Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Vườn 'treo' Mỹ Đình


Suốt tuần qua, chủ đề Thái Nguyên, Trường, Lớp chiếm trọn tâm trí trong Quán mình. Bài "Trường Độc Lập" thoắt cái nhẩy lên vị trí số 1 và chắc sẽ còn tại vị ở đó rất rất lâu  (hơn 200 view, gấp 5 lần những bài khác). Vậy nên tớ đặt cái tựa bài này là vườn "treo", cốt để câu view tí thôi. Chứ nói nôm na dân dã thì là: "Cây hoa giấy nhà tớ".

Cây hoa giấy nhà tớ mua về đã gần chục năm, từ khi nó còn bé tẹo trong cái chậu sành cũng bé tẹo. Từ hồi nhỏ nó đã ra hoa liên tục, tháng nào cũng có hoa, có khi vài đợt, mà lại sống khoẻ, ít phải chăm sóc tưới tắm.

Năm năm trước nhà tớ chuyển lên chung cư Mỹ Đình, mang cây hoa giấy theo, đặt ngoài ban công. Ban công vốn không rộng rãi, lại là nơi giặt và phơi đồ, nên vườn treo chỉ có duy nhất MỘT cây hoa giấy này thôi. Thực ra dạo mới chuyển về, tớ cũng bày vẽ mấy chậu cây cảnh và cả bể cá cảnh ngoài ban công. Nhưng rồi nắng nóng quá, chẳng cây nào chịu nổi, cá cũng được ít bữa là ngáp ngáp (dù bể cá để trong bóng râm). Ban công hướng chính tây, trên tầng 11, mỗi chiều hè nắng thiêu thì thôi rồi ! Chỉ mình cây hoa giấy trụ được. Những ngày nắng quá, nó cũng héo rũ xuống, nhưng chỉ cần được uống tí nước, nghỉ qua đêm lấy sức, là sáng ra nó lại kiêu hãnh khoe những chùm hoa rực rỡ màu hồng phớt tím.

Nó giờ đã lớn hơn nhiều, nhưng vẫn ở trong cái chậu bé ngày nào, đất vẫn đất ấy. Chiều chiều, bé Nam nấu cơm thì tưới cho cây bát nước vo gạo. Mọi người bảo tưới cây nước vo gạo thì tốt, chắc vậy, nhưng tớ thấy gạo giờ xay xát sạch bóng, nước vo trong veo, chứ không có nhiều chất như gạo quê ngày xưa nước vo còn đem nuôi heo được. Lâu lâu tớ mới cho cây tí bã chè. Có chăm bón gì lắm đâu, vậy mà nó vẫn lớn, vẫn mọc cành lá um tùm, lâu lâu phải tỉa bớt cho khỏi vướng ban công. Và nhất là nó vẫn đều đều ra hoa, quanh năm, mùa hè cũng như mùa đông. Lạ thế !

Ảnh: httpblogs.ipm.ua
Hồi ở Nga, tớ thường ngạc nhiên, thán phục thiên nhiên cây cỏ xứ lạnh sao chịu rét giỏi thế, sức sống mãnh liệt thế. Cả mùa đông dài 4-5 tháng trời cây cỏ chìm trong băng giá, rụng không còn chiếc lá nào, trơ cành khô khốc khẳng khiu. Thế mà chỉ chớm chút hơi ấm mùa xuân, tuyết còn chưa tan hết, cây cỏ đã nhú mầm, bung ra, vươn ra, rồi, rất nhanh, nở hoa rực rỡ. Con người xứ ấy cũng thế: to lớn, mạnh mẽ, phát triển nhanh, dậy thì sớm (bọn trẻ 12-13 tuổi đã đầy đặn, phổng phao như người lớn).

Với cây hoa giấy, tớ lại khâm phục sự dẻo dai của nó. Sao mà nó giống dân Việt ta vậy: chịu đói, chịu khát, chịu mưa nắng dập vùi, chiến tranh liên miên, cực khổ bao đời, mà vẫn kiên cường, gan góc để sống.

Cách đây hơn năm, thương cây hoa giấy chẳng được chăm bón gì, tớ nghe ai đó bảo, tưới cho nó ít nước tiểu, và suýt làm nó đi tong. Chả là mình dốt, tưới đặc quá (dù đã pha loãng với nước lã, nhưng vẫn quá đặc). Thế là chỉ trong vòng một tuần sau, cây héo rũ, rụng hết hoa, hết lá. Và nó bắt đầu khô. Đầu tiên là những cành con khô khốc, bẻ giòn tan. Rồi cành to hơn cũng khô. Tiếp đến cành chính. Sau một tháng, thân cây cũng bắt đầu khô. Sau bao nỗ lực tưới tắm cứu nó trong vô vọng, thì tớ quyết định bỏ nó đi, cả nhà tiếc lắm. Nhưng ở chung cư, muốn bỏ vừa vào ống xả rác thì phải cắt nhỏ cành và thân cây. Và trong lúc tẩn mẩn cắt cái cây, tớ phát hiện gần gốc có một cái mầm tí xíu bắt đầu nứt ra, bé bằng đầu tăm. Mừng quá, lại tiếp tục chương trình cấp cứu hồi sức: tưới nước liên tục cho trôi bớt, loãng bớt "dung dịch", thay 1/2 chậu đất cũ bằng đất ruộng. Một tuần sau, cái mầm nhú ra hẳn từ đoạn gốc ngắn ngủi còn lại. Cả nhà reo mừng.

Và cái cây hoa giấy bất tử ấy đây, ảnh vừa chụp sáng hôm nay. Sau mấy hôm mưa bão số 5, hoa bị rụng mất nhiều, cành lá xác xơ, nhưng mình vẫn thấy đẹp mê!



8 nhận xét:

  1. Mình không am hiểu về sinh vật học nhiều lắm , nhưng nhớ có lần một người nói với mình, loài cây khi sống trong môi trường cằn cỗi thì mới trổ hoa nhiều , vì đó cũng là bản năng sinh tồn thôi, trổ hoa và kết trái, cây hoa giấy của Tuấn trông rất đẹp, Nga cũng liên tưởng đến cuộc sống của bọn mình( ở trong thời kỳ quá độ của đất nước) trải biết bao thăng trầm, kể hoài cũng chưa hết chuyện, chắc bây giờ gặp nhau ai cũng chín chắn và " đẹp lão" nữa cũng nên...

    Trả lờiXóa
  2. Định họp lớp Chủ nhật ngày 13.11 đó Nga, cậu bay ra được không? Gặp nhau cậu sẽ thấy tớ "chín chắn" thế nào! (hic hic không dám nói tiếp cái câu của cậu)

    Trả lờiXóa
  3. Tháng 10 và tháng 11 trong ngành y tế của tớ có nhiều chương trình kiểm tra BV cuối năm lắm, sở y tế, bộ y tế, rồi nội bộ BV nữa, tất cả đều chưa có lịch cụ thể, nhưng ngày đó vào T7 - CN nên T cứ cho N chương trình lớp mình định tổ chức như thế nào, mình sẽ sắp xếp ra gặp lớp, 30 năm mới có một lần mà, có thời gian thì ra sớm và ở chơi nhiều hơn, N sẽ hẹn với Thảo và ra cùng nhau.

    Trả lờiXóa
  4. À mà N quên nói thêm một chi tiết nữa, 13/11 cũng là ngày SN của "Ông Xã" tớ, sao mà Tuấn và Phúc chọn được ngày hay thế! Các bạn họp xong cho bọn tớ biết thông tin ngay nhé, còn chuẩn bị "tinh thần" sớm...

    Trả lờiXóa
  5. Mọi người ở xa lâu không gặp thì mình không biết "đẹp lão" ra sao chứ ở TN mọi người vẫn thế thôi. Hôm nọ Thanh kều nhìn ảnh trên mạng ở nhà Tâm chỉ Thái Sơn nói "vẫn thế"

    Trả lờiXóa
  6. Entry nhà cậu ra tới tấp đọc theo không kịp, càng ko kịp còm.

    Vụ 'tưới cây' kia không biết pha loãng là thế nào, hay ba bố con trực tiếp, hihi :))

    Nói vậy chứ cây bông giấy nhà cậu đẹp thật. Cây nhà tớ thua xa. Chắc phải thay cái chậu to hơn cho nó. Tớ cũng thán phục bông giấy, và cả cây xương rồng nữa - mà tớ gọi là 'sức sống mãnh liệt'.

    Trả lờiXóa
  7. &Lana: hì hì đã cố ý nói " pha loãng" mà vẫn bị tra khảo, biết thế viết "pha loãng rồi mới tưới" cho rõ ý. :)

    Tớ không ngờ bài về trường Độc lập của tớ lại có hiệu ứng tích cực thế. Các bạn hăng hái phản hồi và đóng góp bài, tớ chỉ việc post lên thôi, thêm chút hình ảnh. Thích quá!

    Vừa thấy cái tựa bài bên nhà cậu hot quá mà không thấy bài. Gỡ xuống rồi sao? Tiếc quá kg kịp đọc. :(

    Trả lờiXóa
  8. @ Phúc: Chu choa, nếu mọi người ở Thái nguyên "vẫn thế" thì khi họp lớp tớ bị gọi là "chú" hay "bác" đây?

    Trả lờiXóa