Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Nhớ về Chuyên ngữ (6): thư Canada

 
Phương Lan - Hi Tuan, chac ban chua quen to, Lan Cuong day. Da doc rat nhieu tren blog cua ban va to rat khoai cac bai viet cua ban ve chuyen ngu cung nhu nuoc Nga, don gian la vi bon minh cung chia se quang thoi gian do voi nhau. Hom nay nhan dip cac ban duoc gap nhau ky niem 30 nam ngay vao chuyen ngu, to cung noi hung tam su vai dieu, nghi rang gui email nho ban post len blog la hay nhat, vi to khong co blog, khong co facebook, ... 

CHUYÊN NGỮ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Chuyên ngữ Sư phạm nằm tại cây số 7 đường đi Cầu giấy, được biết đến trước hết là nơi sáng sáng “thanh niên Cổ Nhuế xin thề, chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương”, sau đó mới là nơi đào tạo những mầm non tương lai “ăn như sư, ở như phạm”. Trước khi có được tờ giấy nhận học như Tuấn đã post lên, đứa nào cũng phải qua một kỳ sát hạch nói ngọng, nói lẫn, nói nhịu … đến phát khiếp khi lưỡi cứ muốn cứng lại lúc đọc câu “Dân Thanh Lương làm lúa nương…” hay "Nước Lào là nước nào? Nước nào là nước Lào?". Lúc đó mặt mũi mình đỏ phừng phừng vì lo lắng, không còn đủ sức chú ý đến nụ cười rất hiền của cô Thủy như đang khuyến khích “Em cố lên nào, cô tin em làm được!”. Mãi tới khi gặp lại cô ở Chuyên ngữ, nghe giọng ngọt ngào đọc thơ với nụ cười mỉm thật dễ thương, mình mới choàng tỉnh, à đây chính là cô giáo đã khảo sát mình vòng 2.

Lần đầu tiên được biết giáo viên chủ nhiệm là cô Dung, mình đã hoảng, trông cô rõ ràng là không hiền tí nào, bụng bảo dạ phải cẩn thận nghe chưa. Sau này khi đọc Harry Potter, mình thấy cô sao mà giống cô giáo chủ nhiệm của nhà Gryffindor thế chứ, và mình chợt cảm thấy “nhà Gryffindor” thật may mắn khi có được một giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc và công bằng như vậy. Khi đã kết thúc 3 năm chuyên ngữ, một hôm cả bọn con gái quây quần xung quanh cô trước khi chia tay, cô cười cười hỏi “Sau này ai sẽ lấy chồng đầu tiên trong nhóm?”, cả bọn nhao nhao “Chắc Ngọc Lan rồi cô ơi”. Buổi nói chuyện hôm đó cứ làm mình có cảm giác cô như gà mẹ đã luôn giang tay ấp ủ lũ gà con chúng mình trong suốt mấy năm qua, và giờ đã đến lúc chúng mình đủ lớn, bay nhẩy khắp các phương trời xa. Thế mà, hóa ra người “sang sông” trước lại là Hường, người hiền lành đến mức hình như không bao giờ có ý kiến riêng trong mọi cuộc họp của lớp.

Cô Hằng giáo viên dạy tiếng Nga để lại trong lòng mình ấn tượng thật khó quên vì cô rất trẻ, rất đẹp và mới đi Nga về. Cô hay kể chuyện nước Nga “hay lắm các em ạ, 4 mùa đều đẹp, một sáng tỉnh dậy, em bỗng thấy cây cối đồng loạt ra chồi xanh”, hay là “tàu điện ngầm chỉ vài phút có một chuyến, mình đứng trên chỗ đợi, tàu đến, mình chỉ cần bước vào chứ không cần leo mấy bậc cầu thang”. Những câu chuyện của cô làm chúng tôi nuốt từng lời, và từ lúc nào chúng tôi đã ao ước, mình sẽ đi Nga học để được chứng kiến tận mắt những điều đó. Sau này khi kể cho ai đó về nước Nga, vô tình mình hay dùng lại câu của cô Hằng “một sáng tỉnh dậy, bạn sẽ thấy cây cối đồng loạt ra chồi”.

Cô Chung “Địa” không khó tính trong việc chấm điểm vẽ bản đồ Việt nam như bọn mình tưởng. Các chị năm trên có truyền kinh nghiệm rằng với bài kiểm tra một tiết của cô Chung chỉ cần mở bài và kết luận thôi, còn bên trong thân bài hoàn toàn có thể viết “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hay “vườn rau của cô Chung chuyên môn bị bọn học trò cắt hết” cho đủ chiều dài là được. Mình chưa bao giờ dám thử thách xem điều đó có thật không hay chỉ là một chiêu “xui trẻ ăn … gà”, nhưng câu chuyện bản đồ thì có thật. Vẽ bản đồ Việt nam bao giờ cũng là niềm đau khổ chung của cả lớp vì trình độ vẽ quả thật là còi. Cô Chung cứ cười lăn khi thấy Việt nam khi thì giống củ khoai tây, lúc lại đúng là chữ S nhưng gầy nhẳng. Cô chê đứa thì ăn cắp đất của Lào, đứa lại cho không Trung quốc cả đoạn!!! (cái này xảy ra gần 30 năm trước rồi, chứ bây giờ thì hơi “đụng chạm” à nha). Tới ngày phải nộp bản đồ chấm điểm, cả lớp cuống quýt lên, cuối cùng không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra mẹo qua mặt cô: cô gọi 5 đứa đầu trong danh sách lớp mang bài lên nộp, cô chấm hết 5 bài, trả bài rồi mới gọi tiếp, thế là những bài được điểm từ 7 trở lên được cắt béng cái phần có điểm đi và lại quay vòng, nộp tiếp cho đứa sau. Mỗi bài “đẹp” đó có thể quay vòng tới 5 lần, cho tới khi cô chấm vào chính giữa bản đồ thì thôi, dĩ nhiên mỗi lần được điểm khác nhau là chuyện thường, còn hơn là nộp củ khoai lang của mình lên và lĩnh chắc con 5, hoặc 4 không chừng. Sau này thành giáo viên, mình “đọc” hết các chiêu của học sinh, và lúc đó hiểu ra rằng, cô thương không thèm nói ra, để các em có được điểm cao một tí, dành thời gian mà học môn chính.

Nói chuyện thương học trò, mình nhớ tới thầy Thung dậy Sinh. Môn Sinh của thầy chẳng bao giờ được coi trọng thực sự, trừ lúc thầy dậy đến bài gen di truyền và con lai, lần đầu tiên trong lớp bàn luận sôi nổi, thậm chí cả sau khi thầy đã ra khỏi lớp. Cả bọn lôi cuốn truyện mà mình đã quên béng mất tên, trong đó có hai anh em ruột là con lai, nhưng người anh da trắng, còn người em da đen và cãi nhau long trời lở đất, thậm chí bàn tính xem nếu họ còn thêm anh em thì tỉ lệ đen, trắng, nâu nâu … ra sao. Nếu thầy Thung quay vào lớp lúc đó hẳn thầy sẽ hãnh diện lắm, hóa ra chúng cũng có học môn Sinh này!!! Không biết là may hay không may cho thầy, năm thi tốt nghiệp, ngoài 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ, môn thứ tư chính là Sinh vật. Thầy vất vả hẳn, người gầy đi (nhưng chắc chẳng đứa nào nhận ra, vì thầy vốn to béo và cao), bất cứ lúc nào dù ngoài giờ học có ai thắc mắc gì môn Sinh, thầy nán lại giảng giải ngay. Đặc biệt tuy là môn đi thi nhưng không vì thế mà thầy lên mặt dạy dỗ “các em phải… ” hoặc dọa dẫm “nếu các em không chịu học thì…” mà lúc nào cũng nhẹ nhàng giải thích, dù có nói đi nói lại mấy lần cũng không hề gì. Hôm đi thi tốt nghiệp, môn Sinh là môn cuối cùng, vào buổi chiều ngày thứ hai, mới lao ra khỏi phòng thi (môn tiếng Nga thì phải) mình đã thấy dáng cao lớn của thầy Thung vượt lên trên các phụ huynh đang chờ trước cửa, và trong lúc các bậc phụ huynh đang tìm cách nhồi nhét thức ăn cho con thì thầy tìm cách nhồi nhét thêm kiến thức cho lũ học trò lao xao xung quanh. Nhìn lưng áo mướt mồ hôi của thầy chắc khối đứa hôm đó phải bụng bảo dạ, cố gắng lên nhé, thầy đã hết lòng hết sức vì chúng mình rồi. Năm đó điểm thi tốt nghiệp khá cao (mình nhớ Tuấn lớp A được điểm tuyệt đối) hẳn làm thầy Thung cười hài lòng. Thầy Thung hiền lắm, mình không nhớ đã có lúc nào thầy nghiêm giọng với bọn mình chưa, nhưng bọn học trò nhất quỷ nhì ma thì chẳng buông tha ai hết, kể cả thầy. Thầy có thói quen để khăn mùi xoa ở túi quần bên trái, thỉnh thoảng khi giảng bài thầy rút ra lau mồ hôi. Tiến “còi” ngồi bàn đầu, chắc chẳng có việc gì để làm, trong lúc thầy đang thao thao giảng và đứng tựa vào bàn của Tiến thì Tiến đã nhẹ nhàng rút béng khăn mùi xoa của thầy ra và tráo vào đó là… giẻ lau bảng. Sau đó khi thầy đi sang hướng bên, Tiến chuyền khăn cho cậu khác để nhét vào túi quần bên phải của thầy, chắc với hy vọng rằng thầy sẽ nghĩ là do thầy nhầm lẫn. Phải đến nửa lớp say sưa theo dõi trò nghịch của Tiến và hồi hộp chờ phút đỉnh điểm. Khỏi phải nói khi thầy lau mặt bằng giẻ lau bảng thì cả lớp cười òa ra như thế nào, nhưng thầy hiền thật, tìm ra cái khăn thực sự đang ở bên túi phải, thầy chỉ cười và chẳng tìm xem đứa nào nghịch thế để phạt cả.
              
Ở nội trú là một thú vui, tuy rằng có phải ăn uống rất khổ sở, nhưng tiếng cười thì lúc nào cũng vang vang mọi nơi. Buổi tối khi các bạn ngoại trú đã về hết, cả bọn lên lớp, vác sách vở theo, thậm chí cả một cái chậu nhôm thật to để “bắt” châu chấu, học bài, cười đùa, trêu chọc nhau cho có đứa phát khóc, thường là Thúy “còi” phải chịu trận. Vì còi nhất lớp nhưng giọng lại to nhất nên nếu có “chiến tranh” nổ ra, phe bên kia thường xuyên khênh Thúy ném toạch ra ngoài hành lang. “Bác học” Tuyến thì bình chân như vại, có bom nổ hay cháy nhà cũng vẫn thấy Tuyến đang lẩm nhẩm chia động từ. Có hôm cả bọn con gái say sưa cãi nhau, ỏm tỏi cả lên chỉ vì cái con tôm nhỏ phải gọi là tép hay là cá con, Thúy cũng đã bị vứt ra ngoài hành lang rồi thì bỗng nghe tiếng bọn con trai gào lên từ dãy nhà bên kia “Đứa nào to mồm là con tép”, cả bọn ớ ra, nào có ai đụng chạm tới chúng mà chúng làm loạn? Mãi sáng hôm sau mới biết, thì ra mẹ của Hùng “” tên là Tép. Đành cười trừ, chứ biết làm sao.

Đi học thích nhất là giờ toán thầy Thụy và giờ văn cô Thủy. Thầy Thụy có kiểu ném phấn lên trời, quay nửa vòng trên đế đôi giày tây rất diện và chụp lại viên phấn, viết lên bảng, đó là lúc thầy sẽ đưa ra một lời giải vô cùng đặc sắc mà cả lớp chỉ có biết ồ à  hàng loạt. Bài toán hình của thầy lúc nào cũng khó ghê, cả bọn vẽ đủ kiểu cũng chịu, đành bảo nhau thôi chờ ngày mai thầy giảng, ấy thế mà thầy mới chỉ vẽ đầu đề lên bảng, đã thấy cả nửa lớp reo hò, hiểu rồi, hiểu rồi thầy ơi. Tuy vậy thầy vẫn chưa hài lòng, được cô chủ nhiệm thông báo rằng thầy thấy các em chưa tỏ ra hứng thú với môn toán (trừ Hải, dĩ nhiên), rằng đáng nhẽ ra khi thấy một lời giảng hay, các em phải mở to mắt ra, và tỏ ra vui sướng với điều đó, đứa nào đó phân công ngay “Lan, mày là lớp phó phụ trách học tập, mày có trách nhiệm nối vào mắt từng đứa một sợi dây, chờ tới khi thầy Thụy giảng được cái gì hay thì mày giật một cái, cả lớp trợn mắt lên, hẳn là thầy sẽ hài lòng”. Nói đùa vậy nhưng từ đó cả lớp cũng có cố gắng hưởng ứng hơn vì quả thật là thầy đã làm cho môn toán tưởng chừng khô khan trở nên dễ nuốt.

Ngày thi nói tiếng Nga, Phương lớp trưởng chu đáo bảo cả bọn, mình phải pha nước chanh cho các cô, trời nóng thế này, cả bọn răm rắp làm theo, nào cốc, nào chanh, nào đường, cái gì cũng có cả, mà đến thìa thì không có, một đứa nhanh nhẩu lấy ngay cái bút bi, rút ruột ra và dùng vỏ … nguấy đều. Cả bọn bảo nhau, sau này mà có làm giáo viên thì đừng bao giờ uống nước chanh của học sinh nhé.

Thời gian không làm cho cô Thủy già đi, hè vừa rồi gặp cô ở Toronto, trông cô vẫn trẻ trung, đẹp và vui tính. Nhớ vô cùng những buổi cô tâm đắc đọc lại bài viết của Phong cho cả lớp nghe, cả lớp lặng đi trước những xót xa với thân phận chị Dậu được diễn tả rất sống qua cách viết của Phong và với giọng du dương của cô. Hẳn là cô Thủy tự hào về việc đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ của Phong để sau này Phong thành trưởng khoa Văn Đại học Sư Phạm. Đến ngày thi đại học, đọc đề thi “Em hãy phân tích nhân vật chị Dậu…”, mình nhớ cô Thủy, nhớ bài viết của Phong, và… tranh thủ cóp lỏm của Phong vài ý tưởng, may mà hồi đó chưa có “bản quyền tác giả”.

Thầy Phú bố của Phương dạy Lý cũng rất hay, thầy chỉ dạy thay cho cô Dung một giai đoạn nhưng lớp mình ai cũng thích tính thầy. Thầy không chỉ dạy môn Lý, mà thầy còn tranh thủ dạy cả đạo đức cũng như cách sống. Năm đó mình đã ra ngoại trú, đi từ nhà đến trường hàng ngày nên hay đi học muộn, tình cờ sao mà lần nào cũng gặp thầy. Một hôm thầy vào lớp và hỏi “Theo phương pháp quy nạp, ngày hôm nay, tôi gặp một em đi học muộn, ngày hôm sau tôi lại gặp em đó đi học muộn, bẵng đi một thời gian, tôi lại gặp cũng em đó vẫn đi học muộn, tức là sao?”  Cả lớp đồng thanh, tức là bạn đó luôn luôn đi học muộn ạ, mình đỏ bừng mặt nhưng rất biết ơn thầy đã nói nhẹ nhàng, lại không nêu tên mình trước lớp, nên từ đó luôn cố gắng đi học cho đúng giờ hơn.

Nhanh thật, mới đó mà đã 30 năm kể từ ngày bọn mình vào trường, lớp có 45 học sinh, số lượng con gái chỉ ba mấy đứa mà đã có 4 Lan (Hương Lan, Ngọc Lan, Phương Lan, Tú Lan), 5 Hà (Hồng Hà, Minh Hà, Ngân Hà, Thanh Hà, Vũ Hà), báo hại cả lớp phải gọi rõ ràng tên và đệm, kẻo không đứa nào thưa. Đến tận bây giờ gọi cho Hùng Khốt, vẫn nghe “Phương Lan đấy phải không?”, mình hơi ngỡ ngàng, bên Canada này thường chỉ gọi mình đơn giản Lan Phạm, chữ Phương đã gần như quên mất.

Hôm nay là ngày các bạn gặp lại nhau nhân dịp 30 năm ngày vào trường, mình không thể về để cùng nhau hò hét, cùng nhau cười ra nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong hai năm rưỡi tại chuyên ngữ nên đành ngồi viết ít dòng cho nỗi nhớ vơi đi, mà chẳng thấy vơi đi chút nào. Bạn nào đó nói đúng, càng già càng thấy nhớ thêm.

Phạm Phương Lan (K13B)
Toronto, Canada.
lanpham03@gmail.com

8 nhận xét:

  1. Phần vào đề của bạn làm mình nhớ tới câu đó ở TN nhưng thay chữ quê hương bằng "Túc Duyên" và cũng đã đổ máu vì câu này rồi đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình ở Gang thép nhưng không biết câu vè về Túc Duyên bạn ạ. Quê nội mình ở Nghệ An đấy, nhưng vẫn coi chuyện "cá gỗ" là việc đùa vui thôi mà. Hì hì!

      Xóa
  2. Truyện "có hai anh em ruột là con lai, nhưng người anh da trắng, còn người em da đen" là truyện "Hãy để ngày ấy lụi tàn" của Gerald Gordon (http://tungocthao.com/downloads/ebook/HAYDENGAYAYLUITAN-BANCHINHTHUC.pdf)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã nhắc. "Hãy để ngày ấy lụi tàn" - một cuốn sách thật hay. Tôi nhớ lại hồi lớp 6, cô giáo dạy văn đã dành mỗi tiết học khoảng 5-10 để đọc cho chúng tôi nghe cuốn sách đó.

      Xóa
  3. Doc chuyen cua cac anh chi khien em nho den thoi cap III cua bon em, cung van cac thay co ay. Co Chung dia co dac diem nua la "thich ve that mau me", bon em lam mot cai bieu do hinh cot la cu to xanh do, hoa la the nao cung duoc toan 9-10 :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình không nhớ những năm học phổ thông mình có cái bút chì màu nào không nữa, còn bút đánh dấu (color marker) thì chắc chắn là không rồi. Nên các vùng trên bản đồ thường được đánh dấu bằng kẻ dọc, kẻ ngang, kẻ chéo, hay chữ thập, hoa thị ...

      Xóa
  4. Hôm trước lang thang vào các bài về Chuyên ngữ, nước Nga đến hơn 3h sáng :), choáng thật, nhưng đúng là như tìm lại được thời học sinh của chính mình. Thời bọn em tất nhiên khi đó đã có màu xanh, đỏ. Khi các anh chị vào nhập học ( năm 82 thì phải) bọn em mới chỉ...3 tuổi thôi :D nhưng "những mảng màu đen trắng" - màu ký ức không thể nào đậm nét như của các anh chị được :) Hy vọng một ngày không xa có thể gặp các anh chị trong buổi hội trường

    L.P. Thảo

    Trả lờiXóa
  5. @LPT: Những mảng màu ký ức sẽ ngày càng đậm theo thời gian bạn ạ. Nếu hiện tại bạn chưa nhớ lại nhiều thì lý do là bạn còn rất trẻ.
    Hội trường CN 45 năm vào năm 2014, lúc đó có rất nhiều con em lứa chúng mình cũng đã qua lò CN. Hẹn gặp bạn!

    Trả lờiXóa