Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Lên Suối Giàng (phần 1)

 

Từ mấy bữa trước thấy “Giỏ thị trưởng” Lana thông báo nhóm Giỏ thị Blogspot sẽ quyên góp quần áo để gửi qua Quỹ “Cơm có thịt” của Bác Trần Đăng Tuấn lên giúp trẻ em vùng cao, mình về kêu con trai soạn hết tủ quần áo, đồ gì còn tốt nhưng không dùng, hoặc ít dùng thì để riêng, giặt sạch, gấp cẩn thận để gửi các bạn. Góp được một túi, nhưng chủ yếu đồ hè, đồ ấm thu-đông thì lại không có nhiều, mà bây giờ bắt đầu mùa đông, trẻ em vùng cao cần gấp đồ chống rét. Lana cũng có một thùng quần áo cả cũ và mới. Lana bàn với mình nên mua thêm một ít đồ ấm cho tụi trẻ con, nhưng mặt khác lại không muốn tiêu lạm vào số tiền “thịt” mà nhóm Giỏ thị đã góp. Riêng mình đã có kế hoạch góp “tiền thịt” lâu dài, hàng quý, khoản góp thêm đột xuất để mua quần áo ấm lần này cũng có thể thu xếp được, nhưng không nhiều. Đang lăn tăn tính có nên kêu gọi các bạn tài trợ tiếp không, thì tìm ngay được nhà tài trợ "sộp".

Chẳng là bà xã mình vào đọc blog của bác TĐT, đọc xong mắt đỏ hoe, nói muốn mua chút đồ tặng cho tụi nhỏ vùng cao. Mình nói chuyện cuối tháng 11 các bác í lên Suối Giàng, Y Tý … đó, mua áo quần, khăn mũ gửi lên đi. Bà xã ok cái rụp, nói nhưng em bận quá (ngoài việc cơ quan, tháng 12 lại thi cao học), không có thời gian đi mua đồ, thôi ủy quyền cho anh mua gì thì mua! Ngoài quần áo có cần mua sách vở, giấy bút, đài, băng đĩa hay sách thiếu nhi không?

Viết thư hỏi Bác Tiến (mà bên blog bác TĐT gọi là Tiến Trọc, còn nhóm Giỏ thị gọi thân mật là Khoai), bàn với Lana, hỏi cả ý kiến AnKhanhCongChua (một bạn tình nguyện viên trong nhóm Bác TĐT). Cuối cùng quyết định mua mũ len khăn len cho học sinh nội trú ở Trường Tiểu học và THCS Suối Giàng. Bây giờ đồ chống rét là cần nhất. Những thứ khác tính sau.

Chủ nhật vừa rồi, rủ Lana đi mua đồ. Khảo giá các cửa hàng thì thấy khá đắt. Ra chợ Đồng Xuân, thấy giá mềm hơn nhiều. Chỉ còn chút băn khoăn là khăn mũ của Việt Nam thì giá đắt hơn hàng Tàu khá nhiều. Mà tụi mình chỉ muốn mua hàng made in Vietnam, hổng có khoái made in China. Dạo vòng vòng, chọn lên lựa xuống, cuối cùng cũng mua được 70 mũ len nam (Vietnam), 60 mũ len nữ (nhiều khả năng hàng TQ), 80 khăn len (có lẽ là hàng VN – nhưng không chắc lắm). Ngân sách có ít, nên đành chọn hàng rẻ, để đủ đồ cho cả trăm đứa trẻ. Tuy thế, tụi mình lại lựa đồ rất cẩn thận, làm mấy bà bán hàng, chắc quen bán xỉ hàng ngàn chiếc, theo mớ, theo lô, hàng bao tải cau có khó chịu. Tụi mình cứ phớt lờ, bắt các bà đổi đi đổi lại những thứ không vừa ý mà người bán cứ giúi vào tay.

Giữa tuần, bác Tiến Khoai thông báo cuối tuần đi Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) và khảo sát thêm mấy điểm, đi một vòng mất ít nhất 3 ngày, trong kế hoạch gần không có đi Suối Giàng. Đi như thế hơi dài ngày, cuối tháng cuối năm mình lại khá bận. Đành báo cho bác Tiến là khăn mũ tụi em đã mua, chuyến này em không đi cùng các bác được, nếu các bác không đi Suối Giàng, thì nhờ các bác cứ mang theo, trên Bát Xát có trường nào cần thì các bác cứ chuyển giùm.

Đùng cái, chiều thứ 6 bác Tiến báo 13h trưa mai thứ bảy sẽ đi, trên đường đi Y Tý sẽ qua Suối Giàng. Mình mừng húm, bảo vậy em tự lái xe theo các bác lên Suối Giàng, ngủ đêm ở đó, sáng hôm sau các bác đi Y Tý thì em về Hà Nội. Rồi vội chuẩn bị thùng xếp đồ đã mua, đã gom được, cộng thêm một thùng truyện thiếu nhi mình mới mua dạo hè.

Bà xã mình đang bận ôn thi, nhưng thấy chương trình ngắn gọn, thứ bảy đi, chủ nhật về, cũng quyết định vứt sách, đi Suối Giàng cái đã! Lana đang đi công tác, không bám càng được, tiếc hùi hụi, than thở mãi.

Mình chưa lên Tây Bắc bao giờ, đường xá không thạo thì cũng có thể xem bản đồ hoặc dùng định vị GPS, hoặc hỏi dân, nhưng chỉ ngại đèo dốc, không đi nhanh được thì làm vướng chân các bác ý, nên định tự mình khởi hành sớm hơn chút. Ai dè 11h, bác Tiến a lô, nói cần nhờ xe mình đi nhận ngay mấy thùng bánh mì và sữa cho trẻ em, bởi các xe khác đã xếp đầy áo khoác, chăn mền …. Thế là chạy đi nhận bánh mì, sữa, rồi đổ xăng. Về nhà chỉ kịp ăn vội ăn vàng, rồi lên đường, đã gần 13h.

Bác Tiến dặn cứ theo quốc lộ 32 mà đi, gần đến Nghĩa Lộ sẽ có biển chỉ dẫn rẽ vào Suối Giàng. Đi khoảng gần 100 km, qua Thanh Sơn, bắt đầu vùng đồi núi. Bên đường có những đồi chè thật đẹp. Nhưng mình chẳng tâm trí đâu ngắm cảnh, cứ chạy đều, mặc bà xã chụp ảnh được gì thì chụp, qua cửa kính xe. Máy ảnh amateur, người chụp amateur, cách chụp cũng amateur nốt, nên chẳng được ảnh nào đẹp. Thỉnh thoảng đến những ngã rẽ không có biển chỉ dẫn, vẫn phải dừng lại hỏi đường. Đường núi vắng heo hắt, nhà dân thưa thớt, lâu lâu mới thấy bóng người hay xe chạy qua. Sau 16h, bắt đầu thấy nhiều học sinh tan học, đi xe đạp trên đường về nhà. Những đoạn dốc cao, chúng đều phải dắt xe, từng tốp, từng tốp đông. Hầu hết học sinh đều mặc đồng phục khá tinh tươm.

 

Từ ngã ba Thu Cúc, thấy một xe con biển số Hà Nội chạy bám sát đằng sau. Mình bảo bà xã, chắc xe bác Tuấn đây, thôi nhường bác ấy chạy trước, ta cứ bám theo là tới. Mấy chục cây số mình chạy theo xe đó, đột nhiên thấy họ dừng lại hỏi đường, lại nghi không phải bác Tuấn, vì bác ấy đã lên Suối Giàng, lý gì không biết đường. Tuy thế vẫn hy vọng là ai đó trong nhóm “Cơm có thịt”, vẫn kiên trì bám theo. Với lại đi đường dốc núi quanh co, trời sắp tối, có xe khác chạy trước mình cũng dễ lái hơn.


Gần đến Nghĩa Lộ, vướng mấy chiếc xe tải khó vượt lúc lên đèo, chiếc xe kia mất hút khỏi tầm nhìn. Đi thêm vài km thì thấy biển chỉ lối rẽ: Suối Giàng 12 km. Bắt đầu từ đây chỉ có dốc dựng ngược lên, quanh co khúc khuỷu. Bên núi cao, bên vực sâu. Những đoạn vào cua gấp, bà xã ngồi bên lại sợ dúm người.


Hỏi đường chạy thẳng đến Trường Tiểu học Suối Giàng, vào cổng trường, đã thấy chiếc xe khi nãy đỗ đó, hóa ra mình đoán đúng, là xe bác Tuấn. Chỉ là lái xe cho bác ấy lần này là người khác, chưa thạo đường, nên thỉnh thoảng phải dừng xe hỏi. Có một xe nữa cũng đến từ trước khá lâu, trong xe lèn chặt chăn và áo khoác trẻ em. 30 phút sau, khoảng 6 giờ, xe bác Tiến, bác Thùy Linh cũng đến nơi. Mọi người dỡ đồ từ các xe xuống. Nơi tập kết đồ để chuẩn bị phân phát cho các cháu là cửa hàng tạp hóa của anh Thắng, nằm ngay trước cổng Trường Tiểu học, chỗ này có sân rộng bằng phẳng, có đèn điện sáng sủa, và có cái sạp đá to tướng, có thể xếp đồ lên cho sạch sẽ.

(Lên Suối Giàng - phần 2)

9 nhận xét:

  1. Các bạn cứ lo cho HS vùng cao còn mình thì cứ thấy HS nào cần giúp thì mình giúp luôn thôi. Mà buồn cười hôm nọ mình không lấy tiền rửa ảnh của một HS mồ côi cả cha lẫn mẹ thì một HS khác bảo "sướng thế" làm các cô vừa cười vừa mếu...

    Trả lờiXóa
  2. @MP: "cứ thấy HS nào cần giúp thì mình giúp luôn thôi" - tấm lòng của bạn thật đáng trân trọng!

    Trả lờiXóa
  3. @thanhvdgt1: bên ấy thế nào? vừa rồi đi Hà Giang à? Bài nhà bên ấy ra tằng tằng, mình không kịp đọc :(

    Trả lờiXóa
  4. Các bạn chọn lựa kĩ về chất lượng màu sắc là rất đúng. Mình kể chuyện này: mấy năm trước trường mình có một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội lên tặng cho mỗi HS một đôi giày vải, các em phấn khởi lắm (đo chân từ năm học trước)nhưng đến khi nhận giầy thì... mặt em nào cũng ngắn lại vì ... giầy màu xanh tím than (trong khi là HS dân tộc, nông thôn nhưng các em đã quen dùng giầy trắng rồi và mình ra chợ thì thấy giày trắng và màu tiền như nhau). Kết quả là đa số các em "nhường" lại cho mẹ dùng ... đi làm.
    Đối với người dân tộc mình thấy màu sắc họ rất quan tâm - các bạn có thấy vậy không?

    Trả lờiXóa
  5. kotokute: Bac dieu that do! Mot minh zo mot blog.

    Trả lờiXóa
  6. kotokute:nhung bac cug dung that la:dem chuyen hoi be cua anh Viet Va Anh Nam ra beu xau

    Trả lờiXóa
  7. Chào kotokute! bác thấy những chuyện hồi nhỏ của Việt và Nam thật đáng yêu, nên mới kể lại,chứ có bêu xấu đâu :)

    Trả lờiXóa