Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Háo hức !

(HAT) Hôm nay Ngà Voi nhắn tin "Tớ gửi bài nữa cậu đăng giúp nhé. Xin lỗi làm phiền cậu!". Sao lại xin lỗi? Sao lại phiền? Thật lòng là mình rất sướng khi bạn bè gửi bài, những bài viết thấm đẫm tình cảm học trò trong sáng hồn nhiên. Mình mới là người phải nói "Cảm ơn!" chứ. Và lần này cũng như mọi khi, bận mấy cũng mình gác việc, đăng ngay cho nóng. Mời các bạn chia sẻ với Ngà cảm giác háo hức trên chuyến tàu trở về tuổi thơ.


Thu Ngà (gửi cho HAT blog)
Tựa đề - HAT
Hình minh họa:
- vicongdong.vn/shopnghethuat


Háo hức quá! Thế là tớ sắp được tham gia chuyến tàu trở về tuổi thơ của chúng mình rồi, chẳng còn tâm trạng nào để lo đến các việc khác nữa chứ. Vừa rồi anh tổ trưởng tổ mình bảo : “Em lên lịch hội giảng đi cho trường dự giờ nhé.” Trong hoàn cảnh này … thôi kệ, chẳng biểu diễn máy móc gì cả, chẳng giáo án điện tử, chẳng thiết cài cắm “đòn vọt” vào bài giảng nữa, em cứ tay bo em dạy theo phương pháp truyền thống thôi … Vào lúc này thì em không chắc là em còn muốn hội giảng không nữa!

Ngày học đại học … Trong một buổi chiều gió heo may,mình đứng ở cửa số lớp học nhìn ra đường phố, trong một hoàn cảnh “tột  đỉnh tâm trạng” mình buột miệng hát vài câu. Cô bạn thân bên cạnh chân thành góp ý: “Ngà chỉ nên đọc thơ thôi”. Thế là nó làm thui chột mọi ý định hát hò của mình. Mình cay đắng thực hiện triệt để lời khuyên của nó đến nỗi không cả hát cho riêng mình nữa … Mình đã từng ước mơ. Ước gì sáng mai ngủ dậy mình đã biết hát, nhưng ước mơ chỉ là mơ ước.

Hôm trước nhận được tin nhắn của Hồ Tuấn, thông báo sắp họp lớp Đồi Độc Lập, mình sung sướng đến trẻ ra vài tuổi. Tuy lười cập nhật công nghệ mới cũng đành cố gắng nhờ con gái xem giúp mẹ, để mẹ giao lưu với các bạn hồi bé của mẹ một chút. Khi được đọc bài viết của các bạn mình rất phục các bạn, tâm hồn “giàu có” quá, còn mình thì mải lo cho gia đình nhỏ bé mà trở nên già cỗi và nghèo nàn đi nhiều. Mình cũng đã viết lại những kỉ niệm hồi thơ ấu, ấy là do tình cảm của các bạn thúc đẩy mình nhiều. Những kỉ niệm ngọt ngào vẫn đầy ắp như mới ngày hôm qua thôi. Hết chuyện này đến chuyện khác, hết khuôn mặt bạn này đến khuôn mặt bạn khác thi nhau hiện ra … Thật là sống trong tâm trạng lạ kì và thích thú (chắc tất cả các bạn cũng đều thấy vậy nhỉ?). Nhưng khi viết ra con gái lại cho một câu “Mẹ viết dài thế ai đọc?” - thế là nó lại cho một gáo nước lạnh vào tâm hồn vốn đã nghèo nàn của mẹ nó. Đành tự nhủ, thôi chót dại rồi, chót gửi bài cho Hồ Tuấn rồi, không biết mọi người đọc xong có cười không đây?

Thôi thì viết cũng chẳng được, mình tự nhủ mình chỉ nên vẽ thôi vậy, (hì hì mình cũng có vẽ tranh ^.^ bán cho ông xã treo trong nhà, chứ chưa dám thể hiện ở đâu cả). Vậy mà sau đó các bạn đọc bài viết của mình lại dành cho mình nhiều lời khen thế, mình lâng lâng suốt mấy ngày trong niềm vui này … Ông xã mình lại đá xoáy, nói "sao các bạn Thái Nguyên khéo thế!" Hì, thôi mặc kệ tất cả! Mình sắp gác lại hết : Trường lớp, học sinh, bài giảng. Gác lại một bên chợ búa, mua gì ăn đây ngày mai bão, ai đón con đi học tối mai, ông xã chiều nay có ăn cơm nhà không hay mải nhậu? ... Gác lại một bên hết tất cả để mình sắp “bay” đây. Theo ngôn ngữ tuổi teen là ”Xõa một lần chơi”. Bay vút đi như lũ chim được phóng sinh về miền kí ức tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên đến ngọt ngào ấy, chỉ có một lần này thôi. Một chuyến “bay” này thôi! Bởi lần sau, chuyến bay khác có thể sẽ không còn cảm giác này nữa.

Cô bé mặc áo xanh chấm bi ơi. Mình khẳng định có người vẫn giữ nguyên tình cảm bạn bè thơ ngây nồng nàn với cậu đấy. Mình là người ngoài cuộc chỉ cùng đi về tuổi thơ mà cũng thấy háo hức đến ngạt thở nữa là. Hãy gặm nhấm hạnh phúc đi nhé, vì nó thiêng liêng lắm mà (hehe nhưng đừng để huyết áp lên cao, dù sao cũng không quên được sự thật phũ phàng là chúng ta đã U50).

Ngày 13 tháng 11 này sẽ như thế nào nhỉ? Ai gầy, ai béo? Ai về được tuổi thơ, ai còn vắng? Ai nhớ ai? Thôi kệ tất cả, chúng mình hãy là những cô bé cậu bé 10 tuổi hồn nhiên và ngốc nghếch như ngày xưa nhé! Hẹn gặp ở “Ga 10 tuổi”!
(Ngà voi)
  

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Lão Cảnh điên

 
Hồi nhỏ đi học, tụi mình hay gặp một lão già lang thang ở khu chợ Dốc Hanh. Ai cũng gọi lão là Cảnh điên.

Chẳng biết lão bao nhiêu tuổi. Thực ra hồi đó trông lão chưa già lắm, nhưng nhìn khuôn mặt lão thật khó đoán tuổi. Lão ở đâu? Có vợ con, nhà cửa gì không? Mình không biết nốt. Mà thực ra cũng không nhớ, vì lâu quá rồi. Chỉ nghe bố mình nói (lâu rồi) là lão trước cũng là công nhân viên chức Gang Thép, nhưng sau vì uất ức gì đó, kỷ luật kỷ leo gì đó mà phát điên.

Hàng ngày, lão cứ đi lang thang vô định, lúc ở Chợ Dốc Hanh, lúc ở Đồi Độc Lập, có khi thấy lão mò xuống tận Đường Tròn. Vừa đi, lão vừa ca, rất dõng dạc: "Kẹk ... kè ... keee ... kẹk". Thỉnh thoảng thấy lão đổi giọng: "Cúc ... cù ... cuuu ... cu". Xen giữa những lời đó, lão lầm bầm chửi. Lão chửi ai, lão chửi cái gì? Mình chịu, vì có bao giờ dám lại gần lão đâu. Trẻ con cứ lại gần là lão cầm gậy xua đuổi. Bọn trẻ chỉ dám đứng từ xa hét: "Cảnh điên, Cảnh điên!". Có mấy thằng chơi ác còn nhặt đá ném lão. Mình không tham gia trêu lão, vì thấy lão thật tội nghiệp, song cũng sợ lão mà không dám lại gần. Mặt lão trông ngây ngây, nhưng không bẩn thỉu dơ dáy, như những người điên mình thường thấy trong phim hay kịch.

Cũng vào khoảng thời gian đó, quãng 1978-1979, có lần đi học, ngang qua Chợ, thấy người xúm đông quanh cái cột điện, họ đang đọc tờ giấy gì đó dán trên cột. Lại gần, hóa ra là một tờ giấy vở học sinh, viết tay, gần một trang, mình không đọc được hết, cũng chẳng nhớ hết, nhưng đại khái là những câu bất mãn, chỉ trích chính quyền làm nhân dân bần cùng đói khổ. Lúc sau có chú công an đến xua mọi người đi, rồi xé tờ giấy mang theo. Mọi người nói, mới biết đó là truyền đơn phản động. Mình chẳng hiểu hết, nhưng cũng biết tờ giấy đó viết một sự thật: dân ta nghèo khổ quá!

Chẳng nói đâu xa, bố mẹ mình đi làm quần quật, chiều từ cơ quan về còn lo làm vườn, nuôi gà nuôi heo đến tối mịt mới được ăn cơm trong ánh đèn dầu mờ mờ, mà gạo chỉ đủ ăn 3 tuần, tuần cuối tháng là cơm độn khoai, sắn, độn ngô, bo-bo. Chủ nhật là ngày nghỉ, mẹ lại dậy sớm, đạp xe 20-30 cây số về làng quê, đâu tận Phổ Yên hay Phú Bình, mua một bao khoai lang 50 cân, gần trưa mang ra chợ Dốc Hanh bán, nếu bán hết hoàn vốn thì lãi được dăm bảy cân mang về nhà cho ba anh em mình luộc ăn thêm. Ờ vậy mà cũng bị cơ quan kỷ luật vì tội "buôn bán", Tổ trường dân phố cũng đến "phê bình". Đường sữa, thịt cá là những thứ xa xỉ năm thì mười họa mới được ăn. Ra đường thấy xe đạp nhà nào cũng quấn dây chun quanh bánh xe, vì lốp rách tan, vá chín vá sống chằng chịt chẳng còn cách nào vá thêm được nữa.

Lúc đó, mọi người cắn răng chịu đựng, vì hiểu đất nước mới trải qua bao nhiêu năm chiến tranh. Một phần cũng vì nhìn xung quanh ai cũng thế cả, cũng đói, cũng rách. Người ta hy vọng rồi sẽ được ăn no, rồi sẽ có cái xe đạp tử tế mà đi, có cái đồng hồ, may mắn hơn thì có TV, tủ lạnh và bao thứ vật dụng khác mà lúc đó mơ chẳng ra. Nhưng cũng có những người hiểu biết, họ hiểu rõ "người dân làm việc bằng hai - để cho cán bộ mua đài mua xe". Nhưng ai dám nói? Đến như ông hàng xóm nhà mình, làm cùng lại chơi thân với bố mình, vốn người trực tính, chẳng kiêng nể ai, mà tối tối sang nhà mình chơi, cũng chỉ dám thì thào kêu khổ, ca thán thằng nọ thằng kia nó ăn đểu, rồi ngồi thừ ra, quên cả rít thuốc lào, que đóm cháy đến bỏng tay mới giật mình. Đến ngay nhà nào lâu lâu làm thịt con gà tự nuôi được, cho bọn con trẻ đỡ thèm đạm, còn phải khe khẽ bóp cho gà khỏi kêu toáng lên, e mấy chú công an, mấy bác dân phố dòm ngó thắc mắc: nhà này tư sản! Cái thời ấy nó thế! Vậy ai dám viết, dám dán cái truyền đơn phản động kia? Chịu! Mấy người dân trước khi tản đi lo công lo việc, còn kịp bàn tán, đoán già đoán non, nào Mỹ, nào Phun-rô, nào Tàu. Lại có mấy người nghi cho lão Cảnh điên, lão vốn bất mãn mà! 

Rồi sau cũng chẳng ai nhắc đến chuyện tờ truyền đơn nữa. Có ai rảnh hơi mà lo việc người khác! Ai cũng túi bụi chuyện cơm áo gạo tiền, cán mì sợi, xay bo-bo, chuyện cám bã lợn gà. Còn lão Cảnh điên, ngày ngày lão vẫn lang thang ngoài đường, vẫn "kẹk kè keee ... kẹk". Lão ăn gì để sống, ai nuôi lão? Chịu!
   

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Vé đi tuổi thơ

 
Ngà voi mới gửi email cho tớ bài viết này. Hay thật! Rất nhiều chi tiết, rất nhiều hình ảnh sinh động về tuổi thơ, mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quên. Và cũng đầy xúc cảm! 
Ngà đặt tựa là "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", theo như tên cuốn sách tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng để thể hiện sự tôn trọng bản quyền của tác giả "Kính Vạn Hoa", cũng là một cuốn sách rất hay về tuổi học trò, tớ xin phép rút gọn tựa đề lại là Vé Đi Tuổi Thơ. (HAT)


Thu Ngà (gửi cho HAT blog)
Hình minh họa - internet
Tựa đề - HAT



Chào các bạn! Mình là Ngà. Mình vẫn từng tự hào vì được thầy Tuất đặt tên cho, một cái tên dài ngoẵng “Ngà Voi Sừng Tê Tê” sau đó thì ngắn dần còn lại cái tên Ngà Voi. Đến lúc chia tay cấp hai trong lưu bút của các bạn lại còn bị biến thể thành Voi Con, rồi Voi Còi nữa chứ. Bây giờ khi đã già rồi tớ còn có cái tên nữa là Ngà Béo. Đồng nghiệp hay gọi tớ là Ngà Họa để phân biệt với một cô Ngà khác trong trường.

Khi còn là nhóc con, tớ thân với Kiều Nga và có lẽ là người làm phiền Kiều Nga nhiều nhất. Có thời gian hai đứa đi học về với nhau, tớ nhớ trên đoạn đường về đến gần nhà cậu, thằng cu Nguyên - em Nga - ngày ấy còn ngọng líu lô cứ nhìn thấy các chị là kêu ầm lên “Ngà Voi-Vòi Nga, Ngà Voi-Vòi Nga”. Rồi tớ còn hay ăn chực cơm nhà Kiều Nga nữa, tớ vẫn còn nhớ món muối vừng của bố Nga làm, phải nói là  “ngon-lạ”. Ngày ấy cả hai đứa nhóc không biết bố Nga làm muối vừng cách nào mà ngon thế. Thi thoảng tớ còn được ngủ lại nhà Nga, cả bọn chơi chán trên đống gạch xây nhà, ngồi ngắm trời đêm chuyện trò chán chê rồi mới đi ngủ. Cám ơn cô bạn đã im lặng giữ bí mật vì tớ đã gây “thiệt hại” ra chiếu của Nga. Hehe ^^. Vẫn nhớ cái hàng rào dâm bụt cắt xén cẩn thận của nhà cậu, cả Nguyệt em gái cậu nữa… Cậu dạo này thế nào nhỉ mình cứ hình dung ra một Kiều Nga giống diễn viên Lan Hương (vợ Đỗ Kỉ) vì ngày xưa Nga có mái tóc quăn và bồng bềnh lắm cơ. Ngày ấy, tớ còn hay hờn dỗi cậu suốt và hình như vì thế mình xa nhau thì phải.

Lạ ghê, mình nhớ lại tất cả các thầy cô mình đã học cấp một cấp hai đều có tên vần “T” cả. Lớp ba, mình học cô Tính, lớp bốn học thầy Tuất, rồi lớp Năm cô Tĩnh, lớp 6 cô Tứ… Bắt đầu từ lớp bốn bọn mình được gom lại từ các lớp khác nhau và được thầy Tuất chủ nhiệm. Phòng học lớp mình mới tinh và cực rộng, thi thoảng mình được mượn xe đạp của mẹ đi học, cho xe vào cuối lớp mà vẫn còn chỗ để chơi nhảy ngựa, chơi đá cầu thoải mái. Lớp mình và lớp cô Thắm bên cạnh còn rất ganh nhau về thành tích nữa cơ, nhưng có lẽ lớp mình ngày ấy “đỉnh” nhất rồi, vì thầy Tuất tâm huyết với nghề lắm.

Một kỉ niệm đặc biệt là giờ sinh hoạt của lớp mình, thầy chỉ ngồi tham dự thường là Thanh “đen” hay Hồ Tuấn lên bảng cầm phấn ghi tên ba tổ rồi đợi tổ trưởng báo cáo công tội của từng nhóc một. Bên ưu được cộng một điểm, lớp trưởng gạch một gạch vào cột ưu. Nếu có khuyết điểm, thì gạch một cái vào bên khuyết, rồi sau đó là sự đấu tố của các tổ với nhau. Mình nhớ sao ngày ấy Dũng “chó” nó nhiệt tình tố bạn thế, cái gì nó cũng biết, lỗi của đứa nào nó cũng nhớ, mà nó cũng hay có ý kiến nhất. Nào là bạn nói bậy, nào là không quàng khăn đỏ, nào là quên trực nhật, nào là đi học muộn… Thế là cứ phải trừ điểm. Thầy Tuất có sáng kiến làm ba cái cờ luân lưu, màu đỏ, xanh, vàng cho lớp. Tổ nào nhiều điểm tốt không có lỗi được giữ cờ đỏ, tổ nào ít lỗi thì giữ cờ xanh, tổ bét phải cầm cờ vàng suốt tuần sau. Tớ ngồi bàn đầu với Dũng phải cầm cờ về có hôm quên mất phải chạy về nhà lấy, lấy ngay chứ không tuần sau lại bị trừ điểm quên cờ thì chết dở.

Ngày ấy, bàn ghế lớp mình mới và đẹp lắm, mỗi lần thầy vào lớp cả lớp phải đứng lên chào thầy. Thầy yêu cầu, phải đứng dứt khoát và nghiêm như nhà binh. Lần nào cũng phải nhắc nhở, thầy còn nói sẽ phải nhờ người cắm kim xuống dưới ghế để mỗi lần lớp trưởng chỉ cần hô một câu là cả lớp bị kim đâm vào mông mới đứng đều lên được. Thầy nói thế nhưng thầy chẳng cười gì cả làm mình cứ tin là thật đấy. Ngày đó, bọn mình còn có trò cắn chắt, bạn Quyên rất hay mang thóc nếp rang đi cho bọn mình ăn trong giờ ra chơi rồi nhằn vỏ đầy ra lớp bị thầy cấm, nhưng cũng có lần thầy tham gia vui vẻ, thầy còn đùa lũ con gái là lũ chuột nhắt… Bây giờ cái mùi vị thóc nếp rang ngày ấy đã đi về đâu rồi nhỉ?

Chữ thầy rất cứng cáp và đẹp, thầy viết trên bảng chữ đều tăm tắp. Bọn mình cứ lấy chữ thầy làm mẫu để so sánh với các cô khác và thấy thầy mình cái gì cũng nhất! Học thầy có 1 năm mà bọn mình thần tượng thầy ghê, mình còn nhớ thầy có bàn tay đẹp lắm, các ngón dài nuột như tay các cô. Nhưng công nhận thầy ném phấn cực chuẩn, đứa nào nói chuyện lập tức bị ăn mẩu phấn ngay hehe ^^. Ngày ấy, học sinh bọn mình được mua quần áo viện trợ, là mấy cái áo mút không rõ nước nào sản xuất. Mình giơ mỏi cả tay để đăng kí mua nhưng thầy lại dành suất cho các bạn ở đồi Độc Lập. Mình vẫn còn ức đến bây giờ. Híc híc …

Lên lớp năm, bọn mình đổi lớp ra cuối dãy sát với vườn rau, cũng tăng gia trồng rau, để làm quỹ lớp. Mình còn được phân công tưới rau theo lịch trực nhật thì phải, buổi chiều sau giờ học xách cái gáo cán dài từ nhà đến trường để tưới rau. Ngày ấy, lao động là chuyện thường. Ngày học nửa buổi còn đi chơi nửa buổi, mà ngày ấy ngày dài hơn bây giờ thì phải chúng mình chơi bời nhiều lắm, chứ con cái chúng mình bây giờ chẳng được thế, suốt ngày học và cấm cung ở nhà hoặc đi đâu thì có bố mẹ áp tải, nghĩ cũng thương chúng nó thật. Bọn con gái chúng tớ, còn phải ra chợ Dốc Hanh bán su hào, đậu đũa, khi đến mùa thu hoạch, bán không hết cả bọn sáng kiến mang về bắt phụ huynh mua rồi trả tiền cho lớp, bố tớ chê su hào già thế, mà tớ vẫn thấy su hào lớp mình ngon.

Hồi lớp năm, lớp mình có mấy bạn cao vổng lên, là Tâm, Loan, Phúc, Thanh “kều” còn lại  mấy đứa lại bé tí tẹo Yến, Hoàn, Lệ, Doãn Thu .... Và mình còn nhớ Bảo Hoa có đôi mắt đẹp thế. Hải “hon” cũng vậy. Mình vẫn nhớ mắt của hai đứa mỗi đứa đẹp một kiểu, mắt Bảo Hoa tròn màu nâu và lông mi cong vút, mắt Hải “hon” thì có hàng lông mi dày đen nhánh. Nó chớp nhẹ như cánh bướm đỏng đảnh đậu trên cánh hoa (không biết sau này ông xã cậu có nhìn thấy như tớ cảm nhận không). Nhỏ Lan chân dài và có chiếc răng khểnh khi nó cười trông xinh lắm… Phúc “kèn” thì lúc nào cũng bụ bẫm mình nhớ khuôn mặt tròn và trắng trẻo như em bé của cậu. Hôm trước gọi điện cho cậu, mình hỏi thăm cậu chắc cậu vẫn còn vẻ đẹp như Thúy Vân đấy chứ. Thảo “béo” có cái áo màu xanh chấm bi đẹp ơi là đẹp. Hình như Vân “loe” có nhiệm vụ giữ thước cho cô giáo thì phải. Nó như con trai, luôn chạy qua ba bốn bậc tam cấp một lúc và lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, khi thì rủ bọn mình về nhà nó ăn vụng đá trong tủ lạnh, khi thì chạy ù xuống bếp ăn tập thể gần trường xin cơm cháy vào giờ ra chơi… Sao mười  lăm phút ra chơi lại làm được nhiều việc thế nhỉ??? Một lần mình đang chạy trong giờ ra chơi còn bạn Yến thì lại nghịch thước của cô giáo vướng vào chân của mình làm gãy thước, sau đó cô giáo Tĩnh bắt mình phải đền thước cho lớp. Mình lấy đâu ra thước trả cho cô bây giờ, thế là căng thẳng mất hai ba ngày liền, rồi quyết định lấy một thanh dát giường của mẹ mang đi nộp. Cô không dùng được. May quá lớp trưởng Thanh “đen” xung phong mang cho cô một cái thước khác rõ đẹp, bào nhẵn cẩn thận. Bây giờ mình vẫn không chắc là mình có lỗi khi làm gẫy thước của cô không…???

Mình nhớ có lần, bọn mình còn được thám hiểm trong địa đạo trong khu Đồi Độc Lập nữa, cứ đi suốt từ đầu này lên tới đầu kia của địa đạo. Vừa lò dò trong địa đạo tối om vừa sợ, may mà không có rắn rết gì cả. Đoàn này do Hiền “xì” và Vân “loe” dẫn bọn mình đi, thú vị ra phết. Không biết nhóm thám hiểm ấy còn những ai nữa nhỉ? Mình nhớ tổ trưởng Tâm mẫn cán hay kiểm tra bài lúc đầu giờ học, hôm ấy đến lượt mình đọc thơ mình quên một chữ thôi mà bạn ấy cứ khẳng định là mình vẫn không thuộc bài. Mình cay cực kì luôn đấy, đến tận bây giờ vẫn còn cú. Mình còn ngồi cùng bàn với Tâm và Yến, phía trước là bàn của Lan, sau lưng là bàn của Hà “ chày”, mình nhớ bạn ấy luôn có khuôn mặt rất nhăn nhó, hình như đã đau khổ vì tình yêu từ năm lớp năm rồi hay sao ấy. Hồ Tuấn và Sĩ Tuấn cũng cùng tổ mình. Sĩ Tuấn nổi tiếng là ăn diện quần loe áo chim cò sành điệu, nhưng dáng thì gầy lòng khòng và ra vẻ một tay anh chị lắm. 
Ngày ấy bọn con gái chúng tớ còn được cô Tĩnh dạy múa để đi thi văn nghệ. Điệu múa dân tộc bát và đũa gõ vào nhau lanh canh (giỏi thế!). Chẳng nhớ lớp mình có đoạt giải gì không? Bạn nào còn nhớ nhỉ? Cô chủ nhiệm có một cái cặp to và nặng ơi là nặng. Cô xách cặp vẹo cả lưng đi xuống lớp, mình cứ thắc mắc không biết cô đựng gì trong ấy nhỉ? Bọn mình hay đến nhà cô chơi lắm! Cả những ngày thường và tết, một lần đến chơi nhà cô rồi ghé vào cả một trường học gần đó, rồi bĩu môi chê bai trường đấy, làm cho bọn học sinh trường í tức lắm (bây giờ là đánh nhau luôn rồi đấy!). Đi bộ đến nhà cô xa ơi là xa mà vẫn thích. Lang thang suốt ngày thế mà hồi ấy phụ huynh không có ý kiến gì nhỉ? Một lần nhân ngày 20-11, bọn mình đi chơi thông tầm hết nhà cô này đến nhà cô khác, bạn Thắng đói quá, bọn con gái xót xa còn cho nó ăn khế mới chết chứ. Không biết sau đấy nó có bị đau dạ dày không nữa. Cô Tĩnh rất quý Nga, cô còn nói cô với mẹ Nga là hai chị em nữa cơ. Còn mình lười học môn của cô nên chắc cô ghét.

Mẹ mình làm cùng phòng với bố của Hồ Tuấn, các cụ biết nhau nên mình mới được học thêm cùng nhóm với Tuấn, Phúc, Thanh ở nhà Thanh “đen”, mình học ẹ hơn các bạn nhiều. Có lần mất điện phải học cả bài bằng đèn dầu nữa, chín giờ tối mới tan học mình phải đi cả một đoạn đường dài về nhà, trời thì tối đen như mực, mình cứ phải chờ có xe đẹp của ai đi qua là chạy theo họ cho có người đi cùng để đỡ sợ đấy, vì đường về um tùm toàn tre, gốc thì đen kịt, lân tinh ở gốc tre sáng lập lòe thấy ớn luôn :).

Ngày đó nhỏ Lan là “tiểu thương” bán thuốc lá ở ngoài đường Tròn. Nhỏ có nhiều tiền lẻ, nên hay rủ mình ăn quà. Mình thì làm gì có tiền, rồi cũng bị đến tai mẹ mình, mình bị mẹ mắng. Mình biết là tên Tuấn đã kể chuyện cho bố hắn nghe, bố hắn lại nói cho mẹ mình để mẹ mình dạy dỗ con gái đây. Một lần mình phải đi mua củi với bố mẹ gặp mẹ tên Tuấn đi mua một mình. Tên Tuấn vẫn được đi học bình thường, rồi hắn luôn được mặc áo trắng bốp đi học, chắc mẹ hắn chu đáo và chăm chút hắn lắm chứ ngày ấy nhiều khó khăn, bọn con gái toàn mặc thừa lại đồ của mẹ thôi.

Bọn mình còn là những người đầu tiên góp phần xây dựng công viên đường tròn đấy, nào là trồng cây xanh trồng cỏ trong công viên. Hôm này lên Thái Nguyên, Tuấn nhớ chở các bạn ra đó xem nó đẹp thế nào nhé, ở đấy bán kem cốc đầu tiên của khu Gang Thép. Buồn cười quá, kem được cho ra bát ăn cơm. Rồi húp xùm xụp chứ làm gì có thìa lịch sự như bây giờ. Mấy cái cầu trượt bằng xi măng, mấy cái đu quay bằng thép là những vật văn minh đầu tiên bọn nhóc chúng mình được tiếp xúc. Không biết bây giờ nó có còn không?

Gần 30 năm xa Thái Nguyên mình luôn mơ về nơi ấy, ngôi nhà nhỏ của tuổi thơ mình. Giấc mơ nào cũng mơ thấy được trèo cây trong vườn hái quả chín, lạ thế! Một lần vào hiệu sách mình bị cuốn hút ngay bởi cuốn sách “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh, hi vọng ông ấy có cách để về tuổi thơ thật hoặc gợi lại những cảm xúc hồi thơ bé của chúng mình (già rồi mà vẫn còn ngây thơ thế!). Mình rất yêu cuốn sách ấy, nhất là cái tên thật ấn tượng. Cảm ơn Tuấn nhé, đã cho tôi một vé đi tuổi thơ. Nhờ cảm xúc khi đọc bài của các bạn mà mình cũng muốn góp chút hồi ức mà mình rất nâng niu vào các bài viết về Thái Nguyên trên blog của Tuấn.

Lại thầm ước bao giờ cho đến ngày xưa!

(Ngà voi)

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

ỐC !


Ghé qua blog nhà bạn, thấy câu chuyện xoay qua xoay lại, rồi kiểu gì cũng quay về ỐC. Khi vui họ ới nhau ra ốc, ồn ã nói cười, nhoay nhoáy tay khêu. Khi buồn họ cũng rủ nhau ra ốc, lặng lẽ ngắm hồ, chậm rãi nhể nhon. Lại còn chưng cái đĩa ốc béo ngậy thế này lên như thể êu thèm.


Mình tính sĩ diện đàn ông, chẳng nói năng gì.
Chạy về blog nhà, đóng kín cửa, gào thật to: Ô Ô Ố C !!!!

Lại nhớ năm 1989 từ Nga về VN nghỉ hè, sang thăm nhà ông cậu ruột. Vừa bước vào, thấy ông cậu ngồi hút thuốc lào, còn bà dì cùng 4 cô em họ đang xúm quanh rổ ốc vặn luộc bốc khói nghi ngút, thơm ngào ngạt. Câu đầu là "Cháu chào cậu!". Câu thứ hai: "Linh ơi cho anh cái gai bưởi!". Câu thứ ba: "Dưới nồi còn ốc không Trang?". Cơn thèm ăn ấy sánh ngang với lần, cũng dịp hè 1989 đó, đạp xe lên Cầu Giấy, đi ngang Quán Phở Bao (ông chủ Bao cũng người làng Cót mình), chẳng may hít phải mùi phở bò từ quán bay ra, rồi thì không thể đi tiếp, khi chưa đánh xong 2 tô phở tú hụ đầy đủ. Phở Bao hồi đó nổi tiếng lắm, như Phở Thìn vậy. Nhưng từ khi ông Bao mất, khu vực Cầu Giấy thì giải tỏa mở rộng đường, cái Quán Phở Bao ấy không còn.

Cái sự thèm ăn nó đặc biệt cào xé, khi tớ đọc Vũ Bằng, tả các món ngon Hà Nội. Mà ở Moscow thì làm gì có những thức đó mà xơi. Nên thèm mà cứ phải nén, phải nhịn. Rồi thì cũng như quên đi, nhòa đi. Lâu lắm rồi không ăn ốc luộc, dễ đến chục năm. Cũng không thấy thèm, hình như không còn cảm xúc. Vậy mà từ lúc coi cái đĩa ốc kia ... bực mình thật. Cảm thấy cái sự thèm nó kéo đến, vây hãm, không buông tha.
Nhịn làm cóc gì, chạy đi tìm quán ốc thôi. Nghe đâu ở Liễu Giai có hàng ốc!

P/s:
Mới viết đến đây, tính chạy ra Liễu Giai giải tỏa nỗi bức xúc, lại nghe điện thoại reng. Một Ivan Ivanovitch Ivanov gọi điện chúc mừng "с днём рождения!". Thôi thì đành mời ổng đi làm vài ly. Tây nó không thích ngồi vỉa hè mút ốc mới đau! Cơm niêu Thúy Nga Nguyễn Chí Thanh vậy nhé! Khi gọi món, cũng cố gài vào tí ốc, ốc hương nướng.
Đây này!


Ăn vào thêm bực! Giá thì chát, mà chẳng phải thứ mình cần! Nhạt thếch! Khô khốc! Chấm với tương ớt của nhà hàng chán phèo. Thay bằng xì dầu mù tạt thì khá hơn chút, nhưng cũng lai căng thế nào. Thứ mà mình thèm phải là ốc vặn nhà quê, nhỏ như đầu ngón tay, luộc/hấp với xả, gừng, lá bưởi nữa thì phải, rồi khêu bằng gai bưởi, chấm với mắm gừng ớt cay xé lưỡi, húp tí nước nóng cho tê luôn. Cảm giác mạnh vậy mới đã thèm! Ai dám bảo là nhạt như nước ốc!

Thôi thôi thôi! Đã có người hẹn mấy bữa nữa ới đi offline ốc luộc Liễu Giai là ngon rồi! Quên ốc hương nướng forever được rồi!

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO

Chiều nay mình đọc được bài này trên blog của Trần Đăng Tuấn, vừa đọc vừa dụi mắt mấy lần, không phải vì bụi. Những câu chuyện thế này đáng để chia sẻ lắm chứ! Xin phép tác giả Phạm Ngọc Tiến và chủ blog Trần Đăng Tuấn cho đăng lại bài này. Cũng xin mượn cách nói của Phạm Ngọc Tiến (Những con số của tấm lòng thơm thảo) và Edmondo De Amicis (Những tấm lòng cao cả) để đặt tựa cho entry này.

Phạm Ngọc Tiến: 

NHỮNG CON SỐ CỦA TẤM LÒNG THƠM THẢO

 
Trẻ Dền Thàng ( Bát Xát)

Buổi tối mình nhận được cái email Trần Đăng Tuấn forward sang, đọc chợt ngồi lặng đi. Đó là bức thư ngắn của một độc giả trang thông báo sẽ chuyển tiền vào tài khoản ủng hộ các cháu nghèo miền núi có miếng thịt. Lặng đi và thấy xốn xang một nỗi niềm khó tả. Nước mắt trào ra. Mình không phải là người dễ khóc. Nhưng nếu những con chữ mình vừa đọc vẫn không đủ để chắt ra những giọt nước mắt hiếm hoi thì mình chẳng còn gì để nói nữa. Bức thư gửi Trần Đăng Tuấn thế này: “Kinh thua ông…Toi…la chau ngoai cua cu…(da mat).Theo y nguyen cua ong toi truoc khi mat va gia dinh nay chung toi muon gop vao chuong trinh do ong de xuong moi thang 1 trieu dong,keo dai trong 12 thang.Toi se chuyen vao tai khoan dung ten ong 3 thang 1lan,moi lan 3 trieu dong.Trong ngay hom nay toi se chuyen lan dau tien 3 trieu dong.Khi nhan duoc xin ong hoi am qua dia chi email…Xin cam on ong.Chuc ct cua ong ngay cang phat trien tot dep va duoc su dong tam ung ho cua nhieu nguoi. Kinh thu…”. Những con chữ không dấu và những con số hiển hiện đã khiến mình xúc động mạnh và trước nghĩa cử đẹp này mình đã reply lại cho Trần Đăng Tuấn: “Tôi ứa nước mắt và ngồi lặng đi hồi lâu ông Tuấn ạ. Thấy cuộc đời thật vô thường. Có chút ý nghĩa là ở những cử chỉ này chăng. Ông gởi thư xin phép được sử dụng cái email này để tôi viết một cái gì đó về tấm lòng con người…”

Và bây giờ thì mình viết dù chủ nhân của bức thư muốn ẩn danh. Xin lỗi chị, xin lỗi anh linh cụ, xin lỗi gia đình vì mình đã sử dụng bức thư này như một cái cớ thôi thúc để không thể không viết vài dòng về những con số của tấm lòng người. Chợt nhớ ra đúng đêm này một tháng trước, nhận được bài viết Suối Giàng của Trần Đăng Tuấn gửi để đọc chơi thôi như ông ấy dặn thế. Đọc xong mình cũng đã rất xúc động. Chẳng có gì mới cả, vẫn là những thứ ai cũng biết nhưng sao thấy xót xa, thấy đắng đót khi những con số được ông Tuấn tính toán chi ly để mang đến từng miếng thịt cho các cháu. Đọc và lập tức nghĩ phải làm một điều gì đó cho những mảnh đời thơ bé. Có lẽ sự xúc động từ bài viết Suối Giàng nằm ở chính cái nhẽ ấy. Ngay sáng hôm sau mình đã nhờ lập giúp cái blog và post bài Suối Giàng lên bất chấp ông Tuấn có đồng ý hay không. Bằng cảm nhận mình biết bài viết chân thành từ đáy lòng này của tác giả sẽ có sức lay động lòng người. Đúng như thế, Suối Giàng đã được độc giả mạng đón nhận. Và như mọi người đã biết, ngay sau khi nhận được những phản hồi tích cực, Trần Đăng Tuấn đã mạnh dạn mở một tài khoản cá nhân trong khi chờ đợi lập một cái quỹ chính thức để đón nhận sự đồng cảm chia sẻ của mọi người. Một tháng, blog Trần Đăng Tuấn đã có lượt truy cập cả trăm ngàn người với trên ngàn comment ( tính cả những comment đã bị chủ nhân lỡ thao tác bay mất) và đây mới là quan trọng : Xấp xỉ 600 triệu đồng đã được độc giả gửi vào tài khoản. Khoảng gần 300 cháu ở Suối Giàng và Lao Chải, Nậm Khắt (tuần tới sẽ thêm hàng trăm cháu Mầm Non ở Dền Thàng) bắt đầu có chút thịt ăn trong bữa cơm hàng ngày trong năm học này.
 
Mình vốn không bao giờ thích những con số bởi sự chính xác đến lạnh lùng của nó nhưng những con số này thì khác. Ấm áp và dễ chịu làm sao. Không ấm áp sao được khi một cháu bé được bố cho đọc bài viết Suối Giàng đã ngớ ra không hiểu gì cả. Nó hiểu làm sao được, cùng trang lứa với nó ở nơi miền núi xa xôi kia lại có những đứa trẻ phải tự nấu nướng, bữa ăn chỉ có muối riềng và rau. Mà rau là thứ hiếm hoi cơ đấy. Cháu bé đọc lại lần nữa theo yêu cầu của người bố và bảo, con chẳng hiểu gì cả nhưng nếu các bạn ấy cần thịt ăn thì dễ thôi. Người bố hỏi lại, dễ là sao? Thì con đập lợn đất tiết kiệm ủng hộ các bạn. Nếu là mình trong trường hợp ấy, chẳng biết mình sẽ ở trạng thái nào. Người bố thật hạnh phúc trước hành động đơn giản của con mình. Và đứa bé hẳn cũng chẳng ý thức được đồng tiền của nó có ý nghĩa như thế nào đâu. Trong số tiền xấp xỉ 600 triệu kia có không ít những đồng tiền lẻ được các cháu bé lấy từ lợn đất tiết kiệm góp vào. Một người bạn mình khi chuyển những đồng tiền tiết kiệm của con đã bảo, tiền của nó là con số lẻ ông ạ. Mình bảo sao ở đây là chẵn? Tôi thêm vào cho tròn. Chả là người bạn này đọc và quyết định hai bố con sẽ góp một tháng thịt cho các cháu Suối Giàng ( 9 triệu như cách tính ban đầu của ông Tuấn) thế nên đành phải làm chẵn số tiền 3 triệu của con.
 
Có một chuyện này, lẽ ra chẳng nên viết nhưng mình thấy phải nói ra để nhẹ lòng, bởi cái chi tiết này cứ mãi ám ảnh mình. Đó là một độc giả ủng hộ 2 trăm ngàn nhưng lúc thao tác lại ấn nhầm thành 2 triệu đồng. Người đó đã đắn đo rất nhiều trước khi viết thư cho ông Tuấn hỏi có thể rút lại số tiền nhầm kia không. Mình biết là con số 2 triệu đã làm cạn kiệt tài khoản của một người chẳng lấy gì làm khá giả này. Ông Tuấn bàn với mình lặng lẽ gửi tiền riêng cá nhân ở ngoài chứ không nên lấy từ quỹ. Ngồi cùng có anh bạn đồng nghiệp, bận bịu quá chưa biết đến việc gây quỹ này. Nghe hai anh em bàn, anh nhất quyết giành gửi 1,8 triệu đồng nọ. Tiền đã được gửi đến độc giả đó và mình vẫn chưa thôi hết vân vi bởi sự chân thật của người gửi nhầm. Các cụ mình có câu “lá lành đùm lá rách” nhưng rõ ràng trong trường hợp này cái lá để đùm bọc kia chẳng phải là lành và cái sự “lá rách ít đùm lá rách nhiều” này khiến mình cảm động và suy nghĩ rất nhiều về cái sự ông Tuấn và bạn bè đang làm. Trong số người tham gia gửi tiền về có những người nghèo, đăng ký ủng hộ số tiền nho nhỏ nhưng lại phải đợi đến kỳ lương mới có tiền để chuyển. Trong bản sao kê tài khoản hiển thị những con số rất nhỏ có khi chỉ là vài chục ngàn. Lại có người đăng ký ủng hộ theo năm và tổng số tiền mấy trăm ngàn ấy được chia thành từng tháng 5 chục ngàn đồng. Thật ấn tượng. Đã là tấm lòng thì đâu ở cái sự ít nhiều ấy. Trong con số gần 6 trăm triệu kia, có cá nhân đóng góp tới 5 chục triệu đồng. Có tập thể quyên góp để đóng vào một lần 6 chục triệu. Đáng nể và khâm phục. Và những lần như thế cái máy điện thoại mới sắm của ông Tuấn dành riêng cho việc báo tin nhắn nhập tài khoản này lại kêu tít tít tít rất vui tai. Chuyện này có thật. Có một buổi sáng máy điện thoại không kêu lần nào, ông Tuấn buồn thiu bảo, không có ai gửi ông ạ. Buồn. Rồi bất ngờ máy kêu. Ông Tuấn vồ lấy máy mở ra xem. Chỉ là khoản tiền 100 ngàn. Mắt ông Tuấn sáng lên sau cặp kính cận và ông nói rất nhẹ, một trăm ngàn được gần cân thịt rồi. Mình thấy thế im lặng không bình phẩm gì nhưng có kể cho người khác nghe về tiếng tít tít này. Sáng nay khi đang xem lại bài viết thì một người bạn hỏi thăm tài khoản đến con số nào rồi và nói, tôi đi ra ATM chuyển mấy món nho nhỏ để nó tít tít tít cho bố Tuấn vui đây, sáng nay đầu tuần mà. Vậy là trong con số tiền hỗ trợ có cả những đồng tiền không chỉ là giúp miếng thịt cho các cháu mà còn là bạn bè động viên nhau muốn làm nhau vui. Viết đến đây chợt thấy chạnh lòng khi vẫn có những comment công kích xỉ vả việc làm này của ông Tuấn. Nhưng thôi điều đó cũng không quan trọng. Quan trọng là tấm lòng của rất, rất nhiều người đã được ghi nhận bằng những miếng thịt cụ thể trong bữa cơm chung có thật của các cháu, trước mắt là Suối Giàng, Lao Chải sau đó là Nậm Khắt là Dền Thàng. Và chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Lại chợt nhớ dạo này đi nhậu hay gặp đề tài cơm thịt. Chẳng phải là mình cố tình nêu ra để tranh thủ sự ủng hộ cho dự án của ông Tuấn mà là mọi người cứ khơi gợi. Một nhạc sĩ đang nhậu chợt móc ví đưa mình 2 triệu góp quỹ. Mình giãy nảy đừng làm thế kẻo sai nguyên tắc. Ông kia nói biết nhưng tôi bận quá nhờ ông giúp. Vậy là cầm nhưng để cẩn thận mình bắt vị nhạc sĩ phải ký để làm bằng. Có lần đang uống ngon nghẻ thì một doanh nhân cũng làm việc tương tự đưa hẳn hơn chục triệu. Không dám bỗ bã bắt ký như ông nhạc sĩ mà mình phải bỏ bữa nhậu phi luôn đến ngân hàng, xong xuôi mới quay trở về tiếp tục chiến đấu. Kể những điều này mình muốn nói đến khía cạnh niềm tin. Vâng chúng ta đang rất hay ca cẩm về sự vô cảm của xã hội hiện nay nhưng có lẽ chẳng đến mức ấy. Khi còn niềm tin thì lòng trắc ẩn còn và những tấm lòng của mọi người vẫn luôn rộng mở. Chỉ bằng những con số mình vừa liệt kê từ blog ông Tuấn trong một tháng đầu là đủ cho mình cảm nhận như vậy.

Định dừng viết thì có tin nhắn của một người bạn thân. Mở ra thấy: Tôi và một người bạn vừa gửi vào tài khoản anh Tuấn 12 triệu đồng. Thấy nhòe nhòe mắt kính. 12 triệu. Lại một con số góp vào bữa cơm thịt của trẻ nghèo miền núi. Ô hay, sao cứ nhắc mãi đến những con số như thế. Đã là tấm lòng thì sao có thể đo đếm được bằng con số, mình biết vậy nhưng vẫn cứ mong con số độc giả vào bolg Trần Đăng Tuấn ủng hộ nhiều hơn, số dư tài khoản tăng hơn, danh sách những cháu bé có thịt trong bữa ăn dài thêm, dài nữa. Những con số của tình người này thật chẳng hề giống như mình quan niệm. Mình nhắc lại nhé, nó không hề lạnh lùng mà ấm áp dù rất chính xác. Thật ấm áp. Và mình vô cùng biết ơn những tấm lòng đã thơm thảo chia sẻ. Biết ơn thật sự vì mình hiểu còn những tấm lòng thế này, còn những con số thế này thì ngòi bút kém cỏi của một nhà văn quèn như mình còn được viết những dòng thô vụng về tình người. Và nữa, chẳng hề nói quá đâu (có ai ghét xin đừng mắng mình), đất nước yêu dấu của mình dẫu đang trăm ngàn gian khó sẽ chẳng thể lâm nguy khi còn tồn tại những con số của tấm lòng thơm thảo thế này. Cho mình được cảm ơn tất cả.

Hà Nội 22-24/10/2011
              PNT

MU 1 - 6 MC

23.10.2011
Quỷ Đỏ bị Ma (ncini) Xanh đè bẹp 1-6 ngay tại Old Traford. Một kết quả thực sự sốc cho các fan của MU. Còn sốc hơn cả kết quả 8-2 nghiêng về MU trong trận đấu với Arsenal cũng tại Old Traford cách đây ít lâu.
Mình xưa nay rất tôn trọng MU và Sir Alex, nhưng chưa bao giờ là fan của CLB này. Mình mê Arsenal thời còn Vieira và Henry, thích Chelsea thời Mourinho. Ở La liga thì tình cảm chia đều 50/50 cho Barca và Real.

Xưa nay mình không thích MU vì có cảm giác họ được ưu ái quá nhiều ở PL, và họ vô địch PL liên tục, phải công nhận phần lớn do họ giỏi, nhưng cũng có nhiều yếu tố may mắn cùng sự ưu ái của trọng tài.

Mình luôn mong các đối thủ thắng MU để cuộc chơi tại PL hấp dẫn hơn.
Nhưng 1-6! Không phải là kết cục mình mong muốn!
Có thể hôm nay chỉ là cú sảy chân hiếm hoi của MU.
Có thể chỉ là phút lên đồng của một MC mới nổi và đang khao khát chứng tỏ mình.
Có thể ngày mai MU lại vùi dập 8-2 những Fulham hay Blackburn.
Có thể MC lại sẽ muối mặt trước những Stoke hay Everton.
Nhưng hôm nay MU 1 - 6 MC ! Tại Old Traford !

Lướt qua xem comment của fan bóng đá trên các báo mạng.
Ấn tượng với comment này, xin phép copy về bà con coi:

(VnExpress.net)

MU thua! thật đau lòng! tức wá ngũ chẵng được

Thương ôi các bạn Mờ U
Thua đau như bị kẹp ... bằng kìm
Đâu rồi cái thuở hoàng kim 
Thắng to 8 quả để dìm AR SÊ 
Đâu rồi cảm giác đê mê ... 
Đứng trên đỉnh bảng mơ về ngôi vương 
Bây giờ thảm bại đau thương 
Mới hay mình đã khinh thường Man xanh 
Nghĩ rằng mình mới là anh 
Mình giàu truyền thống, xứng danh đầu đàn 
Bây giờ phim đã hạ màn 
Quỷ kia giờ đã thành đàn nai tơ 
Nghĩ đời đen bạc lắm cơ 
Sáng nay là quỷ bây giờ là nai 
Thôi thì mặc kệ hỡi ai 
Bóng kia tròn mãi sân dài vẫn lăn 
Đường lên vô địch khó khăn 
Mèo kia chưa biết sẽ ăn mỉu nào 
Tiếp tục theo giõi xem sao 
Man xanh chưa chắc bay cao dễ dàng 
Nói chung đẳng cấp là vàng 
Nhưng mà phong độ nó bằng kim cương 
Chỉ cần tôn trọng đối phương 
Biết mình biết địch thắng thường về ta 
Hôm nay Man đỏ là gà 
Biết đâu sắp tới lại là Man xanh 
Thôi thì dự đoán loanh quanh 
Đi làm bát phở cho nhanh... đói rồi
( MU!forever one love )

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Một buổi chơi cướp cờ

Minh Phúc (gửi cho HAT blog)
Hình minh họa - internet


Hôm đó mình chẳng nhớ vì lý do gì nữa mà thầy Tuất cho lớp về sớm. Cả lớp liền kéo nhau ra sân trước nhà trẻ Độc Lập chơi cướp cờ. Vừa chơi được một lát thì thầy về ngang qua (nhà thày ở đằng ấy mà), thấy thế bèn đuổi tất cả về. Buộc phải nghe lời thầy cả lũ lục tục kéo nhau về trong tiếc nuối. Bỗng một đứa nào đó đưa ra ý kiến “lên sân Nhà truyền thống chơi đi, thầy không biết đâu?”, tất cả liền hưởng ứng, đùng đùng kéo nhau đi. Cả lũ vừa đi vừa cười nói ầm ĩ (thế mà gọi là trốn thầy đi chơi đấy!).
Hôm đó chơi thật vui, mãi muộn mới chịu giải tán.
Hôm sau đến lớp đứa nào cũng vui vẻ, huyên thuyên về buổi trốn thầy đi chơi hôm qua.
Vào lớp.
Chào thầy xong, cả lớp vẫn rất vui vẻ.
Bỗng thầy hỏi: “Hôm qua ai đi chơi?”
Cả lớp nhìn nhau.
Thầy lại hỏi: “Ai đi chơi”
Cả lớp im lặng nhìn nhau. Rồi…
Một đứa..
Hai đứa…
Ba đứa…
             Lần lượt đứng lên
Rồi rào rào… đứng lên
Gần hết cả lớp (còn sót vài đứa là do bọn chúng về đường bãi than không biết cả lớp ở lại chơi, trong đó có lẽ có Hà chày) vừa đứng vừa thót tim vừa nghĩ làm sao thầy lại biết nhỉ, sân Nhà truyền thống trên đồi cao và xa thế cơ mà, và rõ ràng cả lũ đã nhìn thấy thầy đi về nhà rồi cơ mà!
Thầy lắc đầu nói: “Nhiều thế này biết xử thế nào đây?”
Chắc nhìn lũ trò thê thảm quá thầy liền “bật mí”: “Cả lũ đùng đùng đi cùng nhau thế thì chỉ có đi chơi chứ đi đâu?”
Lúc đó cả lũ mới hiểu ra, bình thường mỗi đứa về một đường bỗng nhiên lại cùng nhau đi một đường thì … Đến bây giờ Phúc vẫn bảo với học trò là: “Cô học mười mấy năm trên ghế nhà trường nên không gì qua được mắt cô”, chả nhẽ lại bảo cô ngày xưa có khi còn nghịch hơn trò bây giờ ấy chứ!
Mình nhớ vụ này vì trong vụ này hầu hết cả lớp đều dính, chứ còn thầy Tuất có tiếng nghiêm nhưng bọn mình có quậy phá gì đâu mà sợ thầy, và hôm đó thầy đành tha bổng.
Có bạn nào nhớ ai là người đưa ra ý kiến đi chơi và ai là người đứng lên đầu tiên không?
(Phúc kèn)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Thùy Linh: Mùa gặt Mù Cang Chải

 
Mù Cang Chải, Mù Cang Chải! Từ nhỏ, mình đã nghe đến tên địa danh này, nhưng chẳng khi nào nhớ nó ở đâu, cái tên gợi cho mình cảm giác nó ở nơi nào đó rất xa, rất heo hút, cheo leo đâu đó trên núi cao mây mù quanh năm bao phủ. Bây giờ đã biết, Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với hơn 90% dân số là đồng bào Mông. Mù Cang Chải nổi tiếng với danh thắng RUỘNG BẬC THANG kỳ vĩ, từ nhiều năm nay thu hút du khách đến tham quan. Thời gian này đang là mùa lúa chín, mùa gặt, mùa ... du lịch. Trong đoàn xe lũ lượt kéo lên Mù Cang Chải, có những người lên đây không phải để ngắm cảnh. Họ lên để tìm hiểu về cuộc sống của học sinh dân tộc miền núi, để tìm cách giúp đỡ những thân phận cơ cực, nghèo khó. Giữa chốn thiên đường bồng lai tiên cảnh vẫn nhận thấy những nỗi đau khổ, để cảm thông, chia sẻ, giữa cái đói rách bần hàn vẫn tìm ra những nét đẹp ngỡ ngàng, phải chăng đó là đặc tính cơ bản nhất của NHÂN VĂN.

Xin giới thiệu bài viết rất xúc động của Nhà văn Thùy Linh về các em học sinh vùng cao, ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. 

MÙA GẶT MÙ CANG CHẢI


Vào tháng 9,10 là mùa gặt Mù Cang Chải. Người ta lên đó ngắm cảnh, chụp ảnh nhiều lắm. Những sườn đồi chỉ toàn màu vàng ươm của lúa chín, lượn vòng theo ruộng bậc thang như những lượt sóng mềm mại. Đẹp mộng mị, mê hoặc, lãng mạn và thanh thoát…

Vẻ đẹp chỉ có riêng nơi này, vùng đất này, góc trời này. Một vẻ đẹp riêng biệt nhưng lại hào phóng dành cho tất cả những ai tới đây. Mù Cang Chải dâng hiến. Mù Cang Chải dịu dàng. Mù Cang Chải tự âm thầm hát bài ca của riêng mình…Hãy tới đó và lắng nghe...

Lao Chải cách huỵên lỵ Mù Cang Chải gần 15 km. Khép nép bên sườn núi, giữa những sóng lùa vàng ruộng bậc thang. Đường đất lổn nhổn khó đi vì chưa có đường bê tông. Mùa mưa thì lầy lội phải biết. Tai nạn cũng chả tránh được. Dốc, trơn, khấp khuỷu, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu, bên dưới là những ruộng bậc thang. Vì chỉ toàn núi nên ít mặt bằng. Dành hết đất để làm ruộng bậc thang mà người nơi xa đến chỉ thấy vẻ đẹp thoát nhiên giữa núi rừng mà không biết những thân phận, kiếp người phải tập quen sống treo mình bên những vách núi đá.
Trường tiểu học Lao Chải....

Trường Tiểu học Lao Chải chỉ có ba dãy nhà. Một dãy nhà xây lợp proximan, còn hai dãy nhà kia làm bằng gỗ mục nát do người H’Mông xây để cho con em mình có chỗ ở và học. Mặt bằng không đủ để có nhà ở, bếp ăn và chỗ vui chơi cho cả giáo viên lẫn học sinh. Một cái lán bé xíu, trống hoác có ba chân kiềng để tụi trẻ tự nấu ăn với nhau sau giờ học treo bên vách núi. Lối đi lên chỉ là cái cầu bằng gỗ và những bậc thang đất. Có đứa nấu xong cơm lúc bê xuống trượt chân đổ hết cả chả còn gì mà ăn. Tất cả có 50 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 nhít lít trứng gà, trứng vịt, nhà ở xa trường nên chúng tụ về đây ở và học. Chúng tự hình thành từng nhóm nhỏ 3,4, 5…đứa góp gạo thổi cơm chung.

Lớp học và nhà ở ... 
Thay nhau nấu cơm ở bếp này...
Đường lên dốc...bếp cheo leo...

Bữa cơm là nồi cơm lèn chặt, có độn ngô, sống sít và một nồi mì tôm làm canh lõng bõng nước. Có nhóm thêm món gừng trộn muối. Chả có bát đũa, cứ cầm thìa sục thẳng vào nồi cơm múc lên ăn. Cũng chả đủ nên chúng chuyền nhau cái thìa. Bữa cơm diễn ra ở bất kỳ đâu mà chúng thấy tiện: hè nhà, cạnh bếp, sân…Những đôi mắt ngước nhìn người lạ trong veo, ngượng ngập, miếng ăn bỗng ngập ngừng khó nuốt. 

Chạn của chúng em đấy ... 
Tụi mình thích ăn ở hè... 
Còn tụi mình ăn ngay cửa bếp...
Bữa cơm trưa... 
Cơm chín rồi ăn thôi...
 
Lứa tuổi ấy ở thành phố biết làm gì nhỉ? Vòi vĩnh, ăn ngon, mặc đẹp mà vẫn còn mè nheo đòi hỏi…Bữa ăn cha mẹ quát nạt bắt ăn cái này, cái kia vì sợ con mình không đủ dinh dưỡng. Nâng như nâng báu vật, hứng như hứng nguồn lộc trời ban. Vì người ta vẫn cứ nói, con cái là lộc của trời mà.

Gái đảm... 
Con trai cũng đảm...
Nào, chúng mình cùng nấu cơm...

Còn những đứa trẻ ở Lao Chải này có được gọi là lộc trời ban không nhỉ? Chúng phải tự chăm lo bản thân. Sau giờ học tự nấu ăn với những nồi cơm méo mó, đen sì vì muội củi. Tự an ủi cái dạ dày mình bằng bữa cơm trương phềnh, sống sít vì chưa khéo nấu. Chỉ biết đổ gạo, đổ nước vào và đun sôi lên. Có nồi cơm còn không đủ cả hơi nóng để làm cơm chín. Vậy mà chúng vẫn ăn như chả có chuỵên gì. Tay đen sì vì bếp củi lửa nhưng chả thấy đứa nào rửa ráy và cũng chả có ai quát nạt đi rửa tay. Hàng tuần tự vào rừng  nhặt củi về đun vào thứ 5 được nghỉ học...

Những đôi mắt buồn bên khung cửa...
Đám trứng gà, trứng vịt ấy vẫn cứ đùa chạy quanh sân, đứa thì ngồi tựa cửa nhìn người lạ, nhìn trời đất, cũng có đứa chả nhìn gì, như nghĩ ngợi, như chiêm nghiệm điều gì đó…Lạ thế, mình cứ ám ảnh bởi hình ảnh tụi trẻ con vùng cao ngồi tựa cửa nhìn ra ngoài. Dường như bên trong ngôi nhà dù nghèo nàn ấy vẫn là nơi an toàn nhất với chúng. Còn ngoài kia…Ngoài kia là gì? Chắc chúng chưa bao giờ biết. Vì thế chúng chưa bao giờ biết thế nào là sung sướng, hạnh phúc? Và chắc chúng chưa bao giờ biết chúng khổ như thế nào…Bao nhiêu đời rồi những thế hệ đã nhận từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ của hồi môn nỗi khổ sở, đói nghèo như thế này? 

Buồn trông rặng núi xa xa...
Thế kỷ 21 rồi, người ta đang nói kiên định lắm về một thiên đường nơi mảnh đất này, nhưng những đứa trẻ vùng cao như Lao Chải này đói ăn, thiếu mặc, khát văn hóa là hiển hiện, là nỗi đau của những ai đã từng lên đây. Mấy ai nhìn những bức ảnh này có cảm giác bị tội lỗi dày vò? Các cô giáo ở Lao Chải và Nậm Khắt (Yên Bái) đều bảo, nếu bữa cơm mà có thêm miếng thịt thì chắc là nhiều đứa trẻ sẽ lại đến trường học chữ. 

Ở đây phụ huynh không phải “chạy” trường, mà nhà trường và giáo viên “chạy” học sinh…Nhưng họ chả biết “chạy” để có học sinh đến trường và được dạy dỗ bằng cách nào khi miếng ăn còn chưa ấm bụng? Giờ như có một cái phao nhỏ bấu víu: miếng thịt vào mỗi bữa ăn.

Cháu biết rồi nhá, sắp có thịt...
Bạn nhớ nhé, chỉ cần có miếng thịt vào bữa ăn, có thể sẽ có nhiều trẻ vùng cao đến trường. Một miếng thịt nhỏ bé mà có thể bạn phải nài nỉ con cái, cháu chắt bạn ăn như là sự tra tấn. Một miếng thịt mà con cái, cháu chắt bạn ăn rồi nhè ra như ăn cái gì gớm ghiếc lắm…

Cháu hy vọng được không?
Đó là sự thật, một sự thật đau xót trên mảnh đất này. Và ngay tại nơi được gọi là “Danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải”.
Biển báo "Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải"
PS: Dự án “Cơm có thịt” do tiến sỹ Trần Đăng Tuấn khởi xướng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp do thiện tâm của nhiều độc giả. Sau Suối Giàng, cơm có thịt sẽ đến với những đứa trẻ nghèo ở Lao Chải và Nậm Khắt những ngày tới đây. Cám ơn tất cả bạn bè đã quan tâm và tham gia vào chương trình nhỏ bé này.

(Thùy Linh)

--------------------------------------------------------------------------
Các bạn có thể đọc bài này cùng các comment tại nguồn:
hoặc bài đăng lại trên blog của Trần Đăng Tuấn:
 

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Hội Hoa Đồng Tiền

Hạnh Thảo (gửi cho HAT blog)
Các hình minh họa trong bài
- được sưu tầm trên internet

Đi học bao giờ cũng thế, trong lớp phải có những nhóm nho nhỏ thân nhau hơn các bạn khác. Mình cũng ở trong một hội như vậy. Nhóm chúng mình dĩ nhiên là toàn con gái, nhà ở gần nhau, học chung với nhau và đương nhiên rất là thân nhau.

Nhóm chúng mình hồi đầu có tới 8 bạn lận. Sau này Mai ‘Chí’ chuyển nhà theo bố mẹ vào miền Nam, Liệu ‘mố’ (hay Liệu ‘hồn’) cũng chuyển theo bố mẹ về Hà Bắc, thế là nhóm chúng mình còn 6: Vân ‘loe’, Hải ‘hon’, Liễu ‘thăng’ (hay Liễu ‘thợ’), Hiền ‘’, Giao ‘bầu’ và mình – Thảo ‘béo’.

Trong nhóm hài hước, hay nói và nghịch ngợm nhất là Vân ‘loe’. Mình cứ cười bò ra khi thấy nó “bốc phét” mà mặt cứ tưng tửng như không. Nhà Vân có một vườn mía, thỉnh thoảng nó lại rủ bọn mình tụ tập, chui vào giữa vườn mía, nó tự “ăn trộm” mía của nhà đãi chúng mình. Nói là “ăn trộm” vì hở ra bố mẹ biết là ăn đòn. Thỉnh thoảng cả bọn còn kéo sang nhà Hùng ‘Giáo’ gần đó ăn trộm chanh yên. Khổ, quả chanh yên non choẹt, không có nước, chẳng làm gì được, thế mà cứ ăn trộm thành công, không bị bắt quả tang là khoái rồi. Vân học giỏi, thi đậu vào chuyên ngữ ĐHSP rồi về Hà Nội học luôn. Sau này khi mình vào Sài Gòn thời gian đầu nó vẫn còn thân với mình, bây giờ nó ở bên Pháp, hình như địa lý xa xôi cách trở hay sao ấy mà nó chẳng còn gần gũi chúng mình như trước nữa.


Hải ‘hon’ là hoa khôi của nhóm. Nó xinh ơi là xinh. Mỗi khi nó chạy ra sân  trường chơi là các anh lớp trên cứ ngẩn ngơ. Hồi ấy không biết nó học ở đâu viết kiểu chữ “block” có đánh bóng hình khối rất là ấn tượng, chúng mình è nhau ra bắt chước mãi. Nó lấy chồng thật sớm, sớm nhất trong lũ chúng mình, làm khối anh hụt hẫng.

Liễu ‘thợ’ là con bạn thân nhất của mình trong nhóm. Hồi cấp 3, hai đứa cứ như hình với bóng. Một đứa cao to, một đứa thấp bé đi đâu cũng có nhau. Bây giờ mỗi khi ra Hà Nội, mình vẫn lăn lê bò toài ở nhà nó. Liễu có tật nói lắp. Bọn mình cứ hay nhại theo nó rồi đến lúc quen miệng cũng … cũng muốn nói … nói lắp luôn. Một lần về Hà Nội Hiền ‘’ chở Liễu đi đến nhà người quen chơi. Liễu phán: “số nhà bẩy..bẩy bẩy”, xong yên tâm ngồi đằng sau tám. Hiền ‘’ mê mải đạp, năng lượng dồn hết vào chân với miệng… mệt quá mà đi hết đường rồi vẫn không thấy số nhà 777 đâu. Sực tỉnh, Liễu la lên: “tao bảo là số 77 cơ mà”. Báo hại hai đứa phải quay lại. Trời hè Hà Nội nóng, nắng gắt :))


Giao ‘bầu’ hiền nhất, ít nói, chỉ tủm tỉm cười. Giao ‘bầu’ có bà nội rất là nghiêm, đứa nào đến chơi cũng nem nép. Bà quí nhất Hiền ‘’ vì lần nào đến chơi Hiền ‘’ cũng chào bà rất to. Còn cả lũ chúng mình đầu têu là Vân ‘loe’, Liễu ‘thợ’ đi tắt từ đường qua vườn lên thẳng nhà nó, tiện thể rung cây đu đủ 1 phát cho nó rụng luôn quả đu đủ chín rồi cười hi hi ha ha chia nhau.

Cấp 3 thân với Liễu nhất thì cấp 1 mình thân với Hiền ‘’ nhất. 2 đứa đã học cùng 1 lớp, lại ở chung 1 dãy nhà tập thể. Trò gì cũng có nhau. Tụi mình nghĩ ra đủ trò. Nghiền quả mùng tơi chín ra làm mực; làm kẹo caramen bằng cách đun đường lên, có hôm bị cháy khét, đắng nghét phải bỏ đi, phí ơi là phí, đường cát hồi ấy là một thứ xa xỉ phẩm. Rồi không biết người ta “làm” quế như thế nào. Tưởng cái vỏ quế cay cay là sản phẩm con người sản xuất ra chứ không phải từ thiên nhiên, hai đứa bèn sáng tạo lấy vỏ cây nhãn ngâm đường và ớt 1 ngày rồi đem sao lên. Nó vẫn chát chát, không ngon bằng quế bà đổi kẹo đổi cho… Bây giờ Hiền sang Đông Đức, cuộc sống cũng có phần vất vả, không có email nên liên lạc với nhau cũng khó.

Chúng mình ngày xưa cũng đặt tên cho nhóm đàng hoàng. Cũng ra vẻ tâm hồn lãng mạn nên thống nhất lấy tên nhóm là một loài hoa. Nhưng ẩn chứa trong cái mác “tâm hồn lãng mạn” ấy vẫn là một lũ thực dụng tham ăn : )), thế là cái tên nhóm “Hoa Đồng Tiền” mà cả bọn đều tâm đắc ra đời - đứa nào cũng thích có tiền (trước mắt là để ăn vặt). Mỗi đứa lại lấy nick cho mình theo 1 loài hoa.

Hồi ấy mình có cái ảnh chụp một bông hoa súng tím, mình chết mê chết mệt bông hoa ấy. Bông hoa nhỏ xinh, tím biếc, cái màu tím quá đỗi dịu dàng trong dáng hình những cánh hoa vươn lên ngay thẳng, mạnh mẽ. Thế là mình lấy tên “Súng tím”. Sau này vào trong miền Nam, được nhìn hoa súng tím thật ở ngoài, mình chưa khi nào thấy nó hết đẹp, càng nhìn càng mê mẩn. Nhưng… xin các bạn Hội Hoa Đồng Tiền cho mình rón rén đổi tên, chứ mà các bạn bây giờ gọi mình là “Hoa Súng” thì… ặc ặc… nghe kỳ quá à….:))


Mình còn muốn nhắc đến một bạn, là Hoa ‘Đào’, không học với mình cấp 1-2 ở Đồi Độc Lập. Cấp 3 bạn mới chuyển nhà đến, thế là chơi với hội tụi mình luôn. Hoa là đứa tốt bụng và nhiệt tình vô bờ bến. Bây giờ nó vẫn là đầu cầu trong tất cả các hoạt động của nhóm.


Bây giờ chỉ còn mình, Liễu, Giao, Hoa và Hải là vẫn thân thật là thân với nhau. Hải thì ở Thái Nguyên nên ít gặp hơn. Còn bộ ba kia ở Hà Nội. Mình ra Hà Nội quấy rối chúng nó nhiều quá, chúng nó còn cười híc híc rủ nhau trốn, không tiếp mình… Hì hì… trốn mà được à, người ta không ra thì lại nhớ cho mà xem, rồi trách “sao lâu rồi mày không gọi điện cho tụi tao”….

Mấy hôm rồi rộn ràng vụ họp lớp, Ngày nào Liễu cũng hỏi: “mày đặt vé máy bay chưa?”, rồi: “tao không biết đâu, tao mua chăn gối mới cho mày ra mày ở nhà tao rồi đấy”. “Yên tâm mà, vé máy bay tao cầm ở tay rồi này…. Yêu chúng mày quá đi thôi!”

(Thảo béo)

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Kẻ cắp già mồm

 
Khi bạn lái xe trên quốc lộ, qua trạm thu phí, bạn phải trả phí cầu đường. Đó là bình thường. Cả thế giới này như vậy.
Hiện nay mức phí ở ta là 10.000 đồng/lượt đối với xe ô tô con. Cũng bình thường!

Điều không bình thường là ở cách thu phí. Tại một nước văn minh hoặc hơi văn minh, người ta dùng thẻ để quẹt. Còn ở ta, người ta thu tiền mặt. Hồi trước còn chia ra người bán vé riêng, người xé vé riêng. Nhiều lần quan sát, tôi thấy lái xe đưa luôn tiền cho người soát vé là qua, khỏi mất công dừng xe mua vé, nhiều khi còn được đi rẻ hơn là mua vé thật. Giờ cải tiến, bán vé thu tiền kiểm soát vé gộp vào một người thôi. Thật tiện lợi. Thật bình thường!

Nhưng cái bình thường này lại đẻ ra cái không bình thường. Đó là khi người ta thu tiền mà không bán vé. Bạn sẽ nghĩ: ở trạm thu phí, camera gắn tứ phía, cho xe qua mà không bán vé được sao? Được chứ! Không tin bạn cứ qua trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài sẽ rõ.

Để so sánh, xin mô tả sơ qua cách thức bán-mua.
Khi bạn qua trạm thu phí trên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM), từ xa, bạn cầm tờ tiền giơ ra cửa kính xe, ví dụ là 50.000 đồng. Khi bạn đi ngang, người bán vé nhận tiền của bạn, ĐỒNG THỜI đưa bạn vé kẹp cùng 40.000 đồng thối lại. Tất cả diễn ra CÙNG MỘT LÚC, trong vòng 1-2 giây, bạn thậm chí không cần dừng hẳn xe, mà chạy chậm là được.
Khi bạn qua trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, bạn phải dừng hẳn xe, đưa cho nhân viên kiểm soát 50.000 chẳng hạn, anh/chị ta trả lại bạn 40.000. Xong! Mời bạn đi! Cứ 10 người thì 5 người đi luôn, không nhận vé. Nếu bạn cần cuống vé về thanh toán với cơ quan, với công ty, bạn phải nói: "cho xin cuống vé", hoặc cứ đứng ì đó. Sau khoảng 10-15 giây, lúc ấy nhân viên kiểm soát như sực nhớ, chìa vé cho bạn. Xong! Mời bạn đi. Từ vài năm nay, mấy chục lần tôi qua Trạm này, đều gặp cảnh y như vậy, KHÔNG có ngoại lệ. Khoản tiền thu về mà không xuất vé ra ấy đi đâu?

Khi người ta thu tiền của bạn, mà không đưa cuống vé cho bạn, dù bạn không yêu cầu, dù họ giả vờ quên đưa, thì đó là sự gian dối, nói thẳng là ĂN CẮP cho nó vuông. Dù họ có ăn cắp của Nhà nước, hay của Doanh nghiệp tư nhân (nhiều trạm thu phí là của Doanh nghiệp đứng ra thầu), thì cũng là gián tiếp ăn cắp của bạn, một trong 86 triệu người dân Việt nam. Một phần mấy chục triệu cái khoản tiền bị ăn cắp đó là của bạn, của cha mẹ bạn, của con cái bạn. Có nên bức xúc không?

Nhiều người tặc lưỡi, 10.000-20.000 đáng gì! Tôi không bức xúc, đơn giản là bao giờ tôi cũng dừng xe, trả tiền, chờ người ta đưa vé vào tận tay rồi mới đi tiếp, dù cái cuống vé ấy tôi chỉ mang về nhà vứt thùng rác.

Nhưng lần này tôi bức xúc.
Hôm qua có việc đi Thái Nguyên, lại qua Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Đưa 20.000, nhận lại 10.000, vẫn không thu tay về. Gã nhân viên kiểm soát vờ lúi húi gì đó, như không nhận ra. Chờ 10-15 giây, đang vội, tôi bảo hắn: "Ông đưa vé nhanh lên tôi còn đi!", gã mới từ từ chìa vé ra. Nhận vé, vù luôn, còn nghe văng vẳng tiếng thằng khốn chửi đổng với theo.

Khi nào thì thằng ăn cắp dám già mồm chửi người bị trộm?
Khi thằng ăn cắp nó liều, nó biết người ta thấp cổ bé họng?
Hay khi thằng ăn cắp biết nó được tiếp tay, được bao che, được bật đèn xanh cho ăn cắp?

----------------------------------
P/s: 20.10.2011
Một số bạn bè bảo: những tiêu cực kiểu này, hay còn ghê gớm hơn thế này, giờ đầy rẫy xung quanh, bức xúc làm gì cho chóng già, thôi cứ tặc lưỡi coi như không thấy gì cho khỏe thân. Nên phải viết thêm mấy chữ.

Thực lòng mà nói, khi viết bài này, thậm chí ngay lúc ở Trạm thu phí đường bộ, tớ chẳng bức xúc gì cả, thật 100%! Nói rằng "Nhưng lần này tôi bức xúc!" cũng chỉ là nói vậy, một cách thể hiện thái độ, chứ thực ra tớ cười phe phé. Cười vì mình làm gã nhân viên thu phí cầu đường gian dối kia chưng hửng, bằng cách lấy cho được cái cuống vé. Nó bức xúc thì có, chứ tớ đã làm được việc nho nhỏ cần làm. Nó lầu bầu chửi thì nó nghe, chứ tớ đã vù xa rồi! Chuyện nhỏ xíu này không đáng đau đầu, chỉ là viết ra để cho mọi người chú ý đến một vấn đề nhỏ mà không nhỏ. Đó là nhận thức rõ ràng những đồng tiền đang bị ăn cắp (hoặc có thể bị ăn cắp) kia cũng là tiền của bạn. Vì thế, nếu bạn qua trạm thu phí, xin bạn chờ thêm 5-10 giây để lấy cuống vé. Nếu bạn đi siêu thị mua cái TV LCD, hay cái tủ lạnh ..., mong bạn nén sự sốt ruột muốn chạy ngay về nhà mở TV ra coi hay tận hưởng cái tủ lạnh mới mát rượi, xin bạn hãy bỏ ra 5-10 phút để lấy Hóa đơn VAT. 10% giá trị hàng bạn mua là khoản thuế phải nộp. 1/86000000 số tiền thuế đó là của bạn. Đừng để người ta lấy mất, theo cách mà bạn có thể làm được.
Có thể bạn nghĩ, dào ôi, thuế nộp vào ngân sách cho lắm lại có mấy ông Đại gia Shin Shin ổng phá, dân đen lo sao cho xuể! Nhưng đó lại là câu chuyện khác, một vấn đề khác, bàn vào dịp khác.
Còn bây giờ, khi bạn cất cái cuống vé hay hóa đơn VAT vào túi, dù chỉ để mang về nhà bỏ thùng rác, xin hãy nở nụ cười!
  

Gặp mặt bạn học

 
 Hôm qua, chủ nhật, 15.10, họp Ban liên lạc mở rộng lớp 7A-1981. Cả bọn hẹn nhau tụ tập ở quán nhà Hoa đen, gần Lò mổ cũ, hóa ra ngay cạnh nhà Hiền, em gái mình.

Hải hon và tớ đến đầu tiên, còn sớm 10-15 phút. Từ ngoài cửa, hai đứa bảo nhau cứ lẳng lặng vào, giả như khách đến ăn, không giới thiệu, thử xem Hoa đen có nhận ra bạn học không. Bước vào, còn đang đưa mắt tìm Hoa, đã thấy chủ quán đon đả ra chào, còn nhớ ngay ra tên cả hai đứa. Thế là chủ - khách - bạn học bắt đầu buôn chuyện tíu tít. Ngồi thêm ít phút thì bọn bạn lần lượt kéo đến: Phúc kèn, Tâm tăng, Thái sơn, Thanh kều, Hứa Hương, Thu Hương, Thu nghị, Dũng chó, rồi Tuyên đại, Bình lác, Thắng thống, Mích 21.

Cả bọn tranh nhau hỏi, tranh nhau nói, tranh nhau cười. Vui om sòm! Hàn huyên một chặp vẫn chưa đã, nhưng phải tranh thủ bàn công chuyện họp lớp, mất cả tiếng đồng hồ. Mấy đứa cứ chực chuyện chung hơi lắng chút là quay sang nói chuyện riêng ngay lập tức, y hệt hồi xưa. Nói chung tất cả thống nhất với chương trình họp ban đầu.

Rồi cả bọn đói meo, xông vào bàn tiệc, tấn công các đĩa thức ăn, cụng ly đôm đốp. Câu chuyện không ngơi một giây nào. Lúc này có thêm Lệ và Hoàn nhập bọn.

Gặp lại nhau lần đầu sau chừng ấy năm, chuyện tưởng không bao giờ dứt. Mới hay Bình lác có cơ đoạt giải nhớ dai nhất lớp, vượt mặt Phúc kèn. Bình còn nhớ những ai làm cán bộ lớp, tổ trưởng các tổ, ai đến ai đi, từng năm. Chẳng hạn chuyện Bằng đăng và Tuyên đại từ lớp C chuyển sang lớp A năm lớp 6, được mấy hôm Tuyên đại xin trở về lớp C, Bằng đăng ở lại. Năm sau, lớp 7, Tuyên đại mới chuyển hẳn sang lớp A. Vãi linh hồn chưa!

Ờ mà Tuyên đại giờ to béo như thầy Tuất này xưa, và đặc biệt là không còn ít nói chút nào nhé. Danh hiệu ít nói tạm trao cho Dũng. Thái Sơn vẫn đẹp giai như xưa, có hàng ria điệu đà như Chánh Tín. Nhờ có Thắng thống mà tớ thoát danh hiệu gầy nhất lớp. Mích 21 dẫn đầu lớp mình, có 2 con gái đều đã lấy chồng (nói nhỏ: tớ ngồi xa không nghe được Mích đã lên chức bà ngoại chưa!). Thanh kều đang là Chủ tịch phường nhé, (phường Trung Thành?). Rồi mọi người còn nhớ ra vài tên nữa cũng từng học lớp 4A, 5A: Sĩ Tuấn, Quế mối, Lệ Hằng, Khoa gà.

15.10 cũng là ngày sinh nhật Phúc kèn. Tớ mới biết mấy hôm trước, đã chuẩn bị sẽ chúc mừng, vậy mà lúc đó mải buôn chuyện, quên khuấy đi mất mới tệ chứ. Lúc ngồi uống trà, Phúc nói, mới giật mình nhớ ra. Xin lỗi Phúc kèn nhá!

Lúc ra về, cả hội lên xe rồi mà vẫn tíu tít nói chuyện không ngớt. Không biết có ai mải chuyện quên lối về!

Từ trái qua phải: Thanh, Dũng, Hứa Hương, Tuyên, Thắng, Hải

Lệ, Thu Hương, Mích, Thu, Phúc, Thái

Tuyên, Thắng, Hải, Tâm Đỗ, Hoàn, Lệ, Thu Hương

Phúc, Thái, Bình, Hoa, Thanh.