Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Chính biến tháng Tám 1991

Mình đi du học ở Liên Xô đúng vào thời kỳ ông Mikhail Gorbachev, TBT ĐCSLX, Tổng thống (đầu tiên và cuối cùng) của Liên Bang Xô Viết, đang tiến hành công cuộc "cải tổ" (perestroika). Ông Gorbachev không hẳn là từ bỏ CNCS, mà muốn thực hiện cải cách dân chủ, nhằm xây dựng một xã hội nhân văn, minh bạch, một CNXH "có bộ mặt người", theo cách nói của báo chí xô viết thời đó. Chính sách đổi mới của ông Gorbachev được dân chúng ủng hộ, nhưng phần nào làm nền kinh tế vốn trì trệ từ nhiều năm trước đó giờ lâm vào suy thoái, làm suy yếu thể chế chính trị, dẫn tới việc một số nước cộng hòa (nhất là 3 nước vùng Bantic - Litva, Latvia và Estonia) công khai đòi thoát ly khỏi chính quyền liên bang. Vì thế, perestroika vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhóm "bảo thủ" trong ban lãnh đạo ĐCSLX.

Mikhail Gorbachev - 1987 (nguồn: Wikipedia)

Ngày 19 tháng 8 năm 1991, khi xảy ra cuộc đảo chính ở Mátxcơva, mình mới tốt nghiệp Đại học, còn chưa về nước. Hôm đó mở TV như thường lệ, thấy các kênh đều trống trơn. Mãi hôm sau, khi TV phát sóng trở lại, mới biết một nhóm các nhà lãnh đạo ĐCSLX tuyên bố bãi nhiệm ông Gorbachev và giành lấy quyền lãnh đạo đất nước. Trong khi ông Gorbachev gần như bị giam lỏng ở Foros (Crưm), nơi ông đi nghỉ hè, thì ông Yanayev Gennađi được cử làm Tổng thống tạm quyền.

Những người lãnh đạo cuộc đảo chính.
Ông Yanayev Gennađi ngồi thứ hai từ phải sang.
(nguồn: internet)

Ngay lập tức, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện chúc mừng "đồng chí" Yanayev. Hình như trên báo chí VN còn kịp đăng tiểu sử và bài viết ca ngợi ông  "Tổng thống ba ngày".

Tổng thống Nga Yeltsin phát biểu trước cuộc biểu tình
(nguồn: internet)

Những người làm đảo chính lật đổ ông Gorbachev có lẽ đã bỏ sót một nhân tố vô cùng quan trọng, đó là quyền lực của ông Boris Yeltsin, người trước đó không lâu đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga. Đó là cuộc bầu cử toàn dân, chứ không phải do Quốc hội bỏ phiếu. Ông Yeltsin cũng được sự ủng hộ của nhiều tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, công an, an ninh. Đáp lời kêu gọi của Tổng thống Nga, hàng trăm ngàn người dân Mátxcơva đã xuống đường biểu tình, đòi tự do dân chủ, ủng hộ ông Gorbachev, phản đối những người đảo chính. Họ bảo vệ tòa nhà Quốc hội khi quân đội phe đảo chính đưa xe tăng vào thành phố, bao vây đài truyền hình, các cơ quan nhà nước, trụ sở cơ quan an ninh ...

Xe tăng tiến vào thủ đô Mátxcơva ... (nguồn: internet)

... nhưng bị người biểu tình bao vây (nguồn: internet)
Quân đội và lực lượng đặc nhiệm Alpha từ chối nổ súng vào quần chúng nhân dân. Sau này, ông Yanayev nói rằng họ (những người lãnh đạo đảo chính) đã không ra lệnh nổ súng, chứ không phải quân đội và an ninh bất tuân lệnh. Đâu là sự thật, chúng ta không được biết. Chỉ biết rằng những người biểu tình đã chiến thắng.

Mấy hôm sau, khi nhóm đảo chính đã bị bắt giữ, tình hình đã tạm ổn, mình mới vào trung tâm thành phố chơi. Lên khỏi ga metro Dzerzhinskovo (nay là ga Lubianka), định ghé vào Detskiy Mir (cửa hàng "Thế giới trẻ em") mua quần áo, thì thấy dân chúng ùn ùn kéo đến đứng kín Quảng trường Lubianka. Đành ghé vào vườn hoa nhỏ gần quảng trường ngồi chơi. Vừa lúc đó, thấy dân chúng reo hò vang dội, hóa ra ông Yeltsin đến, phát biểu trước công chúng biểu tình. Mình đứng rất xa nên chẳng nghe thấy gì. Sẵn máy ảnh, vừa bấm vài pô thì một thanh niên cao lớn, tóc ngắn, râu ria cạo nhẵn nhụi, khoác chiếc áo da, tiến đến. Anh ta lật nhanh ve áo cho mình xem cái thẻ nhân viên an ninh, hỏi tại sao chụp ảnh. Mình bảo tôi là sinh viên VN tốt nghiệp sắp về nước, chẳng quan tâm gì đến chính trị, nhưng thấy cảnh tượng náo nhiệt vui quá nên chụp vài cái kỷ niệm. Anh ta nói chắc lại chụp ảnh bán cho báo nước ngoài chứ gì, bán mấy cái ảnh này chắc kiếm nhiều tiền lắm. Bây giờ ở ta cái kiểu nói thế này nghe quen quen, nhưng lúc đó mình hơi ngạc nhiên, vì đâu có biết gì về báo với chí, vả lại ma nào thèm mấy cái ảnh đen trắng chụp máy Zenhit amateur của mình, mà lại chụp từ xa, chẳng rõ mặt ai với ai. Thế mà tay an ninh đòi tháo phim nộp cho nó, không thì phạt tiền. Mình cũng hốt, nên đưa cuộn phim. Ngay lúc đó có một nhóm dân biểu tình đi ngang, một bà trung niên thấy vậy, dừng lại, chỉ thẳng vào mặt tay an ninh, chửi: "Thằng khốn! Giờ này mà mày còn tính chuyện tống tiền à?". Tay an ninh lỉnh liền, nhưng nó đã kịp rút tung cuộn phim của mình.

Dỡ bỏ tượng Felix Dzerzhinskiy
(Nguồn: internet)
Điều khiến mình vô cùng sửng sốt là người dân Nga (Liên Xô nói chung) vốn hiền lành và thường sợ công an, đặc biệt sợ cơ quan an ninh. Thế mà bà kia dám chửi tay an ninh té tát không kịp vuốt mặt. Mình hiểu rằng xã hội Nga đã đổi khác kể từ những ngày chính biến này. Hôm đó, người dân Nga đã dỡ bỏ bức tượng khổng lồ của Dzerzhinskiy ở Quảng trường Lubianka, ngay trước tòa nhà trụ sở KGB. Felix Dzerzhinskiy là cánh tay phải của Lê-nin, là người đứng đầu NKVD (tiền thân của KGB - cơ quan an ninh Liên Xô), là biểu tượng của bàn tay sắt диктатура пролетариата (chuyên chính vô sản), mà ở Nga lúc đó người ta gọi là "красный террор" (khủng bố đỏ).

Sau đó, ông Gorbachev quay về Moscow, nhưng uy tín và quyền lực của ông đã suy giảm nhiều. Ít lâu sau, tổng thống ba nước Nga, Ukraina và Belarus (các ông Yeltsin, Kravchuk và Shushkevitch) họp kín và đưa ra quyết định chấm dứt sự tồn tại của Nhà nước Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết. Ông Gorbachev trở thành Tổng thống cuối cùng của Liên Xô. Sự sụp đổ của Nhà nước xô viết là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn trong lịch sử thế giới hiện đại nói chung, và với VN nói riêng.

Dễ hiểu vì sao sau vụ chính biến tháng 8 năm 1991, lãnh đạo nước Nga tỏ ra lạnh nhạt với Việt nam, những người đã "sốt sắng" ủng hộ ông Yanayev. Sự sụp đổ của Liên Xô, một đất nước đã dành cho VN những sự ủng hộ vật chất và tinh thần vô cùng to lớn trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và cả những năm sau thống nhất, mà nhân dân VN không bao giờ quên, khiến cho ĐCSVN không còn chỗ dựa. Và thế là những kẻ đã xua quân xâm lược nước ta năm 1979, đánh phá ta liên tục ở biên giới phía Bắc cho đến tận 1989, tàn sát bộ đội Hải Quân ta ở Trường Sa 1988 ... mới hôm qua còn là "thằng", là "giặc", là "bè lũ bành trướng bá quyền" ... nay thoắt cái trở thành "anh em", thành "đồng chí 4 tốt". Gớm thay cái lưỡi không xương!

5 nhận xét:

  1. Còn chuyện này nữa nhé (vụ lưỡi ấy mà):
    Tớ nghe kể lại có một (thằng/ ông) tây Nga ngố thuộc phe ĐCS (phe đảo chính) biết VN 'ủng hộ nhiệt liệt' Ianaiev nên sau khi Ensin lên và bắt đầu thanh trừng 'bọn phản động' vội chạy vào ĐSQ VN ở Moscow xin tị nạn chính trị. Về mặt nguyên tắc ngoại giao thì các ĐSQ đại diện cho một quốc gia riêng nên có những 'quyền năng' kiểu như vậy.

    Kết quả: ĐSQ VN không (dám) nhận. Thật là ông kia nhìn nhầm người :((

    Hèn.
    Nghe chán đời dễ sợ.

    Trả lờiXóa
  2. Ô kì cục cái comment này tớ post trước thế mà thấy mất tiêu. May còn copy lại được:

    Thấy cái tên entry mới về tàu điện ngầm của cậu tự bảo khiếp tung entry gì liên tục thế tớ ko kịp đọc và comment (vì trước đó thấy bài 1/9 này rồi mà chưa đủ thời gian để gặm nhấm).

    Ba ngày ấy tớ ở Odessa. Dân chúng Odessa vốn chả bao giờ quan tâm chính trị (cảng mà) nên lúc đầu cũng ngồi trong nhà coi TV bàn tán một tí, sau ko thấy ảnh hưởng gì tớ U (Ukraine) nên hôm sau lại ra đường đi chợ dạo phố như thường.

    VN mình vội vàng đưa ảnh + tiểu sử "đồng chí Ianaiev" lên trang nhất báo ngay hôm đó (có 2 nước 'vội vàng' thế thôi thì phải, anh VN và em Cuba, ha ha). Thế nên sau đó mới là cắt thẳng thừng các loại viện trợ từ Nga kể cả học bổng của tụi mình. Năm ấy tự dưng SV VN nhiều tên tốt nghiệp lên ĐSQ không lấy được tiền mua vé về nước thế là nghiễm nhiên 'được' ra hạn VISA ở lại hợp pháp.
    Tớ nhanh chân và vốn xác định từ trước là sẽ xách va li về ngay khi học xong nên kịp lấy tiền vé trước 1/9 :)

    Trả lờiXóa
  3. Lana, nước Anh có lẽ là nơi đáng tin cậy nhất cho những người tỵ nạn chính trị. Họ bảo thủ, và có những nguyên tắc bất di bất dịch hàng trăm năm, không ai lay chuyển được.

    Mấy ông tham gia đảo chính 1991 bị giam giữ, nhưng hình như không bị xét xử, đến 1994 thì được thả. Bọn mình cứ nói đùa là ông Yeltsin phải thả để lấy chỗ nhốt các tù nhân mới, đó là những người tham gia đảo chính lật đổ chính ông ấy (bất thành) năm 1993.

    Trả lờiXóa
  4. "manh vi gao, bao vi tien" nen VN ko so voi Anh duoc, danh chiu "hen" thoi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cha ông chúng ta trong lịch sử 4000 năm chưa bao giờ giàu, ít khi mạnh, nhưng không hèn như bây giờ.

      Xóa