Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Dân ta chẳng biết sử ta

Bài trả lời phỏng vấn của ông Bộ trưởng Bộ GDDT trên báo Tuổi trẻ xứng đáng được chọn làm phát ngôn ấn tượng nhất tháng 7. Trên báo, trên mạng đã có vô số phản hồi, với ý chính là chỉ trích phát biểu vô trách nhiệm của ông Bộ trưởng. Mình thấy ấn tượng nhất với bài viết "Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!" của Bọ Lập.

Bản thân mình thấy choáng khi biết thông tin 98% số bài thi dưới điểm trung bình, hàng ngàn bài bị điểm 0. Mà đấy là những học sinh thi khối C, còn những bạn thi khối A, B, D chẳng liên quan gì đến Sử thì sao? Tại sao học sinh ta lại dốt sử đến thế? Tại sao các em không thích học Lịch Sử?

Mình nhớ hồi nhỏ 6-7 tuổi, trong nhà mình chỉ có 3 quyển sách duy nhất là "Thép đã tôi thế đấy", "Ruồi trâu" và "Lịch sử Việt nam" (quyển này dày cộp, in đẹp, có nhiều ảnh minh họa). Chiến tranh, sơ tán loạn lạc. Chỉ có 3 quyển đó đi theo. Mình đọc thuộc cả ba. Sau đi học rất mê môn Sử. Bài văn lớp 5 "tả một tiết học mà em thích nhất" - mình đã viết về tiết Sử (của cô giáo Minh) hết sức sinh động và đầy cảm xúc - được 8 điểm (rất cao hồi đó) với lời nhận xét của cô giáo dạy Văn (mình vẫn nhớ cô tên Liên): "Thầy cô nào cũng mong có được một tiết học thế này". Nhưng mình không giỏi Sử vì nhớ ngày tháng các sự kiện rất kém.

Khi hai nhóc nhà mình biết đọc và bắt đầu ham đọc sách, mình thường dẫn ra Nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Những Đô-rê-môn, Co-nan ... không được khuyến khích, hai bạn phải tự mua bằng tiền mừng tuổi. Mình mua trọn bộ "Lịch sử Việt nam bằng tranh", hơn 40 tập. Nhờ đọc bộ truyện tranh này mà Việt và Nam khá thạo sử nước nhà (ở mức sơ lược). Tuy nhiên sau đó cả hai bạn nhỏ đều tuyên bố không thích đọc lại bộ truyện tranh lịch sử đó. Mình căn vặn: lý do? - Sách sử gì mà chỉ thấy viết quân ta luôn chiến thắng vinh quang, giặc lúc nào cũng thất bại nhục nhã. Tranh vẽ thì thằng giặc nào cũng hung ác, khát máu, gian xảo; bên ta thì tướng nào cũng hiên ngang, oai phong lẫm liệt. Rõ rồi! Những tâm hồn non trẻ đã cảm nhận được sự GIẢ DỐI. Lịch sử thì phải TRUNG THỰC và CÔNG BẰNG, lịch sử không thể bị BÓP MÉO hay XUYÊN TẠC. Thắng bảo thắng, thua bảo thua, đừng vòng vo "tạm rút", "thiệt hại ít nhiều"... Lòng yêu nước đâu phải chỉ được bồi đắp bằng những tấm gương như Trần Quốc Toản, mà còn nhờ vạch mặt chỉ tên những Trần Ích Tắc. Niềm tự hào dân tộc đâu phải có được chỉ nhờ thần tượng hóa những anh hùng dân tộc, mà còn phải dám soi sáng những vết đen trong lịch sử, không e ngại những "thâm cung bí sử".

Có nhiều ý kiến cho rằng chương trình trong sách giáo khoa Sử nặng quá, rồi khô khan quá, học sinh phải nhớ nhiều mốc thời gian không quan trọng ... đều có lý cả. Rồi ông Bộ trưởng cũng có lý phần nào khi cho rằng Lịch Sử không phải chỉ học trong nhà trường, mà còn nhờ sách báo, phim ảnh nữa.

Hiện tại, Việt và Nam chỉ thích học Sử thế giới, còn Sử Việtnam thì chỉ học ở trường theo nguyên tắc "tối thiểu hợp lý". Những sự kiện nào mà các bạn quan tâm đều tự tìm và đọc trong Google, Wikipedia. Nhờ vậy mà Nam biết về Napoleon hay về Cách mạng tháng Mười Nga còn thạo hơn cả mình. Có điều mình vẫn chưa thể thuyết phục được 2 bạn thích Lịch Sử Việt nam. Có lẽ phải chờ tới khi có được niềm tin vào sự trung thực của chính sử.

Lại nhớ có lần lướt web vớ được câu này:
Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra ... google.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét