Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Nói không với "nói không với..."


Mấy bữa nay trên mạng xôn xao bình luận vụ bác PTT Nguyễn Thiện Nhân kể chuyện ngày xưa bác í cũng học đèn dầu cạnh chuồng trâu. Mình thấy giả sử bác NTN có "chém gió" tý thì có gì là xấu đâu, chưa kể biết đâu bác í nói thật, ví dụ như bác í ngồi học trong bếp, mà bếp lại gần chuồng trâu, suy ra cũng là học cạnh chuồng trâu chứ sao! Bà con ta cứ khắt khe quá với bác í, rồi đàm tiếu về ấn tượng "chuồng trâu" mà tội nghiệp.

Mình thì ấn tượng với bác NTN nhờ 2 việc bác í làm được từ thời còn đương chức Bộ trưởng bộ học.

Thứ nhất là dưới thời bác NTN các trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa. Trường nhiều đến nỗi phải cạnh tranh nhau để thu hút người học, có cả những cách cạnh tranh chẳng lành mạnh cho lắm. Chắc bác NTN muốn xây dựng hệ thống GD&ĐT như ở phương Tây: mở rộng đầu vào và xiết chặt đầu ra. Có điều bác ấy mở hết cỡ cái van vào mà quên không vặn nhỏ cái van ra (hay là không thể vặn được, vì nó gỉ rồi), nên kết cục là ào ào ngập lụt, nơi nơi tràn ngập cơn lũ những cử nhân, thạc sỹ mà trình độ .... chán chẳng buồn chết. Mình có cậu em họ, 2 năm trước thi ĐH được 7-8 điểm gì đó, mà cũng vào học cao đẳng, nhăm nhe sang năm nữa chuyển tiếp ĐH. Mình chẳng hiểu nó cố học ĐH làm gì cho khổ, làm như thể tấm bằng ĐH là mỏ tiền cứ đào lên ăn cả đời không hết. Nếu là mình, mình sẽ xin bố mẹ tiền học lấy nghề cắt tóc, hay sửa xe máy .... Tiền uổng phí vào mấy năm ĐH dư sức mua bộ đồ nghề thật ngon và thuê mặt bằng. Thế là chỉ một năm học nghề là mình đã có thể bắt đầu kiếm tiền.

Ai cũng biết là ở ta, thi đại học khó biết chừng nào. Nhưng mà hễ vào được ĐH rồi thì 99,99% là có tấm bằng, dù có học lơ tơ mơ cũng xong. Bên Tây thì trái lại, ai muốn học ĐH cứ việc vô tư (nộp tiền), nhưng nếu dốt, không thi đủ tín chỉ thì học cả đời cũng chẳng có bằng. Các trường bên Âu-Mỹ họ phải bảo đảm chất lượng đầu ra để giữ gìn thương hiệu, bởi đó là lẽ sống còn. Tất nhiên cũng có vài ngoại lệ kiểu như La Salle. Chẳng nói đâu xa, mình quen một cậu cũng mới nhận chứng chỉ MBA quản trị kinh doanh của một cái trường vô danh tiểu tốt nào đó bên Mỹ (xin phép không tiết lộ tên). Tìm hiểu trên mạng thì thấy toàn bộ cơ ngơi của trường là cái văn phòng mấy chục m2, mấy nhân viên quản lý, vài trăm học viên online.

Nhưng thôi cái việc cải cách giáo dục ở ta nó là việc khó là việc to, dân đen trình còi như mình chẳng dám lạm bàn.

Với mình, ấn tượng lớn nhất mà bác NTN để lại là cụm từ "nói không với ...". Với mấy chữ thần kỳ đó người ta có thể sáng tác ra vô vàn khẩu hiệu: từ cái nhỏ như "nói không với thuốc lá", "nói không với đái bậy", đến cái lớn như "nói không với bệnh thành tích", "nói không vói tham nhũng" ... . Mình chẳng chê bai gì mấy cái khẩu hiệu, nhưng nếu không thực hiện, không có chế tài nghiêm minh để áp đặt thực hiện các quy định, thì khẩu hiệu dù có hay ho đến mấy, mãi mãi vẫn chỉ là khẩu hiệu suông.

Mấy năm trước đi họp phụ huynh cho con, mình thấy ban giám hiệu nhà trường cũng lây bệnh "nói không với ...". Nào là nói không với bệnh thành tích, nào là nói không với khói thuốc trong trường học, nào là nói không với văng tục chửi bậy ... Cần quái gì mấy cái khẩu hiệu suông. Muốn không có khói thuốc ở trường học, ở các cơ quan công sở hay chỗ công cộng nói chung, cứ treo cái biển "Cấm hút thuốc - vi phạm phạt xxx ngàn đồng"  và xử phạt thật nghiêm là ok (quy định này thực ra cũng có rồi, nhưng có vẻ thực hiện chưa nghiêm). Mình qua Singapore chả thấy ai hô hào "nói không với xả rác", thế mà phố xá bên đó cứ sạch như lau như li. Luật bên họ nghiêm, nghèo như mình không dám xả rác vì sợ bị phạt tiền đã đành, mấy ông giàu có thừa tiền cũng không dám xả bừa, vì ngoài tiền phạt có thể bị nọc ra đánh đòn.

Có người bạn kể là cách đây ít lâu đi dự một cuộc họp tổng kết, trong báo cáo tổng kết của lãnh đạo có nêu thành tích "sôi nổi hưởng ứng phong trào nói không với bệnh thành tích" ???!!!. Có lẽ bệnh thành tích còn lâu mới hết, không muốn nói là chẳng bao giờ hết, nếu cứ "nói không với" nó kiểu này. Muốn hết bệnh thành tích có lẽ cách tốt nhất là phải đưa ra những tiêu chí thiết thực để đánh giá thành tích, và phải coi việc làm tốt công việc của mình là nghĩa vụ của mỗi người, gắn liền với thu nhập thỏa đáng và với sự công nhận của xã hội.
Và phải thôi hô khẩu hiệu suông!


P/s: 12.09.2011.

Hôm nay thử sợt cụm từ "nói không với", sau 0,12 s google cho 127 triệu kết quả. Kinh hoàng. Lướt sơ qua thấy: nói không với ma túy, nói không với ôm đất bỏ hoang, nói không với bạo lực học đường, nói không với bạo lực gia đình, nói không với virus trên smartphone, nói không với mụn, kiều nữ A nói không với đại gia B ... tóm lại là nhiều không kể xiết.
Và tìm thấy bài viết rất hay đăng từ hơn một năm trước trên blog Quê choa của Bọ Lập, bài "Nói không với xấu hổ".

5 nhận xét:

  1. Viet hay gan nhu Bo Lap (que choa) ay :)

    To hoan toan dong y voi cau. Khong co o dau giong nhu dao tao Dai Hoc o VN minh. Cu nhan nhieu nhu lo*.n con, chi mot phan trong so do ra truong la co the lam viec ngay (du/ng nghe^`) :(

    Trả lờiXóa
  2. Tối qua vào blog mà kg post comment được mới tức

    Cậu chỉ cần khen "hay gần bằng 1/10 Bọ Lập" là tớ đã phổng mũi lắm rồi đó nha.

    Cậu viết không dấu thế này chắc chưa quen dùng Iphone. Máy tớ dùng hệ Đ.hành Android nên kg tư vấn về iphone cho cậu được.

    Trả lờiXóa
  3. À, tớ suggest cậu đăng ký thành viên ở trang nuocnga.net hoặc LHSVN.com.vn hoặc cả hai. Những bài cậu viết mà gửi tới hai nơi đó họ chìa tay đón vội. Thật đấy. nuocnga.net thì đông và mạnh hơn. LHSVN là trang chủ yếu của khóa 83-88, hơi đóng nên vắng, dạo này ít bài lắm (đói).

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Lana. Tớ sẽ thử.

    Mấy bữa nay tớ vào blogger bằng laptop kg được. Nếu dùng ultrasurf vượt tường lửa thì vào được nhưng lại kg post được comment. Cứ phải dùng đt.
    Tình hình bên cậu thế nào?

    Trả lờiXóa
  5. Bên tớ, không hiểu sao, vẫn bình thường.
    ;)

    Trả lờiXóa