Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Bố tôi

Bố tôi năm nay 69 tuổi. Gần chục năm nay ông nghỉ hưu, chỉ quanh quẩn ra vào dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc lũ cháu nội cháu ngoại, tưới cây, tỉa hoa, nuôi chim và đi ... sinh hoạt đảng.

Bố tôi là người hiền lành nhất mà tôi biết trên đời. Không bao giờ tôi thấy ông cáu giận, tức tối. Lần duy nhất tôi bị bố đánh đòn là khi tôi 5 tuổi. Bữa đó hai bố con đi đâu đó, gần về đến nhà thì có báo động (máy bay Mỹ ném bom). Bố giục tôi đi mau về nhà xuống hầm trú ẩn, nhưng tôi nhanh chân chui tọt ngay vào cái địa đạo gần đó. Bố đi trước không biết, về nhà rồi không thấy con mới tá hỏa, kệ máy bay Mỹ quần trên đầu, chạy đi tìm tôi. Còn tôi khi vào địa đạo lại gặp ngay mấy thằng bé trong xóm cũng trú ở dó, mới rủ nhau moi đất sét nặn "pháo đền", mải chơi còi báo yên lâu rồi không biết. Mãi sau lò dò về, gặp bố hớt hải đi tìm, bị ông cho mấy roi quắn đít. Sau tôi hiểu ông đánh đòn không phải vì tội tôi la cà, mà như để giải tỏa nỗi sợ hãi không biết thằng con sống chết ra sao trong lúc bom ném tơi bời.

Rất lâu về sau, khi bố tôi đã về hưu, có ông thầy tướng số nói với tôi: "cậu có ông bố có quý tướng, nhưng hiền lành quá nên chẳng nên công danh gì". Tôi không tin chuyện tướng số nhưng riêng vụ này ngẫm thấy đúng. Bố tôi không bon chen vụ lợi, chẳng biết nịnh nọt chạy chọt, không bao giờ làm hại ai, thậm chí không làm phật lòng ai. Cả đời ông chỉ biết chăm lo làm công chức quèn, hơn 40 năm đi làm, lên được chức cao nhất là tổ trưởng tổ thống kê (gồm 5-6 người) ở phòng kế toán thống kê khu gang thép Thái nguyên. Cho đến lúc về hưu, gia tài của ông chỉ có một chiếc xe đạp và mấy cuốn sách (trong đó có quyển "Ruồi trâu" và "Thép đã tôi thế đấy" mà tôi đọc thuộc từ khi còn nhỏ). Ba anh em chúng tôi đều yêu quý và kính trọng ông.

Mọi thứ chi tiêu trong gia đình 5 miệng ăn đều do một tay mẹ tôi bươn chải lo toan. Hồi đó là thời bao cấp khó khăn, mẹ trồng rau mang ra chợ bán, rồi thỉnh thoảng về thăm quê ngoại ở ngoại thành Hà Nội cũng tranh thủ xách ít chè thái về bán kiếm thêm tiền nuôi con. Thế mà ở cơ quan người ta cũng xì xào chuyện mẹ đi buôn, rồi chi bộ lôi bố ra phê bình. Về nhà ông nói với vợ, mẹ tôi nổi xung: "Chẳng đoàn chẳng đảng thì thôi, theo đảng mà con tôi chết đói theo làm gì". Bố tôi chỉ biết cười buồn. Thế rồi mẹ tôi bị cho nghỉ hưu non. Bà khóc đỏ mắt một ngày, rồi lao ra chợ, bán rau, bán khoai lang, làm đèn ông sao bán dịp Trung thu, làm sữa chua, bán trứng vịt lộn ... Thế mà rủng rỉnh tiền nuôi tụi tôi ăn học, lại còn sắm được cái TV đen trắng từ năm 1985. Sau này bà còn dành dụm được tiền mua căn nhà ở Hà Nội mà ông bà ở bây giờ. Đối với mẹ, anh em chúng tôi không chỉ yêu mà còn vô cùng kính phục.

Bây giờ bố tôi nghỉ hưu, nhưng ông vẫn sinh hoạt đảng đều đặn, tham gia chút công tác xã hội ở phường. Tôi biết ông vẫn một lòng tin đảng. Sinh nhật cháu nội ông (cu Việt con tôi) tổ chức hàng năm lại vào đúng ngày ông sinh hoạt đảng định kỳ, lần nào ông bận đi họp. Thế là nhà tôi phải tổ chức sinh nhật Việt lệch ngày đi để ông được tham dự cùng cả đại gia đình.

Thỉnh thoảng, tôi với ông vẫn tranh luận về chuyện xã hội, chuyện chính trị. Ông thừa nhận những tiêu cực trong cuộc sống, nhưng không chấp nhận lý giải nguyên do mà tôi đưa ra: rằng đảng phải chịu trách nhiệm về thực trạng đất nước hiện nay. Sau sợ bố buồn, tôi cũng ít nói chuyện này với ông, lại bảo thằng em trai vốn tính nóng như lửa về nhà đừng tranh luận những chuyện tiêu cực ngoài đời, vì nó với bố cứ động đến chủ đề ấy là bực bội cáu kỉnh, chứ không nhẹ nhàng như tôi.

Rồi một hôm, tự nhiên ông hỏi tôi một cách nghiêm trang về cái Công hàm mà ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Tôi vào mạng lôi về đọc nguyên văn cho ông nghe, rồi còn nói thêm là trên mạng, trên báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài phân tích ý nghĩa, giá trị của Công hàm đó trong tình hình hiện nay. Nghe xong, bố tôi thở phào nhẹ nhõm. Ông nhẹ lòng vì vẫn có cách lý giải rằng ông Phạm Văn Đồng, ông Hồ Chí Minh không bán nước. Vì ông vẫn còn có thể tiếp tục tin vào đảng.

Tôi cũng kể ông nghe về những cuộc biểu tình tuần hành phản đối TQ gây hấn thời gian qua, rằng tôi hèn nên không dám đi biểu tình, dù biết rõ đó là quyền hiến định của mỗi công dân, rằng tôi khâm phục và kính trọng những nhân sĩ trí thức và cả những người dân bình thường đã dám thể hiện lòng yêu nước của họ. Thấy bố có vẻ lo buồn, tôi quyết định từ giờ không nói chuyện với ông về chủ đề này nữa. Tôi muốn để lại cho ông chút niềm tin cuối cùng vào những lý tưởng mà ông vẫn tin suốt gần 50 năm nay.

Tôi vẫn nhớ nội dung một truyện ngắn đã đọc lâu lắm rồi nên quên cả tên truyện lẫn tên tác giả. Chuyện về một người mẹ liệt sĩ lặn lội từ Bắc vào Miền Nam, nơi chiến trường xưa để tìm mộ con trai cụ. Cuối cùng, do linh cảm thế nào mà cụ cũng tìm ra bộ hài cốt chôn vội trong tấm võng dù nơi góc chiến hào, nhận ra con mình nhờ vào chiếc đồng hồ chôn theo. Chỉ có anh lính đi cùng cụ, đồng đội của người đã khuất, mới biết chắc 100% rằng đêm trước trận đánh đẫm máu ấy, con trai cụ đã đưa cái đồng hồ ấy cho một đồng đội khác mượn, chính là anh lính trinh sát nằm dưới mộ kia. Sau trận ấy, con trai cụ mất tích. Đồng đội không tìm thấy xác anh. Người lính còn sống không dám kể với cụ già rằng có người quen sau này nói với anh, đã có lần nhìn thấy anh lính mất tích kia trong trại chiêu hồi của kẻ thù. Anh muốn để cụ sống thanh thản phần đời còn lại với hình ảnh đẹp đẽ về đứa con mà cụ đã mang nặng đẻ đau.

2 nhận xét:

  1. Tớ đồng ý với cậu không nên tranh luận hoặc nói SÂU với ông về những tiêu cực nữa. Niềm tin dù sao cũng có những ý nghĩa tinh thần, thuyết phục ông nhìn sự thật đồng nghĩa với việc để ông mất cái niềm tin mấy chục năm ông đã tin. Tuy là niềm tin ấy có thể quá mô phạm, nhưng thôi... cậu ạ. Ở tuổi ấy thêm cái gì sụp đổ là đau cái đó.

    Nhớ câu hãy nhìn hai lần để thấy cái đúng, một lần thôi để thấy cái đẹp của ông Van Gooh? ở tuổi các cụ không còn bươn chải nhiều với XH, không bắt buộc phải nhìn mọi cái đúng như nó có, cậu đồng ý không?

    Trả lờiXóa
  2. Thật tốt là cậu đồng cảm với tớ. Niềm tin là cái gì đó rất đáng được tôn trọng, nhất là những niềm tin cao cả không vụ lợi, không giả dối như của bố tớ.

    Tớ không biết câu nói của Van Gogh (?), tớ thấy có nhiều "ngoại lệ" quá, có bao thứ tớ nhìn mãi vẫn thấy đẹp. Ví dụ như bông hoa podsnhezhnik trong "Tchistye Prudy", hay hoàng hôn trên biển ... :)

    Trả lờiXóa