Nguồn: BBC Việt ngữ (Việt Nam nợ nước ngoài 32,5 tỷ đôla) xem nguyên bản ở đây
Nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên hơn gấp đôi trong vòng 5 năm trong khi dự trữ ngoại hối lại giảm nhanh chóng, theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố.
Cho đến cuối năm 2010 nợ nước ngoài của Việt Nam là 32,5 tỷ đô la, bằng 42,2% GDP, tức là tăng 4,6 tỷ đô la (hơn 3% GDP) so với năm 2009.
So với mức nợ 15,64 tỷ đô la vào năm 2006 thì hết năm 2010 nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên hơn gấp đôi trong vòng 5 năm.
Trong năm 2010, Việt Nam đã trả các khoản nợ gốc, lãi và phí là gần 1,7 tỷ đô la, tăng gần 30% so với mức gần 1,3 tỷ đô la trong năm 2009. Mức nợ Việt Nam phải trả dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2020 vào khoảng 2,4 tỷ đô la khi số trái phiếu Chính phủ phát hành vào năm 2010 với lãi suất 7% sẽ đáo hạn.
Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn. Tỷ lệ này giảm đi rất nhiều so với 290% và 2.808% tương ứng trong các năm 2009 và 2008.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị bào mòn cùng nợ nước ngoài tăng lên nhanh để bù đắp bội chi ngân sách vốn liên tục vượt 5% trong 5 năm vừa qua.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nợ của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh cũng ‘rất cao và tăng nhanh” và hiện đạt khoảng 50% GDP. Nếu cộng cả hai khoản mục nợ công và nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ của Việt Nam đã trên 100% GDP.
Xin có vài lời nhận xét:
- Có thể nói đây là "thành tựu" kinh tế nổi bật nhất của Chính phủ NTD trong nhiệm kỳ vừa qua.
- Tiền thuế nhân dân nộp cho Nhà nước không đủ để Chính phủ chi Ngân sách. Chính phủ liên tục đi vay (với lãi suất ngày càng cao, tỷ lệ ngịch với mức tín nhiệm tín dụng của Việt nam) để đầu tư vào những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, mà Vinashin là thí dụ điển hình (nhưng chắc chắn không phải duy nhất) cho việc làm thất thoát đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân. Đầu tư công là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng hoành hành.
- Nếu không có những cải cách mang tính đột phá (thật khó mong chờ điều này với đội ngũ lãnh đạo đất nước hiện nay), thì sự phụ thuộc kinh tế vào các chủ nợ sẽ ngày càng lớn và dẫn đến nguy cơ phụ thuộc về chính trị.
- Cứ tiếp tục thế này, Việt nam sẽ chẳng mấy chốc theo gót Hy Lạp, tệ hơn nữa là trở thành Zimbabwe thứ hai.
Ôi con cái chúng ta sẽ đi đâu, về đâu?
Đau xót!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét