Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011
Nhớ về Thái Nguyên
Nhà mình ở khu Gang thép Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên (hồi đó là thị xã) gần chục cây số. Hồi nhỏ chưa bao giờ được lên Thành phố chơi, bố mẹ bận việc, mà ở đó cũng chẳng có ai quen.
Năm mình học lớp 4 được vào đội tuyển Toán của thành phố đi thi cấp tỉnh (hồi đó còn tỉnh Bắc Thái), thế là được đi học lớp bồi dưỡng Toán nội trú ở thành phố khoảng một tháng. Trước hôm đi ít bữa, thầy hiệu trưởng (Trường tiểu học Độc lập) và thầy chủ nhiệm lớp đến tận nhà nói chuyện với bố mẹ, xin phép gia đình cho mình đi học xa. Xin cho phải phép thôi, chứ bố mẹ mình thì mừng quá trời, ai lại ngăn cản. Các thầy thấy mình toàn viết vở giấy một mặt đen sì đóng từ các bảng biểu thống kê đã cũ bố mẹ mang từ cơ quan về, thế là nhà trường tặng cho mình chục cuốn vở trắng tinh. Bữa đi, Thầy chủ nhiệm đạp xe đạp đưa mình đến tận Phòng Giáo dục thành phố bàn giao cho họ. Dọc đường đi Thầy dặn dò mình nhiều thứ lắm, nhưng thú thật mình không chú tâm nghe, vì mải ngắm cảnh, và trong lòng đang khoan khoái nghĩ đến cuộc sống tự lập xa nhà hẳn một tháng. Gọi là tự lập, mà chả phải lo lắng chuyện ăn uống, ngủ nghê, chỉ việc học và chơi. Sướng thế còn gì!
Và mọi việc diễn ra tuyệt vời hơn cả mình mong đợi. Phòng GD tổ chức 4 lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, Toán cho lớp 4 và lớp 7. Học sinh ở xa như mình được ở nội trú tại Phòng GD, nam một phòng, nữ một phòng, tất cả hơn chục người. Tụi mình được cưng chiều lắm. Cơm ngày hai bữa tại căng-tin, có cô cấp dưỡng nấu rất ngon, bữa nào cũng thịt cá khá thoải mái, ăn xong có cả dessert hoa quả hoặc chè. Sáng đi học văn hóa bình thường ở một trường tiểu học gần đó, chiều thì học bồi dưỡng. Ăn chiều xong rảnh rỗi, cả nhóm lại kéo nhau ra phố chơi, tối mịt mới về làm bài. Chủ nhật được nghỉ học thì lang thang đi chơi xa hơn. Đó mới là những giờ phút thư giãn, khoan khoái nhất.
Thái nguyên hồi đó còn nhỏ lắm, khu trung tâm thành phố chỉ 3-4 dãy phố ngang và 5-6 dãy phố dọc. Ngay quảng trường trung tâm là Khu bảo tàng Việt Bắc bề thế, những lối đi sạch sẽ, rộng rãi, quanh co trong vườn cây. Có mấy cây ngọc lan cổ thụ, hương thơm tỏa ngát từ xa đã ngửi thấy. Kế bên Viện Bảo tàng là Công viên Sông Cầu. Bọn mình hay ghé vào đây chơi, còn mò xuống tận bờ sông. Nơi đó có một cây Gạo cổ thụ gốc 2 đứa ôm không hết. Thân cây gạo thẳng tắp vút lên trời, tít trên cao có tán lá đỏ rực những hoa. Bông hoa gạo to như búp tay, đỏ rực, đỏ rực trong ánh chiều tà bên dòng sông.
Con sông Cầu nước trong veo, chảy chầm chậm giữa hai bờ toàn nương dâu. Phía trên Công viên một chút là Cầu Gia Bảy. Sau này mình nghe nói có lần lũ to quá, nước cuốn trôi cả cây cầu. Nếu đúng là thế thì cũng không có gì lạ khi mình lên Thái nguyên vào năm 2003 xin xác nhận hộ khẩu gốc để làm thủ tục chuyển khẩu về Hà nội sau mười mấy năm ở bên Nga, bà công an hộ tịch nói “em ơi về phường tìm ai quen xin xác nhận đi rồi lên đây chị xác nhận cho, chứ hồ sơ lưu từ hồi đó lũ cuốn trôi hết rồi”.
Phía bên dưới Công viên một chút là Chợ Thái nguyên (gọi là chợ Túc Duyên thì phải). Bọn mình không có tiền nên chỉ đi ngang qua. Thấy bày bán la liệt những thứ nông sản miền núi, nhiều nhất có lẽ là măng và chè. Cạnh chợ có con đường đá dẫn xuống cầu phao, khúc này đông bọn trẻ con ra tắm.
Gần Viện Bảo tàng, phía bên Khách sạn Thái nguyên có một ngọn đồi khá cao, trên đó có Đền thờ ông Đội Cấn, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái nguyên chống Pháp. Bọn mình cũng leo lên đó, chắp tay vái ông, rồi ngồi chơi bên những gốc thông, nghe gió thổi vi vu trong cái yên lặng đến nao lòng của buổi chiều tà.
Gần Phòng GD nơi bọn mình ở cũng có một ngọn đồi, trên đó có Chùa Phủ Liễn. Bọn mình kéo nhau lên đấy chơi một lần, rồi không dám đến nữa: ở đó cứ âm u, gờn gợn thế nào, nhất là mấy nhỏ con gái nói sợ ma lắm.
Thái nguyên hồi ấy là thủ phủ khu tự trị Việt Bắc, nên có nhiều trường Đại học: Đại học Sư phạm, Đại học Y, Đại học Nông nghiệp III (nay là Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), Đại học Cơ điện ... Rồi những cơ quan hành chính cũng rất hoành tráng, xây dựng nên từ thời ông Chu Văn Tấn. Mình vẫn nhớ sách giáo khoa Tập đọc hồi cấp I là sách soạn cho miền núi, không giống sách dưới xuôi. Có chủ điểm miền núi, có cả bài thơ:
Ai về tỉnh Thái mà xem
Thủ phủ Việt bắc ngày thêm sáng ngời
Công trường nhà máy khắp nơi
Đường sắt hiện đại về xuôi đã làm
...
Nói đến đường sắt. Nhà mình mỗi lần đi tàu về Hà nội là đi từ ga Lưu xá ở Khu Gang thép, chưa bao giờ đi đến ga Thái Nguyên. Thế mà sau này, rất lâu về sau, có lần mình ngủ mơ thấy đi tàu đến tận ga cuối là ga Quán Triều, một giấc mơ rất rõ nét, cả nhà ga, cả chỗ bẻ ghi, cả những khuôn mặt hành khách đợi tàu trên sân ga. Lạ thế!
Thái Nguyên còn là thành phố kết nghĩa với Nha Trang (từ hồi xưa khi hai miền chưa thống nhất), nên ngay trung tâm có phố Nha Trang. Sau này mình vào Nha Trang cũng thấy có phố Thái Nguyên. Hay thật!
Một tháng học bồi dưỡng trôi qua nhanh. Bọn mình thi ở trường Lương Ngọc Quyến ngay trong thành phố. Chắc Thầy chủ nhiệm hẳn hài lòng về mình đã nghe lời thầy dặn dò, vì mình vượt qua kỳ thi này, tiếp tục thi Toán Miền Bắc. Lúc thi Miền Bắc thì bó tay, không lại được các bạn ở Chuyên toán Hà Nội. Nhưng đó là chuyện về sau. Còn lúc đó thi xong được bố đón ngay cổng trường, hứa trên đường về sẽ chiêu đãi phở bò. Một tháng xa nhà bắt đầu thấy nhớ bố mẹ và các em ghê. Ngồi sau xe bố đi một quãng ngoái lại, thấy một nhỏ cùng đội tuyển Toán (mình nhớ hắn có nước da trắng như trứng gà bóc) giơ tay vẫy theo mãi. Mình cười toe toét, vẫy chào lại. Khoái ghê!
Sau này mình còn nhiều dịp quay lại Thái Nguyên. Năm lớp 7 lại vào đội tuyển Toán Thành phố, lại học bồi dưỡng một tháng, lại những buổi sáng học văn hóa, chiều học Toán, tối đi chơi, lại những bữa ăn thịnh soạn (theo tiêu chuẩn hồi đó) ở căng-tin. Nhưng ấn tượng không sâu đậm như lần lớp 4. Những gì mình nhớ về Thái Nguyên vẫn là những hình ảnh đã in đậm vào tâm trí từ mùa xuân năm 1978 ấy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hình dung lại có bị ảnh hưởng bây giờ tí nào không đấy, lớp 4 đã 'nhìn thấy' nước da bạn gái trắng như trứng gà bóc, lại còn biết 'ấm lòng' vì bạn í vẫy nữa chứ. hihi.
Trả lờiXóaNhớ lại thế nào viết ra y như vậy không thêm bớt. Đúng là từ "ấm lòng" hơi người lớn. Lớp 4 thì phải là "khoái quá", nếu lớp 7 thì sẽ là "thích thật". Sửa lại rồi nha. :-))
Trả lờiXóacậu lớp 4 đã để bạn gái trắng ra sao hồi đó tớ mà biết thì cậu chết vì bị cả lũ trêu cho mà xem.
Trả lờiXóaNhớ hồi học bồi dưỡng thi MB (hình như lớp 10) ở sở GD thế nào Tuấn B (Ngoại giao) lại bị lộ là đang yêu 1 bạn cùng lớp trên Gang Thép, thế là tối đánh bài bị trêu đến mức cậu xấu hổ đỏ mặt tự trùm chăn giấu :D
Tiếc quá, tiếc quá. Hồi lớp 10 tớ học chuyên ngữ Hà nội rồi, kg có cơ hội học bd toán trên Thái Nguyên nữa. Nếu không thì Tuấn B phải trùm thêm chăn nữa, vì cô bạn gái cậu nói đến đó là nhỏ Thảo béo, tổ trưởng hồi lớp 7 của thằng tớ nhất quỷ nhì ma đấy. Để dần dần tớ kể lại trong blog.
Trả lờiXóaBù lại giờ tớ có thêm một đề tài để khi nào họp lớp trêu Thảo béo. Tuấn B hồi cấp 2 học trường khác, cấp 3 nó cùng trường nhưng khác lớp, tớ vẫn cùng lớp 8 một học kỳ với nhỏ Thảo rồi mới chuyển về Hnội. Lớp 8e hồi đó giờ vẫn 2 năm họp một lần.
Cậu không biết nên mới gọi là Tuấn B, chứ bọn quỷ chúng tớ gọi là Tuấn Chắt, để phân biệt với thằng Tuấn Khảm (đi Hungary), cậu chắc chỉ biết nó là Tuấn A. Chỉ có tớ thoát khỏi cái kiểu đặt nick như thế, từ bé chúng nó chỉ "dám" gọi "đại ca" là Hồ Tuấn thôi.
Tớ có biết Võ Tuấn là Tuấn 'Khảm'. Ngoài ra chỉ biết gọi Tuấn B (Nguyễn Tuấn) và Hồ Tuấn. Hì, trong sáng.
Trả lờiXóaChẳng qua gọi Tuấn Phúc hay Tuấn Nhi nó khó phát âm thôi ông ạ
Trả lờiXóaKhó gì đâu, thỉnh thoảng mấy thằng trong xóm vẫn gọi Tuấn Nhi đấy, nghe vẫn lọt tai đấy chứ, nhưng không thành tên gọi thường xuyên.
Trả lờiXóaPhục Phúc kèn quá, nhớ cả tên các cụ nhà tớ.