Đỗ Mạnh Hùng gửi HAT Blog
Vốn là người thích du lịch và khám phá, lần này cả nhà tôi quyết định dành 3 ngày nghỉ để lên thăm Hà Giang, một địa danh tuy quen thuộc qua lịch sử Việt nam, tuy chỉ cách Hà nội có 320 km về phía Bắc, và tuy cũng nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh thu hút du khách như Sapa, nhưng… gia đình tôi chưa tới lần nào.
Ngày thứ nhất: Xuất phát từ Hà nội khoảng 13h đi theo đường 32 qua cầu Trung Hà, đi Phú Thọ qua Việt Trì lên gần Tuyên Quang, đi về Hà Giang, đường đẹp, xe tốt khoảng hơn 18h là tới nơi. Nghỉ đêm lại ở thị xã Hà Giang khá tốt và rẻ (ví dụ trong ngày lễ mà khu Huy Hoàn, Hoàng Anh phường Nguyễn Trãi giá chỉ 250-350 nghìn, hoặc Trường Xuân Resort tại km số 5 sang trọng nhất ở đây cũng chỉ có 350-450 nghìn, so với Hạ Long gần 1 triệu/đêm thì giá ở đây quả là mềm). Tại Trường Xuân có tắm thuốc người Dao 40 nghìn, tắm hơi 60 nghìn và tẩm quất (hết sức) lành mạnh 80 nghìn.
Và bờ tường xung quanh resort do người H'Mông xếp đá nghệ thuật bằng những viên đá nhỏ vuông vức và vững chãi, thật đẹp mắt, thật tự nhiên, không dùng xi măng hay vật liệu gắn kết nào khác.
Nếu lấy các phòng 101-103, 301-303 khi tỉnh dậy bạn sẽ nghe tiếng nước suối róc rách, nhìn qua cửa sổ phía sau nhà sẽ phải ngẩn ngơ vì nước trong chảy xiết trên những mảng đá cuội, gần là vài cây to buông lá, xa là dãy núi trầm huyền.....chỉ có thể thốt lên" sơn thủy hữu tình". Mới hiểu vì sao khi xưa có người bỏ công danh triều đình về quê câu cá.
Bạn có thể ăn tối ở Phố ẩm thực (gần tỉnh ủy) nhà hàng Dân Tộc hay quán Sông Núi gần Trường Xuân. Ăn ở đây rất rẻ chỉ 110k-150 nghìn/ bữa, có thể ăn gà, dê, cá ngạnh (trê hoặc trình), rau tầm bóp, muống xào. Tối có thể thăm đại công trường...để hoang do bí thư tỉnh ủy vẽ ra. Tối nên ăn cháo ấu tẩu ở quán cô Hương đối diện điện lực Hà Giang (nó hơi đắng nhưng rất tốt cho xương khớp***).
Ngày thứ hai: Từ 5h sáng đã xác định đi thật nhiều, tiếp lên phía bắc. Từ thị xã Hà Giang tới Quản Bạ, Yên Minh ngang qua những cái tên thật hay và lạ: Cán Tỷ, Vần Chải, Lũng Thầu, Lũng Cẩm, Sảng Tủng, Táo Xà Phìn, Sảng Thủng, Sính Lủng. Toàn đá là đá, nhìn ngút tầm mắt cũng chỉ có đá với một màu xám đến đặc trưng, như từ trên trời thả xuống trùng điệp
Ngày thứ hai: Từ 5h sáng đã xác định đi thật nhiều, tiếp lên phía bắc. Từ thị xã Hà Giang tới Quản Bạ, Yên Minh ngang qua những cái tên thật hay và lạ: Cán Tỷ, Vần Chải, Lũng Thầu, Lũng Cẩm, Sảng Tủng, Táo Xà Phìn, Sảng Thủng, Sính Lủng. Toàn đá là đá, nhìn ngút tầm mắt cũng chỉ có đá với một màu xám đến đặc trưng, như từ trên trời thả xuống trùng điệp
Hà Giang là nơi con sông Lô nổi tiếng trong lịch sử chống Pháp bắt nguồn, sau đó nó chảy qua Tuyên Quang, Phú Thọ, nơi nhạc sỹ Văn Cao đã viết Trường Ca Sông Lô. Nơi đầu nguồn con sông thật hiền hòa, thật nhỏ vì phải len lỏi qua hai dãy núi cao. Đây đó, chúng ta gặp những chiếc cầu treo nho nhỏ bắc qua sông.
Tỉnh Hà Giang được tính là một trong những tỉnh nghèo nhất đất nước vì không có đủ đất canh tác, nhiều nơi ngô trồng chen với đá.
Nhiều nơi cũng có những thửa ruộng bậc thang, nhưng thật hiếm hoi
Đến Hà Giang dĩ nhiên bạn không thể bỏ qua khu di tích nhà Vương, tức là ông vua người H’Mông tên Vương Chính Đức ở xã Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn. Tòa lâu đài của ông bao gồm 6 tòa nhà nằm dài và 4 tòa nhà nằm ngang tọa lạc trên một diện tích đất rộng khoảng 1,120 mét vuông, với tổng số 64 phòng ốc và được bao quanh bởi gần 3km đá xếp dày nửa mét cao gần một mét rất nguy nga và hoành tráng.
Ông vua Vương Chính Đức (được chính thức công nhận năm 1900) có 3 vợ và buồng của các bà gần nhau, không biết lúc xưa làm sao để Vương khỏi nhầm, còn nay thì trên cửa buồng có ghi rõ ràng ví dụ “Phòng ở của vợ ba Vương Chính Đức”.
Hà Giang cũng nổi tiếng bởi Cao nguyên Đồng Văn, nơi đã được UNESCO công nhận là một trong 77 vùng địa chất tự nhiên đẹp nhất thế giới. Cổng trời Tà Phìn, cột cờ Lũng Cú… những địa danh dù khó đọc nhưng nếu đã đến một lần bạn sẽ nhớ mãi. Khi chúng tôi lên đến cột cờ Lũng Cú đã là tầm trưa, nghỉ và ăn trưa ở chân cột cờ, ăn ở đây khá đắt vì việc vận chuyển lương thực tới đây trở lên khó khăn, thế là đã đi gần 450 km. Nước rất hiếm.
Về quá Đồng Văn thì ăn uống ngon hơn, ăn ở hai quán gần chợ khoảng 150 nghìn/ bữa. Đã tới đây thì bạn đừng quên ăn gà đen của dân tộc H’Mông rất ngon và lạ miệng, cá suối cũng là món đặc sắc với vị tươi và mát. Ở thì tại khách sạn Cao Nguyên Đá ngày lễ cũng chỉ 250k-350k, buổi chiều đi dạo tại phố chợ là nơi có dãy phố cũ như Hội An, Tường Đất Trình, thật cũ kỹ. Khu phố văn hóa này do người dân bảo nhau tự gìn giữ nếp nhà có từ hơn 200 năm. Tối đến cafe phố cổ và dạo bước lang thang...nhưng nên ngủ sớm để mai vào chợ Đồng Văn.
Cờ Tổ Quốc tung bay trên Lũng Cú
Về quá Đồng Văn thì ăn uống ngon hơn, ăn ở hai quán gần chợ khoảng 150 nghìn/ bữa. Đã tới đây thì bạn đừng quên ăn gà đen của dân tộc H’Mông rất ngon và lạ miệng, cá suối cũng là món đặc sắc với vị tươi và mát. Ở thì tại khách sạn Cao Nguyên Đá ngày lễ cũng chỉ 250k-350k, buổi chiều đi dạo tại phố chợ là nơi có dãy phố cũ như Hội An, Tường Đất Trình, thật cũ kỹ. Khu phố văn hóa này do người dân bảo nhau tự gìn giữ nếp nhà có từ hơn 200 năm. Tối đến cafe phố cổ và dạo bước lang thang...nhưng nên ngủ sớm để mai vào chợ Đồng Văn.
Ngày thứ ba: Đi chợ Đồng Văn, được mệnh danh là nơi “Văn hóa gặp gỡ Phong tục”. Cái đẹp của chợ Đồng Văn là tất cả những nét đặc trưng, các màu sắc nổi trội của các dân tộc H’Mông, Tày, Dao, Nùng… đều được phô bày nơi đây.
Thật tiếc là chúng tôi không đến đúng ngày 27 âm lịch để đi thăm chợ tình Khâu Vai nổi tiếng của huyện Mèo Vạc, nhưng không sao, bù lại chợ Đồng Văn cũng làm trái tim chúng tôi xao động với những nụ cười của các cô gái, vẻ thân thiện của các em bé và quang cảnh tấp nập từ sáng sớm bán vải, rượu, ngựa, bò,… sửa chữa từ máy móc thô sơ đến điện thoại cầm tay … nơi đây.
Mặt trời đã bắt đầu ló lên làm ửng hồng đôi má thiếu nữ vùng cao, chúng tôi phải đi rồi vì còn nhiều nơi quá, tiếc rẻ chia tay cùng chợ Đồng Văn. Lên Mã Pì Lèng chụp ảnh sông Nho Quế khi mặt trời lên. Gặp các bé thơ của Hà Giang, cũng ngây thơ, cũng dễ thương như những đứa trẻ bên Tây Bắc trên blog của HAT, cũng ăn mặc rách, nhếch nhác, rất bé do thiếu ăn, cũng đã biết tranh nhau ... không thích kẹo vì …thích xin tiền cơ. Thật đáng thương cho các cháu bị bắt ra đường kiếm tiền quá sớm, nhưng người dân ở đây nói rằng nếu bạn cho tiền, bố mẹ nó sẽ bắt đi xin, và không cho đi học nữa. Cho nên nếu có hảo tâm chúng ta nhờ các blogger HAT, Sống Thật Chậm … chuyển áo quần, tiền đến tận trường chứ không thể cho dọc đường như thế này được.
Đi lên Mèo Vạc và vào chợ chụp vội thêm ít ảnh, nếu bạn muốn khép lại chuyến đi có thể qua Bảo Lâm, Cao Bằng, chạy thẳng về Hà nội. Còn thư thả thêm 1 ngày nữa bạn có thể đi về hướng Mậu Duệ, Lũng Hồ, qua lại Quản Bạ hoặc Minh Ngọc với sông Gấm như hai cạnh của hình thoi vòng vèo.
Trở lại thị xã Hà giang nhận khách sạn và sáng hôm sau thư thả ra về khoảng 6 tiếng sau sẽ có mặt ở Hà Nội nếu không qua làng văn hóa du lịch Bản Khiêm (Quang Minh) hoặc khu du di tích lịch sử Trọng Con gần cầu Thác Vệ, hoặc qua Thanh Thủy tắm nước nóng cho đỡ mệt mỏi (gần cầu Trung Hà). Tới Hà Giang rồi, một phần tâm hồn bạn sẽ ở lại đó, đúng như câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
Khi ta tới, đất là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.
Đỗ Mạnh Hùng
Hà nội, tháng 5 năm 2012
Gửi các bạn thêm vài bức ảnh dễ thương
Bà cháu đi chợ sớm
Em bé vùng cao
Tình bạn trên cao nguyên đá
Núi đôi
*** Cháo ấu tẩu chỉ bổ xương cốt khi được chế biến đúng cách, rượu ngâm ấu tẩu xoa bóp khi chấn thương rất tốt, nhưng phải hết sức cẩn thận khi dùng đường uống vì có thể gây ngộ độc.
Biên soạn: Phạm Phương Lan