Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Sống Thật Chậm: Gặp lại ngày xưa…

Ngày xưa của tôi có những buổi trưa xách cặp lồng cơm đến lớp…
Hồi ấy trẻ con chỉ học 1 buổi, chúng tôi học lớp chuyên nên có những đợt học 2 buổi để luyện thêm. Một trong những lý do tôi thích những ngày học 2 buổi là tôi được mang cặp lồng cơm đi học, vừa trông như người lớn, vừa được dịp trao đổi, ăn thử cơm nhà người khác.
Lần này khi bám chân đoàn khảo sát “Cơm có thịt”, tôi lại thấy cảnh các em bé lũn cũn xách cơm đến trường.


Gia tài của cháu: quyển sách quý nhất đấy ạ.

Có điều cách đây hơn 30 năm, giữa thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ, cơm của tôi vẫn có chút rau và tí đồ mặn như lạc rang nước mắm, còn đây là cơm của các bé mầm non huyện Bát Xát ngày hôm nay.


Cháu mang cơm với cá mắm, (lúc này bé mới giở cặp lồng ra chứ chưa ăn đâu ạ)


còn cháu mang cơm với... thìa ạ!

Ngày xưa của tôi có nỗi thèm ăn thường trực…
Các con tôi không bao giờ hình dung nổi chuyện nửa lạng thịt dành cho một bữa ăn tươi là như thế nào. Thời của tôi, “tiêu chuẩn nhân dân” được vài lạng thịt một tháng luôn phải cố ý mua mỡ để còn xào rau, lấy tóp mỡ rang cơm. Quả thực nếu lạng ra được một rẻo thịt nạc thì trẻ con sung sướng lắm vì thế nào cũng được ưu tiên. Nhờ thế chúng tôi có khái niệm “ăn dè”: miếng thịt cứ nằm trên mặt bát cơm, nhìn cho sướng mắt, rồi nó cứ tụt dần xuống đáy bát mà chẳng suy xuyển mấy về hình dáng, “ăn dè” mà.  Cái đói lúc nào cũng lảng vảng xung quanh, rõ ràng vừa ăn no bụng bữa cơm độn mì sợi với rau luộc chấm nước mắm xong, thoáng cái đã thấy đói meo lúc nào.
Ở Mẫu giáo (MG) Dền Thàng, chúng tôi may mắn đến đúng bữa các con ăn trưa. Những cái miệng xinh xinh loáng mỡ vì hôm nay các con được ăn thịt. Nhờ có chương trình “Cơm có thịt” của các bác trên mạng, các bé được ăn hàng tuần 2 ngày thịt, 1 ngày đậu, 1 ngày trứng và 1 ngày cá mắm. Các cô bảo bát đầu tiên thường chia hết đồ ăn vào bát các con cho công bằng, thế là các bé cũng có chiến thuật ăn dè ngay lập tức, nhín đồ ăn lại để khi xin cơm bát sau hoặc bát sau nữa vẫn còn cái vị ngon ngọt lẫn vào với cơm.


Tô canh của các con cũng có màu sắc hơn trước đây.

Ngày xưa của tôi có cái lạnh tím tái chân tay…
Mãi đến giờ nhiều khi mấy chị em tôi vẫn còn thắc mắc khi mình còn bé thời tiết lạnh hơn bây giờ hay sao mà cái lạnh cứ thấm vào xương, luồn lách trong người bất chấp mấy lớp áo mỏng mặc chồng lên nhau bên ngoài. Con tôi không tưởng tượng nổi khi tôi kể lại chuyện tôi và bạn bè thường chơi trò thách nhau đoán được hôm ấy mặc mấy áo trên người, kỷ lục là 1 lần cô bạn tôi (một cô bé lớp 3 gầy gò) mặc đến 13 áo.
Giữa nơi rừng núi mây phủ gần như suốt ngày này, các bé MG mà chúng tôi ghé thăm chỉ phong phanh 1 đến 2 lớp áo. Sang lắm thì có thêm cái khăn hoặc cái mũ. Chân trần không phải là hiếm. Có đôi bàn tay bé nhỏ tôi ủ mãi trong tay mình mà không thấy ấm lên được bao nhiêu.


Chân nọ kê lên chân kia sẽ đỡ lạnh cô ạ, thật đấy!

Ngày xưa của tôi có chiếc chăn kéo kín cổ thì hở chân…
Bạn đã bao giờ đắp chiếc chăn bông nào bị giạt bông chưa? Cái chăn của tôi ngày bé tôi thuộc như thuộc lòng như bàn tay, khi đắp vào thì phải lựa đôi chân thế nào cho đừng vào chỗ chỉ có mỗi 2 lớp vải mỏng manh.
Cái sạp tre chật ních “trứng gà trứng vịt” ở MG Y Tý làm tôi thấy ấm lòng. Đố bạn biết bao nhiêu đứa chia nhau 1 cái chăn đấy? Chắc chắn bạn không đoán ra. Vì bạn không biết tuyệt chiêu của các cô giáo nơi đây:


Trở đầu đuôi nhé: 11-12 bạn một chăn chỉ hụt tý.


Thế này thì lúc dậy "tê rần không hiểu vì sao tê rần"
 
Ngày xưa của tôi có chị tôi chờ đón những chiều tan học đường xa…
Chị em tôi yêu nhau lắm. Tình yêu ấy theo trí nhớ của tôi bắt đầu từ những ngày chị đưa tôi đến lớp MG và đón tôi về ở nơi sơ tán. Con chị nhỉnh hơn con em tí tẹo dắt nhau đi thập thõm trong bóng chiều nhập nhoạng. Tôi nhớ chị tôi khi bắt gặp cô bé 8 tuổi ngồi chờ đón em 3 tuổi ở MG A Lù.


Đợi em tan học.


Nhà cháu có 4 chị em, cháu lớn nhất cô ạ.

Những ngày xưa thân thương ấy tôi chỉ mong mãi nằm trong ký ức, mong con mình không bao giờ phải trải lại. Vậy mà sau gần 4 thập kỷ, tôi gặp lại nó nguyên vẹn nơi đây, tệ hơn tôi hình dung rất nhiều. Thấy đắng trong lòng… Đành tự an ủi mình rằng tuổi thơ khốn khó năm xưa đã trao cho tôi nghị lực sống mạnh mẽ, trau giồi cho tôi sự tháo vát và khả năng chịu đựng mà thế hệ các con tôi không có, hy vọng các em bé nơi đây sẽ dựa vào ưu thế ấy mà tôi luyện lòng quả cảm cho mình. Dẫu có thế nào, vẫn cần lắm những bàn tay nâng bước các em.

Bạn có biết:
- Trẻ em 3-5 tuổi ở miền núi vẫn tự mình đến lớp. Đã đành không có nỗi ám ảnh xe cộ như ở phố phường, nhưng còn lối đi ghập ghềnh dốc đá, còn khe sâu bên đường…? Lòng hiếu học nơi đây thật mãnh liệt.
- Một em bé 3-5 tuổi có thể ăn đến 4 bát cơm. Cơm nấu nở bung, hạt gạo to như ngô, nhạt thếch. Vậy mà đứa ăn khỏe có thể ăn đến 4 bát. Lý do rất đơn giản: ở nhà con không có thức ăn, chỉ có rau luộc và khi nào sang lắm thì vài vụn cá mắm (tôi đã nếm thử: đó là cá khô loại nhỏ đã mủn vì để lâu, mặn đắng lưỡi). Các cô giáo nói mùa giáp hạt, có bạn cha mẹ chỉ đóng bột ngô chứ không có gạo, có bạn cha mẹ chẳng có gì mà đóng, các cô đành thêm chút gạo của mình vào, trộn tất cả lại với nhau, nấu chung lên và chia đều cho các con theo lượng cơm độn có được ấy. Những thời điểm ấy, 1-2 bát cơm độn ở trường vào bữa trưa là chủ lực thay thế bữa chiều không cơm chỉ có rau luộc lấy lệ ở nhà.


Rá cơm gạo góp ở MG Dền Thàng

- Các bé mầm non huyện Bát Xát chưa có khái niệm sữa và bánh mì. Trong 38 cháu ở MG Pa Cheo chỉ có 1 cháu biết sữa tươi là gì và biết cách uống một hộp sữa như thế nào. Hầu như tất cả các bé ở Dền Thàng, Ngải Thầu, A Lù… từ mầm non đến tiểu học đều không biết bánh mì là gì. Có em đoán ra rằng đó là một loại bánh nhưng mà chưa được ăn bao giờ. Cảm ơn lắm lắm một bạn ở diễn đàn “Cơm có thịt” đã ủng hộ bánh mì và sữa đặc cho các bé.


Nâng cao lên cho em chấm với nào!

Tôi không phải nhà văn, chẳng phải nhà báo, lại rất ghét chụp ảnh. Theo chân đoàn lần này chỉ muốn tìm câu trả lời cho một số băn khoăn của mình. Tôi giận mình không biết chụp ảnh để mang về cảm giác thật của con dốc dựng đứng ở MG Ngải Thầu, nơi người lớn miền xuôi phải rón rén lần từng bước, dừng nghỉ mấy lần để thở, trẻ con lớp 3 miền ngược vẫn ôm bó củi chạy phăng phăng; tiếc mình không ghi lại được hình ảnh bàn tay bé bỏng lạnh tím của em bé 3 tuổi với thân hình chỉ nhỉnh hơn con búp bê một tẹo.
Vài cảm tưởng lan man về chuyện ăn, chuyện ngủ của các bé, thấy đã dài dòng lắm rồi. Ngày mai sẽ kể tiếp với bạn về chuyện học của các con nhé.

Bài viết gốc và các comment có thể xem ở đây
  

4 nhận xét:

  1. Nói gì thì nói chứ chính phủ để dân sống khổ thế là không được. Các nơi đào tài nguyên đất nước đi bán thì lương cao ngất trời còn dân giữ rừng, giữ biên giới để khổ thế thì ...
    Còn tấm lòng hảo tâm của mọi người rất đáng quí nhưng đáng quí hơn nếu bàng cách nào đó để có thể nâng cao đời sống nơi đó lên thì ...

    Trả lờiXóa
  2. Đồng ý với bạn là Nhà Nước không thể để dân đói khổ thế được. Thực tế thì CP cũng có các chương trình vĩ mô xóa đói giảm nghèo, đầu tư hạ tầng cho vùng sâu vùng xa. Vấn đề là hiệu quả có tương xứng với số tiền khổng lồ bỏ ra?

    Các chương trình thiện nguyện do cá nhân tổ chức thì đến được đúng nơi, đúng người, hiệu quả (ở mức vi mô), song lại không thể "phủ sóng" rộng khắp. Và cũng chưa thể giải quyết được cái gốc của vấn đề là trao cho người nghèo cái "cần câu" để họ có thể tự "nâng cao đời sống" như bạn viết.

    Cho nên thiết nghĩ mục đích của các chương trình thiện nguyện như thế này khá là khiêm tốn: cho trẻ em miếng thịt, manh áo (dù chỉ là ít ỏi) để chúng no hơn chút, ấm hơn chút, khỏe hơn chút, thông minh hơn chút, đặng có sức mà học, hay đơn giản là tồn tại được trong khi chờ các chính sách của Nhà nước mang lại cơm no áo ấm cho bà con khắp mọi miền.

    Có lẽ ngày ấy còn lâu lắm, rất lâu bạn ạ, có thể không bao giờ đến, nếu cứ thất thoát, tham nhũng tràn lan như bây giờ.

    Trả lờiXóa
  3. Ai cũng biết phải làm việc lớn kia mới giải quyết được tận gốc chuyện đói nghèo, nhưng ai cũng chả biết ai sẽ làm việc lớn.
    Thôi thì cứ sức nhỏ làm việc nhỏ. Chưa giúp được tất cả các em bé nghèo thì mình chung tay mỗi người giúp một em bé. Cái đó trong tầm tay mình, và có thể làm ngay hôm nay, bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
  4. @Lana: Nghe đâu các bác ấy sẽ đi Tây Bắc khoảng 15-17.12 đấy.
    Hi hi, cũng sắp đến kỳ mấy con kiến góp nhặt tý hạt cơm hạt thóc vào giỏ thị rồi đó.

    Trả lờiXóa