Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Trở lại Sàng Ma Sáo

Tôi trở lại Sàng Ma Sáo vào một ngày nắng ấm.
Nhờ trời khô ráo, đường không trơn, chiếc xe tải nhỏ chở hàng vượt qua con dốc mà lần trước cả Captiva và Innova đều không lên được, vào thẳng sân trường Mầm Non. Rất may là 4 ngày chúng tôi ở Tây Bắc, thời tiết đều nắng đẹp, trong khi đó ở Hà Nội mưa gió sụt sùi, sương mù dày đặc.

Các cô Mầm Non và các thầy giáo Tiểu học đã chờ sẵn, giúp tôi mau chóng chuyển đồ trên xe xuống. Tôi vẫn có chút áy náy vì chiếc xe tải phải quay về Hà Nội gấp, không kịp chở giúp hàng vào tận các điểm trường ở bản xa. Chiều và tối hôm đó, các thầy cô, cùng với một số phụ huynh dùng xe máy chở hàng về các điểm trường, để hôm sau đoàn đến là có sẵn đồ phát cho các con.


Kiểm đếm, bàn giao hàng hóa xong cho 2 trường, cũng là lúc bọn trẻ Mầm Non bắt đầu ăn trưa, tôi sà ngay vào với chúng nó. Blogger MTH đã kịp chụp ảnh lia lịa. Ngay ngày hôm sau trên blog của anh có bài phóng sự "Nhìn chúng nó ăn "cơm có thịt". Có lẽ MTH chỉ chú ý chụp những khuôn mặt ngây thơ, xinh xắn của các bé, ít chú ý đến bát cơm, nên trong các bức hình ở bài phóng sự khó nhìn ra thịt. Nhiều bạn đọc bài viết đó thắc mắc: "Sao chẳng thấy thịt đâu?". Là người đóng góp thường xuyên (dù ít ỏi) cho chương trình "cơm có thịt" do anh TĐT khởi xướng, tôi quan tâm đặc biệt đến chất lượng bữa ăn của các con. Hy vọng bức ảnh sau đây, mà tôi chụp cùng lúc với MTH, sẽ xua tan những nghi ngại về chuyện "cơm có thịt" hay "cơm không có thịt":
 
Thịt băm kho với đậu phụ ...

... và canh rau cải
(trưa 05.03, tại Trường chính, MN SMS)

Nhẩm tính, với 5.000 đồng cho mỗi bữa trưa của một cháu, được thế này đã là tốt lắm. Cũng cần ghi nhận công sức của các cô giáo, nhất là ở các điểm bản xa, hàng ngày phải đi cả chục km đến chợ mua thịt, mua đậu phụ, rau ... rồi cặm cụi nấu ăn cho các con. Chuyến đi này, Gánh Hàng Xén tặng cho mỗi điểm trường 5 kg cá khô, thế là các con sẽ có thêm nguồn đạm, phốt-pho ... bổ sung vào thịt, đậu. Hy vọng sẽ có thể gửi cá cho các con thường xuyên hơn. Chúng tôi nghe nói cá khô ở đây còn quý hơn thịt.

Bọn trẻ nghe lời cô, khi ăn không đứa nào nói chuyện. Nhưng hôm nay có khách, chúng phấn khích hẳn lên, mấy cậu con trai thấy cô quay đi là lại thì thào gì đó bằng tiếng H'Mông, tôi không hiểu. Còn một chi tiết khiến tôi chú ý, đó là bọn trẻ 3-4-5 tuổi này tự xúc cơm ăn rất gọn gàng, hầu như không vãi ra ngoài. Có một cậu chàng trộn đều cơm với thức ăn (theo hiệu lệnh của cô) hăng hái quá, văng mấy hạt cơm ra bàn, nó vội vàng nhặt từng hạt cơm vãi bỏ vào miệng, loáng cái không sót hạt nào.

Đầu giờ chiều, các "lít nhít" ngủ dậy, tôi xin phép cô vào lớp chơi cùng các con. Chúng nó đã quen với tôi, bạo dạn lắm, xúm quanh chiếc máy ảnh. Mấy đứa chạy ra đằng trước, đứng cho tôi chụp, cả lũ bám đằng sau, ghé mắt nhìn màn hình, chỉ trỏ, bàn tán gì đó bằng tiếng H'Mông, cười ré lên.


Rồi tôi tranh thủ dạy bọn trẻ cách xì mũi, lau mũi bằng khăn giấy. Gần như 100% các bé đều chảy mũi. Có đứa phải thay khăn giấy 4-5 lần mới tạm sạch. Bọn trẻ có vẻ cũng khoái "trò chơi" này. Cứ hỏi "mũi ai còn bẩn nào?" là chúng giơ tay rào rào.

Chiều hôm sau, 06.03, tôi quay lại Sàng Ma Sáo (một thầy giáo bảo tiếng H'Mông có nghĩa là núi mào gà) cùng đoàn GHX, sau khi thăm Pa Cheo.
Đoàn chia thành thừng nhóm 3-4 người, vào từng điểm bản. Nhóm tôi đi Nậm Pẻn 2. Từ trường chính đi ô tô khoảng chục km, rồi đi xe máy và đi bộ 6 km nữa. Lớp Mầm Non và Tiểu học Nậm Pẻn 2 là mấy căn nhà tranh vách nứa, dựng tạm nơi đất kẹt giữa những nhà dân. Có nghĩa là để vào trường, mọi người phải đi qua sân, vườn, trèo qua rào nhà dân.
 
Bậc thềm lớp MN rất hẹp, cao đến 2m, bên dưới là sân lớp TH.
Chúng tôi thắc mắc nếu trời mưa, đất trơn thì bọn nhỏ có ngã không.
Cô giáo nói ít khi ngã, chưa có chuyện gãy tay gãy chân.



Bọn trẻ MN ở đây thật đáng yêu, ngoan ngoãn, lễ phép.
Chúng ngồi yên trên ghế, khoanh tay chờ được chia quà.

Các con chỉ phấn khích chạy khỏi chỗ ngồi khi tôi lại lôi trò chơi "chụp ảnh" ra cho chúng vui. Tôi đoán có lẽ chúng chưa bao giờ nhìn thấy cái máy ảnh. Chắc chưa bao giờ được chụp riêng một bức hình. Nhất định tôi sẽ quay lại đây, tặng mỗi đứa một vài bức ảnh làm kỷ niệm, và cũng để chúng hiểu rằng các người lớn của "cơm thịt" và "gánh hàng xén" không chỉ "đến rồi đi".

Khi tôi mải chơi với lớp MN, các bạn trong nhóm đã kịp phát áo, ủng cho các con TH ở sân. Tiếc rằng áo ấm phát bổ sung cho các con (đợt 1 đã trao trước Tết) có một số cái hơi rộng, còn ủng thì một số đôi hơi bé, chắc nhiều con mang về lại cho anh chị hoặc em chăng? Tôi vào luôn các lớp học, xem bọn trẻ học thế nào. Ở bản này không có điện, nên lớp học hơi tối, lúc nào cũng phải mở toang cửa ra mới tạm đủ ánh sáng. Mùa đông gió lùa rét lắm đây!

Giờ Toán lớp 1

Còn đây là bài văn của bé Hạng A Thếnh, lớp 5A4 mà tôi xin được:
Đề bài: Kể một câu chuyện về điều kiện học tập nơi em ở và nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình, nếu được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các tổ chức từ thiện đối với em và các bạn.

 

"Nhà em ở thôn NP 1 xã SM Sáo ở đây đường đi rất khó khan, trời mưa đường rất trơn, vì là đường đất.
Từ nhà em đi học xa   dốc còn về thì lên dốc, mỗi ngày đi học em mang một cặp lồng cơm để ăn, trưa song rồi học buổi chiều vì nhà ở của em rất xa trường học trường em đã xây, bàn ghế ngồi học chỗ, em còn nhớ, ngày em học Lớp 1, 2 en ngồi bàn mà phải với vì cái bàn cao quá, còn giờ em học Lớp 5, em đã ngồi vừa với em. Em nghĩ mà thương các em Lớp 1, 2 cũng phải với như em em mong muốn  áo, có bộ [HAT - cán bộ?] quan tâm đên en Lớp 1, 2 để có bàn ghế vừa với các em đó"

Bài văn còn nhiều lỗi chính tả, câu từ lủng củng cứ phải vừa đọc vừa luận, nhưng tôi thích vì ý nghĩ độc lập, khác hẳn những bài viết khác khá giống nhau (chắc được thầy cô gợi ý?!). Mong sao các con có nhiều những bài viết độc lập và sáng tạo!

Sáng hôm sau, ngày 07.03, nhóm chúng tôi đi thăm Trường chính TH SMS, ở trung tâm xã. Trưởng đoàn Sống Thật Chậm sắp xếp vậy vì hôm qua nhóm chúng tôi đã phải cuốc bộ khá nhiều, chứ thực lòng ai trong số tình nguyện viên cũng muốn đi đến bản xa nhất - Trà Phà.

Ở Trường chính, trong khi phát áo, vở viết và đồ dùng học tập cho các bé, chúng tôi để ý ngay đến dãy cặp lồng cơm để trên bệ cửa sổ. Bạn Lana đã có bài viết thật xúc động về "chiếc cặp lồng cơm", còn tôi thì tỷ mẩn đếm: trong số 12 chiếc cặp lồng, có duy nhất một chiếc có thức ăn mặn (thứ gì đó giống cá kho), 8 chiếc chỉ có rau cải muối hoặc luộc, 1 chiếc chỉ có củ gừng và tý muối, 2 chiếc hoàn toàn không có bất kỳ thức ăn gì. Mà như mọi người biết, đây là điểm trường chính, thường có nhiều con em cán bộ, gia đình cũng ít người nghèo hơn so với các thôn bản sâu trong núi.
 

Lại có thêm chút vân vi (xin phép anh PNT), chút đắng đót. Lại phải nghĩ, làm thế nào để các con Tiểu Học (hiện chưa được hỗ trợ của cơm thịt) có thêm tý chất đạm, ít nhất là vào bữa cơm trưa, để còn có sức mà học.

Trước khi chia tay các con, các thầy cô giáo, chúng tôi ghé thăm khu học sinh tiểu học nội trú. Chỉ có 5 cháu bé, 2 phòng nhỏ, 3 cái giường tầng. GHX trang bị riêng cho các con đầy đủ bộ xoong, chảo, bát thìa cốc inox, và túi cá khô, để các con tự tổ chức nấu ăn hàng ngày.

  Cái giường cao, lại kê ngược thế này
Làm sao con gái trèo lên được tầng trên nhỉ?

Nhà tắm

Rời Sàng Ma Sáo, chúng tôi cứ tiếc sao lúc ở Hà Nội không cố nhồi thêm, nhét thêm ít áo, ít bánh kẹo, ít ... bất cứ thứ gì, vào những chiếc xe vốn đã chật cứng đồ, để có thể chia thêm cho bọn trẻ. Và chúng tôi cũng hiểu, còn nhiều, rất nhiều việc chúng tôi sẽ phải làm để góp một phần nho nhỏ cải thiện điều kiện sống và học tập của các bé ở SMS nói riêng, và ở vùng cao Tây Bắc nói chung này.
 

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Những nẻo đường núi

07.03.2012
Mới hai lần lên Bát Xát và một lần lên Mường Khương, mà những địa danh, những cung đường trước đây tôi chưa từng nghe đến, giờ đây cũng trở nên vô cùng thân thương, quen thuộc, như thể tôi đã sống ở đây lâu rồi. Có lẽ tại bởi vì tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trung du, nên tôi yêu những con đường ngoằn ngoèo trườn trên sườn đồi dốc núi, những con đường vượt suối băng ngầm ở Tây Bắc.

Chiếc xe tải của chúng tôi chở nặng quần áo, sách vở và những vật dụng học tập, sinh hoạt cho các em bé ở Pa Cheo và Sàng Ma Sáo (Bát Xát) đến Lào Cai lúc 4h chiều ngày 4.3. Từ Lào Cai vào Pa Cheo có hai con đường: một đường qua Sapa, dài khoảng 70 km, và một đường qua Bản Vược - Mường Vi - Bản Xèo, dài khoảng 35 km. Con đường qua Sapa lần trước tôi đã đi, trải nhựa khá tốt, nhưng nhiều dốc cao và dài. Sau khi hỏi thăm mấy người lái xe tải về con đường Bản Xèo, nghe nói đã sửa gần xong, và tôi biết hàng ngày xe khách Lào Cai-Mường Hum vẫn chạy tuyến đường này, chúng tôi quyết định chọn con đường ngắn. Anh chàng lái xe thích đi đường gần, còn tôi thì thích khám phá. Và chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian và sức lực vì đoạn đường này. Từ Lào Cai đến Bản Vược đường tốt. Từ Bản Vược đường rải đá dăm, cũng khá tốt tuy hơi hẹp. Nhưng chỉ được khoảng 5 km thì bắt đầu là đường đá gồ ghề, mấp mô, xe chạy rất chậm. Đến cách Bản Xèo khoảng 7 km, đường bị tắc do lở núi.


Chiếc xe ủi đất lại bị tuột xích, đứng chềnh ềnh giữa đường


Nghe chúng tôi nói xe từ Hà Nội chở hàng ủng hộ cho học sinh vùng cao, mấy anh công nhân sửa đường nhanh chóng dùng máy xúc kéo chiếc xe ủi ra, và dùng gầu xúc để san tạm đường cho xe ô tô qua.


Khi thông đường thì trời cũng vừa sập tối. Không quen đường, anh lái xe cứ dò dẫm từng tý một, chốc chốc lại nhờ tôi dùng đèn pin soi đường ở khúc cua gấp, hoặc xuống đánh xi nhan cho xe qua những chỗ ổ voi khỏi bị chạm gầm. Có đoạn suối, anh ta tháo giày, lội bộ qua ngầm cẩn thận rồi mới lái xe qua. Quãng đường hơn chục km còn lại đến Pa Cheo, chúng tôi lò dò đi hết hơn hai giờ đồng hồ.

Nhưng đoạn đường từ Pa Cheo vào Sàng Ma Sáo qua đèo Cán Tỷ vào sáng hôm sau mới là thử thách thực sự với chiếc xe tải nhỏ và người lái xe chỉ quen đi đường ở đồng bằng. May nhờ trời khô ráo và xe nhẹ bớt sau khi dỡ một phần hàng xuống Pa Cheo, chúng tôi vượt đèo an toàn, chỉ có mấy lần thót tim khi xe lắc lư nghiêng ngả ngay trên mép vực sâu hút, và một lần loay hoay nửa tiếng trên đèo để cậy hòn đá sắc lẻm kẹt chặt giữa hai bánh xe.

Ngày hôm sau, các nhóm "gánh hàng xén viên" chia nhau đi các lớp cắm bản, những nơi mà ô tô, thậm chí cả xe máy cũng không đi được nữa. Nhiều chỗ, các bạn phải đi bộ 3-4 km mới vào đến trường. Con gái Hà Nội có dám phi xe xuống con dốc dựng đứng lởm chởm đá như thế này?

Đường vào bản Nậm Pẻn (Sàng Ma Sáo)

Vậy mà các cô giáo trẻ ở đây vẫn chở hàng, chở người đi băng băng. Có chỗ tôi đi một mình một xe còn khó, thì thầy giáo tiểu học chở kẹp 3 vẫn chạy ngon lành. Một cô giáo còn trẻ măng, chắc cũng mới về trường, dừng xe máy ngay đầu con dốc vừa cao vừa hẹp, run run nói: "Các anh chị ơi, em sợ lắm!". Nhưng khi mấy anh em trong đoàn xin cầm lái giúp cô, thì cô không chịu, tự đi xuống dốc an toàn, rồi bảo: "Em phải xin mãi bố mẹ em mới cho mang xe máy lên đây!". Lúc đó mới hiểu tại sao các cô giáo bảo, chi phí lớn nhất của các cô ở vùng cao là tiền đổ xăng và sửa xe máy.


Ở Tây Bắc không chỉ có những cung đường gian nan hiểm trở, mà còn có những cảnh đẹp hùng vĩ làm say lòng người. Chiếc máy ảnh du lịch nhỏ xíu không thể giúp tôi lưu giữ lại tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời trên đường đi. Tôi vẫn tiếc máy không đủ zoom để chụp cảnh những người phụ nữ H'Mông tắm bên suối Mường Hum trong chiều nắng cuối đông.

Khe suối Mường Hum, nhìn từ lưng chừng đèo Cán Tỷ

 Ngầm Bản Xèo, nhìn từ lưng chừng đèo Cán Tỷ

 Bản Xèo, nhìn từ đèo Cán Tỷ

 
 Sáng sớm ở Tả Lèng (Pa Cheo)

Thung lũng Kin Sáng Hồ buổi sớm, nhìn từ Tả Lèng. Ở giữa là trụ sở UB xã và
Trạm Y tế, bên trái là Trường THCS, bên phải là khu trường Mầm Non + Tiểu học.
Trông ngay gần vậy mà phải đi xe máy 5-6 km đấy.

Trường THCS Pa Cheo, bên sườn dãy núi phía xa là con đường đi Sapa.


 Đổ nước vào ruộng bậc thang

Ruộng bậc thang ở Ki Quan San (Sàng Ma Sáo)

Giữa lòng suối cạn (Nậm Pẻn, Sàng Ma Sáo)

Mời bạn ngắm những nẻo đường Tây Bắc qua ống kính của N.H.T,
một tình nguyện viên mới trong chuyến đi này của Gánh Hàng Xén:

Đường lên bản Pờ Sì Ngài (Pa Cheo)






Tôi yêu những con đường gập ghềnh đá sỏi, như cái số phận trầm luân vất vả của những con người Việt Nam. Tôi yêu những con đường rải nhựa mịn màng, quanh co uốn lượn trên các sườn núi cao Tây Bắc, dẫn chúng tôi đến với những em thơ nơi địa đầu Tổ Quốc. Như yêu mảnh đất này, nơi tôi đã sinh ra.
 

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Nhật ký Tây Bắc: Trở lại Tả Lèng

06.03.2012
Những ngày đầu năm 2012, đi theo Gánh Hàng Xén tới Pa Cheo, tôi được phân công chia áo, chia quà cho các con ở lớp Mầm Non thôn Tả Lèng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lần đó tôi đã chết lặng khi thấy một thằng bé con khoảng 2-3 tuổi, đứng tựa cửa lớp nhìn vào với vẻ thèm thuồng. Nó chỉ mặc trên người duy nhất chiếc áo sơ-mi mỏng dài tới dầu gối, chắc của anh nó để lại, trong khi nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 6-7 độ C. Tôi đã rất hối hận vì không kịp tặng nó cái áo ấm, bởi bận quay qua quay lại phát áo trong lớp, lúc ngó ra thì nó chạy đâu mất rồi. Vội đi để kịp đến điểm trường khác theo lịch trình, tôi đã không có đủ thời gian tìm nó.


Lần này Gánh Hàng Xén trở lại Pa Cheo, tôi theo xe tải đưa hàng vào các điểm trường từ hôm trước, nên có cả một buổi tối để gặp gỡ, giao lưu với các thầy cô giáo và một số người dân thôn Tả Lèng. Nhờ cô Hải ở Mầm Non Tả Lèng, được biết tên cháu bé đó là Vàng A Thinh, nhà trong thôn này nhưng hơi xa, và từ sau Tết, Thinh đã bắt đầu vào học lớp mầm non. Đang tính nhờ cô dẫn đến thăm nhà bé Thinh, để trao tặng túi áo quần mà vợ tôi đã chuẩn bị riêng cho nó, thì cô Hải chỉ một chị người H'Mông, giới thiệu là chị Lý Thị Dơ, mẹ bé Thinh. Nhìn bức ảnh tôi đưa, chị ngạc nhiên lắm, rồi khi được cô giáo nói là cho ảnh mang về nhà đấy, chị tỏ vẻ rất vui mừng. Tôi đưa tặng túi quần áo, chị tần ngần e ngại không nhận. Nhờ cô giáo và mấy chị người H'Mông khác động viên, giục giã (họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc, nhưng không khó để hiểu qua cử chỉ), chị mới nhận, tất tả mang về mặc cho con.
 

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi chia nhau đến các điểm trường, tặng áo quần và bánh mì cho các cháu. Tại lớp Mầm Non, tôi gặp lại bé Thinh. Hôm nay nó khoác lên người những 3 cái áo cùng cái quần trong số 4 bộ mới nhận tối qua. Con nhà nghèo, đông anh em, hẳn là thiếu ăn, nhưng thằng bé trông thật khỏe mạnh, chắc nịch. Có lẽ cuộc sống vất vả thiếu thốn, trong điều kiện hoang sơ và khắc nghiệt ở Miền núi cao Tây Bắc, trui rèn cho bọn trẻ ở đây sức sống mãnh liệt và khả năng chịu đựng cao hơn ở miền xuôi.


Vẫn là lớp học Mầm Non quen thuộc, vẫn những gương mặt ngây thơ trong sáng mà rất đỗi thân thương với tôi từ chuyến đi trước. Lần này chúng tôi tặng mỗi con thêm một áo khoác ấm và 1-2 áo thun mặc trong.


Còn đây là lớp Mầm Non bé. Đứa bé ngồi giữa, hàng phía sau, lần trước đã khiến tôi trào nước mắt vì nó mặc cái áo khoác vừa bẩn, vừa rách được khâu túm luôn hai mép áo thay cho cúc (tức là không thay áo, không tắm rửa suốt mấy tháng mùa đông!). Cậu anh trai của bé, ngồi hàng trước, đang mải mê ngắm nghía mấy cái áo mới nhận. Cả hai mới được bố mẹ sắm cho áo sơ mi mới thì phải, màu ghi xám kẻ sọc.

Rời lớp Mầm Non, sau khi nhờ cô Nhuận phát bánh mì cho các con sau giấc ngủ trưa, tôi sang thăm mấy lớp Tiểu học bên cạnh. Bọn trẻ Tiểu học đang háo hức chờ nhận quà từ sáng.


Mỗi cháu được một bộ quần áo vải sợi mới tinh rất đẹp, một áo khoác, một áo một quần thun, một khăn quàng ấm (đều đã qua sử dụng, nhưng tốt và sạch sẽ). Nhiều đứa diện ngay vào người, nhưng nhiều đứa khư khư ôm chặt đống "tài sản" quý giá trong tay.


Đang thời gian bận rộn làm nương, ít người dân bản đến xem chúng tôi chia quà hơn lần trước, nhưng lại có rất nhiều những cảnh "trứng vịt" cõng "trứng gà" thế này:


Cậu bé này nhận áo khoác, nhưng xin đổi bộ pijama cỡ nhỏ để cho em.

Em cũng có ghế ngồi trong lớp 3

Những bạn lớp 5 này đã có ủng mới từ Gánh hàng bổ sung ngay trước Tết Nguyên đán, không còn cảnh "chân trần đến lớp" như trước đây nữa.


TH Tả Lèng, 04.01.2012 (ảnh: HAT)
TH Tả Lèng, 15.02.2012 (ảnh: thầy Hùng)











Nhờ công sức đóng góp của bao tấm lòng hảo tâm, đặc biệt là của nhóm bạn DQ từ Mỹ và Khanh WHO, chúng tôi đã có thể cấp cho mỗi điểm trường một tủ thuốc cơ bản và một túi sơ cứu với đầy đủ thuốc sát trùng, bông, băng, gạc, ga-rô, kéo, băng dính, hướng dẫn sử dụng ....

Cũng như những người bạn "cơm thịt viên", "hàng xén viên" đang làm những việc nho nhỏ này, tôi tin rằng những bát cơm thêm thịt, những manh áo ấm, những đôi tất, đôi ủng ... mà chúng tôi được thay mặt bà con gần xa chuyển đến đây, dù còn ít ỏi, sẽ góp một phần giúp các cháu bé vùng cao ít ốm đau hơn, lớn lên khỏe mạnh hơn, giỏi giang hơn. Và điều quan trọng nhất là các cháu sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp lá lành đùm lá rách, để hiểu rằng luôn có những tấm lòng quan tâm đến chúng, rằng trẻ em sẽ không bị bỏ quên trong đói nghèo nơi thâm sơn cùng cốc, cũng là nơi phên dậu biên cương của Tổ Quốc này.

Xin xem thêm:
- Nhật ký Tây Bắc: Tả Lèng
- Ma Xó: Cái bánh mì
- Ma Xó: Tìm lại một phần niềm tin đã mất
- Tản mạn: chỉ là lời chúc muộn