Tôi phải nói rõ, tất cả những gì tôi kể trong loạt bài này là chuyện của 30 năm trước, kẻo nhiều người khi tìm trong google thông tin về Chuyên ngữ để cho con hay cháu thi vào trường, nếu không đọc kỹ lại tưởng ở đây toàn lũ học trò nghịch như quỷ sứ và đói khát, mà ngại ngần phân vân chăng. Tôi có ý nghĩ lẩn thẩn này từ vài bữa nay, khi vào gu-gờ tìm theo từ khóa "chuyên ngữ" thì mấy bài "Nhớ về chuyên ngữ" luôn nằm trong trang đầu. Còn nữa, nếu bạn đang chuẩn bị dùng bữa, xin khoan hãy đọc bài này: tôi sẽ cảm thấy áy náy nếu vì những điều tôi sắp kể đây mà bữa ăn của bạn kém ngon.
Nhiều năm sau này, mỗi dịp chúng tôi ngồi cùng nhau ôn lại bao kỷ niệm thời Chuyên ngữ, không ai có thể quên những bữa cơm nội trú. Bởi thời đó có thể vắn tắt bằng một chữ: ĐÓI. Như câu thơ trong bài thơ "Chuyện kể về già" sinh viên ai cũng biết:
Sáng lên lớp nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.
Quả thật tôi quên khuấy thời đó chúng tôi ăn sáng như thế nào. Thường là không ăn gì. Thảng hoặc có tiền thì chạy ra cổng trường lót dạ cái bánh sắn, hoặc bát cháo.
Buổi trưa buổi chiều học về, vứt cặp vào phòng xong là chạy ngay ra bếp ăn tập thể của Trường lớn (học sinh Chuyên ngữ chung nhà ăn với sinh viên đại học). Phải ra sớm, để đỡ xếp hàng đông. Có ai muốn bụng đói đứng chầu cơm! Một lý do nữa là mâm cơm chia ra, không ngồi vào ăn ngay thì lũ ruồi ăn tranh hết mất. Đã có lần mấy đứa con trai chúng tôi mải chơi đá bóng, lúc ngồi vào ăn thấy xoong cơm bị ruồi bu đen, kinh quá phải xúc lớp cơm trên mang đổi dưa.
Bọn con gái ăn ít, hay mang cơm thừa đổi dưa với cà muối, chứ mấy thằng con trai đang tuổi lớn, ăn khỏe như trâu, cơm có dư đâu mà đổi dưa cơ chứ. Dù là gạo hẩm, vàng ệch, lẫn toàn thóc và sạn, chúng tôi vẫn chén sạch, dù có phải nhai cơm không, khô khốc như bò nhai rơm. Cái thứ gạo hẩm không có chất này dù có ăn dăm bảy bát thì cũng chỉ mấy tiếng sau là lại đói meo. Mỗi mâm cơm 5-6 đứa, bao giờ cũng có 3 xoong nhôm: 1 xoong cơm, 1 xoong canh và 1 xoong thức ăn mặn. Canh thì mùa nào thức nấy, nghĩa là mùa hè thì rau muống, mùa đông thì cải xoong. Thức ăn mặn thường là lạc rang muối, thỉnh thoảng có thịt lợn kho đậu phụ, gọi là có. Tiêu chuẩn 3-4 lạng thịt một tháng, không bằng thằng con tôi bây giờ ăn một bữa, chưa kể còn bị bớt xén. Sau này chúng tôi thường mang theo lọ muối rang, rắc vào cơm cho đỡ nhạt miệng. Có lần chúng tôi kêu ca ăn cải xoong mãi chán lắm, cô Việt thương quá phải an ủi, rằng cô nghe nói cải xoong ăn bổ máu. Chẳng biết có bổ thật không, nhưng tôi không bao giờ quên có lần đang ăn thì bọn con gái mâm bên cạnh ré lên kinh hoàng, bỏ chạy tán loạn. Hóa ra trong xoong canh của chúng có ... con đỉa trâu. Mâm bên này, chúng tôi sững sờ, nhìn nhau rồi ... ăn tiếp.
Cái bếp ăn tập thể bẩn và hôi hám, tối tăm quá, chúng tôi thường bắt chước các anh chị sinh viên, bê luôn cơm ra ngồi ăn ngoài sân. Dù có phải ăn cơm không hay rắc muối, chẳng mấy ai dám động đến nước mắm - chúng tôi gọi là nước giọt gianh - vì cái vị chát chát đắng đắng như nước hàng pha nước lã, cộng với mùi thum thủm cá ươn, và vì chúng tôi tin chắc rằng cái thùng đựng nước "giọt gianh" ấy là bể bơi của lũ chuột cống.
Năm đầu mới vào, thấy mấy thằng chúng tôi lỉnh kỉnh thìa đũa bát, các anh năm trên cười nửa miệng. Y rằng sang năm sau, bát vỡ và mất hết, chúng tôi mỗi đứa chỉ dùng một cái thìa. Sang năm cuối, cả mâm 6 đứa còn lại 3, rồi 2, rồi 1 cái thìa dùng chung. Không hẳn vì chúng tôi không có nổi tiền mua bát, mà đơn giản là tụi con trai lười rửa bát, và đơn giản hơn nữa là nhiều hôm chẳng có nước mà rửa bát. Những hôm mất nước, bể cạn trơ đáy, thì nồi canh bẩn chẳng kém gì nước ruộng, chúng tôi chỉ dám gạn ăn nửa trên.
Thời đó ngày càng đói kém, sinh viên phải ăn cơm độn mì. Bột mì viện trợ của Liên Xô, nhà bếp đem cán mì sợi trộn vào chảo cơm, mấy bữa đầu còn thấy sợi mì, sau toàn mì vụn. Mấy bà cấp dưỡng cẩu thả, cứ xúc từng xẻng mì vụn tương vào, mì vón từng cục, làm sao chín được. Một hôm, sinh viên nội trú bê nguyên những xoong cơm lẫn với các tảng mì vón lổn nhổn to như quả cam quả bưởi đó về ký túc xá, bày ra trước cửa, rồi đồng loạt bãi khóa. Giám hiệu nhà trường xuống kiểm tra, bổ những "quả bưởi" đó ra, bên trong mì vụn vón cục còn khô nguyên. Ai đó phụ trách nhà bếp bị cách chức. Tình hình ăn uống được cải thiện đôi chút. Nhờ các anh chị sinh viên đấu tranh kiên quyết mà học sinh chuyên ngữ chúng tôi cũng được nhờ. Sau lần đó, ngươi ta không độn mì sợi nữa, mà nặn bột mì thành từng miếng to như bàn tay, luộc lên, chia cùng với cơm. Chúng tôi gọi đó là "nắp hầm". Món này cứng, nhai muốn trẹo quai hàm, nhưng không đến nỗi bị sống hoàn toàn như mì sợi vón. Không ăn hết có thể gói mang về, buổi tối học bài đói bụng mang ra nhấm nháp cũng thấy ngon.
Mấy đứa ngoại trú hay mang theo cơm trưa, thỉnh thoảng vẫn chia sẻ cơm và thức ăn cho bọn nội trú chúng tôi, những hôm cơm nhà bếp không thể nuốt nổi.
Biết và thương chúng tôi đói, nhưng các thầy cô cũng chẳng thể giúp được gì, vì thời đó cán bộ công nhân viên chức, kể cả giáo viên, đều nghèo rớt mồng tơi, lại nuôi cả bầy con nhỏ. Người ta vẫn nói "giàu thủ kho, no nhà bếp, vừa giàu vừa no là sếp". Cứ nhìn quần áo thì thấy các thầy cô của chúng tôi đều nghèo. Chỉ có mấy thầy cô dạy ngoại ngữ, thỉnh thoảng được đi du học, thì mới có đồ tinh tươm chút.
Thỉnh thoảng về thăm nhà, chúng tôi lại mang theo ít lương thực, nhóm nội trú có mấy bữa tạm no no. Cảnh nấu cơm trong nội trú thì nhiều người kể rồi:
Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm
Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói ...
Nấu bằng giấy, bằng củi thì thường có khói có tro, hay bị lộ, giám thị bắt được phiền hà, nên về sau chúng tôi hay nấu bếp điện (dây may so). Có mấy anh năm trên còn thiết kế cả cái thùng gỗ như thùng để đồ đầu giường đứa nào cũng có, khoan lỗ luồn dây điện vào nấu trong thùng. "Cảnh sát trưởng" có thình lình ập vào phòng thì nhẹ nhàng đậy nắp thùng lại là ... tỉnh bơ. Để nấu cho nhanh, cơm cạn không cần tắt bếp, khi nào bắt đầu khét thì lật ngược nồi, đun phía vung đến khi cũng bắt đầu khét là được. Nhiều cháy càng tốt, dễ ăn hơn cơm trắng nhạt nhẽo, lại dễ bốc bằng tay :)). Nếu cơm khô quá, đã có món canh (không mì chính, không dầu mỡ) nấu bằng nắm lá khoai lang hái trộm ở vườn của cô Tú.
Nhớ lại cái cảnh ăn cơm nội trú kinh hãi đó, tôi không chút lăn tăn tham gia ngay từ ngày đầu vào chương trình "cơm có thịt" cho trẻ em nội trú dân tộc vùng cao do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng. Mình chẳng rủng rỉnh tiền bạc gì, nhưng cứ nghĩ nếu mỗi tháng trích từ lương ra 200-300 ngàn đồng (trong khả năng của tôi), thì sẽ có thêm 2-3 đứa trẻ con miền núi được ăn ngày một bữa cơm có thịt. Thôi thì cũng chỉ mong làm được một điều tốt nho nhỏ trong đời.
Này cậu, lần trước cuốn kỷ yếu lớp cấp 2 và cuộc họp lớp của các cậu đã làm tớ ganh tị sao không được học Độc lập ở lớp có HAT làm lớp trưởng, giờ cậu không định làm tớ hối tiếc vì không biết nộp đơn thi Chuyên ngữ năm đó đấy chứ?
Trả lờiXóaNếu không học chuyên ngữ cũng có thể tớ sẽ thấy tiếc vì không có dịp nếm món "nắp hầm" trứ danh :)
XóaHọc chuyên ngữ khổ ba năm rồi được ra nước ngoài học thì cũng còn hơn bọn tớ ba năm cấp ba không khổ thì ba năm chuyên nghiệp trong nước lại ... khổ
Trả lờiXóaTớ viết để ôn lại kỷ niệm một thời, chứ đâu có so sánh khổ hơn sướng hơn. Bởi lẽ so với nhiều nơi thì bọn tớ có lẽ còn may mắn chán.
XóaHồi đó chính chúng mình cũng chẳng biết thế là khổ, vì xung quanh ai chẳng vậy. Trẻ con mà, được chơi, nghịch và đọc truyện thoải mái không ai quản là thấy sướng. Chỉ có cái bụng lúc nào cũng lép là phiền hà tý :))). Đó là sau này nghĩ lại mới thấy kinh thôi.
XóaTớ thấy ghen tị với trí nhớ của Tuấn đấy. Tớ chịu k thể nhớ nổi tên của bà bán bánh sắn mùa đông và chè đỗ đen mùa hè. Món ăn đặc trưng của thời chuyên ngữ là bánh sắn mà tớ k gặp ở bất kỳ nơi nào khác. Còn ăn sáng thì nếu tớ không nhầm là gánh cháo sườn. Nỗi kinh hoàng của bọn con gái chúng tớ là nồi canh cải xoong. Ở quê tớ không có. Mà cải xoong hồi đó chắc chưa có thuốc BVTV đâu có non mỡ màng như bây giờ. Nồi canh đen xì, rau già nên mùi vị rất khó ăn. Bây giờ mọi người nhúng lẩu thì khác hoàn toàn nhé.
Trả lờiXóaTảng băng trôi này không chịu treo cờ để mọi người biết quốc tịch.
XóaTớ chỉ nhớ mang máng bán bánh sắn là cô Khánh, đổi dưa là cô Mơ thì phải. Ai biết chính xác thì đính chính giúp tớ.