(HAT) - Mấy bữa nay bận, lười check mail, tối qua mở hộp thư ra thấy bao nhiêu thư mới đến. Có thư này của Thảo béo - "Bạn Tuấn có quà". Tò mò quá, mở ngay ra xem quà gì. Món quà làm mình hết sức bất ngờ và cảm động. Thảo viết thế này.
(Thảo) - Đến hôm nay chuyến đi trở về tuổi thơ của mình vẫn là đề tài nóng sốt trong gia đình mình - cả 2 bên nội ngoại. Tuần trước ông bà nội đi chơi Đà Lạt nên từ lúc mình đi Thái Nguyên về đến hôm qua mới sang thăm ông bà được. Mình không ngờ câu đầu tiên ông nội Xiu - Xíu hỏi mình là "Thế con ra họp lớp gặp thầy, gặp bạn có vui không?". Thế là được dịp mình lại thao thao bất tuyệt... nào thầy Hải, thầy Tuất, nào trường lớp thế nào, Đồi Độc Lập ra sao.... Mình hứa sẽ mang quyển kỷ yếu cho ông bà đọc, ông bà vui lắm vì mình khoe trong quyển ấy có cả bài của anh Dũng :-).
Còn bên ngoại - mình để quyển kỷ yếu bên đó cả tuần cho ông bà đọc. Nhớ hình ảnh bà ngoại vừa đọc vừa phải gỡ kính ra lau nước mắt vì nhiều chỗ buồn cười quá. Thứ Bảy vừa rồi, cho bọn nhóc sang chơi, thấy bà ngoại thỏ thẻ "đọc xong mẹ cũng muốn viết cái gì đấy cho lớp chúng mày quá, nhưng nghĩ lại thấy đúng là bà già vô duyên, không đâu lại đòi xen vào...". Mình túm vội "mẹ viết đi, con gửi bài cho, mẹ nhớ viết đấy nhé, bọn con quí lắm đấy". Tối hôm qua bà gọi điện "xong rồi!". Sáng nay phải chạy vội sang lấy trước khi đi làm, vừa oánh máy lại xong để gửi Tuấn. Tuấn xem có được không nhé.
THƯ CÔ NGỌC DIỆP
Gửi Hồ Anh Tuấn và các bạn lớp A khóa từ 1974-1981, Trường cấp I-II Độc Lập.
Cô là Diệp, mẹ của Hạnh Thảo và Mai Hiền (em Hiền học dưới các cháu 3 lớp).
Vừa qua Thảo được trở về gặp lại các bạn và các thầy cô, là người cũng từng được sống trên mảnh đất ấy, lòng cô cũng thấy xốn xang quá. Hôm nay cô muốn xin một vé phụ để được cùng đi trên con tàu trở về tuổi thơ với các cháu, mà sân ga cuối của chúng ta là trường Độc Lập, khu Gang Thép Thái Nguyên.
Cho cô ké vài dòng Tuấn nhé.
Thấm thoắt đã 30 năm kể từ ngày các cháu xa trường để lên học cấp III. Gia đình cô rời nơi ấy cũng đã hơn 27 năm.
Thời gian thật là diệu kỳ, khi từng ấy năm trời vạn vật và cuộc sống thì đổi thay không ngừng, mà những ký ức của chúng ta về những ngày thơ ấu vẫn không hề phai nhạt. Nghe Thảo kể lại chuyến đi vừa qua và được đọc những dòng trong quyển kỷ yếu của các cháu, trong cô đầy xúc cảm. Thật tuyệt vời là các cháu vẫn giữ lại cho mình những kỷ niệm thời ấu thơ tươi đẹp, không quên những gì các thầy cô đã dạy dỗ. Bởi vì quãng đời đó các cháu đã được đặt một nền tảng kiến thức cơ bản đầu tiên, một nhân cách đã được định hình cho tương lai. Không quên – tức là ta đã biết ơn, biết ơn những người đã dạy dỗ mình, biết ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.
1974-1981 nằm trong quãng thời gian đất nước ta mới thống nhất, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Các cháu đã cùng cha mẹ mình vui vẻ vượt qua tất cả để học tập tốt. Cô nhớ có lần đi làm về, thấy Thảo mặt hớn hở khoe: “Hôm nay con xếp hàng mua được đậu mẹ ạ.” Ôi chao, chỉ vài bìa đậu mua được mà mẹ con sung sướng thế! Các cháu cũng đều thế cả thôi, phụ giúp cha mẹ từ những việc nhỏ để cho cuộc sống đỡ chật vật.
Nhà cô ở dãy 314, ngay sát con đường vào trường. Cô nhớ những lúc học sinh tới trường và nhất là những lúc tan trường mỗi ngày, như một đàn chim lao xao, ríu rít đi ngang qua nhà cô. Hình ảnh thanh bình tuyệt đẹp đó, dù là thế hệ nào, người ta cũng không bao giờ quên được. Cô cũng muốn một lần được về thăm lại nơi ấy, thăm lại một quãng đời của thế hệ cô và tuổi thơ của Thảo, Hiền và các cháu – về để một lần được nói lời cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ, yêu thương các cháu và cho các cháu những ký ức đẹp đẽ, cám ơn mảnh đất đã dung dưỡng mình.
Thôi, cô dừng đây. Viết dài các cháu lại ngại đọc những lời già cỗi. Trước khi kết thúc, cô chợt nhớ 2 câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên mà cô rất thích:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn!
Vì hình dung mình cũng được trở về như các cháu, cô mạn phép nhà thơ nối tiếp bằng 2 câu thơ sau:
Khi ta về tuổi đã hoàng hôn
Nhưng đất vẫn nặng lòng thương nhớ.
Chúc tất cả các cháu thành công và hạnh phúc.
Tuấn cho cô hỏi thăm mẹ Nhi nhé.
(Nguyễn Ngọc Diệp)
Cô nhờ Thảo gửi tới Tuấn.
Kính gửi cô Diệp:
Trả lờiXóaCháu thấy Thảo nói cô đọc quyển kỉ yếu mà lau mắt vì buồn cười quá nhưng cháu nghĩ chưa chắc đã là buồn cười vì... (cháu kể chuyện này: mẹ cháu là người Cầu Giấy - Hà Nội nhưng mẹ cháu xa quê đã 60 năm, có hôm ngồi xem tivi thấy quảng cáo nhắc đến tên đường Cầu Giấy liền ngồi khóc)...
Cháu chúc cô chú luôn vui khoẻ!
Cháu Phúc.
Kính gửi Cô Ngọc Diệp : Đọc thư của cô viết chúng cháu rất cảm động cô ạ, có Bố Mẹ ở bên cạnh, lại luôn hiểu và đồng cảm với các con thì thật là hạnh phúc, từ khi đi họp lớp về đến nay ngày nào cháu và mẹ cháu cũng có chuyên đề về Gang thép TN cô ạ, nhà cháu cũng chuyển vào Nam được 20 năm rồi...
Trả lờiXóaCháu chúc Cô Chú luôn vui và mạnh khỏe.
Chúng cháu cảm ơn cô Ngọc Diệp ạ! Đọc những lời tâm sự của cô chúng cháu rất cảm động. Mấy đứa bọn cháu (Thảo, Nga, Tuấn, Liễu ...) sống ở Thái Nguyên có lẽ không lâu bằng những nơi khác, và quê gốc của nhiều bạn cũng không phải Thái Nguyên, nhưng trong lòng chúng cháu luôn coi Thái Nguyên là quê hương ruột thịt của mình.
Trả lờiXóaTừ hồi chuyển vào SG cô có dịp về thăm Gang Thép Thái Nguyên chưa ạ?
Cháu xin kính chúc cô mạnh khỏe.
Doc co Diep viet cam dong qua qua, chau van cu nho co xinh, diu dang va hap dan the nao, da the ma gio nay van con nhieu cam xuc the .....
Trả lờiXóaChuc co nhieu niem vui
Chau VAN
Cháu chỉ nhớ hình ảnh cô đi về trên xe đạp có một bao gạo nhỏ, vừa vào cổng được một đoạn (hơi lên dốc) thì chú vội chạy ra dắt tiếp xe cho cô. Cháu nghe nói cô bị bệnh tim - mà không biết cháu có nghe nhầm không, cháu mong là cháu nghe nhầm.
Trả lờiXóaDạo này chắc cô vẫn khoẻ chứ ạ.
Năm mới cháu chúc cô chú luôn vui,khoẻ.
Lâu lâu, hôm nay mới vào blog (chắc qua năm mới mình sẽ lại vào đây thường xuyên hơn). Mình xúc động với comments của các bạn quá, lát mình in về, chắc mẹ mình đọc còn xúc động hơn.
Trả lờiXóa@Phúc: Cám ơn Phúc hỏi thăm mẹ mình. Công nhận Phúc nhớ nhiều thật đấy. Bố mình bị bệnh tim, hồi đấy mổ lần 1, bố không làm gì nặng được, đến đi bộ vài bước mặt cũng tím tái, thở không được. Mẹ mình là người luôn phải chở bố mình đi làm. Thương bố mẹ lắm, 2 người trên 1 chiếc xe đạp cứ liêu xiêu trên con đường đê đi xuống viện Luyện Kim Đen. Nhà không có con trai, mình là đứa làm tuốt tuồn tuột các việc của đàn ông: leo trèo sửa điện, bổ củi, lấy than, nắm than, vá xe đạp cho cả nhà, thậm chí vá măng-xông luôn, lần đầu tiên ghép thế nào mà xăm xe bị xoắn, tức khí cắt phăng đoạn măng-xông vừa vá, lấy 1 khúc xăm hỏng khác, cắt 1 đoạn còn tốt chơi 2 khúc măng-xông mới, thế mà ok... Hí hí công nhận liều.
Khi vào đây, bố mình phải mổ tim lần 2, và thêm 1 lần mổ thận nữa. Ông còn bị động kinh trong khi ngủ, chắc di chứng của tim nên hay thiếu máu não, mỗi lần vậy, cả nhà sợ phát khiếp. Còn mẹ thì hồi trẻ bị thấp khớp nặng nên bây giờ cũng chạy vào tim rồi. Hôm mẹ đang viết bài này lại lên cơn khó thở nên mới ngắn như thế, chứ không bà còn tâm sự nhiều nữa.
Nói vậy thôi, 2 ông bà xác định bệnh tật thì sống chung với lũ thôi, và cố gắng xoay sở cuộc sống trong khả năng. Được cái 2 cụ đều sống vui lắm, coi mọi chuyện rất nhẹ nhàng, cụ ông thì hài hước, ông bảo cuộc sống đã khó khăn lắm rồi, tội gì không cười cho đời nó tươi, hihi... Thế nên các cháu tuần nào cũng thích về ông bà, không cho về là chúng kiện ngay.
Cám ơn các bạn nhiều nhiều nhé.
Bây giờ mới biết Thảo đảm đang thế, phục đấy, vì tớ cũng chỉ biết sửa điện, nắm than, bổ củi, kiếm rau lợn ... chứ chưa bao giờ vá xe măng-xông.
Trả lờiXóaĐây, còn một bạn nữa cũng rất đảm đang nhé. Các bạn xem entry tiếp theo của mình sẽ biết là ai.
Trả lờiXóa