Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Đánh cá lậu và Lao động chui

Mình viết bài này từ ngày 18 tháng 8, nhưng suốt mấy tuần qua trang Blogger bị trục trặc. Hôm nay mới post lên được.

Ở ta vừa xảy hai vụ việc khá tương đồng, nhưng ở hai thái cực trái ngược nhau. Hai sự kiện mà việc phân tích, mổ sẻ nguyên nhân, hậu quả đã, đang và sẽ làm tốn khá nhiều giấy bút mực.

Vụ thứ nhất:
Philippines chuẩn bị xét xử 122 ngư dân Việt Nam

Theo các gia đình ngư dân, 122 ngư dân Việt Nam trên dự kiến đi sang Philippines đánh bắt hải sản theo hợp đồng kinh tế giữa Doanh nghiệp tư nhân Long Hải Long của Việt Nam và Công ty Premiere International Interfishing của Philippines. Tuy nhiên, các tàu cá và ngư dân nói trên đã đi vào vùng biển của Philippines trong khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết nên đã bị bắt giữ.

Cảm thông với ngư dân ta, vì cuộc sống mà phải lặn lội sang tận bên đó làm thuê. Nhưng quả thật mình vi phạm lãnh thổ người ta, đánh bắt lậu hải sản ở biển người ta, thì người ta bắt và xét xử là đúng. Nếu là ở ta, ta cũng phải làm như thế thôi. Âu cũng là bài học cho tất cả.

Trong hoàn cảnh này, thiết nghĩ những việc cần phải làm là :
  • Bộ Ngoại giao VN nên có các biện pháp ngoại giao tác động lên phía Philippines để giảm mức án xuống thấp nhất có thể.
  • Cần có biện pháp xử phạt đối với những doanh nghiệp «đem con bỏ chợ», đưa người lao động đi làm thuê mà không lo thủ tục pháp lý đầy đủ kịp thời. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho ngư dân, nếu quả những thông tin trên là chính xác.
  • Tăng cường thông tin để bà con ngư dân hiểu rõ luật pháp, tránh vi phạm tái diễn.

Vụ thứ hai:
Công nhân Trung Quốc làm việc không phép tại Cà mau

Thực ra vấn đề này không mới, công nhân TQ (kể cả lao động phổ thông, đào đất vác đá ... đầy ra ở Tây nguyên đó), dư luận đã lên tiếng từ lâu, báo chí cũng đã mổ xẻ, phân tích lợi hại từ nhiều góc độ xã hội, kinh tế, quốc phòng. Nhưng lần này ồn ào hơn, vì quy mô của nó.

Cũng như mọi khi, các cơ quan liên đới bắt đầu đùn đẩy quả bóng trách nhiệm.
Có ông quan chức hàng đầu ở Cà Mau nói ông không được nghe báo cáo, không biết chuyện có nhiều lao động TQ làm việc «chui» ở tỉnh ông đến thế. Quái lạ! Cả ngàn con người chứ có phải cái kim đâu, ông phải biết chứ, ít ra là từ chủ trương an ninh quốc phòng. Hay vì đây là người TQ, vấn đề «nhạy cảm», nên ông không dám phát biểu vội vàng?

Rồi một số ông quan chức khác ở Cà Mau và Bộ LD-TB-XH cũng phát biểu búa xua, nào là công nhân TQ họ ăn ít làm nhiều, làm khỏe lương thấp, kỷ luật cao lại không kén việc, nào họ ăn ở trong khu vực riêng biệt không gây lộn xộn, nào là các cơ quan quản lý đến công trường thanh kiểm tra họ không cho vào, nên không nắm được có bao nhiêu người làm chui .... Lại càng lạ hơn nữa! Có ở đâu trên thế giới lại có chuyện chính quyền sở tại không được phép kiểm tra, kiểm soát lao động nước ngoài? Còn chuyện an ninh trật tự, chắc mấy ông Cà Mau chờ xảy ra chuyện công nhân Tàu vác gậy đánh dân ta như ở Thanh Hóa thì mới bắt đầu tính? Còn cái kiểu bao biện «Nhà thầu nước ngoài tuyển người TQ sang làm vì công nhân họ nhận lương ít chăm làm không kén việc» thì thật là hết thuốc chữa. Xin nói thẳng là có ngu đến mấy cũng có thể hiểu được rằng nếu TQ họ muốn đưa người vào nước ta, thì có là «công nhân tình nguyện» làm không công, họ cũng bố trí được. Các ông quan chức nhà ta có sang bên TQ mà hỏi vợ con mấy ông công nhân Tàu xem ở nhà có nhận được lương chồng/cha họ làm ở VN không? Nhận được bao nhiêu? Đến việc kiểm tra, thống kê và xử lý số lao động chui ở cái công trường con con mà bao lâu nay không xong, để cho số lao động chui đó ngày càng đông thêm, các ông hy vọng Nhà thầu nước ngoài họ tự nguyện báo cho các ông số tiền họ thực trả cho công nhân của họ chắc? Và các ông có biết có bao nhiêu người VN cũng chỉ muốn được đào đất vác đá kiếm 50-100 ngàn đồng mỗi ngày, để có bát cơm đưa vào miệng không?

Vi phạm thì rõ rồi, vậy xử lý thế nào? Còn thế nào, cứ theo luật mà làm! Ấy thế mà ý kiến cũng lắm vẻ.

Có ông hùng hồn tuyên bố, phải trục xuất ngay những lao động nước ngoài làm việc không phép. Đúng quá còn gì! Hơn thế nữa, chúng ta chỉ nên cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào VN thực hiện những công việc đòi hỏi tay nghề cao, nhiều chất xám, mà ở ta không có, hoặc còn thiếu người làm. Văn bản pháp luật của VN về việc này cũng khá đầy đủ và chặt chẽ. Mình làm cho một VPĐD một công ty nước ngoài (châu Âu) tại Hà Nội. Trước đây, ông nước ngoài là Trưởng Đại diện nghiễm nhiên được cấp giấy phép lưu trú trong thời gian làm việc tại VN. Bây giờ không như thế, ông ta phải xin giấy phép lao động đã, rồi mới được xin lưu trú. Còn những nhân viên nước ngoài khác ở VPĐD thì từ xưa đến nay vẫn phải xin giấy phép lao động. Mà đừng có mơ xin phép để làm việc tạp vụ nhá! Vậy thì vì lẽ gì ta lại phải cấp giấy phép lao động cho hàng ngàn anh Tàu sang tranh việc đào đất, trộn bê tông của dân VN ta? Rồi sắp tới là tranh việc trồng lúa trồng khoai của nông dân ta chăng? Xin bổ sung thêm, còn cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc đấu thầu và xét thầu quốc tế, để nhà thầu nước ngoài phải cam kết ưu tiên sử dụng lao động VN, kể cả việc tổ chức đào tạo tay nghề cho họ.

Đối với nhà thầu nước ngoài vi phạm luật, trong trường hợp này là Luật Lao động, nên có những biện pháp xử phạt mạnh, đủ sức răn đe, chứ kiểu phạt 20 triệu đồng thì khác gì gãi ghẻ cho voi. 20 triệu đồng, chứ 20 tỷ đồng cũng chả nhằm nhò gì, có khi họ cũng cười hì hì đem nộp, nếu ta buông xuôi bỏ qua những vi phạm (có thể) làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Cũng lại có ông quan chức nói "chưa nhất thiết phải trục xuất số lao động chui này”.  Thất kinh! Họ vi phạm rành rành ra đấy, tại sao không trục xuất? Ý của ông này hẳn là cứ để họ làm việc tiếp, hôm trước không có phép, giờ sẽ cấp phép bổ sung cho hợp lệ,  ờ thì hôm qua họ có vi phạm, phạt chút tiền thôi, mai cấp phép rồi, đâu còn vi phạm nữa. Thế là yên chuyện! Bó tay.com! Hoặc giả ông tính chuyện chưa trục xuất, mà GIAM họ lại để điều tra xét xử ra tòa như Philippines họ làm với ngư dân ta ở trên. Ông mà đủ dũng cảm làm được như thế thì dân VN đội ơn ông lắm lắm.

Ông quan này chắc không biết vụ hơn trăm ngư dân ta cũng vi phạm gần tương tự như thế, đang bị giam giữ (xin nhấn mạnh là ĐANG BỊ GIAM) và đang phải đối mặt với án tù bên Philipinnes, hoặc ít ra cũng bị trục xuất, chứ chẳng ai cho mình tiếp tục đánh bắt cá trên vùng biển của họ. Ông nên sang bên đó, hoặc sang Singapore, Malaysia thử làm chui ít bữa xem họ xử lý ông thế nào!

Tóm lại là ngô nghê không thể tưởng tượng nổi. Nhưng mình không nghĩ các ông ấy ngu ngơ. Các ông ấy giả vờ ngu ngơ thôi, để lòe đám dân đen mà các ông ấy nghĩ là ngu.

Mình chưa bao giờ đến Cà Mau, nhưng đọc tin tức trên báo về vụ này, chợt hình dung ra những cánh đồng bất tận, những cánh rừng bất tận, nhưng không hoang vắng như trong truyện, trong phim, mà đầy nhóc nông dân công nhân đang làm việc miệt mài. Và thấy họ nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng ... Tàu.


Cập nhật:

Chiều nay, thứ bảy ngày 27 tháng 8 năm 2011, có thông tin:

(Nguồn: vnexpress.net)

Philippines thả 122 ngư dân Việt Nam

Tòa án tỉnh Palawan của Philippines hôm qua ra quyết định thả ngay 85 ngư dân Việt Nam trong ngày, số người còn lại sẽ hoàn tất nốt thủ tục và được thả vào thứ tư tuần tới.

Thông tin trên được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cho biết, đăng trên website của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau phiên xét xử hôm qua.
Các ngư dân chưa được thả hôm qua cần hoàn tất nốt một số thủ tục giấy tờ liên quan đến chứng cứ động vật quí hiếm tìm thấy trên tàu và sẽ được thả sau.
Bảy thuyền của ngư dân của Việt Nam đã được Tòa án giao lại cho phía chính quyền quản lý trong thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng của phía chính quyền.
Đại sứ quán Việt Nam cùng các chủ tàu sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng cấp tỉnh và cấp quốc gia của Philippines để các tàu này sớm được trao trả cho các chủ tàu và ngư dân Việt Nam.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Philippines để hoàn tất các thủ tục xuất cảnh nhằm giúp 122 ngư dân về nước đoàn tụ với gia đình vào thời điểm sớm nhất có thể.
Các ngư dân nói trên đi khai tác thủy hải sản theo hợp đồng với một công ty của Philippines và bị tạm giữ từ ngày 30/5 với cáo buộc đi vào lãnh hải của quốc đảo này.
(Hết đoạn trích)

Xin cảm ơn chính quyền Philippines. Mừng cho bà con ngư dân ta sắp được đoàn tụ với gia đình, cho dù sắp tới vẫn còn nhiều khó khăn, do tàu thuyền, ngư cụ vẫn đang bị tạm giữ.


Tiếp tục cập nhật

Nguồn: vnexpress.net (chủ nhật, 28.08.2011)

'Hợp thức hóa' lao động Trung Quốc không phép

Làm việc với nhà chức trách, một số nhà thầu Trung Quốc hứa đưa lao động phổ thông về nước nhưng lại xin gia hạn thời gian lập thủ tục cấp phép cho động làm việc không phép trên công trình nhà máy đạm Cà Mau.> Chưa xử lý xong lao động Trung Quốc làm việc không phép/ 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại Cà Mau
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, quá thời gian yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng lao động Trung Quốc làm việc không phép tại công trường nhà máy đạm ở xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau) mà những người này vẫn làm việc bình thường nên UBND tỉnh đã có cuộc họp với Ban Quản lý Cụm Công nghiệp Khí điện đạm Cà Mau cùng ngành chức năng của tỉnh để xử lý.

Công trình nhà máy đạm Cà Mau, nơi bị ngành chức năng phát hiện có rất nhiều lao động Trung Quốc làm việc không phép. Ảnh: Thiên Phước

Số lao động này khoảng 90 người, nếu có nhu cầu sử dụng lao động phổ thông cho các công việc đơn giản như sắp đá, đẩy cát, lát gạch vỉa hè… thì nhà thầu có thể tuyển lao động Việt Nam tại địa phương. Tuy nhiên trong buổi làm việc này, các nhà thầu Trung Quốc xin gia hạn thêm hai tháng để lập thủ tục cấp phép cho những lao động bị phát hiện chưa có phép. Song yêu cầu này không được chấp nhận bởi theo tiến độ xây dựng thì khoảng hai tháng nữa nhà máy đạm Cà Mau sẽ hoàn thành để tiến đến việc chạy thử, nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trước chủ trương không đồng ý cho gia hạn, các nhà thầu đã nhanh chóng bổ sung gần như đầy đủ giấy tờ liên quan đến lĩnh vực tư pháp của những lao động không phép. Do đang là cuối tuần nên UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các nhà thầu đưa lao động Trung Quốc làm việc không phép đi khám sức khỏe trong hai ngày đầu tuần (29-30/8) để khẩn trương bổ sung giấy tờ dứt điểm vào hồ sơ xin cấp phép chứ không thể dùng dằng kéo dài thời gian.
Gần một tháng trước, qua kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện trên công trình xây nhà máy đạm Cà Mau có trên 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép. Đây là lần thứ tư nhà chức trách phát hiện lao động nước ngoài làm việc không phép với số lượng lớn nên UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu phải xử lý dứt điểm vào ngày 19/8.
Qua phân loại, các nhà thầu báo rằng có khoảng 600 lao động phải lập thủ tục xin cấp phép, số công nhân còn lại có thời gian làm việc dưới ba tháng nên theo nguyên tắc không phải xin cấp phép.
Thiên Phước

(Hết đoạn trích)

Mình chỉ thắc mắc mấy điều
1.  "Qua phân loại, các nhà thầu báo rằng có khoảng 600 lao động phải lập thủ tục xin cấp phép",  đây là số liệu nhà thầu - DN TQ - họ tự cung cấp (có chính xác không?), vậy số liệu của cơ quan quản lý thế nào?
2. Cứ cho là có 600 lao động không phép, đến nay còn "khoảng 90 người ", vậy là số hơn 500 người kia đã được "hợp thức hóa" nhanh chóng trong vài tuần qua? Trong đó có bao nhiêu lao động phổ thông?
3. Với số "khoảng 90 người" này - thực chất là lao động phổ thông - "UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các nhà thầu đưa lao động Trung Quốc làm việc không phép đi khám sức khỏe trong hai ngày đầu tuần (29-30/8) để khẩn trương bổ sung giấy tờ dứt điểm vào hồ sơ xin cấp phép chứ không thể dùng dằng kéo dài thời gian". Nghe thì có vẻ nghiêm túc, nào là không đồng ý gia hạn, nào là khẩn trương chứ không thể dùng dằng .... Thực chất là chính quyền đang làm mọi cách để nhanh chóng "hợp pháp hóa" số lao động phổ thông TQ đang làm việc không phép ở NM đạm Cà Mau (nghĩa là sau khi họ ĐÃ VI PHẠM pháp luật hiện hành của VN), trái với Nghị định số 34/2008/NĐ-CP và Nghị định số 46/2011/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cần nói thêm là thực trạng lao động nước ngoài không phép không phải chỉ có ở Cà Mau, mà có ở rất nhiều các công trình do nhà thầu nước ngoài thi công (chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc) ở khắp mọi nơi trên đất nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét