Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

HAT - Bài này đăng từ 27.07.2011, ngày Thương binh liệt sỹ. Nhân kỷ niệm 33 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, tôi xin đăng lại, và bổ sung thêm một số thông tin, hình ảnh.

Tăng, pháo Trung Quốc tiến sâu vào Cao Bằng (ảnh - blog Mai Thanh Hải)

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra. Lúc đó, tôi mới 12 tuổi, học lớp 5 ở Thái nguyên. Cuộc tấn công của Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới phía bắc có thể bất ngờ với nhiều người, vì trước đó đài báo ít đưa tin, có lẽ chỉ tập trung vào những sự kiện ở biên giới tây nam. Nhưng với tôi thì không bất ngờ. Cả năm trời trước đó, bố tôi và mấy bác đồng nghiệp của bố ở Nhà máy Gang thép Thái nguyên hay nói chuyện thời sự, vẻ ai cũng lo lắng đăm chiêu, nói năng khe khẽ khiến tôi chú ý. Ngồi học góc nhà, tôi giỏng tai nghe chuyện họ nói. Thì toàn những chuyện bọn Tàu cho người tràn qua biên giới bắt, đánh dân mình, những chuyện người Việt gốc Hoa ùn ùn kéo nhau rời khỏi Việt nam … Và sau sự kiện Lê Đình Chinh bị sát hại tháng 8 năm 1978, các bác bạn bố tôi đều cho rằng không tránh khỏi chiến tranh, đôi lúc họ còn bàn nhau gửi trẻ con về quê ở miền xuôi.

Lúc đó tụi nhỏ chúng tôi hoang mang lắm. Vì ở trường, ngoài những bài học về lịch sử cha ông ta chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc, chúng tôi còn được dạy là “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông với tình hữu nghĩ sáng như rạng Đông”. Không lẽ hai anh em “môi hở răng lạnh” lại cắn xé lẫn nhau! Chúng tôi lo Tàu nó đánh thì chạy đi đâu cho thoát, vì Thái nguyên cách biên giới đâu có xa. Lúc đó, ký ức của chúng tôi về chiến tranh chỉ là những tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom năm 1972, những lần chui xuống hầm trú ẩn, tiếng bom nổ rền phía Nhà máy Gang thép, ánh chớp đạn pháo cao xạ … chứ chúng tôi chưa nhìn thấy trực tiếp cảnh súng ống bắn giết bao giờ. Một nỗi sợ mơ hồ của con trẻ.

Nhưng những sự việc xảy ra cứ làm nỗi lo lắng tăng thêm. Đầu tiên là khu Nhà khách dành riêng cho chuyên gia Trung quốc làm tại nhà máy Gang thép mọi khi vốn đông người tự nhiên một hôm vắng như chùa Bà Đanh. Chuyên gia họ rút hết về nước rồi. Tiếp đó, hai anh em thằng Kín, thằng Loọc, trạc tuổi và hay đá bóng với bọn tôi sau giờ học, một hôm cũng không thấy đến trường nữa. Mọi người bảo nhà nó gốc Hoa, bỏ về bên ấy rồi.

Từ đầu năm 1979, tình hình đã căng lắm. Bố tôi thường xuyên phải đi tập quân sự. Có lần tập muộn, không kịp trả súng, bố mang về nhà một khẩu súng trường CKC. Lần khác là một khẩu AK mới oách. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn và sờ một khẩu súng thật, mới toanh, chứ không phải những khẩu tiểu liên tôm-xông của Pháp gỉ hoan gỉ hoét mà bọn nhỏ chúng tôi bới được từ bãi thép phế của nhà máy để chơi đánh trận giả. Tại trường, chúng tôi được dạy nhiều hơn về cứu thương, trú ẩn … Ngày nghỉ, học sinh từ lớp 5 trở lên được điều đi đào công sự trên các đỉnh đồi để bộ đội đặt pháo. Có lần được các chú bộ đội cho ngồi lên mâm pháo cao xạ 37 ly, quay mấy vòng như đu quay, sướng mê tơi.

Rồi chiến tranh nổ ra thật. Cái không khí nặng nề, u uất tự nhiên biến mất. Thay vào đó là sự hăng hái, yêu nước nhiệt thành. Mấy chú trong cơ quan bố mẹ nhập ngũ. Nhiều anh chị học sinh lớp lớn cũng làm đơn xin đi bộ đội. Ngoài đường, loa phóng thanh suốt ngày đưa tin chiến sự, tố cáo bọn bành trướng Bắc kinh, bá quyền nước lớn (từ anh chuyển sang thằng sao mà nhanh thế!). Chúng tôi ai cũng thuộc những bài hát hào hùng như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, hay tha thiết như “Lena Belikova”. Trường tôi có một số bạn từ biên giới tản cư về vào học. Lớp tôi có thêm nhỏ Ngọc, nhỏ Đào trước gia đình ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Hai nhỏ hiền khô, cả lớp quý lắm. Cả hai vẫn học cùng chúng tôi cho đến hết lớp 7.

Đánh nhau được ít lâu thì thấy bộ đội giải tù binh về. Cái sân vận động Gang Thép biến thành Trại tạm giam tù binh Tàu. Bọn nhỏ chúng tôi tò mò tới coi lũ bành trướng mặt mũi ra sao mà ác thế. Lúc đầu chỉ dám đứng xa thật xa ngó, lâu dần dạn hơn lại gần. Thì thấy chúng cũng như người mình, chỉ khác là mặc quần áo tù. Nhiều thằng mặt còn non choẹt, hiền khô, ngơ ngác. Mấy chú bộ đội canh trại nói chuyện bọn này phần lớn dân lành, biết gì đâu, lúc bị xua qua biên giới mới biết là đi đánh Việt nam. Có lúc còn thấy mấy tên tù binh khóc tu tu. Chúng ra hiệu xin thuốc lá. Bộ đội canh thỉnh thoảng cũng cho, chỉ là mấy điếu thuốc vê giấy báo. Lính mình nghèo. Thế mới biết giữa những người lính hai bên chiến tuyến vẫn có thể có sự đồng cảm. Tội lỗi là ở bọn chóp bu kia, đem dân lành làm tốt thí cho những tham vọng chính trị.

Tiếp theo là trường tôi tổ chức đi thăm thương binh ở Viện C. Hồi đó nghèo, cả trường chỉ góp được ít trái cây, vài thùng đường, sữa. Nhưng quan trọng là tấm lòng. Vào viện thấy thương binh ta nằm kín, có chỗ 2 người một giường, thương quá. Lại thêm căm thù bọn bành trướng. Thầy cô thăm hỏi động viên các chú thương binh, còn học sinh tụi tôi hát tặng mấy bài, có bạn đọc thơ.

Rồi cuối cùng cũng hết đánh nhau. Tôi được thay mặt học sinh cả trường đi dự lễ mừng công. Có chú bộ đội đẹp trai kể chuyện rất có duyên. Mới biết lính chính quy của ta còn ở trong Nam chưa kịp ra. Ngoài này chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tham chiến. Mà bọn Tàu thì đông quá. Bị bắn ngã lớp này, lớp sau lại “tả, tả” xông lên. Bộ đội ta thương vong nhiều quá. Bắn hết cả đạn mà chúng vẫn tiến, các chú ấy phải rời chốt, rồi đến đêm, được tiếp viện, lại xông vào chiếm chốt.

Cuộc chiến qua đi, cuộc sống trở lại với bộn bề lo toan, cơm áo gạo tiền.
Nghèo! Đói!

Trong lịch sử Việt nam có lẽ không cuộc chiến tranh nào mà người ta (cố tình?) quên nhanh đến thế. Nhưng đó là trên các phương tiện truyền thông. Còn trong lòng người dân Việt có ai quên “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” ! Ngày 27.07, xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc.


P/s: 17.02.2012

Tôi hỏi thử 2 con trai (học THPT và THCS) có biết hôm nay, 17 tháng 2, là ngày gì không. Chúng lắc đầu. Hỏi có được học gì ở trường về chiến tranh biên giới 1979 không. Cũng không! Chưa bao giờ nghe nói tới! Chẳng có cuốn sách giáo khoa lịch sử nào của Việt Nam nhắc đến sự kiện này, cứ như thể nó chưa từng xảy ra. Tôi không thể hiểu tại sao người ta phải sợ "phạm húy" đến vậy. Nói gì thì nói, 33 năm đã trôi qua, lịch sử mãi là lịch sử, không thể viết lại lịch sử. Mà có nhắc đến thì đã sao? Năm ngoái tôi đưa con trai đi thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Sài Gòn, thấy rùng mình, thấy ghê tởm những tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ. Nhưng bây giờ chắc chẳng có mấy người dân VN coi Mỹ là kẻ thù. Còn nếu "nước lạ" kia cứ lăm le cướp biển đảo của ta, cứ đòi đào hết tài nguyên khoáng sản của ta ... thì liệu có người VN bình thường nào coi họ là bạn, dù có những kẻ hèn để họ đục hết bia, đốt hết sách nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979, dù có dát đến 16 ngàn chữ vàng.

Bia tưởng niệm những thường dân bị quân TQ thảm sát năm 1979 (Ảnh - blog Mai Thanh Hải)
Tấm bia này đặt bên cái giếng, tại thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng). Tại đây, ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người (gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em), trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối. (theo Huy Đức - blog Mai Thanh Hải). Tấm bia này còn sót lại có lẽ là do bị bỏ quên, nằm khuất trong khu vườn rậm rạp um tùm của một gia đình, không có đường vào. Chứ nếu nó nằm nơi quang quẻ, chắc gì đã không bị đục bỏ, như tấm bia ghi công sư đoàn 337 trong chiến tranh biên giới 1979 ở cầu Khánh Khê (Lạng Sơn) bị đục mất dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược".


Tôi phải kể cho các con tôi nghe những điều này, vì đó là lịch sử, đó là sự thật. Không phải để dạy chúng LÒNG HẬN THÙ, mà để dạy chúng BIẾT CẢNH GIÁC.

29 nhận xét:

  1. Trường LNQ của mình có ba anh năm trên đăng lính lên biên giới, vừa đi được mấy tháng đã hy sinh. Mình nhớ nghe nói vì tổng động viên thì ai đi bộ đội sẽ được xét đặc cách Tốt nghiệp PTTH, nhưng ngày đó lên biên giới cầm chắc là chết, đâu được hưởng tốt nghiệp đâu. Thương thế.

    Trả lờiXóa
  2. @Lana: Ủa hồi đó họ nhận học sinh cấp 3 vào lính ah? Chắc mấy anh đó hơn 18 tuổi rồi. Nhà máy Gang thép cũng cho một đơn vị lính tình nguyện (công nhân) lên đó. Chết mất mấy người. Thái Nguyên là tuyến 2 nên chưa bị thiệt hại gì nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Chưa đủ 18 tuổi vẫn đi - tổng động viên thế thì phải.
    Nên mình sợ chiến tranh lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Đến ngày 17.2 hàng năm mình vẫn nhớ về chiến tranh biên giới. Nhưng đúng là vô lý khi những năm gần đây không bao giờ nghe thấy nói về cuộc chiến tranh này trên thông tin đại chúng cả. Mình vẫn nhớ những gì Ngọc và Đào kể về chiến tranh mà các bạn đã trải qua, và cuộc triển lãm ảnh ở hội trường fero về chiến tranh ở biên giới Tây nam và biên giới phía bắc. Mình vẫn có thể hát được bài "Tiếng súng đã vang..." và vẫn nhớ mọi người vẫn hay thay từ "dã man" thành "Bắc Kinh"

    Trả lờiXóa
  5. Năm lớp 5 mình cũng đước Bố Mẹ đưa 3 chị em về quê sơ tán ở Ninh Bình mấy tháng...,mình cũng rất nhớ bạn Đào, đến nay cũng còn nguyên những ấn tượng về chiến tranh biên giới mà bạn ấy kể cho bọn mình nghe, nhất là về cái trường học bị tàn sát khi mọi người còn đang ngủ ...,Chiến tranh vẫn là thứ mà mình sợ nhất. Gần hết năm lớp 7 thì bạn Đào chuyển về quê cùng Bố mẹ, không biết bây giờ Bạn ấy đang ở đâu ?

    Trả lờiXóa
  6. Đào hiện là giảng viên ở ĐHSP Hà Nội. Tớ mới đt nói chuyện với Đào cách mấy hôm. Để vài ngày nữa cập nhật xong danh sách lớp tớ sẽ gửi lại cho các bạn.

    Trả lờiXóa
  7. 17.2.1979,
    một ngày xuân như bao ngày xuân khác gần trôi qua trong sự căng thẳng ở biên giới Việt - Trung.
    9h tối, chương trình thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng phát thanh viên đanh thép đưa tin "sáng nay quân bành trướng Trung Quốc đã đồng loạt tràn vào biên giới nước ta ở cả 6 tỉnh biên giới phía bắc..."
    Người lớn, trẻ con chẳng ai còn thấy buồn ngủ được nữa. Tiếng người nói lao xao khắp các ngõ xóm, ai ai cũng phẫn nộ...
    Rồi những ngày tiếp theo ai ai cũng lắng nghe tin tức, bình luận, ...
    Rồi tổng động viên, rồi dòng người từ Cao Bằng đổ về Gang Thép, dòng người từ Gang thép đổ về xuôi sơ tán. Lớp tôi cũng được đón hai bạn mới chuyển về. Đến lớp, chúng tôi được các bạn kể chuyện các bạn đã trú trong địa đạo như thế nào, bọn chúng giết người ra sao... toàn những tin mà đài báo đã đưa nhưng nghe những người bạn trực tiếp chứng kiến kể lại nó khác hẳn.
    Không khí sôi sục hàng tháng trời. Gang thép tập báo động. Cái địa đạo xưa tránh bom Mĩ được sửa sang. Các đoàn tự vệ lên đường, hướng về phía Bắc ...
    Sau đó chúng tôi được xem một triển lãm tranh ảnh về tội ác của bọn Pôn Pốt ở Cam Pu Chia và của quân bành trướng ở biên giới phía bắc. Đọng lại trong tôi đến giờ vẫn là hình ảnh núi đầu lâu và các xác chết trương phềnh... Thật kinh khủng.

    Trả lờiXóa
  8. Ngày 17.2.2012 mình có 2 giờ trên lớp mà không nghĩ ra việc "thăm dó HS" về chiến tranh biên giới phía bắc. Từ những năm sau nhất định mình sẽ dành ra vài phút để nhắc tới cuộc chiến tranh này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu mình không kể thì thế hệ 8x, 9x làm sao biết. Đài báo có nói gì đâu, còn các trang mạng xã hội có nhắc đến thì bị bọn VNPT mang cả Vạn lý trường thành về chặn, ít ai vào được mà đọc bạn ạ. Mấy ngày nay hầu như không thể vượt được tường lửa.

      Xóa
  9. Hôm nay nhà em vừa làm giỗ cậu út hy sinh ở biên giới phía bắc năm 1979. Cậu vừa thi đại học xong là nhập ngũ, hy sinh ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Giờ nhắc đến cậu các bác vẫn khóc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuộc chiến nào cũng có mất mát, song đau nhất là bị thằng láng giềng nó đánh lén. Theo như Huy Đức viết (báo SGTT 2009 và blog Mai Thanh Hải 2012) thì ta bị bất ngờ, nên trong mấy ngày đầu bị vỡ trận, thương vong nhiều. Thêm nữa là mặc dù bộ binh quân nó không tinh nhuệ (trừ pháo binh) nhưng đông quá, bắn không xuể.
      Thật xót xa là giờ đây, những người con anh hùng của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ biên cương phía Bắc đang bị Tổ Quốc lãng quên, chỉ còn gia đình và người thân nhớ về họ với nỗi đau khôn nguôi.

      Xóa
    2. Xin chia buồn cùng gia đình bạn và đúng như Tuấn đã nói: Thật xót xa là giờ đây, những người con anh hùng của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ biên cương phía Bắc đang bị Tổ Quốc lãng quên, chỉ còn gia đình và người thân nhớ về họ với nỗi đau khôn nguôi.

      Xóa
  10. Một người con của thành phố Lao Cailúc 07:04 22 tháng 2, 2012

    Mời bạn đọc trang nhà và chủ blog HAT đọc bài sau

    NGƯỜI CHỨNG KIẾN NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979 TẠI LÀO CAI kể lại

    http://giangnamlangtu.wordpress.com/2012/02/15/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BB%A9ng-ki%E1%BA%BFn-ngay-19-thang-2-nam-1979-t%E1%BA%A1i-lao-cai/#comments

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn "người con của thành phố Lào Cai". HAT đã đọc bài bên Giang Nam Lãng Tử. Những bài viết thế này rất cần để thế hệ trẻ biết và hiểu sự thật về những gì đã xảy ra 33 năm trước.
      HAT rất thích comment này bên blog GNLT:

      SAT THAT
      21.02.2012

      “НИKTO HE ЗAБЫT И HИ ЧTO HE ЗAБЫTO”
      “KHÔNG MỘT AI BỊ LÃNG QUÊN, KHÔNG CÓ GÌ BỊ LÃNG QUÊN”

      Trích trong bài thơ của Olga Bergholz (Берггольц, Ольга Фёдоровна Olga Feodorovna Bergholz sinh 05/1910 mất 13/11/1975, St Petersburg Leningrad – nhà thơ, nhà văn Nga Xô Viết). Bài thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những người dân Xô Viết trong cuộc Chiến trang Vệ quốc Vĩ đại của Nhân dân và Quân đội Xô viết. Bài thơ được viết vào năm 1960 được khắc trên bia tưởng niệm những Nạn nhân và Chiến sỹ đã hy sinh trong trận phong tỏa Leningrad tại Nghĩa trang Piskarevskoye ở Leningrad.

      Cho dù đã có nhiều thay đổi trên quê hương của Cách Mạng Tháng Mười, cho dù chính Nhân dân Nga đã quẳng cái gọi là “Chủ nghĩa Cộng sản” vào sọt rác của lịch sử. Nhưng người dân Nga từ tổng thống cho đến người thường dân vẫn nhắc nhở con cháu tôn vinh những Người dân, những Chiến sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu trong cuộc chiến tranh vị đại này.

      Nhân kỷ niệm sự kiện 17/02/1979 xin được thành tâm dâng hương những người con của đất mẹ Việt Nam ta đã ngã xuống trong ngày này 33 năm trước và xin đăng lại bài thơ của Trần Nhương: http://trannhuong.com/news_detail/12988/KH%C3%94NG-M%E1%BB%98T-AI-B%E1%BB%8A-L%C3%83NG-QU%C3%8AN

      KHÔNG MỘT AI BỊ LÃNG QUÊN
      Huỳnh Văn Úc

      Ngạn ngữ Nga:
      Никто не забыт и ничто не забыто”
      Không một ai bị lãng quên, không có gì bị quên lãng

      Mười bảy tháng hai
      Không một vòng hoa, không một nén hương
      Không một lời tỏ ý tiếc thương
      Trước vong linh những anh hùng liệt sĩ
      Chỉ gió lạnh qua hàng mộ chí
      Và mưa rơi nước mắt trong lòng.
      Không! Một ngàn lần không
      Không một ai bị lãng quên
      Không một điều đi vào quên lãng.
      Ai cấm được ?
      Ngọn nến trong lòng ta thắp sáng
      Nén tâm hương ta đốt ngang đầu
      Trong lòng ta tâm nguyện một câu
      Không một ai bị lãng quên
      Không một điều đi vào quên lãng.

      (nguồn: http://giangnamlangtu.wordpress.com/2012/02/15/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BB%A9ng-ki%E1%BA%BFn-ngay-19-thang-2-nam-1979-t%E1%BA%A1i-lao-cai/#comment-675 )

      Xóa
    2. Một người con của thành phố Lao Cailúc 12:45 22 tháng 2, 2012

      Thưa bạn HAT!

      Nếu có thể xin bạn hãy bình luận đôi điều về 11 cuộc biểu tình chống hành vi hung hăng, láo xược và ăn cướp của bọn giặc Tàu đội lốt cộng sản gây ra trên biển của Việt Nam. Các cuộc biều tình đó do nhân dân Hà nội được vinh dự thay mặt con cháu Lạc Hồng tiến hành trong năm 2011.

      Xóa
    3. Tôi khâm phục và kính trọng họ.

      Xóa
    4. Một người con của thành phố Lao Cailúc 17:59 23 tháng 2, 2012

      Vì một lý do gì đó bạn chưa tham gia được vào các sự kiện trong mùa hè và đầu thu vừa qua, nhưng tôi tin bạn là người ủng hộ họ. Vì đó là tiếng nói của lòng yêu nước của dân tộc chúng ta, một dân tộc đã gần 5.000 lịch sử đứng bên cạnh anh hàng xóm to xác, xấu tính, tham lam, độc ác và thâm hiểm, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại, và mãi trường tồn.

      Xóa
  11. Bài viết của bạn rất đúng, chúng ta phải ghi nhớ lịch sử ...

    Trả lờiXóa
  12. 17 tháng 2 năm 1979 mình đang học năm thứ nhất ĐH Y Huế. Lúc ấy cả trường có nhóm 3 đưa bạn gái chúng mình (đều con em gia đình tập kết về quê sau năm 1975) đã rất máu lửa viết đơn, ký tên bằng máu (Hihi...) tình nguyện lên biến giới phía Bắc. Thú thật là nhà trường đã khen ngợi 3 cô SV năm 1, nhưng năm ấy chẳng tuyển SV nào. Còn 3 đứa sau đó cũng hơi dao đông vì nghĩ mình mà lên đường gia đình khóc hết nước mắt... nhưng tuổi trẻ mà. Sau này gặp lại ko đứa nào nhận đã trích máu cả. Năm ấy văn nghệ chúng mình đã tập một chương trong tổ khúc "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" (http://www.youtube.com/watch?v=wfNsyHQ1uck&feature=related) của nhạc sĩ Tô Hải, mình cứ tưởng nhạc sĩ mới sáng tác trong cuộc chiến biên giới ấy, bạn chưa nghe hãy thử nghe,cảm động lắm. Mình cũng là một thành viên trong hợp xướng của trường năm ấy.

    Rồi cuộc sống trôi qua đã mấy chục năm từ ngày ấy, trong 3 cô chỉ có 1 cô là mình vẫn ko chịu lo kiếm tiền... Nhưng 2 cô bạn mình giàu lắm nhưng cũng chưa tặng người nghèo đồng nào như các bạn... Mình thì có làm được vài điều nho nhỏ nhưng ko bằng các bạn.
    Chúc các bạn chân cứng, đá mềm với cái đầu trí huệ, trái tim vàng. Cầu Trời giúp các bạn thực hiện được kế hoạch của mình. Chúc gia đình các bạn luôn được mạnh khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn những chia sẻ và lời chúc tốt lành của Sapa (HTHN).

      Xóa
  13. Các cuộc biều tình đó do nhân dân Hà nội được vinh dự thay mặt con cháu Lạc Hồng tiến hành trong năm 2011.

    Trả lờiXóa
  14. Cái gì càng dấu người ta càng tò mò muốn biết. Em đã đọc truyện "Người hàng xóm" của Dương Thu Hương và đã biết một phần của lịch sử.
    - Người sinh năm 79-

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Cái gì càng giấu người ta càng tò mò muốn biết". Quá đúng!
      Cách đây chỉ khoảng một năm thôi, mình chẳng biết blog là gì. Nhưng chỉ vì bố mình đọc được bài tay bồi bút Quý Thanh nào đó chỉ trích "sự ngộ nhận của GS NBC", thắc mắc tại sao, mà mình lọ mọ tìm hiểu về các blog, và nhân đó biết được rất nhiều điều mới mẻ. Thế giới blog như một nhà hàng khổng lồ với vô vàn món ăn phong phú, đủ loại gu, cho đủ loại người, chứ không chán như mấy cái nhà hàng chính thống, nơi các món ăn đã tẩm "gia vị" cả rồi, mà chỉ có độc một loại gia vị.

      Xóa
  15. Lịch sử phải được tôn vinh.... vì có quá khứ mới có hiện tại

    Trả lờiXóa
  16. Tôi nghĩ rằng không hẳn là "tôn vinh", mà nói đúng hơn là nên "tôn trọng" sự thật lịch sử, dù đó là những trang sử hào hùng hay đen tối.

    Trả lờiXóa
  17. Hôm nay mình dã tìm dược bài hát "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" tuy chất lượng âm thanh không tốt lắm nhưng dù sao có nó vẫn tốt phải không bạn
    Mình chèn làm nhạc nền cũng hay, mời bạn ghé thăm http://yume.vn/minhphucgt/article/17-2-1979.35DB87B7.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tên bài hát là "Chiến đấu vì độc lập tự do" của Nhạc sỹ Phạm Tuyên. Từ hồi 79 đến nay bọn mình cứ quen gọi theo câu đầu của bài hát.

      Xóa