Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Sống Thật Chậm: Hoa trên đỉnh núi

Nguồn http://songthatcham.wordpress.com

(HAT) - Đây là bài viết thứ hai trong loạt bài của bạn Sống Thật Chậm sau chuyến đi Tây bắc. Thêm một bài viết nữa làm lay động tâm can người đọc. Trên trang chủ blog của mình có link đến blog songthatcham, nhưng mình vẫn xin phép tác giả post lại bài này, để các bạn tiện theo dõi. Bài viết gốc và các comment có thể đọc ở đây.
Xin cảm ơn tác giả.


Hoa trên đỉnh núi

Trên đường đi vùng cao lần này, tôi bắt gặp những vạt hoa rừng đẹp đến ngỡ ngàng. Nhưng điều đẹp nhất mà tôi giữ mãi trong tim mình là hình ảnh người giáo viên nơi đây.

Có người độc miệng bảo: “Họ thường lên đây chỉ vì suất biên chế, vài năm lại xin về xuôi.” Tôi không tin như vậy khi nhìn thấy những điều mà các nhà giáo ở đây đã và đang làm. Thiếu tình yêu nghề, tình yêu trẻ, tôi nghĩ không ai có thể vượt qua nổi những khó khăn, trở ngại chốn này.

Bạn có sẵn lòng sống trong những gian nhà (nếu có thể gọi như vậy) bằng phên lót bạt dứa không? Họ làm được đấy.


Giường ngủ của cô giáo MG Y Tý

Có ai tự hỏi: Gió mùa đông bắc tràn về thì căn phòng này ấm hơn ngoài trời được mấy độ?
Thiếu đồ chơi, đồ dùng dạy học cho các con ư? Bạn hãy xem các cô giáo ở MG Pa Cheo làm được gì này:


Con voi có nguyên cả... hạn sử dụng nhé!


Để bao giờ con về phố, con biết ngay nó là cái gì  

Họ trích lương hàng tháng để bù đắp thêm cho những đứa trẻ vốn thiếu thốn hơn mình như một lẽ đương nhiên. Tôi cũng ước muốn con tôi được học những người thầy như thế. Tôi có lẽ là tuýp người hơi cổ lỗ sĩ khi cứ khư khư ý nghĩ: học làm người quan trọng hơn học kiến thức.

Trong chuyến này, tôi chú tâm quan sát xem các em được dạy dỗ rèn cặp như thế nào, và tôi thực sự bất ngờ. Ấn tượng mạnh nhất về các em bé học sinh vùng cao mà đoàn chúng tôi ai cũng có là các em ngoan ngoãn, thân thiện và cực kỳ lễ độ.

Ở trường tiểu học nội trú Suối Giàng, các cô bé cậu bé được giúp mặc áo, cài áo xong đều khoanh tay lễ phép nói với tôi: “Cháu xin cô ạ” hay “Cháu cám ơn cô ạ”.

Đứng ở trường Mẫu giáo Pa Cheo, nếu nhắm mắt lại, bạn sẽ cảm thấy như đang đứng giữa một trường mầm non kiểu mẫu của Hà Nội. Các bé nói và hát tiếng Kinh bằng chất giọng trong trẻo, sõi và đáng yêu vô cùng. Ríu ra ríu rít, chúng đọc liền một mạch mấy bài thơ dài trước cặp mắt ngạc nhiên của khách. Chẳng biết có phải các thầy cô có ý khoe với chúng tôi hay không, cả hai lớp học gần 40 bé (ở đây các bé ở độ tuổi 3-5 tuổi đều học chung 1 lớp) cùng được đưa ra sân chơi trò chơi và múa hát. Tôi thấy hầu như chúng thuộc chẳng thiếu bài hát thiếu nhi nào.

Cô cất giọng: “Chơi trò chơi nào!”, cả lũ chim non họa theo “Chơi gì? Chơi gì?” như thủ tục để bắt đầu 1 trò chơi mới. Trẻ con là như vậy đấy, chúng chẳng bận tâm đến cái sự đói hay rách nhiều lắm, cứ được chơi là vui rồi.


"Chơi gì? Chơi gì?"

Khi được tặng quà bánh, các thầy cô lấy một cái sọt nhỏ để giữa vòng tròn, các bé biết tự động đem vỏ kẹo, vỏ bánh, vỏ hộp sữa bỏ vào trong sọt. Ngoan thật là ngoan. Ai dám bảo, những người sống giữa thị thành văn minh hơn những em bé nơi đây.

Trong bữa cơm trưa của học sinh MG Dền Thàng, tôi phục lăn khi thấy các bạn lớn trong lớp phụ cô bưng cơm ra bàn cho các bạn nhỏ. Cả lớp không ai ăn trước, chờ ai cũng có cơm đã, rồi đồng thanh mời: “Chúng con mời cô ăn cơm ạ.” Ôi, cái giọng non nớt của chúng sao mà đáng yêu đến thế.


Giúp cô chia cơm, chẳng gì người ta cũng 5 tuổi rồi!


Cháu thử miếng đã, ngon quá cơ!


Rõ ra dáng con nhà nề nếp nhé, ăn từ tốn không vãi hạt nào.

Cảm ơn các em, những bông hoa trên đỉnh núi. Chính các em đã trả lại cho chúng tôi niềm tin vào sự tận tụy của người thầy. Ít ra, ở vùng núi xa xôi này, học sinh của các em cũng không bị thiếu thốn một thứ vô cùng quý giá: tình yêu thương của thầy cô.

Bạn có tưởng tượng được:

-         Nước rửa mặt mũi chân tay cho bé là ưu tiên cuối cùng. Những giá treo khăn mặt và đám khăn mặt xinh xinh gần như vô dụng ở một số điểm trường như Pa Cheo vì không có đủ nước. Lỗi đầu tiên là khi quy hoạch và thiết kế trường mầm non, người ta không tính đến nguồn nước, lỗi thứ hai là ngân sách không có để mua lại nước của dân cho trường, lỗi thứ ba là v.v… và v.v… Hậu quả là những gương mặt bầu bĩnh không mấy khi được phô má hồng ra ngoài, toàn là má… nâu thôi  

-         Việc cắt tóc cho học sinh là điều cấm kỵ. Một trong những dự định ngây ngô của tôi là tặng cho mỗi trường một bộ kéo và tôngđơ để các cô cắt tóc giúp các cháu gọn gàng. Vừa thổ lộ với cô giáo ở trường tiểu học nội trú Lao Chải, cô đã cười rũ: “Không được đâu chị ơi. Người dân tộc không cho ai cắt tóc con mình bao giờ, nếu làm họ có thể phạt vạ đấy. Hồi mới lên em không biết, lôi 1 bé ra cắt tóc, sau đấy mất ngủ 2 tuần liền, nơm nớp lo phụ huynh đến bắt vạ thì không lấy đâu ra tiền mà trả.”

-         Các trường mầm non hầu hết đều nằm ở điểm cao hơn và cheo leo hơn so với trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Lý do là mầm non luôn được xây dựng sau và lúc ấy thì quỹ đất đã hết rồi. Một cô giáo ở Ngải Thầu bảo tôi: “Nếu chị ở lại đây qua đêm. Khoảng 6 giờ rưỡi sáng chị sẽ chứng kiến cảnh lũ trẻ như bầy chuột con cắn đuôi nhau bò lên dốc.” Tôi đoán trời mà mưa thì cái bầy chuột con ấy sẽ tiến 1 bước lùi 3 bước mất thôi.
Một vài thắc mắc rất vụn vặt của tôi đã có lời giải đáp. Dù chưa được trọn vẹn cũng xin chia sẻ cùng bạn vì biết đâu bạn đang giữ trong lòng những băn khoăn như tôi đã có trước khi tham gia chuyến đi này:

-         Bữa sáng của trẻ em nội trú: Các em ăn lại cơm thừa của đêm hôm trước, được hâm nóng lại. Khi tôi hỏi về thức ăn, câu trả lời là nếu còn thức ăn thừa của đêm trước thì sẽ chia nhau. Cả người hỏi lẫn người trả lời đều hiểu rõ khi chữ “nếu” kia không xảy ra (mà tôi ngờ rằng nó hiếm khi xảy ra) thì các em sẽ ăn cơm thế nào. Chừng như không cầm được, một thầy giáo nói thêm: “Có khi chúng tôi thấy các em ăn suông tội quá, mang nước mắm qua cho, bảo các em chan cơm cho dễ ăn, nhưng các em trả lời là không biết ăn nước mắm chị ạ.”

-         Trẻ miền núi có mặc quần áo cũ của người khác không: Theo tập quán, người dân tộc thiểu số không bao giờ cho con mình mặc lại quần áo cũ của người khác. Tuy nhiên, theo lời các cô giáo, trong những năm gần đây các em bé đến trường thường nhận được đồ cũ dưới xuôi ủng hộ nên dần dần đã tạo được thói quen này. Tôi không dám chắc về học sinh Trung học Cơ sở vì lần này tôi chỉ gặp các cô giáo Mầm non và Tiểu học, nhưng các bé MG và Tiểu học thì vẫn sung sướng mặc quần áo cũ được ủng hộ. Các cô chỉ ra sân trường: “Chị xem, những bé nào mặc quần áo dân tộc thì là của chúng nó, còn quần áo thường thì toàn đồ bọn em đi xin về cho chứ dân ở đây không có tiền mua những thứ ấy về mặc đâu chị.”


Cũ người mới ta, áo này thì cháu mặc được cả mấy năm nữa chưa ngắn ạ!

-         Bé đến trường thì nói tiếng Kinh, ở nhà thì nói tiếng dân tộc mình: Có trường tập trung con em của mấy dân tộc khác nhau. Không hề gì, học trò học cô tiếng Kinh, cô lại học lại tiếng đồng bào thiểu số từ chính học trò mình.

Đến đây đã dài lắm rồi, mai ta mới nghĩ xem có thể giúp các con như thế nào bạn nhé.

9 nhận xét:

  1. Kể ra nếu mỗi thầy cô chỉ cần đi một năm rồi về xuôi vào biên chế cũng là đáng rồi!

    Trả lờiXóa
  2. Ai sẽ lên đó thay họ? Lại là những người mới tốt nghiệp chưa có việc làm ư? Sao không đào tạo luôn đội ngũ giáo viên là dân địa phương, người dân tộc, để họ dạy học chính con em mình, bằng tiếng dân tộc mình nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Có đấy chứ nhưng khi có chữ rồi thì mấy ai chịu về nơi đó. Đã có năm Tuyên Quang mở hệ 5+ tức là lấy HS đã học xong lớp 5 để đào tạo GV đấy. Ngay HS Thái Nguyên về HN học ĐH có máy đứa về lại TN đâu, còn bọn các tỉnh về TN học thì lại tìm cách ở lại TN

    Trả lờiXóa
  4. Có thể thu hút GV lên miền núi bằng phụ cấp thật cao không nhỉ? Ví dụ nếu ở HN lương 3tr, lên TN thành 3+2, lên Hà Giang sẽ là 3+3, hoặc cao hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Hiện tai muốn làm GV bên kia cổng trời thì cũng phải bỏ ra vài chục triệu nên vấn đề của vùng cao bây giờ không phải là GV mà là HS thôi, còn lương GV vùng 135 cao gấp đôi lương của vùng thấp. GV bây giờ phải đi tây nguyên tìm việc mà nghe nói ở đó cũng đủ rồi.
    Chỉ những điểm trường là còn CSVC kém chứ những chỗ gần đường trường còn đẹp hơn vùng xuôi nhiều
    Vấn đề vẫn là nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào .

    Trả lờiXóa
  6. Chị Phúc ơi, mỗi GV đi 1 năm rồi về xuôi vào biên chế thì biên chế ở đâu ra ? Nhiều khủng khiếp luôn.
    Các GV Tiểu học ở vùng cao nói chung thường là hệ 9+3(năm), 12+6(tháng) nhưng phần lớn là người Kinh dưới xuôi lên thôi, người dân tộc ở đó có ít lắm. Học trò của em dạy vùng cao mười mấy năm rồi mà chuyển về miền xuôi gần như không có ! May mắn thì luân chuyển ra trường chính, trường ngoài huyện, trường gần đường...

    Trả lờiXóa
  7. Thằng em họ mình dạy học ở trường THCS nào đó ở vùng sâu Đắc Nông, lấy vợ rồi xin chuyển về trường huyện, nơi vợ nó dạy học, cách đó 30-40 km, cũng mất mấy chục triệu. Mình chẳng hiểu nó phải "đi cày" mấy năm cho hoàn "chi phí hợp lý hóa" này hic hic, nếu không ăn, không mua quần áo và sữa cho con.

    Trả lờiXóa
  8. Như ở Suối Giàng mình thấy trong danh sách GV có khoảng 2/3 là người Kinh, một số có tên hơi giống người Kinh nhưng là dân tộc Tày hay Nùng gì đó. Rất ít GV người H'Mông. Vì thế nếu những đứa trẻ dân tộc ở SG được Quỹ cơm có thịt chu cấp cho ăn đủ, mặc đủ, chịu khó học hành, biết đâu nay mai sẽ là những GV cốt cán ở những vùng dân tộc.

    Trả lờiXóa
  9. Thực ra ngày trước đi học đúng là mình còn có tâm lý coi thường các bạn ở vùng xâu xa vì ...học kém nhưng đến dần sau này khi đến nhà các bạn chơi và càng "lớn" càng hiểu thêm rằng các bạn sống trong điều kiện hoàn cảnh kém xa mình mà được như thế là các bạn cố gắng hơn mình rất nhiều và nếu so kĩ thì có khi mình ... thua các bạn ấy.
    Nhưng có một thực tế đau lòng là nếu đào tạo tại chỗ thì... chất lượng không cao mà nếu đào tạo bài bản được chất lượng cao thì ... lại không phục vụ được cho vùng khó khăn (vì ... 1001 lý do) và thật lòng mình hỏi các bạn có về phục vụ cho Thái Nguyên không?. Câu trả lời:KHÔNG vì:
    1. Điều kiện sống ở TN không tốt bằng nơi các bạn đang sống
    2. Các bạn cũng không thể xin được một chỗ làm mà ... phục vụ cho TN
    3. Các bạn cảm thấy không phát huy được hết năng lực của mình vv và vv...

    Trả lờiXóa