Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Những điểm 2

Cả 10 năm học phổ thông, tớ có 3 lần bị điểm 2, mà lại là điểm 2 Toán và Văn là những môn tớ không dốt lắm. Bị điểm 2 không phải vì không làm được bài, mà vì những lý do vớ vẩn (hoặc không hề vớ vẩn nếu xét từ khía cạnh nào đó). Bây giờ tớ đôi khi tớ vẫn kể cho con nghe những chuyện đó, mong bọn trẻ rút ra được tý "kinh nghiệm xương máu". Chuyện nó thế này.

Hồi tớ học lớp 2 (hay 3, không nhớ chính xác), có lần làm bài kiểm tra Toán 15 phút. Đề bài dễ ợt, khoảng chục phép tính kiểu 15x6-22+9, nhẩm tý là xong. Thằng Hà béo ngồi cạnh mình thì lại dốt toán, cứ lăm lăm nhòm bài mình để copy. Bình thường vẫn cho nó cóp, nhưng nhớ lần trước kiểm tra 1 tiết, nó năn nỉ đưa cả bài cho nó chép rồi nó sẽ cho mấy cặp cá cảnh. Thằng này đúng là chuyên gia nuôi cá cảnh, nhà nó có bể cá mê hồn với bao nhiêu là cá 7 màu, cá thần tiên, ... Thế mà sau bữa đó nó xù luôn. Tức thật, lần này cóc cho cóp bài. Nhưng nó trơ tráo quá, cứ xấn vào mà nhòm. Bực mình nghĩ ra một chiêu: ta cứ chép đầu bài vào giấy, viết sẵn dấu =, rồi đến lúc cô giục nộp bài thì ghi thật nhanh kết quả. Hớn hở mưu cao, hớn hở nộp bài. Hôm sau nhận lại, với một điểm 2. Hóa ra hớn hở quá, nên khi nộp bài quên chưa viết đáp số. Cái này có lẽ kêu bằng "gậy ông đập lưng ông"!

Đến năm lớp 5, lại là bài kiểm tra toán 1 tiết. Đề không khó, nhoáy cái là xong. Nhỏ Lan ngồi cạnh học toán hơi yếu, ngồi cắn bút. Tớ cố tình để bài ở giữa bàn, còn hơi xoay về phía nhỏ Lan, nghĩ thôi chỗ nào khó quá nó cóp tý cũng được. Vậy mà nhỏ này cóp cũng không biết đường cóp. Số là khi làm bài kiểm tra, tớ có thói quen bài dễ làm trước, không theo thứ tự trong đề. Giàng ơi! Nhỏ kia cứ nguyên xi như vậy bê vào, đến cả dấu chấm, cả chỗ xuống dòng, i xì. Mấy bữa sau nhận bài. Đúng hết. 2 điểm. "Giống bài của Lan". Ngó sang bên. Đúng hết. 2 điểm. "Giống bài của Tuấn". Hic hic.

Cũng năm đó còn bị một vố nữa. Bài kiểm tra 1 tiết Tập làm văn. Đề: "Em hãy tả một buổi thu nhặt giấy vụn làm kế hoạch nhỏ. Gì chứ vụ kế hoạch nhỏ này đúng là sở trường của tớ. Bố mẹ làm nghề kế toán thống kê, nên giấy tờ, biểu mẫu cũ từ cơ quan mang về không thiếu. Bố thường chọn giấy còn một mặt, cắt, xén, đóng thành từng tập làm vở cho tớ. Giấy giang đen xì, thô ráp nhiều khi viết tòe ngòi bút, lại chỉ có một mặt nên vở mau hết. Vở cũ nhiều đem nộp kế hoạch nhỏ thoải mái. Hồi cấp 1, 2 tớ chỉ xài loại "vở" này, mấy cuốn vở xịn phần thưởng học sinh tiên tiến thì dùng viết bài kiểm tra. Hihi tranh thủ kể khổ tý, quay lại chuyện bài văn. Tớ tả lại buổi mấy thằng cùng xóm rủ nhau đi ra công trường, nơi người ta đổ bê tông các tấm panel, để bóc giấy xi-măng (giấy vỏ bao xi-măng, người ta đem lót cốp-pha, bê tông khô rồi giấy vẫn dính trên bề mặt). Chuyện thật hẳn hoi, nên không cần phải bịa, cứ cố gắng tả sao cho sinh động là được. Nào trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại. Nào tiếng xé giấy xoàn xoạt. Nào tiếng reo cười khi có đứa tìm được tấm panel còn dính nhiều giấy... Xem ra cũng lâm ly thống thiết lắm, mà thật lắm, viết được dài lắm. Nộp bài rồi xoa tay hài lòng nghĩ bụng ít nhất cũng 6-7 điểm. Ai dè lại xơi ngỗng béo. Lạc đề. Hóa ra ý của cô không phải là "xé giấy xoàn xoạt", là "mồ hôi nhễ nhại". Mà phải là một buổi lễ hoành tráng, trống dong cờ mở, các bạn hớn hở đem giấy vụn đến trường nộp cho cô phụ trách Đội. Phải là khăn đỏ rợp trời, mặt nào cũng tươi cười. (chỗ này chua chát tý! cho bõ giận!). Đến tận bây giờ tớ vẫn không nghĩ là bài của tớ lạc đề. Chẳng qua nó không giống ý cô mà thôi!

P/s: Khi tớ kể lại chuyện này cho con, vợ cũng nói hồi nhỏ làm bài văn "kể lại một việc làm tốt của em", vợ viết đã giúp mẹ quét nhà, nấu cơm, cũng bị cô phê lạc đề cho điểm kém, vì việc tốt phải là như nhặt được của rơi trả lại người mất (làm như sẵn của rơi lắm mà nhặt đem trả!), hay giúp đỡ người tàn tật ... ("tan học về em đi qua ngã tư, thấy một chú thương binh đang đứng bên hè phố ...", mọi người biết bài hát này không?). Giàng ơi! Học sinh ta từ bé đã được/bị "định hướng" tư duy rồi. Nên nhiều bài văn bịa đặt, hư cấu lại được điểm cao hơn những bài viết chân thực.
Thế đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét