Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Rổ đây rồi!

(Thu Ngà - gửi HAT blog)


Rổ đây rồi! Đi kiếm rau lợn thôi Tuấn ơi!

(Bài này là nhờ Phúc đã động viên tớ viết)

Trong một lần nhắn tin cho tớ,Tuấn liệt kê các loại rau cậu ấy kiếm được về nhà nuôi lợn để thuyết phục tớ là Tuấn cũng có một tuổi thơ vất vả: “Rau vừng, bèo tấm, bèo Nhật bản, rong đuôi chó, rau lang (hái trộm)”… Cái cụm từ trong ngoặc đơn này đọc nghe thê thảm sao ý, tớ đành rủ cậu ấy đi một chuyến kiếm rau lợn vậy.Thú vui này chắc không phải ai cũng có… nhất là các bạn Đồi Độc Lập chắc sẽ thèm lắm cái sự vất vả của những đứa con đầu lòng như bọn tớ. Đã rất nhiều lần tớ nằm mơ thấy những thảm rau lợn non mơn mởn, rau vảy ốc, rau dừa mọc xanh ngút ngát sau cơn mưa, tớ đưa tay phải hái hái… tay trái dứt mê mải… đầy rổ… tỉnh dậy cứ tiếc mãi… ôi những giấc mơ tuổi thơ luôn xanh màu lá.

Tớ là một cô bé nhút nhát, cái gì cũng thấy sợ, đến nỗi mẹ tớ bực quá phải nhắc nhở sao con cái gì cũng sợ thế, cứ ngại khó ngại khổ sau này lớn lên lấy gì mà sống đươc! Cuộc sống không chiều lòng người tẹo nào: tớ đã phải cố gắng lắm rồi nhưng vẫn không hết sợ… Tớ sợ sâu, sợ cóc, sợ rắn, sợ tối tăm, sợ bùn lầy ẩm thấp, sợ vắng vẻ, sợ người lạ… Nhiều thứ sợ kinh khủng. Nhưng cuộc sống của một đứa nhóc hay sợ sệt ấy vẫn còn ối thứ hấp dẫn đáo để và có lẽ vì sợ quá nên nhiều khi lại làm tớ có ấn tượng lâu ghê cơ.
Ngày nhỏ nhà tớ có một dàn nho trồng trước sân nhà, quả của nó chỉ để cho bọn trẻ con ăn chơi, thi thoảng dùng để nấu canh chua thôi, cái chính là để bóng mát cho khoảng sân phía dưới. Lá nho xanh mát mắt, cũng đẹp, nhưng lũ sâu nho thì kinh chết đi được, con nào con nấy to bằng ngón tay người lớn luôn và béo núc ních ấy. Ai đã xem phim hoạt hình Mỹ “A Bug’s Life” kể về một con kiến, thì sẽ dễ hình dung ra con sâu béo có như trong phim ấy. Bọn này ở lá thì xanh ở cành thì nâu, và có một đường loang lổ bạc phếch giống hệt một cành cây nên rất khó bị phát hiện. Bọn bọ nẹt trên lá tre lại là nỗi kinh hoàng kèm theo đau đớn, ai không may động vào đám lông xanh biếc đẹp mắt ấy chắc chắn sẽ chịu đựng nỗi đau buốt thấu xương luôn. Bọn sâu róm ổi với màu sặc sỡ, lông xù xì gớm guốc ấy cũng là nỗi kinh hoàng cho bọn trẻ con, nếu không may trèo cây mà bị nó rơi vào cổ áo thì thôi rồi… Với màu sắc và thân hình như vậy nên chim chóc cũng ớn nó, đến mùa xuân nó cứ việc nảy nở đầy cây mà ăn lá non… Lạ nữa là có loại sâu keo trên cây chanh cây bưởi, loại sâu này xấu xí thôi nhưng khi giết nó lấy que chọc vào đầu nó, lập tức một mùi thơm ngọt cực kì tỏa ra. Tớ chưa thấy có hãng nước hoa nào sản xuất được mùi thơm đặc biệt như thế cả.

Tuy sợ nhiều thứ như vậy nhưng tớ vẫn là đứa con gái đảm đang của mẹ, giúp mẹ được ối việc đấy nhé. Đi kiếm rau lợn hàng ngày tớ cũng đảm nhiệm giống Tuấn, tớ có thể cạnh tranh với Tuấn về việc kể tên các loại rau lợn có mặt trên đất Gang Thép hồi ấy. Rau vừng, rau dừa, rau vảy ốc, rau rong đuôi chó, bèo tấm bèo tây, bèo cái, rau lang, rau dấp, thân cây chuối, khoai nước… Ngon nhất là nấu cám bằng rau lang non, rau vảy ốc, bèo tấm, khoai nước, nồi cám nấu lên sánh mượt như cháo ấy. Rau vừng có mùi thơm nhưng nóng lắm, rau dừa thì nhiều nhựa nên nồi cám cứ đen kịt lại. Nấu hai loại này bọn lợn ăn sẽ bị táo bón ngay, chỉ khi nào bọn nó lạnh bụng ăn rau này rất hiệu quả. Khi hết rau hay trời mưa gió, không đi kiếm rau được, đành phải ngả cây chuối già ra nấu cám cho lợn vậy. Chẳng có chất gì ngoài tí xơ, chỉ để cho bọn lợn khỏi đói thôi. Khi mưa xuống, bọn mình còn lọ mọ đi hái mộc nhĩ ở những cây gỗ mục. Tìm tòi để bắt ốc sên cho vào nồi cám, vỗ béo cho lũ lợn. Nồi cám hôm nào có dăm con ốc sên to bằng nắm tay thì thơm phức phải biết, cứ như món đặc sản trên bàn tiệc Châu Âu ấy chứ.

Tớ còn được mẹ tớ chọn là người chuyên thả lợn vào chuồng, vì nết chăm ăn và ngoan ngoãn nhu mì nữa chứ. Lợn tớ thả vào chuồng chỉ ăn và ngủ, ít kêu… Chứ thằng cu em tớ, có lần tớ vắng nhà nó được thả lợn vào chuồng thì con lợn ấy ngày phi ra khỏi chuồng vài lần, chuồng cao 1,2m mà nó cứ phi qua von vót như động viên vượt rào. Báo hại cả nhà đi tìm lợn suốt. Bọn tớ còn đặt tên cho lũ lợn nhà tớ nuôi nữa. Con Lưng gẫy là con lợn ỉ đen còi cọc mà bụng to tướng quét đất lệt xệt, nó đi ra máng để ăn cũng kéo lê cái bụng kêu xoèn xoẹt, ăn xong lại càng kêu xoẹt xoẹt để về chỗ nằm. Có con kêu tên là Bôm Bốp, không phải tớ thích tên tây đâu mà vì nó có nết ăn ngoan cực kì luôn, cứ đổ cám ra máng là nó xục cái mõm xuống ngoạm 1 mồm to đầy cám hất lên nhai chộp chộp chộp chộp cứ giòn tan như tiếng vỗ tay, hết miếng này đến miếng khác cho đến nhẵn chậu cám. Con tên Bướng là con lợn lai ngỗ ngược ghê, cám không ngon là nó không ăn đâu, xục cái mõm dài xuống máng thám thính, ngon thì nó ăn không là nó ủi lấy ủi để cám trong máng, rồi hất đổ cả máng đi một cách phũ phàng, chịu nhịn đói. Còn con Khoang lại là một con lợn ngoan mà tớ nhớ mãi, nó có những khoang đen trên lưng như con bê con, nết ăn ngoan ngoãn lại còn đi vệ sinh đúng chỗ, chẳng mấy khi hất đổ máng ăn của nó cả. Rồi con Híp, con Nhọn nữa, mỗi con một một tính một nết. Nhưng đều có chung một đặc điểm là được chiều chuộng ghê đi, vì mẹ tớ lo chúng nó bị ốm còn hơn cả lo chúng tớ ốm!!! Hì hì hì có lẽ vì chúng nó không biết nói thôi mà… Mà các cậu ạ, hình như bọn lợn ỉ ngoan và khôn hơn bọn lợn lai nuôi kiểu công nghiệp, nhưng bọn lợn lai được cái chóng lớn và nuôi thì kinh tế hơn thì phải. Mùa rét Thái Nguyên cũng nhớ đời luôn, gió bấc rít u ú ngoài vườn, quẳng cho lợn cái bao tải,ít rơm khô,hoặc lá chuối khô cho nó nằm, bọn lợn ỉ sẽ nằm im trong tải,chui xuống dưới rơm chỉ thò cái mũi ướt ra thở khìn khịt đợi đến giờ ăn, đi vệ sinh đúng chỗ nên rơm khô ráo ấm áp,chứ bọn lợn lai thì láo lếu lắm nào phá chuồng xé tải, rồi đái ị lung tung vào chỗ nằm nên bẩn thỉu rồi lại nằm vào chỗ lạnh kêu gào dữ dội vì lạnh và đói, đã thế chân dài nên rất hay phi ra khỏi chuồng …

Khi bọn nó bắt đầu nằng nặng, bố mẹ tớ gọi người đến cân bọn nó lên rồi trở đi luôn nhiều lần tớ phải trốn đi vì không muốn nghe bọn nó kêu thảm thiết … Rồi lại quay vòng khác. Mẹ tớ lại mua một em ỉn con bé tí bằng cái phích nằm ngơ ngác trong cái bao tải, rồi lại cho tớ thả vào chuồng … Nhờ vía tớ nó lại hiền lành và ngoan ngoãn không phi ra khỏi chuồng như ngựa vía … Mong nó lớn thật nhanh và không bị ốm tí gì (nói nhỏ nhé tớ có lần nuôi lợn góp với mẹ tớ được cả nửa chỉ vàng để dành lấy chồng đấy, đừng kể rộng rãi nhé tớ sợ mọi người lại cười cho đấy).

Ôi đầy rổ rau rồi đấy! Về thôi bạn ơi!

---------------------------
(HAT) Ngà voi gọi ời ời đi hái rau lợn cả tuần nay, mà tớ cứ làm biếng, lấy cớ bận việc cuối năm, rồi bận chuẩn bị cho vụ đi Tây Bắc. Thực ra chẳng phải bận gì lắm, chẳng qua tớ chợt hiểu trong chuyện kiếm rau lợn này Ngà voi hơn tớ mấy level. Hồi xưa ngày nào tớ cũng phải đi kiếm một rổ to rau lợn. Nhấn mạnh là "phải đi", bởi tuy tớ vẫn kiếm rau rất chăm chỉ, luôn "hoàn thành nhiệm vụ", nhưng tớ chẳng có chút hứng thú gì với việc này. Và tớ không còn nhớ rau vừng thì có mùi thơm, rau dừa nấu lên cám đen kịt ... như Ngà vẫn nhớ. Tớ cũng chẳng bao giờ đặt tên cho mấy chú lợn nhà tớ. Thậm chí nhiều lúc còn khó chịu vì việc nuôi chúng nó chiếm mất ối thời gian, những giờ quý báu mà tớ có thể đi đá bóng, chơi khăng với tụi bạn, hay đọc truyện ... Nhưng cũng phải thừa nhận là nhờ có mấy chú ỉn mà mỗi lần bố mẹ bán đi, anh em tớ lại có cơ hội có một manh áo hay cái quần mới. Thế cho nên hôm nay tớ không làm biếng nữa, đi kiếm rau lợn với Ngà voi đây. Chờ tớ với!

10 nhận xét:

  1. Em cũng có nỗi kinh hoàng là sâu đấy chị Ngà ạ. Ngày bé, con sâu xanh trên cây nhãn hương không biết bao nhiêu lần làm em khóc, có những lần mơ cũng toàn sâu xanh.
    Giờ thì cây ổi trước nhà có mấy con sâu khủng !

    Trả lờiXóa
  2. Trên em nuôi lợn toàn lấy rau vừng trên đồi.

    Trả lờiXóa
  3. Mọi người đã bao giờ nhìn thấy rặng chuối chỉ còn trơ cuống lá chĩa tua tủa lên trời chưa? Rặng chuối tây trồng ở bờ ao nhà tớ đã từng bị sâu róm ăn trụi như thế. Một lần chặt chuối nấu cám lợn, tớ bị sâu rơi vào người, rát muốn khóc thét. Nhìn lũ sâu chuối sắp hàng, bò giật lùi đến đâu lá trụi đến đó, mà rùng mình.

    Trả lờiXóa
  4. Mình thì không phải đi lấy rau lợn vì vườn nhà rộng nên chỉ phải xách nước (cả nước ao và nước phân lợn) để tưới rau lang thôi. Kết quả là mình có thể xách hai tay hai xô nước đi băng băng được (nhưng vác trên vai thì chỉ một cái cuốc cũng ... chịu). Còn đi lấy lá sắn cho cá thì dành cho chị cả.Hóa ra mọi người vất vả hơn mình thật.

    Trả lờiXóa
  5. Mình cũng góp vui với các bạn về một ít kinh nghiệm nuôi lợn nữa nhé, hồi mình mới lập gia đình, chuyển vào Nam và sống ỡ Nam Cát Tiên(Đồng Nai), thời gian rảnh rỗi nên thấy mấy chị hàng xóm mách, nuôi lợn bây giờ rất có lời, cứ một đôi xuất chuồng thì dư ra 2 chỉ vàng(1991), nghe ham quá, mình cũng mua 2 con lợn bé về nuôi và ra sức chăm, cho ăn đúng bữa, tắm ngày 2lần cho mát để mong nó lớn nhanh như thổi, nhưng sao lợn của hàng xóm 4 tháng là xuất, còn 2 con của mình rất đep mã mà 6 tháng chưa xuất được, vì nó không to mà cứ chắc nịch, cuối cùng khi bán đi mình tính ra thì lỗ đúng "2 chỉ"! từ đó cứ nghe thấy ai rủ nuôi lợn lấy lời là mình lại sợ...

    Trả lờiXóa
  6. Phúc nói tưới rau lang, lại nhớ vụ "hái trộm" rau lang Ngà nhắc đến ở đầu bài. Dạo đó mình cùng tụi cùng xóm hái trộm rau có 1 lần thôi, nhưng áy náy mãi.

    Sau này về chuyên ngữ còn hái trộm rau lang nhiều lần nữa, nhưng ít áy náy hơn. Bởi lẽ hái cho ... người sắp chết đói ăn, 3-4 thằng nội trú đêm nấu nồi cơm, chỉ dám hái trộm vài mươi lá khoai để nấu tẹo canh.

    Trả lờiXóa
  7. @ Nga: Người ta mách bạn nuôi lợn có lời, mà chưa mách bạn cho chúng ăn gì để chóng lớn, hi hi.

    Trả lờiXóa
  8. Nhà mình đã có lần nuôi tổng cộng một lúc hơn hai chục con lợn (cả lơn mẹ, lợn con, lợn nhỡ)nhưng sau mẹ mình hạch toán ra lãi được một chút xíu thì vào tiền rau và củi là vừa hoà nên từ đó không nuôi nữa. Bây giờ vườn nhà rộng mọi người bảo nuôi gà, lợn để ăn gà sạch, lơn sạch nhưng mình lại tính mỗi lần chăn (gồm cho ăn, dọn vệ sinh, đóng mở cửa...) cũng chỉ được vài trăm đồng "cún" nên ... để vườn cho đa dạng sinh học.

    Trả lờiXóa
  9. Ôi chị Ngà làm em nhớ thời thơ ấu quá, tình cờ sheach được Blog về trường Độc lập của anh Tuấn, các anh chị có tình bạn thật thân thiết, gắn bó. Không hiểu tại sao đọc những dòng văn của chị Ngà em thấy gần gũi thế, thân thương thế, tuổi thơ của em cũng gắn liền với những chi tiết trong văn của chị, nhất là mục đi kiếm rau lợn, cho lợn ăn...con đường đến trường. Thích nhất là chị tả con lợn Bôm Bốp ăn cám...nhà em cũng có một con y hệt như thế, chắc hẳn chị Ngà nuôi lợn mát tay lắm đấy....Hi.
    - Chúc các anh chị sức khỏe, công tác tốt và luôn nhớ về quê hương Gang Thép - Thái Nguyên yêu dấu.

    (Em là hàng xóm của anh Tuấn từ thời nhà tranh vách đất lúc chưa chuyển lên tập thể Đồi Độc Lập từ hồi bé tý, khi em chưa đến 5 tuổi, cô Nhi rất quý em, hàng ngày chỉ mong cô đi làm về để được cho những băng giấy thừa cô mang từ văn phòng về làm đồ chơi, rồi vụ anh Tuấn, anh Minh chiến tranh ném đất sang đầy nhà em...)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em là Khang con bố Hoan phải không?
      Thật ra tình bạn thân thiết, tuổi thơ đầy kỷ niệm thì ai cũng có. Chỉ khác là có dịp để nói, để viết ra, để chia sẻ với nhau không mà thôi.

      Xóa