Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Nhớ về Chuyên Ngữ: Nhập Trường (bài của ĐMH)

HAT - Khi viết loạt bài về Chuyên Ngữ, để chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm K13 chúng tôi vào trường, tôi cứ hy vọng các bạn học chuyên ngữ, ít nhất là các bạn cùng khóa, sẽ có nhiều phản hồi, và thậm chí viết nhiều bài gửi đăng lên đây, giống như các bạn học cấp 1-2 của tôi ở Thái Nguyên đã làm. Thật tiếc, chỉ có một ít comment, và chỉ có một bài của Phương Lan gửi từ Canada. Cũng có chút an ủi là từ sau Buổi lễ kỷ niệm cách đây hơn 2 tháng, các bạn K13 trở nên gắn kết hơn, tham gia tích cực vào forum của khóa, kết quả là hai tháng qua trao qua đổi lại hơn 1000 e-mail. Và các chủ đề trong forum thật sự đa dạng, thiết thực bổ ích đối với nhiều người. Nhưng đó là câu chuyện khác.
Còn bây giờ tôi xin gửi các bạn học sinh Chuyên Ngữ bài viết (hy vọng sẽ là loạt bài) của bạn ĐMH, K13B.


Nhập trường

      Tôi là một học sinh cấp II chuyên toán ở phố huyện một tỉnh thuần nông. Điều kiện ở phố huyện những năm 80 còn nghèo, ít các trò chơi dành cho thanh,  thiếu niên, nên tôi  và các bạn  cùng lớp say mê học tập. Vì là con giáo viên, tôi được định hướng học toán và lúc nào cũng đứng ở tốp đầu, tuy nhiên thày giáo chủ nhiệm Pitơ Huỳnh (bọn tôi kính phục thày và coi thày là anh em của Pitơgo) chỉ nhận xét: học rất tốt, tuy còn hấp tấp…
      Năm 1981 tôi thi chuyên ngữ vào đạt số điểm khá cao: Toán 9,5 văn 6,5… Cuộc đời tôi từ đó đánh dấu 1 bước ngoặt, từ quê nghèo lên phố lớn, với những dấu ấn của những năm đầu thập niên 80. Hà Nội đón tôi với những dãy phố cao, đông vui, ồn ã, buôn bán ngược xuôi… Bố tôi đưa tôi lên học lần đầu tiên (và có thể là duy nhất trong 2 năm học cấp III chuyên ngữ). Tôi nhớ chiếc xe khách cũ nát của những năm bao cấp đưa bố con tôi lên Thủ đô chở đầy bu gà, gạo, quang gánh lổn ngổn, cảnh đó sau này tôi còn bắt gặp ở các chuyến xe buýt,  xuất phát từ nội thành … để đón đưa khách. Từ Bờ Hồ, đi Cửa Nam và đi Cầu Giấy bằng xe điện, tôi khoái chí ngắm mọi người tấp nập lên xuống, tiếng leng keng đáng yêu và giật mình khi xe đỗ, hoặc tóe lửa khi bác phụ lái đưa cái “ đuôi” xe, nối vào dòng điện để xe bắt đầu 1 chặng mới, khi tới nơi đỗ nó lại được bác khéo léo ngắt ra, nguyên lý thật đơn giản…
      Trong trường, may mắn là tôi được học cùng với 1 ông bạn hiền lành, tốt bụng và cẩn thận từ hồi cấp II, nhưng bố hắn công tác ở gần trường nên hắn ra ngoại trú mất. Tôi thả mình vào tập thể các bạn mới, với rất nhiều tính cách, và tôi nhanh chóng nhận ra rằng đa số bạn bè tôi là dân Hà nội, có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn và học rất giỏi. Số còn lại, dân tỉnh lẻ như tôi, thì cùng ở nội trú, nhưng tôi cũng tự biết mình ở xa nhất và hoàn cảnh nhất, đặc biệt là sau khi bác Lợi "màn" ở lớp trên khoắng của bọn tôi rất nhiều quần áo và màn đem ra Cầu Giấy bán. Số là tôi có 2 cái áo tím ngắt và xanh lè (khoác nó lên có lúc tôi giống như con bọ xít, lúc lại giống con cánh cam!) vải dầy như vải sợi gai bây giờ, ông anh "tha" cho vì biết bán chẳng ai mua, để tôi có dịp mặc đi học, và các bạn đã cho tôi biệt danh "bạn có màu áo dễ nhớ". Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi tự hào là để nổi tiếng các chàng trai thời nay phải nhẩy từ tầng cao của tòa nhà, hay mua hàng ngàn bông hoa xếp hình trái tim ở bãi đê, các cô gái phải nuy hay lộ băng tình tứ … thì hồi đó mình chỉ cần mặc 1, 2 cái áo đã tỏ ra sự khác biệt thành 1 đẳng cấp khác… đẳng cấp "nhà quê" đầy mặc cảm ở thời điểm ấy….
     K13 đặc thù là đói, môn sinh thứ 13 thành tội đồ của chúa, còn K13 là đứa con khốn khó của Phổ thông CN, vì thiếu gạo nên bọn tôi học ở quê đến hết kỳ 1 của năm lớp 8, 5/2 Dương lịch 1982 chúng tôi mới nhập học. Nạn đói hoành hành không tha cả các thày cô, mà giai thoại là "lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương" (bố Văn Quỳnh Giao K13), chứ không phải "giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn". Các cô giáo tôi sau này cũng tâm sự là thương học sinh lắm, nhưng các thầy cô cũng rất vất vả nuôi con. Dân nội trú chúng tôi sống dựa vào nắp hầm, bo bo, cơm độn và canh cải xoong để cả rễ, đệm với loáng thoáng vài lát cà chua … ăn nhiều đến nỗi sau này vợ tôi làm món cải xoong đặc sản, các con tôi tấm tắc khen ngon, riêng tôi vẫn ngán đến tận cổ. 
    Tuổi ăn, tuổi lớn, học nặng để theo kịp chúng bạn, làm chúng tôi gầy còm, nhưng đâu đó đã xuất hiện dấu hiệu dậy thì, bắt đầu trứng cá, vỡ giọng, cao lên, nhiều ước mơ hoài bão ... xen kẽ trong những giấc mơ đó có 1 vài cô bạn học vui vui ….

(ĐMH)

2 nhận xét:

  1. "...canh cải xoong để cả rễ, đệm với loáng thoáng vài lát cà chua … ăn nhiều đến nỗi sau này vợ tôi làm món cải xoong đặc sản, các con tôi tấm tắc khen ngon, riêng tôi vẫn ngán đến tận cổ."
    Thật giống ông anh rể mình ngày trước phải ăn khoai sắn nhiều quá nên đến giờ không bao giờ còn dám động vào khoai sắn nữa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ cải xoong có vẻ sạch sẽ và ngon lành, nhà mình vẫn ăn vô tư. Nhưng cứ nói đến cải xoong là mình lại nhớ đến lần tụi con gái CN khóc thét lên vì con đỉa trong nồi canh.

      Xóa