Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Hãy biết trân trọng những gì mình đang có

 
Minh Phúc (gửi cho HAT blog - tựa của tác giả)


Thứ hai, 26 Tháng chín 2011 lúc 16:3

Mỗi người chúng ta ai cũng muốn vươn tới những gì tốt đẹp hơn. Đó là điều nên có và phải có trong mỗi con người. Nhưng có những bạn vì thấy chưa thỏa mãn được yêu cầu của mình nên luôn than vãn chê trách hiện tại, luôn thấy không hài lòng với những gì mình đang có. 

Bạn ơi, nếu một ngày nào đó bỗng nhiên tất cả những gì quanh bạn đều thay đổi (dù theo chiều hướng tốt đẹp hơn theo ý bạn) thì bạn sẽ thấy như thế nào nhỉ? Liệu bạn có nhớ về những gì bạn đã có không? 

Tôi tuy chưa đủ điều kiện vào hội người cao tuổi nhưng từ đã rất lâu rồi những giấc mơ còn nhớ được khi thức dậy của tôi hầu hết đều gắn với những không gian, thời gian từ khi học chuyên nghiệp trở về trước: gắn với ngôi nhà cũ của bố mẹ tôi, với những ngôi trường mà tôi đã học,với những người bạn thủa ấu thơ,với những người thân yêu đã đi xa… gắn với những hình ảnh mà bình thường với cuộc sống bận rộn có khi ta đã quên. 

Nói vậy để các bạn thấy được có những thứ bây giờ ta thấy rất bình thường nhưng sau này khi mất rồi bạn mới thấy tiếc nuối. Chúng ta phải luôn phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng chúng ta cũng nên cân đối để có cuộc sống cân bằng ngay trong hiện tại vì biết đâu chúng ta lại không có cơ hội hưởng những gì tốt đẹp trong tương lai đó thì sao?

Bạn ơi, hãy biết trân trọng những gì mà ta đang có.

(Phúc Kèn)
--------------------------------------------------

HAT

Phúc Kèn mới gửi cho tớ những dòng tâm sự trên. Tớ xin post nguyên văn. Điều này Phúc tâm sự với chúng ta, những người bạn đồng niên, cùng học một lớp, một trường thuở bé, hay tâm sự với các học trò của mình hiện tại, cũng đều đúng, đều thấm thía.

Về những trăn trở của cô giáo Phúc, tớ nghĩ thế này.
Phàm là con người, ai cũng muốn vươn tới cái tốt đẹp hơn. Vì thế, việc đánh giá hiện tại dưới góc nhìn 'phê phán' cũng nằm trong phạm trù 'vươn tới cái tốt đẹp hơn', có gì là xấu đâu! Việc 'hướng đến tương lai tốt đẹp' không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn thực tại, càng không phải là quên đi quá khứ. Nói như bạn Tâm Đỗ 'Mấy chục năm lo cơm áo gạo tiền, giờ được xem lại bức ảnh ngày xưa Tuấn đưa lên mạng, mình mới có dịp ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu'. Vậy là trong khi mỗi chúng ta lo chuyện 'cơm áo gạo tiền' cho hôm nay, cho tương lai, xuất phát từ hoàn cảnh hiện tại, thì đâu đó trong thẳm sâu, ký ức vẫn tồn tại, nó KHÔNG THỂ mất được, dù ta có muốn.

Những điều này chúng ta đều biết, đều nhất trí cả. Vấn đề đáng nói là: vậy đâu là cái điểm 'cân bằng' của các trạng thái? đâu là giao điểm cần thiết của cái tĩnh và cái động? đâu là ranh giới hợp lý giữa hiện thực 'chấp nhận' và hiện thực 'phê phán'? Đồng ý với bạn là  'chúng ta cũng nên cân đối để có cuộc sống cân bằng ngay trong hiện tại', nhưng tớ muốn đưa thêm nhận xét rằng cái điểm 'cân bằng' ấy nó lại rất riêng, không ai giống ai, nghĩa là MỖI người cần tự tìm sự 'cân đối' hợp lý cho cuộc sống của mình.

Việc chúng mình hô hào họp lớp, thăm thầy cô đã từng dạy dỗ chúng ta 30 năm trước, vào dịp 20.11 tới, cũng chính là để thể hiện sự 'trân trọng những gì mà ta đang có' : tình bạn, tình nghĩa thầy trò ...

Phúc đồng ý chứ?
 

1 nhận xét:

  1. Thật sự Tuấn phân tích còn sâu hơn cả ý của Phúc đấy

    Trả lờiXóa