Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Chuyện kể về già …

Các bạn học của mình thời chuyên ngữ đang í ới kêu gọi chuẩn bị họp mặt kỷ niệm 30 năm vào trường. Thời gian bay vù vù, khiếp thật. Nhoằng cái đã 30 năm. Đáng lẽ mùa thu năm nay đã là 30 năm rồi, nhưng hồi đó Chuyên ngữ gọi vào trường từ học kỳ 2, tức là sau Tết Âm Lịch 1982. Mọi người nói lý do triệu tập học sinh muộn là do ... thiếu gạo. Mình không biết đích xác, nhưng có lẽ đúng thế. 

Gần 3 năm sống và học ở Trường PTTH Chuyên ngoại ngữ (ĐHSPHN) là những năm tháng mình không bao giờ quên được. Cuộc sống hồi đó thật khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng tụi mình cứ hồn nhiên như không, cứ vui cười đùa nghịch suốt ngày. Cuộc sống trong môi trường sinh viên nội trú làm học sinh phổ thông 13-14 tuổi tụi mình cũng cảm thấy mình người lớn hơn, tự lập hơn, tự giác hơn, so với hồi ở nhà với bố mẹ.

Mình còn giữ lại một bài thơ vui vui về đời sinh viên, chép lại từ hồi đó, từ cuốn sổ của một chị sinh viên khoa Anh, phòng bên cạnh. Thực ra chẳng biết tác giả là ai nữa, vì chị ấy chắc cũng chép lại từ đâu đó. Vậy nên ta cứ gọi tác giả là "Sinh Viên".



Chuyện kể về già …

Tác giả: Sinh Viên
 
Mong chóng về già kể chuyện cùng nhau
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc gì dễ quên.

Mình sẽ quay về năm tháng ấm êm
Mái nhà tranh bốn giường tầng – bốn căn buồng hạnh phúc
Những đôi vợ chồng yêu nhau rất thực
Cũng ghen hờn bâng quơ …

Sẽ kể về những tối làm thơ
Mỗi người một câu, mỗi người một ý
Mẩu bánh mì nâng tâm hồn thi sỹ
Để cóc kêu ngơ ngác giữa vần

Mình cùng ôn lại những tháng năm
Cả bọn tuổi hăm mà phòng chẳng có khách
Đêm thứ bảy nghêu ngao ngồi hát
Mùng 8 tháng 3 mình lại tặng hoa mình

Đấy cái thời chúng mình gọi bình minh
Là tia nắng 8 giờ xuyên qua vách
Thể dục buổi sáng xem như nét gạch
Nối liền hai giấc mơ.

Con cháu sẽ nghe kể chuyện xa xưa
Cả bọn sáng nào cũng đồng thanh kêu đói
Trên thư viện nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.

Dù thời gian năm tháng lùi xa
Chắng thể quên những ngày sức ăn như rồng cuốn
Bữa super 1 giờ đêm cũng chưa muộn
Đơn vị đo bằng nồi bảy nồi ba.

Thuở ấy chúng mình cũng sống "xa hoa"
Ngày sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
Một bữa cháo hành bàn dăm bảy bận 
Gạo ít, người đông, thêm nước lại đầy

Chúng mình đã sống bằng khối óc bàn tay
Bao sự hy sinh kể sao cho xiết
Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm.

Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói
Mở một khoảng trời xanh cao vời vợi
Để đêm đêm chúng mình ngắm sao trời.

Thưở ấy đời đâu lặng lẽ trôi
Ta đã đi qua một thời sôi động
Nửa đêm còn cãi nhau về nhạc thơ – cuộc sống
Để phòng bên nhắc nhở đấm thủng tường.

Ngày ấy cả phòng nghe nhạc Đặng Thái Sơn
Cũng đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ
Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
Thương nhau thuốc DEF nối nhịp cầu.

Sau này về già kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đã sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai sống qua rồi chắc gì dễ quên.


23 nhận xét:

  1. Thưở ấy đời đâu lặng lẽ trôi
    Ta đã đi qua một thời năng động
    Nửa đêm còn cãi nhau về gà – đền – bạch thủ
    Bảo vệ lên giải tán chạy re kèn.
    _ - _
    Sorry!

    Trả lờiXóa
  2. @thanhvd: he he hồi đó tụi mình không chơi bài như các bạn sau này.

    Trả lờiXóa
  3. Bài này vui thật, hồi xưa bọn em cũng chép truyền tay nhau :)
    "Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
    Thương nhau thuốc DEF nối nhịp cầu."
    Cái này ở ký túc xá trường em các bạn trai hay bị, bọn con gái thì ko :P

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bọn nào mà chẳng bị. Không lẽ cái ghẻ nó lại kiềng cái bọn con gái.

      Xóa
  4. @HY: Hồi đầu bọn anh ở nhà Unicef, đã biết thế nào là "từng tập thơ tình hiến thân vào bếp". Năm lớp 9 (tức là 11) chuyển sang dãy nhà tranh, học thêm chiêu rút mái tranh làm củi, sao cho lâu bị dột. Sau có đứa còn tiếc sao trước khi về nghỉ hè không rút mái nhà nấu cơm thả phanh, vì đầu năm lớp 12, dãy nhà tranh bị lửa thiêu trụi.

    Trả lờiXóa
  5. "Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
    Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm"

    Con trai em một lần nghe bố mẹ kể chuyện xưa có câu "nấu cháo bằng giấy", nó thắc mắc sao cho giấy gì vào cháo !

    Trả lờiXóa
  6. "Bữa super 1 giờ đêm cũng chưa muộn
    Gạo ít người đông, thêm nước lại đầy"
    Vụ này ngày xưa phòng con gái chúng tớ còn có. Đêm đói quá vo vét mãi chỉ được chừng hai nắm gạo, phòng lại những 10 đứa nên chỉ còn cách nấu cháo. Nấu xong nồi cháo bung thì không còn hạt muối nào, 1h đêm đi gõ cửa các phòng xin mà không có. thế là ăn cháo trắng không. Cũng ấm.

    Trả lờiXóa
  7. @PTN: để tiết kiệm giấy, củi, khi cơm ở đáy nồi bắt đầu cháy thì bọn mình lật ngược nồi, đun phía nắp. Cơm mau chín hơn, và có hai mảng cháy. Cơm ăn với muối, nên cháy mới ngon và dễ ăn hơn cơm trắng. Đó là bữa super, thỉnh thoảng mới có, còn cơm tập thể thì sẽ phải có một entry riêng mới kể hết được.

    Trả lờiXóa
  8. @Lana: lúc ở nhà tranh, phòng bọn mình có 6 thằng, lúc đầu còn chia ra 2 nhóm, sau cũng gộp vào, vì thỉnh thoảng mới có gạo mà nấu cháo (đứa nào đó về quê xách lên). Còn lúc ở Unicef phòng 2 chục thằng, "gà rừng" nhiều vô kể. Cứ nấu một nồi, còn sau đó sẽ có bao nhiêu đứa ăn thì trời mới biết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào các anh. Các anh nói gà rừng nhiều vô kể thì oan cho tụi em quá. Hồi đó em cũng là 1 con gà rừng ở chung với anh Tuấn đó

      Xóa
    2. Oan gì mà oan! mấy đứa năm dưới ít khi dám ăn ké tụi anh, chứ ăn ké của nhau thì ... Bọn anh cũng thế thôi!

      Xóa
    3. À, mà em nhớ ra rồi. Không phải gà rừng đâu mà là thợ "đánh dậm" mới đúng

      Xóa
  9. @HY: thuốc DEF chữa hắc lào, ở KTX hồi đó bọn con trai đứa nào cũng bị ít nhiều, bởi lẽ hay ngủ chung vì trời rét không đủ chăn, hoặc do thiếu màn. Ở trường anh hồi đó có 2 vụ mất màn hàng loạt, sẽ kể sau. Còn "sột soạt kéo nhị" vì ghẻ thì chẳng đứa nào thoát (cả trai lẫn gái), chỉ nặng hay nhẹ mà thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Hôm 20/11 bọn mình đi thăm cô Thảo dạy Hoá (cấp ba Gang thép)mới biết thêm thuốc DEP chữa bệnh trừng cá đỏ cực nhậy luôn (cô Thảo còn có tên là Thảo mũi đỏ vì bị bệnh trứng cá đỏ 12 năm liền, sau chỉ 1/3 hộp DEP mà khỏi đấy)

    Trả lờiXóa
  11. @Phúc: ghi nhận "tác dụng phụ" của DEF, hy vọng sẽ giúp ích được ai đó với toa thuốc thần kỳ này :))).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì thuốc DEP cũng chưa mạnh đâu. Hồi đó còn sử dụng các loại thuốc mạnh hơn như Cồn IỐT, ASA.

      Xóa
  12. Mới có mấy ngày không ghé thăm Quán Trà của Tuấn mà có thêm nhiều bài hay quá, đọc rồi mình lại thấy nôn nao nhớ thời sinh viên quá, trường Y bọn mình cũng lưu truyền bài thơ "Thời SV", mình cũng chép rất cẩn thận trong sổ tay thỉnh thoảng lại lấy ra xem, cách đây 2 năm ngày Hội Trường lớp mình cũng có bạn lên đọc lại, rất nhớ và cảm động.
    "Thủa ấy chúng mình cũng sống xa hoa
    Những sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
    Một bữa cháo có năm bẩy đứa
    Gạo ít người đông thêm nước lại đầy"...
    Trường của bọn mình thì ít ghẻ, nhưng lại rất nhiều rệp, bọn mình lấy lá về trải đưới chiếu cho "rệp nó sợ", kết quả là lên giảng đường lâu lâu lại có bạn trai ngồi ở sau "cho bạn một con rệp mình mới bắt được ở áo của bạn này..."

    Trả lờiXóa
  13. SV trường Y biết thuốc trị ghẻ ngon lành, nhưng chắc chưa có test để xác định rệp bắt ở áo ai nhỉ.

    Trả lờiXóa
  14. Nguyễn Phương thảolúc 13:10 6 tháng 1, 2012

    Chào các bạn cùng được tôi luyện tại lò chuyên ngữ.
    Vì tình cơ đọc bài của em về Triều tiên sau comment trên blog "Vì ta cần nhau" của Thanh Chung, nhân tiên đây chị cung cấp cho em tên tác giả của bài thơ "Chuyện kể lúc về già", đó chính là chị Thanh Chung. Giờ thì em có thể "trả lại tên cho em" cho bài thơ rồi đấy.
    Chúc các em luôn giữ mãi tình cảm của thời sinh viên "trẻ con" của chúng ta.
    Cựu h/s chuyên ngũ khoá 8

    Trả lờiXóa
  15. Cảm ơn chị Nguyễn Phương Thảo rất nhiều. Vậy là giờ bọn em đã biết chị Thanh Chung là tác giả bài thơ mà bọn em rất thích. Có lẽ em sẽ phải nhờ chị Thanh Chung sửa lại những chỗ có thể đã bị "dị bản" do chép chuyền tay nhiều lần.
    Lứa chúng em là Chuyên ngữ khóa 13 (1981-1984).
    Chúc chị vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  16. Em à, bài này không phải của sinh viên khoa anh mà là của chị Lê Thanh Chung, lớp bọn chị, khoa Pháp khóa 1978-1983 nhé. Cũng có sự tham gia góp ý thêm hay sửa lời của bọn chị trong nội trú khi Chung làm nhé. Nó là cuộc sống thực của bọn chị nhưng đã cao hơn thời kỳ chị học chuyên ngữ rồi. Vì lúc đầu chuyên ngữ là nhà tranh vách đất, chưa có nhà UNICEF. Bọn trai làng và kẻ trộm thường xuyên đột nhập ban đêm. Những tiếng kêu trộm và những giấc ngủ không bình an là những kỷ niệm theo bọn chị suốt đời đấy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bình luận của chị. Thật bất ngờ vì rất lâu rồi tôi cũng không vô blog của mình. Trong bài có ghi là "chép từ cuốn sổ của chị sinh viên khoa Anh, phòng bên" và cũng nói rõ là không biết tác giả là ai. Đó là lúc đăng. Sau đó, trong phần bình luận, có chị Phương Thảo đưa thông tin rằng tác giả bài thơ là chị Lê Thanh Chung. Tôi cũng đã định bổ sung thông tin này vào cuối bài, nhưng rồi lu bu quên mất, sau này dùng facebook nên bỏ luôn blog. Giờ xin ghi nhận góp ý của chị và tôi sẽ cố gắng edit lại bài. Chưa biết có đăng nhập được vô blog không nữa ạ.

      Xóa
    2. Xem lại blog mới nhớ ra tôi đã đăng lại bài thơ nguyên bản của chị Thanh Chung trong một post khác rồi ạ.
      https://tuanhavn.blogspot.com/2012/08/chuyen-ke-luc-ve-gia-thanh-chung.html?m=1

      Xóa