Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Cái biển cấm xe

Vừa vào trang boxitvn.net, đọc được bức thư của ông Đỗ Trường, Việt Kiều ở Đức, gửi người bạn trong tù – tức là ông TS Cù Huy Hà Vũ, người vừa bị Tòa phúc thẩm tuyên y án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc.
Bức thư dài, có thể xem ở đây.

Mình rất ấn tượng với đoạn trong bức thư trên kể về ông Cựu Thủ tướng Đức Schröder,  nên mạn phép tác giả copy nguyên văn đoạn ấy về đây. 

Anh có lẽ là người đặt viên gạch đầu tiên thực thi cái quyền cơ bản nhất của con người (VN) mà bấy lâu nay nó chỉ nằm trên giấy. Anh kiện người đứng đầu chính phủ vì anh thấy việc làm của họ là sai, đi ngược với quyền lợi của nhân dân, đất nước. Có lẽ cả nước bị bóp, thiến cái dạ dày, bao tử đã quá lâu, nên khi chúng ta có một chút no đủ, tính ích kỷ trỗi dậy chỉ lo ki cóp, bảo vệ cái nhỏ nhoi đó. Do vậy những việc làm của anh họ cho là chập chập cheng cheng, không bình thường, nhưng với người ít am hiểu  luật pháp như tôi, hay những bà bán rau, bán bánh mì ở Đức này đều cho là rất bình thường.
Đầu năm 1999 ông Schröder vừa lên nhậm chức Thủ tướng CHLB Đức, ông và cơ quan An ninh bị bà bán bánh mì và rau hoa quả (ở gần nhà riêng của ông) kiện lên Tòa án thành phố Hannover vì can tội dán biển cấm dừng xe ô tô trước cửa hàng của bà, làm trở ngại đến việc buôn bán, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình bà, và khách hàng.

Mặc dù thành phố và cơ quan An ninh xin đổi cho bà một cái cửa hàng khác đẹp hơn và đền bù thiệt hại. Nhưng bà không chịu, vì gắn bó cửa hàng này đã lâu và có nhiều khách quen thuộc bà ưa thích. Không biết do sợ thua kiện hay vì tình hàng xóm, ông Thủ tướng Schröder đã cho tháo biển cấm dừng xe, và vợ ông đã trực tiếp đến xin lỗi bà bán bánh mì. Sau này người ta thấy vợ chồng ông Thủ tướng vẫn thường xuyên đến mua bánh, hoa quả của bà. Báo chí thời gian đó nghiêng hẳn về phía bà bán bánh mì. Người ta lý luận cửa hàng có trước khi ông Schröder làm Thủ tướng và có cái bảng cấm kia, làm thế nào bảo vệ tốt cho ông Thủ tướng là nhiệm vụ của cơ quan An ninh, nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần người dân.

Đây là sự việc có thật, ông Schröder nay không còn làm Thủ tướng nữa, nhưng vẫn thường xuyên sang Việt Nam, tôi cũng mong có nhà báo nào đó gặp phỏng vấn, xem ông nói gì.

(Hết đoạn trích)

Câu chuyện này chúng ta nên đọc để biết, để nói cho thế hệ sau biết: ở một đất nước dân chủ thực sự thì quyền con người được tôn trọng như thế nào, và bản thân mỗi con người ở đó cũng phải ý thức được quyền (và nghĩa vụ) công dân của họ đến mức nào.

Mình biết chuyện một kỹ sư người Đức sang Hà Nội công tác khoảng 6 tháng. Lương do bên nước ngoài trả. Về nước rồi, hết năm, anh ta khai báo và nộp thuế thu nhập cá nhân cho Cơ quan thuế Đức. Thuế vụ Đức yêu cầu anh ta sang VN mà nộp thuế TNCN cho Cơ quan thuế VN, vì thu nhập đó phát sinh trong thời gian anh ta lưu trú tại VN. Anh chàng kỹ sư phải chuyển tiền, nhờ người quen ở Hà Nội nộp thuế, rồi gửi Biên lai sang Đức. Họ minh bạch đến thế, hỏi tại sao xã hội của họ không giàu có, văn minh.

Ông Thủ tướng quyền cao chức trọng ở một nước tư bản (như tụi mình được học hồi xưa là “tư bản giãy chết”) mà còn làm được vậy, lẽ nào các quan chức ta, ở một đất nước cộng sản, một “Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân” lại không làm được như thế, thậm chí là hơn thế.  Nhỉ?

3 nhận xét:

  1. Mình không có may mắn được ra nước ngoài nhưng cũng không phải không thấy những bất cập của VN mình. Nhưng quyền lợi phải đi kèm với nghĩa vụ, dân mình nếu có tổ chức phi chính phủ nào vào dạy cho họ bảo vệ quyền lợi là họ bỏ qua nghĩa vụ luôn như dự án phi chính phủ Plan vào chỗ mình dạy học vậy

    Trả lờiXóa
  2. Cái đoạn trích của ông Việt kiều Đức nói đến Quyền, tớ đã thêm vào cả phần Nghĩa vụ cho nó đầy đủ. Nhưng nói thật nhé, dân ta cực khổ làm ăn, đóng thuế cho Nhà nước, vậy là Nghĩa vụ lớn nhất rồi đó, còn Quyền thì ít lắm (tớ nói thực quyền, không phải trên giấy).

    Cậu chia xẻ về cái 'dự án Plan' nào đó được không? Tớ chưa biết.

    Trả lờiXóa
  3. Chính xác là tổ chức phi chính phủ Plan hoạt động trên khoảng 30 nước. Họ vận động các cá nhân ở châu Âu (cả người giàu và nghèo) quyên tiền để tổ chức đó đến các quốc gia nghèo trong đó có VN giúp người dân hiểu rõ về quyền của mình và giúp một số lĩnh vực khác nữa. Ở chỗ mình dạy họ giúp dân hiểu quyền thì mình cũng hoan nghênh thôi vì dân mình thiếu hiểu biết để các quan chức bắt nạt nhiều quá nhưng dân mình thì khi biết mình có quyền liền đòi hỏi quyền mà quên (hay không cần biết) đến nghĩa vị của mình.
    VD: HS có quyền trẻ em để GV k được mắng HS nhưng HS phải có nghĩa vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đã chứ?
    Nói chung là GV phải lựa lời mà nói để khỏi vi phạm quyền trẻ em nên kết quả là nhiều khi chán quá bọn mình MACKENO con họ chứ con mình đâu mà lo, lo cho nó mà nó lại bảo mình vi phạm nhân quyền
    May quá mình chuyển khỏi trường có dự án ấy rồi

    Trả lờiXóa