Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

May thế!

Trong cuộc sống đôi khi có những cái may mắn mà người ta không thấy ngay. Phải nhiều năm sau mới nhận biết được.

Năm 1986, mình học năm thứ 2 ở Moscow. Hồi đó trường mình chỉ có hơn chục sinh viên VN. Tất cả đều chăm chỉ học hành, thường xuyên được dekan ngoại quốc khen. Không ai thuộc loại quậy phá, chơi bời, buôn bán …, tóm lại là những sinh viên hết sức mẫu mực (theo tiêu chí của Bộ Đại học, của Đại sứ quán lúc bấy giờ). Những giờ chuyên môn, sinh viên VN học rất chăm đã đành. Ngay cả những giờ học Lịch sử ĐCSLX, Triết học Mác-Lê, Chủ nghĩa CSKH, bọn mình vẫn thường ngồi nghe chăm chú, ghi chép bài đầy đủ, và hào hứng quan sát các giáo sư khả kính toát mồ hôi tranh luận với mấy bạn sinh viên, thường là từ châu Phi, châu Mỹ latinh, về tính thực tiễn của những thứ lý thuyết kia. Thật không ngờ trên giảng đường đại học tại quê hương của CNXH lại có thể thẳng thắn tranh luận như vậy về những chủ đề nhạy cảm. Bọn mình vì chưa từng biết đến những chế độ xã hội khác, chẳng có gì để so sánh, khen chê, nên ít tham gia tranh luận trực tiếp, chủ yếu ngồi nghe. Cứ nghe và ngẫm nghĩ thôi. Và ngộ ra nhiều điều. Xét cho cùng, có được như vậy là bởi bên Liên xô vẫn còn rất dân chủ. Và bởi những vị Giáo sư người Nga dạy chính trị kia họ có lòng tự trọng, họ không giả dối, họ dám tranh luận thẳng thắn và sòng phẳng, dù cho nhiều khi họ đuối lý, bởi thực tiễn cuộc sống không ủng hộ lý thuyết của họ. Và họ không trù úm, không bịt miệng sinh viên. May thế!

Cả đơn vị chỉ có một người là đảng viên, anh H., nghiên cứu sinh. Ông anh này hơn tuổi lũ mình khá nhiều, nên ít giao lưu cùng sinh viên. Chẳng rõ anh nghiên cứu đề tài gì, nhưng ít khi thấy anh đến trường. Mấy anh năm trên bảo: ông H. dành thời gian đi kòm (cửa hàng hạ giá) nhiều hơn viết luận án. Nhưng mặc kệ ổng, tiền ổng ổng tiêu, liên quan gì mình. Một tối, mình và anh C. học năm trên đang nấu ăn ngoài bếp thì anh H. tạt vào (để vứt ít vỏ hộp bàn là vào thùng rác). Ảnh trách: “bọn mày phải chịu khó mua thịt bò thịt gà mà ăn, chứ cứ ăn cá mãi không chán à?”. Hai anh em mình tái mặt. Khốn nạn! Học bổng có 90 rúp/tháng, với sức ăn tuổi đang lớn tụi mình mà cứ vào stolovaia là hết 2 rúp chỉ cho một bữa trưa. Nên bữa tối phải tự nấu cho rẻ. Mà cũng không dám xài sang. Cá biển đông lạnh, trứng gà, sữa tươi … là những thứ hợp túi tiền sinh viên nghèo. Mấy hôm sau, lại gặp nhau trong bếp. “Hai đứa mày mua bộ thể thao đàng hoàng như của anh mà mặc. Đồ của Nga xấu bỏ mẹ!”. Hai chú em cấm khẩu luôn. Cái bộ “đàng hoàng” ấy phải mua trong beriozka (của hàng duty free) mới có, nếu mua lại thì phải bằng 2 tháng học bổng. Mình không nói gì. Anh C. cục tính hơn, sau đó làu bàu: mẹ, tiền ăn còn thiếu, đàng hoàng cái con c.

Ít lâu không gặp anh H., dù cùng ở một ký túc xá. Bỗng một chiều thấy anh gõ cửa gấp gáp, ào vào: “ C. ơi, T. ơi, chạy đi mua giúp anh ít hàng.”. Hai thằng em vội mặc đồ ấm, ngoài trời đang rét thấu xương, theo ông anh chạy ra cửa hàng svet (cửa hàng đồ điện) cuối phố. Hóa ra ở đó bán bàn là, nhưng họ chỉ bán cho mỗi người 2 chiếc. Thế là 3 người xách về ký túc xá 6 chiếc, rồi quay lại cửa hàng, cứ như vậy 3 lượt thì được 18 chiếc, trong những ánh mắt tò mò của Tây. Xếp gọn hàng vào trong căn phòng riêng đã chật ních những nồi hầm, bàn là … anh H. xoa tay hài lòng, cảm ơn hai thằng em, và hứa nếu lần sau thấy ở đâu bán bàn là sẽ báo để "hai em đi mà mua cho bản thân mình vài cái". Cái lần sau ấy không xảy ra. Hết năm, anh H. bảo vệ luận án rồi về nước. Từ đó không gặp lại. Chứ nếu không, biết đâu lại nghe ổng trách sao giờ này còn chưa mua ô tô xịn mà chạy. May thế!

Đầu năm học sau đó, có anh bí thư (chả nhớ tên), nơi anh H. sinh hoạt trước đó, sang trường mình triệu tập họp chi đoàn. Ông này là nghiên cứu sinh bên Sư phạm Lê nin. Bên đó đông sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh VN, có hẳn một chi bộ. Trường mình thuộc phạm vi “quản lý” của chi bộ đó. Ổng đề nghị chi đoàn bên mình cử 2-3 đồng chí đoàn viên ưu tú đi sinh hoạt cảm tình (bên trường kia). Các anh chị trường mình đùn đẩy mãi (“em chưa xứng đáng đâu anh!”), cuối cùng vinh dự đó rơi vào mình. Mình tính hay cả nể, không nỡ từ chối. Ừ thì đi. Đường xa. Rét. Vẫn cố đi 1-2 lần cho phải phép. Trong các buổi họp, Bí thư phát biểu rất say sưa, hùng hồn về triết học Mác-Lê, về Lý tưởng Đảng, về trách nhiệm của người đoàn viên phải kế tục sự nghiệp của cha anh. Vân vân và vân vân. Thật cảm động!

Đến một hôm, ông bí thư mời mình đi dự buổi bảo vệ luận án PTS của ổng. Mình chưa bao giờ nghe bảo vệ luận án PTS, nên cũng tò mò đi nghe cho biết. Ужас! Ông bí thư nhọc nhằn đọc từng câu trong báo cáo, chấm phảy tùm lum. Mình vẫn biết, và luôn thông cảm là dân Nghệ tĩnh không phát âm được âm “giờ”, nên nghe ông bí thư nói ngọng “u-va-Rái-e-mưi”, “u-Ré”, “pra-đal-Rái-em” … vẫn cho là chuyện bình thường. Nhưng mình chỉ không hiểu trình độ tiếng Nga của ổng có đủ để tự viết nổi luận án không, hay có người viết hộ. Rồi nữa ổng có hiểu những câu hỏi của hội đồng không? Hay người ta cho biết trước câu hỏi mà chuẩn bị câu trả lời. Mà trả lời đôi khi chẳng ăn nhập gì với hỏi. May mà người ta cũng chỉ hỏi 2-3 câu chiếu lệ thôi. Xong! Việt nam có thêm một PTS.

Từ bữa đó, mình không đi sinh hoạt cảm tình nữa. “Em bận ôn thi”. Ít lâu sau ông bí thư về nước. Năm học tiếp theo, ai đó lên thay chức bí thư chẳng biết, nhưng không thấy qua trường mình: ký túc xá trường mình chuyển đi nơi khác xa lắm, mãi tận metro Sokolniki phía bắc Moscow. May thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét