Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO

Chiều nay mình đọc được bài này trên blog của Trần Đăng Tuấn, vừa đọc vừa dụi mắt mấy lần, không phải vì bụi. Những câu chuyện thế này đáng để chia sẻ lắm chứ! Xin phép tác giả Phạm Ngọc Tiến và chủ blog Trần Đăng Tuấn cho đăng lại bài này. Cũng xin mượn cách nói của Phạm Ngọc Tiến (Những con số của tấm lòng thơm thảo) và Edmondo De Amicis (Những tấm lòng cao cả) để đặt tựa cho entry này.

Phạm Ngọc Tiến: 

NHỮNG CON SỐ CỦA TẤM LÒNG THƠM THẢO

 
Trẻ Dền Thàng ( Bát Xát)

Buổi tối mình nhận được cái email Trần Đăng Tuấn forward sang, đọc chợt ngồi lặng đi. Đó là bức thư ngắn của một độc giả trang thông báo sẽ chuyển tiền vào tài khoản ủng hộ các cháu nghèo miền núi có miếng thịt. Lặng đi và thấy xốn xang một nỗi niềm khó tả. Nước mắt trào ra. Mình không phải là người dễ khóc. Nhưng nếu những con chữ mình vừa đọc vẫn không đủ để chắt ra những giọt nước mắt hiếm hoi thì mình chẳng còn gì để nói nữa. Bức thư gửi Trần Đăng Tuấn thế này: “Kinh thua ông…Toi…la chau ngoai cua cu…(da mat).Theo y nguyen cua ong toi truoc khi mat va gia dinh nay chung toi muon gop vao chuong trinh do ong de xuong moi thang 1 trieu dong,keo dai trong 12 thang.Toi se chuyen vao tai khoan dung ten ong 3 thang 1lan,moi lan 3 trieu dong.Trong ngay hom nay toi se chuyen lan dau tien 3 trieu dong.Khi nhan duoc xin ong hoi am qua dia chi email…Xin cam on ong.Chuc ct cua ong ngay cang phat trien tot dep va duoc su dong tam ung ho cua nhieu nguoi. Kinh thu…”. Những con chữ không dấu và những con số hiển hiện đã khiến mình xúc động mạnh và trước nghĩa cử đẹp này mình đã reply lại cho Trần Đăng Tuấn: “Tôi ứa nước mắt và ngồi lặng đi hồi lâu ông Tuấn ạ. Thấy cuộc đời thật vô thường. Có chút ý nghĩa là ở những cử chỉ này chăng. Ông gởi thư xin phép được sử dụng cái email này để tôi viết một cái gì đó về tấm lòng con người…”

Và bây giờ thì mình viết dù chủ nhân của bức thư muốn ẩn danh. Xin lỗi chị, xin lỗi anh linh cụ, xin lỗi gia đình vì mình đã sử dụng bức thư này như một cái cớ thôi thúc để không thể không viết vài dòng về những con số của tấm lòng người. Chợt nhớ ra đúng đêm này một tháng trước, nhận được bài viết Suối Giàng của Trần Đăng Tuấn gửi để đọc chơi thôi như ông ấy dặn thế. Đọc xong mình cũng đã rất xúc động. Chẳng có gì mới cả, vẫn là những thứ ai cũng biết nhưng sao thấy xót xa, thấy đắng đót khi những con số được ông Tuấn tính toán chi ly để mang đến từng miếng thịt cho các cháu. Đọc và lập tức nghĩ phải làm một điều gì đó cho những mảnh đời thơ bé. Có lẽ sự xúc động từ bài viết Suối Giàng nằm ở chính cái nhẽ ấy. Ngay sáng hôm sau mình đã nhờ lập giúp cái blog và post bài Suối Giàng lên bất chấp ông Tuấn có đồng ý hay không. Bằng cảm nhận mình biết bài viết chân thành từ đáy lòng này của tác giả sẽ có sức lay động lòng người. Đúng như thế, Suối Giàng đã được độc giả mạng đón nhận. Và như mọi người đã biết, ngay sau khi nhận được những phản hồi tích cực, Trần Đăng Tuấn đã mạnh dạn mở một tài khoản cá nhân trong khi chờ đợi lập một cái quỹ chính thức để đón nhận sự đồng cảm chia sẻ của mọi người. Một tháng, blog Trần Đăng Tuấn đã có lượt truy cập cả trăm ngàn người với trên ngàn comment ( tính cả những comment đã bị chủ nhân lỡ thao tác bay mất) và đây mới là quan trọng : Xấp xỉ 600 triệu đồng đã được độc giả gửi vào tài khoản. Khoảng gần 300 cháu ở Suối Giàng và Lao Chải, Nậm Khắt (tuần tới sẽ thêm hàng trăm cháu Mầm Non ở Dền Thàng) bắt đầu có chút thịt ăn trong bữa cơm hàng ngày trong năm học này.
 
Mình vốn không bao giờ thích những con số bởi sự chính xác đến lạnh lùng của nó nhưng những con số này thì khác. Ấm áp và dễ chịu làm sao. Không ấm áp sao được khi một cháu bé được bố cho đọc bài viết Suối Giàng đã ngớ ra không hiểu gì cả. Nó hiểu làm sao được, cùng trang lứa với nó ở nơi miền núi xa xôi kia lại có những đứa trẻ phải tự nấu nướng, bữa ăn chỉ có muối riềng và rau. Mà rau là thứ hiếm hoi cơ đấy. Cháu bé đọc lại lần nữa theo yêu cầu của người bố và bảo, con chẳng hiểu gì cả nhưng nếu các bạn ấy cần thịt ăn thì dễ thôi. Người bố hỏi lại, dễ là sao? Thì con đập lợn đất tiết kiệm ủng hộ các bạn. Nếu là mình trong trường hợp ấy, chẳng biết mình sẽ ở trạng thái nào. Người bố thật hạnh phúc trước hành động đơn giản của con mình. Và đứa bé hẳn cũng chẳng ý thức được đồng tiền của nó có ý nghĩa như thế nào đâu. Trong số tiền xấp xỉ 600 triệu kia có không ít những đồng tiền lẻ được các cháu bé lấy từ lợn đất tiết kiệm góp vào. Một người bạn mình khi chuyển những đồng tiền tiết kiệm của con đã bảo, tiền của nó là con số lẻ ông ạ. Mình bảo sao ở đây là chẵn? Tôi thêm vào cho tròn. Chả là người bạn này đọc và quyết định hai bố con sẽ góp một tháng thịt cho các cháu Suối Giàng ( 9 triệu như cách tính ban đầu của ông Tuấn) thế nên đành phải làm chẵn số tiền 3 triệu của con.
 
Có một chuyện này, lẽ ra chẳng nên viết nhưng mình thấy phải nói ra để nhẹ lòng, bởi cái chi tiết này cứ mãi ám ảnh mình. Đó là một độc giả ủng hộ 2 trăm ngàn nhưng lúc thao tác lại ấn nhầm thành 2 triệu đồng. Người đó đã đắn đo rất nhiều trước khi viết thư cho ông Tuấn hỏi có thể rút lại số tiền nhầm kia không. Mình biết là con số 2 triệu đã làm cạn kiệt tài khoản của một người chẳng lấy gì làm khá giả này. Ông Tuấn bàn với mình lặng lẽ gửi tiền riêng cá nhân ở ngoài chứ không nên lấy từ quỹ. Ngồi cùng có anh bạn đồng nghiệp, bận bịu quá chưa biết đến việc gây quỹ này. Nghe hai anh em bàn, anh nhất quyết giành gửi 1,8 triệu đồng nọ. Tiền đã được gửi đến độc giả đó và mình vẫn chưa thôi hết vân vi bởi sự chân thật của người gửi nhầm. Các cụ mình có câu “lá lành đùm lá rách” nhưng rõ ràng trong trường hợp này cái lá để đùm bọc kia chẳng phải là lành và cái sự “lá rách ít đùm lá rách nhiều” này khiến mình cảm động và suy nghĩ rất nhiều về cái sự ông Tuấn và bạn bè đang làm. Trong số người tham gia gửi tiền về có những người nghèo, đăng ký ủng hộ số tiền nho nhỏ nhưng lại phải đợi đến kỳ lương mới có tiền để chuyển. Trong bản sao kê tài khoản hiển thị những con số rất nhỏ có khi chỉ là vài chục ngàn. Lại có người đăng ký ủng hộ theo năm và tổng số tiền mấy trăm ngàn ấy được chia thành từng tháng 5 chục ngàn đồng. Thật ấn tượng. Đã là tấm lòng thì đâu ở cái sự ít nhiều ấy. Trong con số gần 6 trăm triệu kia, có cá nhân đóng góp tới 5 chục triệu đồng. Có tập thể quyên góp để đóng vào một lần 6 chục triệu. Đáng nể và khâm phục. Và những lần như thế cái máy điện thoại mới sắm của ông Tuấn dành riêng cho việc báo tin nhắn nhập tài khoản này lại kêu tít tít tít rất vui tai. Chuyện này có thật. Có một buổi sáng máy điện thoại không kêu lần nào, ông Tuấn buồn thiu bảo, không có ai gửi ông ạ. Buồn. Rồi bất ngờ máy kêu. Ông Tuấn vồ lấy máy mở ra xem. Chỉ là khoản tiền 100 ngàn. Mắt ông Tuấn sáng lên sau cặp kính cận và ông nói rất nhẹ, một trăm ngàn được gần cân thịt rồi. Mình thấy thế im lặng không bình phẩm gì nhưng có kể cho người khác nghe về tiếng tít tít này. Sáng nay khi đang xem lại bài viết thì một người bạn hỏi thăm tài khoản đến con số nào rồi và nói, tôi đi ra ATM chuyển mấy món nho nhỏ để nó tít tít tít cho bố Tuấn vui đây, sáng nay đầu tuần mà. Vậy là trong con số tiền hỗ trợ có cả những đồng tiền không chỉ là giúp miếng thịt cho các cháu mà còn là bạn bè động viên nhau muốn làm nhau vui. Viết đến đây chợt thấy chạnh lòng khi vẫn có những comment công kích xỉ vả việc làm này của ông Tuấn. Nhưng thôi điều đó cũng không quan trọng. Quan trọng là tấm lòng của rất, rất nhiều người đã được ghi nhận bằng những miếng thịt cụ thể trong bữa cơm chung có thật của các cháu, trước mắt là Suối Giàng, Lao Chải sau đó là Nậm Khắt là Dền Thàng. Và chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Lại chợt nhớ dạo này đi nhậu hay gặp đề tài cơm thịt. Chẳng phải là mình cố tình nêu ra để tranh thủ sự ủng hộ cho dự án của ông Tuấn mà là mọi người cứ khơi gợi. Một nhạc sĩ đang nhậu chợt móc ví đưa mình 2 triệu góp quỹ. Mình giãy nảy đừng làm thế kẻo sai nguyên tắc. Ông kia nói biết nhưng tôi bận quá nhờ ông giúp. Vậy là cầm nhưng để cẩn thận mình bắt vị nhạc sĩ phải ký để làm bằng. Có lần đang uống ngon nghẻ thì một doanh nhân cũng làm việc tương tự đưa hẳn hơn chục triệu. Không dám bỗ bã bắt ký như ông nhạc sĩ mà mình phải bỏ bữa nhậu phi luôn đến ngân hàng, xong xuôi mới quay trở về tiếp tục chiến đấu. Kể những điều này mình muốn nói đến khía cạnh niềm tin. Vâng chúng ta đang rất hay ca cẩm về sự vô cảm của xã hội hiện nay nhưng có lẽ chẳng đến mức ấy. Khi còn niềm tin thì lòng trắc ẩn còn và những tấm lòng của mọi người vẫn luôn rộng mở. Chỉ bằng những con số mình vừa liệt kê từ blog ông Tuấn trong một tháng đầu là đủ cho mình cảm nhận như vậy.

Định dừng viết thì có tin nhắn của một người bạn thân. Mở ra thấy: Tôi và một người bạn vừa gửi vào tài khoản anh Tuấn 12 triệu đồng. Thấy nhòe nhòe mắt kính. 12 triệu. Lại một con số góp vào bữa cơm thịt của trẻ nghèo miền núi. Ô hay, sao cứ nhắc mãi đến những con số như thế. Đã là tấm lòng thì sao có thể đo đếm được bằng con số, mình biết vậy nhưng vẫn cứ mong con số độc giả vào bolg Trần Đăng Tuấn ủng hộ nhiều hơn, số dư tài khoản tăng hơn, danh sách những cháu bé có thịt trong bữa ăn dài thêm, dài nữa. Những con số của tình người này thật chẳng hề giống như mình quan niệm. Mình nhắc lại nhé, nó không hề lạnh lùng mà ấm áp dù rất chính xác. Thật ấm áp. Và mình vô cùng biết ơn những tấm lòng đã thơm thảo chia sẻ. Biết ơn thật sự vì mình hiểu còn những tấm lòng thế này, còn những con số thế này thì ngòi bút kém cỏi của một nhà văn quèn như mình còn được viết những dòng thô vụng về tình người. Và nữa, chẳng hề nói quá đâu (có ai ghét xin đừng mắng mình), đất nước yêu dấu của mình dẫu đang trăm ngàn gian khó sẽ chẳng thể lâm nguy khi còn tồn tại những con số của tấm lòng thơm thảo thế này. Cho mình được cảm ơn tất cả.

Hà Nội 22-24/10/2011
              PNT

13 nhận xét:

  1. Chưa ai còm men, thôi thì tớ.
    Entry này, đọc lần thứ ba vẫn còn đọc lại.

    Trả lờiXóa
  2. Tớ cũng đọc đi đọc lại 3-4 lần rồi. Tối nay sẽ cho bọn nhỏ nhà tớ đọc. Sắp tới tính đi cùng các bác í một chuyến, cho lũ nhỏ đi cùng được thì tốt, không thì tự mình mắt thấy tai nghe, chụp hình về cho chúng coi. Sợ nhất là chúng lớn lên thành những người vô cảm.

    Trả lờiXóa
  3. Mình cũng đã đọc Entry này, nhưng chưa biết viết thế nào, mình cũng đã đi miền núi khá nhiều, tiếp xúc và dạy học cho cả các em vùng 135 và có thể mình cũng khá hiểu về tính cách của người miền núi...Ummm, khó nói quá.

    Trả lờiXóa
  4. Chào bạn HT-HĐT, vậy là bạn cũng có những trải nghiệm khi công tác ở miền núi. Tôi thì chưa có dịp nào, nên tôi rất muốn đi một chuyến. Vùng 135 nghĩa là gì vậy bạn? Hình như còn nhiều điều khó nói ....

    Trả lờiXóa
  5. Nếu không nhầm thì mình cùng biết HT-HĐT Tuấn ạ. Mình vừa hỏi anh Google và cũng đã hiểu vùng 135 là gì. Những entry như thế này, thường mình cũng không biết phải comment thế nào, làm được gì cho các em thì cứ làm thôi..., mình cũng khó nói quá.

    Trả lờiXóa
  6. Mình cũng thỉnh thoảng đến nhà bạn ở vùng 135 chơi và phát biểu rằng " nếu mình ở đây có khi mình không đi học đâu" vì thực sợ các điều kiện đều khó khăn. Nên các bạn ấy có học kém mình cũng là lẽ đương nhiên, nếu ở điều kiện của mình có khi các bạn âý giỏi hơn nhiều
    Còn thì cũng chẳng phải đi đâu xa, ngay những vùng nông thôn ven TP Thái Nguyên cũng đã khác xa TP rồi

    Trả lờiXóa
  7. Thực ra ai cũng hiểu những chương trình từ thiện chỉ giúp được rất ít người, và chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Muốn dân ta thoát khỏi cảnh bần cùng thì phải là các chương trình quốc gia, như 135. Bởi cho người nghèo con cá không bằng cho họ cái cần câu. Hơn thế nữa chỉ Nhà nước mới đủ lực để làm ra cái hồ cá.

    Nhưng ông Trần Đăng Tuấn và những người làm thiện nguyện với tư cách cá nhân cũng rất cần thiết, bởi khi các chương trình quốc gia chưa đến được mọi vùng miền, có thể còn chưa thực sự hiệu quả tương xứng với số tiền khổng lồ bỏ ra, thì những miếng thịt nho nhỏ, những manh áo nho nhỏ ấy cũng giúp được nhiều đứa trẻ có sức mà học hành. Bởi chính chúng, chứ không phải ai khác, sẽ là chủ nhân thực sự của những vùng 135, chính chúng mới là những người trong tương lai sẽ làm thay đổi bộ mặt của những miền quê nghèo xơ xác bây giờ.

    Trả lờiXóa
  8. Ok. Mình không nên viet gi nữa. Các bạn đã viết gần hết những gì mình nghĩ rồi, còn những suy nghĩ riêng... chắc ko chia sẻ online được.
    Gặp T sau nhé.

    Trả lờiXóa
  9. Hội HĐT thật là hiểu nhau! Vậy mà T nghĩ mãi không ra. Hẹn gặp HT-HĐT nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Tối nào mình cũng đọc Blog của HĐT, mình nghĩ vấn đề không phải chỉ nói, mà là làm, hẹn gặp nhau ở HN...

    Trả lờiXóa
  11. @Anonymous:
    Nhất trí hoàn toàn, NÓI thì tương đối dễ, LÀM mới khó.
    Tò mò chút: bạn viết 'Blog của HĐT' - Hội HĐT cũng có blog à?

    Trả lờiXóa
  12. Việc làm của ông Trần Đăng Tuấn là đáng quý vì Tuấn mới biết về 135 chứ từ lâu dân đã nói 135 là 531, tức là quan to ăn 5, quan bé ăn 3 còn dân hưởng 1
    (mình phải để ẩn danh vì tài khoản của mình không vào được chứ đừng ai nghĩ Phúc sợ phát ngôn này đâu nhé)

    Trả lờiXóa
  13. @Phúc: đúng là trước đây tớ chỉ nghe loáng thoáng về ct135. Từ hôm qua mới vào mạng tìm hiểu kỹ hơn.

    Cơ chế quản lý nhà nước ở VN còn yếu kém, nên thất thoát, tham nhũng là không tránh khỏi.

    Trả lờiXóa