Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Sân ga tuổi thơ

Bài này mình viết nháp đã lâu, tính khi nào bài của các bạn Thái nguyên vãn vãn sẽ post. Cái tựa đã đặt từ trước lại hơi trùng với mấy bài của Ngà voi. Vì cùng cảm xúc từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng thôi, ngại thay đổi vào phút chót, có sao cứ đăng lên vậy.
 


Khu Gang Thép Thái Nguyên hồi xưa là một trong những khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc. Thời chiến tranh chống Mỹ, nơi đây là một trọng điểm bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt. Sau năm 1975, hòa bình thống nhất, Khu Gang Thép bắt đầu thay đổi mạnh mẽ.

Nhiều công trình, nhà cửa được xây dựng. Đường xá cũng được mở rộng, trải nhựa đẹp đẽ. Hoành tráng nhất là Đường Tròn (gọi thế vì có một vòng xoay to ở ngã tư), hay còn gọi là Đường 36, bởi nó rộng 36 mét, có dải phân cách ở giữa, có hàng đèn thủy ngân cao áp hai bên, đẹp ngỡ ngàng trong trí nhớ của tụi học trò chúng mình thời đó. So với “đường ta rộng thênh thang tám thước” của ông Tố Hữu thì con đường mới này phải nói là rộng mênh mông, dù chỉ dài khoảng gần 1 km. Ở góc ngã tư đường tròn có cái công viên nhỏ, ở chân Đồi Còi (gọi như vậy vì trên đỉnh đồi có hệ thống còi báo động và báo yên mỗi khi máy bay Mỹ ném bom. Trong lòng đồi có hệ thống địa đạo tránh bom, chủ yếu để phục vụ cho Nhà Khách Gang thép ngay cạnh, nơi trước 1979 có rất nhiều chuyên gia Tàu ở.

Đối với tụi trẻ con chúng mình, Đường Tròn là nơi đẹp nhất, sang trọng nhất, so với các khu lao động lam lũ thời bấy giờ. Bọn mình hay ra đó chơi, nhiều khi chỉ là để ngắm đàn thiêu thân bay quanh những bóng đèn thủy ngân cao áp sáng rực, hay chỉ là để chạy thi trên những vỉa hè rộng rãi bằng phẳng, hay để tập đi xe đạp.

Những hôm bố mẹ mới lĩnh lương, có thể nài nỉ các cụ cho đi chơi công viên, trượt cầu trượt, đu quay hay cầu bập bênh. Xông xênh ra thì có thể được ăn kem hay sang nữa thì được xơi bát phở ‘mậu dịch’ nhạt toẹt, giờ chẳng ai thèm ăn, nhưng hồi đó sao mà thèm ghê gớm.

Bây giờ, đường 36 đã trở thành Đường Cách Mạng Tháng Tám, thẳng tắp, phẳng lỳ, kéo dài 6-7 km từ Khu Gang Thép lên tận Thành phố Thái Nguyên.

Gang Thép còn có hai công trình xây dựng hoành tráng nữa là Sân Vận Động Công nhân Gang ThépRạp hát ngoài trời Công Nhân Gang Thép.

Sân vận động xây bên sườn một ngọn đồi cao, cái khán đài A chính là những bậc ghế xi măng trên sườn đồi san thoai thoải. Các khán đài B, C, D xây tường cao, như sân Hàng Đẫy. Cái sân này một thời là niềm tự hào của Khu Gang Thép, đã có những trận đấu của các đội mạnh như Thể Công, Công An Hà Nội, thậm chí có cả một trận của đội nào đó bên Tàu sang đá giao hữu, hình như là đội Thiên Tân. Khi có những trận đấu như vậy thật khó mà kiếm được vé vào sân, có lần bọn mình phải trèo lên cây, đu tường rồi nhảy vào trong, có lần phải trà trộn vào giữa những người lớn để may thì lọt qua cửa soát vé. Rồi năm 1979 nơi đây còn là nơi nhốt tù binh Tàu trong chiến tranh biên giới.

Nhưng từ khi Câu Lạc Bộ bóng đá Gang Thép tan rã (hay lẹt đẹt đâu đó ở các giải hạng ruồi) thì cái sân này thành bỏ hoang, thỉnh thoảng mới có đội bóng nghiệp dư nào đó đến đá. Cách đây mấy năm mình đi ngang qua, thấy các cánh cổng sắt đã hoen gỉ, ngập lút trong cỏ, như thể bao năm rồi chẳng ai mở ra. Không biết mặt sân cỏ giờ có có ai chăm sóc xén tỉa không nhỉ? Xung quanh sân vận động cũng không còn rộng rãi hoang sơ như xưa, mà đất đã chia ra để xây nhà xây cửa. Hai hồ nước bên cạnh cũng được san lấp gần hết, trên đó giờ là nhà dân.

Đối với mình, ấn tượng nhất là Rạp Hát ngoài trời. Bởi nói không ngoa, đó là một trong những rạp hát LỚN NHẤT Việt Nam! Rạp Hát được xây trên sườn một ngọn đồi, các dãy ghế ngồi xi măng hình cánh cung hướng về Rạp xây dưới chân đồi. Trên đỉnh đồi là phòng đặt máy chiếu phim. Mình ước tính nếu Rạp này ngồi kín chỗ phải chứa được 5-6 ngàn người là ít.

Các tối thứ 7, chủ nhật bao giờ cũng có chiếu phim. Tụi mình mê nhất là các phim chiến đấu, nếu là phim màu màn ảnh rộng nữa thì hết ý. Hồi đó hay có phim chiến đấu của Tàu, như “Vượt sông trinh sát”, “Vạn lý trường chinh” … xem rất sướng. Nhưng mình thấy phim Tàu hơi ướt át quá, bây giờ gọi là ‘sến’, với những cảnh gây xúc động hơi thái quá. Ví dụ như khi người lính hy sinh dũng cảm, thì bao giờ cũng là nhạc da diết thương đau, cảnh trời xanh cao vòi vọi kéo dài đến cả mấy phút, như muốn rút hết nước mắt người xem. Vì thế mình thích xem phim chiến đấu của Liên xô hơn, khoái nhất là phim “Mặt trời trắng trên sa mạc”. Phim Liên xô, hoặc thỉnh thoảng có phim Đông Đức, Bungari … thì hành động nhiều hơn, thật hơn, những đoạn tình cảm cũng ít ướt át hơn, các diễn viên thì vô cùng xinh đẹp. Phim Đông Âu cũng hay có những cảnh trai gái ôm ấp, hôn nhau … mà phim Tàu, phim ta không bao giờ có.

Hồi 1977-1978 gì đó, có một lần Đoàn văn công Liên xô sang, ít lâu sau lại có Đoàn Văn công Quân đội Cộng hòa dân chủ Đức sang biểu diễn. Đó thật sự là những dịp hiếm hoi, người dân Gang thép được coi biểu diễn ca múa nhạc nước ngoài. Lần đầu tiên họ được thấy các chàng trai cô gái Tây, da trắng tóc vàng xinh đẹp, cao lớn. Cũng có lẽ lần đầu tiên, họ được thấy những vũ công nam cởi trần khoe bộ ngực vạm vỡ, hay các vũ công nữ bận váy ngắn phô cặp chân dài miên man.

Trước đó ít lâu, có mấy lần các Đoàn Cải lương Sài gòn 1, Nhà hát ca kịch cải lương Trần Hữu Trang từ Miền Nam ra biểu diễn. Mình nhớ có cả các nghệ sỹ rất nổi tiếng như Út Trà Ôn, Thanh Kim Huệ. Những buổi diễn cải lương, cả rạp không còn một chỗ trống để đứng, chứ đừng nói ngồi. Và đáng nhớ nhất là vở “Đời cô Lựu”, diễn liền mấy tối vẫn đông nghẹt người xem, vẫn khiến khán giả không ai cầm được nước mắt. Mãi nhiều năm sau này, khi nhà nhà có TV, Video, DVD, các kênh truyền hình giải trí, phim ảnh tràn ngập, rồi internet, games online, thì cải lương, cũng như chèo, tuồng … mới dần dần bị bỏ rơi, mất khách.

Cả cái Rạp Hát Công nhân Gang thép cũng chịu chung số phận hẩm hiu. Đi ngang qua, thấy sao hoang tàn, vắng lặng. Những bức tường tróc lở nham nhở, những cánh cổng han gỉ. Mình hình dung bên trong các bức tường là những hàng ghế xi măng phủ rêu, lút trong cỏ dại.

Một thời, nó đã từng là niềm tự hào, là niềm vui của cả một thế hệ người dân Gang Thép như tụi mình. Giờ đây, nó như là một sân ga, bàng bạc rêu phong trong chiều thu se lạnh, mà tụi mình sẽ ghé qua trên chuyến tàu trở lại tuổi thơ.

* Hình minh họa (Image) - Muhammad Ahmed

  

7 nhận xét:

  1. "Một thời, nó đã từng là niềm tự hào, là niềm vui của cả một thế hệ người dân Gang Thép như tụi mình. Giờ đây, nó như là một sân ga, bàng bạc rêu phong trong chiều thu se lạnh, mà tụi mình sẽ ghé qua trên chuyến tàu trở lại tuổi thơ."

    Đọc những dòng này thấy xúc động quá ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Tuấn nhớ được nhiều buổi biểu diễn ở rạp hát Công Nhân GT, ngày xưa chắc được bố mẹ hay cho đi xem. À, có cả đoàn văn công Trung quốc nữa ạ, toàn màu đỏ phấp phới luôn.

    Trả lờiXóa
  3. Sân vận động đang được cải tạo , nhìn ngoài vào thấy thế chứ mình cũng chưa vào trong
    Còn rạp ngoài trời chỉ còn non nửa số ghế thôi, phần còn lại được dành làm bể bơi, sân ten nit. Cái hồ cạnh rạp ngoài trời đang cải tạo không biết khi xong sẽ thế nào nhưng diện tích mặt nước thì chỉ còng một nửa thôi. Còn cái bể bơi mà có lần Tuấn nói ở xưởng gạch thì phá lâu lắm rồi...

    Trả lờiXóa
  4. @HY: bố mẹ anh cho đi xem phim thoải mái, không ngăn cấm, nhưng cũng ít khi cho tiền mua vé. May là hồi đó giá vé rất bình dân, bọn anh đi đào mót gạch móng những khu tập thể đã phá dỡ, bán giá "hữu nghị" cho mấy gia đình đang xây nhà, cũng rủng rỉnh tiền xem phim. Đôi khi hết tiền thì trèo tường trốn vào xem trộm, hoặc chờ chiếu gần nửa phim người ta mở cổng "tháo khoán" :)

    Văn công TQ - đúng là toàn một màu đỏ lóa mắt. Lúc nào cũng răm rắp - đều tăm tắp - thật ấn tượng, nhưng cũng thật đáng sợ!

    Trả lờiXóa
  5. Ấn tượng thứ nhất: Tuấn nhớ mọi thứ cũng khiếp thật, không kém Phúc kèn và Bình lác là mấy.

    Ấn tượng thứ hai: Tuấn cũng chuyển nghề theo nghiệp bác Xuân Cang đi được rồi đấy, không phải luyện thêm đâu.

    Ấn tượng thứ ba: Tuấn có cái ảnh ở đâu đẹp thế? Độ phân giải tốt không? Cho Thảo xin một cái được không?

    Trả lờiXóa
  6. @Thảo: hic hic, Thảo hỏi tớ mới nhớ ra chưa chú thích bản quyền cho bức ảnh. Sửa lỗi rồi đó.
    Bức ảnh này (đã resize) tớ sưu tầm từ internet, trang mientaongo.net, nhưng vừa tìm hiểu kỹ hơn thì tác giả là Ahmed, theo như link ở cuối bài. Thảo có thể vào đó xin nhé :), nhiều ảnh ngon lắm!

    Trả lờiXóa
  7. @Tuấn: Thế thì thua rồi. Thường người ta đã resize lại ảnh cho nhỏ đi nhiều trước khi public. Cũng là để cho đỡ nặng, và cũng tránh được việc copy ảnh. Còn xin thì... hổng dám đâu, vì không đủ sức...

    Trả lờiXóa