Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Con đường đến trường

(Thu Ngà - gửi HAT blog)
  
Bài này viết rồi mà tớ cứ hoãn tới hoãn lui việc gửi cho Tuấn đăng giùm trên HAT blog. Lúc đầu vì sát với thời gian lên Trường Độc Lập quá, còn sau này lại sợ Tuấn có nhiều việc ở cơ quan nên cứ ngại làm rối Tuấn thêm, lại hoãn lần nữa. Nhưng sau khi lên Thái Nguyên thăm lại Trường Độc Lập về thì việc này đã trở thành sự kiện ở gia đình tớ. Nhờ việc gặp Tuấn rồi xin được số điện thoại của bố Tuấn nên mẹ tớ thấy tớ là hồ hởi khoe: “Mẹ gọi điện cho ông Phúc rồi đấy…Ông bà ấy khỏe…Ở với cậu con trai thứ…”. Cụ cũng sống lại một thời tuổi trẻ của các cụ. 
Cậu em trai tớ xa Thái Nguyên khi mới học lớp 4, nó không nhớ nhiều về trường Độc Lập nhưng rất quan tâm xem trường mình thế nào. Cái ao giặt giẻ lau bảng còn không? dãy lớp học vẫn như xưa chị nhỉ? Rồi khen bài của chị nó nhiều cảm xúc đọc thấy nhớ trường quá! Lớp chị hay thật đấy…Cô em út tớ thì có một cô bạn đồng nghiệp ngày xưa cũng ở Đồi Độc Lập gần nhà Vân Loe cũng có chung cảm xúc với chúng mình, nên rủ nhau vào trang blog của Tuấn, phục các anh chị “hoành tráng” quá, mời được các thầy cô giáo đến dự vào buổi họp mặt lần đầu như thế bọn em chẳng làm được đâu. Rồi xem ảnh trường mới…Chao ôi! Khen hết lời…Phục các anh chị ghê!... Nhưng chê chị Ngà không ăn ảnh, béo quá (thôi xin đừng có ai liên tưởng cắm cho tớ 1 cái gì nhé, tớ không thể thành voi được đâu!). 
Còn con gái lớn của tớ thì kể lể: “mẹ cháu làm cho cháu tưởng đang học cùng lớp với mẹ”…Cô con gái út thì thỏ thẻ: “Mẹ về muộn thế. Con nhớ mẹ quá cơ!”. Câu sau nó hỏi luôn “Thầy Tuất có đến dự không mẹ?” - “Có chứ. Thầy còn rất thích ăn bánh ngọt con ạ”. Nó cười khanh khách. Hì hì. Tớ có cảm giác nó yêu quý thầy Tuất gần bằng tớ rồi đấy.

Hôm 20/11 vừa rồi nhận được nhiều tin nhắn chúc mừng của các bạn…Của Phúc, của Nga, Thu, Bình, Thái. Mình cảm động lắm! Cảm ơn các bạn. Các bạn chu đáo quá. Thế là mình lại quyết định nhờ Tuấn 1 lần nữa vậy. Không thể trì hoãn lại nữa vì MÌNH CÒN YÊU TRƯỜNG ĐỘC LẬP QUÁ CƠ!!!


Hoa sim (vn.myblog.yahoo.com)
Hồi bé, hàng ngày chúng mình đi bộ đi học từ khu Phố Hương xinh đẹp đến trường, suốt một chặng đường dài đầy khám phá và kì thú (thế mà bố mẹ cứ hay mắng vì cái tội la cà đấy!). 

Đầu tiên phải đi qua một đoạn hai bên đường toàn tre, ban ngày nắng không rọi được xuống lòng đường vì cành tre cứ đan vào nhau từ bên này đường sang bên kia đường. Chỗ này là đường rẽ vào nhà Bình “lác”. Ban ngày nó thật mát mẻ, nhưng tối đến nó tiềm ẩn nhiều thứ thật sợ… 

Tiếp đến mình phải đi qua một cái cầu nhỏ, dưới cầu nước trong veo có rất nhiều rong đuôi chó mọc ở đó. Đó chính là hệ thống cấp nước cho các cánh đồng của địa phương, nước chảy suốt nên trông như một dòng suối nhỏ. Chỗ này hấp dẫn bọn mình lắm vì được ngắm lũ rong xanh và đẹp cực kì. Sau này lớn lên mình luôn vẫn có cảm tình với những cây rong mềm mại ấy. Dọc đường có rất nhiều thứ cây dại có quả mà bọn nhóc chúng mình có thể ăn được: cây lạc tiên quả chín vàng, cây tầm bóp quả chín đen (hay cây tầm bót tớ không chắc), lá cây cập kênh, cây lá dính để dính lên quần áo làm đồ chơi…và nhiều thứ lắm, trẻ con mà lại, còn hay khám phá nữa chứ. 

Lên dốc 18 đoạn gần nhà Thanh “đen”, đoạn dốc này cao ra phết, và đầy ấn tượng. Nhà Thanh đen dưới chân dốc có hàng rào tre dầy đặc, đất nhà Thanh “đen” cũng rộng rãi, bố mẹ nhà cậu ấy căn cơ nên khuôn viên nhà cậu ấy đẹp lắm. Ven đường, còn có cây bìm bìm nở tím ngắt, lên đến đỉnh dốc là nhà Bằng “Đăng”, đẹp theo kiểu của người Hà Nội, giàn cây và vườn hoa điệu đàng xinh xắn. 

Dọc đường, những ổ voi to tướng nằm cạnh liên tiếp, bọn mình còn thoải mái lội nước khi mùa mưa xuống mà không sợ nước ăn chân gì cả. Con đường ấy chẳng trải nhựa mà gập nghềnh lắm. Những cái ổ voi to ấy là do xe tải của Đoàn Mười đi lại nhiều mà tạo thành, mình nhớ chúng mình còn hay hát vè “con ơi muốn nên thân người. Thấy xe Đoàn Mười thì tránh cho xa”. 

Đi một chút nữa là đến nhà Kiều Nga, nhà ngay mặt đường có hàng rào râm bụt nở hoa đỏ quanh năm, nhưng lá râm bụt lại lấm bụi đường. Vườn rau nhỏ nhà Nga, tớ chả nhớ trồng rau gì, chỉ nhớ hay được ăn chực cơm muối vừng thôi. Khu này đông đúc dân cư, vào trong ngõ là nhà Tuấn và Dũng. Khu này  mình không thạo lắm, chỉ nhớ khi chưa xây cơ quan thì nó là một quả đồi trọc cằn cỗi, chỉ mọc đầy cây cỏ may. 

Đi thằng từ nhà Nga đến trường đi qua một hồ cá to và đẹp, cả con đường dài chỗ này là chỗ mang hơi hướng thành thị vì nó đông dân cư và gần cơ quan nên được xây dựng đẹp và khang trang hơn. Rồi đến ngõ rẽ vào nhà Phúc, con đường này cũng xanh rì nhiều cây cối và tre. Ở nhà Phúc, có ba thứ hấp dẫn mình nhất đó là tủ sách truyện của ba chị em Phúc mà mỗi lần mình qua nhà cậu ấy vẫn hào phóng cho  mình đọc thoải mái. Hai là khu vườn rộng và xanh tốt nhà cậu. Mình nhớ Thái Nguyên toàn xẻ đồi ra làm nhà thôi nên đất nhà mình cũng ở trên đỉnh đồi đất đỏ, đất cứng lắm, bổ cái cuốc chim xuống mà nó cứ muốn nảy lên thôi. Nhưng ở chỗ nhà Phúc đất màu mỡ lắm mềm xốp, cây cối mọc tốt lắm. Mình mê mải ngắm những cái mầm cây lá bỏng xếp hàng trên nách lá còn đọng sương đêm đẹp một cách lạ lùng, mình xin Phúc về ươm ở nhà mình nhưng nó chẳng đẹp như cây ở nhà cậu. Rồi cái giếng nhỏ của nhà cậu còn không? mình rất thích kéo nước lên giúp chị Hạnh rửa rau nấu cơm đấy. Trên miệng giếng bố cậu còn cẩn thận làm cả cái nắp nữa cơ.

Cổng khu cơ quan Công ty Xây Lắp nơi bố mẹ tớ làm việc đẹp ơi là đẹp hai bên đường phi lao xanh thẳng vút lên trời. Chỗ này cũng là chỗ bọn tớ nghỉ chân buổi trưa nắng khi đi học về, cả bọn ngồi xuống một cây cầu nhỏ ngắm nước chảy, thi thoảng thấy cả cá cờ đuổi nhau dưới nước hoặc nghếch mắt đọc bản tin trên bảng cơ quan xem họ viết gì nữa. 

Đi thêm 1 đoạn là đến chợ Dốc Hanh, nơi đây đích thị là phố chợ rồi vì nó sầm uất hơn chỗ nhà tớ ở. Đi học về qua đây mất rất nhiều thời gian. Dãy hàng xén hấp dẫn cực kì với những thứ xanh đỏ, bọn con gái thích mê ly, cặp tóc này, cúc áo, kim chỉ này… Chỉ được ngắm thôi cũng thích chán. Đầu chợ ở gần trường là sạp báo của nhà Ngô Sĩ Tuấn, mẹ Sĩ Tuấn bán hàng bác ấy vừa khó tính vừa dễ tính. Bọn mình hay bám vào trước quầy của bác ấy để ngắm những thứ thích thú bên trong ngày ấy, những quyển lịch bỏ túi cũng đẹp ơi là đẹp. Những bưu ảnh là cả một niềm mơ ước rồi. Mình say sưa nhất là báo thiếu nhi với những truyện dài kì in trong đó, đọc lần này lại phải đọc số tiếp sau nữa. Chờ đợi báo mới ra là cả một sự chịu đựng lớn đối với mình. Ngày ấy hình như một tuần mới ra 1 số hay sao ý. Còn báo tết thì hay kinh khủng. Được đứng trước quầy báo cầm tờ báo của mình thì sướng không còn gì bằng. Còn sợ nhất là bác ấy bảo hết báo rồi cháu ạ. Bác ấy hay ăn trầu và cách bác ấy nhấm nước bọt để đếm tiền cũng ấn tượng cực kì luôn. Chợ Dốc Hanh cũng là một nơi đầy kỉ niệm với tuổi thơ mình và sạp báo của mẹ Sĩ Tuấn thì là một nơi không thể quên được vì nỗi khát khao được đọc của trẻ con trong một thời khó khăn ấy.

Bắt đầu vào con đường Đồi Độc Lập. Đường được giải đá răm nhỏ kéo đến tận trường mình. Đường vòng sát dưới chân đồi còn trên sườn đồi là những dãy nhà tập thể xây ôm vào các nấc bậc thang đồi. Đầu tiên phải đi qua nhà Mai và Liễu, sau đó đến dãy nhà Thảo và Hiền. Phía bên phải đường hình như chỉ là bãi đất trống.Con đường kéo dài đến 1 bếp ăn tập thể đông đúc nhộn nhịp. Trường mình đây rồi!

Con đường xưa tớ đi học bây giờ không còn giống trong kí ức của tớ nữa. Nó đang được xây dựng thành 1 khu phố mới, không thể nhận ra nhà Thanh, nhà Bằng, nhà Nga, cổng công ty nơi bố mẹ tớ đã từng làm việc. Tất cả là nhà cửa san sát nhau không thể thấy mương nước chảy, những ruộng lúa, những cái ao thả cá ven đường đâu cả… Hi vọng nó sẽ đẹp hơn miền kí ức của tớ về khu Gang Thép mình.

(Lê Thu Ngà)


(HAT) - Bài viết của Ngà chỉ là tả con đường đi học nhưng đầy cảm xúc. Tớ định viết một comment thật dài, nhưng Ngà cũng đã viết lời dẫn khá tỷ mỷ. Quả thực Ngà đã nhấm nháy gửi bài từ lâu, nhưng sau khi đi Thái Nguyên về, Ngà lại nói: "Có nên đăng bài mới không nhỉ, tớ tả con đường đi học, qua nhà Bằng và K.Nga, nhưng tớ thất vọng quá". Có thể Ngà thất vọng vì được chứng kiến con đường đang làm nham nhở, gồ ghề khó đi. Nhưng có lẽ đúng hơn là Ngà thất vọng vì không tìm lại được con đường giống như trong miền ký ức của thời đi học xa xôi. Làm sao tìm lại được con đường đó ngoài đời, sau ba chục năm, bởi cuộc sống là dòng chảy không ngừng. Ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông? Tớ bảo Ngà: "Cậu phải tìm con đường xưa trong ký ức thôi. Con đường đang sửa bây giờ nham nhở, sau sẽ rất đẹp đấy. Nhưng dù xấu hay đẹp đến mấy thì cũng không phải, không đẹp bằng con đường cậu đã đi".

Cuối cùng thì Ngà cũng gửi bài. Tớ đọc và rất xúc động. Bởi đó cũng chính là con đường tớ đi học, nhà tớ gần trường hơn một chút. Những chi tiết, hình ảnh Ngà mô tả thật rõ nét, sinh động như thể tất cả mới xảy ra hôm qua thôi. Tớ đọc và thấy mình đang đội nắng đi bắt chuồn chuồn trên "quả đồi trọc cằn cỗi, chỉ mọc toàn cỏ may" đầu xóm Đồi O, khi ở đó còn chưa xây khu cơ quan Ngành đời sống Xây lắp, trước khi bố mẹ đi làm về lại cuống cuồng nhặt bông cỏ may găm đầy ống quần. Tớ sống lại những buổi đi cắt rau vừng cho heo, trên quả đồi (khi đó còn rất hoang vu) bên trong Công ty Xây lắp luyện kim, phía con đường sau này thành Đường Tròn, và tranh thủ rúc vào bụi tìm mấy quả lạc tiên hay quả sim quả mua chín, ăn vào tím hết cả môi. Cũng có lần sục phải tổ ong, bị ong đuổi chạy đứt dép. Tớ thấy mình đang ngồi bên cái cống ở gần cổng Xây lắp, trên con đường phi lao đó, thả chân xuống dòng nước chảy ào ào. Ở đấy đúng là có nhiều cá cờ, cá rô, nhưng thử bắt bao lần chẳng được con nào.

Những mảnh ký ức ấy tớ vẫn nhớ rõ. Chúng mình đều nhớ rõ. Đôi lần tớ định viết rồi lại thôi, bởi nó cứ tản mạn thế nào, chuội đi như những hòn cuội nhẵn thín tớ tha thẩn nhặt trong bãi cát! Nhưng Ngà đã xâu chuỗi những mảnh ký ức vụn đó bằng một sợi dây: đó là con đường đi học. Tớ lại liên tưởng đến những quả phi lao khô được tụi tớ nhặt, rồi xâu chuỗi lại bằng dây thép, mùa đông lạnh giá đem đốt lên để sưởi ấm bàn tay tê cóng, và hít hà hương nhựa thông cháy thơm nồng. Thấy mắt cay cay, chắc tại khói quả phi lao cháy đây mà!

35 nhận xét:

  1. Bánh ngọt Ngà mang lên TN khao các bạn rất ngon. Tớ ngồi cạnh thầy Tuất, đĩa bánh bày lên, thầy nói: "Bánh này tao ăn được tới no".

    Trả lờiXóa
  2. Con đường trong ký ức của cậu thật sống động và thật đẹp. Nó rất riêng của các cậu nữa, tớ đọc mà như đang ngắm bức tranh thiên nhiên có những nhân vật chính tung tăng là các cậu thôi. Nhưng cậu làm tớ nhớ về con đường đến trường của tớ. Cũng dép mòn, cũng gập ghềnh đường nhỏ, cũng tuổi thơ.
    Cảm ơn bài viết của cậu rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Nhà mình ngày xưa ở gần trường, gần đến nỗi có hôm tổ mình phải trực nhật mà mình quên mất, thế mà đứng trong nhà thấy Hồ Tuấn cắp chổi đi qua mới sực nhớ, cuống cuồng chạy theo mà vẫn kịp. Hồi ấy mình cứ tự nhủ nhà mình gần trường thật may.

    Đến hôm nay được xem bức tranh con đường đến trường mà Ngà voi vẽ sao đẹp đẽ thơ mộng thế, mình lại tiếc quá, giá như nhà mình ngày xưa ở xa trường một chút để được cùng các bạn đi học như thế nhỉ!

    Trả lờiXóa
  4. @Lana: Con đường đến trường của cậu chắc cũng rất giống con đường của bọn tớ. Nhưng cũng lại rất riêng: cây tre kia không cao bằng tre nọ, bông sim kia đâu tím giống sim này ...

    Trả lờiXóa
  5. @Thảo: nhà gần sáng mùa đông không phải dậy sớm đi học sướng thế còn gì! Ừ nhưng tan học về không được la cà như bọn tớ. Bà nội Thảo nghe thấy trống tan học, mấy phút sau mà chưa thấy cháu gái về là gay to nhỉ.

    Trả lờiXóa
  6. @T. Ừ, tớ hồi đó bị úm thấy ớn. Thế mà buổi chiều thỉnh thoảng vẫn thoát được đi chơi.

    Tớ nhớ mình toàn nịnh nọt bọn con trai để chúng nó cho đi theo bắt tổ chim. Có hôm bắt được nguyên tổ chim non, chúng nó cho 1 con, về nuôi trong ống bơ sữa bò. Chim thì chưa mọc cái lông nào thế mà tớ thương quá, toàn dang nắng bắt cào cào, châu chấu về nhồi cho nó ăn, hôm sau nó chết, khóc ơi là khóc... Ác quá!

    Rồi lang thang hết xó xỉnh này đến bụi cây kia, ăn các loại lá lẩu có thể ăn được, lá cậm cang, quả cứt chuột, sang hơn nữa thì có lạc tiên, sim, mua, sắn thuyền... mồm mép răng lợi đen thui. Cả rễ cỏ tranh hay củ cỏ gấu cũng không tha, chùi qua vào quần rồi ăn, miệng còn sạn những đất là đất.

    Trả lờiXóa
  7. Vài ngày vào không thấy gì mới. Hôm nay, sáng lang thang người đường, chiều mạng tậm tịt không vào được, tối chán không vào nữa, giờ sắp tắt máy đi ngủ vào qua lại tháy mình quá chậm chân.
    @Ngà: Công nhận Ngà xâu chuỗi mọi chuỵện giỏi thật đấy, thế sao không làm nhà văn nhỉ?. Còn cái giếng nhà mình ngày ấy phải lấp đi khi làm lại bếp và có đào cái khác cách đấy có 2m thôi mhưng nước không ngon bằng và giờ đây nó chung số phận của mọi cái giếng là bị ô nhiễm nên giờ chỉ để tắm giặt tưới cây chứ không ăn được nữa

    Trả lờiXóa
  8. Đọc "con đường đi học" của Ngà và các bạn, mình biết chắc chắn hôm nay lại tiếp tục mất ngủ..., con đường đi học, bọn mình đã gửi cả tuổi thơ trong đó,lúc nào cũng sống động và thật đẹp, ngày đó mình chưa bao giờ có cảm giác nó gập gềnh hay sỏi đá, vì hầu như bọn trẻ con xóm mình ở đường nhiều hơn ở nhà thì phải, bao nhiêu năm qua mình vẫn thường mơ về con đường, về ngôi nhà cũ, chẳng biết nói cùng ai và kể với ai, ký ức tuổi thơ chỉ những ai đã đi qua mới đồng cảm được. Cảm ơn Ngà và các bạn, các bạn đã cho mình quay lại Con đường, quay lại với tuổi thơ, cùng đi chơi, cùng đi học....

    Trả lờiXóa
  9. @Thảo: lá cậm cang, quả cứt chuột, sắn thuyền - ba từ này tớ không hề biết mới buồn chứ. Không có chút khái niệm nào! Sắn thuyền có phải sắn dây không? Ngày xưa tớ thấy bọn nhỏ hay cắt thân cây sắn dây thành từng khúc ngắn, rồi ngồi tước ra ăn ngon lành, như bây giờ người ta xé khô mực í. Cây tầm bóp xưa mọc khắp nơi, làm vườn phải nhổ như nhổ cỏ, nay người ta trồng nhiều làm rau đặc sản. Xào ăn ngon ra phết.

    Trả lờiXóa
  10. @T.: Lá cậm cang (tớ đồ rằng nó là lá cập kênh mà Ngà voi nhắc ở trên) là một loại lá dại, lá non óng mỡ mọc chung với các bụi cây sim mua, ăn chua chua, chát chát. Quả cứt chuột cũng là cây dại, tớ không nhớ lá nó có ăn được không, nhưng nó có quả nho nhỏ, dài dài (y như cứt chuột hìhì), khi chín thì đen thui, ăn ngòn ngọt. Còn sắn thuyền Tuấn không biết à? Quả nó chín đen, người ta còn đem ra chợ bán giống như sim ấy. Tớ nhớ ở trong khu đất của Xây Lắp có mấy cây, mình đi học từ đường 36m còn nhìn thấy.

    Lại nhớ có một lần tớ với Hiền sì lang thang, tớ nhìn thấy một quả lạc tiên chín ngon ơi là ngon, Hiền sì bảo "Quả này có rắn bò qua rồi, tao nhìn tao biết, ăn vào là chết". Mình sợ không dám hái, quay đi quay lại đã thấy biến mất, đích thị là đã vào bụng Hiền sì từ khi nào rồi. Ấm ức mà không làm gì được. Ngố ơi là ngố!

    Trả lờiXóa
  11. @Thảo: có lẽ là tớ chưa chén những thứ đó, nên đọc tên chẳng nhớ ra chút nào. Ngày xưa trên đồi ngoài sim và lạc tiên thuộc loại quả ngon, thì còn có "quả mua đất" - một loại cây dại nhỏ thấp, mọc lan sát mặt đất như cỏ, quả nhỏ bằng hạt lạc, màu xanh, khi chín ngả màu đỏ rồi đen, rất ngọt. Lá cây mua đất ăn được, cũng có vị chua chua chát chát.

    Trả lờiXóa
  12. Lại nói về cái bảng tin của Xây Lắp, có một hôm đi học về nhìn chú hoạ sĩ đang vẽ một hình lên bảng mình liền bảo "đây là cái trống đồng" làm chú ấy nhìn mình và khen một câu (mình k nhớ rõ nhưng đại loại là khen giỏi)làm mình phổng mũi đến tận bay giờ

    Trả lờiXóa
  13. Ngà voi đang lồng lộn lên vì vào blog đọc bài, thấy các bạn comment say sưa mà Ngà không sao còm được, vì Ngà truy cập từ Ipad. Tớ không dùng Ipad nên chẳng biết tư vấn cho Ngà thế nào. Có bạn nào thạo món này giúp Ngà với nhé.

    Ngà nhờ tớ nhắn cho Thảo là cây "cậm cang" của Thảo với cây "cập kênh" của Ngà là 1 mà thôi. Hồi ấy bọn trẻ hay nói "ăn cập kênh nằm kềnh ra đấy" - vì sợ nó độc mà. Vì thế Ngà gọi là cập kênh.

    Tớ thì thấy "cậm cang" có vẻ dân dã, hơi có vẻ tiếng Tày Nùng nữa. Còn "cập kênh" thì rất Kinh ("cái bàn cập kênh"). Mấy thứ quả này mà đánh đố thì dân thành phố chỉ có khóc thét.

    Sắn thuyền thì cao sang quá, vì phải có tiền mới mua được. Bọn trẻ tụi mình chỉ được ăn những thứ thiên nhiên ban tặng (miễn phí) thôi.

    Ngà voi cũng nhớ quả "mua đất" mà tớ nhắc đến ăn rất ngon, và trông đẹp nữa. Tớ chỉ thắc mắc voi phải ăn mấy quả đồi "mua đất" mới đủ, vì quả nó bé tí tẹo.

    Trả lờiXóa
  14. Các bạn viết bài hay quá, mấy hôm nay, tâm trạng buồn bực, chán nản vì cái sự đời, mình chẳng làm được gì cả, cảm xúc cũng trơ lỳ luôn. Đi dạy ở Hà nam lại càng buồn vì Thị xã Phủ lý mưa rả rích, yên tĩnh một cách đáng sợ. Muốn có thời gian và cảm xúc để viết bài như các bạn mà khó quá.
    Cám ơn bài viết của các bạn đã làm cho tâm trạng của mình cân bằng một chút.

    Trả lờiXóa
  15. @Ngà: Hí hí... Bây giờ thì Ngà đã biết không còm được nó ức như thế nào. Đã lên tăng xông giống mình lúc trước chưa :))

    Trả lờiXóa
  16. @K.Nga: comment của Nga làm tớ nhớ xóm đồi O chúng mình ghê. Rất tiếc là lần vừa rồi thời gian ít quá không vào thăm xóm cũ được.

    Hôm vừa rồi thằng Hạnh Giảng xóm mình gọi điện, trách mình sao lên TN mà không gọi nó. Ông bà Giảng - Tám vẫn ở đồi O, Hạnh nhà ở gần Đường Tròn. Tớ phải xin lỗi mãi, lại hẹn Tết này lên Gang Thép chịu mấy chén rượu phạt.

    Trả lờiXóa
  17. @Hải: đi công tác lâu không? Mà tớ tưởng Phủ Lý cũng được lên chức Thành phố rồi.

    Nghĩ cũng lạ, bài của Ngà làm Hải đang "buồn bực, chán nản" thành "cân bằng hơn một chút". Còn K.Nga thì từ "cân bằng" trở nên "mất ngủ".

    Trả lờiXóa
  18. @Lana: bạn Ngà voi nhờ HAT gửi lời chào và cảm ơn nhận xét của Lana.

    Trả lờiXóa
  19. Các bạn nhớ về con đường tới trường ngày xưa đi học, đẹp và thơ mộng quá, Nhưng con đường ngày xưa giờ đang sửa lại, bụi mù tăng tít, hiện giờ nhà mình đang ở trên trục đường đó một ngày phải lau bàn ghế nhà cửa không dưới năm lần, còn mỗi ngày phải gội đầu một lần nữa, nếu không tóc nó dựng đứng lên như dễ tre ấy.

    Trả lờiXóa
  20. Hôm nay Minh Cầu lớp cùng khối 7 tụi mình (7B,C, hay D tớ không nhớ) gọi điện và nói đang đọc blog HAT. Minh có vẻ xúc động khi đọc về những kỷ niệm thời cấp 1,2 và trường Độc Lập, về Gang Thép. Cậu ấy phục lớp mình lắm vì các lớp khác tản mạn không tụ họp được như tụi mình. Minh ở HN, làm doanh nghiệp tư. Bạn ẩn danh viết còm hôm qua chắc là Minh Cầu.

    Cậu ấy tỏ ý nhờ Tuấn làm cầu nối để liên kết các bạn học ĐL nay ở HN. Thực ra ở HN cũng đã có hội đồng hương cấp 3 Gang Thép (1981-1984) mà Mai Cẩn làm hạt nhân. Cách đây khoảng nửa năm có một cuộc họp, tớ đi công tác không tham dự, các bạn bàn kế hoạch đi du lịch Đại Lải vào tháng 9.2011, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Hội này chắc khoảng 25-30 người, hơn một nửa là học sinh ĐL.

    Tớ nghĩ cũng có thể liên kết các bạn học ĐL ở HN, lâu lâu tổ chức lên TN, thăm các thầy cô ĐL. Và sau này nếu có điều kiện thì tổ chức họp khối 7, cho các bạn ấy tham gia với. Tất nhiên hạt nhân vẫn là lớp A mình, thêm một số bạn tích cực của lớp khác. Hôm trước các bạn cho tớ số của Quyên, mà lại nhầm thành Quyền (7C thì phải). Lúc tớ nhắn tin mời họp, Quyền hỏi: "Tôi học lớp khác có tham dự được không?" khiến tớ áy náy quá.

    Trả lờiXóa
  21. Ngà Voi vẫn giữ ấn tượng rằng tớ là đứa được ăn trắng mặc trơn, chỉ lo học hành, không phải làm gì cả. Tớ cũng đã công nhận rằng có thể tớ ít phải làm việc nhà hơn một số bạn. Nhưng cái thời nghèo khó ấy, có đứa nào thoát được những việc trồng rau, kiếm củi, kiếm rau lợn ... chưa nói những việc quét sân, quét nhà, phụ cha mẹ cơm nước ...

    Thế nên Ngà nhắn tin, nói không tin tớ vụ kiếm rau lợn ở đồi Xây lắp, he he. Tớ phải kể vanh vách tên những thứ cây lá có thể hái cho lợn, Ngà mới tin.

    Tớ chưa kể là một lần lang thang cắt cỏ vừng trong những vườn sắn trên đồi Xây Lắp, tớ bị một lão tóm cổ, nói tớ ăn trộm, và trói vào cây. May sao khoảng 1 tiếng sau, có cô ở Phòng Kế toán, làm cùng bố tớ đi ngang, nhìn thấy, chạy về mách, các cô chú kéo ra, mắng cho lão kia một trận. Thì ra hắn bị mất quần áo gì đó. Nhưng tớ xưa nay không tơ hào những thứ của người khác.

    Ngoài rau lợn, tớ và thằng em trai ít hơn năm tuổi được phân công một việc rõ ràng, là phải kiếm đủ lá và củi khô để đun nấu. Nên chiều chiều hai anh em đi quét lá phi lao ở công Xây lắp, rồi mò lên đồi, tìm những gốc cây khô sót lại, chặt gốc, đào cả rễ về làm củi. Trong các loại lá khô thì thích nhất là đun lá phi lao, thông hay bạch đàn, vì có tinh dầu, ướt cũng cháy.

    Trả lờiXóa
  22. Mình đính chính lại tý, nhà mình không phải ở trên trục đường của Ngà , Thanh, Tuấn, Kiều nga hay đi học mà là trục đường đoàn mười, bây giờ gọi là đường Lưu nhân trú, hiện tại đang chung số phận " bụi bặm " với con đường mà xưa các bạn hay đi, bây giờ con đường đó gọi là đường Phố hương.
    Năm năm nữa họp lớp mà có thêm các bạn cùng khối hăng hái nhiệt tình thì cũng hay đấy Tuấn ạ.

    Trả lờiXóa
  23. @Tâm: tớ cũng đính chính cho Tâm chút: con đường từ chân dốc 18 nhà Thanh, qua Đoàn 10, qua Đường Tròn, qua Khu Nam, vào tận cổng Gang Thép phía Cam Giá là Đường LƯU NHÂN CHÚ (một tướng của Lê Lợi). Giờ chịu bui chút, nay mai con đường làm xong thì nhà cậu mặt tiền, quá ngon! Còn đường Phố Hương là con đường Ngà, Bình, Thanh, Tuấn ... đi học, từ Chợ Dốc Hanh đến ngã ba đường tàu.

    Trả lờiXóa
  24. @Tuấn:Cách đây mấy năm gặp Hạnh Giảng ở đám cưới, Hạnh "chíp hôi" thế mà dám xưng anh với mình chứ. Ha ha, đang là "Tâm già" tự dưng được xuống "ngôi em" cũng sướng.
    @Ngà voi:Cám ơn Ngà hôm đó đã đưa cậu ấm nhà mình xuống trường nhé (mượn blog Tuấn nói chuyện riêng tý nhé). ngồi cùng cô Ngà có một lúc vậy mà nhìn ảnh cu cậu nhận ra ngay " cô Ngà đây mẹ nhỉ?", lại còn khen cô Vân gọi điện cho chồng nói toàn bằng tiếng Pháp. Lúc nhìn thấy H. Tuấn với cặp kính cận khi gặp ở HN thì nói nhỏ với mẹ " Trông chú đã biết trí thức rồi". Mình nói: Cô Ngà là giáo viên ở HN, cô Vân lấy chồng ở Pháp, còn chú Tuấn trước là liên đội trưởng của trường đấy, các cô các chú ngày xưa học rất giỏi. Mình cũng tự hào vì lớp mình có nhiều bạn học giỏi, thành đạt, mặc dù mình bây giờ đang giữ chức "giám đốc tại gia", hoa hậu của cả nhà cho nên chẳng bao giờ sợ bị mất chức.

    Trả lờiXóa
  25. Mọi người nói chuyện vui vẻ quá, chúng ta lại tiếp tục họp lớp nữa à, Comment hôm qua là của Hạnh Giảng (mình đoán vậy vì sáng mình mới nhắn đ/c cho Hạnh, nói vào coi đi có nhiều chuyện hay lắm đấy).
    @Hải: Hải đi công tác Phủ lý à, quê ngoại của Nga ở Nho Quan, Nga cũng đi qua Phủ Lý mấy lần, chắc bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi.
    @ Tuấn : Hải từ Phủ Lý về TN nên thấy vui, còn Nga lại từ TN "về" BD, nên nhắc tới GT là tiếp tục mất ngủ cũng đúng phải không ? Thế Tuấn đọc bài của Ngà không bị mất ngủ à? Ngày xưa Nga cũng đi nhặt củi, hái rau lợn, hái nấm ,mò cua bắt ốc khắp nơi, chân thì to, ngưòi thì đen nhẻm, tóc vàng hoe. Mà sao lại không gặp Tuấn bao giờ nhỉ? chẳng trách Ngà không tin là phải ...(HiHi không khéo lần này T mất ngủ thật đấy...).
    Thảo ơi, Nga cũng ăn nhiều quả thiên nhiên lắm nhưng không sao nhớ ra quả "cứt chuột" cả, lá cậm cang bọn mình cũng hay ăn lắm, nó hơi chua chua,Sắn thuyền và Sim thì thuộc hàng xa xỉ phẩm rồi, phải ra chợ Dốc Hanh mua mới có, Mua đất thì có nhiều nhưng phải tìm ở xa mà ăn thì chát, bây giờ chẳng kiếm đâu ra những quả ấy cả, thấy thèm ghê...

    Trả lờiXóa
  26. @ Phúc: Cái bảng tin ở CT Xây lắp ngày xưa mình và Ngà đi học về hay ghé đó chơi, tranh thủ trú nắng vì sau nó là cái nhà để không thì phải, cũng có đọc bảng tin mà chẳng nhớ nó nói gì nữa, P nhớ sao hay quá.
    @ Tâm : Con đường nhà Tâm cũng là con đường bọn mình thường đi học hồi cấp 3, ngày nào 3 đứa bọn mình( Nga, Mai đỏ, Nhẫn) cũng đi qua, rất ngoằn ngoèo mà cũng rất đẹp, thơ mộng nữa (vì lúc nào đi qua cũng bị mấy chú ở tập thể trêu chọc), mấy hôm trước Tuấn chạy xe qua, Nga không sao nhận ra được, chắc lần sau về phải đến nhà Tâm ở lâu hơn mới được.

    Trả lờiXóa
  27. @Tâm: không dưng lại được Tâm già cho bay lên mây, nào học giỏi với cả trí thức!!! Nói chính xác phải là "Ừ trông chú T cũng có vẻ trí thức". Kính cận chỉ là hình thức, chứ TRÍ THỨC là cao siêu lắm, tớ hổng có dám nhận.

    Trả lờiXóa
  28. @K.Nga: tớ không bao giờ bị mất ngủ, bởi tớ ngủ ít lắm, 12h-1h-2h chưa đặt lưng xuống là đã ngủ mất rồi :)). Đọc bài Ngà (và nhiều bài khác nữa) thì xúc động lắm, cảm xúc dồn cả vào comment rồi thì còn gì mà mất ngủ.

    Hồi ấy tớ hay đi kiếm củi với em trai, hái rau lợn thì thường đi cùng Hạnh Giảng, Dũng Dĩ, Tuyến còi (dưới mình 1 năm, cạnh nhà Dũng Dĩ). Cũng lạ là chẳng mấy khi gặp Nga và tụi con gái.

    Lần sau ra thì xin nghỉ phép mấy ngày đi Nga, chứ đi ít thế này không thăm hết được, nhiều người như Hạnh Giảng đang giận tụi mình về TN mà không ghé nó. À nhưng mà tối hôm bọn tớ về HN rồi Nga ở lại GT gặp ai thì tớ không biết nhé!

    Trả lờiXóa
  29. Hôm qua mình vào blog của Tuấn cả chục lần mà tại cái "chuyện bên ám trà" phản nên tưởng chẳng có ai nói gì lại quay ra rồi lại vào , ra ... vẫn chẳng thấy gì. Ai ngờ mọi người vui thế.
    Hoá ra mình là sướng nhất hầu như chỉ phải làm một ít việc nhà (vì bố mình về hưu từ 1974) còn hầu như không phải ra ngoài bao giờ
    Mình lại đính chính hộ T một chút: đường Phố Hương bắt đầu từ đường tàu dốc hanh, qua chợ, qua khu tập thể Phố Hương và kết thúc ở ngã ba ra đường QL3 (mà ngày xưa gọi là đồn công an Lưu Xá, bây giờ gọi là quá tải vì có dạo ở đó có trạm cân quá tải)

    Trả lờiXóa
  30. Ý kiến họp khối cũng hay đấy!

    Trả lờiXóa
  31. Lần này mời bị hụt,(vì thời gian ngắn quá) lần sau lên tớ mời mọi người vào nhà tớ chơi,lúc ấy đường làm xong rồi sẽ không bụi như bây giờ nữa. Các nhà văn nhà thơ thoải mái mà ngắm nhìn những con đường, những đồi cây, những ao, những ruộng...mà ngày xưa thường đi học, đi hái rau lợn...Nhưng tớ chắc lúc đó sẽ là những con đường rộng thênh thang, và nơi mọi người đi hái rau lợn sẽ là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát
    Ngày đó nhà tớ ở khu lò mổ tích lương, nhưng cũng có vài lần theo bọn con trai, con gái ở xóm mò xuống tận khu đoàn mười bắt cua, nằm dọc theo đường đoàn mười xuống dưới ruộng có một ống nước công nghiệp, đường kính dễ đến một mét, cả bọn hô nhau leo lên thi xem ai đi giỏi. Trời, ống nước vừa to, vừa tròn, lại vừa cao lơ lửng không chạm đất, đi được một tý, chân run quá chẳng dám đi nữa đành ngồi xuống lê mông từng tý một. Còn chuyện bắt cua thì cũng sợ run cả người, vì có một lần thấy có hang cua mình móc tay vào cứ thấy ram ráp mà không thấy càng cua cắp như mọi khi, đến lúc ghé mắt nhìn vào thì hồn vía bay lên mây, bởi không phải cua mà là chú rắn, chẳng biết là rắn gì may mà nó nằm dọc theo bờ, mình sờ đúng vào đoạn giữa thân, nếu không cũng bị hắn ta đớp rồi.
    Từ lúc sờ vào rắn chẳng ai bảo ai không đứa nào dám bước chân xuống ruộng, cứ đi trên bờ nhìn thấy hang thì thận trọng dò xét rồi mới thò tay vào. Thế mà chỉ sau đấy không lâu, lại gặp phải một cú hồn siêu phách lạc: Mình và Nghĩa (học sau mình một khóa) đi cùng một bờ nhưng hai chị em mỗi người nhìn một bên, khi nhìn thấy hang, cả hai chị em cùng thò tay vào, ai ngờ cái hang thông từ bờ bên này sang bờ bên kia vậy là hai cái tay móc vào nhau, tưởng rắn, hai chị em cùng nhẩy lên và hét rõ to. Làm cả bọn xanh mắt mèo. Hôm đó đi cả buổi, chiều tối mới về, được mẹ cho một trận nên thân. Cho nên vụ này mình nhớ dai lắm.

    Trả lờiXóa
  32. Cái ống mà Tâm kể ấy, hồi xưa đi xem phim bọn mình toàn chạy trên đó thôi, vì chỉ có "chạy cho nhanh" mới không sợ ngã, chứ đi từ từ thì ngã ngay vì sợ và trơn nữa. Vả lại chạy theo cái ống đó, đi qua đám ruộng là có bức tường dài, trèo qua trốn vé, vải hồi đó cũng tốt thật ấy, chẳng bao giờ thấy rách cả ...
    Mình cũng thường cùng bọn con trai trong xóm đi bắt cua (Bằng "Đăng",Nguyên "Nhống" nữa ) nhưng rất sợ đỉa, nên hay đi vào giữa trưa, cua nắng quá bò cả lên, cứ thế là vạch cỏ lên nhặt thôi, hồi ấy sao nhiều cua thế nhỉ, cá cờ thì cả vũng to, chỉ việc xúc thôi, mang về Mẹ mình bảo,con này chỉ để chơi cho đẹp, chứ có ai ăn đâu, bây giờ trong này là đặc sản, cá ruộng mà...

    Trả lờiXóa
  33. @ BTC : Hôm trước Hạnh và Sơn gặp nhau trên TN cũng nói khi nào bọn mình về thì gặp nhóm Đồi O, mình nghe cũng thích lắm , mà chẳng biết khi nào mới có cơ hội được, nếu lần sau bọn mình tập trung được các bạn cùng khối luôn thì tốt quá .

    Trả lờiXóa
  34. @Tâm: ngày trước đi công viên đường tròn, bố mẹ tớ chỉ cho phép chơi đu quay, không được chơi cầu trượt, vì cái mông quần đã tíc-kê chồng chéo! Đi bắt cua đúng là sợ rắn thật, nhưng đó là bởi tụi mình là "nông dân cày đường nhựa". Chứ tụi bạn sát thủ cua bảo rắn nước cắn chẳng sao hết. Nhưng tớ vẫn thấy ghê ghê khi thò tay vào hang móc cua.

    Trả lờiXóa
  35. Một lần mấy thằng tớ đi hái rau lợn rất xa, chẳng nhớ là khu nào, chỉ nhớ có một dòng suối nhỏ, trong veo. Mấy thằng tranh thủ vầy cát, chợt phát hiện ra trong cát có rất nhiều hến. Thế là đua nhau xúc cát, đãi trong dòng nước, cát trôi, mỗi rổ cát cho một vốc hến. Bữa đó mỗi thằng được nửa rổ hến, phải vứt bớt rau để đựng hến mang về

    Trả lờiXóa