Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Nhớ về Chuyên Ngữ: Người xưa

Bài của ĐMH - K13

HAT - Mấy lần tôi định viết về các "mối tình" chuyên ngữ, song lại thôi. Tôi ngại làm lộ bí mật của bạn bè, dù 30 năm đã qua rồi. Thực ra phần nhiều đó là những chuyện gán ghép của học trò, một vài cặp cũng có vẻ kết nhau thực sự, nhưng có lẽ chỉ là những rung động của tuổi mới lớn, trong sáng và ngây thơ. Nếu tôi không lầm thì PTCN thời đó chỉ có 2 cặp sau này nên duyên: Hằng-Việt (K11) và Nhi-Hà (K13). May sao, ĐMH, một anh bạn học cùng khóa, đã viết bài và đồng ý cho tôi post lên đây.
Chúng ta cùng đọc câu chuyện do bạn ĐMH viết nhé, và chờ đợi các phần tiếp theo .. Người xưa 2, Người xưa 3 ... Nghe nói bài đã viết, nhưng tác giả kiêm nhân vật chính đang chờ xin các chủ thể cho "giấy phép xuất bản" hi hi.

Người xưa 1

   Đói đã tiêu diệt nhiều ước mơ lớn lao của con người…
   Đói làm những học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn như chúng tôi chỉ có ước mơ trước mắt là kiếm gì bỏ vào bụng, để nó khỏi kêu ùng ục trong giờ lên lớp.
   Nhưng đói lại là cơ hội để nảy sinh trong tôi 1 tình cảm đẹp.
  Người ta nói "Đói thì đầu gối phải bò", tôi bán hết tem phiếu vải, gạo, những lạng đường sữa cuối cùng trong thời bao cấp để đổi lấy cháo trai, bánh sắn Bà Khánh (cái thương hiệu mà sau này ăn chơi rất nhiều món ngon vật lạ  tôi cũng không thể nào quên được…). Và cứ chiều thứ bảy tôi lại nhảy tàu điện mang 1 cái balô lép kẹp về bến xe Hà Đông, khuôn mặt thì ngu ngơ nhưng động tác len lỏi tránh chú soát vé thì rất mau lẹ, khôn khéo. Từ Hà Đông, tôi bắt xe về Mỹ Đức, Vác …. để xuống Kim Bài (thủ phủ của Thanh Oai), đến nhà ông bác ruột làm Trưởng phòng giao thông huyện. Hồi đó Nguyễn Quang Vinh cũng như tôi, toàn trốn vé, chứ chưa có khái niệm gì về chống tham nhũng, vì có đâu mà chống. Lương chức Trưởng phòng giao thông huyện của ông bác cũng chỉ vừa đủ ăn, có thêm con cá đi câu ở ao Ủy ban để nuôi thằng cháu, cơm thơm ăn với nước mắm, dưa, muối vừng … cũng đủ ngon (không chê ỷ eo các món ăn ngon như các con tôi bây giờ). Đầu giờ chiều Chủ nhật bác tôi lại cho đủ tiền vé để từ Kim Bài về trường theo lộ trình ngược lại. Lắm lúc Bác cũng hết tiền, tôi nghĩ trong bụng “chuyến này thăm bác bị âm rồi …”.
   Tôi đã đi với 1 người con gái lớp bên cạnh như vậy nhiều lần, cùng về và cùng đi  mà không nói chuyện. Con gái mới lớn, da trắng, đôi mắt hút hồn. Tôi cũng bắt đầu vỡ tiếng. Đêm nằm ở Thanh Oai, tôi mơ cùng nàng sánh vai, cùng về cùng đi … Chỉ mơ thế thôi, tỉnh dậy đã ngượng đỏ mặt với ông bác đang ngon giấc.
   Ông bác tôi hình như quen với cha nàng, ông đùa rằng: "Sao không rủ nó cùng về? Này, con bé ấy ngoan, chăm học, gia đình cơ bản …, tán đi sau này tao xin việc ở đây cho. Hai đứa đẹp đôi đấy..."
    Tôi cũng chưa quen bạn khác giới nhiều, con gái lớp tôi rất tốt nhưng cũng hay lấn át bọn con trai trong lớp, vì nữ chiếm số đông, với lại có cảm tình với ai bọn nó trêu đến chết mất.
    Tôi âm thầm và đơn phương mê người bạn đồng hành, người ấy lặng lẽ trong những chuyến xe và hình như chẳng quan tâm gì đến tôi.
    Cho đến ngày, tôi cùng 1 số bạn phải tạm biệt chuyên ngữ, lòng nặng trĩu ưu tư trở về trường cũ để học nốt năm học cuối cấp III, cũng chưa nói điều gì với nàng. Và sau này qua mail … nàng chẳng hề biết gì và nhớ gì, coi tôi và các chuyện của tôi như từ một hành tinh lạ.
   Trong buổi gặp gỡ các bạn K13 kỷ niệm 30 năm vào chuyên ngữ, tôi hoành tráng kêu các cái tên những bạn ngày xưa cùng lớp mà tôi thích: Lan Phương, Thu Liên, Phương Lan, Ngọc Lan ….
   Nhưng có cái tên trong 2 năm ròng tôi âm thầm theo đuổi, tôi giấu nhẹm đi, vì đoán người đó chẳng hề biết tý gì … là tôi thích người đó …. Một ký ức quá trong trẻo của thời học sinh mà tôi gọi vui là "chuyện tình chuyên ngữ" hay "người xưa"….

(ĐMH)

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Nhớ về Chuyên Ngữ: Nhập Trường (bài của ĐMH)

HAT - Khi viết loạt bài về Chuyên Ngữ, để chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm K13 chúng tôi vào trường, tôi cứ hy vọng các bạn học chuyên ngữ, ít nhất là các bạn cùng khóa, sẽ có nhiều phản hồi, và thậm chí viết nhiều bài gửi đăng lên đây, giống như các bạn học cấp 1-2 của tôi ở Thái Nguyên đã làm. Thật tiếc, chỉ có một ít comment, và chỉ có một bài của Phương Lan gửi từ Canada. Cũng có chút an ủi là từ sau Buổi lễ kỷ niệm cách đây hơn 2 tháng, các bạn K13 trở nên gắn kết hơn, tham gia tích cực vào forum của khóa, kết quả là hai tháng qua trao qua đổi lại hơn 1000 e-mail. Và các chủ đề trong forum thật sự đa dạng, thiết thực bổ ích đối với nhiều người. Nhưng đó là câu chuyện khác.
Còn bây giờ tôi xin gửi các bạn học sinh Chuyên Ngữ bài viết (hy vọng sẽ là loạt bài) của bạn ĐMH, K13B.


Nhập trường

      Tôi là một học sinh cấp II chuyên toán ở phố huyện một tỉnh thuần nông. Điều kiện ở phố huyện những năm 80 còn nghèo, ít các trò chơi dành cho thanh,  thiếu niên, nên tôi  và các bạn  cùng lớp say mê học tập. Vì là con giáo viên, tôi được định hướng học toán và lúc nào cũng đứng ở tốp đầu, tuy nhiên thày giáo chủ nhiệm Pitơ Huỳnh (bọn tôi kính phục thày và coi thày là anh em của Pitơgo) chỉ nhận xét: học rất tốt, tuy còn hấp tấp…
      Năm 1981 tôi thi chuyên ngữ vào đạt số điểm khá cao: Toán 9,5 văn 6,5… Cuộc đời tôi từ đó đánh dấu 1 bước ngoặt, từ quê nghèo lên phố lớn, với những dấu ấn của những năm đầu thập niên 80. Hà Nội đón tôi với những dãy phố cao, đông vui, ồn ã, buôn bán ngược xuôi… Bố tôi đưa tôi lên học lần đầu tiên (và có thể là duy nhất trong 2 năm học cấp III chuyên ngữ). Tôi nhớ chiếc xe khách cũ nát của những năm bao cấp đưa bố con tôi lên Thủ đô chở đầy bu gà, gạo, quang gánh lổn ngổn, cảnh đó sau này tôi còn bắt gặp ở các chuyến xe buýt,  xuất phát từ nội thành … để đón đưa khách. Từ Bờ Hồ, đi Cửa Nam và đi Cầu Giấy bằng xe điện, tôi khoái chí ngắm mọi người tấp nập lên xuống, tiếng leng keng đáng yêu và giật mình khi xe đỗ, hoặc tóe lửa khi bác phụ lái đưa cái “ đuôi” xe, nối vào dòng điện để xe bắt đầu 1 chặng mới, khi tới nơi đỗ nó lại được bác khéo léo ngắt ra, nguyên lý thật đơn giản…
      Trong trường, may mắn là tôi được học cùng với 1 ông bạn hiền lành, tốt bụng và cẩn thận từ hồi cấp II, nhưng bố hắn công tác ở gần trường nên hắn ra ngoại trú mất. Tôi thả mình vào tập thể các bạn mới, với rất nhiều tính cách, và tôi nhanh chóng nhận ra rằng đa số bạn bè tôi là dân Hà nội, có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn và học rất giỏi. Số còn lại, dân tỉnh lẻ như tôi, thì cùng ở nội trú, nhưng tôi cũng tự biết mình ở xa nhất và hoàn cảnh nhất, đặc biệt là sau khi bác Lợi "màn" ở lớp trên khoắng của bọn tôi rất nhiều quần áo và màn đem ra Cầu Giấy bán. Số là tôi có 2 cái áo tím ngắt và xanh lè (khoác nó lên có lúc tôi giống như con bọ xít, lúc lại giống con cánh cam!) vải dầy như vải sợi gai bây giờ, ông anh "tha" cho vì biết bán chẳng ai mua, để tôi có dịp mặc đi học, và các bạn đã cho tôi biệt danh "bạn có màu áo dễ nhớ". Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi tự hào là để nổi tiếng các chàng trai thời nay phải nhẩy từ tầng cao của tòa nhà, hay mua hàng ngàn bông hoa xếp hình trái tim ở bãi đê, các cô gái phải nuy hay lộ băng tình tứ … thì hồi đó mình chỉ cần mặc 1, 2 cái áo đã tỏ ra sự khác biệt thành 1 đẳng cấp khác… đẳng cấp "nhà quê" đầy mặc cảm ở thời điểm ấy….
     K13 đặc thù là đói, môn sinh thứ 13 thành tội đồ của chúa, còn K13 là đứa con khốn khó của Phổ thông CN, vì thiếu gạo nên bọn tôi học ở quê đến hết kỳ 1 của năm lớp 8, 5/2 Dương lịch 1982 chúng tôi mới nhập học. Nạn đói hoành hành không tha cả các thày cô, mà giai thoại là "lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương" (bố Văn Quỳnh Giao K13), chứ không phải "giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn". Các cô giáo tôi sau này cũng tâm sự là thương học sinh lắm, nhưng các thầy cô cũng rất vất vả nuôi con. Dân nội trú chúng tôi sống dựa vào nắp hầm, bo bo, cơm độn và canh cải xoong để cả rễ, đệm với loáng thoáng vài lát cà chua … ăn nhiều đến nỗi sau này vợ tôi làm món cải xoong đặc sản, các con tôi tấm tắc khen ngon, riêng tôi vẫn ngán đến tận cổ. 
    Tuổi ăn, tuổi lớn, học nặng để theo kịp chúng bạn, làm chúng tôi gầy còm, nhưng đâu đó đã xuất hiện dấu hiệu dậy thì, bắt đầu trứng cá, vỡ giọng, cao lên, nhiều ước mơ hoài bão ... xen kẽ trong những giấc mơ đó có 1 vài cô bạn học vui vui ….

(ĐMH)