Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Nhớ về Chuyên ngữ (4): Nhất quỷ nhì ma

 
Ở Chuyên ngữ có một người mà tất cả học sinh đều sợ. Đứa ngoan cũng sợ, đứa nghịch ngợm lại càng sợ. Đó là thầy Hoạt, được chúng tôi gọi là "cảnh sát trưởng". Không sợ sao được, khi thầy Hoạt như có 10 cặp mắt, luôn nhìn thấu mọi tội lỗi, mọi trò nghịch ngợm của học trò. Thầy dạy toán, nhà thầy ở dãy tập thể giáo viên ngay trước cổng trường.

Tiết học nào rỗng, cả lớp đang nhao nhao cười đùa, mà thoáng thấy bóng thầy là im bặt. Giờ nghỉ trưa, thầy thường đảo qua hành lang khu phòng nội trú, không may cho đứa nào quậy phá mất trật tự bị thầy tóm được, nhẹ thì ăn mắng, nặng thì bị xách tai lên văn phòng. Buổi tối, thầy lại sang trường tuần tra vài vòng, nhiều hôm tay còn lăm lăm cái roi. Mấy thằng tè bậy ở góc tường bị thầy bắt được, ăn roi quắn đít và còn bị bắt xách nước rửa, mà thằng nào cũng ba chân bốn cẳng rửa cho nhanh, vì sợ tụi con gái biết chuyện thì ê mặt. Không may nhất là thằng Ng., không những bị bắt vì tè bậy, lại còn thêm tội từ tầng 2 tè trúng đầu thầy.

Buổi sáng tinh mơ, thầy lại ngó sang, đứa nào chậm chân hoặc lười, không chịu ra sân tập thể dục cũng bị thầy mắng té tát, lôi tuột ra khỏi chăn. Ngộ nhất là thằng V. có lần hốt quá, nó vội chạy ra sân chưa kịp cài quần.

Hồi đó nhiều đứa ghét thầy Hoạt lắm, nhất là mấy anh năm trên còn bàn nhau chơi khăm thầy vài bận. Nhưng sau này, lớn lên, chúng tôi hiểu đó là thầy lo toan, dạy dỗ chúng tôi như con đẻ. Vì thế, đứa nào cũng nhớ, cũng quý và biết ơn thầy vô cùng. Nếu không có "cảnh sát trưởng" Hoạt, những trò nghịch ngợm của chúng tôi chắc chẳng còn giới hạn nào nữa, vì ở nội trú xa nhà, có cha mẹ bên cạnh đâu mà quản.

Ngay từ năm đầu (lớp 8/10, tức 10/12), chúng tôi đã được các anh năm trên bày cho một trò: lén vào nhà ăn tập thể, thừa lúc vắng người, múc một nồi nước mắm (gọi là nước mắm cho oai, chứ hồi đó chúng tôi gọi là nước giọt gianh - một thứ nước nâu nâu, chát đắng như nước hàng và thum thủm mùi cá ươn) từ cái thùng to, rồi trèo lên bàn và đặt nồi đó lên cánh quạt trần. Các bạn thử hình dung khi có người bật quạt trần!

Chúng tôi cũng được các anh năm trên dạy cho chiêu làm lửa bằng mẩu bút chì và hai đoạn dây điện. Chiêu này cần vì sau này chúng tôi hay lén nấu bữa super ban đêm ở trong phòng, ăn cho đỡ đói, mà nhiều khi chẳng có diêm. Hay đun nước sôi bằng "tàu ngầm": hai lưỡi dao lam kẹp vào chiếc đũa. Hồi đó điện yếu, mỗi lần chúng tôi đun nước thì bóng đèn điện còn tối hơn cả đèn dầu. Được cái nhanh lắm, mấy giây là có ngay ca nước sôi. Mà có lẽ chỉ có ở khu nhà Unicef dây cáp điện ngầm mới đủ sức tải những cú đun bằng "tàu ngầm" kiểu này.

Một trò tiêu khiển của tụi con trai là vây bắt sống những con chuột chạy vào phòng, rồi tẩm dầu và đốt cho chuột chạy loạn lên. May mà không bị cháy nhà. Nhưng sau lần dãy nhà tranh sát khu Unicef bị cháy trụi vì chập điện, chúng tôi rén, không dám chơi trò này nữa. Thay vào đó, chúng tôi diệt chuột bằng điện, rồi treo chuột trước của phòng tụi con gái. Có lần, chúng tôi tóm được một con rắn to, đập chết rồi thì đặt ngang cầu thang tầng hai. Mấy chục đứa con gái ở tầng hai, chẳng đứa nào dám bước qua để lên lớp học, mãi sau chúng nhờ một thằng vứt con rắn đi, mới dám qua. May vụ đó không bị thầy cô phát giác. Còn nhiều lần bắt được thạch sùng hoặc gián, bỏ hộp diêm lén cho vào cặp tụi con gái nữa chứ.

Tôi đồ rằng tụi con gái cũng không thiếu trò nghịch, chẳng qua kín đáo không ồn ào như con trai, nên ít người để ý. Mấy nữ nhân lớp tôi hay kể chuyện ma quỷ, "ma mặt trứng" thì phải. Thế rồi tự chúng thành nhát ma, tối tối không dám đi một mình từ phòng ở lên lớp học, mà chỉ cách nhau cái sân rộng hơn chục mét.

Một điều trớ trêu là nhà vệ sinh của trường, mà chúng tôi gọi là "Nhà trắng", lại nằm trong khu vườn thẳng ngay phía trước cổng trường, thế nên đứa nào đi ra đó vào ban ngày cũng có cảm giác bị bao cặp mắt soi. Đôi lúc mấy thằng bạo trợn cứ đứng trên hành lang lớp học, gióng giả: "Em ơi đi đâu chờ anh đi cùng với". Nhiều đứa con gái xấu hổ, cứ giả vờ lượn vòng vòng qua mấy dãy nhà tranh tập thể cán bộ trường, rồi mới lén chạy ù vào "Nhà trắng".

Thỉnh thoảng, chúng tôi lén trèo tường ra hái trộm dưa lê của dân Đồng Xa. Nhưng sau mấy lần bị rình đuổi chạy trối chết, chúng tôi cũng sợ, không dám hái trộm dưa nữa. Chỉ có vườn rau khoai lang của cô Tú ở góc tường là không thoát khỏi phận hẩm, vì mỗi đêm chúng tôi lại ra tỉa một nắm lá về nấu canh, góc này thưa lá lại sang góc khác. Vườn rau của cô trồng lâu lâu mới thấy cô cắt được một mẻ. Cô thừa biết học sinh hái trộm, nhưng tính cô hiền, và chắc cũng thương học trò đói ăn, nên cô chẳng mắng tụi tôi bao giờ.

Đỉnh điểm của các trò nghịch là vụ các anh K11 bọc kín một anh trong chiếu, bịt mặt, chỉ để nude vòng 3, đặt anh ấy lên bệ của sổ lớp học, rồi chiếu đèn vào, sau khi đã đập bàn đập ghế ầm ĩ để thu hút sự chú ý của tụi con gái ở dãy nhà nội trú sát bên. Show diễn làm cả trường một phen náo loạn. Chắc là vụ này thầy cô không biết, vì hội con gái xấu hổ chẳng dám kể, còn hội con trai thì dại gì mà "lạy ông con ở bụi này".

Các trò nghịch thì nhiều không kể xiết, nhiều phen chúng tôi cũng bị phê bình, nhắc nhở, thậm chí bị kỷ luật, hay ăn vài roi của "cảnh sát trưởng". Nhưng đời học trò mà không có mấy vụ quậy phá như thế thì buồn chết. Và chúng tôi lớn lên, ra trường, mỗi đứa một phương lăn lộn trong đời. Những trò nghịch hơn quỷ sứ ấy lại là những kỷ niệm khó phai nhất, mỗi khi chúng tôi nhớ về Chuyên ngữ./.

(còn nữa)

Nhớ về Chuyên ngữ (3): K13A, K13B

Những năm trước mỗi khóa Chuyên ngữ tuyển 4 lớp, nhưng từ K12 chỉ tuyển 2 lớp. Khóa chúng tôi, K13, 90 học sinh chia làm 2 lớp: K13A có 45 đứa (một nửa học tiếng Anh, một nửa học tiếng Pháp), K13B có 45 đứa, học tiếng Nga. Về sau này Chuyên ngữ lại tuyển sinh đông dần lên, như hiện tại mỗi năm tuyển hơn 400 học sinh, vào các lớp tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung.

Hồi đầu, học sinh Chuyên Ngữ bắt buộc phải vào nội trú, nhưng sau cơ sở vật chất thiếu quá, mà ở nội trú cực quá, nên các bạn nhà Hà Nội thường xin ở ngoại trú, buổi trưa mang cặp lồng cơm ngồi ăn ở lớp, trong khi nội trú bọn tôi ra nhà bếp ăn cơm tập thể. Tuy thế, nhiều bạn ngoại trú cũng đã có dịp thưởng thức thế nào là "ăn như chăn nuôi, ở như chuồng trại". Nhiều bạn hay mang thêm đồ ăn từ nhà đi, chia sẻ cho tụi nội trú chết đói chúng tôi.

Ba năm học với nhau, kỷ niệm thật nhiều và thật sâu sắc, kể mãi cũng không hết, nên tôi muốn để dành phần này cho các bạn cùng kể lại nhé. Tôi xin post lên đây mấy bức hình mà tôi còn giữ lại được. Hình không đẹp, lại mờ, nhòe, ố vàng theo năm tháng. Nhưng đằng sau là những tháng ngày thật đẹp của tình bạn, tình thầy trò.

K13A - 1984


K13A - tiếng Pháp - 1984
 
K13A - ít nam quá! 1983 (cùng cô Thủy và thầy Tá)

K13A - mấy thằng nội trú cười quên đói!



K13B

K13B

K13B

 (còn tiếp)

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Nhớ về chuyên ngữ (2): Buổi học đầu tiên


Sau một tối ngủ ít, tiết học đầu tiên làm tôi choáng váng: đó là tiết tiếng Pháp. Tôi cứ tưởng phải học từng từ, rồi ghép từ thành câu. Nhưng không, sau câu chào bằng tiếng Việt, thầy Tường cho một tràng tiếng Pháp làm cả lũ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Rồi ngay sau đó, chưa biết một từ nào, đã phải học thuộc lòng những câu dài "lê thê": "Est-que je peux sortir/entrer, s'il vous plait?" (Thưa thầy, em xin phép ra ngoài/vào lớp), cùng với lời cảnh báo của thầy: "Nếu không học thuộc, thì đừng có hòng xin ra/vào trong giờ học" (ý thầy là nếu không nói được câu tiếng Pháp đó, thì chỉ còn nước tè ra quần trong lớp :)).
Chỉ sau vài tiết tiếng Pháp, chúng tôi, chia động từ être chưa xong, đã phải học ngay mấy bài hát "C'est à Capri que je l'ai rencontré" và bài "Au jardin des animaux". Nhưng phải công nhận cách dạy này làm chúng tôi học ngoại ngữ rất nhanh. Thầy không có dạy từ vựng, các anh chị tự về mà tra từ điển. Rồi cuốn giáo trình tiếng Pháp (chắc là in ở Pháp) giấy trắng tinh, đẹp như mơ cũng làm chúng tôi ngây ngất, vì chúng tôi đã quen với sách giáo khoa cũ sờn giấy đen thui. Sau này, chúng tôi mới hiểu rằng nội dung giáo trình Pháp văn đó được biên soạn cho phù hợp với thời bao cấp cách đây 30 năm, nên nó thật là ngô nghê. Toàn những đoạn hội thoại kiểu như:
- Hòa Bình, viens voir! (Hòa Bình, lại coi này)
- Qu'est-ce que c'est? (Gì thế?)
- Un tracteur. (Một cái máy cày!)
- Un tracteur? (Máy cày ư?)

hay:
- Où est Trường Sơn? (Trường Sơn đâu rồi?)
- Il est sous la table? (Cậu ta ở dưới gầm bàn.)
- Qu'est-ce qu'il fait? (Cậu ấy làm gì thế?)
- Il cherche son stylo. (Cậu ấy tìm cây bút.)

Chẳng có tý ty ông cụ nào liên quan đến văn hóa hay xã hội của nước Pháp, những điều mà chúng tôi khát khao muốn biết về một đất nước văn minh. Sau này sang Nga, tôi mới biết giáo trình tiếng Pháp bên đó còn tệ hơn nữa, của những năm 60-70, toàn những bài từ báo L'humanité (cơ quan ngôn luận của ĐCS Pháp), hay đại loại như vậy, làm chúng tôi cứ tưởng như nước Pháp chỉ toàn Đảng viên Cộng sản.

Tuy nhiên vào thời ấy, chúng tôi lần đầu học ngoại ngữ, tất cả những thứ "ngô nghê" đó đều thật là mới mẻ, thật là hấp dẫn. Cô Hương, cô Khang dạy tiếng Pháp siêu lắm, chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng.

Những tiết học khác đối với tôi cũng thật tuyệt vời. Các thầy cô Chuyên ngữ dạy giỏi hơn các thầy cô ở Thái Nguyên của tôi. Thầy Cầu giảng Lý thật dễ hiểu mà nhanh gọn, nên bao giờ cũng dư 10-15 phút cuối giờ nói chuyện chính trị, xã hội, mà chủ yếu là ca ngợi Liên Xô. Thầy Cường dạy toán quá hay, thích hợp với học sinh khá. Tôi được các anh chị năm trên rỉ tai rằng đứa nào giỏi toán nên học thầy Thụy (giải toán toàn nhảy cóc), đứa nào kém toán nên học thầy Kưu (chậm rãi từng bước nhỏ). Cô Chi giảng văn hơi nhạt, nhưng năm sau lớp tôi học văn cô Thủy thì vui như Tết, vì cô hay dành thời gian đọc thơ tình cho học trò nghe. Thầy Thu dạy Sử, thầy Thung dạy Sinh, thầy Quang dạy Hóa, thầy Thiêm dạy Văn đều rất hay.

Cô Việt hiệu trưởng ân cần dạy bảo, các thầy các cô cũng chăm lo cho chúng tôi như con đẻ. Cứ thế, bao thế hệ học sinh trưởng thành từ "lò Chuyên ngữ". Đến này đã là khóa thứ 43 rồi. Các thầy cô dạy chúng tôi ngày ấy đã về hưu từ lâu, nhiều thầy cô đã mất. K13 chúng tôi nay tóc bắt đầu bạc, nhiều bạn có con đang học Chuyên ngữ, nhưng có lẽ chẳng ai quên được những kỷ niệm về một thời Chuyên ngữ.

(còn tiếp)

Nhớ về Chuyên Ngữ (1): Ngày vào trường

Bây giờ ở Hà Nội có nhiều lớp Phổ thông chuyên ngoại ngữ, chứ 30 năm trước, nói chuyên ngữ là nói về Trường Phổ thông trung học chuyên ngoại ngữ, thuộc Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Gần 3 năm học nội trú ở Chuyên ngữ đối với tôi là những năm tháng thật khó quên.

Tôi vào Chuyên ngữ gần như là sự tình cờ. Tốt nghiệp lớp 7, được miễn thi chuyển cấp, vào thẳng cấp 3, dự kỳ thi vào Chuyên toán Thái Nguyên xong, là tôi tếch về nhà ông bà ngoại ở Làng Cót, Hà Nội và làm hàng mã kiếm tiền, cốt để bớt một miệng ăn cho cái nồi cơm lúc nào cũng độn khoai của gia đình (bố mẹ tôi là công nhân viên chức ở Khu Gang thép, và hai đứa em lớp 1 lớp 2). Bà chị họ ở Hà Nội là học sinh Chuyên Ngữ K10, vừa thi Đại học xong, rảnh rỗi, cũng sang nhà ông bà ngoại làm hàng mã, và cả ngày kể chuyện về Chuyên ngữ. Nhờ vậy tôi biết các thầy cô giáo ở Chuyên ngữ dạy giỏi lại rất nhiệt tình. Thầy Cầu dạy Lý, ở phố Bà Triệu, đẹp trai, nói chuyện có duyên. Thầy Quang dạy Hóa, nhà ở Bùi Thị Xuân, nổi tiếng là lãng tử ... Bà chị chắc chỉ thần tượng các thầy nên ít kể về các cô giáo, hì hì. Tôi cũng biết học nội trú ở Chuyên ngữ được tiêu chuẩn gạo cao hơn ở địa phương. Học sinh Chuyên ngữ học khá trở lên là thi Đại học dễ đủ điểm sang Nga du học. Toàn những điều hấp dẫn. Chẳng còn gì để lăn tăn. Ra ngay bưu điện, gửi điện nhờ bố mẹ chuyển gấp hồ sơ về Hà Nội, vì chỉ 3 ngày sau là hết hạn nộp hồ sơ.

Rồi hôm thi, tôi lo lắng thực sự, vì hơn một ngàn thí sinh từ khắp Miền Bắc chỉ tuyển có hơn 100, mà bọn nhà quê lớ ngớ như tôi khó lại được các bạn đồng niên ở Hà Nội. May sao tôi lọt. Nhưng thử thách chưa hết. Bởi vòng 2 là thi năng khiếu. Tôi không nói ngọng, nói lắp, nhưng chưa bao giờ được học ngoại ngữ. Thế là suýt trượt ở bài test nghe và bắt chước phát âm lại những từ mà tôi không hiểu, thậm chí chẳng biết là tiếng nước nào. May thay, tôi được vớt vào danh sách 90 đứa trúng tuyển.

Nhận giấy báo đỗ Chuyên Ngữ cùng lúc biết tin Thái Nguyên hoãn mở Lớp Chuyên toán, thế là tôi chẳng còn gì phải lựa chọn. Tuy vậy, cũng phải đến đầu học kỳ 2 (lớp 8 hệ 10 năm), sau Tết Âm lịch, chúng tôi mới được nhập trường. Nghe nói vì năm đó thiếu gạo thiếu tiền nên Chuyên ngữ chiêu sinh muộn. Ông chú cho tôi cái thùng gỗ để đồ: vài bộ quần áo, mấy quyển vở, chăn màn, và lọc cọc xe đạp đèo tôi vào trường. Ở cổng trường, gặp toàn những đứa cũng 14 tuổi, cũng ngơ ngơ ngác ngác như mình, cũng lễ mễ bê cái thùng sắt hay thùng gỗ đặc trưng của học sinh nội trú.

Phiếu nhập học của Lê Dung K13B (Nga) PTTH CNN
Giấy chứng nhận vào lớp 8 PTTH CNN của Như Quỳnh K13A (Pháp)

Trường Chuyên ngữ lúc đó ở khu nhà Unicef phía góc cuối trường Đại học SPNN, sát cánh đồng lúa. Cánh đồng đó bây giờ một bên là đường Phạm Văn Đồng, một bên là đường Trần Quốc Hoàn. Khu Unicef gồm 4 dãy nhà lắp ghép, khang trang hơn hẳn những dãy nhà tranh vách đất tập thể sinh viên Đại học SPNN. Đêm đầu ở nội trú không thể ngủ được vì lạ nước lạ cái. Hầu hết chúng tôi chưa từng ngủ giường tầng, lại gần hai chục đứa ở cùng một phòng, nói chuyện râm ran đến gần sáng thì cơn buồn ngủ mới đè bẹp được tâm trạng háo hức bồn chồn.

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Em có về B4 chúng mình xưa

(Trần Văn Thi)

Vẫn B4 của 30 năm trước (ảnh: HAT) *
Tác giả Trần Văn Thi là thầy giáo dạy tiếng Nga của chúng tôi ở Trường PTTH chuyên ngữ (ĐHSPNNHN) đầu những năm 80. Sau này, khoảng 1989-1990, tôi có gặp thầy ở Moscow, khi đó thầy sang công tác, làm phiên dịch tiếng Nga ở Nhà máy ô-tô ZIL. 

B4 là tòa nhà giảng đường chính của sinh viên ĐHSPNN hồi đó, và bài thơ cũng viết về thời sinh viên. Nhưng đối với hầu hết học trò từ lò chuyên ngữ chúng tôi, B4 là một cái tên rất đỗi thân thương. Bởi tuy chúng tôi học ở khu nhà Unicef, nhưng nhiều tiết học ngoại ngữ lại học ở nhà B4, và sau này lên đại học phần lớn chúng tôi lại học ở chính tòa nhà ấy. (HAT)


Em có về B4 chúng mình xưa
Nơi gắn bó cả một thời vất vả
Những buổi chiều tan học về vội vã
Công viên chờ xao xác lá vàng bay.

Em đã đi rồi, đừng quên nhé nơi đây
Năm năm ấy buồn vui thành kỷ niệm
Trường cháy mấy lần, gió mùa đông bắc đến
Sân ướt đường trơn, dột nát chỗ nằm.

Vách đất gió lùa rét căm căm
Đêm trằn trọc mong tìm thêm hơi ấm.
Em bảo nơi này nuôi em khôn lớn
Cho chúng mình năm tháng đợi chờ nhau.

Trên ghế nhà trường đã mong ước mai sau
Làm cô giáo mong giờ đầu tập giảng.
Em thao thức với từng trang giáo án
Gửi hồn em trong tiếng trẻ học bài.

Em xa xôi đừng quên nhé nơi này
Phượng vẫn nở như buổi đầu hò hẹn
Tiếng ve ran gọi mùa thi đến
Nhịp guốc cầu thang ngỡ em vẫn đến trường./.

------------------
* Chiều nay tôi về thăm B4. Vẫn B4 của một thời xa ấy. Chiều đông buồn xao xác lá bàng bay. Chụp vội tấm hình kẻo nhỡ mai này. Người ta phá, chia đất nền ra bán (31.01.2012. - HAT)

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Hoa Tết

Hơn 10 năm trước, tôi đón Tết Âm lịch ở Moscow cùng với nỗi nhớ nhà da diết. Một người bạn ở Việt Nam biết đến lúc đó là đã 15 năm tôi chưa được đón Tết ở quê hương, tức là chẳng có bánh chưng, dưa hành, hoa đào hoa mai chi hết, bạn ấy gửi cho tôi hình một nhánh hoa đào tuyệt đẹp. Hồi đó máy ảnh kỹ thuật số chưa phổ biến, nên người bạn phải chụp hình, rửa ảnh màu, rồi scan và gửi email. Sự quan tâm của bạn khiến tôi hết sức xúc động, và cành hoa đào nằm trên desktop máy tính của tôi suốt mấy năm, đến khi tôi về nước.

Giờ này, tôi cũng học cách người bạn năm xưa, gửi hình những cánh hoa xuân, những thứ hoa rất dân dã Việt nam, mà ở phương xa nơi trời Mỹ trời Âu, các bạn khó lòng có được. Ý tôi nói hoa tươi, chứ trong thời đại internet, chỉ một phần mấy giây là bạn có ngay biết bao hình ảnh của bất cứ thứ hoa nào bạn muốn, đẹp mỹ mãn luôn. Cả gia đình tôi không ai giỏi chụp hình, cũng không thạo máy tính để tút tát cho ảnh đẹp hơn, nên những bức hình cứ để mộc vậy bạn nhé, cũng như tình cảm mộc mạc gửi đến các bạn đọc blog của tôi, đặc biệt là các bạn ở những miền xa, rất xa quê hương Việt Nam.

Chúc các bạn một năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và thành công !











(ảnh: PMH - HAT)

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Đường về


Tôi đã định kết thúc Nhật Ký Tây Bắc ở phần viết về Dền Thàng, Y Tý. Nhưng trên đường từ Lào Cai về Hà Nội cũng có vài điều mắt thấy tai nghe, và đôi điều tâm tư muốn chia sẻ.

Chia tay các "cơm thịt viên" ở Bát Xát, tôi chạy xe qua Lào Cai, về Hà Nội. Đến Phố Ràng thì trời đã tối mịt, nên gia đình tôi quyết định nghỉ lại đó. Quả thực đi đèo dốc lúc trời tối, lại vào thời điểm các xe tải nặng chạy đầy đường, chẳng thích thú gì.

Sáng hôm sau, 05/01, tỉnh táo sau giấc ngủ ngon, chúng tôi lên đường, đi theo Quốc lộ 70. Qua Đoan Hùng, dừng lại nghỉ gần bến phà trên bờ Sông Lô, con sông mà tên tuổi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp oai hùng. Mua một ít bưởi, vì nghe tiếng bưởi Đoan Hùng từ lâu mà chưa bao giờ có dịp lên đây. Thực ra tôi thấy bưởi Đoan Hùng không ngon bằng bưởi Diễn hay bưởi Năm Roi.

Sông Lô êm ả về xuôi - Con đò nhỏ xíu đưa người qua sông
  
Trong lúc ngồi uống nước ở ngã tư "Cây Gạo", tôi bắt chuyện với mấy người dân, ngắm nghía mấy dãy phố, và nhìn đoàn người, xe chạy xuống con dốc ra bến phà. Một bác xe ôm bảo: "Cậu chạy theo bờ đê, khoảng 1 km sẽ thấy cầu mới đang xây bắc qua Sông Lô, 300 tỷ đấy cậu ạ, chưa cộng chi phí phát sinh". Ờ thì đi xem cho biết. Thời gian đang nhiều. Đến nơi, tôi mới hiểu ý bác xe ôm. Chẳng có cái cầu nào hết! Không có điều kiện kiểm chứng con số 300 tỷ và phát sinh bao nhiêu, cũng không phải chuyên gia cầu đường để tính xem 300 tỷ đồng để xây một cái cầu dài khoảng 300m là nhiều hay ít. Nhưng đây là những gì tôi thấy.



Công trường không một bóng người hay bóng máy móc, mặc dù hôm nay là ngày làm việc, cũng không phải giờ nghỉ trưa. Thực ra bên này sông có một cái máy xúc, bên kia sông có một cái xe tải, nhưng đều đứng im như chết. Vài cái trụ cầu bê tông đang làm dang dở, chơ vơ phơi nắng phơi mưa, khoe những lõi sắt gỉ hoen gỉ hoét. Cứ như bỏ hoang! Không biết bỏ hoang từ bao giờ và đến bao giờ! Nhìn trụ cầu nhỏ thế, chắc cầu cũng chẳng phải to tát gì. Không biết bao nhiêu tiền đã chi ra để làm mấy cái trụ dở này! Nhưng bây giờ, người dân ở đây chỉ có cách qua sông bằng phà.

Bóng bay ở Pờ Sì Ngài (ảnh: STC)

Trên suốt quãng đường về, còn một việc nữa làm tôi suy nghĩ. Đó là tôi không có điều kiện chụp ảnh phân phát cho trẻ em mấy cái áo khoác (đã qua sử dụng, nhưng còn cực tốt) mà những người bạn của một người bạn tôi đã ủng hộ. Khi trao cho tôi, người bạn nhờ tôi chụp hình khi phát túi áo của chị V.A., để "báo cáo" với chị ấy, rằng đồ quyên góp đã đến tay người nhận. Có điều ở Pa Cheo có nhiều điểm trường khác nhau, số áo khoác cũ do nhiều người quyên góp được phân chia cho điểm trường Pờ Sì Ngài, còn nơi tôi phụ trách là Mầm Non Tả Lèng được phát toàn áo khoác mới, nên tôi không có điều kiện chụp hình áo cũ. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, những chiếc áo đó đã được chở lên Pa Cheo phát cho các em bé. Từ bao quần áo cũ định bù đắp thêm cho các bé Mẫu giáo ở Pờ Sì Ngài (vì chúng không được nhận áo khoác mới như các bạn ở điểm trường khác), bạn Sống Thật Chậm còn "phải đếm cấp tốc 43 cái chuyển cho 43 em bé tiểu học Pờ Sì Ngài đang rét tím chân tay, chỗ còn lại đem về điểm trường chính bù cho chỗ thiếu hụt" (vì có một số trẻ Mầm Non mới nhập lớp - ngoài danh sách). Tôi chỉ muốn chị V.A. hiểu rằng, chúng tôi đã làm tất cả, để những chiếc áo ấm mà con trai chị đã mặc và đã giữ gìn rất cẩn thận sạch sẽ, tìm được chủ nhân mới của nó. Những chiếc áo này dày dặn và rất tốt, sẽ không chóng rách đâu. Có thể khi những em bé H'Mông đó lớn lên, những chiếc áo ấm áp tình người sẽ tiếp tục sưởi ấm cho các em của bé. Tôi tin là như vậy, và cũng mong các bạn tin vào điều đó.

Áo ấm đến Pờ Sì Ngài (ảnh: STC)

Tuy có đôi chút áy náy nói trên, và còn cảm thấy nặng lòng với Tiểu học Pa Cheo như tôi đã kể, nhưng chúng tôi đều cảm thấy niềm vui khôn tả khi nhìn những ánh mắt hân hoan, những nụ cười sung sướng của bọn trẻ khi được diện áo mới, ủng mới, mũ mới, được phát đồ chơi ... Đối với chúng tôi, đó là một chuyến đi vô cùng thú vị và bổ ích. Chúng tôi học thêm được nhiều điều, mà điều quan trọng nhất là Niềm vui của sự sẻ chia. Chúng tôi cũng nhiều lần rơi lệ vì tận mắt nhìn thấy và đồng cảm với những cảnh nghèo khổ bần cùng. Và chúng tôi cũng vô cùng cảm phục các thầy cô giáo, nhiều người trong số họ từ dưới xuôi lên, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn đủ thứ, vẫn sẵn sàng trích một phần tiền lương ra để giúp miếng cơm, miếng thịt cho các em bé, vẫn lặn lội mưa rét đến từng nhà dân xin học trò. Họ làm tất cả để mang "cái chữ" đến cho trẻ em vùng cao. Hy vọng một ngày nào đó, lớp trẻ này lớn lên, có kiến thức, sẽ góp phần làm vùng cao bớt nghèo.

Tôi cũng rất mừng vì sau chuyến đi, cậu con trai gầy gò 14 tuổi của tôi trở nên cứng cáp, người lớn hơn, suốt chặng đường về không say xe, mặc dù lúc đi bị say, nằm bẹp. Có thể nói đó là món lời lớn nhất mà tôi nhận được từ gánh hàng xén lên Pa Cheo. Xin cảm ơn bao người bạn đã "góp vốn" vào gánh hàng xén. Xin cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi. Và đặc biệt cảm ơn cô chủ gánh hàng xén đã cho tôi cơ hội tham gia và có được những trải nghiệm này. Xin hẹn gặp lại trong những chuyến đi tiếp theo lên Tây Bắc.

Hai mẹ con bên Sông Lô
(Hết)

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Dền Thàng, Y Tý


Sáng hôm sau, 04.01, chuẩn bị khởi hành đi Y Tý, xe tôi lại xẹp bánh sau, chắc bị đá đâm từ hôm qua. Vì phải thay bánh xe dự phòng, chúng tôi khởi hành chậm hơn xe anh K. một lúc. Ngang qua con ngầm bữa trước, lại sa lầy. 5 người xuống xe đẩy, chẳng ăn thua gì, càng cố thoát, xe càng trượt ngang về phía bờ suối. Nhà văn TL phải chạy đi tìm thêm người. May sao có một nhóm gần chục công nhân ở công trường gần đó (hình như là xây dựng trạm thủy điện) ra đẩy xe giúp, chúng tôi mới thoát. Nhập được với đoàn ở Mầm Non Dền Thàng.

Mọi chuyện ở các điểm trường Dền Thàng, Y Tý đã được các bạn đồng hành (MTH, Lana, TL) kể khá chi tiết và ấn tượng. Tôi sẽ chỉ post mấy bức hình, và kể về những chuyện khác.

Ở vùng non cao này nhà cửa thưa thớt, người H'Mông ở tản mát, nhà nọ cách xa nhà kia, toàn cheo leo trên núi. Ở đây rất nhiều thứ làm bằng đá: hàng rào quanh nhà xếp đá, đường rải đá, bờ ruộng cũng xếp đá thành từng khoảnh bậc thang theo sườn núi dốc, có những mảnh vườn (bậc thang nốt) chỉ to như cái chiếu. Tường nhà người H'Mông thường làm bằng đất sét chình rất dày, vững chắc.



Ruộng bậc thang vào mùa đổ nước

Trời vẫn mưa gần như suốt ngày, khi lất phất, lúc ào ào. Hôm nay còn rét hơn hôm qua, ở Dền Thàng, nhiệt kế trên xe chỉ 5-6 độ C, lên đến Y Tý thì chỉ còn 3-4 độ C, trong xe phải bật quạt sưởi hết công suất. Sương mù khá dày, tôi cứ bám theo đèn hậu xe chạy trước mà đi.

Đến Mầm Non Y Tý lúc mưa to. Bọn trẻ con ngồi co ro trong lớp, hầu hết chúng nó mặc không đủ ấm, chỉ có cái áo khoác mỏng hay cái áo nỉ bên ngoài áo sơ mi. Lớp xốp trải sàn tuy mỏng cũng giúp những bàn chân trần đỡ buốt. Bữa trưa, có tài trợ của chương trình "cơm có thịt", mỗi bé được cô chia một tô cơm to và khá nhiều trứng chưng trông thật ngon lành.

Con đường từ Y Tý trên đỉnh núi cao về thị trấn Bát Xát đã được sửa và nâng cấp, khá tốt, trải nhựa phẳng phiu. Tuy nhiên, đường rất hẹp, hai xe con tránh nhau còn khó. Mấy lần chúng tôi gặp xe tải đi ngược chiều, thật đúng như cảnh hai con dê qua cầu, một xe phải lùi, đến chỗ có lề đường rộng hơn chút, xe kia mới qua được. Có lần, một chiếc xe tải chở nặng đi ngược chiều không chịu tránh về bên mép vực sâu hun hút, chúng tôi phải nhường nó đi sát ta-luy.

Hai con dê qua cầu

Loanh quanh thế nào, chúng tôi bị lạc đường, rẽ nhầm vào con đường đất, chạy hơn 10 km lại thấy quay ra lối cũ. Ở dưới xuôi chạy lạc vài chục cây số không có gì ghê gớm. Với điều kiện không phải con đường như thế này. Bùn đất nhão nhoét và trơn, xe bò lên ì ạch, tiến 3 mét lại lùi một mét.


Xe 7 chỗ cũng bị chạm gầm, mọi người trên xe phải xuống hết cho nhẹ xe, leo bộ ngược lên con dốc cao,  nước mưa cuốn theo bùn đất chảy xối xả.


Vượt qua quãng đường lầy lội ở A Lù, xe đổ dốc đi về hướng Trịnh Tường. Từ trên núi cao, chúng tôi thấy thấp thoáng phía dưới có con đường cao tốc rất hoành tráng, cứ thắc mắc sao ở vùng này cũng có đường to thế. Tới lúc xuống đến bờ sông, có tín hiệu điện thoại, xem bản đồ định vị, mới biết mình đang đứng bên Sông Hồng, và trước mặt là con đường vành đai ở bên kia biên giới.


Lúc đó, trong lòng tôi dấy lên một cảm xúc khó tả: nỗi bồi hồi khi lần đầu đi đến mảnh đất địa đầu Tổ Quốc, nỗi buồn khi thấy sự tương phản của hai con đường hai bên bờ sông, biên giới tự nhiên của hai nước.



Kể lể dông dài những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thực tế, tôi không có ý định "khoe khoang" những sự vất vả của đoàn "cơm có thịt". Bởi lẽ đơn giản, chút gian truân nho nhỏ không thấm vào đâu so với niềm vui lớn lao, những cảm xúc sâu sắc mà chúng tôi có được. Hơn nữa, những trải nghiệm đó làm chúng tôi cảm thấy mình cứng cáp hơn. Như bé Đ., bé N. đang say xe là vậy mà gặp lúc bí, cũng xuống lội bùn đẩy xe, bẻ cành, xúc cát ... lót đường, thế là hết cả say xe.

Chúng tôi ai cũng hiểu rằng mình là những người "đến rồi đi", nếu có tấm lòng, có điều kiện thì thỉnh thoảng quay lại với các em bé nơi này. Nhưng những người dân, những đứa trẻ ở đây thì khác. Đó là cuộc sống hàng ngày, hàng giờ của họ. Họ không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận, phải chịu đựng cái đói, cái rét, phải đi trên những con đường ngập ngụa bùn đất, phải tìm cách vượt qua dòng suối chảy xiết vào mùa lũ để đi học, đi làm, đi chợ vì nhiều nơi không có cầu, phải sinh hoạt trong bóng tối vì nhiều nơi không có điện, phải kỳ công đắp những thửa ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi vì không có đủ đất canh tác ...

Về đến Bát Xát giữa buổi chiều, đoàn chúng tôi chia tay. Một số bạn tình nguyện viên lên tàu đêm từ Lào Cai về Hà Nội, một nhóm đi tiếp lên khảo sát mấy điểm trường ở Mường Khương. Xe nhà tôi 3 người quay về Hà Nội. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng cảm thấy như có món nợ với vùng đất này, ai cũng quyết sẽ phải quay lại nơi đây, vì đã đến, đã nghe, đã thấy, và đã để lại một mảnh tim ở vùng cao Tây Bắc.

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Sàng Ma Sáo


 Rời Pa Cheo, nửa vui nửa buồn, đoàn "cơm thịt" đi tiếp đến Sàng Ma Sáo, một xã nghèo ở sâu trong núi, cách Pa Cheo hơn 30 km. Dừng lại ăn trưa ở Mường Hum, một thị trấn nhỏ xíu chỉ có hai dãy phố ngắn ngủn. Thấy có xe khách từ Lào Cai chạy vào đây, vậy là sau này cũng có thể gửi đồ lên Sàng Ma Sáo bằng xe khách. Từ Pa Cheo đến Mường Hum gần 30 km đường nhựa, từ Mường Hum đi Sàng Ma Sáo khoảng 5-6 km đường đất.

Chợ Mường Hum

Từ Mường Hum phải qua hai con ngầm mới đến Sàng Ma Sáo. Mùa này nước cạn, xe qua dễ dàng, nhưng có lẽ vào mùa mưa, lũ kéo về, dòng suối sẽ hung hãn chứ không êm ả thế này. Nghe người dân tộc bảo vào mùa lũ, đang lội qua suối mà thấy nước vẩn đục thì phải chạy cho mau kẻo lũ cuốn trôi.

Vượt ngầm

Điểm trường chính của Mầm Non Sàng Ma Sáo nằm cạnh đường, sát bên UBND, HDND xã. Vùng này là một thung lũng khá bằng phẳng, với mấy quả đồi, lọt thỏm giữa các ngọn núi cao. Bọn mình đến đó khi các con vừa ngủ trưa dậy, bèn đem bánh mỳ ra cho chúng chấm ăn với sữa đặc. Trông chúng ăn thật ngon lành. Có một thằng bé ăn được chút thì nôn, chắc vì chưa quen sữa đặc. Nhưng nó không rời bàn, cô lau dọn cho xong, nó lại xông vào ăn tiếp.

Con phải xé bánh mỳ chấm sữa thế này này!

Trong khi Trưởng Đoàn làm việc với cô Hiệu Trưởng, một nhóm tình nguyện viên theo mấy cô giáo đi xe máy khảo sát các lớp cắm bản, ở trên núi. Số còn lại chơi với trẻ con, hoặc ngắm nghía cơ ngơi của Trường. Phải nói là điểm trường chính khá khang trang, không thua dưới xuôi. Một dãy nhà cấp 4 mới xây, có lớp học cho 25 bé, nhà vệ sinh riêng cho trẻ, có phòng giáo viên, phòng họp. Cạnh đó là một nhà xây cấp 4 với 3 phòng ở của giáo viên. Có bể nước, bếp nấu ăn  trưa cho trẻ mới làm bằng tranh, tre, nứa. Bọn trẻ ở điểm trường này cũng có vẻ tươm tất sạch sẽ hơn so với bọn ở Tả Lèng. Cô giáo nói đây là Trường chính, học sinh chủ yếu con em cán bộ, còn ở các lớp xa, bọn trẻ con thường dân cũng nghèo rách lắm.

Bếp mới dựng, còn chưa mắc điện

Buổi chiều, bọn trẻ con Mầm Non học bài thơ "Anh em mèo trắng - Vác giỏ đi câu ...". Nghe chúng đọc thơ véo von, hơi nghịu chút, thật thích. Rồi tan học, bọn trẻ từng tốp, từng tốp líu ríu kéo nhau ra về. Ở đây, trẻ con 3-4 tuổi cũng tự đi học, tự về, không ai đưa đón. Chúng vừa đi vừa nói chuyện râm ran, vừa đùa nghịch mà nhanh phết. Loáng cái đã thấy mấy đứa đi đầu thấp thoáng trên sườn dốc núi bên kia.

Tan trường

Mấy bạn đi khảo sát ở điểm trường lâu quá, cứ tưởng gần, khoảng 1 giờ là xong, nào ngờ mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nghe cô giáo nói từ trường chính đến lớp cắm bản xa nhất phải hơn 10 km, trong đó có đoạn phải đi bộ leo núi vài km, xe máy ở đó cũng không đi nổi. Lúc mọi người về đông đủ thì trời bắt đầu nhá nhem tối. Lại đổ mưa tầm tã, càng về chiều trời càng rét.

Thật không may, xe của tôi sa lầy ở con dốc ngay cổng trường. Đường hẹp, một bên là ruộng sâu, cả đoàn loay hoay xúm vào hơn một giờ nữa mới kéo được nó lên. Các cô giáo mời đoàn chúng tôi nghỉ lại ở trường. Hai xe nhà Sống Chậm vẫn quyết định quay về Sapa, vì muốn cho các cháu bé nghỉ ngơi được thoải mái. Trưởng đoàn K. vẫn muốn 2 xe còn lại đi tiếp lên Y Tý, nhưng sau khi chiếc xe Innova không vượt nổi con dốc đầu tiên, dựng đứng, trơn tuột vì bùn đất trên núi trôi xuống theo nước mưa, thì chúng tôi quyết định nghỉ lại Sàng Ma Sáo.

Xếp bàn làm giường cho đoàn (ảnh: Lana)

Cô Quỳnh hiệu trưởng nhanh nhẹn cử người đi mua đồ về nấu ăn. Các cô giáo thật hiếu khách và chu đáo. Anh K. đưa tiền mua thức ăn, các cô không nhận, nhưng chúng tôi nói nếu không nhận là lần sau chúng tôi không dám lên nữa, các cô phải chịu, hi hi. Các cô dồn 3 phòng làm một, nhường 2 phòng cho 11 người trong đoàn. Chúng tôi thật ái ngại khi giầy dép bê bết bùn đi vào phòng, nhưng dép đi trong nhà không có, bàn chân, dù có tất, tiếp xúc với nền gạch men ẩm ướt lạnh buốt tận óc. Lại nhớ những bàn chân trần của lũ trẻ ngâm trong bùn ở Pa Cheo.


Trong lúc loay hoay kéo điện ra bếp, cô Quỳnh lỡ tay làm vỡ bóng đèn compact, có lẽ là duy nhất của các cô. Thế là chúng tôi nấu ăn trong bóng tối, soi sáng bằng điện thoại di động. Cả bọn xúm bên bếp lửa, hơ những bàn tay lạnh cóng, chia nhau mấy cái xúc xích và 2 củ khoai lang vùi trong than hồng cho đỡ đói chờ cơm. Chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết như vậy đó.

Sắp được ăn rồi (ảnh: Lana)

Lúc đó mới có thời gian nói chuyện nhiều với các cô giáo. Tất cả các cô đều còn rất trẻ, người lớn nhất cũng 8x, từ nhiều miền quê tới đây. Cô Phúc mới hơn 20 tuổi, quê Thanh Hóa, về trường được hơn một tháng, chỉ con cún nhỏ nằm khoanh tròn xó bếp, bảo: "Ngày nghỉ cuối tuần, các anh chị về nhà hết, chỉ còn mình em với con cún này ở lại trông trường". Không TV, không internet, nói gì shopping, xi-nê, cafe, kem ... với bạn trai. May là có điện, chứ mấy bản trên núi cao còn không có điện. Nghe các "cơm thịt viên" đi khảo sát về kể cảnh đi xe máy đường trơn ngã oành oạch, mới thấy phục các cô giáo hàng ngày vẫn phải lặn lội đến các nhà để xin cho trẻ con đi học, mới thấy dân và bọn trẻ nhỏ ở đây khổ cực chẳng kém gì ở Pa Cheo.

Nghe tin một xe nhà Sống Chậm bị sa lầy trên đường từ Sàng Ma Sáo về Sapa. Nghĩ cảnh đêm tối, mưa, rét, đói, cả nhóm nhà Sống Chậm chỉ có 2 anh lái xe, còn lại gần chục người toàn phụ nữ và trẻ em, đang phải bứt lá, bẻ cành lót bánh xe, cả hội lo lắng bồn chồn, chẳng thiết gì chuyện ăn uống. Nhờ cô Quỳnh liên hệ thuê vài trai bản đi xe máy, mang theo dây, rơm rạ ... ra cứu. Chưa kịp đi thì nghe Sống Chậm báo đã cầu viện Pa Cheo, người từ Kin Sáng Hồ đang ra. Hơn 10h tối, mới nghe tin xe thoát lầy, tiếp tục đi Sapa. Thở phào nhẹ nhõm!

Hai căn phòng với 4 cái giường không đủ cho 11 người, 3 bạn trong nhóm leo lên xe, ngả ghế ra ngủ. Gần sáng, trời lại đổ mưa rất to. Kiểu này mai đường trơn lắm đây. Nhưng dù có làm sao thì ban ngày cũng dễ xử lý hơn. Mặc kệ! Ngủ đã!

Tạm biệt Sàng Ma Sáo!

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Ánh mắt vùng cao

Mấy ngày nay bận lu bu, nên Nhật ký Tây Bắc vẫn bị treo chữ "còn nữa". Đăng tạm bức hình cô gái H'Mông địu con mà nhà mình chụp vội tại Trường Mầm Non Tả Lèng (Pa Cheo - Bát Xát - Lào Cai).

Trong số các cháu bé được mẹ hay chị địu đến sân trường xem "người xuôi" chia áo, chia quà cho học sinh Mầm Non, đứa bé này được ủ ấm nhất: bọc trong một tấm chăn khá dày và kín. Chỉ thấy thấp thoáng bàn chân trần trong mép chăn. Bọn mình tặng cho bé đôi tất, và nhận lại nụ cười rạng rỡ của cô gái trẻ này. Và nhận lại cả ánh mắt trẻ thơ, có chút ngơ ngác, có chút buồn, trong vắt và bình lặng như mặt nước hồ.



Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Tả Lèng

Sáng 03.01, một cơn mưa rào xối xả làm chúng tôi phải xuất phát từ Sapa đi Pa Cheo chậm hơn dự kiến. Lại càng phục bạn Sống Thật Chậm đã tính toán chu đáo, đưa đồ vào Trường từ chiều hôm trước. Chờ mưa ngớt, chúng tôi lên đường. Nhờ mưa nên sương mù ít hơn, nhưng đường cũng trơn hơn. Cảnh vật trên đường đẹp mê hồn, song chúng tôi không có nhiều thời gian để dừng lại chụp hình.

Núi non trùng điệp trong mây

Đường đi Pa Cheo trải nhựa, khá tốt. Nhưng xe phải dừng cách điểm Trường chính - Kin Sáng Hồ - khoảng 1 km, vì người ta đang thi công đoạn đường qua ngầm. Đến nơi, đã có rất đông thầy cô giáo và dân bản đang đội mưa đứng chờ đón, đưa chúng tôi vào từng điểm trường bằng xe máy.

Bản Tả Lèng cách nơi ô tô dừng khoảng 5-6 km. Xe máy chở tôi vừa đi thì bị thủng lốp. Chờ một lúc, có người dân bản đi qua, tôi nhờ chở vào trường, đến chậm mất 10-15 phút. Đưa tiền, anh xe máy nhất định không lấy, tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn anh. Ba người nhóm chúng tôi, ngoài số thức ăn đã chuẩn bị của Gánh Hàng Xén, còn xách theo 3 túi quần áo trẻ em do một người bạn của tôi vừa đưa buổi tối trước hôm đi, mà tôi không kịp chuyển cho Gánh Hàng Xén, và quyết định mang theo để phát dự phòng.

Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy trường lớp sơ sài đến thế.
Cổng trường dốc ngược, trời mưa đường trơn như đổ mỡ, tôi đi rón rén lắm mới không bị té. Còn sân trường - có lẽ không cần bình luận gì thêm - bạn cũng tự thấy cả rồi.

Leo lên đã khó, leo xuống còn khó hơn!
 
Sân trường của chúng em.

Chạy vội vào lớp Mầm Non, tôi không kịp để ý thấy mấy lớp Tiểu học bên cạnh, sau mới biết Trường Mầm Non "ở nhờ" Tiểu học. Hơn 20 đứa tý nhau 4-5 tuổi đã ngồi ngoan trong lớp đón khách. Lúc tôi bước vào, cô giáo nói: "Các con chào khách nào!", chúng đồng thanh: "Chúng con chào cô ạ" :). Сó lẽ chúng chưa biết từ "chú" hay "bác".

Lớp chúng cháu có bức tranh đẹp thế !
 
Sắp được chia áo, chia quà !


Ngoài cửa có rất đông người dân bản đến xem "cán bộ phát thịt phát áo" - họ cứ gọi người miền xuôi là cán bộ. Không biết con bé xinh xắn, khoảng 6 tuổi, chân đất địu em này có được đi học không nhỉ?


Tôi đã ứa nước mắt khi thấy đứa bé khoảng 2 tuổi đứng dựa cửa nhìn vào. Định bụng lát nữa rảnh tay sẽ chia quà cho nó, vậy mà lúc sau không biết nó chạy đi đằng nào mất rồi. Ân hận mãi. Lúc đó nhiệt độ ngoài trời ở Pa Cheo chỉ khoảng 7-8 độ C là cùng, mưa phùn lất phất. Tôi thử cởi áo khoác, chỉ mặc sơ mi và áo gi-lê len. Và có cảm giác rằng, nếu không vận động liên tục, chỉ cần ngồi hay đứng yên 10-15 phút, tôi có thể đông cứng như que kem.


Chúng tôi lần lượt phát áo len, áo khoác, rồi mũ len, truyện tranh, đồ chơi cho từng bé. Còn quần nỉ và tất thì nhờ các cô phát sau.


Khi mặc áo len cho một bé trai, tôi lại một lần nữa ứa nước mắt. Khi cởi cái áo khoác ngoài rách bươm của nó, tôi phát hiện ra hai ống tay áo ướt sũng, và bên trong áo khoác, có duy nhất cái áo thun cộc tay. Hay cánh tay thằng bé lạnh như đá, tím ngắt. Vội vàng mặc áo len, áo khoác mới cho nó và nhờ cô giáo phơi cái áo khoác cũ cho khô.

Sách của ai đẹp hơn?


Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng những cuốn tranh màu xinh xắn, đính kèm cái nơ và bức thiệp nhỏ ghi tên từng bé, do mẹ con bạn Sống Thật Chậm kỳ công chuẩn bị, và các món đồ chơi mà nhiều người góp vào Gánh Hàng Xén, bất kể cũ hay mới, sẽ là những món quà quý giá nhất đối với các bé. Đơn giản bởi chúng, và có lẽ cả các anh chị, thậm chí cả cha mẹ chúng, chưa bao giờ có những thứ này trong đời.
 
Búp bê có xinh bằng mình không nhỉ?
 
Ở lớp Mầm Non lớn mới thêm một bé. Nên áo len áo khoác, đã đặt mua theo danh sách từ trước, không đủ phát cho nó. May sao có túi áo len mới do người bạn gửi để dự phòng, tôi chọn một cái to nhất, nó mặc vừa in, súng sính màu hồng, làm các bé bên cạnh ngoái sang ngắm.

Áo len hồng chen giữa


Xong lớp lớn, phát tiếp cho lớp bé. 15 đứa 3 tuổi học trong căn phòng 8-9 m2, là một nửa căn nhà lá này (nửa còn lại là phòng ở của giáo viên, giờ tạm dùng làm bếp nấu ăn cho trẻ Mầm Non). Chỉ giờ ăn, giờ ngủ chúng mới lên ở cùng phòng lớp lớn, trong ngôi nhà xây của Tiểu học.

Lớp học của chúng cháu

Bọn trẻ rất ngoan, chưa đến lượt cứ khoanh tay ngồi chờ. Được quà thì lễ phép cảm ơn, rồi quay sang bạn, cười toe toét khoe quà. Tôi đoán thế, vì chúng nói với nhau bằng tiếng H'Mông, thỉnh thoảng mới được các cô giáo dịch giúp cho vài câu. Chúng nó rất thích thú khi tôi chụp hình, rồi cho từng đứa nhìn thấy hình của mình trên bức ảnh.


Lần thứ ba trong ngày, tôi suýt trào nước mắt khi mặc áo len mới cho thằng bé này. Nó mặc một cái áo sơ mi rách, bên ngoài là cái áo khoác cũng rách. Tôi không thể cởi cái áo khoác ra được, vì nó không có cúc, không có khóa, mà được khâu chỉ hai mép áo. Hỏi cô giáo, cô bảo không cởi được đâu, chúng nó mặc thế cả mấy tháng mùa đông, vì chỉ có chừng đó áo thôi. Đành cắn môi, chọn cái áo len to nhất, mặc chùm ra ngoài áo khoác của nó.



Quá nửa bọn trẻ ở đây luôn luôn trong tình trạng "thò lò mũi xanh", như thằng bé này. Cũng dễ hiểu thôi: trời rét như thế, ăn mặc phong phanh như thế, mũi thò lò còn là chuyện nhỏ, chưa bị sưng phổi còn là may.

Áo mỏng lại ướt, nên mũi thò lò !


Đã 11 giờ, các cháu lớp bé tự xách ghế lên lớp lớn để ăn trưa. Bữa trưa nay chúng được ăn giò, chả, những món ngon dưới xuôi mà có lẽ chúng chưa từng nếm bao giờ. Có lẽ thèm ăn lắm, nhưng tụi nhỏ cứ khoanh tay ngồi chờ, khi nào tất cả các bạn đã có suất ăn, cô nói "Các con ăn nào", chúng nó mới bắt đầu ăn.

Người Hà Nội học làm "hầu bàn"

Mỗi bé được cô xúc cho một tô cơm to, thêm 3-4 miếng giò. Những đứa trẻ nhỏ thành thị có khi còn ỷ eo chê thịt mỡ, thịt dai, các bà các mẹ phải nựng lên nựng xuống mới chịu cho bón nửa bát cơm. Còn bọn trẻ con ở đây tự xúc ăn ngon lành, loáng cái đã hết tô, có đứa còn xin thêm cơm.
 
Cơm với gì đây nhỉ? (cháu chưa thấy bao giờ)

Món lạ này ngon quá

Trong lúc bọn trẻ Mầm Non ăn ngon lành, tôi tranh thủ ngó kỹ phía ngoài lớp học. Lại thấy đắng lòng vì những cảnh này.

Mút tay cho đỡ đói

Bố con Trưởng thôn


Sẵn có mấy túi áo quần dự phòng nói trên, chúng tôi đem ra phát cho bọn trẻ 1-2 tuổi ở ngoài sân, mỗi đứa 1 áo len, 1 đôi tất, 1-2 cái áo quần thun. Số đồ cũ còn lại (khoảng 50-60 thứ, chủ yếu vừa cho trẻ 2-3 tuổi), nhờ các cô chia nốt cho các cháu nhỏ trong bản, hoặc để lại ở lớp, dự phòng cần thay đồ cho các bé, mỗi khi chúng bị ướt.






Đã 11h30, điện thoại réo, trưởng đoàn thúc giục ra xe để đi tiếp. Chúng tôi vội vàng nhờ các cô làm nốt những việc còn lại: khi bọn trẻ ngủ dậy cho chúng uống thuốc tẩy giun, giữa buổi chiều cho chúng ăn bánh mỳ chấm sữa, ... rồi chào chia tay. Cô giáo trẻ đang nói bỗng nghẹn ngào, quay đi, khóc. Vội quá, chúng tôi cũng chưa kịp xin cô số điện thoại.

Những tưởng được rời trường trong ánh mắt đưa tiễn hân hoan của bọn nhỏ, của dân bản. Nào ngờ chúng tôi lại bị sốc, khi đi ngang qua và ngó vào mấy lớp Tiểu học bên cạnh. Nào chúng nó có được mặc lành lặn, ăn sung sướng gì hơn mấy đứa em bên Mầm Non cho cam. Vậy mà lần này, chúng tôi chẳng mang được gì đến cho chúng nó. Dốc ngược ba-lô, còn một gói kẹo, đem ra chia cho chúng nó đỡ tủi thân, rồi chúng tôi rời trường, thật nhanh, như chạy trốn khỏi cảm giác đau đớn và bất lực.

Chúng cháu học lớp 5 rồi ạ!

Chân trần đến lớp


Trên đường rời Pa Cheo, tôi đã quyết sẽ phải quay lại nơi này, sẽ phải làm gì đó cho bọn Tiểu học, để không bị ám ảnh bởi nỗi xấu hổ trước nụ cười thân thiện, ấm áp và tin cậy thế này đã dành cho chúng tôi.


P/S (07.01.2012; 16h00):
Cách đây ít phút, tôi vừa gọi điện nói chuyện với cô Hải, Mầm Non Tả Lèng. Cô cho biết chiều hôm đó các cô Mầm Non có chia sẻ thức ăn (bánh mỳ, sữa, pate) cho hai lớp Tiểu học cùng nhà với Mầm Non. Còn 3 lớp Tiểu học ở khu nhà khác (cách mấy trăm m) thì chưa đủ để chia :(.
Số quần áo cũ 1-2-3 tuổi chúng tôi để lại, cô cũng đã phân phát hết cho trẻ em trong thôn và một số cháu mẫu giáo bé nhà khó khăn nhất. Dân bản họ biết có áo quần trẻ em, nên đến tận nhà cô giáo để xin, mỗi cháu cũng được 3-4 món nho nhỏ. Cảm thấy chút ấm lòng bạn ơi.

(còn tiếp)