Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Bố tôi (2)

Tối qua gọi điện nói chuyện với bố. Ông đang ở quê. Hơn năm nay, ông bà tôi trong quê già yếu, mà ở quê neo người, con cháu cứ dần dần đi học đi làm ở xa hết, nên bố tôi thường xuyên về quê trông nom chăm sóc các cụ gần trăm tuổi. Mỗi tháng ông chỉ ra Hà Nội vài ngày thăm vợ con, các cháu, và họp chi bộ, rồi lại tất tả lên xe khách đi gần 300 km về quê.

- Vừa rồi bố có xem thời sự không?
- (im lặng) Thì mọi chuyện vẫn thế thôi mà.
Giọng ông có vẻ cam chịu, pha chút gì như băn khoăn, ngường ngượng.
- Thế đầu tháng tới bố có ra Hà Nội không?
- Có chứ.
Tôi biết là ông vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ vào ngày mùng 3 hàng tháng, không bỏ một buổi nào. Tôi chỉ không hiểu ông thấy gì hay ho ở những buổi họp đó.
- Bố vẫn đi họp chi bộ à? Ngay cả khi đảng của bố bỏ qua, bao che cho những kẻ vi phạm kỷ luật đảng?
- Vừa rồi nghe nói họ định kỷ luật một đồng chí trong BCT, là ai thế hả con?
- Bố không biết thật sao?

Tôi sốc, giận sôi lên, vội chào bố rồi cúp máy.
Việc của đảng, bố là đảng viên, sao lại hỏi tôi? Mà đảng có giấu nhân dân những việc bê bối thì cứ giấu, nhưng sao lại giấu cả các đồng chí của mình? Dân ta bây giờ ai chẳng biết những kẻ mà ai cũng biết là ai đấy. Sao bố tôi lại không được biết! Một đảng viên gần 40 năm tuổi đảng như bố tôi, cả đời đi làm một công chức bình thường, khiêm nhường, trong sạch, đến lúc về hưu gia tài cũng chỉ có cái xe đạp cà tàng! Một đảng viên tuyệt đối tin tưởng vào lý tưởng đẹp đẽ của đảng, khi không phản biện được những lý lẽ của anh em tôi, thì vẫn khăng khăng: "Đảng sẽ nhận ra khuyết điểm! Đảng sẽ thay đổi!". Một người chưa bao giờ bỏ các buổi sinh hoạt đảng (con trai tôi sinh ngày 3 tháng 8, thường phải tổ chức sinh nhật sang ngày khác, nếu không ông nội sẽ vắng mặt vì bận họp chi bộ). Một người sẵn sàng mặc áo rách, nhưng chưa bao giờ chậm đóng đảng phí, chưa bao giờ đọc các thứ báo chí mà người ta gọi là "lề trái" và đảng cấm ông đọc. Một người không bao giờ từ chối các công việc chi bộ giao cho, từ đi phát báo, vận động bà con dân phố, cho đến tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi ... Một người như bố tôi phải có quyền được biết đích danh đồng chí nào của ông đã vi phạm kỷ luật của tổ chức, đã phản lại lòng tin của những đảng viên như ông, tuy không có chức quyền, nhưng tận tụy và trung thành với sự nghiệp của đảng. Thế mà bố tôi đã và sẽ không biết được sự thật nhớp nhúa đó.

Chẳng ai mong chờ gì ác quỷ bỗng dưng trở thành thiên thần, nhưng trong những ngày qua, hẳn nhiều người vẫn hy vọng vào hai chữ Liêm Sỉ. Niềm hy vọng cuối cùng của họ đã bị đánh cắp, bị chà đạp không thương tiếc. Lòng tin là cái thứ mất rồi không lấy lại được, như bát nước đã đổ đi.

Tôi không dám nói cho bố biết những điều tôi nghĩ, tôi biết, vì không muốn bố buồn và đau lòng. Bố đã già. Nhưng các con tôi sẽ phải biết tất cả, để chúng có thể tự lựa chọn cho mình cuộc sống mà chúng muốn, một cuộc sống tích cực và tốt đẹp hơn.

- Bố tôi (1)

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

CHUYỆN KỂ LÚC VỀ GIÀ (Thanh Chung)


HAT - Cách nay mấy tháng, mình đọc lại cuốn sổ tay hồi học Chuyên ngữ, có bài thơ này hay hay, chép tay mà không biết tác giả là ai. Đăng lên blog của mình với tên tác giả là Sinh viên (hì hì, chắc chắn phải là Sinh viên sư phạm rồi, và là nữ sinh viên nữa kia, theo khẩu khí của bài thơ). Sau nhờ chị Nguyễn Phương Thảo, cũng từ lò Chuyên Ngữ ra, méc rằng tác giả là chị Lê Thị Thanh Chung, sinh viên K12-Pháp ĐHSPNNHN. Vậy nên mình xin "trả lại tên" cho bài thơ của chị Thanh Chung, đồng thời đăng lại nguyên bản của tác giả, có khác chút ít so với bài chép tay. Cảm ơn chị Thanh Chung, chị Phương Thảo.


CHUYỆN KỂ LÚC VỀ GIÀ

(Tặng các bạn sinh viên K12 Khoa Pháp - ĐHSPNN của tôi)

Mong chóng về già ngồi kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui - buồn - mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc dễ gì quên


Mình sẽ quay về những năm tháng ấm êm
Mái lá nhà tranh - tám giường tầng - tám căn buồng hạnh phúc*
Những đôi "vợ chồng" yêu nhau như thật
Cũng ghen hờn bâng quơ


Sẽ kể về những tối làm thơ
Mỗi đứa một câu, mỗi người mỗi ý
Mẩu bánh mỳ nâng tâm hồn thi sĩ
Để cóc kêu ngơ ngác giữa vần


Mình cùng ôn lại những tháng năm
Cả bọn tuổi "hâm" mà phòng chẳng bao giờ có khách
Đêm thứ bảy nghêu ngao ngồi hát
Ngày tám tháng ba (8/3) mình lại tặng hoa mình


Đấy một thời chúng mình gọi bình minh
Là ánh nắng tám giờ chiếu xuyên qua vách
Thể dục sáng được coi như nét gạch
Nối liền hai giấc mơ


Con cháu sẽ nghe như chuyện thưở xa xưa
Cả bọn sáng nào cũng đồng thanh kêu đói
Trên thư viện nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà


Dù thời gian năm tháng lùi xa
Chẳng thể quên những ngày ấy sức ăn như rồng cuốn
Bữa Souper một giờ đêm chưa muộn
Đơn vị đo bằng nồi bảy nồi ba


Thưở ấy mình sống cũng xa hoa
Mừng sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
Một bữa cháo hành bàn năm bảy bận
Gạo ít, người đông - thêm nước lại đầy


Mình đã sống bằng "khối óc bàn tay"
Bao sự "hy sinh" kể sao cho hết
Từng tập thư tình "hiến thân" vào bếp
Cho gạo trong nồi "chuyển hóa" thành cơm


Mái tranh nghèo mưa nắng sớm hôm
Cũng "nghĩa tình" biến mình thành lửa khói
Mở một khoảng xanh cao vời vợi
Để đêm đêm mình ngắm sao trời


Thưở ấy cuộc đời đâu lặng lẽ trôi
Mình đã đi qua "một thời sôi động"
Nửa đêm còn cãi nhau về nhạc - thơ - nghệ thuật
Để phòng bên "nhắc nhở" đến thủng tường.


Ngày ấy cả phòng nghe nhạc Đặng Thái Sơn
Như đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ
Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
Thương nhau thuốc "DEP" nối nhịp cầu **
.........

Mong chóng về già ngồi kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui - buồn - mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc dễ gì quên



(Bài lấy từ facebook Chung Le  http://www.facebook.com/notes/chung-le/chuy%E1%BB%87n-k%E1%BB%83-l%C3%BAc-v%E1%BB%81-gi%C3%A0/10150182517940842 )

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

CK Euro 2012: TBN - Ý

Vòng CK Euro 2012 có nhiều trận đấu khuya quá, nên nhiều trận mình phải bỏ qua. Mà nếu có cố thức để xem, thì lắm lúc cũng ngủ gà ngủ gật, khi mà trận đấu quá tẻ nhạt.Lại chẳng có hội nào hò hét cùng cho vui, vì ngồi xem một mình, vì hai cậu con trai lớn tướng mà chẳng mê bóng đá.

Nhưng trận chung kết thì khác. Vẫn phải ngồi xem một mình. Nhưng không thể có chuyện ngủ gật. Mặc kệ xác ngày mai bao việc. Enjoy cái đã! Trước trận là một ấm trà Thái to đùng, đặc sệt, và vài điếu thuốc ngoài ban công.

Hiệp một, mình có hai cơ hội nhảy lên vì khoái: TBN ghi hai bàn vào lưới Ý. Quá đã!

Chẳng giấu gì, TBN là đội tuyển mình thích nhất kỳ Euro này, mặc dù ở vòng bảng mình cổ vũ cho Ukraine nhất (dù biết họ chẳng thể tiến xa). Còn Ý thì xưa nay chưa bao giờ thích, bởi lối đá thực dụng, tiểu xảo (nhất là sau trận CK WC 2006, khi anh chàng Materazzi chơi bẩn để loại Zidan, một thần tượng của mình).

Hết hiệp 1. 2-0!!! Và một thế trận hoàn toàn trên cơ.
He he, chưa dám chúc mừng TBN vội, nhưng phải làm một chén vodka đã. Và nhâm nhi với bánh mỳ đen. Tuy không phải made in Mecoi, nhưng cũng khá ngon.

Hiệp 2 bắt đầu rồi ....

TBN 4 - 0 Ý ! Thật ngoài sức tưởng tượng!

Chúc mừng TBN!

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

KỶ NIỆM MÁI TRƯỜNG XƯA!

Phạm Duy Hải gửi HAT blog

Rồi tôi đã về, Thăm lại
                                  ...Mái trường xưa!
Thoáng bâng khuâng,
                                    Cây bàng già
                                                         ...Trụi lá!
Man mác thời gian,
                               Biến những cái quen
                                                             ...Thành cái lạ!
Dấu vết ngậm ngùi,
                                Xao xuyến dáng
                                                      ... Bàng già!
 
Chuyên ngữ ngày ấy...
                                 Vẫn còn nhà
                                                  ... Mái bằng rơm rạ!
Đạp xe hàng ngày...
                             Nẳng bỏng
                                             Cháy
                                                   ...Thịt da!
Đường đến trường...
                              Hai bên đường
                                                  ... Lúa còn lên xanh quá!
Cặp sách cặp lồng,
                               Hai thứ
                                        ...Vốn thân ta!
 
Nắng nóng tháng năm...
                                    Oi nồng Ký túc xá!
Hầm hập mùa thi...
                               Mọi người đều
                                                   ... Hối hả!
Ôn đứng ôn ngồi...
                              Nơm nớp
                                             Với
                                              ... Rủi may!
Tôi rời trường, lòng thầm phục
                                                   Những bạn còn
                                                                       ... Ở lại!
 
Một học kỳ thôi...
                         Nhưng Chuyên ngữ...
                                                         Vẫn là trường của tôi!
Vẫn các bạn...
                     Học cùng tôi... Thủa đó!
Vẫn kỷ niệm...
                     Của một thời.. Nho nhỏ!
Vẫn nao lòng...
                     Thấm thía...Mái trường xưa!

PDH
Tháng 06 năm 2012

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA

Đỗ Mạnh Hùng gửi HAT Blog

K13B Chuyên ngữ - 02.1985
Em có về thăm mái trường xưa,
Bằng lăng tím nắng ngày trở lại,
Cành hoa ấy cái ngày ta hái,
Tặng cho nhau cánh lá lẩn trong chiều...

Cánh phượng rơi vết dấu thời yêu,
Giờ gặp lại người quen là cánh gió,
Cửa sổ mở như thư trời để ngỏ,
Lòng ta xanh như đến vô chừng...


Cây ơi mau lớn nhé!
Ngày ấy em khó hiểu lạ thường,
Cứ e ấp như bông hồng chúm nụ,
Muôn cảnh sắc mở về lối cũ,
Tự dưng hờn vì gãy cánh hoa khô...

Xa mái trường đã mấy mùa thu,
Cầu vồng không thấy màu lạ nữa,
Buồn vui xen rét dài nắng lửa,
Cánh cổng trường đã mấy lần sơn...


Cổng trường Chuyên ngữ nay
Cánh lá rơi bất chợt lung liêng,
Như day dứt điều gì vời vợi,
Cái ngày xưa ta mơ mình trở lại,
Đứng trên bục cao nói chuyện phi thường.

Nay ta về đây hoa lắc rắc sân trường,
Gợi nhớ lại rất nhiều quá khứ,
Bao ngày đêm chỉ viết nhiều nhung nhớ,
Bỗng nhỏ nhoi trước tiếng trống tan trường.


Cô trò gặp lại sau 27 năm
Bạn bè xưa lập nghiệp khắp bốn phương
Mấy đứa sang sông từ nơi đất khách,
Nhớ thuở chụm đầu đọc chung cuốn sách
Lưu bút bạn bè, cóp nhặt mấy vần thơ?

Còn ít lắm thôi các thầy cô
Ở lại nơi đây chèo đò chuyến cuối,
Chiều bạng lạng những niềm đau khó nói,
Sợi tóc đang tự chuyển trên đầu...

Học sinh Chuyên ngữ nay
Về trường xưa bạn cũ còn đâu?
Chỉ có đàn em đón mình như khách lạ,
Ôi đệm cỏ giờ xao xác quá,
Nên đìu hiu khói bếp tỏa lan chiều...

Bao nhớ nhung đành gửi gió thân yêu,
Xin hôn nhẹ thân cây ta trồng đấy,
Em có nhớ bao mùa trăng dãi,
Tiếng hát khuya nghẹn giấc ngủ căn nhà...

Cây bàng: dấu vết duy nhất còn lại từ CN xưa
Có còn ai về thăm lại trường xưa,
Cũng như tôi giẫm chân vào bóng nắng,
Gió nghẹn nói như chuông hồn sâu lắng,
Có thấy chiều ... bỗng đứt tiếng ve kêu?

ĐMH (K13B-CN)

P/S: [HAT] - Bài này ĐMH viết từ 1991, lần về thăm CN khi học năm thứ 3 ĐHKTQD. Bài được đăng trong tập san kỷ niệm 40 năm CN (2009), nhưng dưới dạng tản văn. Khi post lên đây, HAT mạn phép ngắt câu và chia khổ thơ, còn từ ngữ vẫn giữ nguyên.

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Hà Giang vẫy gọi

Đỗ Mạnh Hùng gửi HAT Blog

Vốn là người thích du lịch và khám phá, lần này cả nhà tôi quyết định dành 3 ngày nghỉ để lên thăm Hà Giang, một địa danh tuy quen thuộc qua lịch sử Việt nam, tuy chỉ cách Hà nội có 320 km về phía Bắc, và tuy cũng nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh thu hút du khách như Sapa, nhưng… gia đình tôi chưa tới lần nào.

Ngày thứ nhất: Xuất phát từ Hà nội khoảng 13h đi theo đường 32 qua cầu Trung Hà, đi Phú Thọ qua Việt Trì lên gần Tuyên Quang, đi về Hà Giang, đường đẹp, xe tốt khoảng hơn 18h là tới nơi. Nghỉ đêm lại ở thị xã Hà Giang khá tốt và rẻ (ví dụ trong ngày lễ mà khu Huy Hoàn, Hoàng Anh phường Nguyễn Trãi giá chỉ 250-350 nghìn, hoặc Trường Xuân Resort tại km số 5 sang trọng nhất ở đây cũng chỉ có 350-450 nghìn, so với Hạ Long gần 1 triệu/đêm thì giá ở đây quả là mềm). Tại Trường Xuân có tắm thuốc người Dao 40 nghìn, tắm hơi 60 nghìn và tẩm quất (hết sức) lành mạnh 80 nghìn.

Khu Trường Xuân Resort xứng đáng với tên gọi của nó, gồm nhiều căn nhà nhỏ với đầy đủ tiện nghi và kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hiện đại và cổ kính bằng mái lá phủ rợp mát tâm hồn chúng tôi, những người đang trốn cái nóng nung, cái ồn ào, cái bụi bặm của Hà nội.


Và bờ tường xung quanh resort do người H'Mông xếp đá nghệ thuật bằng những viên đá nhỏ vuông vức và vững chãi, thật đẹp mắt, thật tự nhiên, không dùng xi măng hay vật liệu gắn kết nào khác. 


Nếu lấy các phòng 101-103, 301-303 khi tỉnh dậy bạn sẽ nghe tiếng nước suối róc rách, nhìn qua cửa sổ phía sau nhà sẽ phải ngẩn ngơ vì nước trong chảy xiết trên những mảng đá cuội, gần là vài cây to buông lá, xa là dãy núi trầm huyền.....chỉ có thể thốt lên" sơn thủy hữu tình". Mới hiểu vì sao khi xưa có người bỏ công danh triều đình về quê câu cá.


Bạn có thể ăn tối ở Phố ẩm thực (gần tỉnh ủy) nhà hàng Dân Tộc hay quán Sông Núi gần Trường Xuân. Ăn ở đây rất rẻ chỉ 110k-150 nghìn/ bữa, có thể ăn gà, dê, cá ngạnh (trê hoặc trình), rau tầm bóp, muống xào. Tối có thể thăm đại công trường...để hoang do bí thư tỉnh ủy vẽ ra. Tối nên ăn cháo ấu tẩu ở quán cô Hương đối diện điện lực Hà Giang (nó hơi đắng nhưng rất tốt cho xương khớp***).

Ngày thứ hai: Từ 5h sáng đã xác định đi thật nhiều, tiếp lên phía bắc. Từ thị xã Hà Giang tới Quản Bạ, Yên Minh ngang qua những cái tên thật hay và lạ: Cán Tỷ, Vần Chải,  Lũng Thầu, Lũng Cẩm, Sảng Tủng, Táo Xà Phìn, Sảng Thủng, Sính Lủng. Toàn đá là đá, nhìn ngút tầm mắt cũng chỉ có đá với một màu xám đến đặc trưng, như từ trên trời thả xuống trùng điệp


Hà Giang là nơi con sông Lô nổi tiếng trong lịch sử chống Pháp bắt nguồn, sau đó nó chảy qua Tuyên Quang, Phú Thọ, nơi nhạc sỹ Văn Cao đã viết Trường Ca Sông Lô. Nơi đầu nguồn con sông thật hiền hòa, thật nhỏ vì phải len lỏi qua hai dãy núi cao. Đây đó, chúng ta gặp những chiếc cầu treo nho nhỏ bắc qua sông.



Tỉnh Hà Giang được tính là một trong những tỉnh nghèo nhất đất nước vì không có đủ đất canh tác, nhiều nơi ngô trồng chen với đá.


 Nhiều nơi cũng có những thửa ruộng bậc thang, nhưng thật hiếm hoi


Đến Hà Giang dĩ nhiên bạn không thể bỏ qua khu di tích nhà Vương, tức là ông vua người H’Mông tên Vương Chính Đức ở xã Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn. Tòa lâu đài của ông bao gồm 6 tòa nhà nằm dài và 4 tòa nhà nằm ngang tọa lạc trên một diện tích đất rộng khoảng 1,120 mét vuông, với tổng số 64 phòng ốc và được bao quanh bởi gần 3km đá xếp dày nửa mét cao gần một mét rất nguy nga và hoành tráng.


Ông vua Vương Chính Đức (được chính thức công nhận năm 1900) có 3 vợ và buồng của các bà gần nhau, không biết lúc xưa làm sao để Vương khỏi nhầm, còn nay thì trên cửa buồng có ghi rõ ràng ví dụ “Phòng ở của vợ ba Vương Chính Đức”.


Hà Giang cũng nổi tiếng bởi Cao nguyên Đồng Văn, nơi đã được UNESCO công nhận là một trong 77 vùng địa chất tự nhiên đẹp nhất thế giới. Cổng trời Tà Phìn, cột cờ Lũng Cú… những địa danh dù khó đọc nhưng nếu đã đến một lần bạn sẽ nhớ mãi. Khi chúng tôi lên đến cột cờ Lũng Cú đã là tầm trưa, nghỉ và ăn trưa ở chân cột cờ, ăn ở đây khá đắt vì việc vận chuyển lương thực tới đây trở lên khó khăn, thế là đã đi gần 450 km. Nước rất hiếm.

Cờ Tổ Quốc tung bay trên Lũng Cú


Về quá Đồng Văn thì ăn uống ngon hơn, ăn ở hai quán gần chợ khoảng 150 nghìn/ bữa. Đã tới đây thì bạn đừng quên ăn gà đen của dân tộc H’Mông rất ngon và lạ miệng, cá suối cũng là món đặc sắc với vị tươi và mát. Ở thì tại khách sạn Cao Nguyên Đá ngày lễ cũng chỉ 250k-350k, buổi chiều đi dạo tại phố chợ là nơi có dãy phố cũ như Hội An, Tường Đất Trình, thật cũ kỹ. Khu phố văn hóa này do người dân bảo nhau tự gìn giữ nếp nhà có từ hơn 200 năm. Tối đến cafe phố cổ và dạo bước lang thang...nhưng nên ngủ sớm để mai vào chợ Đồng Văn.


Ngày thứ ba: Đi chợ Đồng Văn, được mệnh danh là nơi “Văn hóa gặp gỡ Phong tục”. Cái đẹp của chợ Đồng Văn là tất cả những nét đặc trưng, các màu sắc nổi trội của các dân tộc H’Mông, Tày, Dao, Nùng… đều được phô bày nơi đây.


Thật tiếc là chúng tôi không đến đúng ngày 27 âm lịch để đi thăm chợ tình Khâu Vai nổi tiếng của huyện Mèo Vạc, nhưng không sao, bù lại chợ Đồng Văn cũng làm trái tim chúng tôi xao động với những nụ cười của các cô gái, vẻ thân thiện của các em bé và quang cảnh tấp nập từ sáng sớm bán vải,  rượu, ngựa, bò,… sửa chữa từ máy móc thô sơ đến điện thoại cầm tay … nơi đây.




Mặt trời đã bắt đầu ló lên làm ửng hồng đôi má thiếu nữ vùng cao, chúng tôi phải đi rồi vì còn nhiều nơi quá, tiếc rẻ chia tay cùng chợ Đồng Văn. Lên Mã Pì Lèng chụp ảnh sông Nho Quế khi mặt trời lên. Gặp các bé thơ của Hà Giang, cũng ngây thơ, cũng dễ thương như những đứa trẻ bên Tây Bắc trên blog của HAT, cũng ăn mặc rách, nhếch nhác, rất bé do thiếu ăn, cũng đã biết tranh nhau ... không thích kẹo vì …thích xin tiền cơ. Thật đáng thương cho các cháu bị bắt ra đường kiếm tiền quá sớm, nhưng người dân ở đây nói rằng nếu bạn cho tiền, bố mẹ nó sẽ bắt đi xin, và không cho đi học nữa. Cho nên nếu có hảo tâm chúng ta nhờ các blogger HAT, Sống Thật Chậm … chuyển áo quần, tiền đến tận trường chứ không thể cho dọc đường như thế này được.



Đi lên Mèo Vạc và vào chợ chụp vội thêm ít ảnh, nếu bạn muốn khép lại chuyến đi có thể qua Bảo Lâm, Cao Bằng, chạy thẳng về Hà nội. Còn thư thả thêm 1 ngày nữa bạn có thể đi về hướng Mậu Duệ, Lũng Hồ,  qua lại Quản Bạ hoặc Minh Ngọc với sông Gấm như hai cạnh của hình thoi vòng vèo.

Trở lại thị xã Hà giang nhận khách sạn và sáng hôm sau thư thả ra về khoảng 6 tiếng sau sẽ có mặt ở Hà Nội nếu không qua  làng văn hóa du lịch Bản Khiêm (Quang Minh) hoặc khu du di tích lịch sử Trọng Con gần cầu Thác Vệ, hoặc qua Thanh Thủy tắm nước nóng cho đỡ mệt mỏi (gần cầu Trung Hà). Tới Hà Giang rồi, một phần tâm hồn bạn sẽ ở lại đó, đúng như câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta tới, đất là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.


Đỗ Mạnh Hùng
Hà nội, tháng 5 năm 2012

Gửi các bạn thêm vài bức ảnh dễ thương


Bà cháu đi chợ sớm


 Em bé vùng cao


 Tình bạn trên cao nguyên đá


Núi đôi


*** Cháo ấu tẩu chỉ bổ xương cốt khi được chế biến đúng cách, rượu ngâm ấu tẩu xoa bóp khi chấn thương rất tốt, nhưng phải hết sức cẩn thận khi dùng đường uống vì có thể gây ngộ độc.

Biên soạn: Phạm Phương Lan 

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Nhớ về Chuyên Ngữ: Người xưa

Bài của ĐMH - K13

HAT - Mấy lần tôi định viết về các "mối tình" chuyên ngữ, song lại thôi. Tôi ngại làm lộ bí mật của bạn bè, dù 30 năm đã qua rồi. Thực ra phần nhiều đó là những chuyện gán ghép của học trò, một vài cặp cũng có vẻ kết nhau thực sự, nhưng có lẽ chỉ là những rung động của tuổi mới lớn, trong sáng và ngây thơ. Nếu tôi không lầm thì PTCN thời đó chỉ có 2 cặp sau này nên duyên: Hằng-Việt (K11) và Nhi-Hà (K13). May sao, ĐMH, một anh bạn học cùng khóa, đã viết bài và đồng ý cho tôi post lên đây.
Chúng ta cùng đọc câu chuyện do bạn ĐMH viết nhé, và chờ đợi các phần tiếp theo .. Người xưa 2, Người xưa 3 ... Nghe nói bài đã viết, nhưng tác giả kiêm nhân vật chính đang chờ xin các chủ thể cho "giấy phép xuất bản" hi hi.

Người xưa 1

   Đói đã tiêu diệt nhiều ước mơ lớn lao của con người…
   Đói làm những học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn như chúng tôi chỉ có ước mơ trước mắt là kiếm gì bỏ vào bụng, để nó khỏi kêu ùng ục trong giờ lên lớp.
   Nhưng đói lại là cơ hội để nảy sinh trong tôi 1 tình cảm đẹp.
  Người ta nói "Đói thì đầu gối phải bò", tôi bán hết tem phiếu vải, gạo, những lạng đường sữa cuối cùng trong thời bao cấp để đổi lấy cháo trai, bánh sắn Bà Khánh (cái thương hiệu mà sau này ăn chơi rất nhiều món ngon vật lạ  tôi cũng không thể nào quên được…). Và cứ chiều thứ bảy tôi lại nhảy tàu điện mang 1 cái balô lép kẹp về bến xe Hà Đông, khuôn mặt thì ngu ngơ nhưng động tác len lỏi tránh chú soát vé thì rất mau lẹ, khôn khéo. Từ Hà Đông, tôi bắt xe về Mỹ Đức, Vác …. để xuống Kim Bài (thủ phủ của Thanh Oai), đến nhà ông bác ruột làm Trưởng phòng giao thông huyện. Hồi đó Nguyễn Quang Vinh cũng như tôi, toàn trốn vé, chứ chưa có khái niệm gì về chống tham nhũng, vì có đâu mà chống. Lương chức Trưởng phòng giao thông huyện của ông bác cũng chỉ vừa đủ ăn, có thêm con cá đi câu ở ao Ủy ban để nuôi thằng cháu, cơm thơm ăn với nước mắm, dưa, muối vừng … cũng đủ ngon (không chê ỷ eo các món ăn ngon như các con tôi bây giờ). Đầu giờ chiều Chủ nhật bác tôi lại cho đủ tiền vé để từ Kim Bài về trường theo lộ trình ngược lại. Lắm lúc Bác cũng hết tiền, tôi nghĩ trong bụng “chuyến này thăm bác bị âm rồi …”.
   Tôi đã đi với 1 người con gái lớp bên cạnh như vậy nhiều lần, cùng về và cùng đi  mà không nói chuyện. Con gái mới lớn, da trắng, đôi mắt hút hồn. Tôi cũng bắt đầu vỡ tiếng. Đêm nằm ở Thanh Oai, tôi mơ cùng nàng sánh vai, cùng về cùng đi … Chỉ mơ thế thôi, tỉnh dậy đã ngượng đỏ mặt với ông bác đang ngon giấc.
   Ông bác tôi hình như quen với cha nàng, ông đùa rằng: "Sao không rủ nó cùng về? Này, con bé ấy ngoan, chăm học, gia đình cơ bản …, tán đi sau này tao xin việc ở đây cho. Hai đứa đẹp đôi đấy..."
    Tôi cũng chưa quen bạn khác giới nhiều, con gái lớp tôi rất tốt nhưng cũng hay lấn át bọn con trai trong lớp, vì nữ chiếm số đông, với lại có cảm tình với ai bọn nó trêu đến chết mất.
    Tôi âm thầm và đơn phương mê người bạn đồng hành, người ấy lặng lẽ trong những chuyến xe và hình như chẳng quan tâm gì đến tôi.
    Cho đến ngày, tôi cùng 1 số bạn phải tạm biệt chuyên ngữ, lòng nặng trĩu ưu tư trở về trường cũ để học nốt năm học cuối cấp III, cũng chưa nói điều gì với nàng. Và sau này qua mail … nàng chẳng hề biết gì và nhớ gì, coi tôi và các chuyện của tôi như từ một hành tinh lạ.
   Trong buổi gặp gỡ các bạn K13 kỷ niệm 30 năm vào chuyên ngữ, tôi hoành tráng kêu các cái tên những bạn ngày xưa cùng lớp mà tôi thích: Lan Phương, Thu Liên, Phương Lan, Ngọc Lan ….
   Nhưng có cái tên trong 2 năm ròng tôi âm thầm theo đuổi, tôi giấu nhẹm đi, vì đoán người đó chẳng hề biết tý gì … là tôi thích người đó …. Một ký ức quá trong trẻo của thời học sinh mà tôi gọi vui là "chuyện tình chuyên ngữ" hay "người xưa"….

(ĐMH)

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Nhớ về Chuyên Ngữ: Nhập Trường (bài của ĐMH)

HAT - Khi viết loạt bài về Chuyên Ngữ, để chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm K13 chúng tôi vào trường, tôi cứ hy vọng các bạn học chuyên ngữ, ít nhất là các bạn cùng khóa, sẽ có nhiều phản hồi, và thậm chí viết nhiều bài gửi đăng lên đây, giống như các bạn học cấp 1-2 của tôi ở Thái Nguyên đã làm. Thật tiếc, chỉ có một ít comment, và chỉ có một bài của Phương Lan gửi từ Canada. Cũng có chút an ủi là từ sau Buổi lễ kỷ niệm cách đây hơn 2 tháng, các bạn K13 trở nên gắn kết hơn, tham gia tích cực vào forum của khóa, kết quả là hai tháng qua trao qua đổi lại hơn 1000 e-mail. Và các chủ đề trong forum thật sự đa dạng, thiết thực bổ ích đối với nhiều người. Nhưng đó là câu chuyện khác.
Còn bây giờ tôi xin gửi các bạn học sinh Chuyên Ngữ bài viết (hy vọng sẽ là loạt bài) của bạn ĐMH, K13B.


Nhập trường

      Tôi là một học sinh cấp II chuyên toán ở phố huyện một tỉnh thuần nông. Điều kiện ở phố huyện những năm 80 còn nghèo, ít các trò chơi dành cho thanh,  thiếu niên, nên tôi  và các bạn  cùng lớp say mê học tập. Vì là con giáo viên, tôi được định hướng học toán và lúc nào cũng đứng ở tốp đầu, tuy nhiên thày giáo chủ nhiệm Pitơ Huỳnh (bọn tôi kính phục thày và coi thày là anh em của Pitơgo) chỉ nhận xét: học rất tốt, tuy còn hấp tấp…
      Năm 1981 tôi thi chuyên ngữ vào đạt số điểm khá cao: Toán 9,5 văn 6,5… Cuộc đời tôi từ đó đánh dấu 1 bước ngoặt, từ quê nghèo lên phố lớn, với những dấu ấn của những năm đầu thập niên 80. Hà Nội đón tôi với những dãy phố cao, đông vui, ồn ã, buôn bán ngược xuôi… Bố tôi đưa tôi lên học lần đầu tiên (và có thể là duy nhất trong 2 năm học cấp III chuyên ngữ). Tôi nhớ chiếc xe khách cũ nát của những năm bao cấp đưa bố con tôi lên Thủ đô chở đầy bu gà, gạo, quang gánh lổn ngổn, cảnh đó sau này tôi còn bắt gặp ở các chuyến xe buýt,  xuất phát từ nội thành … để đón đưa khách. Từ Bờ Hồ, đi Cửa Nam và đi Cầu Giấy bằng xe điện, tôi khoái chí ngắm mọi người tấp nập lên xuống, tiếng leng keng đáng yêu và giật mình khi xe đỗ, hoặc tóe lửa khi bác phụ lái đưa cái “ đuôi” xe, nối vào dòng điện để xe bắt đầu 1 chặng mới, khi tới nơi đỗ nó lại được bác khéo léo ngắt ra, nguyên lý thật đơn giản…
      Trong trường, may mắn là tôi được học cùng với 1 ông bạn hiền lành, tốt bụng và cẩn thận từ hồi cấp II, nhưng bố hắn công tác ở gần trường nên hắn ra ngoại trú mất. Tôi thả mình vào tập thể các bạn mới, với rất nhiều tính cách, và tôi nhanh chóng nhận ra rằng đa số bạn bè tôi là dân Hà nội, có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn và học rất giỏi. Số còn lại, dân tỉnh lẻ như tôi, thì cùng ở nội trú, nhưng tôi cũng tự biết mình ở xa nhất và hoàn cảnh nhất, đặc biệt là sau khi bác Lợi "màn" ở lớp trên khoắng của bọn tôi rất nhiều quần áo và màn đem ra Cầu Giấy bán. Số là tôi có 2 cái áo tím ngắt và xanh lè (khoác nó lên có lúc tôi giống như con bọ xít, lúc lại giống con cánh cam!) vải dầy như vải sợi gai bây giờ, ông anh "tha" cho vì biết bán chẳng ai mua, để tôi có dịp mặc đi học, và các bạn đã cho tôi biệt danh "bạn có màu áo dễ nhớ". Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi tự hào là để nổi tiếng các chàng trai thời nay phải nhẩy từ tầng cao của tòa nhà, hay mua hàng ngàn bông hoa xếp hình trái tim ở bãi đê, các cô gái phải nuy hay lộ băng tình tứ … thì hồi đó mình chỉ cần mặc 1, 2 cái áo đã tỏ ra sự khác biệt thành 1 đẳng cấp khác… đẳng cấp "nhà quê" đầy mặc cảm ở thời điểm ấy….
     K13 đặc thù là đói, môn sinh thứ 13 thành tội đồ của chúa, còn K13 là đứa con khốn khó của Phổ thông CN, vì thiếu gạo nên bọn tôi học ở quê đến hết kỳ 1 của năm lớp 8, 5/2 Dương lịch 1982 chúng tôi mới nhập học. Nạn đói hoành hành không tha cả các thày cô, mà giai thoại là "lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương" (bố Văn Quỳnh Giao K13), chứ không phải "giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn". Các cô giáo tôi sau này cũng tâm sự là thương học sinh lắm, nhưng các thầy cô cũng rất vất vả nuôi con. Dân nội trú chúng tôi sống dựa vào nắp hầm, bo bo, cơm độn và canh cải xoong để cả rễ, đệm với loáng thoáng vài lát cà chua … ăn nhiều đến nỗi sau này vợ tôi làm món cải xoong đặc sản, các con tôi tấm tắc khen ngon, riêng tôi vẫn ngán đến tận cổ. 
    Tuổi ăn, tuổi lớn, học nặng để theo kịp chúng bạn, làm chúng tôi gầy còm, nhưng đâu đó đã xuất hiện dấu hiệu dậy thì, bắt đầu trứng cá, vỡ giọng, cao lên, nhiều ước mơ hoài bão ... xen kẽ trong những giấc mơ đó có 1 vài cô bạn học vui vui ….

(ĐMH)

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Trở lại Sàng Ma Sáo

Tôi trở lại Sàng Ma Sáo vào một ngày nắng ấm.
Nhờ trời khô ráo, đường không trơn, chiếc xe tải nhỏ chở hàng vượt qua con dốc mà lần trước cả Captiva và Innova đều không lên được, vào thẳng sân trường Mầm Non. Rất may là 4 ngày chúng tôi ở Tây Bắc, thời tiết đều nắng đẹp, trong khi đó ở Hà Nội mưa gió sụt sùi, sương mù dày đặc.

Các cô Mầm Non và các thầy giáo Tiểu học đã chờ sẵn, giúp tôi mau chóng chuyển đồ trên xe xuống. Tôi vẫn có chút áy náy vì chiếc xe tải phải quay về Hà Nội gấp, không kịp chở giúp hàng vào tận các điểm trường ở bản xa. Chiều và tối hôm đó, các thầy cô, cùng với một số phụ huynh dùng xe máy chở hàng về các điểm trường, để hôm sau đoàn đến là có sẵn đồ phát cho các con.


Kiểm đếm, bàn giao hàng hóa xong cho 2 trường, cũng là lúc bọn trẻ Mầm Non bắt đầu ăn trưa, tôi sà ngay vào với chúng nó. Blogger MTH đã kịp chụp ảnh lia lịa. Ngay ngày hôm sau trên blog của anh có bài phóng sự "Nhìn chúng nó ăn "cơm có thịt". Có lẽ MTH chỉ chú ý chụp những khuôn mặt ngây thơ, xinh xắn của các bé, ít chú ý đến bát cơm, nên trong các bức hình ở bài phóng sự khó nhìn ra thịt. Nhiều bạn đọc bài viết đó thắc mắc: "Sao chẳng thấy thịt đâu?". Là người đóng góp thường xuyên (dù ít ỏi) cho chương trình "cơm có thịt" do anh TĐT khởi xướng, tôi quan tâm đặc biệt đến chất lượng bữa ăn của các con. Hy vọng bức ảnh sau đây, mà tôi chụp cùng lúc với MTH, sẽ xua tan những nghi ngại về chuyện "cơm có thịt" hay "cơm không có thịt":
 
Thịt băm kho với đậu phụ ...

... và canh rau cải
(trưa 05.03, tại Trường chính, MN SMS)

Nhẩm tính, với 5.000 đồng cho mỗi bữa trưa của một cháu, được thế này đã là tốt lắm. Cũng cần ghi nhận công sức của các cô giáo, nhất là ở các điểm bản xa, hàng ngày phải đi cả chục km đến chợ mua thịt, mua đậu phụ, rau ... rồi cặm cụi nấu ăn cho các con. Chuyến đi này, Gánh Hàng Xén tặng cho mỗi điểm trường 5 kg cá khô, thế là các con sẽ có thêm nguồn đạm, phốt-pho ... bổ sung vào thịt, đậu. Hy vọng sẽ có thể gửi cá cho các con thường xuyên hơn. Chúng tôi nghe nói cá khô ở đây còn quý hơn thịt.

Bọn trẻ nghe lời cô, khi ăn không đứa nào nói chuyện. Nhưng hôm nay có khách, chúng phấn khích hẳn lên, mấy cậu con trai thấy cô quay đi là lại thì thào gì đó bằng tiếng H'Mông, tôi không hiểu. Còn một chi tiết khiến tôi chú ý, đó là bọn trẻ 3-4-5 tuổi này tự xúc cơm ăn rất gọn gàng, hầu như không vãi ra ngoài. Có một cậu chàng trộn đều cơm với thức ăn (theo hiệu lệnh của cô) hăng hái quá, văng mấy hạt cơm ra bàn, nó vội vàng nhặt từng hạt cơm vãi bỏ vào miệng, loáng cái không sót hạt nào.

Đầu giờ chiều, các "lít nhít" ngủ dậy, tôi xin phép cô vào lớp chơi cùng các con. Chúng nó đã quen với tôi, bạo dạn lắm, xúm quanh chiếc máy ảnh. Mấy đứa chạy ra đằng trước, đứng cho tôi chụp, cả lũ bám đằng sau, ghé mắt nhìn màn hình, chỉ trỏ, bàn tán gì đó bằng tiếng H'Mông, cười ré lên.


Rồi tôi tranh thủ dạy bọn trẻ cách xì mũi, lau mũi bằng khăn giấy. Gần như 100% các bé đều chảy mũi. Có đứa phải thay khăn giấy 4-5 lần mới tạm sạch. Bọn trẻ có vẻ cũng khoái "trò chơi" này. Cứ hỏi "mũi ai còn bẩn nào?" là chúng giơ tay rào rào.

Chiều hôm sau, 06.03, tôi quay lại Sàng Ma Sáo (một thầy giáo bảo tiếng H'Mông có nghĩa là núi mào gà) cùng đoàn GHX, sau khi thăm Pa Cheo.
Đoàn chia thành thừng nhóm 3-4 người, vào từng điểm bản. Nhóm tôi đi Nậm Pẻn 2. Từ trường chính đi ô tô khoảng chục km, rồi đi xe máy và đi bộ 6 km nữa. Lớp Mầm Non và Tiểu học Nậm Pẻn 2 là mấy căn nhà tranh vách nứa, dựng tạm nơi đất kẹt giữa những nhà dân. Có nghĩa là để vào trường, mọi người phải đi qua sân, vườn, trèo qua rào nhà dân.
 
Bậc thềm lớp MN rất hẹp, cao đến 2m, bên dưới là sân lớp TH.
Chúng tôi thắc mắc nếu trời mưa, đất trơn thì bọn nhỏ có ngã không.
Cô giáo nói ít khi ngã, chưa có chuyện gãy tay gãy chân.



Bọn trẻ MN ở đây thật đáng yêu, ngoan ngoãn, lễ phép.
Chúng ngồi yên trên ghế, khoanh tay chờ được chia quà.

Các con chỉ phấn khích chạy khỏi chỗ ngồi khi tôi lại lôi trò chơi "chụp ảnh" ra cho chúng vui. Tôi đoán có lẽ chúng chưa bao giờ nhìn thấy cái máy ảnh. Chắc chưa bao giờ được chụp riêng một bức hình. Nhất định tôi sẽ quay lại đây, tặng mỗi đứa một vài bức ảnh làm kỷ niệm, và cũng để chúng hiểu rằng các người lớn của "cơm thịt" và "gánh hàng xén" không chỉ "đến rồi đi".

Khi tôi mải chơi với lớp MN, các bạn trong nhóm đã kịp phát áo, ủng cho các con TH ở sân. Tiếc rằng áo ấm phát bổ sung cho các con (đợt 1 đã trao trước Tết) có một số cái hơi rộng, còn ủng thì một số đôi hơi bé, chắc nhiều con mang về lại cho anh chị hoặc em chăng? Tôi vào luôn các lớp học, xem bọn trẻ học thế nào. Ở bản này không có điện, nên lớp học hơi tối, lúc nào cũng phải mở toang cửa ra mới tạm đủ ánh sáng. Mùa đông gió lùa rét lắm đây!

Giờ Toán lớp 1

Còn đây là bài văn của bé Hạng A Thếnh, lớp 5A4 mà tôi xin được:
Đề bài: Kể một câu chuyện về điều kiện học tập nơi em ở và nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình, nếu được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các tổ chức từ thiện đối với em và các bạn.

 

"Nhà em ở thôn NP 1 xã SM Sáo ở đây đường đi rất khó khan, trời mưa đường rất trơn, vì là đường đất.
Từ nhà em đi học xa   dốc còn về thì lên dốc, mỗi ngày đi học em mang một cặp lồng cơm để ăn, trưa song rồi học buổi chiều vì nhà ở của em rất xa trường học trường em đã xây, bàn ghế ngồi học chỗ, em còn nhớ, ngày em học Lớp 1, 2 en ngồi bàn mà phải với vì cái bàn cao quá, còn giờ em học Lớp 5, em đã ngồi vừa với em. Em nghĩ mà thương các em Lớp 1, 2 cũng phải với như em em mong muốn  áo, có bộ [HAT - cán bộ?] quan tâm đên en Lớp 1, 2 để có bàn ghế vừa với các em đó"

Bài văn còn nhiều lỗi chính tả, câu từ lủng củng cứ phải vừa đọc vừa luận, nhưng tôi thích vì ý nghĩ độc lập, khác hẳn những bài viết khác khá giống nhau (chắc được thầy cô gợi ý?!). Mong sao các con có nhiều những bài viết độc lập và sáng tạo!

Sáng hôm sau, ngày 07.03, nhóm chúng tôi đi thăm Trường chính TH SMS, ở trung tâm xã. Trưởng đoàn Sống Thật Chậm sắp xếp vậy vì hôm qua nhóm chúng tôi đã phải cuốc bộ khá nhiều, chứ thực lòng ai trong số tình nguyện viên cũng muốn đi đến bản xa nhất - Trà Phà.

Ở Trường chính, trong khi phát áo, vở viết và đồ dùng học tập cho các bé, chúng tôi để ý ngay đến dãy cặp lồng cơm để trên bệ cửa sổ. Bạn Lana đã có bài viết thật xúc động về "chiếc cặp lồng cơm", còn tôi thì tỷ mẩn đếm: trong số 12 chiếc cặp lồng, có duy nhất một chiếc có thức ăn mặn (thứ gì đó giống cá kho), 8 chiếc chỉ có rau cải muối hoặc luộc, 1 chiếc chỉ có củ gừng và tý muối, 2 chiếc hoàn toàn không có bất kỳ thức ăn gì. Mà như mọi người biết, đây là điểm trường chính, thường có nhiều con em cán bộ, gia đình cũng ít người nghèo hơn so với các thôn bản sâu trong núi.
 

Lại có thêm chút vân vi (xin phép anh PNT), chút đắng đót. Lại phải nghĩ, làm thế nào để các con Tiểu Học (hiện chưa được hỗ trợ của cơm thịt) có thêm tý chất đạm, ít nhất là vào bữa cơm trưa, để còn có sức mà học.

Trước khi chia tay các con, các thầy cô giáo, chúng tôi ghé thăm khu học sinh tiểu học nội trú. Chỉ có 5 cháu bé, 2 phòng nhỏ, 3 cái giường tầng. GHX trang bị riêng cho các con đầy đủ bộ xoong, chảo, bát thìa cốc inox, và túi cá khô, để các con tự tổ chức nấu ăn hàng ngày.

  Cái giường cao, lại kê ngược thế này
Làm sao con gái trèo lên được tầng trên nhỉ?

Nhà tắm

Rời Sàng Ma Sáo, chúng tôi cứ tiếc sao lúc ở Hà Nội không cố nhồi thêm, nhét thêm ít áo, ít bánh kẹo, ít ... bất cứ thứ gì, vào những chiếc xe vốn đã chật cứng đồ, để có thể chia thêm cho bọn trẻ. Và chúng tôi cũng hiểu, còn nhiều, rất nhiều việc chúng tôi sẽ phải làm để góp một phần nho nhỏ cải thiện điều kiện sống và học tập của các bé ở SMS nói riêng, và ở vùng cao Tây Bắc nói chung này.
 

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Những nẻo đường núi

07.03.2012
Mới hai lần lên Bát Xát và một lần lên Mường Khương, mà những địa danh, những cung đường trước đây tôi chưa từng nghe đến, giờ đây cũng trở nên vô cùng thân thương, quen thuộc, như thể tôi đã sống ở đây lâu rồi. Có lẽ tại bởi vì tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trung du, nên tôi yêu những con đường ngoằn ngoèo trườn trên sườn đồi dốc núi, những con đường vượt suối băng ngầm ở Tây Bắc.

Chiếc xe tải của chúng tôi chở nặng quần áo, sách vở và những vật dụng học tập, sinh hoạt cho các em bé ở Pa Cheo và Sàng Ma Sáo (Bát Xát) đến Lào Cai lúc 4h chiều ngày 4.3. Từ Lào Cai vào Pa Cheo có hai con đường: một đường qua Sapa, dài khoảng 70 km, và một đường qua Bản Vược - Mường Vi - Bản Xèo, dài khoảng 35 km. Con đường qua Sapa lần trước tôi đã đi, trải nhựa khá tốt, nhưng nhiều dốc cao và dài. Sau khi hỏi thăm mấy người lái xe tải về con đường Bản Xèo, nghe nói đã sửa gần xong, và tôi biết hàng ngày xe khách Lào Cai-Mường Hum vẫn chạy tuyến đường này, chúng tôi quyết định chọn con đường ngắn. Anh chàng lái xe thích đi đường gần, còn tôi thì thích khám phá. Và chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian và sức lực vì đoạn đường này. Từ Lào Cai đến Bản Vược đường tốt. Từ Bản Vược đường rải đá dăm, cũng khá tốt tuy hơi hẹp. Nhưng chỉ được khoảng 5 km thì bắt đầu là đường đá gồ ghề, mấp mô, xe chạy rất chậm. Đến cách Bản Xèo khoảng 7 km, đường bị tắc do lở núi.


Chiếc xe ủi đất lại bị tuột xích, đứng chềnh ềnh giữa đường


Nghe chúng tôi nói xe từ Hà Nội chở hàng ủng hộ cho học sinh vùng cao, mấy anh công nhân sửa đường nhanh chóng dùng máy xúc kéo chiếc xe ủi ra, và dùng gầu xúc để san tạm đường cho xe ô tô qua.


Khi thông đường thì trời cũng vừa sập tối. Không quen đường, anh lái xe cứ dò dẫm từng tý một, chốc chốc lại nhờ tôi dùng đèn pin soi đường ở khúc cua gấp, hoặc xuống đánh xi nhan cho xe qua những chỗ ổ voi khỏi bị chạm gầm. Có đoạn suối, anh ta tháo giày, lội bộ qua ngầm cẩn thận rồi mới lái xe qua. Quãng đường hơn chục km còn lại đến Pa Cheo, chúng tôi lò dò đi hết hơn hai giờ đồng hồ.

Nhưng đoạn đường từ Pa Cheo vào Sàng Ma Sáo qua đèo Cán Tỷ vào sáng hôm sau mới là thử thách thực sự với chiếc xe tải nhỏ và người lái xe chỉ quen đi đường ở đồng bằng. May nhờ trời khô ráo và xe nhẹ bớt sau khi dỡ một phần hàng xuống Pa Cheo, chúng tôi vượt đèo an toàn, chỉ có mấy lần thót tim khi xe lắc lư nghiêng ngả ngay trên mép vực sâu hút, và một lần loay hoay nửa tiếng trên đèo để cậy hòn đá sắc lẻm kẹt chặt giữa hai bánh xe.

Ngày hôm sau, các nhóm "gánh hàng xén viên" chia nhau đi các lớp cắm bản, những nơi mà ô tô, thậm chí cả xe máy cũng không đi được nữa. Nhiều chỗ, các bạn phải đi bộ 3-4 km mới vào đến trường. Con gái Hà Nội có dám phi xe xuống con dốc dựng đứng lởm chởm đá như thế này?

Đường vào bản Nậm Pẻn (Sàng Ma Sáo)

Vậy mà các cô giáo trẻ ở đây vẫn chở hàng, chở người đi băng băng. Có chỗ tôi đi một mình một xe còn khó, thì thầy giáo tiểu học chở kẹp 3 vẫn chạy ngon lành. Một cô giáo còn trẻ măng, chắc cũng mới về trường, dừng xe máy ngay đầu con dốc vừa cao vừa hẹp, run run nói: "Các anh chị ơi, em sợ lắm!". Nhưng khi mấy anh em trong đoàn xin cầm lái giúp cô, thì cô không chịu, tự đi xuống dốc an toàn, rồi bảo: "Em phải xin mãi bố mẹ em mới cho mang xe máy lên đây!". Lúc đó mới hiểu tại sao các cô giáo bảo, chi phí lớn nhất của các cô ở vùng cao là tiền đổ xăng và sửa xe máy.


Ở Tây Bắc không chỉ có những cung đường gian nan hiểm trở, mà còn có những cảnh đẹp hùng vĩ làm say lòng người. Chiếc máy ảnh du lịch nhỏ xíu không thể giúp tôi lưu giữ lại tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời trên đường đi. Tôi vẫn tiếc máy không đủ zoom để chụp cảnh những người phụ nữ H'Mông tắm bên suối Mường Hum trong chiều nắng cuối đông.

Khe suối Mường Hum, nhìn từ lưng chừng đèo Cán Tỷ

 Ngầm Bản Xèo, nhìn từ lưng chừng đèo Cán Tỷ

 Bản Xèo, nhìn từ đèo Cán Tỷ

 
 Sáng sớm ở Tả Lèng (Pa Cheo)

Thung lũng Kin Sáng Hồ buổi sớm, nhìn từ Tả Lèng. Ở giữa là trụ sở UB xã và
Trạm Y tế, bên trái là Trường THCS, bên phải là khu trường Mầm Non + Tiểu học.
Trông ngay gần vậy mà phải đi xe máy 5-6 km đấy.

Trường THCS Pa Cheo, bên sườn dãy núi phía xa là con đường đi Sapa.


 Đổ nước vào ruộng bậc thang

Ruộng bậc thang ở Ki Quan San (Sàng Ma Sáo)

Giữa lòng suối cạn (Nậm Pẻn, Sàng Ma Sáo)

Mời bạn ngắm những nẻo đường Tây Bắc qua ống kính của N.H.T,
một tình nguyện viên mới trong chuyến đi này của Gánh Hàng Xén:

Đường lên bản Pờ Sì Ngài (Pa Cheo)






Tôi yêu những con đường gập ghềnh đá sỏi, như cái số phận trầm luân vất vả của những con người Việt Nam. Tôi yêu những con đường rải nhựa mịn màng, quanh co uốn lượn trên các sườn núi cao Tây Bắc, dẫn chúng tôi đến với những em thơ nơi địa đầu Tổ Quốc. Như yêu mảnh đất này, nơi tôi đã sinh ra.