Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Chuồn chuồn cắn rốn

Hồi lớp 4 hay lớp 5 gì đó, tớ đã suýt bị chết đuối.

Chuyện thế này.
Tụi con trai xóm tớ hay rủ nhau ra chơi chỗ cái hồ ở gần sân bóng Gang thép, lội nước, và vớt rong 'đuôi chó' về cho lợn. Có lần trời mưa rất to, nước ngập khắp. Tụi tớ khoái chí lội theo con mương nhỏ và nông, dòng nước xiết cuốn cả bọn trôi dần về phía hồ khi đó đã tràn bờ. Đến hồ, trong lúc mấy thằng bơi giỏi như Phương Nhàn, Đông Nhàn thi nhau bơi sang bờ bên kia, thì mấy thằng không biết bơi, trong đó có tớ, cứ lội men men bờ hồ. Đang đi chỗ nước sâu đến ngực, bỗng ủm, thằng Dũng và tớ cùng bị sa xuống một cái hố, nước ngập đầu. Hai thằng bíu vào nhau, dập dình trồi lên thụt xuống, quay cuồng, tối tăm mặt mũi. Nước tràn vào mồm, vào mũi cay xè, ngạt thở. Lúc đó hoảng loạn quá, tưởng thế là toi rồi, bỗng có cái gì xô mạnh, hai thằng sắp chết chợt thấy chân chạm đất, đứng lên được, đầu óc vẫn quay cuồng. Thì ra thằng Đông thằng Phương nghe mấy đứa kêu, bơi quay lại đẩy hai đứa ra khỏi hố. Hú vía, chỉ tội phải uống no nước hồ. Cả bọn giấu biệt không dám cho phụ huynh biết.

Sau vụ chết hụt, mấy thằng tớ quyết phải tập bơi. Thằng Đông Nhàn bảo muốn mau biết bơi phải bắt chuồn chuồn cho cắn rốn. Tớ chẳng tin lắm, nhưng bí quá, sợ chết quá, cũng rủ Dũng nghiến răng chịu chuồn chuồn cắn mấy cú đau điếng. Rồi cả bọn cùng ghi tên vào câu lạc bộ bơi ở bể bơi Gang thép, mỗi tuần tập 2 buổi.

Đi tập bơi ở câu lạc bộ rất thích. Được học các bài tập, các động tác kỹ thuật cơ bản cả bơi ếch, bơi ngửa, bơi trườn sấp và bơi bướm. Phải thừa nhận là tớ bơi cực kém. Ở trên bờ làm động tác bơi khô thì chuẩn lắm, vậy mà xuống nước bơi thật thì chậm hơn rùa (đi trên cạn). Trong đội bơi chục đứa thì siêu nhất là thằng Hùng Tài, còn tớ luôn luôn về gần áp chót. Thế mà khi huấn luyện viên yêu cầu cả bọn cử ra một thằng làm đội trưởng, chúng nó đồng loạt chỉ mình, mới tức. Tức vì đội trưởng có mỗi cái việc là những hôm HLV đến muộn thì hô hào cho cả bọn chạy mấy vòng, tập các bài thể lực để khởi động. Tức vì cái tiếng đội trưởng còn làm tớ một phen bẽ bàng.

Chuyện thế này.
Hè năm lớp 5 hay 6 gì đó, tức là đúng một năm sau khi cả bọn tập bơi, các anh chị phụ trách đội ở xưởng ferro tổ chức thi bơi, và mấy cuộc thi khác nữa để tổng kết vụ sinh hoạt hè. Thi bơi ở cái hồ cạnh Rạp hát ngoài trời gần Đường tròn í. Gần chục thằng bơi, trên bờ một bọn rất đông cổ vũ. Như thường lệ, Hùng Tài về nhất. Lẽ ra mình về áp chót, nhưng có lẽ vì mấy hôm trước bị sốt, còn hơi mệt, nên lần này về chót hẳn. Mãi sau, lò dò về ferro, nghe lỏm thấy anh Tổng phụ trách hỏi đi hỏi lại anh phụ trách cuộc thi bơi: “Thằng Tuấn về bét á? Sao lại bét? Lạ nhỉ! Nó là đội trưởng đội bơi cơ mà!”. Tớ đảo mắt nhìn quanh, chẳng có cái lỗ đất nẻ nào mà chui xuống. May hai anh kia không nhìn thấy. Sau đó tớ cũng thôi tập bơi. Chết đuối thì không lo nữa rồi, còn với 'năng khiếu' kiểu chuồn chuồn cắn rốn của tớ thì chắc chắn không trở thành Salnikov * được.

* Vladimir Salnikov: vận động viên bơi lội nổi tiếng của Liên Xô những năm 1970-1980, 4 lần vô địch Olimpic, nhiều lần vô địch thế giới, châu Âu, lập nhiều kỷ lục thế giới.

10 nhận xét:

  1. Cái Hồ gần sân bóng ngày xưa mình thấy nó to - rộng lắm, hình như bây giờ cạn rồi thì phải, mình đi qua đó rất nhiều lần( sang khu Xây Lắp nhặt củi và rau lợn, rau vừng ấy mà ) nhưng không bao giờ dám lội xuống, nói chi tới bơi như bọn con trai, cứ cho chân xuống là đỉa bám ngay, không ngờ T cũng ngịch quá nhỉ, có bị Đỉa bám chân bao giờ chưa?

    Trả lờiXóa
  2. Đi ra ruộng móc cua suốt mà không bị đỉa bám mới lạ! Nhiều hôm về tận nhà mới biết con đỉa vẫn đeo bắp chân.

    Cái hồ cạnh khu Xây lắp thì bẩn và lắm đỉa, vì gần ruộng, tớ chỉ vớt rong cho lợn, chứ không hay tắm ở đó. Hồ đó nối với con mương đằng sau sân bóng, thông sang một cái hồ khác cũng khá to, cạnh con đường từ nhà Thanh ghít ra rạp chiếu phim í. Hồ này sạch hơn, và cũng sâu hơn, nên tớ suýt toi ở đó.

    Trả lờiXóa
  3. Học lớp 3, mẹ nọc ra hỏi tội: sao buổi chiều không trông nhà mà đi bêu nắng lội ruộng, cho mấy roi. Tớ chối đây đẩy, có ra ruộng đâu! Lại bị thêm mấy roi vì nói dối. Sau mới biết lội ruộng nhiều, nước phèn vàng hết móng chân, mẹ nhìn biết liền.

    Trả lờiXóa
  4. Quanh khu mình giờ chả còn cái hồ nào cả (giờ chỉ còn mỗi hồ cạnh rạp ngoài trời đang cải tạo nhưng cũng chỉ còn bé bằng nửa trước thôi)

    Trả lờiXóa
  5. Đến cả Hồ Tây xưa to là thế ... Mét đất mét vàng!

    Trả lờiXóa
  6. Xung quanh khu mình ở ngày xưa thích thật, toàn là ruộng lúa thôi, hồi lớp 3-4 bọn xóm mình suốt ngày ra bắt cua, bắt cá cờ (hồi ấy chẳng ai ăn, bây giờ lại thành Đặc Sản) nhặt lúa nếp, chủ yếu là đi chơi ấy mà, còn xem phim thì chẳng bao giờ đi trên đường mà toàn chạy bằng đường ống nước thôi( các bạn còn nhớ cái đường ống ấy không, sao hồi đó nó to thế nhỉ?), trẻ con ngày xưa đúng là "nhất Quỷ " thật, rất nhiều kỷ niệm, còn trẻ con bây giờ cứ bước chân ra khỏi nhà là đi dép, nếu khai với chúng nó, ngày xưa Bố Mẹ chẳng thèm đi dép, chắc các cháu cười chết...

    Trả lờiXóa
  7. @Nga: Cái đường ống dẫn dầu dài và to tướng treo trên đám ruộng, bọn mình cũng thích chạy trên đó. Đã có nhiều chú rơi xuống ruộng, quần áo bê bết bùn.

    Trả lờiXóa
  8. Đến bây giờ mình mới biết nó là đường dẫn dầu đấy, suốt thời niên thiếu cứ nghĩ nó là đường ống nước, sao T lại biết được nhỉ?

    Trả lờiXóa
  9. Đến bây giờ tớ mới biết đó là ống dẫn nước. Xưa nay tớ cứ nghĩ đó là ống dẫn dầu-xăng. Sao Nga lại biết nhỉ. ;)
    Nói vậy chứ tớ đoán là dẫn dầu vì có vẻ như nó chạy ra kho xăng dầu chỗ trạm xe Đoàn 10 gần nhà Thanh xuyền.

    Trả lờiXóa
  10. Phúc vừa nói cái bể bơi ở xưởng gạch, nơi bọn tớ tập bơi, phá đi lâu lắm rồi. Làm tớ nhớ lại, hồi đó ít người bơi quá, nước họ cũng không thay thường xuyên, nên lắm bữa rêu xanh lè. Rồi mùa đông rét, tụi mình đi tập bữa có bữa không, thế là bị ông thầy mắng: "Người ta từ tận Thanh Hóa ra đây thuê bể để tập bơi, chúng bay có sẵn bể ngay gần nhà mà không chịu tập", vừa mắng ổng vừa chỉ mấy anh chị đội tuyển bơi lội Thanh Hóa đang bơi như cá dưới bể, còn mấy thằng mình co ro khởi động trên bờ, sợ rét không chịu cởi đồ.

    Trả lờiXóa