Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Sống Thật Chậm: Gặp lại ngày xưa…(2)


Sáng nay tôi điện thoại cho cô hiệu phó trường Mẫu giáo Pa Cheo, định hỏi nhanh vài câu để lấy thông tin chuẩn bị cho chuyến trở lại thăm các em bé nơi này. Vài câu hóa ra kéo dài đến nửa tiếng nói chuyện, và sau đó lại là những ngày xưa cũ chen lấn xô về.

Ngày xưa của tôi có nồi mì sợi tỏa hương mì tôm thơm nồng nàn…

Ngày bé tôi sợ mì sợi lắm, cái mùi bột mì hôi mốc cứ nồng lên ám lấy tôi. Thế cho nên hôm nào nấu mì nước mà lại có một gói mì tôm “đi qua hàng” thì lũ trẻ con chúng tôi coi như đại tiệc, tha hồ mà hít ngửi, tha hồ mà xuýt xoa. Chúng tôi lại còn ra vẻ sành sỏi khi bình luận với nhau là mì “5 tôm” thì thơm và đậm hơn mì “2 tôm” (nghĩa là trên bao gói có in hình 5 con tôm hay là 2 con tôm ấy mà). Tôi còn nhớ lúc tôi khoảng 10 tuổi, lần đầu tiên trong đời được ăn bát mì tôm “nguyên chất” không pha phách gì, cả mắt, mũi và mồm thì sung sướng nhưng dạ thầm xót xa “lãng phí quá”.

Hôm nay khi tôi hỏi về thức ăn của các bé trước khi các bác “Cơm có thịt” gửi thịt lên cho các con, cô Việt – hiệu phó trường MG Pa Cheo nói: “Bọn em góp mỗi người năm đến mười ngàn hàng tháng để mua thêm mỳ tôm về bỏ vào nồi canh rau cải cho các con chị ạ. Rau cải thì bọn em tự trồng lấy được rồi.” Tôi có thể hình dung những vụn mì vàng ươm lượn trong bát canh rau xanh ngắt, thay cho thịt cho cá, giúp bát canh có vị có mùi. Hơn tất thảy là tấm lòng của những người thầy, người cô ấy, không cam tâm nhìn các con chẳng có gì ăn, đã bằng mọi cách để các con có thể thấy ngon miệng. Tôi nghe mùi mì tôm đáng thèm muốn năm nào lại phảng phất đâu đây.

Ngày xưa của tôi có những ngày lếch thếch bám theo chị tôi đến lớp…

Kể lại bây giờ chẳng ai tin: có 1 dạo gia đình tôi chuyển vùng sơ tán, nơi mới đến chẳng có trường mẫu giáo, anh tôi may mắn đến tuổi vỡ lòng còn được đến lớp, chị tôi 8 tuổi vào lớp 2, còn con bé 3 tuổi là tôi thì tha thẩn cả ngày ngóng mãi chẳng thấy anh chị về, hôm sau bèn lẽo đẽo bám theo chị đến lớp. Được vài ba ngày, cô giáo thấy tôi cứ lê la nghịch đất bên ngoài cám cảnh quá, thương tình cho vào lớp ngồi chung với chị. Tôi giống hệt những bông hoa nhỏ ở Bát Xát bây giờ, ăn uống thì chẳng có gì nhưng má lúc nào cũng hồng căng chắc nụi. Thế cho nên được chui vào lớp rồi chẳng biết thân biết phận ngồi im, cứ tý toáy chui từ bàn này sang bàn khác để các anh các chị nựng nịu, véo má. Cô giáo không chịu nổi bèn ra lệnh cho tôi lên bàn giáo viên ngồi bên cạnh cô thì mới yên chuyện. Đó là kỷ niệm đáng hãnh diện nhất của tôi hồi ấy.

Theo lời cô hiệu phó MG Pa Cheo, danh sách chính thức các cháu ở trường là 218 cháu, nhưng thực tế có hôm có đến hơn 300 cháu ở tất cả các điểm trường. Cái quân số dôi ra kia là lũ em 1-2 tuổi bám đít anh chị đến trường. Lý do ư: ở nhà thì ai trông em? ở nhà làm gì có cơm ăn? (chỉ cơm thôi nhé, chưa nói đến thức ăn hay sang hơn nữa là thịt đâu ạ). Các cô cũng đành chia bớt phần cơm của các anh các chị cho em, ai nỡ để em ngồi nhìn, rồi xếp chỗ anh chị nằm sát vào cho em nằm với, ai nỡ để em lạnh. Thế là cái lũ trứng gà trứng vịt ở đây phải cõng thêm lũ trứng chim cút nữa (học đòi ngôn ngữ của bác Thùy Linh đấy ạ). Bài học sẻ chia các con được học thật sớm, mong sẽ theo các con đi suốt cuộc đời.

Ngày xưa của tôi có ước mơ “miếng giò cắn ngập răng”…

Bạn có bao giờ bị đói chưa? Đói dài ngày ấy chứ không phải là đứt bữa 1-2 ngày đâu. Nếu đã bị, ước mơ của bạn khi ấy là gì? Tôi thì ước mơ nhiều lắm: giá tôi chạm vào cái gì nó cũng biến thành pate, chẳng là có 1 lần tôi được ăn 1 tẹo pate mậu dịch bé bằng cái đầu ngón tay út, tôi lập tức quyết định công nhận nó là món ngon nhất trên đời; rồi có lúc tôi lại ước mình được biết cái cảm giác “cắn giò ngập răng” là như thế nào, vì chỉ thấy trong sách hay người lớn nói thế, chứ cái thứ giò mà mỗi năm 1-2 lần tôi nhìn thấy thì nó mỏng như tờ giấy pơ-luya.

Năm mới, tôi quyết tâm để các em bé MG Pa Cheo được 1 lần thoát khỏi cái ám ảnh đeo bám suốt tuổi thơ tôi, được dõng dạc nói với mọi người rằng “ối, cái đấy con biết rồi” nếu ai đó có hỏi các em khái niệm về giò, về chả. Có vẻ như tôi chưa được người lớn lắm bạn nhỉ.

Còn một ước mơ thầm kín nữa, tôi chẳng kể ai nghe bao giờ, bây giờ tự nhiên muốn lôi ra xưng ở đây, hòng níu kéo chút danh dự kẻo mọi người nghĩ con bé này ham ăn quá: suốt cả thời thơ ấu, tôi luôn khao khát có ai đó ngồi xuống bên cạnh mình, nhìn vào mắt mình, nói chuyện với mình như nói chuyện với một người lớn. Món quà đặc biệt ấy tôi nhận được có 1 lần từ 1 người không hẳn là gần gũi thân thiết với tôi. Tôi giữ mãi nó như báu vật của mình. Hẳn người tặng tôi cũng không biết hết sự kỳ diệu mà mình đã trao tặng.
Tôi nghĩ mình có thể tặng lại món quà đặc biệt ấy cho các em bé ở Pa Cheo: sự quan tâm, chú ý thực sự của một con người tới một con người.

Tại sao lại là Pa Cheo?

Tôi ghé thăm cả thảy 8 ngôi trường trong chuyến đi cùng đoàn “Cơm có thịt”, đến đâu cũng thấy có bao nhiêu việc mình nên đỡ một tay vào, nhưng lòng tôi cứ đau đáu với Pa Cheo. Tại sao lại là Pa Cheo? Pa Cheo là xã nghèo nhất trong huyện Bát Xát nên trường mẫu giáo ở đây cũng nghèo về cơ sở vật chất nhất là chuyện đương nhiên. Dù thuộc diện xã nghèo nhưng lại không phải là xã biên giới nên không có phần hỗ trợ đặc biệt như một số trường khác. Các cô giáo nói thậm chí ở đây không thể kêu gọi phụ huynh góp gạo như các trường khác vẫn làm, vì nếu phải góp bất cứ thứ gì, chắc chắn cha mẹ sẽ không thể cho con đến trường.

Cái khó ló cái khôn, các thầy cô giáo Pa Cheo có vườn cải xanh um để nấu cho học sinh. Gạo thì mua bằng tiền phụ cấp cho trẻ 5 tuổi, về nấu lên chia đều cho tất cả, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều. Nói một cách khách quan, tôi thấy khả năng nói tiếng Kinh của các bé trường này là tốt nhất trong tất cả các trường mẫu giáo tôi có dịp ghé qua, mặc dù cô giáo vẫn than: “Tuần trước em mới dạy xong chữ O, tuần này sang chữ Ô thì các con lại quên mất chữ O rồi chị ạ.”

Bạn có nghĩ:
-         Nguồn nước sạch cho các bé có giá 2,5 triệu đồng: Tôi đã từng kể những khó khăn của các bé khi không có đủ nước sạch để dùng. Nhưng tôi thực sự giật mình khi biết số tiền cần có để tạo nguồn nước sạch cho 4 điểm trường thiếu nước chỉ gần 10 triệu đồng.
-         Bát ăn của các bé phải xoay 2 tua trong bữa ăn trưa: Vì số bát ở các điểm trường do các cô đi xin hoặc vận động kinh phí để mua nên các cháu chưa thể có mỗi người 1 bát và thìa riêng. Không đủ thì chia ca: nửa lớp ăn trước, ăn xong tráng bát qua nước sôi rồi nửa lớp còn lại sẽ ăn thôi.
-         22 ngàn đồng có thể giúp một bé giữ ấm chân qua suốt mùa đông: Hóa ra ủng lại là thứ tiện dụng và hữu ích nhất cho bé trong mùa đông, đặc biệt là khi trời mưa. Cô giáo nói vì ủng giữ chân bé ấm và khô. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đi ủng thì trơn và dễ trượt ngã lắm nhưng cô bảo không phải, ở đây đi ủng tốt hơn nhiều so với đi giày dép chị ạ. Và một đôi ủng cao su cho bé có giá 22.000đ.

Còn một số câu hỏi tôi đang đợi được trả lời vào ngày mai. Vậy hẹn bạn ngày mai ta tính tiếp xem giúp các con như thế nào bạn nhé.

4 nhận xét:

  1. Sống Thật Chậm viết thật và tình cảm quá. Tớ muốn mang về mà thấy cái tít này ở hai link bên nhà tớ (bác Tuấn và HAT) nên thôi. Chắc sẽ chỉ dẫn link.

    Đọc "22 ngàn đồng giúp bé giữ ấm chân" - gợi ý hay quá Tuấn ha. Hôm trước mình ngần ngại mua tất, giờ thấy đúng quá, ủng sẽ thiết thực hơn.

    Trả lờiXóa
  2. @Lana: Trong bài "Gặp lại ngày xưa -1" có hình đứa bé áo đỏ đi ủng xanh tay xách cặp lồng. Ý tưởng mua ủng hay thật. Trong bài viết mới "Góp gió thành bão - gánh hàng xén lên Pa Cheo", STC thông báo có người ủng hộ ủng rồi (và ống nước để đưa nước sạch về trường). Tất cũng tốt Lana ạ, vì chắc chúng nó đi ủng chân không, có thêm tất càng ấm, kể cả khi phải tháo ủng đi ngủ. Ngoài ra trong danh sách "hàng xén" STC có nêu nhiều thứ lắm, ví dụ cần khoảng 200 khăn mặt, hơn 200 viên thuốc tẩy giun, mấy chục cái chăn, đệm ... Bọn mình góp gì cũng được mà. Tớ đang suy nghĩ, có thể thêm sách truyện tranh cho nhi đồng nữa. Bà xã tớ thì còn muốn ủng hộ cái TV cho các thầy cô.

    Tớ dự định đi chuyến này (3-5 tháng 1), nhưng chưa biết chính xác lúc đó có thu xếp được xe không.

    Trả lờiXóa
  3. @Lana: bài nào của STC cũng rất hay. Tớ thường không post lại bài của blog khác chừng nào trên link vẫn hiển thị bài đó, nhưng khi không còn bài đó trên link nào nữa (vì có bài mới) thì tớ post lại, để có thêm người đọc những bài hay.

    Trả lờiXóa
  4. Ừ, bài hay đem về còn để giữ được bài phòng khi một ngày đẹp trời chủ nhân bỗng dưng chán, hoặc 'lấy chồng bỏ cuộc chơi', hoặc gì đó nữa, gỡ đi hoặc đóng luôn cả trang, thế là link hết tác dụng.

    Trả lờiXóa