Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Quê ngoại

Quê ngoại mình ở Làng Cót, Từ liêm, ngoại thành Hà nội. Đó là ngày xưa, khi Hà nội chỉ có 4 quận nội thành, còn lại là các huyện. Còn bây giờ đô thị hóa ầm ầm, cái chốn thôn quê ven đô ấy đã trở thành Phường Yên hòa, quận Cầu giấy, Hà nội.

Hồi bé, mình sống với cha mẹ ở Thái nguyên, thường được cho về thăm ông bà ngoại và ở Hà nội luôn cả ba tháng hè. Ngày đó được về Hà nội là sướng lắm, đâu biết rằng mẹ phải gửi mình về vì muốn mình được ăn no hơn mỗi bữa, và hai đứa em cũng bớt phải ăn cơm độn khoai sắn mỗi cuối tháng. Mà cơm ở quê là nấu bằng gạo quê, thơm dẻo. Mình chỉ chan tý nước mắm cũng ăn no mấy bát. Chứ không phải thứ gạo hẩm bán theo sổ gạo cho cán bộ công nhân viên trên Thái nguyên.

Làng Cót nổi tiếng là làng nghề làm hàng mã. Gần nửa làng làm nghề này, còn lại làm ruộng, trồng lúa. Nhà ông bà ngoại có 8 người con, các bác, các cậu, dì lớn đã có gia đình, ở riêng. Hồi đó trong nhà còn lại 3 cậu và 1 dì, còn đi học. Ngoài giờ học, các cậu và dì đều phải ngồi làm hàng mã, tức là in và dán những xấp giấy bạc địa phủ mệnh giá 5 đồng, 10 đồng cho người ta đốt, gửi những người ở thế giới bên kia. Mình cũng phải tham gia làm những việc in in dán dán đó (tay luôn đỏ lòm vì phẩm hay bê bết hồ dán bột sắn), nhưng nhỏ nhất nhà nên được ưu tiên những công đoạn dễ hơn, và phải ngồi làm ít hơn. Làm hàng đã cực, nhưng mang được hàng ra đến chợ Đồng xuân, chợ Hàng da mà bán mới thật là gian nan. Mấy cậu phải tìm mọi cách để trốn tránh đội quân quản lý thị trường mai phục khắp nơi nơi và sẵn sàng lục tung, kiểm tra mọi thứ bao, bị, túi, hộp … mà họ cho rằng mang dấu hiệu của buôn bán. Hồi đó mọi sự buôn bán đều bị cấm tiệt, buôn bán hàng mã (mê tín dị đoan!) thì càng bị cấm. Tóm được là tịch thu! Chả bù bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa, nhà nhà đốt hàng mã, người người dùng hàng mã. Khác với nghề làm giấy dó ở làng Giấy bên cạnh (cái tên Cầu Giấy từ đó mà ra) đã thất truyền, nghề làm cốm ở làng Vòng cũng đang dần mai một (còn ruộng đâu mà trồng nếp), nghề làm hàng mã ở Cót vẫn phát đạt. Nghe đâu hàng mã ta còn xuất sang Đài loan. Mà hàng mã cũng biến tướng nhiều, ngoài giấy tiền, giấy bạc địa phủ ngày xưa còn thêm nào đô-la, nào tiền polymer, nào tán lọng mũ áo, ô-tô, nhà lầu, thậm chí máy bay … Nói đến đô-la âm phủ mới nhớ khoảng 3-4 năm trước báo chí Nga đưa tin cảnh sát Nga ập vào khám xét một ký túc xá người Việt ở Moscow, bắt được rất nhiều đô-la giả. Đây hẳn là đô-la ngân hàng địa phủ mà bà con ta mang sang thắp hương mồng một ngày rằm, ai bảo in cho giống đô-la thật làm chi, để dân Việt ta bên Nga mang thêm cái tội in tiền giả! Ở Làng Cót bây giờ người ta vẫn chỉ làm những loại hàng mã “truyền thống” mà thôi.

Mình nhớ ông ngoại hay sai mình sang mua quà sáng là bánh cuốn hàng nhà bà Cả Quyn (tên gì lạ, nói thì quen mà viết ra cứ có cảm giác viết sai). Bà Cả Quyn thường xay bột gạo bằng cối đá, xay cả ngày, cả đêm mới đủ. Sáng bà dậy sớm tráng trước một ít bánh, còn lại khách mua đến đâu tráng đến đó. Đến trưa là hết hàng. Thứ bánh cuốn mỏng, mềm mướt, trắng trắng trong trong, điểm chút nhân thịt với mộc nhĩ bằm nhỏ ấy mà chấm nước mắm cà cuống pha với hành phi, dấm ớt tỏi, tý rau thơm, ăn nóng lúc trời rả rích mưa lành lạnh, thì thật là cái sự sướng không bút nào tả được.

Một món ngon nữa mình thích ở quê là bánh trôi bánh chay. Thứ bánh bột nếp dẻo quánh lưỡi, ngòn ngọt đường phên, bùi bùi nhân đậu này trẻ con như mình ăn mãi không chán. Thời đó thèm đường thèm sữa là bệnh kinh niên.

Bà ngoại lại thích ăn quà sáng là món sắn luộc. Trời ơi thứ này mà là quà ư? Dân miền trung du như mình phải ăn thứ này hàng ngày, ít nhất là bữa sáng. Nhà nào nghèo cuối tháng cả 3 bữa đều cơm độn sắn, nghèo nữa thì sắn độn cơm. Thế mà ở Hà nội các bà già lâu không gặp nhau cũng mang đến cho nhau củ sắn luộc làm quà!

Thực ra điều mình làm khoái nhất khi về quê ngoại là được đọc sách thỏa thích. Nhà bà chị họ có tủ sách mê ly, cả trăm quyển, mà lại là sách thiếu nhi hẳn hoi, không phải “Thép đã tôi thế đấy” và "Ruồi trâu" (hai cuốn sách gối đầu giường của cha). Mình cứ sang mượn từng quyển một, đọc hết lại đổi. Nhớ có lần mình về quê vào dịp Tết. 28 Tết nhà gói bánh chưng. Tối, các cậu dì không ai chịu canh nồi luộc bánh vì mải đi chơi. Mình xung phong luôn. Mấy khi có dịp thức đọc sách suốt đêm mà không ai bắt đi ngủ! Ngoài trời thì rét căm căm, trong này bếp củi gộc tre đượm hồng. Ngồi lọt trong ổ rơm êm, quấn thêm cái chăn dạ, thắp đèn dầu lên và thả hồn vào thế giới của những trang sách. Đêm đó mình đã nghiền sạch cả cuốn sách đi mượn, Robinson Cruso thì phải, cả mấy cuốn sách giáo khoa Trích giảng văn học của cậu, dì. Rồi đến gần sáng thì xơi cả tập tin telex đánh máy của Thông tấn xã Việt nam mà mình moi được từ mớ giấy đồng nát bà mua về gói hàng mã. Trong trang tin TTXVN lần đầu tiên mình thấy một cách xưng hô ngôi thứ ba rất lạ: không phải “Chủ tịch”, hay “đồng chí”, hay “lãnh tụ vĩ đại” Mao Trạch Đông, mà chỉ đơn giản Ông Mao; không phải “thằng”, mà là Ông Nichxơn, Ông Kit-sinh-giơ. Sau này mới hiểu đó là ngôn từ báo chí chưa tô son chính trị hay trát phấn ngoại giao. Lúc đó chỉ thấy lạ, nhưng cũng chẳng quan tâm lắm, vì sáng ra còn bận thưởng thức cái bánh chưng cua vớt sớm - công lao thức đêm luộc bánh. Ngon dã man!

Chiều hè, mình thường chạy ra lũy tre cuối làng chơi, từ đó có thể phóng tầm mắt qua đồng Bông đến tận chân trời, xa lắm xa lắm mới thấy thấp thoáng bóng cây bóng nhà, về hướng Nam là Trung hòa – Nhân chính, về hướng Tây bắc là Dịch vọng, nơi có cốm Vòng nổi tiếng (sau này mới biết). Lũy tre là nơi những người nông dân đi làm đồng về dừng lại nghỉ chân, rửa cuốc, cày, bừa … chỗ cầu ao, hóng chút gió nam mát rượi, chiêu ngụm nước vối, trao đổi vài câu với nhau, rồi lại tất tả về nhà lo bữa cơm chiều. Phía ngoài lũy tre là con mương chạy dài ra tận cuối đồng Bông, xa lắm, ở đó có gì mình cũng không biết, ông bà không cho phép mình đi chơi xa thế.

Sau này, 13-14 tuổi, học Chuyên ngữ Sư phạm rồi, mình mới tìm ra chỗ đầu con mương cắt con đường từ Cầu giấy về Đại học SP, ngang với đoạn Chợ Xanh, để từ đó đi theo mương tắt về cuối làng, khỏi phải vòng ra tận Cầu giấy, mỗi khi muốn từ trường về thăm ông bà. Gần Bưu điện Từ liêm hồi đó (nay là Bưu điện Cầu giấy), có một bia đá rất to, người ta gọi là Mả Quan Năm. Đây là bia đánh dấu nơi đại tá thủy quân viễn chinh Pháp Henri Riviere bị quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc giết ngày 19.05.1883.

Mười năm trước, năm 2000, khi mình đưa gia đình từ Ukraine về Hà nội thì cánh đồng vẫn còn, lũy tre vẫn còn, tuy hơi xác xơ. Lúc đó cha mẹ mình đã nghỉ hưu, từ Thái nguyên chuyển về đây sinh sống. Đưa Việt và Nam ra đồng chơi, thả diều, bắt châu chấu, chuồn chuồn. Đó là lần đầu tiên trong đời 2 bé được nhìn thấy con lợn, con trâu, con bò, con vịt, cây chuối, cây bưởi, cây bèo … và nhiều nhiều thứ nữa.

Bây giờ cả cánh đồng Bông đã trở thành một công trường xây dựng khổng lồ với những con đường mới mở và vô số tòa nhà cao tầng. Chỗ trước là lũy tre thì nay là Trường Mầm non. Cái cống Cót đầu làng xưa hẹp tý, mỗi lần đi qua mình cứ sợ rơi tòm xuống sông Tô lịch, không còn. Thay vào đó là chiếc cầu bê-tông kiên cố, bề thế. Nhưng cũng chẳng rộng hơn là bao, vì người ta ngồi bán hàng rong, đỗ xe … mất ½ lòng cầu. Những con đường làng nhỏ, lát gạch với rãnh nước bên cạnh được thay bằng những con đường đổ bê-tông, cống hộp, nhưng vẫn nhỏ hẹp như xưa. Trên đường làng không còn phơi rơm rạ, mà đầy những đống cát, sỏi, gạch. Cả làng như một công trường. Người ta xây nhà, sửa nhà, nâng cấp nhà … liên miên. Bây giờ không còn ai làm ruộng, bởi làm gì còn ruộng. Bây giờ nửa làng sống bằng nghề làm hàng mã và cho sinh viên thuê nhà. Nửa còn lại chích hút, đề đóm, tổ tôm, cá cược bóng đá, ngồi lê đôi mách …

Ông bà ngoại mình đã mất từ lâu. Bà Cả Quyn cũng mất rồi. Không còn hàng bánh cuốn ấy nữa. Một số tư liệu ghi là làng Cót có món bánh cuốn khá độc đáo, nhưng mình thấy ngoài hàng bánh bà Cả Quyn thì các hàng khác cũng thường thôi. Làng Cót giờ thay dổi quá nhiều. Người làng mà đi xa 5-7 năm mới về có khi lạc lối không tìm ra ngõ nhà. Nhưng làng Cót vẫn là làng Cót. Vẫn giữ được ngôi Đình làng bề thế, Đền thờ Thành Hoàng uy nghiêm, các miếu thờ dòng họ vẫn quanh năm hương khói. Nghe nói dòng họ Nguyễn Công trong làng nhất định không chịu di dời mộ tổ để giải phóng mặt bằng cho khu đô thị mới, làm tòa nhà cao tầng đang xây dở bị treo 6-7 năm rồi.

Làng Cót nay như một ốc đảo nằm lọt giữa những phố phường sầm uất. Có lẽ phải gọi làng Cót là một tổ kiến khổng lồ mới đúng, gần 3 vạn nhân khẩu cả bản xứ lẫn nhập cư và người tạm trú, chen chúc nhau trong cái làng chỉ hơn 1 km vuông. Xưa các cụ ở nhà thấp, có vườn có sân rộng rãi. Đến thế hệ sau mỗi mảnh đất lại chia 4 chia 5 cho các con. Thế hệ sau nữa mỗi mảnh nhỏ lại chia 2 chia 3. Rồi cứ thế ... Nên mới sinh ra những cái nhà 15-20 m2 mà cao 4-5 tầng. Nhà nọ chồng lên nhà kia, ban công này chìa sang ban công khác, đi trong ngõ mưa không ướt đầu. Làm gì có sân, nói chi đến vườn. Tiếc thay, những căn nhà cổ kính của cái làng ngàn năm tuổi này cứ dần mất đi, thế bằng những cái hộp bê tông méo mó, xẹo xọ, chen chúc. Chỉ những người từng sống ở đây khi đi ngang qua mới biết được kế bên đường Láng và sông Tô lịch, kế bên trục đường Cầu giấy-Xuân thủy, phía cuối đường Trần Thánh Tông (đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài), kế bên đường Phạm Hùng với tòa nhà Keangnam chọc trời, kế bên khu đô thị Trung Yên khang trang có một làng Cót chật chội, nhem nhuốc, cao thấp, thụt thòi.

Nơi đây đã từng là vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót) với 10 tiến sĩ nho học và rất nhiều cử nhân, tú tài nho học trong thời phong kiến, khi mà làng Cót còn có cái tên mỹ miều là Hạ Yên Quyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét