Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

HAT - Bài này đăng từ 27.07.2011, ngày Thương binh liệt sỹ. Nhân kỷ niệm 33 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, tôi xin đăng lại, và bổ sung thêm một số thông tin, hình ảnh.

Tăng, pháo Trung Quốc tiến sâu vào Cao Bằng (ảnh - blog Mai Thanh Hải)

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra. Lúc đó, tôi mới 12 tuổi, học lớp 5 ở Thái nguyên. Cuộc tấn công của Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới phía bắc có thể bất ngờ với nhiều người, vì trước đó đài báo ít đưa tin, có lẽ chỉ tập trung vào những sự kiện ở biên giới tây nam. Nhưng với tôi thì không bất ngờ. Cả năm trời trước đó, bố tôi và mấy bác đồng nghiệp của bố ở Nhà máy Gang thép Thái nguyên hay nói chuyện thời sự, vẻ ai cũng lo lắng đăm chiêu, nói năng khe khẽ khiến tôi chú ý. Ngồi học góc nhà, tôi giỏng tai nghe chuyện họ nói. Thì toàn những chuyện bọn Tàu cho người tràn qua biên giới bắt, đánh dân mình, những chuyện người Việt gốc Hoa ùn ùn kéo nhau rời khỏi Việt nam … Và sau sự kiện Lê Đình Chinh bị sát hại tháng 8 năm 1978, các bác bạn bố tôi đều cho rằng không tránh khỏi chiến tranh, đôi lúc họ còn bàn nhau gửi trẻ con về quê ở miền xuôi.

Lúc đó tụi nhỏ chúng tôi hoang mang lắm. Vì ở trường, ngoài những bài học về lịch sử cha ông ta chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc, chúng tôi còn được dạy là “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông với tình hữu nghĩ sáng như rạng Đông”. Không lẽ hai anh em “môi hở răng lạnh” lại cắn xé lẫn nhau! Chúng tôi lo Tàu nó đánh thì chạy đi đâu cho thoát, vì Thái nguyên cách biên giới đâu có xa. Lúc đó, ký ức của chúng tôi về chiến tranh chỉ là những tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom năm 1972, những lần chui xuống hầm trú ẩn, tiếng bom nổ rền phía Nhà máy Gang thép, ánh chớp đạn pháo cao xạ … chứ chúng tôi chưa nhìn thấy trực tiếp cảnh súng ống bắn giết bao giờ. Một nỗi sợ mơ hồ của con trẻ.

Nhưng những sự việc xảy ra cứ làm nỗi lo lắng tăng thêm. Đầu tiên là khu Nhà khách dành riêng cho chuyên gia Trung quốc làm tại nhà máy Gang thép mọi khi vốn đông người tự nhiên một hôm vắng như chùa Bà Đanh. Chuyên gia họ rút hết về nước rồi. Tiếp đó, hai anh em thằng Kín, thằng Loọc, trạc tuổi và hay đá bóng với bọn tôi sau giờ học, một hôm cũng không thấy đến trường nữa. Mọi người bảo nhà nó gốc Hoa, bỏ về bên ấy rồi.

Từ đầu năm 1979, tình hình đã căng lắm. Bố tôi thường xuyên phải đi tập quân sự. Có lần tập muộn, không kịp trả súng, bố mang về nhà một khẩu súng trường CKC. Lần khác là một khẩu AK mới oách. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn và sờ một khẩu súng thật, mới toanh, chứ không phải những khẩu tiểu liên tôm-xông của Pháp gỉ hoan gỉ hoét mà bọn nhỏ chúng tôi bới được từ bãi thép phế của nhà máy để chơi đánh trận giả. Tại trường, chúng tôi được dạy nhiều hơn về cứu thương, trú ẩn … Ngày nghỉ, học sinh từ lớp 5 trở lên được điều đi đào công sự trên các đỉnh đồi để bộ đội đặt pháo. Có lần được các chú bộ đội cho ngồi lên mâm pháo cao xạ 37 ly, quay mấy vòng như đu quay, sướng mê tơi.

Rồi chiến tranh nổ ra thật. Cái không khí nặng nề, u uất tự nhiên biến mất. Thay vào đó là sự hăng hái, yêu nước nhiệt thành. Mấy chú trong cơ quan bố mẹ nhập ngũ. Nhiều anh chị học sinh lớp lớn cũng làm đơn xin đi bộ đội. Ngoài đường, loa phóng thanh suốt ngày đưa tin chiến sự, tố cáo bọn bành trướng Bắc kinh, bá quyền nước lớn (từ anh chuyển sang thằng sao mà nhanh thế!). Chúng tôi ai cũng thuộc những bài hát hào hùng như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, hay tha thiết như “Lena Belikova”. Trường tôi có một số bạn từ biên giới tản cư về vào học. Lớp tôi có thêm nhỏ Ngọc, nhỏ Đào trước gia đình ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Hai nhỏ hiền khô, cả lớp quý lắm. Cả hai vẫn học cùng chúng tôi cho đến hết lớp 7.

Đánh nhau được ít lâu thì thấy bộ đội giải tù binh về. Cái sân vận động Gang Thép biến thành Trại tạm giam tù binh Tàu. Bọn nhỏ chúng tôi tò mò tới coi lũ bành trướng mặt mũi ra sao mà ác thế. Lúc đầu chỉ dám đứng xa thật xa ngó, lâu dần dạn hơn lại gần. Thì thấy chúng cũng như người mình, chỉ khác là mặc quần áo tù. Nhiều thằng mặt còn non choẹt, hiền khô, ngơ ngác. Mấy chú bộ đội canh trại nói chuyện bọn này phần lớn dân lành, biết gì đâu, lúc bị xua qua biên giới mới biết là đi đánh Việt nam. Có lúc còn thấy mấy tên tù binh khóc tu tu. Chúng ra hiệu xin thuốc lá. Bộ đội canh thỉnh thoảng cũng cho, chỉ là mấy điếu thuốc vê giấy báo. Lính mình nghèo. Thế mới biết giữa những người lính hai bên chiến tuyến vẫn có thể có sự đồng cảm. Tội lỗi là ở bọn chóp bu kia, đem dân lành làm tốt thí cho những tham vọng chính trị.

Tiếp theo là trường tôi tổ chức đi thăm thương binh ở Viện C. Hồi đó nghèo, cả trường chỉ góp được ít trái cây, vài thùng đường, sữa. Nhưng quan trọng là tấm lòng. Vào viện thấy thương binh ta nằm kín, có chỗ 2 người một giường, thương quá. Lại thêm căm thù bọn bành trướng. Thầy cô thăm hỏi động viên các chú thương binh, còn học sinh tụi tôi hát tặng mấy bài, có bạn đọc thơ.

Rồi cuối cùng cũng hết đánh nhau. Tôi được thay mặt học sinh cả trường đi dự lễ mừng công. Có chú bộ đội đẹp trai kể chuyện rất có duyên. Mới biết lính chính quy của ta còn ở trong Nam chưa kịp ra. Ngoài này chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tham chiến. Mà bọn Tàu thì đông quá. Bị bắn ngã lớp này, lớp sau lại “tả, tả” xông lên. Bộ đội ta thương vong nhiều quá. Bắn hết cả đạn mà chúng vẫn tiến, các chú ấy phải rời chốt, rồi đến đêm, được tiếp viện, lại xông vào chiếm chốt.

Cuộc chiến qua đi, cuộc sống trở lại với bộn bề lo toan, cơm áo gạo tiền.
Nghèo! Đói!

Trong lịch sử Việt nam có lẽ không cuộc chiến tranh nào mà người ta (cố tình?) quên nhanh đến thế. Nhưng đó là trên các phương tiện truyền thông. Còn trong lòng người dân Việt có ai quên “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” ! Ngày 27.07, xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc.


P/s: 17.02.2012

Tôi hỏi thử 2 con trai (học THPT và THCS) có biết hôm nay, 17 tháng 2, là ngày gì không. Chúng lắc đầu. Hỏi có được học gì ở trường về chiến tranh biên giới 1979 không. Cũng không! Chưa bao giờ nghe nói tới! Chẳng có cuốn sách giáo khoa lịch sử nào của Việt Nam nhắc đến sự kiện này, cứ như thể nó chưa từng xảy ra. Tôi không thể hiểu tại sao người ta phải sợ "phạm húy" đến vậy. Nói gì thì nói, 33 năm đã trôi qua, lịch sử mãi là lịch sử, không thể viết lại lịch sử. Mà có nhắc đến thì đã sao? Năm ngoái tôi đưa con trai đi thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Sài Gòn, thấy rùng mình, thấy ghê tởm những tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ. Nhưng bây giờ chắc chẳng có mấy người dân VN coi Mỹ là kẻ thù. Còn nếu "nước lạ" kia cứ lăm le cướp biển đảo của ta, cứ đòi đào hết tài nguyên khoáng sản của ta ... thì liệu có người VN bình thường nào coi họ là bạn, dù có những kẻ hèn để họ đục hết bia, đốt hết sách nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979, dù có dát đến 16 ngàn chữ vàng.

Bia tưởng niệm những thường dân bị quân TQ thảm sát năm 1979 (Ảnh - blog Mai Thanh Hải)
Tấm bia này đặt bên cái giếng, tại thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng). Tại đây, ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người (gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em), trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối. (theo Huy Đức - blog Mai Thanh Hải). Tấm bia này còn sót lại có lẽ là do bị bỏ quên, nằm khuất trong khu vườn rậm rạp um tùm của một gia đình, không có đường vào. Chứ nếu nó nằm nơi quang quẻ, chắc gì đã không bị đục bỏ, như tấm bia ghi công sư đoàn 337 trong chiến tranh biên giới 1979 ở cầu Khánh Khê (Lạng Sơn) bị đục mất dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược".


Tôi phải kể cho các con tôi nghe những điều này, vì đó là lịch sử, đó là sự thật. Không phải để dạy chúng LÒNG HẬN THÙ, mà để dạy chúng BIẾT CẢNH GIÁC.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Hoa đào trên biên giới



Bác Khôi gọi điện đầu tuần trước, khi mình đang ở Sài Gòn, nói thứ năm đi theo đoàn "Cơm có thịt" khảo sát và phát quần áo ấm cho các bé ở Mường Khương nhé. Mình nhận lời ngay, nhưng trong đầu loạn lên, sắp xếp lại lịch làm việc. Rút cuộc sáng thứ năm không kịp đi theo xe các bác í, đành cùng với Sống Thật Chậm (cũng bận việc lỡ chuyến như mình) đêm thứ năm ôm ba lô nhảy xe khách Mỹ Đình - Lào Cai - Sa Pa.

Sáng sớm thứ sáu ngang qua Bản Phiệt, xuống xe, bắt xe ôm đi 40 km lên Mường Khương, kịp nhập vào đoàn ở Trường Mầm Non xã Tung Chung Phố. Hơi mệt một chút, nhưng bù lại gần một giờ ngồi xe máy, nói chuyện với bác tài dân địa phương biết thêm bao nhiêu điều.

Từ Bản Phiệt trở đi khoảng 15 km, thấy núi đồi trồng kín dứa. Bác xe ôm nói dân vùng này giàu nhờ dứa gần chục năm nay. Bán cho Trung Quốc, hoặc nhà máy chế biến ở Việt Trì, 2.800 đ/kg. Chạy tiếp lên cao, lại chỉ thấy chè, dứa trên này không trồng được. Lên cao nữa, gần đến Mường Khương thì chẳng thấy trồng gì cả. Dân ở đây xuống vùng thấp trồng dứa thuê. Bác xe chỉ những cái nhà gạch, nhỏ, cao, trông giống lô cốt, bảo đó là lò sấy thuốc lá. Trước đây nhà máy thuốc lá đầu tư lò sấy, cây giống để dân trồng thuốc lá. Rồi sau ép giá quá, dân trồng bị lỗ, họ bỏ. Vậy là bao nhiêu "lô cốt" ở Mường Khương thành nhà hoang.

Nhìn chung, mình thấy Mương Khương tuy nghèo, nhưng không đến nỗi nghèo mạt rệp như mấy nơi khác mình đã qua. Đến Tung Chung Phố, Tả Ngải Thầu, Sống Chậm và mình lại nhờ thầy cô chở xe máy vào mấy điểm trường cắm bản. Đường lên các bản khá xấu, nhưng còn hơn ở Pa Cheo hay Sàng Ma Sáo. Các điểm cắm bản cũng phần lớn là xây cấp 4, ít nhà tạm hơn nơi khác.

Một trong các khó khăn ở đây là nước. Mùa khô thiếu nước sạch nghiêm trọng. Lúc ở Dìn Chin, thấy mấy cô giáo đi xe máy chở nước và chở chậu quần áo về, hỏi ra mới biết các cô đi xa 3 km để giặt và lấy nước. Cạnh trường có bể hứng nước mưa, nhưng chỉ được phép dùng nấu ăn cho học sinh, mà mùa này ít mưa nên cạn tận đáy. 

Một chuyện nữa là chăm sóc y tế còn lạc hậu lắm. Với lại các bản xa trạm y tế xã, đi khám cũng mất rất nhiều thời gian. Lúc ở Mầm Non bản Cán Hồ (xã Tung Chung Phố), mình nghe một đứa ho, biết nó bị viêm phế quản nặng lắm. Hỏi cô giáo, cô nói đã giục bố mẹ cháu đưa đi khám và mua thuốc. Nếu ở Hà Nội, chắc chắn chẳng có gia đình nào để con ốm nặng thế đi học. Còn Sống Chậm kể thấy một đứa bị loét ngón tay, sưng vù, móng tay gần như rụng ra, mà chẳng thấy băng bó hay bôi thuốc sát trùng gì cả. Đó là điểm trường chỉ cách trung tâm xã 2 km, còn những điểm bản cách cả chục km thì sao?

Đối với kẻ ngu ngơ như mình thì tìm hàng ăn là cả một vấn đề. Mọi người cứ nói trên Mường Khương nhiều hàng ăn ngon lắm. Nhưng lúc hai anh em đi xe máy đến thị trấn, đã 8h30, chẳng hàng nào còn đồ bán. Lại đi vội vào xã để kịp đoàn, nên ăn tạm mấy cái bánh quy. Lên đến Dìn Chin lúc 11h thì Sống Chậm suýt xỉu. Còn mình sẵn sàng đổi cái áo len trong ba lô lấy gói mì tôm. Rút kinh nghiệm cho những chuyến đi sau!

Quay về gần cửa khẩu Pha Long lúc 13h, cả đoàn ai cũng đói bạc mặt. Tìm được một hàng phở, họ cũng không bán hàng nữa, chỉ còn mỗi rổ bánh phở (nghe bảo họ làm sẵn để thứ bảy mang lên bán ở cửa khẩu), nằn nì xin mua thêm tý thịt và mấy cái bắp cải, rồi Sống Chậm hô hào các cô trong đoàn xắn tay áo lao vào bếp làm gấp món phở trộn hành phi, thịt lợn xào và bắp cải luộc. Mầm đá ăn ngon dã man!

Nhưng mà vui!
Và sự mệt nhọc biến đâu hết khi thấy bọn trẻ hớn hở nhận quà. Bên blog bác Trần Đăng Tuấn có bài về chuyến đi này, rất nhiều hình ảnh và chi tiết (bấm vào đây để xem). 

Mình xin khoe với các bạn những bức ảnh hoa đào Mương Khương nhé.




 



 

 

 
 






Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Nhớ về Chuyên ngữ (6): thư Canada

 
Phương Lan - Hi Tuan, chac ban chua quen to, Lan Cuong day. Da doc rat nhieu tren blog cua ban va to rat khoai cac bai viet cua ban ve chuyen ngu cung nhu nuoc Nga, don gian la vi bon minh cung chia se quang thoi gian do voi nhau. Hom nay nhan dip cac ban duoc gap nhau ky niem 30 nam ngay vao chuyen ngu, to cung noi hung tam su vai dieu, nghi rang gui email nho ban post len blog la hay nhat, vi to khong co blog, khong co facebook, ... 

CHUYÊN NGỮ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Chuyên ngữ Sư phạm nằm tại cây số 7 đường đi Cầu giấy, được biết đến trước hết là nơi sáng sáng “thanh niên Cổ Nhuế xin thề, chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương”, sau đó mới là nơi đào tạo những mầm non tương lai “ăn như sư, ở như phạm”. Trước khi có được tờ giấy nhận học như Tuấn đã post lên, đứa nào cũng phải qua một kỳ sát hạch nói ngọng, nói lẫn, nói nhịu … đến phát khiếp khi lưỡi cứ muốn cứng lại lúc đọc câu “Dân Thanh Lương làm lúa nương…” hay "Nước Lào là nước nào? Nước nào là nước Lào?". Lúc đó mặt mũi mình đỏ phừng phừng vì lo lắng, không còn đủ sức chú ý đến nụ cười rất hiền của cô Thủy như đang khuyến khích “Em cố lên nào, cô tin em làm được!”. Mãi tới khi gặp lại cô ở Chuyên ngữ, nghe giọng ngọt ngào đọc thơ với nụ cười mỉm thật dễ thương, mình mới choàng tỉnh, à đây chính là cô giáo đã khảo sát mình vòng 2.

Lần đầu tiên được biết giáo viên chủ nhiệm là cô Dung, mình đã hoảng, trông cô rõ ràng là không hiền tí nào, bụng bảo dạ phải cẩn thận nghe chưa. Sau này khi đọc Harry Potter, mình thấy cô sao mà giống cô giáo chủ nhiệm của nhà Gryffindor thế chứ, và mình chợt cảm thấy “nhà Gryffindor” thật may mắn khi có được một giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc và công bằng như vậy. Khi đã kết thúc 3 năm chuyên ngữ, một hôm cả bọn con gái quây quần xung quanh cô trước khi chia tay, cô cười cười hỏi “Sau này ai sẽ lấy chồng đầu tiên trong nhóm?”, cả bọn nhao nhao “Chắc Ngọc Lan rồi cô ơi”. Buổi nói chuyện hôm đó cứ làm mình có cảm giác cô như gà mẹ đã luôn giang tay ấp ủ lũ gà con chúng mình trong suốt mấy năm qua, và giờ đã đến lúc chúng mình đủ lớn, bay nhẩy khắp các phương trời xa. Thế mà, hóa ra người “sang sông” trước lại là Hường, người hiền lành đến mức hình như không bao giờ có ý kiến riêng trong mọi cuộc họp của lớp.

Cô Hằng giáo viên dạy tiếng Nga để lại trong lòng mình ấn tượng thật khó quên vì cô rất trẻ, rất đẹp và mới đi Nga về. Cô hay kể chuyện nước Nga “hay lắm các em ạ, 4 mùa đều đẹp, một sáng tỉnh dậy, em bỗng thấy cây cối đồng loạt ra chồi xanh”, hay là “tàu điện ngầm chỉ vài phút có một chuyến, mình đứng trên chỗ đợi, tàu đến, mình chỉ cần bước vào chứ không cần leo mấy bậc cầu thang”. Những câu chuyện của cô làm chúng tôi nuốt từng lời, và từ lúc nào chúng tôi đã ao ước, mình sẽ đi Nga học để được chứng kiến tận mắt những điều đó. Sau này khi kể cho ai đó về nước Nga, vô tình mình hay dùng lại câu của cô Hằng “một sáng tỉnh dậy, bạn sẽ thấy cây cối đồng loạt ra chồi”.

Cô Chung “Địa” không khó tính trong việc chấm điểm vẽ bản đồ Việt nam như bọn mình tưởng. Các chị năm trên có truyền kinh nghiệm rằng với bài kiểm tra một tiết của cô Chung chỉ cần mở bài và kết luận thôi, còn bên trong thân bài hoàn toàn có thể viết “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hay “vườn rau của cô Chung chuyên môn bị bọn học trò cắt hết” cho đủ chiều dài là được. Mình chưa bao giờ dám thử thách xem điều đó có thật không hay chỉ là một chiêu “xui trẻ ăn … gà”, nhưng câu chuyện bản đồ thì có thật. Vẽ bản đồ Việt nam bao giờ cũng là niềm đau khổ chung của cả lớp vì trình độ vẽ quả thật là còi. Cô Chung cứ cười lăn khi thấy Việt nam khi thì giống củ khoai tây, lúc lại đúng là chữ S nhưng gầy nhẳng. Cô chê đứa thì ăn cắp đất của Lào, đứa lại cho không Trung quốc cả đoạn!!! (cái này xảy ra gần 30 năm trước rồi, chứ bây giờ thì hơi “đụng chạm” à nha). Tới ngày phải nộp bản đồ chấm điểm, cả lớp cuống quýt lên, cuối cùng không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra mẹo qua mặt cô: cô gọi 5 đứa đầu trong danh sách lớp mang bài lên nộp, cô chấm hết 5 bài, trả bài rồi mới gọi tiếp, thế là những bài được điểm từ 7 trở lên được cắt béng cái phần có điểm đi và lại quay vòng, nộp tiếp cho đứa sau. Mỗi bài “đẹp” đó có thể quay vòng tới 5 lần, cho tới khi cô chấm vào chính giữa bản đồ thì thôi, dĩ nhiên mỗi lần được điểm khác nhau là chuyện thường, còn hơn là nộp củ khoai lang của mình lên và lĩnh chắc con 5, hoặc 4 không chừng. Sau này thành giáo viên, mình “đọc” hết các chiêu của học sinh, và lúc đó hiểu ra rằng, cô thương không thèm nói ra, để các em có được điểm cao một tí, dành thời gian mà học môn chính.

Nói chuyện thương học trò, mình nhớ tới thầy Thung dậy Sinh. Môn Sinh của thầy chẳng bao giờ được coi trọng thực sự, trừ lúc thầy dậy đến bài gen di truyền và con lai, lần đầu tiên trong lớp bàn luận sôi nổi, thậm chí cả sau khi thầy đã ra khỏi lớp. Cả bọn lôi cuốn truyện mà mình đã quên béng mất tên, trong đó có hai anh em ruột là con lai, nhưng người anh da trắng, còn người em da đen và cãi nhau long trời lở đất, thậm chí bàn tính xem nếu họ còn thêm anh em thì tỉ lệ đen, trắng, nâu nâu … ra sao. Nếu thầy Thung quay vào lớp lúc đó hẳn thầy sẽ hãnh diện lắm, hóa ra chúng cũng có học môn Sinh này!!! Không biết là may hay không may cho thầy, năm thi tốt nghiệp, ngoài 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ, môn thứ tư chính là Sinh vật. Thầy vất vả hẳn, người gầy đi (nhưng chắc chẳng đứa nào nhận ra, vì thầy vốn to béo và cao), bất cứ lúc nào dù ngoài giờ học có ai thắc mắc gì môn Sinh, thầy nán lại giảng giải ngay. Đặc biệt tuy là môn đi thi nhưng không vì thế mà thầy lên mặt dạy dỗ “các em phải… ” hoặc dọa dẫm “nếu các em không chịu học thì…” mà lúc nào cũng nhẹ nhàng giải thích, dù có nói đi nói lại mấy lần cũng không hề gì. Hôm đi thi tốt nghiệp, môn Sinh là môn cuối cùng, vào buổi chiều ngày thứ hai, mới lao ra khỏi phòng thi (môn tiếng Nga thì phải) mình đã thấy dáng cao lớn của thầy Thung vượt lên trên các phụ huynh đang chờ trước cửa, và trong lúc các bậc phụ huynh đang tìm cách nhồi nhét thức ăn cho con thì thầy tìm cách nhồi nhét thêm kiến thức cho lũ học trò lao xao xung quanh. Nhìn lưng áo mướt mồ hôi của thầy chắc khối đứa hôm đó phải bụng bảo dạ, cố gắng lên nhé, thầy đã hết lòng hết sức vì chúng mình rồi. Năm đó điểm thi tốt nghiệp khá cao (mình nhớ Tuấn lớp A được điểm tuyệt đối) hẳn làm thầy Thung cười hài lòng. Thầy Thung hiền lắm, mình không nhớ đã có lúc nào thầy nghiêm giọng với bọn mình chưa, nhưng bọn học trò nhất quỷ nhì ma thì chẳng buông tha ai hết, kể cả thầy. Thầy có thói quen để khăn mùi xoa ở túi quần bên trái, thỉnh thoảng khi giảng bài thầy rút ra lau mồ hôi. Tiến “còi” ngồi bàn đầu, chắc chẳng có việc gì để làm, trong lúc thầy đang thao thao giảng và đứng tựa vào bàn của Tiến thì Tiến đã nhẹ nhàng rút béng khăn mùi xoa của thầy ra và tráo vào đó là… giẻ lau bảng. Sau đó khi thầy đi sang hướng bên, Tiến chuyền khăn cho cậu khác để nhét vào túi quần bên phải của thầy, chắc với hy vọng rằng thầy sẽ nghĩ là do thầy nhầm lẫn. Phải đến nửa lớp say sưa theo dõi trò nghịch của Tiến và hồi hộp chờ phút đỉnh điểm. Khỏi phải nói khi thầy lau mặt bằng giẻ lau bảng thì cả lớp cười òa ra như thế nào, nhưng thầy hiền thật, tìm ra cái khăn thực sự đang ở bên túi phải, thầy chỉ cười và chẳng tìm xem đứa nào nghịch thế để phạt cả.
              
Ở nội trú là một thú vui, tuy rằng có phải ăn uống rất khổ sở, nhưng tiếng cười thì lúc nào cũng vang vang mọi nơi. Buổi tối khi các bạn ngoại trú đã về hết, cả bọn lên lớp, vác sách vở theo, thậm chí cả một cái chậu nhôm thật to để “bắt” châu chấu, học bài, cười đùa, trêu chọc nhau cho có đứa phát khóc, thường là Thúy “còi” phải chịu trận. Vì còi nhất lớp nhưng giọng lại to nhất nên nếu có “chiến tranh” nổ ra, phe bên kia thường xuyên khênh Thúy ném toạch ra ngoài hành lang. “Bác học” Tuyến thì bình chân như vại, có bom nổ hay cháy nhà cũng vẫn thấy Tuyến đang lẩm nhẩm chia động từ. Có hôm cả bọn con gái say sưa cãi nhau, ỏm tỏi cả lên chỉ vì cái con tôm nhỏ phải gọi là tép hay là cá con, Thúy cũng đã bị vứt ra ngoài hành lang rồi thì bỗng nghe tiếng bọn con trai gào lên từ dãy nhà bên kia “Đứa nào to mồm là con tép”, cả bọn ớ ra, nào có ai đụng chạm tới chúng mà chúng làm loạn? Mãi sáng hôm sau mới biết, thì ra mẹ của Hùng “” tên là Tép. Đành cười trừ, chứ biết làm sao.

Đi học thích nhất là giờ toán thầy Thụy và giờ văn cô Thủy. Thầy Thụy có kiểu ném phấn lên trời, quay nửa vòng trên đế đôi giày tây rất diện và chụp lại viên phấn, viết lên bảng, đó là lúc thầy sẽ đưa ra một lời giải vô cùng đặc sắc mà cả lớp chỉ có biết ồ à  hàng loạt. Bài toán hình của thầy lúc nào cũng khó ghê, cả bọn vẽ đủ kiểu cũng chịu, đành bảo nhau thôi chờ ngày mai thầy giảng, ấy thế mà thầy mới chỉ vẽ đầu đề lên bảng, đã thấy cả nửa lớp reo hò, hiểu rồi, hiểu rồi thầy ơi. Tuy vậy thầy vẫn chưa hài lòng, được cô chủ nhiệm thông báo rằng thầy thấy các em chưa tỏ ra hứng thú với môn toán (trừ Hải, dĩ nhiên), rằng đáng nhẽ ra khi thấy một lời giảng hay, các em phải mở to mắt ra, và tỏ ra vui sướng với điều đó, đứa nào đó phân công ngay “Lan, mày là lớp phó phụ trách học tập, mày có trách nhiệm nối vào mắt từng đứa một sợi dây, chờ tới khi thầy Thụy giảng được cái gì hay thì mày giật một cái, cả lớp trợn mắt lên, hẳn là thầy sẽ hài lòng”. Nói đùa vậy nhưng từ đó cả lớp cũng có cố gắng hưởng ứng hơn vì quả thật là thầy đã làm cho môn toán tưởng chừng khô khan trở nên dễ nuốt.

Ngày thi nói tiếng Nga, Phương lớp trưởng chu đáo bảo cả bọn, mình phải pha nước chanh cho các cô, trời nóng thế này, cả bọn răm rắp làm theo, nào cốc, nào chanh, nào đường, cái gì cũng có cả, mà đến thìa thì không có, một đứa nhanh nhẩu lấy ngay cái bút bi, rút ruột ra và dùng vỏ … nguấy đều. Cả bọn bảo nhau, sau này mà có làm giáo viên thì đừng bao giờ uống nước chanh của học sinh nhé.

Thời gian không làm cho cô Thủy già đi, hè vừa rồi gặp cô ở Toronto, trông cô vẫn trẻ trung, đẹp và vui tính. Nhớ vô cùng những buổi cô tâm đắc đọc lại bài viết của Phong cho cả lớp nghe, cả lớp lặng đi trước những xót xa với thân phận chị Dậu được diễn tả rất sống qua cách viết của Phong và với giọng du dương của cô. Hẳn là cô Thủy tự hào về việc đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ của Phong để sau này Phong thành trưởng khoa Văn Đại học Sư Phạm. Đến ngày thi đại học, đọc đề thi “Em hãy phân tích nhân vật chị Dậu…”, mình nhớ cô Thủy, nhớ bài viết của Phong, và… tranh thủ cóp lỏm của Phong vài ý tưởng, may mà hồi đó chưa có “bản quyền tác giả”.

Thầy Phú bố của Phương dạy Lý cũng rất hay, thầy chỉ dạy thay cho cô Dung một giai đoạn nhưng lớp mình ai cũng thích tính thầy. Thầy không chỉ dạy môn Lý, mà thầy còn tranh thủ dạy cả đạo đức cũng như cách sống. Năm đó mình đã ra ngoại trú, đi từ nhà đến trường hàng ngày nên hay đi học muộn, tình cờ sao mà lần nào cũng gặp thầy. Một hôm thầy vào lớp và hỏi “Theo phương pháp quy nạp, ngày hôm nay, tôi gặp một em đi học muộn, ngày hôm sau tôi lại gặp em đó đi học muộn, bẵng đi một thời gian, tôi lại gặp cũng em đó vẫn đi học muộn, tức là sao?”  Cả lớp đồng thanh, tức là bạn đó luôn luôn đi học muộn ạ, mình đỏ bừng mặt nhưng rất biết ơn thầy đã nói nhẹ nhàng, lại không nêu tên mình trước lớp, nên từ đó luôn cố gắng đi học cho đúng giờ hơn.

Nhanh thật, mới đó mà đã 30 năm kể từ ngày bọn mình vào trường, lớp có 45 học sinh, số lượng con gái chỉ ba mấy đứa mà đã có 4 Lan (Hương Lan, Ngọc Lan, Phương Lan, Tú Lan), 5 Hà (Hồng Hà, Minh Hà, Ngân Hà, Thanh Hà, Vũ Hà), báo hại cả lớp phải gọi rõ ràng tên và đệm, kẻo không đứa nào thưa. Đến tận bây giờ gọi cho Hùng Khốt, vẫn nghe “Phương Lan đấy phải không?”, mình hơi ngỡ ngàng, bên Canada này thường chỉ gọi mình đơn giản Lan Phạm, chữ Phương đã gần như quên mất.

Hôm nay là ngày các bạn gặp lại nhau nhân dịp 30 năm ngày vào trường, mình không thể về để cùng nhau hò hét, cùng nhau cười ra nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong hai năm rưỡi tại chuyên ngữ nên đành ngồi viết ít dòng cho nỗi nhớ vơi đi, mà chẳng thấy vơi đi chút nào. Bạn nào đó nói đúng, càng già càng thấy nhớ thêm.

Phạm Phương Lan (K13B)
Toronto, Canada.
lanpham03@gmail.com

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Nhớ về Chuyên ngữ (5): Bữa cơm nội trú

Tôi phải nói rõ, tất cả những gì tôi kể trong loạt bài này là chuyện của 30 năm trước, kẻo nhiều người khi tìm trong google thông tin về Chuyên ngữ để cho con hay cháu thi vào trường, nếu không đọc kỹ lại tưởng ở đây toàn lũ học trò nghịch như quỷ sứ và đói khát, mà ngại ngần phân vân chăng. Tôi có ý nghĩ lẩn thẩn này từ vài bữa nay, khi vào gu-gờ tìm theo từ khóa "chuyên ngữ"  thì mấy bài "Nhớ về chuyên ngữ" luôn nằm trong trang đầu. Còn nữa, nếu bạn đang chuẩn bị dùng bữa, xin khoan hãy đọc bài này: tôi sẽ cảm thấy áy náy nếu vì những điều tôi sắp kể đây mà bữa ăn của bạn kém ngon.

Nhiều năm sau này, mỗi dịp chúng tôi ngồi cùng nhau ôn lại bao kỷ niệm thời Chuyên ngữ, không ai có thể quên những bữa cơm nội trú. Bởi thời đó có thể vắn tắt bằng một chữ: ĐÓI. Như câu thơ trong bài thơ "Chuyện kể về già" sinh viên ai cũng biết:

Sáng lên lớp nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.

Quả thật tôi quên khuấy thời đó chúng tôi ăn sáng như thế nào. Thường là không ăn gì. Thảng hoặc có tiền thì chạy ra cổng trường lót dạ cái bánh sắn, hoặc bát cháo.

Buổi trưa buổi chiều học về, vứt cặp vào phòng xong là chạy ngay ra bếp ăn tập thể của Trường lớn (học sinh Chuyên ngữ chung nhà ăn với sinh viên đại học). Phải ra sớm, để đỡ xếp hàng đông. Có ai muốn bụng đói đứng chầu cơm! Một lý do nữa là mâm cơm chia ra, không ngồi vào ăn ngay thì lũ ruồi ăn tranh hết mất. Đã có lần mấy đứa con trai chúng tôi mải chơi đá bóng, lúc ngồi vào ăn thấy xoong cơm bị ruồi bu đen, kinh quá phải xúc lớp cơm trên mang đổi dưa.

Bọn con gái ăn ít, hay mang cơm thừa đổi dưa với cà muối, chứ mấy thằng con trai đang tuổi lớn, ăn khỏe như trâu, cơm có dư đâu mà đổi dưa cơ chứ. Dù là gạo hẩm, vàng ệch, lẫn toàn thóc và sạn, chúng tôi vẫn chén sạch, dù có phải nhai cơm không, khô khốc như bò nhai rơm. Cái thứ gạo hẩm không có chất này dù có ăn dăm bảy bát thì cũng chỉ mấy tiếng sau là lại đói meo. Mỗi mâm cơm 5-6 đứa, bao giờ cũng có 3 xoong nhôm: 1 xoong cơm, 1 xoong canh và 1 xoong thức ăn mặn. Canh thì mùa nào thức nấy, nghĩa là mùa hè thì rau muống, mùa đông thì cải xoong. Thức ăn mặn thường là lạc rang muối, thỉnh thoảng có thịt lợn kho đậu phụ, gọi là có. Tiêu chuẩn 3-4 lạng thịt một tháng, không bằng thằng con tôi bây giờ ăn một bữa, chưa kể còn bị bớt xén. Sau này chúng tôi thường mang theo lọ muối rang, rắc vào cơm cho đỡ nhạt miệng. Có lần chúng tôi kêu ca ăn cải xoong mãi chán lắm, cô Việt thương quá phải an ủi, rằng cô nghe nói cải xoong ăn bổ máu. Chẳng biết có bổ thật không, nhưng tôi không bao giờ quên có lần đang ăn thì bọn con gái mâm bên cạnh ré lên kinh hoàng, bỏ chạy tán loạn. Hóa ra trong xoong canh của chúng có ... con đỉa trâu. Mâm bên này, chúng tôi sững sờ, nhìn nhau rồi ... ăn tiếp.

Cái bếp ăn tập thể bẩn và hôi hám, tối tăm quá, chúng tôi thường bắt chước các anh chị sinh viên, bê luôn cơm ra ngồi ăn ngoài sân. Dù có phải ăn cơm không hay rắc muối, chẳng mấy ai dám động đến nước mắm - chúng tôi gọi là nước giọt gianh - vì cái vị chát chát đắng đắng như nước hàng pha nước lã, cộng với mùi thum thủm cá ươn, và vì chúng tôi tin chắc rằng cái thùng đựng nước "giọt gianh" ấy là bể bơi của lũ chuột cống.

Năm đầu mới vào, thấy mấy thằng chúng tôi lỉnh kỉnh thìa đũa bát, các anh năm trên cười nửa miệng. Y rằng sang năm sau, bát vỡ và mất hết, chúng tôi mỗi đứa chỉ dùng một cái thìa. Sang năm cuối, cả mâm 6 đứa còn lại 3, rồi 2, rồi 1 cái thìa dùng chung. Không hẳn vì chúng tôi không có nổi tiền mua bát, mà đơn giản là tụi con trai lười rửa bát, và đơn giản hơn nữa là nhiều hôm chẳng có nước mà rửa bát. Những hôm mất nước, bể cạn trơ đáy, thì nồi canh bẩn chẳng kém gì nước ruộng, chúng tôi chỉ dám gạn ăn nửa trên.

Thời đó ngày càng đói kém, sinh viên phải ăn cơm độn mì. Bột mì viện trợ của Liên Xô, nhà bếp đem cán mì sợi trộn vào chảo cơm, mấy bữa đầu còn thấy sợi mì, sau toàn mì vụn. Mấy bà cấp dưỡng cẩu thả, cứ xúc từng xẻng mì vụn tương vào, mì vón từng cục, làm sao chín được. Một hôm, sinh viên nội trú bê nguyên những xoong cơm lẫn với các tảng mì vón lổn nhổn to như quả cam quả bưởi đó về ký túc xá, bày ra trước cửa, rồi đồng loạt bãi khóa. Giám hiệu nhà trường xuống kiểm tra, bổ những "quả bưởi" đó ra, bên trong mì vụn vón cục còn khô nguyên. Ai đó phụ trách nhà bếp bị cách chức. Tình hình ăn uống được cải thiện đôi chút. Nhờ các anh chị sinh viên đấu tranh kiên quyết mà học sinh chuyên ngữ chúng tôi cũng được nhờ. Sau lần đó, ngươi ta không độn mì sợi nữa, mà nặn bột mì thành từng miếng to như bàn tay, luộc lên, chia cùng với cơm. Chúng tôi gọi đó là "nắp hầm". Món này cứng, nhai muốn trẹo quai hàm, nhưng không đến nỗi bị sống hoàn toàn như mì sợi vón. Không ăn hết có thể gói mang về, buổi tối học bài đói bụng mang ra nhấm nháp cũng thấy ngon.

Mấy đứa ngoại trú hay mang theo cơm trưa, thỉnh thoảng vẫn chia sẻ cơm và thức ăn cho bọn nội trú chúng tôi, những hôm cơm nhà bếp không thể nuốt nổi.

Biết và thương chúng tôi đói, nhưng các thầy cô cũng chẳng thể giúp được gì, vì thời đó cán bộ công nhân viên chức, kể cả giáo viên, đều nghèo rớt mồng tơi, lại nuôi cả bầy con nhỏ. Người ta vẫn nói "giàu thủ kho, no nhà bếp, vừa giàu vừa no là sếp". Cứ nhìn quần áo thì thấy các thầy cô của chúng tôi đều nghèo. Chỉ có mấy thầy cô dạy ngoại ngữ, thỉnh thoảng được đi du học, thì mới có đồ tinh tươm chút.

Thỉnh thoảng về thăm nhà, chúng tôi lại mang theo ít lương thực, nhóm nội trú có mấy bữa tạm no no. Cảnh nấu cơm trong nội trú thì nhiều người kể rồi:

Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm
Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói ...

Nấu bằng giấy, bằng củi thì thường có khói có tro, hay bị lộ, giám thị bắt được phiền hà, nên về sau chúng tôi hay nấu bếp điện (dây may so). Có mấy anh năm trên còn thiết kế cả cái thùng gỗ như thùng để đồ đầu giường đứa nào cũng có, khoan lỗ luồn dây điện vào nấu trong thùng. "Cảnh sát trưởng" có thình lình ập vào phòng thì nhẹ nhàng đậy nắp thùng lại là ... tỉnh bơ. Để nấu cho nhanh, cơm cạn không cần tắt bếp, khi nào bắt đầu khét thì lật ngược nồi, đun phía vung đến khi cũng bắt đầu khét là được. Nhiều cháy càng tốt, dễ ăn hơn cơm trắng nhạt nhẽo, lại dễ bốc bằng tay :)). Nếu cơm khô quá, đã có món canh (không mì chính, không dầu mỡ) nấu bằng nắm lá khoai lang hái trộm ở vườn của cô Tú.

Nhớ lại cái cảnh ăn cơm nội trú kinh hãi đó, tôi không chút lăn tăn tham gia ngay từ ngày đầu vào chương trình "cơm có thịt" cho trẻ em nội trú dân tộc vùng cao do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng. Mình chẳng rủng rỉnh tiền bạc gì, nhưng cứ nghĩ nếu mỗi tháng trích từ lương ra 200-300 ngàn đồng (trong khả năng của tôi), thì sẽ có thêm 2-3 đứa trẻ con miền núi được ăn ngày một bữa cơm có thịt. Thôi thì cũng chỉ mong làm được một điều tốt nho nhỏ trong đời.