Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

CHUYÊN NGỮ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

(Phan Linh Cẩm - gửi HAT blog)

Tôi vào trường chuyên ngữ hoàn toàn là do quyết định của bố, mẹ. Hồi đó, bố mẹ tôi đều là cán bộ giảng dạy của trường đại học sư phạm Hà nội 1. Sau khi học xong lớp 7 (hệ 10 năm) bố mẹ tôi cho tôi được tuyển chọn và thi tuyển các môn Toán, Văn, Năng khiếu ngôn ngữ để vào trường. Các lý do bố mẹ cho tôi vào học chuyên ngữ là vì học sinh vào trường này được coi như là cán bộ nhà nước - có học bổng và phiếu E, với mức lương thực bao cấp là 18kg gạo/tháng. Với thời kỳ khó khăn đầu những năm 1980, đó quả là một sự thu hút khá lớn. Học ở trường lại rất dễ được đi nước ngoài, nhất là nước Nga, nên bố mẹ tôi, những người từng học ở Nga về, chẳng có sự đắn đo gì mà đưa tôi ngay vào chuyên ngữ lớp Nga.

Nhớ hôm mới vào chuyên ngữ, trời mưa rất to, học sinh được tập trung trong nhà hội đồng để nghe những lời dặn dò ân cần, trìu mến của cô Việt, hiệu trưởng. Cô Việt có giọng nói thật dịu dàng, trầm ấm, như giọng của một người mẹ nói với những đứa con thân yêu của mình. Rồi tôi cũng đi nhận giường trong ký túc xá. Đúng là chẳng biết bao giờ cho đến ngày xưa, thời kỳ bắng nhắng với hai đuôi tóc tết dài, và dáng người gầy gò, điều mà bây giờ chẳng thể nào có được.

Học chuyên ngữ hồi đó thật là thích, học sinh không phải học thêm như bây giờ, các thầy cô thì hết sức nhiệt tình. Lớp được cô Dung chủ nhiệm ngay từ đầu. Vì dạy môn lý nên cô cũng khá nghiêm khắc, chỉ nghe tiếng bước chân của cô đi ngoài hành lang là cả lớp đã im phăng phắc. Đến bây giờ tất cả học trò của cô đều không thể nào quên nghị lực của cô vượt qua khó khăn. Chúng tôi cũng không thể nào quên cách giải bài toán rất điệu nghệ của thầy Thụy, cũng như mùi nước hoa lãng mạn và cách quay người rất nghệ sỹ của thầy. Còn thầy Cường thì nổi tiếng với việc giảng những bài toán một cách vô cùng cẩn thận, nếu học tốt môn toán thầy dạy thì chắc chắn đủ điểm toán để đi học nước ngoài. Cô Chung dạy môn hóa cũng rất nghiêm. Tôi vẫn nhớ việc học chểnh mảng ở lớp 12, chỉ quan tâm đến những môn sẽ thi đại học. Lần đầu tiên trong đời để vở dưới gầm bàn để quay bài trong giờ của cô và đã bị cô bắt gọn. Cô Thủy giảng văn thật lãng mạn, thầy Thu dạy sử lại như một người bố của cả lớp. Hồi đó đời sống còn khó khăn, không có đủ máy móc để luyện tập, nên trong giờ thể dục, thầy Thắng hướng dẫn cho cả lớp tập lộn, hết xuôi lại đến ngược. Không hiểu sao hồi đó tôi khá gầy gò, mà cũng không có năng khiếu thể thao chút nào, chỉ lo bị thi trượt môn thể dục

Trường chuyên ngữ lúc đó cũng không còn quá khắt khe với việc bắt buộc học sinh phải ở nội trú. Do bố tôi xin được một căn phòng nhà lá ở ngay trường đại học sư phạm 1 bên cạnh, nên tôi, Phương lớp trưởng và Điệp, những người đã học cùng cấp 2 với nhau, lại ở cùng nhau, tự nấu nướng, học hành. Tôi vẫn nhớ hồi đó trong lớp có phong trào bói lông mi. Nếu thấy lông mi rụng, được một bạn giấu vào ngón tay mà chỉ đúng ngón, thì ước điều gì sẽ được thành hiện thực. Có lần bói lông mi thành công, tôi đã ước được ăn thịt gà, thế mà chiều đi học về, bố Điệp đã mang thịt gà đến thật. Thời kỳ khó khăn đó, những kỷ niệm như thế chẳng thể nào quên được. Tôi còn nhớ lần cả lớp làm liên hoan, vất vả với món bún chả và phở, thế mà khi ăn sao lại ngon đến thế, ăn xong vẫn thòm thèm vì thức ăn quá ít. Rồi những hôm buổi trưa ở lại trường, mang cơm đi theo ăn, lúc nào cũng luôn mong chờ được Ngân Hà chia sẻ cùng ăn. Mẹ Ngân Hà nấu ăn rất ngon, và hôm nào cũng để vào trong cặp lồng rất nhiều thịt, nhất là món thịt băm viên rán, món xa xỉ hồi đó. Có ăn ở bếp ăn nhà trường với điệp khúc rau cải xoong, bột mì luộc, mới thấy quý thức ăn thế nào. Những lọ muối vừng đầu tuần được mang vào, bao giờ cũng được lắc lên, để lấy những mảnh lạc to ăn trước. Tóp mỡ kho lại nước mắm cũng là món ăn ngon đến thế.

Những hôm biểu diễn văn nghệ, cũng môi son, má phấn, tóc buộc nơ, cùng nhau hát vang những bài tiếng Nga mới học được. Vũ Hà thì dáng người nhỏ bé, hát bài “Con mèo đánh tây” rất phù hợp. Kim Lan thì giọng cũng ấm, nhưng lại hay hát vụng những bài của miền Nam trước năm 1975 nên có khi cũng bị phê bình. Rồi Kim Lan còn nổi tiếng về vụ học nhanh và sau đó lăn ra ngủ nữa chứ. Kim Lan, Hương, Hương Lan có lẽ đã được liệt vào hội ngang, lười học. Hồi đó trong cả hội đói ăn, trông Kim Lan và Phương lớp trưởng khá mũm mĩm so với những cò hương xung quanh. Phạm Lê Dung thì ngay từ khi vào chuyên ngữ đã gây ấn tượng với mầu áo vàng rất ‘dễ nhớ”. Dung hồi đầu khá rụt rè, nhưng chữ viết thì rất đẹp, vì thế bao giờ cũng được giao ghi sổ đầu bài

Những buổi lao động trồng cây ở sân trường vui biết bao. Thế mà cái cây của tổ hai, trồng lại, lần sau cũng vẫn bị bẻ gẫy. Có hôm mặc dù trời mưa, cả lớp vẫn đi nhặt gạch để bán lấy tiền tăng thêm quỹ lớp. Rồi hồi đó, ai nói câu gì hớ là lại bị cả hội xúm vào suy bậy, rồi cười phá lên ầm ĩ. Tôi vẫn nhớ mình phỏng theo bài thơ của Lý Thường Kiệt để ghép tên các đôi bị chế lại với nhau
           Nam Cúc, Sơn Hà, Nam Cúc c…
           Thúy Long, Hoa Hải, Cúc c… c…
Lúc nghĩ ra câu thơ con cóc đó, chẳng có ý gì bậy cả, thế mà khi đọc lên, cả hội đã suy ra, ghép nghĩa đen tối vào đó. Rồi hôm bị cô Thủy gọi lên bảng, đứng trên đó bị cuống, nói: ”thế rồi anh Trỗi liền ấy …”, làm cả lớp cười ầm lên.

Kể ra là học sinh chuyên ngữ thời đó thật ngoan. Lớp chỉ có Loan Anh sớm biết lãng mạn một chút là đã bị phê bình. Mai Hoa có lần viết thư trao đổi với các chú bộ đội ngoài đảo xa, học hành có phần chểnh mảng, cũng bị cô Chung Hóa nhắc nhở. Kim Thanh mắt to, lúc nào cũng rất lãng mạn. Điệp cán sự chính trị thì rất bôn, đã đặt ra quyết tâm gì thì theo đuổi bằng được. Chỉ cần cô Dung nhắc khéo về tật hay ngủ, là Điệp quyết tâm thay đổi, trả lời bằng những điểm cao trong học tập. Thùy cũng nhút nhát, ít nói. Hường cũng như vậy, và hồi đó lớp đặt cho biệt hiệu là bút chì, vì đầu nhọn. Thế mà sau này, khi thành thiếu nữ, Hường trở nên xinh đẹp, nữ tính đến không ngờ. Hồng Hà thì thật cẩn thận, giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập rất chu đáo. Minh Hà bị đặt biệt hiệu là Phích vì giống nhân vật đó trong phim hoạt hình “80 ngày vòng quanh thế giới”. Nhờ có việc thi đại học cả lớp được ngồi cùng phòng, tôi đã hỏi được Hà cách vẽ thêm đường trong bài toán hình, mà ngay sau đó tôi không còn phải cắn bút nữa. Ngân Hà thì xinh đẹp, duyên dáng từ sớm, mái tóc bồng bềnh trong gió, nên cũng đã làm nao lòng nhiều đấng mày râu. Quang Hải được gọi theo tên tiếng Nga, “Khai”, là học sinh yêu của thầy Thụy dậy toán. Hùng khốt thì ngoài vấn đề được mọi người phải ngoái nhìn bởi mầu sắc vàng, tím của áo quần, còn gây ấn tượng vì được cô Thủy khen về bài văn. Thế mà hồi đó ở Hùng, tài ăn nói hóm hỉnh còn chưa nổi trội như về sau này. Các bạn trai trong lớp thì được gắn với biệt hiệu theo như mấy câu thơ khá nổi lúc đó:
Trai giao thông như cành dương liễu
Gái giao thông như củ khoai mì
Trai sư phạm như khỉ cụt đuôi
Gái sư phạm như chim anh vũ
Chim anh vũ đậu cành dương liễu
Khỉ cụt đuôi bám củ khoai mì
Đoạn thơ này có lẽ bắt nguồn từ hai trường đại học giao thông và sư phạm vì lúc đó hai trường ở gần nhau. Thế mà các bạn học sinh nữ cấp ba chuyên ngữ cũng lấy làm đắc ý lắm. Còn những chuyện cười, ăn như sư, ở như phạm, phải mượn nhau thuốc ngứa, mà hồi đó nhà sản xuất thuốc ngứa cũng dã man, cứ để màu xanh lè, tố cáo khổ chủ.

Ấn tượng của Ngọc Lan để lại đối với mọi người trong lớp là vẻ đẹp mong manh, nữ tính, không những thu hút tất cả các đấng mày râu ít ỏi trong lớp, mà còn của cả các lớp trên. Đến bây giờ, thỉnh thoảng gặp lại nhau, mọi người trong lớp vẫn điểm mặt, ai là người thích Lan nhỉ. Ai cũng nghĩ là Lan yếu đuối, vì từ bé đến lớn đã được chiều chuộng, nâng niu. Có người lại còn bảo, số Lan trông thì an nhàn thế, nhưng có lẽ sẽ vất vả, vì vẻ buồn buồn hiện trong đôi mắt. Thế mà cuộc sống đã tôi luyện tất cả. Những người gặp Lan sau này đôi khi cũng phải ngỡ ngàng, không hiểu Lan lấy đâu ra được nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách  của cuộc sống. Lan vẫn giữ được vẻ dịu dàng, yêu kiều qua thời gian. Cùng tên, nhưng Hương Lan lại gây ấn tượng vì vẻ ương bướng của mình. Sau nay Lan mới kể lại là hồi đó Tuyến đã phát hiện rằng Hương Lan họ Trương, toàn vần ương, nên tên thế, tính thế là đúng quá. Tuyến nổi danh với biệt hiệu “bác học” vì tính chăm chỉ, cần cù khó ai bì kịp. Các bạn nội trú chắc vẫn nhớ cảnh Tuyến dậy từ sớm, tập phát âm chữ “r”, lưỡi rung mà giường tầng cũng phải rung theo. Thúy có biệt danh “còi” vì vóc dáng, các bạn cùng phòng lợi dụng lúc Thúy ngủ say, nói mê, để tra khảo xem thích bạn nào. Nhà Thúy hồi đó ở phố Đội Cung, khiến hội hay suy bậy trong lớp càng thêm phát huy trí tưởng tượng. Vinh thì hay bị cả lớp trêu, nhưng dáng cao, mặc quần ống loe phấp phới, cũng để lại nhiều ấn tượng lắm. Liên lớp phó phụ trách sinh hoạt đã rất nhiệt tình, sát sao, trách nhiệm trong công việc khó nhất là phân phối tem phiếu cho các bạn đăng ký ăn ở bếp ăn của trường. Có lẽ chính thời kỳ đó đã tạo nên tính năng động, nhậy bén, thành công sau này ở Liên. Đôi mắt đen, to tròn, trên gương mặt gầy gò, dáng người nhanh nhẹn, nên nhiều bạn tuy cùng học một lớp, nhưng sinh năm dưới, tự nguyện gọi Liên là chị. Người cũng có ánh mắt lanh lợi, thông minh là Phương Lan, lớp phó phụ trách học tập, cũng bị các bạn trong lớp gán cho tên của bộ trưởng Sa hoàng đàn áp cách mạng. Phong thì lãng mạn, văn chương ướt át, báo hiệu cho tương lai của một thầy giáo dậy khoa văn đại học sư phạm sau này… 

Biết bao kỷ niệm buồn, vui, nhiều khi không thể nhớ lại được hết. Ngồi xem lại những quyển Lưu bút viết vào cuối năm lớp 12. Hồi đó cũng đã mỏi tay để viết những dòng gần giống nhau vào các cuốn sổ, tiên liệu đến nỗi buồn phải rời xa tuổi thơ. Nhưng bây giờ, sau 25 năm nhìn lại, mới thấy thấm thía hết được. Không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được nữa.
(Phan Linh Cẩm)

(HAT) - Bài này Cẩm viết và đăng trong cuốn Kỷ yếu của K13B Chuyên ngữ (lớp tiếng Nga) nhân dịp 25 năm vào trường. Lớp K13A (Anh-Pháp) của mình cũng định làm Kỷ yếu rồi lại thôi, vì thấy mất nhiều công sức quá, trong lớp lại không có "nhà văn nhà thơ" nào (hoặc có nhưng ngại đăng tác phẩm của mình chăng?). Sắp tới hai lớp sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm vào trường, nên mình muốn đăng bài này của Cẩm, để "làm mồi", mở đầu cho Chủ đề Chuyên Ngữ. Hy vọng sẽ có nhiều phản hồi và bài viết của các bạn, về một thời để nhớ.

 Mình còn giữ được bức hình này của một nhóm bạn lớp B. Không nhớ ai tặng mình, có lẽ là Hùng "Rô". Dù Cẩm viết "không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được", nhưng mình vẫn mong các bạn coi bức hình này, và để cho tâm tưởng quay về thăm một thời để nhớ đó nhé.

3 nhận xét:

  1. Sao các bạn học ở Hà Nội mà phải dùng nhiều DEP thế nhỉ, bọn mình ở tỉnh lẻ nhưng khoản ấy ... ít phải dùng lắm.

    Trả lờiXóa
  2. 30 năm trước điều kiện vật chất kể cả ở HN cũng không tốt lắm đâu bạn. Ví dụ ở Trường Chuyên Ngữ ĐHSPNN thì hơn 300 học sinh chỉ có 1 bể nước mà nhiều hôm cũng cạn trơ đáy. 20-30 đứa ở chung 1 phòng, quần áo chăn màn cũng không dư dả gì. Nên những bệnh ngoài da lây nhau là thường.

    Trả lờiXóa
  3. Doc bai cua chi toan thay ten cac thay co em da hoc :D
    thay long xon xang, co Chung, co Thuy, co Dung, thay Thang, thay Cuong,...
    Em hoc khoa 25 (94-97) sau cac chi 12 khoa lien, cung hoc tieng Nga nhung gio thi tieng Nga chi con la ky niem, em ko dung trong cong viec hien tai. Hy vong co dip gap chi trong ngay ky niem thanh lap truong 45 nam :)

    Trả lờiXóa