏi cửa là họ rất chỉnh tề, và giống hệt như nhau. Lúc nào cũng là bộ complet màu xanh tím than (nghe nói do Sứ Quán nước họ phát cho), cà vạt một kiểu thường trực, trên ngực áo lúc nào cũng đeo huy hiệu lãnh tụ Kim Nhật Thành, đi lại lúc nào người cũng thẳng đờ. Nhóm 5 sinh viên này học riêng một lớp. Chuyện này cũng bình thường vì ở trường ngoại ngữ, mỗi lớp chỉ có 5-7 sinh viên là cùng. Thậm chí có lớp chỉ 3-4 SV. Những môn chung mới học ở giảng đường lớn cho cả khóa.

Trong nhóm 5 người ấy thì có tay trưởng nhóm trông già hơn, mặt lúc nào cũng cau có, gườm gườm. Mấy cậu kia có vẻ sợ trưởng nhóm lắm. Có 2 cậu có vẻ hiền lành, gặp bọn mình còn hay chào hỏi, thỉnh thoảng có nói chuyện tí chút. Mấy tay còn lại kia thì như thầy tu,  chẳng mấy khi chuyện trò giao du với SV nước khác.

Cuối tuần là ngày hội của Ký túc xá sinh viên. Tối thứ 7 nào cũng có disco ở hội trường. Nhảy nhót, nhạc nhẽo, la hét om sòm. Vui đến sáng. Có thể nói các bạn SV châu Phi và Mỹ La tinh là quậy vui nhất. SV Việt tuy không nhiều, nhưng thỉnh thoảng cũng tham gia các buổi dạ hội đó, chứ SV Triều Tiên là tuyệt nhiên không. Nghe mọi người kể là thứ bảy tuần nào họ cũng được mời lên Sứ Quán sinh hoạt, nghe nói chuyện hay học chính trị gì gì đó.

Ngay năm thứ nhất, tại KTX có một buổi giao lưu quốc tế gồm một số SV Liên Xô, Việt Nam và Triều Tiên và vài nước nữa. Đang lúc nói chuyện thân mật, tay SV Triều Tiên trưởng nhóm hỏi độp một câu: “Tại sao Việt Nam lại đem quân xâm lược Căm-pu-chia”. Mình ớ người, vì không ngờ mấy “đồng chí cùng phe” hỏi xỏ nhau như vậy. Chuyện quân đội Việt nam sang Căm-pu-chia để lịch sử sau này phán xét. Ở đây mình chẳng muốn bình luận. May sao lúc đó có một anh năm trên (anh P.X.H.A) đứng lên giải thích vấn đề khá đầy đủ, khúc triết. Chứ nói thật lúc đó mình cảm thấy vừa bực mình, vừa xấu hổ, hơn nữa trình tiếng Nga năm thứ nhất của mình quá lùn, có muốn cũng không nói ra được như thế.

Có lẽ lễ hội duy nhất mà nhóm SV Triều Tiên tham gia ở trường là buổi dạ hội cuối năm thứ 5, khi đó sắp nhận bằng tốt nghiệp. Họ gây ấn tượng mạnh bằng màn trình diễn Taekwondo khá siêu, ví dụ như tiết mục bịt mắt song phi đá bay hai cốc giấy đặt trên đầu hai người đứng hai bên.

Hôm nhận bằng tốt nghiệp xong, mình đi chơi lang thang ở gần metro, lại gặp một trong hai cậu Triều Tiên hiền. Cậu ta rủ mình vào bar uống rượu. Хорошо! Давай! Hai thằng gọi một chai cô-nhắc nhỏ, uống vo. Được dịp dốc bầu tâm sự, hai thằng kể cho nhau nghe về quê hương đất nước mình. Rồi một lúc, cậu bạn Triều Tiên mắt rớm rớm, nói:

-       Ba ngày nữa chúng tớ về nước rồi. Tớ cho cậu địa chỉ. Cậu chịu khó viết thư cho tớ nhé! Cậu cứ kể những chuyện ở bên này, trên thế giới … Không cần bình luận gì, cứ kể thôi. Chắc chắn họ sẽ kiểm duyệt thư từ, thậm chí theo dõi tớ. Nhưng tớ muốn cho họ, cho người dân chúng tớ biết về thế giới bên ngoài nó như thế nào. Dân Triều Tiên bị bịt mắt, bịt tai, chẳng biết gì hết về thế giới xung quanh, cậu ạ.

Ra là vậy. Anh ta viết vào một mẩu giấy, về nhà mình ghi lại địa chỉ vào sổ tay. Nhưng rồi sau này làm thất lạc mất cuốn sổ ấy. Nếu bây giờ có giữ được địa chỉ, thì chưa chắc mình đã viết thư như ý anh bạn đó. Đơn giản là mình không muốn anh ta bị vào sổ đen của cơ quan an ninh, chỉ vì có người nước ngoài viết thư và kể cho anh ta những chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt ở ngoài đất nước Triều Tiên.

Câu chuyện này là từ hơn 20 năm trước, khi đó ông Kim Nhật Thành còn lãnh đạo. Rồi ông Kim cha chết, ông Kim con nối ngôi. Ông Kim Chơng Il cũng vừa mới chết. "Ông" Kim cháu lại nối ngôi. Không biết anh bạn Triều Tiên của mình giờ làm gì, ở đâu trên đất nước Triều Tiên Dân Chủ Nhân Dân - Cha Truyền Con Nối này.


Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

CHIẾC HỘP BÍ MẬT (Đỗ Mạnh Hùng)


(Đỗ Mạnh Hùng - K13B - Chuyên ngữ SP)

       Kính tặng các Thầy cô giáo và các bạn K13 chuyên ngữ
       Phỏng theo: tản văn "Chuyên ngữ - một thời để nhớ" của Phan Linh Cẩm K13B

Chắc mọi người không biết
Trên tủ nhà mình có chiếc hộp oai phong
Chiếc hộp cũ niêm phong
Hiên ngang loang màu năm tháng
Nhìn chiếc hộp vợ, con và nhiều người võ đoán
Rất muốn mở ra xem sau những tháng năm dài….
 
Một ngày mưa sau Tết 82
(âm lịch, Bà Khốt nhớ là mùng năm tháng hai)
Giọng cô Việt dặn dò trầm ấm dịu dàng như người mẹ
Ta xa quê - lẻ loi với cả phương trời lạ
Viết thư về,  có: Cầu Giấy, Đồng Xa…
Tàu điện leng keng đón ta khi vừa bước khỏi nhà
Có bước chân cô Dung ngoài hành lang, lớp im phăng phắc
Nuôi Hiệp, nuôi Phương Cô chủ nhiệm mình nghiêm khắc
Tấm gương của cô là bài học đầu tiên cho ta nghị lực bước vào đời..
Là  cô Hằng, cô Hiền, cô Thu khuôn mặt rạng ngời
Nói tiếng Nga, IK, giọng như suối chảy
Là thầy Thụy giải toán khó như thường thấy
Là mùi nước hoa, là cách quay người điệu nghệ
Là cô Chung dậy hóa rất nghiêm, là thầy Thung  bệ vệ
Học sinh chúng em láo lếu, tìm các dấu…để ghép tên thầy.
 
Trong chiếc hộp của anh
Có dáng cô Chung địa hao gầy
Cô Thủy dạy văn về truyền thuyết các thần
Sau này không nghe ai nói hay đến thế..
Còn bố Thu thì bao dung như thể
Sinh ra các con, giọng nói nhân từ..
 
Trong chiếc hộp của anh
Nắp hầm thì cứng, rau cải xoong nấu nhừ
Trường sợ học sinh thiếu canxi, răng yếu
Những người Việt chúng ta, cái gì cũng thiếu (*)
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…
 
Là tháng ngày trôi đi
Kim Lan học nhanh, ngủ vụng, hát thầm
Vũ Hà hát mèo đánh Tây - thành “Hà mèo” từ đấy
Kim Thanh, Lan Phương phổng phao trông thấy
Ngọc Lan làm liêu siêu khóa trước, những anh hào…

Trong chiếc hộp của anh
Kỷ niệm rất ngọt ngào
Chọn lọc tự nhiên, bạn bè gán ghép:
“Nam Cúc”, “Sơn Hà”… đọc lên đanh thép
“Long Thúy”, “Hải Hoa”… như Lý Thường Kiệt viết thơ thần..

Kỷ niệm ngày xưa như xa, như gần
Loan Anh bị phê bình lãng mạn
Mai Hoa viết thư chú bộ đội đảo xa, nên học hành chểnh mảng
Ngọc Điệp  ngày xưa, cán sự chính trị nên rất nhiều nền tảng
Hường bút chì xinh hơn, nữ tính đến không ngờ
Hồng Hà cẩn thận, Hà “phích” giỏi toán bạn được nhờ
Lớp trưởng Ngân Hà  tóc bồng bềnh duyên dáng
Hải khai sì - thi đại học mười phẩy năm môn toán
Lê Dung chữ đẹp, Quỳnh Giao hồn nhiên
Thanh Hà, Lan Anh, Minh Tú, Lệ Anh ai cũng bảo hiền
Mai Hương, Phương Nga, rồi Cúc, rồi Huyên…
Hùng đẹp trai như một con bài
Duy Tiến, Anh Tuấn, Hùng khốt, Sơn Trạc - anh tài
Ăn trộm dưa lê, dân Đồng Xa bắt được
Cùng năm tháng lớn lên theo chiếc roi thầy Hoạt
Vinh dog oai phong phát triển vững bền…
Nào giáo sư Phong kính trắng dáng hiền
Chẳng thích bon chen, đi vào văn học…

Nam đất học Thủy lợi xong mất tiêu,
Tốt nghiệp Đại học Y –Long khẹc
Ở Quốc Oai - sếp bảo hiểm một vùng
Nào Linh Cẩm hai bím tóc kết sau lưng
Nào Hương Lan tính vẫn ương như họ
Ai bảo Thúy còi ở Đội Cung cho bạn bè xiên xọ
Tuyến bác học cần cù luyện giọng, giường rung
Từ khi học lớp phó Liên đã bộc lộ tài năng
Nhiệt tình, sát sao chia tem, chia phiếu
Hà Bắc, Kim Lan, Phương Lan đã tỏ ra có khiếu
Hoạt động phong trào, năng động từ xưa…

Trong chiếc hộp cũ kia
Có nhớ cơn mưa
Tưới phượng bằng lăng
Nhưng không dập nổi dãy nhà lửa cháy
Tôi gom những mảnh mê-ca từ ngày xưa ấy
Cặm cụi làm nhẫn, lược vụng về chưa biết tặng ai? (**)

Và bí mật kia theo ta suốt tháng năm dài…
Nằm trong chiếc hộp kia là kỷ niệm tuổi trẻ một thời chuyên ngữ….
 
                                                                     Hà nội, cuối năm 2011.
                                                                     Đỗ Mạnh Hùng

(*)  Tụi nội trú hồi đó bị ghẻ, nhiều đứa bôi thuốc ghẻ màu xanh (xanh mêtylen thì phải) khắp người như hoa gấm, nên hay bị trêu là người Việt gốc hoa.  
       (HAT) - hi hi, thì ra vậy. Nhưng tớ vẫn tạm thời chưa dùng chữ "gốc hoa" nhé.
(**) Hồi dãy nhà tranh bị cháy, cửa sổ dãy nhà UNICEF gần đó bằng mê-ca nên bị rộp, hỏng, nghe nói Long lấy mê-ca làm nhẫn tặng Thúy, Vinh tặng Thanh, Hùng rô tặng Ngọc Lan ... tôi cũng nhanh tay lấy được 1 khúc làm nhẫn và lược để vào chiếc hộp bí mật ... để lưu niệm 1 thời chuyên ngữ và là tiêu đề của bài thơ này. 

-------------------------------
(HAT) - Để thay lời cảm ơn Khốt, tớ post tặng K13B bức hình chụp lớp các bạn, hình như là vào hôm trồng cây ở sân trường.


Trong bài thơ của Khốt có câu:
"Trường sợ răng học sinh thiếu canxi, răng yếu
Những người Việt gốc hoa, cái gì cũng thiếu
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…"

Tớ không hiểu ý tứ lắm, viết thư hỏi mà chưa thấy Khốt trả lời, nên tự tiện sửa lại chút:

"Trường sợ học sinh thiếu canxi, răng yếu.
Những người Việt chúng ta, cái gì cũng thiếu
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…"

Để tạ lỗi tự tiện sửa bài, tớ post tặng Khốt bức hình này, mặc dù trong chiếc hộp bí mật của  Khốt có thể cũng có rồi :))


Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

CHUYÊN NGỮ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

(Phan Linh Cẩm - gửi HAT blog)

Tôi vào trường chuyên ngữ hoàn toàn là do quyết định của bố, mẹ. Hồi đó, bố mẹ tôi đều là cán bộ giảng dạy của trường đại học sư phạm Hà nội 1. Sau khi học xong lớp 7 (hệ 10 năm) bố mẹ tôi cho tôi được tuyển chọn và thi tuyển các môn Toán, Văn, Năng khiếu ngôn ngữ để vào trường. Các lý do bố mẹ cho tôi vào học chuyên ngữ là vì học sinh vào trường này được coi như là cán bộ nhà nước - có học bổng và phiếu E, với mức lương thực bao cấp là 18kg gạo/tháng. Với thời kỳ khó khăn đầu những năm 1980, đó quả là một sự thu hút khá lớn. Học ở trường lại rất dễ được đi nước ngoài, nhất là nước Nga, nên bố mẹ tôi, những người từng học ở Nga về, chẳng có sự đắn đo gì mà đưa tôi ngay vào chuyên ngữ lớp Nga.

Nhớ hôm mới vào chuyên ngữ, trời mưa rất to, học sinh được tập trung trong nhà hội đồng để nghe những lời dặn dò ân cần, trìu mến của cô Việt, hiệu trưởng. Cô Việt có giọng nói thật dịu dàng, trầm ấm, như giọng của một người mẹ nói với những đứa con thân yêu của mình. Rồi tôi cũng đi nhận giường trong ký túc xá. Đúng là chẳng biết bao giờ cho đến ngày xưa, thời kỳ bắng nhắng với hai đuôi tóc tết dài, và dáng người gầy gò, điều mà bây giờ chẳng thể nào có được.

Học chuyên ngữ hồi đó thật là thích, học sinh không phải học thêm như bây giờ, các thầy cô thì hết sức nhiệt tình. Lớp được cô Dung chủ nhiệm ngay từ đầu. Vì dạy môn lý nên cô cũng khá nghiêm khắc, chỉ nghe tiếng bước chân của cô đi ngoài hành lang là cả lớp đã im phăng phắc. Đến bây giờ tất cả học trò của cô đều không thể nào quên nghị lực của cô vượt qua khó khăn. Chúng tôi cũng không thể nào quên cách giải bài toán rất điệu nghệ của thầy Thụy, cũng như mùi nước hoa lãng mạn và cách quay người rất nghệ sỹ của thầy. Còn thầy Cường thì nổi tiếng với việc giảng những bài toán một cách vô cùng cẩn thận, nếu học tốt môn toán thầy dạy thì chắc chắn đủ điểm toán để đi học nước ngoài. Cô Chung dạy môn hóa cũng rất nghiêm. Tôi vẫn nhớ việc học chểnh mảng ở lớp 12, chỉ quan tâm đến những môn sẽ thi đại học. Lần đầu tiên trong đời để vở dưới gầm bàn để quay bài trong giờ của cô và đã bị cô bắt gọn. Cô Thủy giảng văn thật lãng mạn, thầy Thu dạy sử lại như một người bố của cả lớp. Hồi đó đời sống còn khó khăn, không có đủ máy móc để luyện tập, nên trong giờ thể dục, thầy Thắng hướng dẫn cho cả lớp tập lộn, hết xuôi lại đến ngược. Không hiểu sao hồi đó tôi khá gầy gò, mà cũng không có năng khiếu thể thao chút nào, chỉ lo bị thi trượt môn thể dục

Trường chuyên ngữ lúc đó cũng không còn quá khắt khe với việc bắt buộc học sinh phải ở nội trú. Do bố tôi xin được một căn phòng nhà lá ở ngay trường đại học sư phạm 1 bên cạnh, nên tôi, Phương lớp trưởng và Điệp, những người đã học cùng cấp 2 với nhau, lại ở cùng nhau, tự nấu nướng, học hành. Tôi vẫn nhớ hồi đó trong lớp có phong trào bói lông mi. Nếu thấy lông mi rụng, được một bạn giấu vào ngón tay mà chỉ đúng ngón, thì ước điều gì sẽ được thành hiện thực. Có lần bói lông mi thành công, tôi đã ước được ăn thịt gà, thế mà chiều đi học về, bố Điệp đã mang thịt gà đến thật. Thời kỳ khó khăn đó, những kỷ niệm như thế chẳng thể nào quên được. Tôi còn nhớ lần cả lớp làm liên hoan, vất vả với món bún chả và phở, thế mà khi ăn sao lại ngon đến thế, ăn xong vẫn thòm thèm vì thức ăn quá ít. Rồi những hôm buổi trưa ở lại trường, mang cơm đi theo ăn, lúc nào cũng luôn mong chờ được Ngân Hà chia sẻ cùng ăn. Mẹ Ngân Hà nấu ăn rất ngon, và hôm nào cũng để vào trong cặp lồng rất nhiều thịt, nhất là món thịt băm viên rán, món xa xỉ hồi đó. Có ăn ở bếp ăn nhà trường với điệp khúc rau cải xoong, bột mì luộc, mới thấy quý thức ăn thế nào. Những lọ muối vừng đầu tuần được mang vào, bao giờ cũng được lắc lên, để lấy những mảnh lạc to ăn trước. Tóp mỡ kho lại nước mắm cũng là món ăn ngon đến thế.

Những hôm biểu diễn văn nghệ, cũng môi son, má phấn, tóc buộc nơ, cùng nhau hát vang những bài tiếng Nga mới học được. Vũ Hà thì dáng người nhỏ bé, hát bài “Con mèo đánh tây” rất phù hợp. Kim Lan thì giọng cũng ấm, nhưng lại hay hát vụng những bài của miền Nam trước năm 1975 nên có khi cũng bị phê bình. Rồi Kim Lan còn nổi tiếng về vụ học nhanh và sau đó lăn ra ngủ nữa chứ. Kim Lan, Hương, Hương Lan có lẽ đã được liệt vào hội ngang, lười học. Hồi đó trong cả hội đói ăn, trông Kim Lan và Phương lớp trưởng khá mũm mĩm so với những cò hương xung quanh. Phạm Lê Dung thì ngay từ khi vào chuyên ngữ đã gây ấn tượng với mầu áo vàng rất ‘dễ nhớ”. Dung hồi đầu khá rụt rè, nhưng chữ viết thì rất đẹp, vì thế bao giờ cũng được giao ghi sổ đầu bài

Những buổi lao động trồng cây ở sân trường vui biết bao. Thế mà cái cây của tổ hai, trồng lại, lần sau cũng vẫn bị bẻ gẫy. Có hôm mặc dù trời mưa, cả lớp vẫn đi nhặt gạch để bán lấy tiền tăng thêm quỹ lớp. Rồi hồi đó, ai nói câu gì hớ là lại bị cả hội xúm vào suy bậy, rồi cười phá lên ầm ĩ. Tôi vẫn nhớ mình phỏng theo bài thơ của Lý Thường Kiệt để ghép tên các đôi bị chế lại với nhau
           Nam Cúc, Sơn Hà, Nam Cúc c…
           Thúy Long, Hoa Hải, Cúc c… c…
Lúc nghĩ ra câu thơ con cóc đó, chẳng có ý gì bậy cả, thế mà khi đọc lên, cả hội đã suy ra, ghép nghĩa đen tối vào đó. Rồi hôm bị cô Thủy gọi lên bảng, đứng trên đó bị cuống, nói: ”thế rồi anh Trỗi liền ấy …”, làm cả lớp cười ầm lên.

Kể ra là học sinh chuyên ngữ thời đó thật ngoan. Lớp chỉ có Loan Anh sớm biết lãng mạn một chút là đã bị phê bình. Mai Hoa có lần viết thư trao đổi với các chú bộ đội ngoài đảo xa, học hành có phần chểnh mảng, cũng bị cô Chung Hóa nhắc nhở. Kim Thanh mắt to, lúc nào cũng rất lãng mạn. Điệp cán sự chính trị thì rất bôn, đã đặt ra quyết tâm gì thì theo đuổi bằng được. Chỉ cần cô Dung nhắc khéo về tật hay ngủ, là Điệp quyết tâm thay đổi, trả lời bằng những điểm cao trong học tập. Thùy cũng nhút nhát, ít nói. Hường cũng như vậy, và hồi đó lớp đặt cho biệt hiệu là bút chì, vì đầu nhọn. Thế mà sau này, khi thành thiếu nữ, Hường trở nên xinh đẹp, nữ tính đến không ngờ. Hồng Hà thì thật cẩn thận, giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập rất chu đáo. Minh Hà bị đặt biệt hiệu là Phích vì giống nhân vật đó trong phim hoạt hình “80 ngày vòng quanh thế giới”. Nhờ có việc thi đại học cả lớp được ngồi cùng phòng, tôi đã hỏi được Hà cách vẽ thêm đường trong bài toán hình, mà ngay sau đó tôi không còn phải cắn bút nữa. Ngân Hà thì xinh đẹp, duyên dáng từ sớm, mái tóc bồng bềnh trong gió, nên cũng đã làm nao lòng nhiều đấng mày râu. Quang Hải được gọi theo tên tiếng Nga, “Khai”, là học sinh yêu của thầy Thụy dậy toán. Hùng khốt thì ngoài vấn đề được mọi người phải ngoái nhìn bởi mầu sắc vàng, tím của áo quần, còn gây ấn tượng vì được cô Thủy khen về bài văn. Thế mà hồi đó ở Hùng, tài ăn nói hóm hỉnh còn chưa nổi trội như về sau này. Các bạn trai trong lớp thì được gắn với biệt hiệu theo như mấy câu thơ khá nổi lúc đó:
Trai giao thông như cành dương liễu
Gái giao thông như củ khoai mì
Trai sư phạm như khỉ cụt đuôi
Gái sư phạm như chim anh vũ
Chim anh vũ đậu cành dương liễu
Khỉ cụt đuôi bám củ khoai mì
Đoạn thơ này có lẽ bắt nguồn từ hai trường đại học giao thông và sư phạm vì lúc đó hai trường ở gần nhau. Thế mà các bạn học sinh nữ cấp ba chuyên ngữ cũng lấy làm đắc ý lắm. Còn những chuyện cười, ăn như sư, ở như phạm, phải mượn nhau thuốc ngứa, mà hồi đó nhà sản xuất thuốc ngứa cũng dã man, cứ để màu xanh lè, tố cáo khổ chủ.

Ấn tượng của Ngọc Lan để lại đối với mọi người trong lớp là vẻ đẹp mong manh, nữ tính, không những thu hút tất cả các đấng mày râu ít ỏi trong lớp, mà còn của cả các lớp trên. Đến bây giờ, thỉnh thoảng gặp lại nhau, mọi người trong lớp vẫn điểm mặt, ai là người thích Lan nhỉ. Ai cũng nghĩ là Lan yếu đuối, vì từ bé đến lớn đã được chiều chuộng, nâng niu. Có người lại còn bảo, số Lan trông thì an nhàn thế, nhưng có lẽ sẽ vất vả, vì vẻ buồn buồn hiện trong đôi mắt. Thế mà cuộc sống đã tôi luyện tất cả. Những người gặp Lan sau này đôi khi cũng phải ngỡ ngàng, không hiểu Lan lấy đâu ra được nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách  của cuộc sống. Lan vẫn giữ được vẻ dịu dàng, yêu kiều qua thời gian. Cùng tên, nhưng Hương Lan lại gây ấn tượng vì vẻ ương bướng của mình. Sau nay Lan mới kể lại là hồi đó Tuyến đã phát hiện rằng Hương Lan họ Trương, toàn vần ương, nên tên thế, tính thế là đúng quá. Tuyến nổi danh với biệt hiệu “bác học” vì tính chăm chỉ, cần cù khó ai bì kịp. Các bạn nội trú chắc vẫn nhớ cảnh Tuyến dậy từ sớm, tập phát âm chữ “r”, lưỡi rung mà giường tầng cũng phải rung theo. Thúy có biệt danh “còi” vì vóc dáng, các bạn cùng phòng lợi dụng lúc Thúy ngủ say, nói mê, để tra khảo xem thích bạn nào. Nhà Thúy hồi đó ở phố Đội Cung, khiến hội hay suy bậy trong lớp càng thêm phát huy trí tưởng tượng. Vinh thì hay bị cả lớp trêu, nhưng dáng cao, mặc quần ống loe phấp phới, cũng để lại nhiều ấn tượng lắm. Liên lớp phó phụ trách sinh hoạt đã rất nhiệt tình, sát sao, trách nhiệm trong công việc khó nhất là phân phối tem phiếu cho các bạn đăng ký ăn ở bếp ăn của trường. Có lẽ chính thời kỳ đó đã tạo nên tính năng động, nhậy bén, thành công sau này ở Liên. Đôi mắt đen, to tròn, trên gương mặt gầy gò, dáng người nhanh nhẹn, nên nhiều bạn tuy cùng học một lớp, nhưng sinh năm dưới, tự nguyện gọi Liên là chị. Người cũng có ánh mắt lanh lợi, thông minh là Phương Lan, lớp phó phụ trách học tập, cũng bị các bạn trong lớp gán cho tên của bộ trưởng Sa hoàng đàn áp cách mạng. Phong thì lãng mạn, văn chương ướt át, báo hiệu cho tương lai của một thầy giáo dậy khoa văn đại học sư phạm sau này… 

Biết bao kỷ niệm buồn, vui, nhiều khi không thể nhớ lại được hết. Ngồi xem lại những quyển Lưu bút viết vào cuối năm lớp 12. Hồi đó cũng đã mỏi tay để viết những dòng gần giống nhau vào các cuốn sổ, tiên liệu đến nỗi buồn phải rời xa tuổi thơ. Nhưng bây giờ, sau 25 năm nhìn lại, mới thấy thấm thía hết được. Không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được nữa.
(Phan Linh Cẩm)

(HAT) - Bài này Cẩm viết và đăng trong cuốn Kỷ yếu của K13B Chuyên ngữ (lớp tiếng Nga) nhân dịp 25 năm vào trường. Lớp K13A (Anh-Pháp) của mình cũng định làm Kỷ yếu rồi lại thôi, vì thấy mất nhiều công sức quá, trong lớp lại không có "nhà văn nhà thơ" nào (hoặc có nhưng ngại đăng tác phẩm của mình chăng?). Sắp tới hai lớp sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm vào trường, nên mình muốn đăng bài này của Cẩm, để "làm mồi", mở đầu cho Chủ đề Chuyên Ngữ. Hy vọng sẽ có nhiều phản hồi và bài viết của các bạn, về một thời để nhớ.

 Mình còn giữ được bức hình này của một nhóm bạn lớp B. Không nhớ ai tặng mình, có lẽ là Hùng "Rô". Dù Cẩm viết "không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được", nhưng mình vẫn mong các bạn coi bức hình này, và để cho tâm tưởng quay về thăm một thời để nhớ đó nhé.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Con đường đi làm

(Thu Ngà - gửi HAT blog)

Bài này mình viết vì muốn chia sẻ với Lana khi ngắm chiếc giầy của bạn ấy đi khi đi làm bằng xe bus, trên blog của bạn ấy, an ủi bạn 1 câu “Thương lắm guốc hồng ơi” (thật ra là giầy hồng).

Dạo này trên blog của Tuấn yên lặng quá, sau loạt bài "những tấm lòng thơ thảo" của bạn thì tớ cảm thấy bài viết của tớ trở nên nhạt toét, tớ ngại không dám gửi nhờ Tuấn post thêm. Rồi lại vào trang blog của Lana, thấy bạn ấy đáng yêu quá. Tớ lại gửi bài này…hì hì ^^. Nó còn là hậu kì của con đường đến trường  đấy.

Hôm nay đi làm sớm, ngõ vắng, phi xe ra khỏi nhà, còn nghe rõ tiếng lốp xe nghiến lên vạch giảm tốc : “sập sập sập sập”… Hòa mình vào con đường Lạc Long Quân thênh thang, trời mưa lất phất, gió se lạnh thổi hiu hiu. Qua đến hồ Tây, vẫn thấy rất dễ chịu, chứ mấy hôm bão vừa rồi với khổ người giống như chị Siu của mình mà vẫn cảm thấy muốn nhấc lên nhẹ nhàng như đang trong điệu Valse xoay …

Đang nghênh ngáo muốn tìm hàng xôi để đề phòng cơn hạ đường huyết vào cuối tiết 3, bỗng giật mình phải phanh gấp vì một con xế hộp từ chiều ngược quanh đầu với đường cua quá rộng ép mình vào sát vỉa hè. Dừng lại định cho nó một cái nguýt dài trách móc thì nhìn thấy ở cửa kính sau có biển chữ “xe mới lái xin thông cảm”. Vượt ngoài lên ngắm chủ nhân nó 1 cái. Một công dân kiểu mẫu, đầu rẽ ngôi bóng mượt đang đánh vật với cái vô lăng, hai tay quay tít mà cái xe vẫn hờn dỗi nằm lì trên đường một góc 30 độ với vỉa hè. ( thôi cho qua đi). Đến hàng xôi… bà bán xôi tay đưa xôi, tay thu tiền, miệng nói “của cháu đây”! hì hì tác dụng phụ của khẩu trang bịt mặt… Một bà chưa đến năm mươi xưng cô với một bà gần năm mươi… vẫn thấy thích… 

Đi tiếp. Tay phanh, tay ga, lạng, lách, nhịp nhàng qua được chợ Bưởi, dòng sông Tô lịch sử vẫn "nồng nàn tỏa hương" như muốn nhắn nhủ “tôi vẫn sống thoi thóp đây”… Đi từ tốn như một người Hà Nội thanh lịch vì sắp đến ngã tư, bỗng “Réo” phía bên phải một xe máy biển 37 tạt phải, chưa hoàn hồn thì một cái sượt trái biển 35 nữa, húc ngang một con biển 88. Phanh làm việc liên tục… đến giữa ngã tư các con xe tứ phía bắt đầu gầm gừ vờn nhau. Vài phụ huynh đèo con ngược chiều quay xe vuông góc với đường mình đi, con wave 37 lúc trước tức khí cạch cạch vào số định chặn đường, vị phụ huynh nọ lạnh lùng dấn ga tiến lên chiếm 30 phân đường thì cũng mắc lại. Mình đành lách sau hai con dê qua cầu ấy mà đi trước, để lại sau lưng lũ dê hung hăng mắc sừng vào nhau và một trận tắc đường tiềm ẩn. Tăng ga bù cho thời gian vừa rồi, khi đèn xanh phía trước còn tám giây, cố lên nhanh, bỗng lại giật mình phanh gấp: một chiếc xe đi trước, chủ nhân của nó bỗng đâu ngửa người ra yên xe, duỗi thẳng cẳng (cứ tưởng một loại bệnh mới gì đấy), xe chòng chành mãi mất khoảng năm giây chủ nhân nó mới móc được trong túi quần bò ra cái điện thoại đưa lên miệng sành điệu “A nô…”. Bó tay.com. Đầu đường bên kia bước chân của các chú áo vàng đã rậm rịch tiến ra giữa đường, thôi lại phanh lại cho nó lành. Con wave biển 37 lúc  nãy đã thoát hiểm lại sượt vèo lên mũi xe mình chặn mất 30 phân đường còn thông thoáng phía trước, ngắm kĩ được cả chiếc dép tông mòn vẹt của chủ nhân nó. Né sang một bên kẻo nó lại kéo tuột mình đi khi đèn đỏ còn một hai giây nữa thì chết…. 

Qua ngã tư, liếc vào gương chiếu hậu một bác ô tô buýt khủng đang lừ lừ tiến tới. Bác tài giỏi thật! Xe gần quay ngang với mặt đường mà bác ấy vẫn cho nó lướt sầm sập được. Kinh nghiệm đầy mình đành tăng ga vọt ra giữa đường, trả đường vào bến cho bác ấy. Có lần tớ rụt rè nhường đường áp sát vào vỉa hè bị bác ấy điên tiết phóng qua xịt vào mặt tớ một đống khói đen kịt tối tăm cả mặt mũi. Đến chỗ rẽ trái vào trường mình, rón rén xi nhan trước dòng người cuồn cuộn đổ ngược chiều. Mọi khi mình phải bóp còi inh ỏi mới đánh thức được những con ngựa sắt đang say tốc độ phóng sầm sập ấy choàng tỉnh mà nhường đường… Nhưng hôm nay mới sáng sớm thế này chưa muốn còi làm gì, đang phân vân thì một mợ đèo con đi học quyết định xé gió phi vượt lên sang đường. Mình thấm thía câu “ đường hà nội, ta cứ đi họ sẽ tránh mình” … Chắc vì có con nhỏ nên người ta cũng ưu tiên, dòng người rẽ ra cho mợ ấy đi. Mình bám theo cũng nhanh như mợ ấy, đến sát vỉa hè lại phanh dúi dụi. Cũng lại một mợ phụ huynh đèo con đi sát phía trong đường vẫn lướt lên như tia chớp không chịu nhún nhường. Các vị phụ huynh mẫn cán cũng muốn chớp ít thời gian quý báu buổi sáng làm nhiều việc…

Rẽ vào cổng trường, đang ngại ngần làm sao mà lách được vào tới cổng trường qua lớp lớp phụ huynh đưa con đi học dầy đặc này, thì may quá gặp cô bán căng tin trường mình “siêu năng động”. Cô ấy mồm quát “dẹp cho cô giáo vào lớp nào”, đồng thời tay bẻ ghi đông xe của các phụ huynh rồi tự động bắt bánh trước của họ mở đường giúp tớ thoát thân với lòng biết ơn cô bé… Phóng vào trường lòng phơi phới, vẫn kịp giải quyết gói xôi sáng. Miệng lẩm nhẩm hát “ vật vã trở về, vật vã ra đi”… (xin lỗi nhạc sĩ Phú Quang)

Chuyện kể về già …

Các bạn học của mình thời chuyên ngữ đang í ới kêu gọi chuẩn bị họp mặt kỷ niệm 30 năm vào trường. Thời gian bay vù vù, khiếp thật. Nhoằng cái đã 30 năm. Đáng lẽ mùa thu năm nay đã là 30 năm rồi, nhưng hồi đó Chuyên ngữ gọi vào trường từ học kỳ 2, tức là sau Tết Âm Lịch 1982. Mọi người nói lý do triệu tập học sinh muộn là do ... thiếu gạo. Mình không biết đích xác, nhưng có lẽ đúng thế. 

Gần 3 năm sống và học ở Trường PTTH Chuyên ngoại ngữ (ĐHSPHN) là những năm tháng mình không bao giờ quên được. Cuộc sống hồi đó thật khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng tụi mình cứ hồn nhiên như không, cứ vui cười đùa nghịch suốt ngày. Cuộc sống trong môi trường sinh viên nội trú làm học sinh phổ thông 13-14 tuổi tụi mình cũng cảm thấy mình người lớn hơn, tự lập hơn, tự giác hơn, so với hồi ở nhà với bố mẹ.

Mình còn giữ lại một bài thơ vui vui về đời sinh viên, chép lại từ hồi đó, từ cuốn sổ của một chị sinh viên khoa Anh, phòng bên cạnh. Thực ra chẳng biết tác giả là ai nữa, vì chị ấy chắc cũng chép lại từ đâu đó. Vậy nên ta cứ gọi tác giả là "Sinh Viên".



Chuyện kể về già …

Tác giả: Sinh Viên
 
Mong chóng về già kể chuyện cùng nhau
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc gì dễ quên.

Mình sẽ quay về năm tháng ấm êm
Mái nhà tranh bốn giường tầng – bốn căn buồng hạnh phúc
Những đôi vợ chồng yêu nhau rất thực
Cũng ghen hờn bâng quơ …

Sẽ kể về những tối làm thơ
Mỗi người một câu, mỗi người một ý
Mẩu bánh mì nâng tâm hồn thi sỹ
Để cóc kêu ngơ ngác giữa vần

Mình cùng ôn lại những tháng năm
Cả bọn tuổi hăm mà phòng chẳng có khách
Đêm thứ bảy nghêu ngao ngồi hát
Mùng 8 tháng 3 mình lại tặng hoa mình

Đấy cái thời chúng mình gọi bình minh
Là tia nắng 8 giờ xuyên qua vách
Thể dục buổi sáng xem như nét gạch
Nối liền hai giấc mơ.

Con cháu sẽ nghe kể chuyện xa xưa
Cả bọn sáng nào cũng đồng thanh kêu đói
Trên thư viện nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.

Dù thời gian năm tháng lùi xa
Chắng thể quên những ngày sức ăn như rồng cuốn
Bữa super 1 giờ đêm cũng chưa muộn
Đơn vị đo bằng nồi bảy nồi ba.

Thuở ấy chúng mình cũng sống "xa hoa"
Ngày sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
Một bữa cháo hành bàn dăm bảy bận 
Gạo ít, người đông, thêm nước lại đầy

Chúng mình đã sống bằng khối óc bàn tay
Bao sự hy sinh kể sao cho xiết
Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm.

Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói
Mở một khoảng trời xanh cao vời vợi
Để đêm đêm chúng mình ngắm sao trời.

Thưở ấy đời đâu lặng lẽ trôi
Ta đã đi qua một thời sôi động
Nửa đêm còn cãi nhau về nhạc thơ – cuộc sống
Để phòng bên nhắc nhở đấm thủng tường.

Ngày ấy cả phòng nghe nhạc Đặng Thái Sơn
Cũng đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ
Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
Thương nhau thuốc DEF nối nhịp cầu.

Sau này về già kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đã sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai sống qua rồi chắc gì dễ quên.


Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Sống Thật Chậm: Gặp lại ngày xưa…(2)


Sáng nay tôi điện thoại cho cô hiệu phó trường Mẫu giáo Pa Cheo, định hỏi nhanh vài câu để lấy thông tin chuẩn bị cho chuyến trở lại thăm các em bé nơi này. Vài câu hóa ra kéo dài đến nửa tiếng nói chuyện, và sau đó lại là những ngày xưa cũ chen lấn xô về.

Ngày xưa của tôi có nồi mì sợi tỏa hương mì tôm thơm nồng nàn…

Ngày bé tôi sợ mì sợi lắm, cái mùi bột mì hôi mốc cứ nồng lên ám lấy tôi. Thế cho nên hôm nào nấu mì nước mà lại có một gói mì tôm “đi qua hàng” thì lũ trẻ con chúng tôi coi như đại tiệc, tha hồ mà hít ngửi, tha hồ mà xuýt xoa. Chúng tôi lại còn ra vẻ sành sỏi khi bình luận với nhau là mì “5 tôm” thì thơm và đậm hơn mì “2 tôm” (nghĩa là trên bao gói có in hình 5 con tôm hay là 2 con tôm ấy mà). Tôi còn nhớ lúc tôi khoảng 10 tuổi, lần đầu tiên trong đời được ăn bát mì tôm “nguyên chất” không pha phách gì, cả mắt, mũi và mồm thì sung sướng nhưng dạ thầm xót xa “lãng phí quá”.

Hôm nay khi tôi hỏi về thức ăn của các bé trước khi các bác “Cơm có thịt” gửi thịt lên cho các con, cô Việt – hiệu phó trường MG Pa Cheo nói: “Bọn em góp mỗi người năm đến mười ngàn hàng tháng để mua thêm mỳ tôm về bỏ vào nồi canh rau cải cho các con chị ạ. Rau cải thì bọn em tự trồng lấy được rồi.” Tôi có thể hình dung những vụn mì vàng ươm lượn trong bát canh rau xanh ngắt, thay cho thịt cho cá, giúp bát canh có vị có mùi. Hơn tất thảy là tấm lòng của những người thầy, người cô ấy, không cam tâm nhìn các con chẳng có gì ăn, đã bằng mọi cách để các con có thể thấy ngon miệng. Tôi nghe mùi mì tôm đáng thèm muốn năm nào lại phảng phất đâu đây.

Ngày xưa của tôi có những ngày lếch thếch bám theo chị tôi đến lớp…

Kể lại bây giờ chẳng ai tin: có 1 dạo gia đình tôi chuyển vùng sơ tán, nơi mới đến chẳng có trường mẫu giáo, anh tôi may mắn đến tuổi vỡ lòng còn được đến lớp, chị tôi 8 tuổi vào lớp 2, còn con bé 3 tuổi là tôi thì tha thẩn cả ngày ngóng mãi chẳng thấy anh chị về, hôm sau bèn lẽo đẽo bám theo chị đến lớp. Được vài ba ngày, cô giáo thấy tôi cứ lê la nghịch đất bên ngoài cám cảnh quá, thương tình cho vào lớp ngồi chung với chị. Tôi giống hệt những bông hoa nhỏ ở Bát Xát bây giờ, ăn uống thì chẳng có gì nhưng má lúc nào cũng hồng căng chắc nụi. Thế cho nên được chui vào lớp rồi chẳng biết thân biết phận ngồi im, cứ tý toáy chui từ bàn này sang bàn khác để các anh các chị nựng nịu, véo má. Cô giáo không chịu nổi bèn ra lệnh cho tôi lên bàn giáo viên ngồi bên cạnh cô thì mới yên chuyện. Đó là kỷ niệm đáng hãnh diện nhất của tôi hồi ấy.

Theo lời cô hiệu phó MG Pa Cheo, danh sách chính thức các cháu ở trường là 218 cháu, nhưng thực tế có hôm có đến hơn 300 cháu ở tất cả các điểm trường. Cái quân số dôi ra kia là lũ em 1-2 tuổi bám đít anh chị đến trường. Lý do ư: ở nhà thì ai trông em? ở nhà làm gì có cơm ăn? (chỉ cơm thôi nhé, chưa nói đến thức ăn hay sang hơn nữa là thịt đâu ạ). Các cô cũng đành chia bớt phần cơm của các anh các chị cho em, ai nỡ để em ngồi nhìn, rồi xếp chỗ anh chị nằm sát vào cho em nằm với, ai nỡ để em lạnh. Thế là cái lũ trứng gà trứng vịt ở đây phải cõng thêm lũ trứng chim cút nữa (học đòi ngôn ngữ của bác Thùy Linh đấy ạ). Bài học sẻ chia các con được học thật sớm, mong sẽ theo các con đi suốt cuộc đời.

Ngày xưa của tôi có ước mơ “miếng giò cắn ngập răng”…

Bạn có bao giờ bị đói chưa? Đói dài ngày ấy chứ không phải là đứt bữa 1-2 ngày đâu. Nếu đã bị, ước mơ của bạn khi ấy là gì? Tôi thì ước mơ nhiều lắm: giá tôi chạm vào cái gì nó cũng biến thành pate, chẳng là có 1 lần tôi được ăn 1 tẹo pate mậu dịch bé bằng cái đầu ngón tay út, tôi lập tức quyết định công nhận nó là món ngon nhất trên đời; rồi có lúc tôi lại ước mình được biết cái cảm giác “cắn giò ngập răng” là như thế nào, vì chỉ thấy trong sách hay người lớn nói thế, chứ cái thứ giò mà mỗi năm 1-2 lần tôi nhìn thấy thì nó mỏng như tờ giấy pơ-luya.

Năm mới, tôi quyết tâm để các em bé MG Pa Cheo được 1 lần thoát khỏi cái ám ảnh đeo bám suốt tuổi thơ tôi, được dõng dạc nói với mọi người rằng “ối, cái đấy con biết rồi” nếu ai đó có hỏi các em khái niệm về giò, về chả. Có vẻ như tôi chưa được người lớn lắm bạn nhỉ.

Còn một ước mơ thầm kín nữa, tôi chẳng kể ai nghe bao giờ, bây giờ tự nhiên muốn lôi ra xưng ở đây, hòng níu kéo chút danh dự kẻo mọi người nghĩ con bé này ham ăn quá: suốt cả thời thơ ấu, tôi luôn khao khát có ai đó ngồi xuống bên cạnh mình, nhìn vào mắt mình, nói chuyện với mình như nói chuyện với một người lớn. Món quà đặc biệt ấy tôi nhận được có 1 lần từ 1 người không hẳn là gần gũi thân thiết với tôi. Tôi giữ mãi nó như báu vật của mình. Hẳn người tặng tôi cũng không biết hết sự kỳ diệu mà mình đã trao tặng.
Tôi nghĩ mình có thể tặng lại món quà đặc biệt ấy cho các em bé ở Pa Cheo: sự quan tâm, chú ý thực sự của một con người tới một con người.

Tại sao lại là Pa Cheo?

Tôi ghé thăm cả thảy 8 ngôi trường trong chuyến đi cùng đoàn “Cơm có thịt”, đến đâu cũng thấy có bao nhiêu việc mình nên đỡ một tay vào, nhưng lòng tôi cứ đau đáu với Pa Cheo. Tại sao lại là Pa Cheo? Pa Cheo là xã nghèo nhất trong huyện Bát Xát nên trường mẫu giáo ở đây cũng nghèo về cơ sở vật chất nhất là chuyện đương nhiên. Dù thuộc diện xã nghèo nhưng lại không phải là xã biên giới nên không có phần hỗ trợ đặc biệt như một số trường khác. Các cô giáo nói thậm chí ở đây không thể kêu gọi phụ huynh góp gạo như các trường khác vẫn làm, vì nếu phải góp bất cứ thứ gì, chắc chắn cha mẹ sẽ không thể cho con đến trường.

Cái khó ló cái khôn, các thầy cô giáo Pa Cheo có vườn cải xanh um để nấu cho học sinh. Gạo thì mua bằng tiền phụ cấp cho trẻ 5 tuổi, về nấu lên chia đều cho tất cả, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều. Nói một cách khách quan, tôi thấy khả năng nói tiếng Kinh của các bé trường này là tốt nhất trong tất cả các trường mẫu giáo tôi có dịp ghé qua, mặc dù cô giáo vẫn than: “Tuần trước em mới dạy xong chữ O, tuần này sang chữ Ô thì các con lại quên mất chữ O rồi chị ạ.”

Bạn có nghĩ:
-         Nguồn nước sạch cho các bé có giá 2,5 triệu đồng: Tôi đã từng kể những khó khăn của các bé khi không có đủ nước sạch để dùng. Nhưng tôi thực sự giật mình khi biết số tiền cần có để tạo nguồn nước sạch cho 4 điểm trường thiếu nước chỉ gần 10 triệu đồng.
-         Bát ăn của các bé phải xoay 2 tua trong bữa ăn trưa: Vì số bát ở các điểm trường do các cô đi xin hoặc vận động kinh phí để mua nên các cháu chưa thể có mỗi người 1 bát và thìa riêng. Không đủ thì chia ca: nửa lớp ăn trước, ăn xong tráng bát qua nước sôi rồi nửa lớp còn lại sẽ ăn thôi.
-         22 ngàn đồng có thể giúp một bé giữ ấm chân qua suốt mùa đông: Hóa ra ủng lại là thứ tiện dụng và hữu ích nhất cho bé trong mùa đông, đặc biệt là khi trời mưa. Cô giáo nói vì ủng giữ chân bé ấm và khô. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đi ủng thì trơn và dễ trượt ngã lắm nhưng cô bảo không phải, ở đây đi ủng tốt hơn nhiều so với đi giày dép chị ạ. Và một đôi ủng cao su cho bé có giá 22.000đ.

Còn một số câu hỏi tôi đang đợi được trả lời vào ngày mai. Vậy hẹn bạn ngày mai ta tính tiếp xem giúp các con như thế nào bạn nhé.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Chủ nhật vẩn vơ

Ít có ngày chủ nhật nào chán như chủ nhật này. Từ sáng cứ vào ra vẩn vơ chẳng biết làm gì, đúng hơn là chẳng thiết làm gì, chứ việc không thiếu.

Lướt qua Trà Quán nhà - vắng lặng như Chùa Bà Đanh. Mấy hôm nay không hứng viết lách, cứ bê nguyên xi mấy bài hay bên trang khác về. May sao hôm qua Bình lác gửi cho bài thơ để đăng lên, thế là có tí bài mới. Nhưng đọc lại bài thấy buồn man mác. Không phải nỗi buồn của kẻ xa quê. Mình đang ở trên quê hương Việt nam mình đây chứ đâu. Mà hình như trong sự buồn có cái gì thảm như kẻ đứng trên mảnh đất quê hương mà không thấy thân thiện, không mấy thân quen.

Chạy một vòng ngó các blog quen, cũng thưa thớt thế nào. Cả làng đi nghỉ mát hết rồi hay sao. Hay trời rét mọi người chui vào chăn ấm ngủ trưa. Mình chẳng quen ngủ trưa, lại chạy ra chạy vô, lướt web. Mọi khi hay hào hứng coi đá bóng, theo dõi kết quả, bình loạn trên forum. Giờ tự nhiên cụt hứng. Tối qua không coi trận nào, kết quả loạt trận tối qua ra sao cũng chẳng quan tâm.

Trời se se lạnh, không còn nắng hanh vàng như hôm qua. Cứ xám xám, âm u như đè nặng lên đời. Ngoài đường lặng tiếng xe, vắng bóng người.

Buồn như con chuồn chuồn. Chủ nhật sau ra Bờ Hồ chơi vậy.

Sống Thật Chậm: Gió có cuốn đi?

Bạn thân mến,
Đôi khi tôi nghĩ những việc chúng ta muốn làm giống như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió. Càng làm càng thấy nhiều việc quá làm không xuể. Ở đâu đó luôn còn những em bé thiệt thòi mà chúng ta không vươn tay tới được. Nhưng nếu nghĩ rằng cứ nâng đỡ được một mầm non là thêm một cơ hội để có một cây xanh vâm váp, thì những động thái dù nhỏ nhất cũng không bao giờ là vô ích.
Bạn có tin:
-         Sợi dây chun buộc tóc cũng là thứ xa xỉ với cô giáo vùng cao. Khi sống trên đỉnh núi cách huyện lỵ vài chục cây số, một sợi dây chun để cô giáo chải đầu buộc tóc cho bé cũng là thứ không dễ kiếm. Cô giáo trẻ ở Lao Chải tâm sự với tôi rằng cô muốn hàng sáng buộc tóc giúp các bé gái nội trú ở trường, nhưng kiếm những sợi dây vải nhỏ (chứ không dám nghĩ đến dây chun) để buộc tóc cho các con là vấn đề nan giải.
 -         Một hộp kim chỉ có thể tạo nên sự khác biệt. Lúc tôi đề nghị lần tới gửi đến trường một hộp kim chỉ để các cô giúp các bé nội trú vá víu lại quần áo khi cần thiết, cô giáo ở Lao Chải mắt sáng lên nhưng vẫn cười bẽn lẽn: “Cái gì ở đây chúng em cũng cần chị ạ, nhưng cái gì cũng xin thì ngại quá.”
 -         Các em bé ở MG Pa Cheo không được đi đại tiện ở trường vì không có nước dội nhà vệ sinh. Các thầy cô nói các bé đã được dặn đi đại tiện ở nhà, đến trường chỉ được tiểu tiện thôi. Tôi cắc cớ hỏi: “Làm sao cấm chúng được, nhỡ đến lớp mới buồn đi ị thì sao?” Thầy giáo cười buồn: “Thì phải ra ngoài bụi thôi chị, chứ trong nhà vệ sinh thì không có nước để dội còn mất vệ sinh chung hơn.” Bạn nghĩ lũ trẻ sẽ làm gì với tay của chúng sau khi loay hoay ngoài bụi? Tôi không dám tưởng tượng xa hơn nữa… Ý định góp với dự án thuốc tẩy giun cho trẻ nghe thật thiếu thực tế ở đây.
Trộm nghĩ, sự giúp đỡ không nhất thiết lúc nào cũng phải là tiền bạc (thứ mà có vẻ ai trong chúng ta cũng thiếu) Nếu mỗi người chúng ta chịu khó nghĩ về các em như con như em của mình, ta sẽ thấy ngay việc mình có thể giúp được nằm trong tầm tay.
Có một điều càng đi tôi càng cảm nhận rõ rệt hơn: nhìn qua thì tất cả các trường đều thiếu thốn như nhau, nhưng nhìn kỹ thì cái khó của mỗi trường lại khác nhau, không trường nào giống với trường nào. Ví dụ: vì vị trí cheo leo, cách trở của mình, trường nội trú dân nuôi và trường mầm non ở Lao Chải cần tất cả những thứ vật dụng hàng ngày cho các cháu, từ những thứ nhỏ nhoi vặt vãnh nhất nhưng nơi đây lại có tạm đủ nước dùng; MG Pa Cheo thì đang cần lắm một nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu tối thiểu cho các bé…
Mong rằng sẽ có nhiều bàn tay góp vào để dự án “Cơm có thịt” có thể mang thêm những hỗ trợ khác đến cho bé mỗi lần các anh các chị đi gắp thịt cho các con. Cũng mong các anh chị trong dự án sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin cụ thể và chi tiết về nhu cầu của từng điểm trường để mọi người dễ dàng chung sức hơn. Tôi biết yêu cầu này thoạt nghe thì đơn giản nhưng sẽ đặt thêm sự nặng nề lên cái gánh vốn đã nặng trên vai các anh các chị.
Qua chuyến đi vừa rồi, tôi thấy mình thật may mắn được gặp gỡ và đi chung một con đường với những con người này: người thì mặc đám cưới con gần kề, tất tả đi lo từng tấm chăn, manh áo kịp mang lên cho các cháu trước khi mùa đông thực sự ập đến; người thì gửi con ở nhà cho người thân hoặc đứa lớn trông nom đứa bé để cả bố và mẹ lên đường – những cuộc điện thoại để dặn con nhớ khóa cửa buổi tối, nhớ lấy quần áo trong máy giặt ra phơi nghe ấm áp lạ lùng; người thì có một cha một con thôi cũng vẫn dặn con đi xe buýt của trường thêm ngày nữa rồi bố sẽ về; người thì dẫu phải đi suốt đêm cho kịp việc sáng hôm sau ở Hà Nội vẫn nhẫn nại khảo sát nốt những điểm trường cuối cùng khi trời đã tối mịt… Cầu cho các anh chị chân cứng đá mềm, đừng bao giờ ngã lòng để các cháu có được điểm tựa và để những người ủng hộ giữ vững niềm tin.
Liệu nỗ lực và tấm lòng của mọi người rồi có bị “gió cuốn đi”? Tôi muốn tin rằng sẽ không như vậy, muốn tin rằng ngược lại, thiện ý của chúng ta như những ngọn gió nhỏ sẽ góp thành bão lớn, thổi bay sự vô cảm, lãnh đạm trong trái tim con người./.

Loạt bài này đến đây là hết rồi. Tôi dự định sẽ quay lại với các bé ngay khi có thể. Hẹn bạn lúc nào làm được gì mới sẽ viết tiếp về chủ đề này bạn nhé. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc, mỉm cười và rơi nước mắt cùng tôi.

(HAT) - Xin cảm ơn tác giả - blogger Sống Thật Chậm - về loạt bài thật xúc động và sâu sắc này. Mong sao Sống Thật Chậm sớm có những chuyến đi mới, những bài viết mới về chủ đề này, để có thể làm tan chảy (phần nào) tảng băng vô cảm trong tâm hồn chúng ta.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Xa và nhớ

Lưu Xuân Bình gửi HAT blog (tựa đề của Bình)
Tuấn à! Mạng trục trặc cả tháng nay, mãi hôm qua mới sửa được và mình mới ghé thăm blog của cậu. Mình đã xem được hết các ảnh của cậu đăng tải và đọc được hết các kí ức tuổi thơ của các các bạn. Hiểu được tấm lòng của các bạn nơi xa, hôm qua mình có viết bài thơ dành tặng các bạn, những người đang sinh sống nơi đất khách quê người. Hi vọng sau khi đoc xong bài thơ này, các bạn ở nơi xa như Tuấn, Ngà, Hà chày, Thảo béo, Kiều Nga, Liễu, Đào, Vân... và nhiều bạn khác nữa cảm thấy ấm áp hơn.


nỗi niềm người viễn xứ

(Tặng các bạn đang sinh hoạt và công tác
nơi đất khách quê người)
L.B

Xa quê, nhung nhớ quê hương.
Bâng khuâng trong dạ, vấn vương ngày ngày.
Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ thầy,
Nhớ bạn thủa nhỏ vui vầy đùa nô.
Thời gian – Cái tuổi bé thơ,
Tình cha, nghĩa mẹ chăm lo đủ đầy.
Học hành hiểu biết từ đây.
Trưởng thành lên bởi tay thầy đắp vun.
Chia bùi sẻ ngọt sớm hôm
Là tình bè bạn khi còn hàn vi.
Bây giờ khôn lớn ra đi,
Ở nơi đất khách nghĩ suy mọi đường.
Cũng vì “tiền, áo, gạo, cơm”,
Bon chen cuộc sống, lo toan bộn bề.
Con tim luôn ấp ủ về
Quê hương, thầy, mẹ, bạn bè, anh em.
           
02/12/2011

Sống Thật Chậm: Hoa trên đỉnh núi

Nguồn http://songthatcham.wordpress.com

(HAT) - Đây là bài viết thứ hai trong loạt bài của bạn Sống Thật Chậm sau chuyến đi Tây bắc. Thêm một bài viết nữa làm lay động tâm can người đọc. Trên trang chủ blog của mình có link đến blog songthatcham, nhưng mình vẫn xin phép tác giả post lại bài này, để các bạn tiện theo dõi. Bài viết gốc và các comment có thể đọc ở đây.
Xin cảm ơn tác giả.


Hoa trên đỉnh núi

Trên đường đi vùng cao lần này, tôi bắt gặp những vạt hoa rừng đẹp đến ngỡ ngàng. Nhưng điều đẹp nhất mà tôi giữ mãi trong tim mình là hình ảnh người giáo viên nơi đây.

Có người độc miệng bảo: “Họ thường lên đây chỉ vì suất biên chế, vài năm lại xin về xuôi.” Tôi không tin như vậy khi nhìn thấy những điều mà các nhà giáo ở đây đã và đang làm. Thiếu tình yêu nghề, tình yêu trẻ, tôi nghĩ không ai có thể vượt qua nổi những khó khăn, trở ngại chốn này.

Bạn có sẵn lòng sống trong những gian nhà (nếu có thể gọi như vậy) bằng phên lót bạt dứa không? Họ làm được đấy.


Giường ngủ của cô giáo MG Y Tý

Có ai tự hỏi: Gió mùa đông bắc tràn về thì căn phòng này ấm hơn ngoài trời được mấy độ?
Thiếu đồ chơi, đồ dùng dạy học cho các con ư? Bạn hãy xem các cô giáo ở MG Pa Cheo làm được gì này:


Con voi có nguyên cả... hạn sử dụng nhé!


Để bao giờ con về phố, con biết ngay nó là cái gì  

Họ trích lương hàng tháng để bù đắp thêm cho những đứa trẻ vốn thiếu thốn hơn mình như một lẽ đương nhiên. Tôi cũng ước muốn con tôi được học những người thầy như thế. Tôi có lẽ là tuýp người hơi cổ lỗ sĩ khi cứ khư khư ý nghĩ: học làm người quan trọng hơn học kiến thức.

Trong chuyến này, tôi chú tâm quan sát xem các em được dạy dỗ rèn cặp như thế nào, và tôi thực sự bất ngờ. Ấn tượng mạnh nhất về các em bé học sinh vùng cao mà đoàn chúng tôi ai cũng có là các em ngoan ngoãn, thân thiện và cực kỳ lễ độ.

Ở trường tiểu học nội trú Suối Giàng, các cô bé cậu bé được giúp mặc áo, cài áo xong đều khoanh tay lễ phép nói với tôi: “Cháu xin cô ạ” hay “Cháu cám ơn cô ạ”.

Đứng ở trường Mẫu giáo Pa Cheo, nếu nhắm mắt lại, bạn sẽ cảm thấy như đang đứng giữa một trường mầm non kiểu mẫu của Hà Nội. Các bé nói và hát tiếng Kinh bằng chất giọng trong trẻo, sõi và đáng yêu vô cùng. Ríu ra ríu rít, chúng đọc liền một mạch mấy bài thơ dài trước cặp mắt ngạc nhiên của khách. Chẳng biết có phải các thầy cô có ý khoe với chúng tôi hay không, cả hai lớp học gần 40 bé (ở đây các bé ở độ tuổi 3-5 tuổi đều học chung 1 lớp) cùng được đưa ra sân chơi trò chơi và múa hát. Tôi thấy hầu như chúng thuộc chẳng thiếu bài hát thiếu nhi nào.

Cô cất giọng: “Chơi trò chơi nào!”, cả lũ chim non họa theo “Chơi gì? Chơi gì?” như thủ tục để bắt đầu 1 trò chơi mới. Trẻ con là như vậy đấy, chúng chẳng bận tâm đến cái sự đói hay rách nhiều lắm, cứ được chơi là vui rồi.


"Chơi gì? Chơi gì?"

Khi được tặng quà bánh, các thầy cô lấy một cái sọt nhỏ để giữa vòng tròn, các bé biết tự động đem vỏ kẹo, vỏ bánh, vỏ hộp sữa bỏ vào trong sọt. Ngoan thật là ngoan. Ai dám bảo, những người sống giữa thị thành văn minh hơn những em bé nơi đây.

Trong bữa cơm trưa của học sinh MG Dền Thàng, tôi phục lăn khi thấy các bạn lớn trong lớp phụ cô bưng cơm ra bàn cho các bạn nhỏ. Cả lớp không ai ăn trước, chờ ai cũng có cơm đã, rồi đồng thanh mời: “Chúng con mời cô ăn cơm ạ.” Ôi, cái giọng non nớt của chúng sao mà đáng yêu đến thế.


Giúp cô chia cơm, chẳng gì người ta cũng 5 tuổi rồi!


Cháu thử miếng đã, ngon quá cơ!


Rõ ra dáng con nhà nề nếp nhé, ăn từ tốn không vãi hạt nào.

Cảm ơn các em, những bông hoa trên đỉnh núi. Chính các em đã trả lại cho chúng tôi niềm tin vào sự tận tụy của người thầy. Ít ra, ở vùng núi xa xôi này, học sinh của các em cũng không bị thiếu thốn một thứ vô cùng quý giá: tình yêu thương của thầy cô.

Bạn có tưởng tượng được:

-         Nước rửa mặt mũi chân tay cho bé là ưu tiên cuối cùng. Những giá treo khăn mặt và đám khăn mặt xinh xinh gần như vô dụng ở một số điểm trường như Pa Cheo vì không có đủ nước. Lỗi đầu tiên là khi quy hoạch và thiết kế trường mầm non, người ta không tính đến nguồn nước, lỗi thứ hai là ngân sách không có để mua lại nước của dân cho trường, lỗi thứ ba là v.v… và v.v… Hậu quả là những gương mặt bầu bĩnh không mấy khi được phô má hồng ra ngoài, toàn là má… nâu thôi  

-         Việc cắt tóc cho học sinh là điều cấm kỵ. Một trong những dự định ngây ngô của tôi là tặng cho mỗi trường một bộ kéo và tôngđơ để các cô cắt tóc giúp các cháu gọn gàng. Vừa thổ lộ với cô giáo ở trường tiểu học nội trú Lao Chải, cô đã cười rũ: “Không được đâu chị ơi. Người dân tộc không cho ai cắt tóc con mình bao giờ, nếu làm họ có thể phạt vạ đấy. Hồi mới lên em không biết, lôi 1 bé ra cắt tóc, sau đấy mất ngủ 2 tuần liền, nơm nớp lo phụ huynh đến bắt vạ thì không lấy đâu ra tiền mà trả.”

-         Các trường mầm non hầu hết đều nằm ở điểm cao hơn và cheo leo hơn so với trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Lý do là mầm non luôn được xây dựng sau và lúc ấy thì quỹ đất đã hết rồi. Một cô giáo ở Ngải Thầu bảo tôi: “Nếu chị ở lại đây qua đêm. Khoảng 6 giờ rưỡi sáng chị sẽ chứng kiến cảnh lũ trẻ như bầy chuột con cắn đuôi nhau bò lên dốc.” Tôi đoán trời mà mưa thì cái bầy chuột con ấy sẽ tiến 1 bước lùi 3 bước mất thôi.
Một vài thắc mắc rất vụn vặt của tôi đã có lời giải đáp. Dù chưa được trọn vẹn cũng xin chia sẻ cùng bạn vì biết đâu bạn đang giữ trong lòng những băn khoăn như tôi đã có trước khi tham gia chuyến đi này:

-         Bữa sáng của trẻ em nội trú: Các em ăn lại cơm thừa của đêm hôm trước, được hâm nóng lại. Khi tôi hỏi về thức ăn, câu trả lời là nếu còn thức ăn thừa của đêm trước thì sẽ chia nhau. Cả người hỏi lẫn người trả lời đều hiểu rõ khi chữ “nếu” kia không xảy ra (mà tôi ngờ rằng nó hiếm khi xảy ra) thì các em sẽ ăn cơm thế nào. Chừng như không cầm được, một thầy giáo nói thêm: “Có khi chúng tôi thấy các em ăn suông tội quá, mang nước mắm qua cho, bảo các em chan cơm cho dễ ăn, nhưng các em trả lời là không biết ăn nước mắm chị ạ.”

-         Trẻ miền núi có mặc quần áo cũ của người khác không: Theo tập quán, người dân tộc thiểu số không bao giờ cho con mình mặc lại quần áo cũ của người khác. Tuy nhiên, theo lời các cô giáo, trong những năm gần đây các em bé đến trường thường nhận được đồ cũ dưới xuôi ủng hộ nên dần dần đã tạo được thói quen này. Tôi không dám chắc về học sinh Trung học Cơ sở vì lần này tôi chỉ gặp các cô giáo Mầm non và Tiểu học, nhưng các bé MG và Tiểu học thì vẫn sung sướng mặc quần áo cũ được ủng hộ. Các cô chỉ ra sân trường: “Chị xem, những bé nào mặc quần áo dân tộc thì là của chúng nó, còn quần áo thường thì toàn đồ bọn em đi xin về cho chứ dân ở đây không có tiền mua những thứ ấy về mặc đâu chị.”


Cũ người mới ta, áo này thì cháu mặc được cả mấy năm nữa chưa ngắn ạ!

-         Bé đến trường thì nói tiếng Kinh, ở nhà thì nói tiếng dân tộc mình: Có trường tập trung con em của mấy dân tộc khác nhau. Không hề gì, học trò học cô tiếng Kinh, cô lại học lại tiếng đồng bào thiểu số từ chính học trò mình.

Đến đây đã dài lắm rồi, mai ta mới nghĩ xem có thể giúp các con như thế nào bạn nhé.