Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Tàu điện ngầm ở Mátxcơva

Mấy bữa trước ngồi soạn lại mớ giấy tờ cũ, tình cờ thấy cái sơ đồ các tuyến tàu điện ngầm Mátxcơva mà mình mua từ thời sinh viên du học bên Nga. Những ký ức tươi đẹp ùa về.



Từ lâu đã muốn viết về hệ thống tàu điện ngầm ở Nga. Cái sơ đồ giữ được từ xưa đã quá cũ và nhàu nát, mình vào mạng tải về sơ đồ mới (xem hình), so sánh đối chiếu thấy TĐN Mátxcơva đã thay đổi rất nhiều so với hai chục năm trước. Thứ nhất là có thêm nhiều tuyến đường mới, những tuyến đã có trước đây cũng nối dài thêm ra, tạo thành một mạng lưới phủ khắp mọi ngóc ngách của thủ đô Mátxcơva rộng lớn. Thứ hai là có nhiều ga TĐN đã đổi tên, như ga Dzerzhinskovo đổi thành Lubianka, ga Ploshad Nogina đổi thành Kitai-gorod ...

Những ai đã đến Mátxcơva và đi TĐN ở đây, đều phải thừa nhận TĐN Mátxcơva là một trong những hệ thống TĐN lớn nhất thế giới. Từ một tuyến duy nhất khánh thành ngày 15 tháng 5 năm 1935 với 10 ga  từ Sokolniki đến Park Kultury, TĐN Mátxcơva ngày nay có 12 tuyến đường (chiều dài tổng cộng hơn 300 km), 182 ga đang hoạt động và gần 30 ga đang được xây dựng vào thời điểm hiện tại; mỗi ngày chuyên chở hơn 10 triệu lượt hành khách.

TĐN Mátxcơva có lẽ cũng là hệ thống TĐN đẹp nhất thế giới. Ngoại trừ những ga mới xây dựng sau này (có nhiều ga ở ngoại ô là ga nổi trên mặt đất) có thiết kế theo kiểu hiện đại, với vật liệu chính là kim loại và kính, các nhà ga được xây dựng trong các thập niên 30-70 của thế kỷ 20 (đa phần ở trung tâm thành phố), đều là những công trình kiến trúc đặc sắc, nhiều ga giống như những cung điện ngầm dưới lòng đất.

Ga Arbatskaya (ảnh sưu tầm)

Ga Komsomolskaya (ảnh sưu tầm)

Ga Mayakovskaya (ảnh sưu tầm)

Các ga TĐN ở đây được bố trí hợp lý, gần những địa điểm đông người đi lại như ga đường sắt, quảng trường, trung tâm thương mại, ... Mỗi ga đều có nhiều lối lên xuống, từ hai đầu ga và từ giữa ga. Các tuyến đường liên kết với nhau bằng một hệ thống hầm chuyển rất thuận tiện (tuy phải đi bộ hơi nhiều). Ở trung tâm, có nơi đến 3-4 tuyến giao cắt nhau (ở những độ sâu khác nhau), và hành khách có thể dễ dàng chuyển từ tuyến này sang tuyến khác. Hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo ... khá đầy đủ, thuận tiện. Trong các đường hầm bộ hành dài dằng dặc dưới lòng đất, người ta vẫn có thể mua được đủ mọi thứ: hoa tươi, báo chí, nước uống, bánh trái ... thậm chí cả nghe các nhạc công đường phố biểu diễn.


Nữ nông trang viên (ảnh sưu tầm)
Có những ga tàu điện ngầm nằm rất sâu, từ trên mặt đất phải đi 2-3 lần cầu thang trượt mới xuống đến nơi. Tuy ở sâu dưới đất, nhưng không có cảm giác nặng nề, vì ga TĐN rất sáng sủa và đặc biệt là được thông gió rất tốt. Ấn tượng nhất là có nhiều tuyến đường chạy ngầm dưới lòng sông Mátxcơva. Tuy nhiên những tuyến mới thường được làm cầu đi nổi qua sông, để tiết kiệm chi phí đào đường hầm.

Trong vòng mấy chục năm trời, giá vé một lần đi tàu điện ngầm được Nhà nước ấn định là 5 kô-pếch (1 rúp = 100 kô-pếch). Sinh viên tụi mình thường mua vé tháng, chỉ còn khoảng 60-70% giá chính thức vốn đã rất rẻ. Để dễ hình dung, học bổng sinh viên VN được nhận hồi đó (1980-1990) là 90 rúp. Lương bình quân của người lao động ở Mátxcơva là khoảng 200 rúp. Điều khác biệt lớn nhất của TĐN ở Nga so với nhiều nước khác trên thế giới là ở Nga, giá vé không phụ thuộc vào khoảng cách mà bạn di chuyển bằng TĐN, có nghĩa là một khi đã lên tàu, bạn có thể đi đến bất cứ bến nào, đi cả ngày trên tàu cũng được, chỉ với ... 5 kô-pếch. Đó là một đặc điểm của chế độ bao cấp còn sót lại đến tận bây giờ, mặc dù giá vé TĐN hiện nay không còn rẻ nữa: 28 rúp/một lần (khoảng gần 1 usd). Để so sánh, lương bình quân của người lao động ở Mátxcơva năm 2011 là khoảng 40.000 rúp.

Một đoàn tàu chạy tuyến 1 (tuyến đường màu đỏ Sokolniki - Park Kultury). Ảnh sưu tầm.

Mỗi đoàn tàu thường có 6-8 toa, mỗi toa có khoảng 50 chỗ ngồi và khoảng 100-120 chỗ đứng. Tốc độ trung bình 45-50 km/h. Vào giờ cao điểm, cứ 1-2 phút lại có 1 đoàn tàu vào ga. Tàu chạy khá êm, nhưng cũng phải nói rằng rất ồn. Cho nên hễ lên tàu là mình ít nói chuyện và hay đọc sách, thường tranh thủ làm bài tập hoặc ôn bài trên đường đến trường. Có lẽ vì thế mà từ năm thứ 2 phải đeo hai cái đít chai lên mắt :). Hồi mình mới sang, ký túc xá ở gần ga Dzerzhinskovo. Sau năm thứ 2, KTX chuyển về Sokolniki. Trường học ở Park Kultury, nên bọn mình đi học bằng TĐN rất tiện lợi và nhanh. Khái niệm "gần" cũng là tương đối. "Gần" nghĩa là trong phạm vi 1-2 bến xe buýt, có thể đi bộ. Bên kia người ta đi bộ nhiều. Không như ở VN, ra khỏi cửa là leo lên xe máy, nhiều khi chạy ra chợ vài trăm mét cũng đi xe máy.

Còn chuyện vui vui này nữa.
Có lần mình hỏi chuyện một ông người Việt sang đó làm ăn, rằng ông ở đâu trong thành phố. Đáp: tôi ở gần ga TĐN "cái gáo". Lục tung trí nhớ xem cả Mátxcơva có ga nào như vậy. Nghĩ mãi không ra. Nghe ông kia giải thích, mình mới hiểu đó là ga Frunzenskaya. Chả là chữ cái đầu tên ga đó là Ф, viết tiếng Nga hơi giống hình cái gáo múc nước. Vì vậy mà nhiều người Việt không biết tiếng Nga cứ gọi là ga "cái gáo" hay "cán gáo". Đúng là đi ra thế giới mà không biết ngôn ngữ của người ta thì thật khổ. Nhưng cũng thấy thú vị trước sự "linh hoạt" của dân ta./.

3 nhận xét:

  1. Liên hệ với chuyện làm Tàu Điện Ngầm ở VN ta.

    Nhà mình ở KĐT Mỹ Đình, trên đường Lê Đức Thọ. Từ 2006-2007 đã nghe nói đến dự án TĐN Nhổn - Ga Hà nội. Rồi 2009 nghe nói đã động thổ làm đề-pô ở Nhổn, theo kế hoạch thì 2012-2013 khánh thành tuyến, lại có ga ở đầu đường Lê Đức Thọ, sát trường ĐH Thương mại cách nhà mình 1 bên xe buýt. Đã mừng thầm, thế là mấy năm nữa đi làm bằng TĐN, ngon lành quá! Khỏi phải xe máy chen chúc khổ sở lúc giờ cao điểm. Năm 2011 sắp hết, chẳng thấy động tĩnh gì, thậm chí nhà thầu là ai cũng chẳng rõ, nghe đâu còn phải điều chỉnh quy hoạch, thiết kế rồi dự toán. Mà ở VN thường gặp cái vòng luẩn quẩn này: dự án treo (chủ yếu do GPMB lâu, thiếu vốn) => thay đổi dự toán (vì giá cả biến động) => chờ duyệt dự toán xong (lâu quá!) => thay đổi quy hoạch (ví dụ có nhà "cụ" nào đó chẳng may nằm trong khu vực giải tỏa) => chờ duyệt lại quy hoạch mới (tuyến đường bẻ cong một chút để tránh) => lại phải thay đổi dự toán (giá đền bù GPMB tăng ...) => chờ duyệt dự toán mới => các bác dân cứ chờ nhé, vua mới phải nghĩ lại xem lần này chọn Sơn tinh hay Thủy tinh đây ...

    Tóm lại là thôi không hy vọng gì TĐN Hà Nội nữa, có lẽ đến lúc mình về hưu (15-20 năm nữa) cũng chưa làm xong, hu hu hu!

    Ừ mà đến lúc đó may ra trình độ xây dựng và quản lý của ta mới đủ để làm và vận hành TĐN, chứ như bây giờ có cái hầm chui Kim Liên làm mãi không xong, xong rồi thì bao nhiêu vấn đề phát sinh, cứ trời mưa là ngập. Thử hỏi nếu sáng mai mở mắt ra thấy ông Bụt đã hóa phép cho ta cái đường TĐN thì cũng có ai dám ngồi lên mà đi không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn còn được biết tàu điện ngầm là gì chứ như mình thì đành ...xem ảnh...

      Xóa
    2. Còn mình lại chưa được thấy rất rất nhiều thứ, ví dụ như Hồ Ba Bể, mặc dù vẫn tự coi mình là dân Thái Nguyên (ý nói Bắc Thái, khi mình còn ở Gang Thép).

      Xóa